Sáng tác

Con đường của mẹ con A Sử - Truyện ngắn của nhà văn Mạc Phi

Nhà văn Mạc Phi
Danh tác văn học
14:00 | 17/07/2024
Phải nói rằng con đường của mẹ con A Sử là con đường chẳng có một chặng nghỉ nào. Chỗ nào cũng là dốc, dốc lên tiếp dốc xuống. Hai bên đường gai móc kết bụi. Mặt đường nếu không đầy những mùn lá thì lại ngổn ngang những cây cành gai bụi mới bị rập xuống.
aa

Bác ta khoe với tôi rằng bác có ba tên. A Sử là một tên. Sếnh-gâu là một tên. Du kích là một tên nữa. Cái tên Du kích thì chỉ sau khi vợ bác bị lính Tây bức hại, bác mới có. Bởi vì mẹ già bác vẫn còn khỏe mạnh và vẫn đỡ bác được ít chút việc nhà, việc bản nên mẹ già bác cũng có tên là Mẹ Du kích!...

Từ đầu chiến dịch(1) chúng tôi ngày đêm tiến theo hướng bắc, đêm ấy đơn vị tôi đột ngột quành sang hướng đông. A Sử dẫn chúng tôi vượt qua một quả đồi gianh rậm rạp, một bãi lau cỏ cao lút đầu rồi tới một con đường tun hút quanh co. Con đường này tôi nhớ mãi mãi. Đó là con đường mà - tôi nghĩ - người ta có thể gọi nó là con đường của mẹ con A Sử.

Con đường giống hệt một cái hầm lá gấp khúc, oằn oại quanh co vô tận. Con đường đầy muỗi, dĩn, vắt và ngập những gai móc dây nhợ chằng chịt. Đối với người lính, gian khổ như thế không có gì lạ. Duy có điều là con đường này nó ngột ngạt quá. Hơi lá hầm hập, lúc leo dốc xuống dốc ai cũng lử lả như say. Mà leo dốc xuống dốc luôn luôn, không có lấy một đoạn đường bằng phẳng nào.

A Sử đi chân đất đạp gai dẫn đầu đơn vị. Gặp quãng nào rậm rịt quá, bác lại vung dao như một vị tướng tiên phong, chém tả phạt hữu, mở rộng lối cho đoàn người sau lách lên. Nhưng không phải chỗ nào A Sử cũng thông thạo. Nhiều chỗ bác phải dừng lại, băn khoăn nhận lại mặt đường.

Điều đó khiến tôi nghĩ vướng. A Sử được ban chỉ huy mặt trận cử ra đón chúng tôi. A Sử là du kích, A Sử còn là trinh sát địa phương. Lẽ ra A Sử phải thuộc đường lắm lắm. Tại sao A Sử lại tỏ ra không thông thạo đường?

Tôi bước dẫn mấy bước, theo sát bác định hỏi. Nhưng đường mò mẫm khó đi, lại thấy bác cứ hổn ha hổn hển thở không ra hơi, tôi bèn thôi không hỏi nữa, đợi đến chặng nghỉ sẽ hay. Phải nói rằng con đường của mẹ con A Sử là con đường chẳng có một chặng nghỉ nào. Chỗ nào cũng là dốc, dốc lên tiếp dốc xuống. Hai bên đường gai móc kết bụi. Mặt đường nếu không đầy những mùn lá thì lại ngổn ngang những cây cành gai bụi mới bị rập xuống. Chúng tôi đi, cứ đi mãi, mệt đến đứt cả hơi.

Lâu lắm mới thấy mặt đường nới rộng, tường cây hai bên hạ thấp dần dần. Bỗng nhiên tôi lóa cả mắt. Ánh trăng như một dòng thác bạc từ trên cao đổ xuống tung tóe. Tôi chọn một chỗ mà tôi cho là tốt nhất, truyền xuống cho đơn vị nghỉ.

A Sử dừng lại, lần tay ra sau lưng nới dây đeo dao rồi tựa vào một gốc cây ngay đấy, bác ngồi duỗi thẳng hai chân thở dốc. Tôi cũng ngả lưng lên ba lô, hít thở hồi lâu. Khi tôi quay mình lại định hỏi chuyện bác về con đường vừa đi tại sao bác lại tỏ ra không thông thạo như thế thì A Sử đã nhắm mắt ngủ rồi.

