Kính tặng đồng chí Thấp,
một người cộng sản trẻ tuổi đã hy sinh.
1
Đồng chí huyện ủy nói với tôi:
- Cách đây hai năm, đồng chí Bí thư huyện có bảo rằng: ở tận tít trong rừng sâu, ở vùng núi Hai, chúng ta có một kho vũ khí đủ để trang bị cho hai đại đội. Năm bốn tám khi ta rút đi, vì gấp quá nên chưa mang theo kịp... Rồi đồng chí Bí thư huyện bị giặc giết. Cả huyện này nằm gọn lỏn trong tay địch mất hai năm trời nay; các cơ sở của ta quanh vùng núi Hai bị tan rã gần hết, do đó không còn ai biết đường nào mà tìm ra kho vũ khí ấy nữa. Chúng tôi cũng đã mấy lần cử người đi thăm dò tình hình, nhưng vẫn chưa thu lượm được một chút tin tức nào về cái kho ấy cả.
- Đồng chí có thể chỉ rõ cho tôi vị trí của núi Hai được không?
Đồng chí huyện ủy vội vã lấy tấm bản đồ cũ kỹ ra, hai chúng tôi châu đầu nghiên cứu với nhau gần suốt đêm...
Sớm hôm sau, tôi từ cơ quan huyện ủy thẳng hướng tìm đường đi về phía núi Hai. Đồng chí dẫn đường của tôi nửa chừng bỗng lên cơn sốt rét nặng, nên phải gửi lại ở một bản Mường. Vì nhiệm vụ khẩn cấp nên tôi đành tiếp tục ra đi một mình. Tôi ăn mặc giả người đi rừng, vai mang ruột tượng gạo hăm hở tiến vào rừng sâu. Nhiệm vụ thật khó khăn; tài liệu về kho tàng này hầu như không có gì; tôi chỉ có lòng quyết tâm là cái vốn tài liệu quý giá nhất.
Đã hơn ba ngày, tôi vượt qua biết bao nhiêu là suối là đèo. Tôi đã đi vòng lại vùng núi Hai biết bao nhiêu lượt. Ruột tượng gạo đã gần khô cạn, nhưng kho vũ khí vẫn chưa thấy tăm hơi. Tôi nghĩ ngợi thật rầu rĩ trong lòng. Khi trao nhiệm vụ đi tìm kho tàng cho tôi, tỉnh ủy có dặn kỹ càng rằng vũ khí hiện nay là vấn đề tối quan trọng, Đảng đang cần phát triển những đơn vị bộ đội mới. Con người thì chúng ta có; tinh thần hăng hái cách mạng của chúng ta cũng có; chỉ có vũ khí là thiếu thôi. Vì vậy, phải tìm cho bằng được kho vũ khí.
Đêm ấy, tôi ngủ trên trạc cây cao, suy nghĩ mông lung gần thâu đêm mà vẫn không nhắm mắt được. Có tiếng hổ à uôm ở phía xa, vài con chim đêm kêu lên những tiếng nghe sởn gáy. Đêm đó, tôi mơ thấy đã tìm ra được kho súng. Chao ôi! Nhiều súng quá! Súng lớn, súng bé, súng mẹ, súng con nhìn mà hoa cả mắt. Tôi reo to lên... thì chợt bừng tỉnh dậy; tôi giật mình nghiêng người, ngã bổ nhào. Hú vía! May ra chiếc ruột tượng gạo buộc ngang lưng còn giữ tôi lủng lẳng trên cành cao.
Sáng sớm, rừng thức giấc. Bầy chim nhỏ ríu rít trên đầu; vài chú gà rừng thấy động bay nhớn nhác. Giấc ngủ đêm qua đã đem lại cho tôi thêm nhiều sức khỏe, nhiều niềm tin, nhiều hăng hái mới mẻ. Hôm nay đã hết gạo, nhưng tôi vẫn quyết định tìm kiếm thêm một ngày nữa; nếu không tìm ra, bấy giờ sẽ trở về nghiên cứu tìm tòi sau. Tôi trèo lên cây, hái mấy quả ổi rừng ăn lót dạ, rồi thong thả xuống suối rửa mặt. Nước lạnh thấm vào da thịt mát rượi, tôi khoan khoái, đang cất tiếng khe khẽ hát, bỗng dưng có tiếng hô lạnh ngắt đằng sau:
- Đứng im!
Câu chuyện xảy ra bất ngờ quá làm tôi đối phó chưa kịp. Tôi có ý liều lĩnh vùng chạy, nhưng có vật gì cưng cứng lành lạnh đã gí sát vào lưng tôi:
- Thôi! Đã bảo là đứng im... chạy làm gì vô ích.
Sa cơ mất rồi. Có lẽ tôi đã rơi vào tay bọn lính ngụy hoặc bọn tề gian quanh vùng đây. Tôi còn đang nhìn quanh nhìn quẩn, nghĩ mưu nghĩ kế thoát thân, thì bất thình lình hắn ta chồm lên, dùng hai cánh tay xương xẩu đen thui khóa chặt tay tôi lại trói. Tôi lồng lộn, chống cự, nhưng vì ở thế bị động nên đã bị hắn ta trói giật cánh khuỷu lại. Lúc này, tôi mới có dịp đối mặt, căm hờn nhìn kẻ thù của mình. Tôi bỗng thốt lên:
- Ối chà!!!
Tôi ngây người ra, miệng há hốc... Một con người đó ư? Tôi chớp chớp mắt, tưởng như mình nhìn lầm; không, tôi không lầm đâu! Đúng là một con người thực sự, một con người kỳ dị đang đứng sững trước mặt tôi. Có lẽ là một người đàn ông thì phải. Ông ta hơi nhiều tuổi; mớ tóc bạc bỏ tự do xõa xuống ngang vai; hình như từ thuở nhỏ mớ tóc ấy chưa bao giờ đem cắt. Quanh người ông ta khoác một mảnh vải rách bươm. Cái lồng ngực vạm vỡ có lẽ vì thiếu ăn lâu ngày nên để nhô ra những hình xương sườn rõ mồn một. Vai ông ta đeo một cái nỏ. Phải chăng là một đồng bào thiểu số? Hay là một người rừng? Không, ông ta nói tiếng Kinh sõi lắm mà. Này! Lạ chưa! Tôi còn quên chưa nói tới một điều quan trọng: hai tay người đó còn lăm lăm một khẩu súng trường. Dáng ông ta nhanh nhẹn hiên ngang. Không có lẽ là một tên Việt gian bán nước? Tôi ngơ ngác chưa hiểu được ông ta là ai, thì ông ta đã vuốt bộ râu đen đen và quát hỏi:
- Mày ở đâu mò tới đây?
- Không, tôi đi rừng kiếm củi...
- Hà! Quân này gan nhỉ? Mày là do thám của Pháp phải không?
Nhìn dáng điệu ông ta, nghe lời nói ông ta, tôi chợt thấy mừng mừng trong dạ. May quá! Có lẽ gặp người của mình rồi. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn phải dè dặt. Tôi liền hỏi lại:
- Thế ông là ai?
Ông ta vuốt lại bộ râu đen đen và quát to:
- Tao hỏi cung mày mà mày dám hỏi vặn lại tao à? Hà hà, thì tao cũng cho mày biết: tao là Việt Minh... Việt Minh... nghe rõ chưa? Chúng mày tưởng trong vùng đóng quân của chúng mày không có lính của Cụ Hồ hẳn? Ở trên khắp cái đất Việt Nam này... đâu đâu cũng có Việt Minh cả... nghe rõ chưa?
Mặc cho ông ta sỉ vả tôi như quân thù quân hằn, tôi vẫn cảm thấy sung sướng. Các đồng chí ta ơi! Tôi đã gặp người của mình thật rồi. Tôi hớn hở reo lên:
- Ôi chao! Lầm rồi lầm rồi, người nhà cả đấy... bác ơi... à đồng chí ơi, bộ đội và nhân dân như cá với nước mà. Tuy ở trong vùng địch nhưng xã tôi vẫn theo Cụ Hồ đấy...
Nghe tôi nói, người kỳ lạ kia kinh ngạc một lát rồi tỏ vẻ không tin:
- Nói láo! Tao biết tỏng đi rồi. Đừng có mà vờ. Thôi, chuẩn bị tinh thần đi... chúng ta không tha cho những thằng Việt gian như mày đâu.
Tôi van vỉ:
- Này bác ơi, bác cứ móc túi áo cháu ra thì biết. Cháu có giấy của huyện đấy, cháu không nói dối đâu.
Người kỳ lạ ấy suy nghĩ một lát, tìm trong túi áo tôi ra một mẩu giấy và chậm rãi đọc. Đó là tờ chứng minh của huyện, chứng nhận tôi là một nông dân được phép vào vùng núi Hai săn bắn. Xem xong tờ giấy, ông ta còn giơ lên trời để soi cho kỹ. Tôi cứ đinh ninh rằng cái dấu Ủy ban đỏ chói và chữ ký của đồng chí Chủ tịch huyện đã đủ làm cho ông ta tin tưởng ngay; nào ngờ ông ta vẫn một mực quát tháo:
- Đừng có lấy vải thưa che mắt thánh... Đánh lừa ta có dễ đâu. Cái loại giấy này thì ai mà chả có thể có được. Giấy này là... giấy giả.
- Tôi xin cam đoan với đồng chí: giấy này là giấy thật.
Tôi thấy mặt ông ta đã dìu dịu đi, nhưng thái độ ông ta vẫn cương quyết:
- Mặc kệ! Anh cứ biết theo ta đã. Từ bây giờ anh là tù binh.
Trông ông ta lúc này đã hiền dịu hơn trước nhiều rồi. Tôi đề nghị cởi trói nhưng ông ta không chấp thuận; tuy vậy thấy tay tôi bị hằn lên ông ta cũng nới dây cho chút ít.
Tôi nghĩ: ông này chắc là một đồng chí du kích già ở vùng núi Hai đây. Hẳn là ông ta nắm vững tình hình vùng này lắm. Thử gợi chuyện dò xét ông ta xem sao.
- Này bác ơi, bác dẫn cháu đi đâu đấy?
- Đừng có hỏi. Anh là tù binh, cứ ngoan ngoãn theo tôi.
Ông già này sắt đá quá, khó mà moi được ruột gan ông ta ra. Tôi nhìn hòn núi cao sừng sững trước mặt:
- Bác ơi, hòn núi kia là hòn gì?
Ông ta dừng lại chau mày:
- Anh đi kiếm củi ở đây sao không biết?
- Bác ơi, cháu chưa vào rừng sâu như hôm nay bao giờ cả.
