Sáng tác

Anh Ban, chị Hương, chị Phát và người không chức danh - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Hồ Anh Thái
Truyện
10:00 | 16/07/2024
Chị vốn là một cô lái xe. Xe công nông. Cái thời nông thôn còn ít xe bán tải và ít xe máy, xe công nông có giá. Cứ phành phạch đường làng
aa

1.

Cái cô công nông cứ xình xịch chạy qua chạy lại trước mắt giai làng. Các giai bèn đánh cược với nhau, đứa nào hôn được cô công nông một cái thì được giải thưởng ấy giải thượng nọ. Vậy mới có chuyện một gã trai đứng bên đường vẫy xe công nông, anh vừa bị ngã một cái sây sát cả chân tay, em cho anh đi nhờ về làng với. Gã đã kịp đổ mực đỏ vào bắp chân tạo hiện trường tang thương. Tình huống cấp cứu làm cô công nông quên luôn cảnh giác. Cô cuống quít dìu gã lên thùng xe. Xe xoành xoạch chạy về làng. Từ thùng xe, gã trai vươn dài cái cổ lên ghé vào mặt cô gái, đồng thời cánh tay phải của gã giơ cao. Gã ra tín hiệu cho mấy thằng bạn đang đứng ở đằng xa theo dõi. Hai ngón tay hình chữ V. Victory. Chiến thắng rồi, thành công rồi.

Anh Ban, chị Hương, chị Phát và người không chức danh - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái
Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Này thì thành công. Cô công nông đánh mạnh tay lái. Chiếc xe đâm sầm xuống ruộng. Gã trai lần đầu tiên biết cảm giác chuyển từ phương tiện xe công nông sang đi máy bay. Gã bay vút lên khỏi thùng xe. Nhào lộn mấy vòng trong không gian rồi gã mới rơi xuống thửa ruộng ngập nước. Lũ bạn đằng xa chẳng thấy người gã đâu mà chỉ thấy cánh tay vẫn giơ lên cao. Hai ngón tay vẫn hình chữ V. Tư thế ở trên thùng xe như thế nào thì rơi xuống ruộng vẫn nguyên thế ấy.

Cho đám trai làng biết mặt rồi, cô gái bỏ luôn nghề lái xe công nông. Vừa lúc có ông chú ở thành phố gọi cô lên tìm việc cho. Cô rời làng, để lại sau lưng lũ trai làng mắt xanh lè mặt tái mét. Để lại câu ca dao đời mới của ông nhà thơ dân gian: Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không… Quên mất đoạn sau rồi.

Công việc mới của cô ở trong một cơ quan bộ. Bộ thành lập một tờ báo ngành, là cái nhà trẻ cho các sếp gửi con em mình vào. Cô công nông được một suất mầm non như vậy. Chưa biết mô tê gì, cô được phân công đọc mo rát, nói tiếng Tây morasse khó hiểu, người ta gọi là đọc bông, tiếng ta cũng khó hiểu, người ta phải giải thích cho cô rằng đọc mo rát tức là đọc bản in thử. Dò đọc từng chữ để phát hiện ra lỗi chính tả lỗi đánh máy. Nói bỏ quá cho cô, cô còn chưa hiểu khái niệm lỗi chính tả một cách chính xác. Cô ngập trong những trang báo đầy chữ, không hiểu thế nào là lỗi chính tả, lỗi đánh máy, không hiểu luôn cả những bài báo trong ấy. Cho đến một hôm cô cất tiếng hỏi rất to giữa phòng làm việc, Hồ Xuân Hương là đàn ông hay đàn bà?

Rú lên cười. Cả phòng. Tế nhị đến mấy thì đám biên tập viên kỹ thuật viên vẫn phải cười như bị ma làm. Cô mang biệt danh Hồ Xuân Hương từ đấy. Rồi người ta chỉ gọi tắt: cô Hương.