Dưới ánh trăng nom A Sử mới tiều tụy sao! Mặt bác tái xanh hốc hác, không còn ra người đứng tuổi nữa mà ra một ông già hẳn hoi. Chiếc áo ngắn cũn cỡn mở phanh, phơi trần một tảng bụng tròn và một bộ ngực lép kẹp, mỗi khi ngực nhô lên, bóng mờ những chiếc xương sườn hình như lại sẫm hơn, to hơn. Lòng tôi se lại. Tôi lật mình nằm ngửa, bâng quơ ngắm một ngôi sao mờ mờ xa tít chỉ khe khẽ nhấp nháy giữa bao nhiêu ngôi sao khác rực rỡ sáng chói...

Đơn vị nghỉ đã lâu, tôi đứng dậy vươn vai, nhấc ba lô. A Sử cũng giật mình chỏm dậy, vội vã rập hai gót chân vào nhau, đứng nghiêm trước mặt tôi theo tư thế quân sự. Tôi chưa kịp nói với bác câu nào thì ngay lúc đó, tiếng gà gáy đã vọng đến. Tiếng gà gáy xa xôi nhưng không mơ hồ. Tiếng gà gáy rành rõ, trong và rền; tiếng gà nhà quyết nhiên không phải gà cỏ; mà lại là tiếng gà ở một “bản tập trung”(2)nào đây chứ không phải tiếng gà ở những bản còn tự do, rải rác! (Điều này có lẽ chỉ là do tôi liên tưởng thôi).

A Sử reo khẽ một tiếng. Tôi hiểu ngay, hỏi lại:

- Đến rồi à?

A Sử gật đầu, vung tay ra đằng trước ra hiệu cho chúng tôi bước tiếp. Con đường tối om om, gai góc ngột ngạt kia thế là đã vượt qua rồi. Bây giờ là một con đường dễ dàng thoải mái hơn, con đường có đất rắn và cỏ ướt sương, cỏ lá gội trăng thoáng màu sáng bạc lóng lánh. A Sử đi trước, bước ngắn và mau, đuôi tóc thô cứng thõng xuống sau gáy. Chúng tôi men hết bìa rừng, tới một bãi lau cũng cao gần lút đầu rộng mênh mông rồi leo lên một đảo cây nhỏ. Đi hết đảo cây nhỏ ấy là tới ngã hai đường mòn toàn những gianh lau mọc xõa hai bên.

Tôi bố trí cho người sang liên lạc với ban chỉ huy trước, cùng với A Sử ngồi trên một khúc gỗ lớn trông ra con đường chạy ngang qua mòn nhẵn vệt chân người đi. Tôi hỏi chuyện A Sử. Bác ta vừa nói vừa ngước mắt nhìn lên ngọn nương cao trước mặt, một cách chăm chú. Suốt câu chuyện bác kể, tôi chỉ yên lặng nghe, nhiều lúc bồi hồi nhưng tuyệt nhiên không hỏi xen một câu nào, e làm bác bối rối.

- Con đường này ta không thuộc nó vì ta chẳng biết nó đâu. Ban chỉ huy cũng chẳng biết nó. Chỉ có mẹ già ta biết nó! - A Sử thở dài ngậm ngùi. - Mà biết nó thì từ ngày xưa lại cũng chỉ như là không ai biết nó!

Một hôm, bộ đội Bích gọi ta đến bảo: “Này! Du kích ơi! Cấp trên cho lệnh đồng chí ra Pác-Ma ngoài sông Đà đón bộ đội vào đây hội quân đấy!” Ta lúc ấy, bụng mừng nghĩ rằng: “Hội quân đông là sắp đánh to đến nơi!”, nhưng ta cũng lại nghĩ cái đường Pác-Ma vào đây khó biết bao nhiêu mà kể. Đường ấy - chẳng phải như đường chúng ta vừa đi đâu - nó không có rừng che cho. Chỉ là đường trên đám gianh, đám lau, đám cỏ, trên dòng suối thôi. Vốn dĩ Pác-Ma vào đây không có hơn hai con đường mà! Một đường to giặc nó đi mất, còn một đường gianh cỏ ấy thì người chúng ta cùng với giặc hai bên cùng đi. Bộ đội mình đông, bảo như đàn kiến đâu mà khuất vào gianh cỏ được. Bộ đội mình là một đoàn người trời, dòng dòng lũ lũ, chỉ một tiếng bước chân cũng đã động khắp đất núi. Giặc nó trông thấy bộ đội mất chứ, cái mùa trăng sáng lâu thế này! Thế thì giặc nó bắn vào bộ đội rồi sau nó thua, nó chạy trốn hết, đuổi nó thiệt bao nhiêu cơm gạo, nát bao nhiêu con đường của mình?