Ông ta gườm tôi một cái rồi lặng lẽ đi. Còn tôi, khi thấy cái dáng lầm lì của ông ta, tôi đoán ông già này chắc biết rất nhiều điều bí mật của rừng sâu. Lúc này, tôi cảm thấy sốt ruột quá đi rồi. Sự nóng nảy không kìm hãm nổi đã làm cho tôi thốt ra một câu hỏi vụng về:
- Bác ơi... cháu nghe nói ở quanh đây có cái kho... gì của Chính phủ phải không?
Ông ta bỗng đứng phắt ngay lại, mắt sáng quắc nhìn tôi... Giọng ông ta bỗng đổi hẳn đi:
- Anh hỏi... làm cái gì? Hả... hả...
Mũi súng đen sì bỗng chĩa thẳng vào giữa tim tôi. Tôi ấp úng.
- Để để...
- Để để cái gì? Mày định dò la... hả? Lúc nãy tao còn ngờ ngợ chứ bây giờ thì rõ rành rành ra rồi. Mày là Việt gian.
- Không phải!
- Mày là quân gián điệp... Mày sẽ chết...
Ông ta lôi tôi xềnh xệch ra bờ suối. Lúc này thì quả là tôi sợ hãi. Chết lầm vì mũi súng của đồng đội thật là một điều ân hận. Tôi nghĩ ngay ra rằng đồng chí già này chính là một người có liên quan mật thiết đến kho súng.
Tình thế căng thẳng này cũng không nên kéo dài nữa, có thể nguy hiểm đến tính mạng; tôi vội reo to:
- Lầm rồi... đồng chí ơi, cho tôi nói...
- Được, trước khi chết cho mày nói một câu.
- Đồng chí hãy bình tĩnh. Tôi là người của Đảng... Tỉnh ủy giao cho tôi nhiệm vụ đi tìm kho súng.
Ông già khăng khăng:
- Không tin! Nói láo!
- Trời ơi! Đồng chí còn không tin tôi nữa sao? Bao nhiêu đơn vị quân đội mới thành lập đang mong chờ vũ khí như con mong mẹ về chợ đấy. Đồng chí không tin à? Đây, đồng chí xem giấy giới thiệu của tỉnh ủy.
Tôi đành lòng trao tờ giấy giới thiệu công tác quan trọng đó ra. Ông già kỳ dị đọc đi đọc lại tờ giấy đến hai, ba lần. Tôi cứ tưởng rằng khi đọc xong tờ giấy mới này ắt hẳn ông ta sẽ niềm nở với tôi ngay. Nào ngờ ông ta vẫn lắc đầu quầy quậy. Ông ta chỉ tay vào mặt tôi mà nói:
- Thôi thôi... đừng giở cái trò lừa bịp ấy ra nữa. Tao còn lạ gì bọn giáp điệp chúng mày... Một tờ giấy chứ trăm tờ giấy thế này chúng mày cũng có thể giả mạo được...
Nói đoạn, ông ta lại tiếp tục lôi tôi ra bờ suối. Tôi cứ một mực kêu oan và cố giằng tay lại. Trong lúc giằng co, chiếc áo của tôi đứt tung hàng khuy trước ngực... Đột nhiên, ông già bỗng dừng tay lại và đăm đăm nhìn vào người tôi. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông ta lại dừng tay, không kéo tôi đi nữa... Tôi cúi xuống nhìn lồng ngực lép kẹp của mình... Những mụn loét lở đọng mủ to như đầu ngón tay mọc khắp thân hình gầy gò của tôi... Tôi ngẩng đầu lên, chợt bắt gặp cặp mắt ông già; cặp mắt nảy lửa lúc nãy đã trở nên hiền dịu lạ thường. Ông ta chỉ vào ngực tôi và hỏi:
- Sao... lại thế...?
- Tôi ở rừng... bị sốt rét... nước độc nó phá...
Ông già gãi gãi chòm râu cằm, đứng tần ngần nhìn tôi... Tôi chợt hiểu vì sao ông già này bỗng dưng lại thay đổi thái độ chóng thế.
Gió rừng phần phật thổi, đập chiếc túi áo nằng nặng vào ngực tôi. Tôi cúi xuống nhìn và chợt nhớ ra một điều... “Ồ! Hay lắm rồi!” Tôi phấn khởi hẳn lên. Tôi liếc nhìn ông già. Ông ta vẫn còn đứng yên suy nghĩ. Tôi thấy cần phải đánh tan nốt nỗi nghi ngại cuối cùng của ông già kỳ dị kia. Tôi nói sẽ:
- Bác ạ, cháu đề nghị... bác mở túi áo cháu ra...
- Đã mở rồi... còn có gì nữa...
- Không... chiếc túi khâu phía trong có...
- À!
Ông già gật gù khi thấy một cuốn sách nhỏ xíu ở chiếc túi áo phía trong. Đó là cuốn Điều lệ Đảng của một đồng chí cộng sản hoạt động từ hồi bốn mươi đã tặng tôi.
Ông già cũng vội vàng lấy trong người ra một cuốn sách nhỏ xíu khác... Ông run run lật giở từng trang, xem xét từng dòng để đọ với sách của mình. Cái đầu ông già mới đầu chỉ hơi gật gù, sau một hồi kiểm tra kỹ càng cuốn sách, lại càng gật gù mạnh. Cuối cùng, ông ta thốt lên:
- Đúng lắm rồi! Hai quyển điều lệ giống in như một...
Ông ngẩng đầu nhìn tôi, con mắt long lanh, cái mồm cười tươi; tay ông ta nâng niu vuốt ve mấy sợi râu đen. Toàn thể con người ông ta bỗng cười lên. Ông ta ôm chầm lấy tôi.
- Trời ơi! Đồng chí là người của Đảng.
- Vâng, Đảng cử tôi đến đây.
Giọng ông ta vẫn gần như khóc:
- Xin lỗi đồng chí nhé!... Sao mà lâu thế! Lâu quá! Đã hai năm trời nay tôi vẫn ngong ngóng chờ đợi các đồng chí. Chính tôi là người coi kho vũ khí mà đồng chí đang đi tìm đây. Tôi biết... tôi tin tưởng sẽ có ngày gặp lại Đảng mà.
Tôi cũng run lên cảm động, sung sướng:
- Thế... thế kho vũ khí... ra sao?
- Còn nguyên vẹn cả, đồng chí cứ yên tâm.
2
Bác Tư (tên đồng chí giữ kho súng) dẫn tôi vào một hang núi, một cái hang sâu, lòng rộng chừng hai gian nhà. Một lỗ hổng trên vòng hang để lọt một khối ánh sáng trắng nhạt rọi xuống. Vách đá đổ mồ hôi nhễ nhại. Những giọt nước từ trên cao rơi tí tách xuống đầu cây cột đá thạch nhũ bắn tung tóe; những hạt nước nhỏ gặp ánh sáng trở thành long lanh, đẹp như những bó pháo hoa màu trắng. Trời tháng Năm, ở ngoài nóng như chảy mỡ thế mà ở trong hang vẫn thấy mát lạnh. Bác Tư ngồi phịch xuống ổ lá rừng ở góc hang và nói:
- Nhà tôi đây. Đồng chí thấy thích không?
- Lạnh quá, trời rét thì khổ lắm nhỉ.
- Đêm mùa nực còn giá buốt nữa là... ở hang ở hố thì còn gì cực hơn, nhưng biết làm sao... ở đây được cái kín đáo, giặc đến ta có cửa hang bí mật thoát thân, vả lại đỡ lo loài thú dữ.
Tôi nhìn quanh quẩn:
- Thế kho tàng...?
- Kho tàng à? Ở đây ẩm ướt để vũ khí sao được.
Người đồng chí già dẫn tôi lần bước theo một con đường ngoằn ngoèo trong hang. Không có một chút ánh sáng; tôi phải ngồi xuống, tay lần vách đá, rê rê từng bước, những hòn đá trơn như bôi mỡ dễ dàng vứt tôi xuống cái vực sâu thẳm ngay bên người. Con đường hang dốc dần lên; ánh sáng đã hửng mờ mờ, rồi ánh sáng lóe ra. Chúng tôi đã đến một cái động nhỏ một nửa lộ thiên, một nửa chui trong vách đá. Những cành cây to loe ra như một giàn thiên lý che kín lấy cửa hang. Những bao tải buộc kín, chồng cao trên một cái sàn bằng gỗ rừng xếp lại. Tôi quay đầu nhìn bác Tư; tôi thấy mắt bác hình như sáng thêm lên. Bác cởi một bao tải; tay bác run run. Tôi chợt reo lên như một đứa trẻ. Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe bà tôi kể chuyện anh chàng cưỡi chim thần đi tìm một đảo vàng giữa biển rộng. Chắc người xưa lúc tìm được kho vàng cũng không thể vui ghê vui gớm như tôi lúc trông thấy kho vũ khí này được. Tôi cầm một cây súng, ôm vào lòng. Mùi dầu súng thơm thơm... tôi nắm chặt tay bác Tư:
- Cám ơn đồng chí, cám ơn đồng chí.
Người đồng chí già ngước nhìn kho tàng hãnh diện. Đồng chí vuốt chòm râu đen như thói quen, rồi trầm ngâm hỏi tôi:
- Đồng chí có biết giá mỗi khẩu súng này là bao nhiêu không?
- Chừng vài nghìn đồng bạc Đông Dương.
Bác Tư lắc đầu, nhìn đi xa thẳm và bảo tôi giọng nho nhỏ:
- Nó vô giá đồng chí ạ... vì rằng mỗi mẩu sắt thép ở đây là một giọt máu của đồng đội chúng ta.
Tôi im lặng, cảm động nghe lời đồng chí Tư kể lại:
- Cuối năm bốn bảy, đại đội chúng tôi còn hơn một trung đội, trang bị hầu hết là mã tấu, dao găm, đóng quân trong khu rừng này. Chiều hôm ấy, đồng chí trinh sát về báo sắp có một đoàn xe của Pháp chở vũ khí ngang qua con đường xuyên rừng. Thật là dịp may hiếm có. Ban chỉ huy đại đội hội ý: có đồng chí đồng ý đánh, có đồng chí không. Cuối cùng, chúng tôi quyết tâm đánh. Kể cũng gay go, toàn đơn vị chỉ còn ít quả lựu đạn, một khẩu trung liên và hơn chục cây súng trường (anh em vừa trải qua một thời gian chiến đấu dài, đang trên đường về hậu phương để bổ sung thêm quân). Cuộc chiến đấu đã xảy ra ác liệt. Chúng tôi toàn thắng, cướp được của giặc cả mấy xe vũ khí. Nhưng đồng chí ạ, đơn vị tôi đã thương vong gần một nửa (đồng chí Tư ngừng lại một lát)... Dù sao, đó cũng là một chiến công to lớn của đơn vị tôi. Chúng ta còn cần rất nhiều súng để lớn mạnh thêm lên...