Lúc trẻ thì gọi là cô Hương. Cô Hương mo rát. Một thời gian sau chuyển sang làm trị sự thì gọi là cô Hương trị sự. Rồi chị Hương công đoàn, vì làm chủ tịch công đoàn. Rồi chị Hương phó tổng, vì được đề bạt lên phó tổng biên tập phụ trách phát hành. Đến khi ông tổng biên tập sáu mươi tuổi về hưu thì cơ quan toàn bọn trẻ họp bầu tổng biên tập. Nếu không bầu được tổng biên tập, người ta đưa người ở nơi khác về, người ở xa về thì mình lên bờ xuống ruộng. Thế là anh chị em bầu chị Hương là người tại chỗ. Chị Hương lên tổng biên tập. Thôi thì lãnh đạo là để có cái tên chịu trách nhiệm, chứ việc chuyên môn đã có ê kíp.

Ê kíp như thế nào thì sẽ kể ở phần sau.

2.

Ông tổng biên tập trước chị Hương là một cán bộ cấp vụ. Vốn ông là thư ký cho ban lãnh đạo bộ. Khi lập tờ báo ngành người ta đưa ông thư ký sang làm tổng chắc vì cho rằng danh từ thư ký đã bao hàm người có chữ nghĩa trong ấy. Ông sang làm tổng nhìn ê kíp biên tập viên phóng viên mà hoảng. Thì đã nói nó là cái nhà gửi trẻ kiểu sao hôm sao mai sao sáng.

Nhưng ông là người nhanh trí. Mình làm tướng, tướng không biết bắn súng nhưng tướng biết thuê lính đánh thuê về bắn súng thay cho tướng. Ông kéo được anh về. Anh. Một nhà báo có số có má nhưng về đây anh chỉ là biên tập viên thường không trưởng phó ban cũng không trưởng phó phòng. Anh chấp nhận đứng trong hậu trường chứ không lộ mặt sắm vai. Không một vai nào. Bù lại, anh được một ông tổng biết cái tài của người khác trân trọng cái tài của người khác. Ông tổng để mặc cho anh tự tung tự tác. Tạp chí ra một tháng hai kỳ. Fortnightly. Một mình anh làm hết. Chín mươi phần trăm là bài đặt cộng tác viên, anh biên tập lại. Mười phần trăm là anh tự viết. Một trăm phần trăm nội dung đưa lên ông tổng chỉ việc ký. Xoẹt. Xoèn xoẹt. Xong.

Anh cũng có phương châm giống như ông tổng: tướng giỏi là tướng không cần biết bắn súng mà giỏi ở chỗ điều binh khiển tá điều động được người khác đánh đấm cho mình. Đặt người khác viết cho mình. Đặt được nhiều người viết như thế không dễ. Đấy là cái tài của anh.

Anh vốn là nhà báo có số có má ở một tờ báo thuộc hàng tiên phong. Nhưng rồi anh gặp tai nạn nghề nghiệp. Những bài phóng sự điều tra đánh thức người đọc nhưng là những phát súng bắn vào các tập đoàn lợi ích. Các thế lực phản công. Họ sẽ không để yên cho cả tờ báo của anh nếu anh còn lộ diện ở đấy. Vậy là anh chọn con đường ra đi để cho tờ báo bình yên. Rút lui về nơi nước sạch cỏ xanh. Một thời gian. Rồi anh chấp nhận về làm chuyên môn cho tờ tạp chí ngành. Lặng lẽ không danh không tiếng.

Như đã nói ông tổng để yên cho anh lo phần nội dung, hầu như ông không can thiệp vào chuyên môn của anh. Bài anh đặt các cây bút có danh hoặc mới vào nghề. Bài anh viết. Có khi phải lấp đầy trang anh còn viết cả những tiểu phẩm châm biếm nhẹ nhàng. Bài anh biên tập và bài anh viết không bao giờ dùng dấu chấm than. Một câu cảm thán, một mệnh lệnh thức, tự câu văn đã bao hàm đầy đủ sắc thái cảm thán và mệnh lệnh thế thì chẳng cần đánh dấu chấm than vào đấy làm gì. [Sếp của chúng ta là con người suốt đời vì tập thể! Sếp là tấm gương! Sếp là bài học sống! Sếp là điển hình! Sếp là mẫu mực! Ôi! Tuyệt vời! Ngôn từ nào cũng không đủ! Sếp trong lòng anh! Sếp trong lòng em!]