Lúc ấy, bộ đội Bích không thấu bụng ta mới nói: “Du kích này! Đồng chí không bằng lòng đi đón chúng nó phải không?” Ta tức lắm, cãi lại: “Đã gọi tên ta là Du kích phải không? Du kích là mũi tên, dây nỏ bật tách một cái, mũi tên liền bay đi ngay. Lệnh ra, mũi tên lại không bằng lòng bay đi là cái nghĩa thế nào? Bộ đội Bích có giải được cho ta nghe không mà lại nói ra với ta cái câu ấy chứ?”...

Ta về nhà, gói một gói cơm to, mài lại con dao thật sắc. Mẹ già ta hỏi: “A Sử, mày đi đâu xa đấy?” Ta nói: “Đi việc to lớn lắm, không có phép nói ra!” Mẹ già ta không chịu, cứ kêu: “Trời ơi! Con trai ta không gọi tên ta là Mẹ Du kích nữa rồi. Mới sớm nay ta vừa ngủ dậy, ta đã thành ra người xấu hại rồi phải không?” Ta lo mẹ ta tự tử mới bảo khẽ cho mẹ ta biết hết ta đi làm gì, ta nghĩ khó khăn trong bụng thế nào? Mẹ ta vứt bỏ đay xuống đất, chắp hai tay kẹp giữa hai đùi, bảo: “Du kích, con trai ta, mày nghĩ khôn đấy! Thôi, làm canh rau mặn mà ăn đi đã! Để mẹ nghĩ cho một lúc nào!...” Mẹ ta nói xong, đứng dậy đi vào trong buồng của mẹ...

Thì ra không kể con đường ai ai cũng biết lại còn có con đường không ai biết mà chúng ta vừa đi. Nó là con đường của đám buôn thuốc phiện ngày xưa. Con đường của đám ấy đi chỉ đám ấy biết. Trong đám ấy có cha ta là người Mèo. Cha ta không có tiền góp buôn nhưng cha ta bạo săn hổ săn gấu lắm, cha ta có riêng con đường bí mật lại có riêng một con dao không dao nào sắc bằng góp vào cho đám. Cha ta nghèo quá. Không có tàu ngựa, không có đàn dê đàn bò.

Tàu ngựa, đàn dê, đàn bò ở đâu mà ra hả? Cha ta bảo chính ở đồng bạc trắng mà ra. Nên cha ta nhất quyết đi theo đám buôn lấy thật nhiều bạc trắng. Bạc trắng có nhiều, cha ta chưa kịp nghỉ ở nhà đóng cái tàu ngựa, mua đàn dê, đàn bò thì cha ta đã cùng cả đám buôn ấy bị đám buôn khác giết vứt xác ở sau nhà gạch, nhà Co Chảy ngoài bến Tạ Bú. Mẹ ta không đi đường buôn thuốc phiện ấy nhưng mẹ ta lại biết được con đường buôn thuốc phiện ấy. Mẹ ta đứng trên ngọn nương này nhìn vào trong ruột đám cây xanh kia, đợi mãi, chờ mãi. Rồi bốn tháng, sáu tháng, mẹ ta khóc kêu: “Cái con đường thuốc phiện độc địa! Mày lừa người Mèo. Mày bắt chồng không được ngủ chung giường với vợ. Mày dẫn bạc trắng về. Mày lại đưa bạc trắng đi. Chỉ còn người chồng tốt của tao là mày không trả về nữa. Cái con đường ma quỷ, con đường độc địa mày! Ta khiếp sợ mày, ta oán thù mày, ta chôn mày vào trong bụng ta, ta lấp kín mày không cho mày lừa giết người Mèo ta nữa! Thế rồi mẹ ta một mình rấp kín lối vào, một tháng mới xong!”... Ô kìa! Có phải mẹ ta đã dậy nhìn ta rồi không?