Ngay sau đó, giặc mang một lực lượng khá lớn càn quét vùng này. Chúng tôi được lệnh rút lui cấp tốc. Đại đội còn ít người quá, không tài nào mang hết súng đi kịp. Giải quyết thế nào? Hơn trăm khẩu súng! Phá đi hay sao? Cuối cùng, đồng chí chính trị viên có ý kiến tập trung súng lại thành một kho giấu kín trong rừng sâu. Đơn vị quyết định tôi ở lại coi kho. Trước khi đi, đồng chí Bí thư Chi bộ nắm lấy tay tôi, dặn rằng: “Đoàn thể cử đồng chí ở lại, nhiệm vụ đó rất nặng nề. Súng này không phải là thường đâu, mỗi một mẩu sắt thép ở đây là một giọt máu của đồng chí chúng ta... Hãy bảo vệ kho tàng này cho toàn vẹn... nhất định rồi bộ đội ta sẽ trở về...” Tôi rớt nước mắt ôm từng đồng chí, chia tay, tạm biệt ở lại rừng sâu giữ súng.
... Thế là thấm thoắt đã hai năm rồi đấy. Đã từ hai năm nay, suốt cả vùng này đều đã lọt vào tay quân giặc. Kho tàng quý giá của chúng ta như thế là đã bị bao vây thật sâu trong lòng địch. Xa sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đã hai năm trời nay, tôi như đứa con xa mẹ lâu ngày. Tôi đã mấy phen đi tìm kiếm nhưng vẫn chưa bắt được liên lạc với Đảng... Bấy lâu nay, tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ có ngày... sẽ có ngày các đồng chí trở về. Có nhiều đêm tôi mơ hụt cái ngày gặp gỡ tươi đẹp đó. Hôm nay, không còn là giấc mơ nữa... Tôi đã gặp các đồng chí thật rồi. Trời ơi sung sướng quá! (Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy một ông già ôm lấy tôi mà khóc).
*
Tối hôm đó, bác Tư đãi tôi một bữa tiệc linh đình. Món ăn gồm có: hai con gà rừng nướng lửa thơm phức, một dúm muối, ba củ sắn lùi, mấy quả ổi và một ống cơm lam (gạo này là nhúm gạo còn sót trong ruột tượng của tôi). Bác Tư nhường cho tôi ống cơm lam, lý do vì tôi là khách. Tôi nhất định nhường lại bác. Hai chúng tôi cứ nhường đi nhường lại cho nhau mãi, cuối cùng đành phải chia đôi mỗi người ăn một nửa. Đồng chí Tư nhai miếng cơm tóp tép ngon lành:
- Hai năm nay, mới lại được ăn miếng cơm, sao mà ngon thế đồng chí ạ.
- Ít lâu nay bác ăn gì?
- Ăn lá rừng, quả rừng, thịt thú rừng... có bữa còn nhịn đói meo bụng ra nữa.
Nhìn bác Tư ăn, nghe bác Tư nói, được ngắm nghía bộ mặt hốc hác đen đủi tiều tụy của bác, lòng tôi như thắt lại. Tôi rưng rưng nước mắt. Bác Tư nói khẽ:
- Kìa chú khóc hay sao?... Chú thương tôi à?... Chú thấy tôi khổ nên thương phải không?... Nín đi, chú em ạ... Ngày xửa ngày xưa còn khổ gấp trăm lần thế này nữa chứ... Bây giờ tuy có khổ nhưng là “khổ sướng”. Bác Hồ bảo có khổ ngày hôm nay nhưng ngàn đời sau sẽ mãi mãi sung sướng... Thôi nín đi chú em.
Đồng chí Tư nhìn ngọn lửa rầu rầu. Tóc đồng chí đã bạc dưới ánh lửa lại bạc thêm. Bây giờ tôi mới chú ý: trên khuôn mặt đồng chí Tư có nhiều nếp nhăn quá!
Đêm hôm đó trong hang đá lạnh, bác Tư khêu ngọn lửa rừng kể cho tôi nghe những chuyện đã qua của đời mình.
Đồng chí Tư nói:
- ... Quê ở Hà Nam. Ngày xưa, tôi là tay thợ cày giỏi nhất vùng. Tôi không cha không mẹ, không nhà không cửa, quanh năm phiêu bạt kiếm ăn nơi đồng đất nước người, khắp các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông... chỗ nào tôi cũng đã đặt chân tới. Trơ trơ trọi trọi mãi mới tới năm ba mươi tuổi, tôi mới lấy được vợ. Vợ tôi là con nhà nghèo ép duyên lấy một lão nhà giàu làm lẽ. Tuy là vợ nhà giàu nhưng cô ta vẫn phải lam lũ làm ăn một nắng hai sương. Tôi đến làm thuê cho nhà lão giàu đó. Chúng tôi gần gụi nhau rồi đâm ra thương yêu nhau... rồi chúng tôi đem nhau trốn biệt đi... Chúng tôi phải vào tận Ninh Bình làm ăn. Lão nhà giàu dò la và tìm được chúng tôi. Nó bắt vợ tôi về đánh đập cùm kẹp; nhưng sau đó vợ tôi lại trốn được trở về với tôi. Ăn ở với nhau được hơn chục năm thì tôi phải xa rời vợ và hai đứa con, vào trong Nam kiếm ăn mong hằng tháng có tiền gửi về giúp vợ. Thật là mơ ước hão huyền! Đời một người phu “bát tê”(1)như tôi thì lấy đâu ra tiền mà gửi về cho gia đình. Tôi ốm một trận gần chết; bao nhiêu tiền tiêu hết. Sau trận ốm, tôi có gửi mấy lá thư về quê nhưng không hiểu sao lại bặt tin tức nhà tôi. Lúc ta cướp chính quyền, tôi vào Vệ quốc quân đánh nhau với Tây ở Sài Gòn...
Năm bốn bảy, tôi được trở về ngoài Bắc. Lòng tôi nao nức xiết bao khi được phép trở về quê thăm vợ con. Ồ! Đứa con gái lớn của tôi năm ấy cũng mười tám, mười chín tuổi rồi, còn thằng út cũng đã lên chín, lên mười. Ai đã xa nhà lâu năm, trở về thăm quê mới hiểu được lòng tôi lúc đó. Tôi về đầu xóm, gặp bà cụ hàng xóm. Bà cụ ứa nước mắt khi biết đích là tôi hãy còn sống. Tôi hỏi líu tíu:
- Nhà cháu giờ ở đâu hả cụ?
Bà cụ ngơ ngác:
- Vợ anh ấy à... Anh chưa biết sao?
Tôi run bắn người lên:
- Có chuyện gì thế cụ?
- Rõ khổ!... Cơ sự nó thế này... Cái hồi bốn lăm đói kém, vợ anh dắt díu đứa con lớn ra Hà Nội ăn xin... Rồi chả thấy mẹ con nó về nữa...
Tôi nghe xong trĩu đầu xuống. Lòng tôi như rách nát ra. Đầu óc tôi như hóa điên. Phải rồi! Thảo nào!... Bao nhiêu lá thư gửi về mà vẫn chẳng chút tăm hơi, cũng còn điều may: thằng cháu út nhà tôi nhờ làng xóm cưu mang nên hãy còn sống sót.
Tôi liền mang con theo về đơn vị. Từ đó, cháu út là đứa con cùng của cả đại đội chúng tôi. Mới lên tám tuổi, cháu đã theo chúng tôi hành quân, đi khắp miền xa gần đất nước.
Sau trận đánh oanh liệt cướp được mấy xe vũ khí ấy, khi được nhận nhiệm vụ ở lại coi kho, tôi có ý định nhờ anh em mang cả cháu út theo đơn vị ra vùng tự do. Tôi nghĩ ở lại sẽ có rất nhiều gian khổ, nó còn bé sao chịu nổi. Vả lại, tôi còn muốn cho cháu được học hành chút ít. Đời tôi bị khổ sở nhiều rồi, đời nó phải được khấm khá hơn đời bố nó. Đồng chí chính trị viên hứa sẽ đưa cháu đi theo; Đảng sẽ chăm sóc dạy dỗ cháu... Phải xa con, lòng tôi đau như cắt. Còn thằng bé nhà tôi nó tinh lắm, thoáng thấy tôi chuẩn bị là nó đã hiểu ngay. Khi biết phải xa bố, nó khóc như mưa như gió, nhịn ăn và khóc rấm rứt suốt hai ngày liền. Nó lả đi tiều tụy. Nó cứ ôm lấy tôi, không chịu rời xa nửa bước. Trẻ con nó cần sự trìu mến của bố mẹ; mẹ nó đã mất rồi, xa nốt bố thì con tôi chịu sao nổi.
Dỗ thế nào nó cũng chẳng nghe, cuối cùng tôi đành lòng giữ cháu ở lại với mình.
Từ đó, hai cha con tôi sống hiu quạnh với nhau trong khu rừng sâu này. Mới đầu tôi nghĩ chỉ làm một cái chòi nho nhỏ trên cành cao để sống tạm bợ qua ngày. Tôi tin chỉ sống chừng vài tháng nữa là bộ đội ta sẽ trở lại thôi. Khu rừng tôi ở rất hoang vu, chưa thấy bao giờ có người đặt chân tới đây, vì vậy tôi cũng yên lòng phần nào. Tôi bấm đốt ngón tay, vạch dao đánh dấu lên cây, đếm từng ngày mong gặp lại đơn vị.
... Nhưng ngày lại qua ngày, thấm thoắt đã ngoài ba tháng mà vẫn bặt không tin tức, không người tới liên lạc. Lương ăn cứ vơi dần và sắp hết, tình hình kháng chiến ra sao: tôi mù tịt, vì vậy lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi suy nghĩ rất nhiều, đã bao đêm tôi băn khoăn không biết hiện nay nên hành động như thế nào cho đúng. Khi chia tay với tôi, đồng chí Bí thư Chi bộ có dặn rằng: sau ba tháng nữa đơn vị sẽ trở lại, nhưng nếu chưa có tin tức gì thì nên đi tìm liên lạc với cơ sở Đảng địa phương. Huyện ủy lúc đó ở tại bản T, một bản Mường hẻo lánh.
Một buổi sớm, tôi cõng con lên đường đi tìm Đảng. Hai cha con tôi nhịn đói nhịn khát bốn ngày trời vất vả lội suối trèo đèo... Khắp bản làng mà tôi đã qua đều sa vào tay quân giặc. Cơ sở của ta hầu như bị tan rã, hoặc còn nằm im lặng. Ngày thứ năm tôi đã gần tới bản T. Một điều không may là tôi đã đến vào đúng lúc giặc Pháp vừa mới mở một trận càn quét vào vùng này. Tôi đã đi qua những nơi mà giặc Pháp cũng vừa đi khỏi. Tôi đã thấy những thôn xóm tre pheo không còn một ngọn, chó gà chẳng cắn một tiếng. Tôi đã thấy những thây người giặc giết chưa kịp chôn, xác nằm vạ vật bên lề đường. Tôi đã thấy những bà mẹ, những đứa trẻ khóc khản cổ không còn ra tiếng nữa.