Đấy, những cái dấu chấm than như một rừng giáo mác chĩa lên trời. Rối cả mắt, loạn cả mắt. Những cái dấu mệnh lệnh thật trịch thượng, những cái dấu cảm thán thật lâm li. Thử hình dung người ta nghe đọc câu ấy trên đài, chỉ cần nghe diễn cảm của người đọc mà cảm nhận, chứ cái tai đâu biết có cái dấu chấm than ở đấy. Có nghĩa rằng cái dấu chấm than là không cần thiết. Không cần.

Anh biên tập, anh tự viết tự duyệt, những cái dấu chấm than hoàn toàn lặn mất trên trang tạp chí. Còn nữa, anh chủ trương bỏ bớt các dấu phẩy, rất nhiều khi cái dấu này làm cho người ta bị vấp khi đọc. Này đây: Không phóng nhanh, vượt ẩu là an toàn cho mọi người. Câu này ngắt nhịp sẽ như sau:

Không phóng nhanh,

vượt ẩu là an toàn cho mọi người.

Vượt ẩu mới là an toàn. Vậy là khi biên tập anh xóa dấu phẩy. Phóng nhanh vượt ẩu ở văn cảnh này chỉ là một cụm từ không phải là hai khái niệm tách rời.

Bỏ dấu phẩy còn là khi người viết cần tạo sắc thái mờ ảo làm cho câu đa nghĩa. [Nàng bước đến cầm tay chàng khóc nức nở]. Nếu dấu phẩy đặt sau chữ tay có nghĩa là là chàng khóc, nếu dấu phẩy đặt sau chữ chàng có nghĩa là nàng khóc. Không đặt dấu phẩy, nghĩa sẽ rộng hơn, có thể là cả hai cùng khóc.

Ông tổng cũ chấp nhận để cho anh xóa dấu chấm than và dấu phẩy. Tổng mới là chị Hương cũng để mặc anh muốn làm gì thì làm. Cả hai người đều tự coi là họ ngoại đạo với báo chí văn chương họ để anh chủ động làm họ không can thiệp. Anh được yên mà họ cũng yên. Anh cũng nói rõ là anh đổi mới ngôn ngữ, nhưng học trò tập làm văn trong nhà trường thì cứ phải dùng dấu má theo đúng chính tả ngữ pháp nhà trường.

Anh được quyền chủ động thì anh tiếp tục đổi mới chữ nghĩa. Một lô dấu má tiếng Việt bị anh lược bỏ. Lược bỏ chứ không loại bỏ. Lược đi bất cứ chỗ nào nó không cần thiết. Dấu ngoặc đơn ngoặc kép, dấu hỏi chấm, dấu gạch ngang. Những thứ dấu chỉ làm rối mắt rối trí, nó khiến cho câu chữ phải đeo quá nhiều trang sức, giảm bớt vẻ đẹp tự nhiên. Cứ hình dung một trang nam nhi đeo thật nhiều trang sức, hoa tai, dây chuyền vàng, lắc vàng, nhẫn vàng ruby, đồng hồ bạc. Bằng ấy thứ lỉnh kỉnh trên người. Móc, đeo, treo. Cứ thêm một thứ là bớt nam tính đi một tí.

Thêm vào mà lại bớt đi.

3.

Nói chuyện trang sức và nam tính tức là động chạm đến người thứ ba. Đấy là anh Ban.

