còn đi bằng tàu thuỷ cỡ nhỏ từ thành phố Vũng Tàu ra Côn Đảo khoảng cách 185 cây số phải mất khoảng gần 13 giờ đồng hồ.
Tháng 4 này, tôi trở lại Côn Đảo trong đoàn văn nghệ sỹ Hà Giang đi Trại sáng tác văn học, nghệ thuật tại Nhà sáng tác Vũng Tàu. Lần này ra Côn Đảo chúng tôi đi bằng đường thuỷ từ Vũng Tàu trên tàu cao tốc hiện đại có sức chứa 1.017 người, tăng gấp 4 lần so với những năm trước đây từ thành phố Vũng Tàu – Côn Đảo. Mỗi lần ra thăm Côn Đảo trong lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến trước sự thay da đổi thịt của Côn Đảo từng ngày... Tàu du lịch cao tốc Vũng Tàu – Côn Đảo, tháng 3.2024 vừa đưa vào sử dụng. Đây là tàu cao tốc 2 thân lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm 3 tầng, 2 tầng chở khách (tầng 1 có khoảng 50 ghế vip), tầng 3 là cantin phục vụ dịch vụ giải khát... Thời gian từ vũng tàu ra Côn Đảo chỉ hết gần 4 tiếng đồng hồ, nghĩa là giảm thời gian đi hơn 3 lần so với những năm trước đây đi tàu nhỏ.
Sau khi làm thủ tục lên tàu từ biển Bãi Trước (Vũng Tàu) rất thuận lợi, nhanh chóng, chúng tôi vào ghế ngồi, đệm êm và thư giãn ngắm biển qua cửa kính tàu. Mùa này sóng biển cơ bản bình yên, con tàu lướt nhẹ trên biển, chỗ ngồi ghế rộng rãi, thoải mái, ghế có thể điều chỉnh độ ngả nghiêng 120 độ; các khoang hành khách đều có ti vi, túi chống nôn và phòng vệ sinh... Khoang hành khách thoáng mát, dễ chịu. Nhân viên phục vụ tàu cởi mở, thân thiện, ân cần... Đặc biệt là tàu có thể chịu được sức gió cấp 7, cấp 8, những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết. Tàu thiết kế tính ổn định cao, anh toàn tuyệt đối...
Bờ xa dần. Trước mặt chúng tôi biển mênh mông. Chỉ người lái tàu là biết con tàu đang đi về đâu... Sau gần 4 tiếng đồng hồ ngồi tàu, chúng tôi đã cập bến cầu tàu vào Côn Đảo. Những chiếc xe ca chở khách vào thăm đảo miễn phí đã có mặt đón khách lên nhà chờ chuyển tiếp... Một khung cảnh thật nhộn nhịp và ấm cúng, thể hiện sự hiếu khách của Côn Đảo hôm nay.
Từ bến cầu tàu vào thị trấn huyện Côn Đảo là con đường trải nhựa áp phan, xe chạy êm ru theo bờ biển; hai bên đường là những rừng cây phi lao, cây dây leo xanh mát hoà cùng trời biển Côn Đảo đẹp đến xao lòng. Vào thị trấn Côn Đảo, trước mắt chúng tôi là những dãy phố đông đúc, nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ 2, 3, 4, tầng san sát; cờ hoa, khẩu hiệu, băng zôn rực rỡ sắc màu... mang đậm không khí của ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Người xe đi lại nhộn nhịp, trong đó đa số là khách đến thăm Côn Đảo. Đặt chân đến Côn Đảo, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi: Côn Đảo sôi động, đẹp tuyệt vời!
Báo tàng Côn Đảo |
Quá khứ vùng đất đau thương - địa ngục trần gian
Trên bản đồ Việt Nam, Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu 47 hải lý, khoảng 236 cây số. Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 76 km2. Côn Đảo còn có tên gọi khác là Côn Sơn. Đây cũng là tên riêng cho hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Từ trên cao nhìn xuống Côn Đảo giống như một con gấu lớn đang giơ chân chồm về phía trước khát khao tự do,...