Rồi bản T hiện ra trước mắt tôi. Tôi bước vào bản giữa lúc những cột khói đen thui như những con rắn độc còn ngoằn ngoèo bay trên đầu những nóc nhà cháy dở. Tôi vừa mừng lại vừa lo: mừng vì qua bao khó khăn tôi đã sắp tìm được liên lạc với Đảng còn lo vì không biết các đồng chí ở đây hiện nay ra sao... Vừa bước chân đến đầu bản, một cảnh tượng bỗng làm tôi đau nhói trong lòng: hơn một chục chiếc đầu người cắm hàng dài trên những chiếc cọc tre vót nhọn. Đặc biệt có một chiếc đầu giặc chém nát không còn nhận ra nét mặt nữa. Chiếc đầu đó được cắm trên chiếc cọc tre cao nhất và đôi mắt chưa bị phá hoại còn giương to nhìn trừng trừng. Thằng cháu út chợt rú lên ôm chặt lấy tôi. Căm thù ứ đến tận cổ; máu trong người tôi như sôi lên. Tôi gặp một bà cụ già dắt một đứa cháu gái nhỏ đang cúi đầu buồn bã bước. Tôi hỏi thăm cụ đến nhà anh Lan. Bà cụ ngước mắt nhìn tôi từ đầu đến chân. Có lẽ chỉ thoáng nhìn cái vóc dáng gian khổ của tôi, bà cụ đã tin cậy được ngay. Bà cụ chỉ căn nhà lá đang cháy dở rưng rưng nước mắt trả lời:
- Nhà nó đấy, con ạ...
Tôi hỏi dồn dập:
- Anh ấy đâu hả mẹ?
Bà cụ nghẹn ngào!
- Con có trông thấy... chiếc đầu người... có đôi mắt giương to cắm trên chiếc cọc tre cao nhất ấy không?... Tây nó bảo anh Lan... là Việt Minh cộng sản... Chúng đã giết anh ấy và cắm đầu trên cái cọc cao đó.
Tôi có nén lòng lại, nhưng những dòng nước mắt nóng hổi vẫn trào ra. Bà cụ hiền từ hỏi tôi:
- Thế con là ai? Ở đâu tới đây?
- Con ở làng bên...
Bà cụ nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- Thôi con không nói mẹ cũng biết... con là ai... con ơi, hãy đi xa khỏi nơi này đi đã... Các con cần phải sống... phải sống mà trả thù cho đồng bào con ạ.
Tôi lủi thủi dắt con rời chân khỏi bản. Thế là khó có hy vọng liên hệ được với huyện ủy. Địa chỉ độc nhất mà tôi được biết đã bị khủng bố mất rồi, làm thế nào để có thể tìm được cơ quan của Đảng trong một vùng rừng núi bao la thế này. Từ nay, công việc của Đảng giao cho, tôi sẽ tự mình quyết định lấy.
Trở lại rừng sâu bây giờ ư?
Thú thực, trong lòng tôi cũng thấy ngần ngại. Mấy tháng trời sống xa mọi người tôi cảm thấy thấm thía không có gì khổ sở hơn là sống lẻ loi, cô độc trên đời này.
Đêm hôm đó, cha con tôi nằm ngủ trong một hang núi đá. Không những mình tôi suy nghĩ mà hình như thằng con tôi nó cũng suy nghĩ rất nhiều. Nó cất tiếng hỏi tôi:
- Đi đâu bây giờ hả bố?
Tôi ôm con vào lòng hỏi lại:
- Con muốn đi đâu?
- Con muốn về với các chú bộ đội.
Lòng tôi chợt se sắt lại. Khổ cho con tôi! Mẹ nó mất rồi, bổn phận làm cha bắt tôi phải suy nghĩ rất nhiều về tương lai của cháu. Nếu năm năm... mười năm nữa... bộ đội mới trở về đây thì sao?... Con ơi, con sẽ phải sống trong rừng sâu... lớn lên trong rừng sâu... con sẽ sống tách ra khỏi xã hội... con sẽ trở thành người rừng sống ở hang ở hố như con beo con gấu, dốt nát không biết chữ biết nghĩa là gì... rồi ma thiêng nước độc... đói rét, bệnh tật... con ơi, con còn bé liệu con có chịu đựng nổi không? Con tôi đã ngủ say. Nó rúc vào nách tôi như gà con rúc vào lòng mẹ, miệng nhai tóp tép ngon lành.
Lòng thương con chợt bùng lên mãnh liệt. Ừ! Lúc đó, tôi có thể cõng con tôi lên lưng đi thẳng đến một xóm làng hẻo lánh nào đó; tôi sẽ lao động nuôi nấng con tôi khôn lớn. Điều đó bấy giờ không ai bó buộc tôi cả. Lúc trao nhiệm vụ, đồng chí chính trị viên có dặn tôi rằng đến khi nào hết lương thực thì công việc sẽ do tôi tùy tiện thu xếp. Bây giờ, gạo ăn đã gần cạn khô rồi, tôi làm như vậy chắc chả ai trách móc gì được.
... Nhưng tôi là một đảng viên cộng sản... tôi làm như thế ư? Vì khó khăn tôi đành bỏ súng vô thừa nhận giữa rừng sâu để tìm đường sống cho riêng gia đình mình ư?... Bao nhiêu giọt máu của đồng chí tôi đã đổ ra để đổi lấy những mẩu sắt thép đó chẳng hóa ra phí hoài hay sao?... Lương tâm của người cộng sản không cho phép tôi làm thế được. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ. Tôi đang nghĩ đến những kế hoạch phải làm ngày mai. Tôi đã tìm thấy đúng con đường tôi đi. Sớm hôm sau, tôi nhất quyết cõng con trở lại rừng sâu, giữ kho súng.
Việc đầu tiên tôi phải làm là việc tăng gia. Tôi theo đúng lời Bác dạy: “Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh”. Tôi còn sót lại được gần một đấu ngô; tôi mang ngô đó bắt chước đồng bào thiểu số đốt rẫy tăng gia. Chỉ cần một chiếc que vót nhọn cắm xuống đất, vứt dăm hạt ngô vào là mấy tháng sau sẽ có lương thực để ăn. Cả cháu út cũng giúp đỡ tôi làm công việc tăng gia này. Hai cha con tôi làm việc suốt từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Thật may mà tôi có cháu út bên cạnh; cháu như một người chính trị viên, cháu như một liều thuốc khỏe đã tăng thêm cho tôi lòng tin tưởng can đảm để sống mấy năm ròng trong rừng sâu lạnh lẽo. Cháu út thuộc nhiều bài hát. Sáng sớm, khi chim rừng vừa hót là con tôi đã nhỏm dậy và cất tiếng véo von. Tiếng cháu làm cho rừng hình như ấm lại:
... Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm...
Những khi làm lụng mệt nhọc, những lúc thiếu thốn khổ sở, được nghe con tôi hát, tôi cảm thấy bao nhiêu mệt nhọc hầu như tan đi. Nghe con tôi hát, tôi tưởng như được nghe tiếng nói yêu thương dịu hiền của Đảng vang bên tai. Tôi vốn không có giọng; đi về sống cuộc đời vui nhộn đến thế mà tôi chỉ thuộc có hai bài hát: một là bài Quốc tế ca, hai là bài Tiến quân ca. Con tôi nó giống mẹ nó đấy. Nhà tôi ngày xưa là một người thợ cấy có tiếng hát ví véo von ai nghe cũng phải say mê. Đêm đêm, cha con tôi ngồi bên đống củi ôm lấy nhau; những phút đó, có khi tôi kể cho nó nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện chiến đấu; có khi tôi lại cất giọng ồ ồ lạc nhịp hát theo giọng trầm bổng véo von của con tôi.
Cuộc sống của tôi trôi đi thật trầm lặng. Quanh đi thì chỉ nghe thấy tiếng chim rừng, quẩn lại thì chỉ biết nói chuyện với con. Cháu nó còn bé quá; nó chưa hiểu được tâm tư người lớn. Lắm lúc khó khăn buồn nản, tôi chỉ ước ao được gặp một người nào để nói chuyện; được nói chuyện với một người lúc đó đối với tôi thật là điều hạnh phúc.
Lúc mưa dầm gió bấc, khi rỗi rãi, tôi thường giở cuốn Điều lệ Đảng trong ba lô ra xem. Tôi đọc đi đọc lại đến nỗi gần như thuộc làu sách đó.
Có một bận thấy tôi đọc sách, con tôi cũng bắt chước giở ra xem. Nó nghiêm trang mở cuốn sách trước mặt rồi lặp lại những câu tôi thường đọc. Tôi nhìn vào cuốn sách... Con tôi đã đọc ngược... Nào nó đã biết chữ nghĩa gì đâu. Tôi nhìn con lòng đau xót. Một kỷ niệm cũ bỗng hiện tới... Tôi nhớ cái năm tôi làm phu “bát tê” ở Sài Gòn. Có một lần thằng cai người Tây trao cho tôi một tờ giấy và bảo: “Ở nhà mày có điều vui đây này, vợ mày đào được vàng đấy”. Nó mỉm cười quay đi. Tôi run run cầm tờ giấy, lộn đầu lộn đuôi, xoay đi xoay lại. Tôi sung sướng thay cho gia đình. Thật là ở hiền gặp lành. Vợ con tôi như thế chắc có thể đỡ lo đói rét một phần nào. Tôi nhìn dòng chữ tim tím, cố moi móc để tìm hiểu xem đầu đuôi câu chuyện ra sao, nhưng khốn nỗi tôi mù chữ, nhìn vào tờ giấy như nhìn vào bức vách... Tôi vội vã tìm một người bạn nhờ đọc hộ... Thì ra không phải thế. Vợ tôi chẳng bắt được vàng bạc gì cả. Đó chỉ là lá thư báo tin vợ tôi ở nhà ốm nặng. Đồ chó đểu!... Nó cười trên nỗi đau khổ của người khác như thế đấy.
Tôi chợt thấy ngay rằng cần phải dạy cho con tôi biết đọc, biết viết. Thằng bé rất nhanh nhẹn, chắc nó học cũng sáng dạ. Chỉ có một điều khó khăn: tôi đọc và viết còn chưa thông thạo lắm. Từ nhỏ, tôi chưa biết cái trường học là gì, mãi tới lúc vào bộ đội nhờ anh em chỉ bảo cho tôi mới biết thế nào là chữ i chữ tờ... Vốn liếng nào đã được bao nhiêu chữ, dạy học là chuyện khó, tôi làm sao nổi. Vả lại, một cuốn sách vỡ lòng cũng không có gì dạy dỗ ra sao. Trong người tôi lúc đó chỉ vẻn vẹn có quyển Điều lệ Đảng quý giá mà Chi bộ đã tặng tôi khi kết nạp (quyển sách này đã qua tay ba đồng chí trước khi đến tay tôi). Nhưng nhất định con tôi phải biết chữ. Không thể để cho đời con tôi tối tăm mù mịt được. Phải cho con tôi được thấy ánh sáng, hạnh phúc.