Một anh chàng rất nhiều tóc nhiều râu. Mới đầu còn bị gọi là anh Xồm vì râu quai nón râu cằm ria mép, đủ cả. Đủ các loại râu, tóc thì dài ngang vai, cao mét bảy lăm. Dáng vẻ hầm hố thế, có hôm anh ta lại tuyên bố những thằng cao dưới mét bảy mà để tóc dài ngang vai, trông thấy chỉ muốn chặt đầu. Chặt đầu. Đúng là dòng giống thấp bé nhẹ cân, những thằng đã lùn tóc lại dài xõa xượi bết bát kinh thật. Nhưng tóc dài hay tóc ngắn là bẩm sinh là nhân quyền, anh lại lấy chiều cao làm lý do để triệt hạ người ta. Cái cách xử lý đúng là Taliban. Người ta gọi ngay anh là anh Ban. Mà đúng là Ban. Râu dài tóc dài và một vài thứ khác cũng dài.

Ban làm cái việc ngày trước của chị Hương. Sửa bản bông. Ban cũng học theo chị tổng Hương là tôn trọng chính tả của anh. Cả tòa soạn đều biết, đến tổng và phó còn phải nể anh, cơ quan mấy chục người thực ra chỉ có một người làm nội dung, tôn trọng là phải. Mà cái người làm nội dung ấy đã tuyên bố không công nhận chính tả hiện thời. Thế thì chẳng ai dám sửa. Ban cũng chẳng sửa.

Đang nói chuyện trang sức. Ban có tướng mạo của Taliban, nhưng hoàn toàn đi ngược đường lối của họ. Lực lượng ấy rất ghét trang sức ở đàn bà cũng như đàn ông. Họ khuyên con người sống đơn giản bình dị. Đàn ông đeo nhẫn đeo lắc là chặt ngón tay chặt cổ tay. Đeo hoa tai cắt tai. Đeo dây chuyền cắt cổ. Xứ họ đàn ông không có đeo gì trên người. Đằng này anh Ban ở tòa soạn thì đủ bằng ấy thứ. Bạn bè trêu anh lỉnh kỉnh trên người đủ bộ của anh bán hàng rong. Kính bút máy đồng hồ bật lửa chùm chìa khóa nhẫn vòng tay dây chuyền hoa tai. Râu dài tóc dài mà đeo bằng ấy thứ lên người, thêm một thứ là nam tính hao hụt đi một tí.

Văn chương mà thêm một cái dấu trang sức là vẻ đẹp tự nhiên lại bớt đi một tí.

Ban lại có cái tính hay giơ tai nạn ra làm lý do. Tám giờ sáng họp giao ban cơ quan, họp gần xong thì Ban mới đến. Ban kể đang đi thì ngay trước mặt một thằng xe máy đâm gẫy chân một bà già. Thằng xe máy biến mất nên Ban phải nhảy xuống đưa bà già đi bệnh viện. Được phân công đi phát hành tạp chí cùng với trị sự, Ban cũng quên có mặt. Lý do: phải đưa ông bố đi cấp cứu. Được phân công đón lãnh đạo bộ đến làm việc với tòa soạn, việc của Ban là đứng đợi ở sảnh lễ tân đón lãnh đạo rồi đưa lên tòa soạn ở tầng 23. Lãnh đạo đến, chẳng thấy ai đón, tự đi thang máy lên thẳng tòa soạn, lãnh đạo cũng chẳng lấy đó làm điều. Thì ra Ban không chỉ bỏ nhiệm vụ mà còn không đến. Ngày hôm sau Ban gãi đầu gãi tai trước chị Hương, hôm qua em phải về quê đưa tang ông chú em, chú em chỉ trèo cây hái nhãn, đang mùa thu hoạch nhãn, ngã có một cái từ trên cây xuống mà đi luôn.

Tin lời Ban thì họ hàng Ban ở quê đã lần lượt theo nhau đi hết cả rồi. Khi cần tạo ra lý do, Ban không ngần ngại đem hết họ hàng ra đặt cược, nói chính xác là hy sinh toàn bộ người thân. Ngay cả cha mẹ Ban cũng bị Ban cho đi viện cấp cứu hết.

4.