Tôi nhìn theo ngón tay A Sử. Trên ngọn nương cao trước mặt chúng tôi in bóng sẫm của một chiếc lều canh. Trong chiếc lều canh bỗng lóe lên một ngọn lửa như một con mắt sáng đỏ. A Sử vội bắc hai tay lên miệng làm loa, hú một tiếng dài. Tiếng hú lăn trên cỏ nương xào xạc, một lát sau mới dội trả lại. A Sử hú một tiếng nữa. Ngọn lửa bị che khuất một lúc, sáng lên như cũ rồi nhỏ dần và tắt hẳn.

Người liên lạc đã quay về. Chúng tôi bỏ dở câu chuyện. Tôi hội ý chớp nhoáng với các cán bộ đơn vị, chỉnh đốn lại hàng ngũ, ấn định cự ly rồi cho lệnh tiến quân tiếp tục. Tôi đi gần như song song với A Sử.

- Rồi sao nữa, đồng chí Du kích?

- Ừ, ta kể tiếp... Mẹ ta vào trong buồng bưng mặt khóc hồi lâu, rồi mẹ ta khấn ma đường xin nó để cho ta mở lối dẫn bộ đội vào đánh giặc theo con đường mẹ ta đã thề chôn kín ấy. Mẹ ta khấn đi khấn lại mấy lần, cả mấy lần các ma đường lớn bé đều úp sấp mặt không cho. Mẹ ta vừa sợ ma vừa giận ma đến điên người lên. Sau cùng, mẹ ta nghĩ ra một lý. Bây giờ mẹ ta có tên khác rồi, mẹ ta tên là Mẹ Du kích. Còn ta, ra cũng chẳng phải là A Sử là Sếch-gâu như xưa, ta cũng thay tên rồi, tên ta bây giờ là Du kích kia mà! Ma đường mất phép làm hại mẹ con ta rồi. Thế là mẹ ta bước ra bảo cho ta biết cái con đường mà ta vừa nói và bộ đội vừa đi khỏi ấy. Song mẹ ta già rồi, mật không to như mật chúng ta. Mẹ ta vẫn còn sợ, đưa ta đến chỗ nghỉ lúc nãy rồi ở liền trên nương cao này đợi ta; thế là mẹ ta đợi ta một ngày một đêm. Nếu mẹ ta đợi ta không thấy trở về thì mẹ ta lại sẽ chôn con đường này vào bụng lần nữa, lấp kín nó và cùng chết với nó...

Tôi im lặng một lúc, bâng khuâng:

- A Sử vừa báo cho mẹ già biết A Sử về rồi. Thế là ma đường chịu phép mẹ con A Sử!

- Ma đường chịu phép mẹ con Du kích rồi chứ! - A Sử cẩn thận chữa lại.

Màn sương trắng mù mịt vừa nãy che lấp xóa mờ tất cả, bây giờ đang mỏng dàn gợn lên màu phơn phớt xanh. Mặt trăng vẫn dìu dịu trên đầu, vào những ngày này mặt trăng sáng mã cho đến khi nào mặt trời mọc cao sáng hơn. Một trái núi hùng vĩ, quanh thân quẩn đầy mây trắng hiện lên trước mắt chúng tôi. Tôi chợt nhìn thấy trên một lối cỏ cắt khác có một bóng người đàn bà Mèo lưng còn hẳn xuống dưới “bề” khá nặng. Tự nhiên tôi đoán chắc đó là mẹ già A Sử...

Đúng là mẹ già A Sử!

Mẹ già A Sử đang xuống núi xem bộ đội đi đánh giặc giải phóng nhân dân!

A Sử mừng quýnh lên phất mạnh cánh tay, ống tay áo rách xóa phấp pha phấp phới như một lá cờ lá chuối.

- Nỉa! Nỉa! Nỉa Du kích à!(2)

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!...

Tôi giơ tay vẫy và cùng với A Sử gọi to!...

Tưởng nhớ anh Sùng Phái Sinh,

tháng 9 năm 1963


1. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952.

2. Một hình thức tập trung dân để dễ kiểm soát và bóc lột của thực dân Pháp, giống như hình thức ấp chiến lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam (từ năm 1962) nhưng với quy mô nhỏ hơn.

3. Tiếng Mèo có nghĩa là: Mẹ! Mẹ! Mẹ Du kích à!

Người cầm súng - Truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu Trên vành chảo Điện Biên - Truyện ngắn của nhà văn Đặng Quang Tình Hoa rừng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Thị Xuân Quý Bức thư làng Mực - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Chí Trung Người kháng chiến - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...