Không có giấy bút, tôi phải lấy những mo tre, mo nứa ép cho thẳng, rồi lấy nước quả mua làm mực để viết lên. Tôi dạy cho cháu thuộc làu hăm bốn chữ cái. Không có sách vần bằng vần trắc, tôi bắt con tôi tập viết những bài hát nó thuộc; viết mãi, dần dần vần bằng vần trắc nó vỡ ra.
Đến giai đoạn phải tập cho cháu viết chính tả, tôi lấy quyển Điều lệ Đảng làm bài học cho nó viết. Tôi vào Đảng từ năm bốn mươi, hồi làm phu ở Sài Gòn. Vào Đảng đã lâu rồi, nhưng thực ra tôi chưa hiểu biết sâu xa về điều lệ lắm. Chính lần đọc chính tả cho con, tôi mới sáng thêm ra nhiều. Có bận tôi đọc một câu: “Đảng Cộng sản Đông Dương là đội quân tiên phong duy nhất của giai cấp vô sản”. Tôi chợt rưng rưng nước mắt. Con tôi ngẩng lên ngây thơ hỏi:
- Sao bố khóc?
- Vì bố vui sướng quá đấy con ạ. Ngày xưa, bố mẹ cực lắm... Con biết không?... Nhưng điều đó qua rồi... con ạ.
Tôi ôm con vào lòng, say sưa nói với nó như nói với một người lớn. Chắc con tôi lúc đó chưa hiểu lời tôi nói lắm nhưng tôi tin rồi nó sẽ hiểu. Những đêm như thế, cha con tôi ôm lấy nhau, thiếp đi, và lạc vào một thế giới ngày mai đẹp đẽ.
Đến tháng thứ tám thì gạo đã gần hết. Tôi phải hạn chế ăn cơm mà thay bằng thịt thú rừng, hoa quả. Hằng ngày, tôi phải dắt con vào rừng, vác nỏ đi săn bắn. Tôi không dám để cháu ở nhà một mình vì ở đây nhiều hổ báo lắm, cứ phải dắt cháu bên người nên rất bận bịu, việc săn bắn cũng kém phần kết quả.
Cuối cùng chỉ còn một vài bơ gạo. Tôi dành chỗ gạo đó nấu cháo cho cháu ăn. Đồng chí ạ, cái lạnh lẽo sống cách biệt mọi người đã sợ nhưng cái đói rét còn sợ gấp trăm nghìn lần nữa cơ. Người ta thường bảo chim rừng cá biển. Phải! Rừng thì thiếu gì chim muông nhưng săn bắn đâu có phải là chuyện dễ. Lắm khi tôi đi không lại về không. Gạo hết, thú rừng không săn được, còn ngô thì chưa ra bắp, tôi nhịn đói ba hôm, hoa cả mắt. Tôi quào cấu, vơ quàng vơ xiên dăm nắm lá nhăng nhít cố ăn cho sống người. Thằng cháu út nó lả đi, hết khóc lại ngồi ngoẹo đầu ngủ gật. Vợ con tôi đã chết đói thảm thương như thế rồi, đến lượt đứa con yêu quý của tôi lại chết đói nốt hay sao? Không! Con ạ! Cha con mình phải sống đến ngày bộ đội trở về. Cha con mình phải sống để bảo vệ lấy kho tàng quý báu. Tôi quyết định đi vào các bản tìm cách liên lạc với nhân dân.
Tôi mò ra khỏi khu rừng rậm. Tôi đi suốt ngày đêm mới tìm thấy một làn khói nhỏ vút trên sườn núi. Tôi liền thẳng hướng đến ngay đó. Một chiếc lều nhỏ chênh vênh nằm dưới gốc cây trên núi cao. Tôi mừng rỡ lại gần. Một đồng bào Mường đang mải miết chặt gỗ. Tôi liền đưa tay lên miệng hú dài. Anh Mường ngẩng đầu lên, chợt trông thấy tôi. Mồm anh ta há hốc, anh rú lên và cắm đầu chạy chẳng dám ngó lại. Còn tôi thấy thế cũng lo lắng vội vã rút lui đi ngay. Biết đâu đấy, trong lúc vội vã chưa kịp suy xét kỹ, anh ta đi báo với Tây thì sao? Chạy hồi lâu, tôi mệt nhoài, lủi thủi ra bờ suối vục nước uống. Lần này là lần đầu tiên từ tám tháng nay tôi mới soi mình xuống nước. Trời ơi! Kỳ lạ quá! Chính tôi cũng không nhận ra tôi nữa. Tôi đã hóa ra một người rừng thật sự rồi. Râu ria, tóc tai lờm phờm! Mặt mày hốc hác, mình đen thui thủi, ngang lưng lại quấn một manh vải rách bươm bườm bườm. Tôi mỉm cười một mình; chả trách nào anh Mường kia sợ tôi là phải; trông tôi khác nào một con ma gớm ghiếc. Tôi đã tìm ra nguyên nhân tại sao anh Mường thấy tôi lại chạy.
Sớm hôm sau, tôi lại đến tìm anh Mường lần nữa. Lần này, trước khi đi, tôi sắm sửa chu đáo hơn. Tôi mang bộ quần áo vệ quốc độc nhất trong ba lô ra mặc. Đó là bộ quần áo tôi định để dành đến khi nào bộ đội ta trở về mới đem ra đón tiếp. Chiếc mũ ca lô có sao vàng cũng phần nào che giấu được mớ tóc lờm phờm rừng rú kia. Chỉ còn bộ râu quai nón hàng năm chưa cạo nên trông vẫn lồm xồm. Bộ đội mà có râu trông kỳ ghê! Nhưng dù sao trông tôi cũng hiền lành và chững chạc hơn hôm qua nhiều. Tôi tin chắc khi đồng bào thấy tôi ăn mặc áo quần bộ đội, họ sẽ giúp đỡ ngay.
Quả nhiên, lần này khi thấy tôi, anh Mường không sợ hãi như trước nữa. Anh ta hơi ngơ ngác lùi vài bước, nhưng đến khi thấy tôi giơ nắm tay lên chào thì anh bỗng gật đầu mỉm cười. Tôi nói:
- Tôi là bộ đội Cụ Hồ...
- Anh?... Bộ đội Cụ Hồ?...
Tôi gật đầu. Anh ta đứng xa ngắm nghía tôi rất tỉ mỉ. Dáng chừng thấy ngôi sao vàng lấp lánh trên đầu tôi, thấy bộ quần áo vải thô giản dị của tôi, thấy cái dáng dấp hiền hòa của tôi nên anh ta đã có ngay phần nào tin tưởng.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã quen thân nhau. Tôi được biết anh ta sống ở đây một mình. Vợ anh ở bản làng đã bị Tây bắt và giết rồi. Tôi vừa căm giận quân giặc vừa mừng thầm vì mình đã gặp một con người nghèo khổ. Tôi ngỏ ý muốn mua một ít lương thực. Anh liền mang ra cho tôi một giỏ sắn và mấy bơ gạo, một ít muối. Tôi không có tiền Đông Dương. Tôi đem tất cả số tiền có in hình Bác mang ra đưa trả anh. Anh chỉ chọn lấy hai tờ mới nhất có in hình Bác rõ ràng rồi nói:
- Bộ đội giữ lấy tiền, bao giờ Cụ Hồ về đem ta tiêu. Tôi không cần tiền đâu.
Tôi liền cởi tấm áo đang mặc ra tặng anh, anh cũng không nhận. Nhưng khi tôi trao tặng anh ngôi sao vàng thêu bằng chỉ kim tuyến thì mắt anh bỗng sáng lên và anh nhận ngay.
Tôi trở về rừng sâu, và cũng nhờ đấu gạo, gói muối của anh Mường nên con tôi còn sống sót. Một tháng sau, ngô của tôi đã lẻ tẻ ra bắp. Giờ thì không lo đói nữa rồi. Tôi quyết định lại đến thăm anh Mường lần thứ ba. Lần này, tôi có ý định sẽ dần dà giác ngộ cho anh ta. Việc đó làm trọn vẹn thì thật tốt. Có thể anh ta còn giúp tôi liên lạc với huyện ủy được. Lần này thì tôi ra đi lòng chứa chan hy vọng.
Nhà anh Mường là một nếp nhà sàn xinh xắn nằm trên sườn núi. Đứng xa xa, thấy mái cọ lấp ló sau dãy cây xanh lòng tôi chợt ấm hẳn lại. Chưa đến nơi tôi đã réo to gọi tên anh. Chỉ có tiếng núi đá vọng lại trả lời tôi. Chắc anh ta đi vắng. Mấy mụ gà mái thấy tôi bỗng vụt lên nóc nhà cộc te cộc tác, dáng nhớn nhác sợ hãi rồi bay vút vào rừng. Mấy con lợn đen trùi trũi lần trước khi thoáng thấy bóng tôi đã ủn ỉn nhớn nhác chạy cong đuôi, lần này cũng chả thấy đâu.
Ơ kìa! Sao căn nhà có vẻ hoang lạnh. Đầu óc tôi đã dần dần đổi sang lo lắng. Mấy chú quạ đen thui đậu trên cành cây trước nhà, bỗng vỗ cánh phành phạch bay lên trời kêu quang quác, lượn quanh mái nhà hình như còn luyến tiếc cái gì. Linh tính tôi cảm thấy ngay có điều gì không hay đã xảy ra. Leo lên thang nhà sàn, tôi thấy có mùi gì bay ra khó chịu. Tôi đẩy cửa, bước vào nhà. Tôi chợt sững chân lại. Mắt tôi mở to ra... Xác anh Mường sõng soài trên sàn nứa. Máu tím khô trên manh áo chàm. Quần áo, đồ đạc trong nhà lộn xộn tung tóe khắp nơi. Tôi chợt để ý: bàn tay anh Mường vẫn còn đang nắm chặt, đặt lên ngực, như muốn giữ lại cái gì. Tôi quỳ xuống gỡ những ngón tay cứng nhắc ấy ra. Những tờ giấy bạc Cụ Hồ bị xé rách còn nằm gọn trong tay anh... Sự việc đã rõ ràng. Tôi đã hiểu vì sao anh chết. Người anh đầy vết thâm tím: chắc trước khi giết bọn giặc đã tra tấn anh rất dã man. Nhưng những người nghèo khổ như anh Mường, đời nào bọn giặc có thể khuất phục anh được. Đêm hôm ấy, tôi hì hục đến sáng, để đào hố chôn xác người anh em thân mến đó.