Thấm thoát cũng đủ năm đủ tháng cho chị Hương về hưu. Vụ tổ chức đưa một chị khác về làm tổng biên tập. Chị này là dân làm báo có thâm niên, từng làm trưởng ban ở một tờ báo khác, rồi về hưu từ bên ấy. Các báo ngành được phép thuê người đã về hưu ở nơi khác về làm tổng của mình. Chị về hưu cũng tốn kém chút ít để được về làm tổng ở đây. Một đời đi làm báo mà chưa được ngồi ghế tổng, thì chị cũng sẵn sàng chi một khoản để nhận cái ghế ấy. Để thỏa mãn ao ước một đời.

Chị tổng vừa về thì Ban xin nghỉ ba ngày. Bố em bị tai biến, đang đứng giữa nhà thì lăn quay ra, nguy cấp lắm rồi. Chị tổng lập tức rút ví đưa cho Ban năm triệu, cho chị góp chút ít lo cho bác em nhé. Ai cũng thấy là chị thông cảm sâu sắc với Ban.

Nhưng chỉ một thời gian sau thì thấy không phải chỉ với một mình Ban.

Chị tổng đi qua quầy thường trực, thấy anh thường trực đang mở cặp lồng ăn trưa. Anh ăn dấm dúi trong một góc sảnh. Người ta thường kéo nhau ra quán gần đấy ăn trưa, anh này hoàn cảnh không bằng người ta, anh phải mang cặp lồng theo, ăn uống đơn sơ. Chị rút túi ra cho luôn hai triệu. Như người ta cho nhau hai chục. Cô kế toán bị chồng ghen, đánh cho sưng mặt, đến cơ quan cô khai giấu là bị ngã xe. Chị tổng cho luôn một triệu sửa xe. Sờ đến ví thì không còn tiền mặt. Chị bảo cô kế toán đưa số tài khoản của cô để chị chuyển tiền. Cô kế toán sưng mặt ngại quá, ra sức từ chối mà không được. Chị tổng lấy được số tài khoản của cô, nạp vào máy, rồi bấm. Tách một cái. Tiền đã chuyển.

Cứ thế. Người con ốm mẹ ốm, người mất xe máy mất ví tiền, người chết con mèo chết con chó. Chị tổng rút tiền ra phát. Phát. Phát. Phát. Đến mức người ta gọi chị là chị Phát. Cả cơ quan đều được lộc. Đến cả lễ tân thường trực cho tòa nhà mấy chục cơ quan cũng được lộc. Không ai theo chị suốt ngày để mà biết, chắc là chị ra đường cũng khối người được lộc. Nhưng chị Phát tốn nhất là cho anh Ban. Anh Ban cứ đi muộn cứ xin nghỉ. Chị Phát cứ phát và phát. Lòng tốt của chị không biết đến hai chữ cảnh giác. Sao mà người nhà Ban ốm và tai nạn nhiều thế.

Đang đà phát tiền, chị tiến tới phát thêm một số thứ. Vừa mới về, đọc duyệt báo, chị thò bút vào sửa. Những câu đối thoại anh biên tập để hòa lẫn vào câu trần thuật, anh chủ ý làm như vậy, chị Phát bèn đặt nó vào trong ngoặc kép. Những câu mệnh lệnh, chị tương vào cho mấy dấu chấm than. Những dấu phẩy anh đã chủ ý lược đi, chị đặt bút thêm vào cho đủ. Anh không để ý cho đến khi bài in ra. Cầm tờ tạp chí mà nhếch mép cười. Chị ạ, anh nói với chị Phát, chị tặng tiền thì người ta nhận, còn tặng một lô dấu ngoặc kép như thế này, tác giả không nhận đâu.

Tặng tiền và tặng các loại dấu, hai cái tặng ấy khác hẳn nhau.

Chị Phát giở lý lẽ chính tả nhà trường ra. Anh đưa lý luận sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật ra. Chị Phát lúc ấy mới nhận ra lý do tại sao hai tổng trước phải thỏa hiệp mà để yên cho anh làm việc. Ở đây chỉ có một mình anh làm thay cho cả tòa soạn.