Nơi mà chúng tôi chọn đến thăm đầu tiên là nhà Bảo tàng Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Một người con gái nhỏ nhắn, có khuôn mặt trái xoan, tính tình cởi mở, giọng nói miền Trung dễ thương - nhân viên bảo tàng Di tích lịch sử Cách mạng Côn Đảo ra đón khách. Biết chúng tôi là nhà báo và các văn nghệ sỹ các chị rất vui. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Nhà bảo tàng Di tích lịch sử Cách mạng Côn Đảo hôm nay, trước đây là nơi ở và làm việc của 53 tên chúa đảo, trong đó có 39 đời chúa đảo là người Pháp, 14 đời chúa đảo là người Việt suốt 113 năm qua (từ 1862- 1975). Khu Nhà chúa đảo có tổng diện tích 18.600m2, trong đó nhà chính và nhà phụ. Côn Đảo được giải phóng sau 1 ngày giải phóng miền Nam. Nhà Bảo tàng Di tích lịch sử Côn Đảo có một không gian trưng bày di tích Côn Đảo không lớn, nhưng các hiện vật và những dòng chữ chú dẫn, đồng thời qua lời thuyết minh giới thiệu của nhân viên, chúng tôi được tái hiện lại cả một thời gian dài hơn một thế kỷ ở Côn Đảo, dưới ách đô hộ, cai trị của chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - Ngụy, với bao đau thương, chết chóc điêu tàn... Nhưng sáng ngời lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam. Súng gươm, tử hình, tù đày, tra tấn cực hình, treo cổ… không thứ nào làm cho các chiến sĩ cách mạng khuất phục. Nhiều bức ảnh qua thời gian tuy đã cũ, nhưng tên tuổi con người, chân dung của các nông dân và sĩ phu yêu nước như cụ Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Dương Đình Thạc vv… trong các phong trào Cần vương, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung kỳ, nổi dậy ở Nam kỳ… và tiếp theo là những đảng viên cộng sản như các đồng chí: Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh.
Trại giam Phú Tường ở Côn Đảo |
Tới thăm khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn viên Ban quản lý di tích lịch sử Côn Đảo, cho biết: Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua hai thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - Ngụy đã xây dựng tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Bên cạnh đó còn có các sở tù đày ải người tù làm lao dịch khổ sai, nhằm giết dần, giết mòn người tù; đồng thời phục vụ các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của địch. Các trại giam thời Pháp có 3 Banh chính và một Banh phụ… Ở chuồng cọp có 120 phòng biệt giam, chia làm 2 khu, bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa, dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn, phân bò lên đầu người tù). Có nhiều tù nhân sức yếu không chịu nổi, chỉ sau một đêm đã chết. Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che (còn gọi là phòng tắm nắng), là nơi dùng để hành hạ, phơi nắng, phơi mưa người tù và lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn; đặc biệt là đối với các chiến sĩ cách mạng bị tù là phụ nữ… vệ sinh cá nhân tại chỗ giam chật hẹp chỉ có 3 mét vuông chứa 5 đến 7 người...
Được tận mắt chứng kiến những nhà hầm, công cụ tra tấn và cả những hình ảnh mô phỏng các chiến sĩ cách mạng của chúng ta bị chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - Ngụy hành hạ tra tấn, chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Nhiều người tù bị chúng rắc vôi bột lên đầu, sau đó dội nước vào người như kiểu nung vôi, dẫn đến mù cả mắt, lở loét thân thể... Có nhiều tù nhân khi thân thể đã kiệt quệ vẫn bị chúng lôi ra “phòng tắm nắng”, bốn, năm tên cai ngục thằng giữ chân, thằng giữ tay, thằng đá vào bụng, mặt, thằng bẻ chân… vì không chào cờ địch, không khai báo tổ chức cách mạng, không nói xấu chế độ Cộng sản vv… Tại trại giam Phú Sơn, ở khám 2, chúng tôi được chứng kiến nơi giam giữ các tù chính trị đặc biệt như đồng chí Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt; Khám 3, giam giữ các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị... Trên thế gian này có lẽ không nơi nào người tù lại bị tra tấn, đánh đập bằng mọi thứ nhục hình như ở Côn Đảo.