Thằng con tôi ăn quả rừng, uống nước suối thế mà lại chóng lớn: nó mười hai tuổi nhưng cao to như đứa trẻ mười ba, mười bốn. Dạo mới ở rừng, cháu dút dát như cáy; tôi đi đâu nó cũng đi theo như cái đuôi rồng rắn. Bây giờ trái lại cháu đã trở nên quá bạo dạn. Rừng sâu đã trở thành bạn thân của cháu. Nó đã biết một mình đi đánh bẫy gà rừng, đi tìm nấm, đi hái quả về ăn. Nó bạo dạn quá thì tôi lại hóa lo. Khi đi săn bắn tôi thường dặn cháu: “Cấm con không được đi quá vào rừng sâu, ở đây có nhiều hổ báo”.
Từ dạo anh Mường bị giết chết, lòng tôi lại nảy ra một nỗi lo: lo rằng chỗ ở của tôi chưa thật kín đáo. Tôi lo thế nào cũng có lúc bọn giặc mò đến chỗ tôi ở. Tôi đã bỏ ra hàng tuần lễ đi tìm một chỗ trú ẩn tốt hơn; nhưng tìm kiếm mãi mà vẫn chưa thấy.
Một buổi sáng, sau khi leo đèo lội suối đã mệt nhoài, tôi trở về nhà. Tôi mệt mỏi nằm xuống sàn nứa nghỉ lưng. Quái! Cái thằng út nhà tôi nó đi đâu mà chẳng thấy mặt. Tôi đợi cháu về ăn cơm. Tôi chờ cháu rất lâu. Nóng ruột quá! Tôi chạy ra suối gọi như hò đò mà vẫn chẳng thấy nó thưa. Tôi nghĩ bụng: “Thôi chết! Có lẽ thằng bé đã lạc trong rừng sâu”... Ý nghĩ ấy làm tôi hoảng lên. Tôi chạy vào nhà, lấy súng, đi tìm cháu. Tôi qua con suối thứ nhất cũng không thấy cháu đâu. Tôi đến con suối thứ hai cũng chẳng thấy cháu đâu. Tôi lo sợ vừa đi vừa hú dài trong rừng sâu. Tiếng hú của tôi chỉ có vách đá trả lời lại.
Chiều dần dần xuống. Tôi gần như tuyệt vọng, cổ đã khản, hơi đã hết, tôi lử thử ngồi xuống phiến đá, lòng ruột rối bời...
May quá! Lúc đó tôi bỗng nghe thấy tiếng hú thanh thanh của cháu. Tôi hú trả lại. Con tôi đứng trên sườn núi vẫy gọi. Tôi vội chạy lên núi đón cháu. Tôi giận cháu ghê lắm, tôi định bụng phải mắng cho nó một mẻ thì cu cậu mới chừa được. gặp mặt tôi, cháu đã líu ta líu tíu kéo tôi đi, miệng liến láu:
- Một ổ chó con! Bố ạ! Một ổ chó con...
Tôi chưa kịp nói nửa lời thì cháu đã dẫn tôi vào một hang đá. Ba con vật nho nhỏ xinh xinh màu đen tuyền đương giỡn nhau. Chúng chồm lên đi bằng hai chân sau khéo léo như con vật làm xiếc... Còn tôi cười như nắc nẻ. Từ thuở bé, nó chưa bao giờ trông thấy loại chó đi bằng hai chân... Tôi vừa buồn cười vừa sợ hãi, quay lại bảo cháu:
- Con ơi! Ra khỏi đây mau đi. Đấy là lũ gấu con chứ không phải là chó con... Cha con mình phải ra mau kẻo mẹ nó về thì rầy rà.
Tôi lôi cháu đi; nhưng nó còn ngoái đầu lại tỏ vẻ rất tiếc phải xa đàn gấu nhỏ. Chúng tôi chưa kịp ra đến cửa hang thì một con gấu to như con bò đen trùi trùi đương tiến vào. Thấy chúng tôi, con gấu chồm lên, chạy nhanh thoăn thoắt... Tôi nổ liền ba phát súng; con vật giãy giụa mãi mới chịu nằm im. Con tôi reo mừng sung sướng, chạy lại ôm lấy lũ gấu con. Còn tôi bây giờ mới có dịp ngắm nghía lại hang cẩn thận. May cho tôi quá! Câu chuyện săn gấu bất ngờ này đã giúp tôi tìm ra một chỗ trú ẩn quý báu. Đó là cái hang đá mà tôi đương ở hiện tại - Hang ở trên cao rất dễ quan sát tình hình chung quanh.
Cha con tôi phấn khởi ra về...
Nói tới đây, tôi thấy anh ngừng kể, lật ổ lá rừng lên và lấy ra một chiếc mũ bằng da gấu đen mượt. Anh nói với tôi rất tự hào:
- Đấy! Da con gấu, tôi thuộc da nó bằng lá rừng và đem may cho cháu một cái mũ và một chiếc áo mặc rét. Chiếc áo mất rồi nay chỉ còn cái mũ. Lúc tôi khâu tôi không có kim. Tôi phải cặm cụi dùi từng lỗ để luồn dây chỉ qua. Tôi phải khâu một tháng trời mới xong cái mũ và cái áo. Thằng út nhà tôi đội cái mũ này lên đầu thì trông thật khỏe mạnh và đẹp lắm đồng chí ạ.
Mắt bác Tư sáng lên. Người cha nào tô điểm cho con mình đẹp, con mình giòn mà chẳng thấy sung sướng. Bàn tay đồng chí Tư vuốt ve trìu mến chiếc mũ da gấu. Bàn tay anh rung lên...
Bác Tư kể tiếp:
Cái chết của anh Mường đã làm tôi lo lắng; nhưng một sự việc nữa xảy ra lại làm tôi lo lắng gấp bội. Mấy bữa sau khi tìm thấy cái hang tôi lại giở chứng lên cơn sốt rét. Miệng tôi đắng sè ăn không biết ngon. Hôm ấy, tôi vừa dứt cơn sốt thì cháu út hớt hơ hớt hải chạy về. Nó bảo cho tôi biết nó thấy thoáng bóng hai thằng Tây đi bên bờ suối, cách đây ba cây số. Nỗi lo lắng của tôi đã thành sự thật. Chiều hôm đó, tôi cố chống gậy theo con tôi đến bờ suối. Không còn nghi ngờ gì nữa, những vết giày đinh còn hằn in trên đất ướt.
Không hiểu vì sao khi thấy kho tàng bị đe dọa là lập tức căn bệnh trong cơ thể tôi tự dưng khỏi ngay. Tôi cố nuốt những hạt ngô vào bụng để lấy sức. Hai ngày sau, sức khỏe tôi đã khá hơn nhiều.
Không thể trì hoãn được nữa. Phải nhanh chóng chuyển kho đi, đồng thời cũng phải nhanh chóng xóa bỏ những dấu vết nơi ở cũ. Đồng chí tính xem: ba mươi bao tải súng, mỗi bao gần tạ rưỡi mà phải chuyển đi năm cây số thật không phải là chuyện dễ dàng. Tôi định san sẻ ra thành nhiều bao nhỏ, nhưng như thế thời gian chuyên chở sẽ lâu ra. Nếu kể mỗi chuyến vác tạ rưỡi thì nặng đấy, nhưng xưa kia tôi vốn làm nghề khuân vác nên cũng có một số kinh nghiệm và thói quen nhà nghề. Tôi làm việc liên tục suốt hai ngày đêm. Dạo ấy đúng là cuối tuần trăng, trời tối đen như mực. Tiếng hổ xa xa vẳng trong gió lạnh. Một mình tôi nặng nhọc vác bao tải súng leo trèo dốc núi cao, chân giẫm trên đá sắc.
Khoảng nửa đêm hôm sau thì tôi hầu như kiệt sức. Chân tôi bước hụt một tảng đá, tôi ngã xuống và mê man đi. Tỉnh dậy mới biết rằng mình đã lăn xuống chân núi. Chân tay mình mẩy đau nhừ, tưởng như không ngồi lên được nữa. Nhưng khi nghĩ đến kho tàng sẽ có thể bị cướp phá, khi nghĩ tới anh em đã đổ ra bao nhiêu xương máu thì sức mạnh trong người tôi lại trở lại. Tôi ráng sức chuệnh choạng tìm tới nương ngô. Tôi phải ăn, phải có sức thì mới làm việc được, tôi nhai ngấu nghiến những bắp ngô non ngọt lừ. Sữa ngô như sữa mẹ đã làm cho tôi khỏe lại. Tôi mải ăn đến nỗi có vật gì ngồi lù lù trong ruộng ngô cũng không biết. Khi tôi chạm vào vật lù lù đó thì nó gầm lên và vút chạy như bão lốc. Thì ra nó là một con hổ bắt gặp tôi bất thình lình nên sợ hãi quá chạy đi. Tôi chợt cười to, thấy mình lại mạnh mẽ như bình thường. Tôi cũng như chú hổ chạy vút như bão lốc đến kho và tiếp tục di chuyển súng.
Khi trời vừa rạng sáng, chim chóc đã bắt đầu rộn rã líu lo thì tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ. Con tôi đứng trên sườn núi cất lên bài ca chiến thắng. Tôi cũng cất tiếng ồ ồ hát theo con tôi. Sớm hôm ấy, sao mà tôi hát hay đến thế.
Cách đây mấy tháng, một đêm tôi đang mơ màng bỗng nghe thấy có nhiều tiếng nổ như ngô rang ở xa xa. Tôi choàng ngay dậy. Đã hơn một năm nay, tôi chưa bao giờ được nghe thấy súng nổ nhiều như thế. Rồi tôi đứng hẳn dậy, chạy ra ngoài cửa hang để nghe cho rõ hơn. Tiếng súng vẫn liên tục, thỉnh thoảng lại nghe thấy cả tiếng moóc-chê ình ình như tiếng trống cái giữ nhịp. Thôi đúng là súng của quân ta đang tấn công đồn địch rồi! Ta đang thắng to rồi! Sắp giải phóng cả tỉnh cả huyện này đến nơi rồi! Tôi vội vã vào đánh thức cháu út:
- Con ơi! Dậy đi... dậy mà nghe súng của bộ đội ta.
Thằng bé ú ớ dụi mắt:
- Gì thế hả bố?
- Mau lên! Dậy đi! Bộ đội sắp về rồi con ạ!
Vừa nghe thấy thế, thằng bé liền tỉnh ngủ ngay. Bố con tôi dắt díu nhau lên ngồi trên đỉnh núi chót vót để nhìn cho rõ.
Thằng cháu reo lên:
- Kìa... kìa bố xem... xanh đỏ đẹp chưa!
Tôi nhìn theo tay cháu. Những làn pháo sáng vút lên trời.
Thằng út cứ líu tíu như con sáo sậu:
- Bộ đội về thật rồi! Bố đi tìm các chú ấy đi! Bao giờ gặp các chú ấy, bố cho con đi làm liên lạc nhé.