Trước đến nay chị Phát vẫn không thích kiểu xóa bỏ cái dấu ngoặc kép để câu đối thoại trộn lẫn vào câu trần thuật. Chè sen là chè sen, chè sữa là chè sữa, chè long nhãn là chè long nhãn, cái nào ra cái ấy. Chị không thích chè thập cẩm. Không thích kiểu trộn lẫn vào nhau cho mờ ảo cho đa nghĩa.

Chị Phát không tặng dấu cho anh nữa. Nhưng tặng tiền là cái tính không sửa được. Phát. Phát. Phát. Cả cơ quan ở trong tình trạng thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Cứ thản nhiên hưởng thái bình. Nhận. Nhận. Nhận.

Cho đến khi tai họa ập đến. Cắt đứt luôn nguồn ban phát. Chồng chị Phát bị bắt đi tù.

Vấn đề ở chỗ ông chồng là đại gia. Lâu nay chị Phát không hề phải lo tính đến kinh tế gia đình. Cơ quan điều tra kết luận chị Phát không liên quan gì đến đại án của đại gia. Giữa ồn ào thị phi, chị Phát vẫn tiếp tục giữ dáng vẻ một người đàn bà thép, một iron lady, nhìn vẻ mặt chị hàng ngày không ai biết trong lòng chị xáo trộn thế nào.

Nhưng hành vi thì không thay đổi. Hay là có thay đổi mà mọi người không biết. Đúng vào thời gian cơ quan chuyển sang làm việc trực tuyến. Online với cả zoom. Một mình chị đến ngồi ở cơ quan, đối mặt với mấy chục cái mặt người trên màn hình. Những mặt người ấy sạch sẽ chỉnh tề nhưng rất có thể bên dưới đang mặc quần soóc. Những mặt người ấy đang theo dõi không bỏ sót một thay đổi nào trên nét mặt của chị. Theo dõi cả giọng nói nữa vì có người nhắc âm thanh hơi bị rè. Không phải do đường truyền âm thanh, giọng chị có hơi rè đi thật. Thanh hơi rè và sắc cũng hơi có vấn đề. Mặt ai nhìn ngoài cũng đẹp nhưng phơi lên điện ảnh là lộ khiếm khuyết. Hai nửa mặt không bao giờ đều nhau. Một mắt to một mắt bé. Một mép bằng một mép hơi nhếch. Một cánh mũi thẳng một cánh mũi hếch. Họp trên zoom là kết luận được ngay rằng mình không làm diễn viên điện ảnh được.

Họp mà chỉ toàn nghĩ đến chuyện mặt mình mặt người. Cho đến khi chị Phát nhắc hôm nay là ngày thành lập ngành. Lúc ấy mới thấy trên mặt bàn chị đã đặt sẵn một tập tiền. Loại tiền một trăm nghìn đồng. Đang giữa trận dịch, thôi thì không gặp nhau trực tiếp được, ta mừng tuổi ngành theo kiểu on lai. Chị tháo dây chun, cầm tập tiền trên tay như cầm bộ bài tây, hướng về từng cái mặt mà chìa cho mỗi cái mặt một tờ. Như chia bài. Đây là cho anh biên tập. Đây là cho Ban. Đây là cho C. Cho D. Cho XYZ. Phát từng tờ. Cứ thế. Phát. Phát. Phát.

Cái mặt nào cũng cười tươi. Cái mặt nào cũng kèm theo vỗ tay. Cái mặt nào cũng chìa tay ra nhận. Phát và nhận đều qua màn hình. Hân hoan. Hào hứng. Rôm rả. Đều nhận ra là quà được phát đã xuống giá cả chục lần. Ngày trước phát toàn tiền triệu, giờ chỉ có một trăm nghìn. Một trăm nghìn. Cũng có người trong đầu thắc mắc. Chẳng biết mai kia bớt dịch trở lại cơ quan ngồi họp có được truy lĩnh hay không. Hay là phát và nhận chỉ là cứ qua màn hình như thế này thôi nhỉ.

Báo Văn nghệ số 2+3+4/2023

Hoa rừng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Thị Xuân Quý Bức thư làng Mực - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Chí Trung Người tị nạn - Truyện ngắn của nhà văn Lê Vĩnh Hòa
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.