Hai bố con tôi cứ say sưa ngồi như thế suốt đêm để nghe súng nổ. Tôi sung sướng vuốt ve mái tóc óng mịn như tơ của cháu. Tôi ôm cháu trong lòng vừa nghe súng nổ, vừa nghĩ tới tương lai.
Thằng con tôi dạo này nó nhớn ra dáng! Nó đã đọc thông viết thạo. Nó lại viết đẹp hơn cả tôi nữa chứ. Mấy hôm trước, cháu đã học hết cuốn Điều lệ Đảng. Cháu nó bảo:
- Thế là con học hết chữ rồi hả bố?
- Không, con còn phải học rất nhiều nữa con ạ. Bao giờ các chú bộ đội về, các chú sẽ dạy con.
Đêm hôm đó, tôi còn nhớ, thằng cháu nó cất tiếng hát lên nho nhỏ. Nó hát bài gì hay lắm, vui lắm tôi không nhớ rõ nữa. Nghe con hát, nghe tiếng súng chiến thắng của ta, lòng tôi cứ rộn ràng lên như có ai đàn hát ngay trong lòng mình. Càng ngắm nhìn con, lòng tôi lại càng thấy tự hào. Trong gần hai năm, tôi đã dạy dỗ cho cháu khôn lớn lên rất nhiều. Chính những nỗi khó khăn khổ sở đã làm cho cháu cứng rắn thêm lên, tháo vát thêm lên. Bây giờ cháu út không còn thơ dại như những ngày đầu mới ở rừng nữa. Cháu đã khôn lên rất nhiều. Cháu đã biết chặt củi, nấu nướng và lao động giúp đỡ tôi hằng ngày. Ngoài ra, cháu lại còn biết cả tháo súng, lắp súng và canh gác kho tàng nữa.
Sớm hôm sau, tôi vội theo tiếng súng lên đường ngay đi tìm mối liên lạc với quân ta. Trước khi đi, tôi trao nhiệm vụ cho cháu út:
- Này! Chú lính tý hon của bố! Con ở nhà, bố đi tìm bộ đội. Con phải canh gác kho súng cho cẩn thận. Suốt ngày con không được rời khỏi hang này. Bố để ngô sắn cho con ăn. Bốn hôm nữa bố sẽ trở về.
Con tôi ôm lấy tôi:
- Bố cứ đi tìm bộ đội... Bố đi tìm cho mau lên.
Tôi nhìn thẳng vào mắt cháu, cứ ngập ngừng không nỡ rời chân. Thú thực, để cho cháu ở một mình trong thời gian lâu như thế, tôi thấy không yên lòng... Thằng bé nó bám chặt vào cổ tôi rồi hôn vào má tôi. Tôi khẽ gỡ tay cháu ra, quay mặt, bước chân đi. Lạ chưa! Không biết sao hôm ấy tôi lại khóc được nhỉ?
Tôi đi ròng rã đã ba ngày trời mà vẫn chưa bắt được liên lạc với bộ đội mình. Chắc họ hãy còn ở xa. Cả vùng này vẫn còn nằm trong tay quân Pháp, thế mà tình hình của quân giặc đã tỏ ra nao núng thiểu não vô cùng. Mấy hôm nay, tôi luôn gặp những tên giặc râu ria xồm xoàm, quần áo tơi tả, thất thểu kéo nhau đi trên các nẻo đường về thị xã, có đồng bào Mường nói với tôi: “Tây đang thua to ở huyện bên cạnh, bộ đội ta sắp về đến nơi rồi”. Tôi hỏi thăm đường, họ nói: “Muốn gặp bộ đội thì còn phải đi hai ngày nữa mới tới”.
Tình hình thực tế đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Một điều rõ ràng là bộ đội hãy còn ở xa; mà nhiệm vụ chính của tôi là phải giữ gìn bảo vệ toàn vẹn kho súng... Đi hay về bây giờ? Tôi tự thủ thầm trong bụng: “Tư ơi! Hãy coi chừng đấy! Mấy hôm nay tàn quân Pháp lạc vào rừng rất nhiều... Anh có nhớ rằng, mỗi mẩu sắt thép của kho tàng là một giọt máu của đồng chí chúng ta không? Nhỡ có việc gì xảy ra thì sao? Thằng út còn bé quá, liệu nó có đủ sức bảo vệ kho tàng được không?” Lòng tôi chợt nóng như lửa đốt. Tôi thấy cần phải quay trở về ngay. Bỏ kho tàng vắng vẻ để đi tìm bộ đội lúc này là không đúng.
Phải về nhanh! Phải về nhanh!
Tôi vội vã đi đêm đi ngày để trở lại rừng sâu cho chóng. Tôi tự trách mình là đã hành động vụng về; nếu có chuyện gì xảy ra thì thật tôi là người thiếu trách nhiệm.
Lúc về đến con suối cách ngọn núi Hai chừng cây số, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng súng nổ đì đoàng. Đã có cuộc chạm súng ở gần đâu đây. Tôi dừng lại nghe ngóng, định hướng. Đúng rồi! Tiếng súng nổ ở ngay vùng tôi ở. Bọn Pháp đã tìm thấy kho súng rồi hay sao?... Đầu tôi nóng ran lên. Tôi chạy như bay về phía súng nổ.
Trời ơi! Không khéo thì hỏng mất... Con tôi có một mình... liệu nó có đủ sức khỏe bảo vệ kho tàng này không? Tiếng súng nổ càng ngày càng rõ. Tôi rùng mình lo sợ... Tôi nghĩ tới tính mạng của cháu... Trời ơi!... Út ơi... Con bé bỏng của bố... sức lực con có là bao... không khéo chúng giết con tôi mất rồi.
Tôi chạy. Tôi thở hổn hển. Mồ hôi đầm đìa. Tôi ngã soài trên đá. Đá thọc sâu vào thịt, máu chảy ròng ròng. Mặc! Tôi chồm dậy. Tôi lại tiếp tục chạy. Phải tranh cướp lấy thời gian... phải về ngay để cứu lấy kho súng... cứu lấy con tôi.
Tôi đã về đến chân núi. Tôi nấp sau một gốc cây... Tôi nhìn lên phía cửa hang... Kìa sau chiếc ụ đất... Có cái chỏm mũ đen ngọ nguậy... Đúng rồi... Đó là chiếc mũ da gấu cứng quéo mà con tôi vẫn đội... Tôi thở phào dễ chịu... Thế là kho tàng vẫn vẹn toàn và con tôi vẫn yên lành. Tôi lại để ý quan sát phía bên địch... Chúng đâu cả rồi? Chúng lẩn vào cây cỏ vách đá mất rồi. Tôi đưa mắt mãi mà vẫn chưa tìm thấy. Chợt một phát súng của con tôi réo lên... Tôi để ý theo luồng đạn. Một phát nữa lại réo lên... A ha! Tôi thấy rồi... Con tôi đã bắn tung cái mũ to vành của thằng giặc. Cuộc chiến đấu chỉ có tay đôi. Khá thật! Lúc dạy con tôi bắn súng tôi có bao giờ nghĩ rằng mới bé tý xíu mà con tôi bắn khá thế! Thằng giặc ném một quả lựu đạn... Tiếng nổ vang trời... Nó thừa thế tiến lên mấy bước. Nó chỉ còn cách con tôi năm chục thước. Không thể để cho nó tiến thêm một bước nữa... Tôi đặt súng lên vai, bóp cò. Viên đạn sượt đầu tên giặc. Cái mũ to vành vội thụt lại, nấp kín sau gốc cây. Tôi bắc tay lên miệng hú dài. Nghe tiếng hú, biết là tôi đã về, con tôi vui sướng hét to lên:
- Hoan hô! Bố đã về... xung phong!
Tên giặc chắc đã đoán được tình thế không có lợi cho nó, nên vội quay đầu, chạy lao xuống chân núi. Nhưng nó chạy đâu cho thoát... Núi rừng cây cỏ này hết thảy đều thuộc về ta. Đá níu chân lại làm nó ngã bổ soài. Cây súng các-bin văng ra xa một bên. Lúc nó run rẩy đứng lên thì những cành cây như những cánh tay cào cấu trên đầu nó. Thằng giặc gầm lên sợ hãi, Cái mũ to vành móc lủng lẳng trên cành cao. Nó chạy, tóc rũ rượi bù xù. Đằng sau, con tôi đuổi theo miệng hét lớn:
- Bố ơi... xung phong... Xung phong!
Con tôi đội chiếc mũ da gấu, mặc chiếc quần đùi, người để trần khỏe mạnh. Nó nhanh như con sóc, nhảy phóc từ mô đá này sang mô đá khác. Thằng giặc to béo như cái cối xay nên chạy chậm rì rì. Con tôi đã gần đuổi kịp nó...
Tôi nấp sau gốc cây, đặt khẩu súng trên vai... nheo mắt... Thằng giặc chạy lại phía tôi. Cháu út cũng chạy lại phía tôi. Rầy rà quá! Thật là khó bắn. Tôi dán mắt tìm đường ngắm để tránh cho con tôi khỏi đạn lạc. Tôi đặt quyết tâm phải giết bằng được tên giặc này vì để nó chạy thoát thì kho súng của chúng ta sẽ bị lộ.
Cái bóng nhỏ xíu của con tôi vẫn chấp chới bám riết sau tên giặc. Kìa! Thằng giặc bỗng quay đầu lại. Nó sờ tay vào túi. Nó còn súng lục. Tôi mang hết sức ra hét thật to:
- Út ơi! Nằm xuống!...
Con tôi vẫn như con thỏ rừng lao đến phía tên giặc... Một phát súng nổ vang xé tim tôi ra. Tôi thét lên:
- Trời ơi!... Con tôi...
Thằng bé ngã xuống rồi lại vươn lên, cánh tay chấp chới. Tôi tỳ chặt súng vào vai, nghiến răng, bóp cò. Tiếng súng nổ gọn. Thằng giặc như cây gỗ mất rễ, đổ nhào. Tôi chạy tới ôm lấy con. Thằng cháu người mềm nhũn. Máu chảy đỏ vầng trán. Tôi líu tíu nức nở:
- Con ơi... út ơi... tỉnh lại...
Cháu từ từ mở mắt ra, nhìn tôi, mỉm cười. Nó nói se sẽ:
- Bố ạ... thằng Tây nó đến... nó định lấy súng... con bắn nó... bố về... con gọi bố... bố xung phong... nó chạy... nó chết rồi... bố... nhỉ...
Tôi gật đầu nước mắt trào ra giàn giụa. Con tôi lại hỏi:
- Bố ơi... bộ đội... sắp về chưa?
- Sắp về rồi con ạ.
Cháu mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại. Tôi ôm cháu vào lòng lay gọi:
- Út ơi! Tỉnh lại đi con!
Nhưng, con tôi vẫn nhắm nghiền mắt như ngủ say...
Nói tới đây, người đồng chí già của tôi lặng hẳn đi. Đầu anh hơi ngẩng lên. Hai tay ôm chặt chiếc mũ da gấu, một kỷ niệm quý giá của cháu út vào trong lòng. Ánh lửa bập bùng. Chòm râu của anh rung rung... Một cơn gió chợt lùa vào hang lạnh phát thành những tiếng hu hu... Ngọn lửa cháy to thêm. Tôi thấy mắt anh rực lên như ánh thép trong lò... Ngừng hồi lâu, anh mới lấy lại được bình tĩnh và kể tiếp cho tôi nghe bằng cái giọng trầm trầm đau đớn.
... Lúc đó, tôi quàng súng lên vai, ôm con trên cánh tay, chân bước như người say. Nhiều lần, tôi vấp phải những hòn đá ngã bò soài ra nhưng chẳng biết đau là gì nữa. Tôi định chạy đi đâu lúc đó? Có lẽ tôi định chạy đến nơi có tiếng súng nổ. Tôi sẽ gặp những đồng chí của tôi. Các bạn tôi sẽ ôm lấy nhau. Tôi sẽ nói với họ rằng:
- Các đồng chí ơi... Giặc nó giết con chúng ta như thế này đây... Hãy trả thù cho con trẻ.
Chân tay cháu út lạnh ngắt hẳn rồi. Tôi cố ghì cái thân hình khẳng khiu ấy vào lòng như gà mẹ ấp ủ cho gà con. Tôi muốn truyền sức sống hơi thở cho nó. Đầu óc tôi căng thẳng. Tôi ngã vật xuống và mê man đi.
Khi mặt trời ngủ dậy thì tôi cũng bừng tỉnh dậy. Tôi lặng lẽ mang xác con chôn trên đỉnh núi. Mộ con tôi đắp bằng những tảng đá trắng. Tôi muốn cho con tôi được nghỉ ngơi ở một nơi cao nhất, đẹp nhất, có nhiều ánh sáng nhất...
3
Câu chuyện của đồng chí Tư kể đến đây thì trời vừa sáng. Đến đoạn cuối, đầu anh hơi trĩu xuống; tôi cứ tưởng anh khóc nhưng không phải. Anh ngẩng đầu lên, mắt óng a óng ánh. Ai đã trông thấy đôi mắt của một chiến sĩ đang sọc mạnh lưỡi lê vào bụng quân thù chưa? Chính mắt của đồng chí Tư nó ngùn ngụt như thế đó. Tôi cứ định an ủi anh vài câu nhưng khi nhìn đôi mắt ấy, tôi cảm thấy ngay rằng những lời nói của tôi thực sự ra không cần thiết gì cho đồng chí đó.
Luồng ánh sáng buổi sớm đã lọt qua lỗ hổng trên đỉnh đầu chiếu xuống ngay chỗ đồng chí Tư ngồi. Đồng chí đứng dậy, toàn thân tắm ánh nắng rực lên chói lọi.
Chúng tôi bàn bạc và định rằng cả hai người sẽ cấp tốc về ngay báo cáo với tỉnh ủy. Đồng chí Tư rất thuộc đường rừng. Đồng chí sẽ dẫn tôi về theo một con đường dễ đi và gần nhất. Sớm nay, đồng chí Tư vui hẳn lên. Qua câu chuyện đêm qua, tôi càng thấy mến yêu người đồng chí già của tôi. Hôm nay, đồng chí Tư lại lấy bộ quần áo đẹp nhất của mình ra để mặc. Trước khi đi, đồng chí Tư còn dẫn tôi lên thăm mộ cháu út. Đúng như lời đồng chí Tư kể, mộ của cháu đắp bằng đá trắng ở ngay đỉnh núi. Những cây hoa rừng mà đồng chí Tư đã mất bao công phu đem lên trồng nay đã đâm bông đỏ chói. Đồng chí Tư bảo tôi:
- Hoa đỏ là màu cờ Đảng. Tôi muốn rằng đến lúc chết con tôi vẫn luôn luôn nằm dưới bóng cờ Đảng.
Chúng tôi từ giã mộ cháu út ra đi. Chân bước mà đầu còn ngoái lại. Mấy con chim vành khuyên vàng óng xinh xinh đã bay đến đậu trên cành cây trên mộ cháu, cất giọng hót. Đồng chí Tư giơ tay chỉ về hướng bắc và nói:
- Chúng ta sẽ đi theo hướng này... sẽ đi suốt ngày nay... suốt đêm nay... chúng ta phải mau chóng về gặp tỉnh ủy... tôi lo lắm đồng chí ạ. Ít lâu nay hình như bọn giặc bắt đầu đánh hơi thấy chỗ tôi ở thì phải.
Chúng tôi vừa đi vừa thủ thỉ tâm sự. Đi khỏi chân núi chừng vài trăm thước, chúng tôi rủ nhau xuống suối lấy nước rửa mặt. Nước trong leo lẻo, mát rượi làm cho đầu óc tôi nhẹ nhàng khỏe khoắn hẳn lên.
Bỗng... đồng chí Tư vỗ nhẹ vào vai tôi, ra hiệu im lặng. Có tiếng chân lột sột giẫm trên lá rừng. Tôi nhanh nhẹn nấp sát vào bờ suối... ghé mắt lên nhìn... bỗng giật mình đánh thót. Một bọn lố nhố chừng hai chục người đương đi tới. Đêm qua súng nổ rất gần; chắc bọn giặc nghi có bộ đội trong rừng sâu nên đem quân đi lùng.
Chúng tôi hồi hộp nấp sau lùm cây chờ đợi... Kìa... Bọn giặc đang đi thẳng về phía chúng tôi... bỗng dưng chúng rẽ quặt về phía tay phải... tôi lại càng hồi hộp hơn vì chúng đi thẳng lên phía chân núi... Kìa! Chúng định leo lên núi hay sao?... Anh Tư đặt súng lừ lừ theo dõi.
Tôi thở phào... May quá! Chúng không trèo lên núi nữa mà lại vòng ra phía sau chân núi. Lòng tôi rất khoan khoái vì như thế là chúng tôi đã tránh được một cuộc chiến đấu không cân bằng, trong đó chúng tôi chỉ có hai người mà bọn địch đông những hai chục tên.
Nhưng... đồng chí Tư... chợt nghiến răng lại, tỳ chặt súng vào bả vai. Tôi cản ngay lại:
- Ô kìa! Sao lại bắn?
Tư quắc mắt:
- Cứ để yên! Mặc tôi!
Tôi giằng tay Tư khỏi súng:
- Này... này chớ có bắn... lỡ việc ra...
Tư khỏe như voi, hẩy tôi ngã lăn chiêng ra đất và mắng:
- Đồ ngốc! Định giao kho súng cho giặc hay sao?...
Tôi chưa kịp đứng dậy thì tiếng súng của Tư bất thình lình nổ ran như pháo. Bọn Pháp nghe súng đã quay phắt ngay đầu lại phía chúng tôi. Tư ra lệnh:
- Chạy đi... vừa chạy vừa bắn!... Nhử cho chúng ra xa khỏi hòn núi.
Tôi vừa chạy vừa cằn nhằn vì lối xử trí thiếu linh hoạt của Tư. Anh ta phải quát lên để giải thích cho tôi:
- Anh có biết tại sao tôi bắn không?... Anh có biết đằng sau núi kia có gì không? Có nương sắn, có nương ngô. Thấy sắn, thấy ngô chúng biết có người ở quanh đây... chúng sẽ leo lên núi... thử hỏi còn gì là kho tàng nữa hả?...
Bấy giờ cái óc tôi mới tỉnh ra. Tôi thầm phục Tư xử trí thật nhanh nhẹn và cương quyết.
Súng của chúng tôi quét lia lịa. Bọn giặc nằm bẹp dí không dám ngóc đầu dậy. Thừa cơ, chúng tôi cắm cổ chạy được một quãng xa. Bọn giặc lại tiếp tục đuổi theo. Chúng tôi đã lần lần nhử chúng ra khỏi quãng rừng bí mật. Thế là không lo cho kho tàng nữa rồi. Chúng tôi đã ngã chúi ngã rụi không biết bao nhiêu lần, quần áo bị đá gai rách mướp.
Đang chạy thì Tư bị trúng đạn, ngã khuỵu xuống. Tôi ôm ngay lấy Tư:
- Anh Tư ơi! Anh Tư!
- Cứ chạy đi!... Để mặc tôi!...
- Bám lấy vai... tôi cõng.
- Cõng gì?... Chạy đi...
- Tôi không chạy... chết cùng chết.
- Gàn thế!... Chú em ôi!... Mạng của chúng ta chưa phải là cần thiết đâu; kho súng mới là cần thiết... Nhiệm vụ của chú là phải về báo cáo cho tỉnh ủy biết. Chú hãy nhớ: “Mỗi mẩu sắt thép ở đây là một giọt máu của anh em đồng chí”.
Anh vừa nói vừa nghiến răng bóp cò. Bọn Pháp chùn lại nằm xuống. Tư bỗng móc túi ra cuốn sách nhỏ cũ kỹ trao cho tôi:
- Tặng chú cuốn Điều lệ Đảng... tôi biết chú có rồi nhưng chú cứ cầm lấy... chú hãy trao tặng nó cho một đồng chí đảng viên mới... chú nhớ báo cáo với Đảng rằng tôi đã làm tròn nhiệm vụ của Đảng trao cho...
Tôi run run cầm lấy cuốn sách. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau để từ biệt. Rồi tôi chạy nhanh như gió. Súng của Tư vẫn nổ giòn giã. Vấp phải hỏa lực của anh, địch như đâm đầu phải vách đá nên đứng sững lại; nhờ đó tôi chạy thoát.
Tôi chạy mãi cho đến khi không còn nghe thấy tiếng súng của Tư nữa mới dừng chân lại. Tôi sững sờ, quay đầu lại phía rừng sâu. Nước mắt tôi chảy đầm gò má.
Hòa bình.
Tôi trở về vùng núi Hai thăm mộ đồng chí Tư. Mộ của đồng chí cũng đắp bằng đá trắng nằm bên cạnh mộ cháu út chót vót trên đỉnh núi cao. Theo đúng ý nguyện của anh, chúng tôi trồng những cây hoa màu cờ Đảng trên hai nấm mộ.
Tôi đứng sững, từ từ mở cuốn sách nhỏ mà Tư đã tặng. Tôi cất tiếng đọc vang dòng chữ: “Đảng Cộng sản Đông Dương là đội quân tiên phong duy nhất của giai cấp vô sản”.
Bây giờ, ai qua vùng núi Hai nhìn từ đằng xa đã thấy ngọn núi cao chót vót trên đó có hai nấm mồ một to một nhỏ. Nhân dân ở đó thường bảo: “Đó là hai nấm mồ của hai người cộng sản: một người cộng sản già và một người cộng sản tý hon”.
Tháng 10 năm 1959
1. Phu khuân vác.