Đến thăm các trại giam thời Mỹ – Ngụy, trại Phú An được xây dựng năm 1968. Năm 1968 - 1973 gọi là Trại 6. Sau hiệp định Pari đổi tên là Trại Phú An. Tổng diện tích 42.140m2, bao gồm 2 khu, (khu A) và (khu B). Mỗi khu có 2 dãy gồm 10 phòng và 4 xà lim. Năm 1973 địch đã dùng 1 đại đội cảnh sát dã chiến và hàng trăm tên trật tự lưu manh đàn áp đẫm máu nhằm tráo án tù chính trị sang tù phạm, để trốn tránh việc trao trả tù chính trị trị cho Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Pa ri. Trại Phú Bình được xây dựng từ năm 1971. Năm 1971 - 1973 gọi là Trại 7, còn được gọi là (Chuồng cọp kiểu Mỹ). Sau hiệp định Pa ri đổi tên là Trại Phú Bình. Tổng diện tích Trại 25.788m2, trong đó có 9.630m2 phòng giam. Đây là nhà giam đặc biệt bằng bê tông bao gồm 384 phòng giam, được chia ra làm 8 khu: Khu A, B, C, D, E, F, G, H. Mỗi khu có 48 phòng. Khu G. H là nơi nổi dậy giải phóng giành chính quyền đầu tiên ở Côn Đảo lúc 1 giờ sáng ngày 01/5/1975.
Quan sát trại giam kiểu Mỹ - Nguỵ, chúng tôi nhận thấy nơi chuồng cọp kiểu Mỹ cũng giống như thời kỳ của thực dân Pháp, nhưng được cải tiến phòng giam và cách tra tấn người tù thâm hiểm, độc ác, bao gồm các trại với nhiều phòng phòng biệt giam chia làm nhiều khu, mỗi khu có hai dãy, mỗi dãy 48 phòng. Cùng với các trại giam, Mỹ - Ngụy thành lập các sở tù. Các sở tù được lập ra để cải tạo người tù bằng lao động khổ sai; đi đánh bắt hải sản ngoài biển; chuyên đóng cày, bừa sản xuất dụng cụ canh tác; khai thác đá xây dựng nhà tù, cầu, đường; khai thác gỗ làm nhà; chăn nuôi bò, lợn lấy phân làm bể chứa tra tấn dìm người tù; đóng gạch xây dựng nhà ở, xây trại giam; lấy san hô ngoài biển về nung san hô thành vôi bột tra tấn tù nhân vv....
Chị P. hướng dẫn viên quê ở Hà Tĩnh, là cán bộ ngành Bảo tàng học, chị ra Côn Đảo công tác đến nay đã hơn 30 năm. Chồng chị là bộ đội có thời gian đóng quân ở Côn Đảo, nay đã nghỉ chế độ về Vũng Tàu cùng các con. Riêng chị ở lại cùng đồng nghiệp phục vụ nhà Bảo tàng Côn Đảo, vì chị còn 2 năm nữa nghỉ hưu. Chị tận tình đưa chúng tôi đi thăm các phòng giam và ân cần giới thiệu: Các phòng giam tập thể và nhóm tù nhân đặc biệt được làm bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp nên dễ sinh bệnh và suy nhược cơ thể… Các nhà tù trên đều có một hệ thống cùm chân người tù hàng loạt (tập thể) tại chỗ, liên hoàn bằng sắt phi khoảng 25, 26 có rãnh xoắn, người tù chỉ cần quậy cựa chân là có thể sứt da, chảy máu và bị nhiễm trùng…
Đến Côn Đảo, không thể không đến nghĩa trang Hàng Dương, đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ suốt 113 năm. Người quản trang nói với chúng tôi:
- Một nắm đất ở nghĩa trang Hàng Dương là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với một liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh.
Rồi ông đọc câu thơ:“Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”.
Đọc xong mấy câu thơ, ông hạ giọng, nét mặt đượm buồn. Ông hỏi:
- Các anh chị ở đâu ra đảo?
- Chúng tôi ở ngoài Bắc, là nhà báo, văn nghệ sỹ ạ!
Ông bỗng nghiêm trang nói:
- Nhà báo, văn nghệ sỹ ngoài Bắc, ra tận Côn Đảo để viết bài, quý hoá quá. - Ông ôn tồn: Ở đây nhiều cái cần viết lắm. Các nhà báo hãy làm cho nhân dân ta, đặc biệt là người nước ngoài càng hiểu rõ về lịch đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở Côn Đảo, trong đó có hàng vạn người con ưu tú của dân tộc, đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. - Dừng một lát, ông bảo: Nghĩa trang Hàng Dương các anh thấy có khác với các nghĩa trang liệt sĩ trong nước không? - Rồi không đợi chúng tôi trả lời, ông nói luôn: - Không phô trương khác với thực tế lịch sử, mà hài hòa, hợp với cảnh trí thiên nhiên, gây ấn tượng tưởng niệm sâu sắc. Ở nghĩa trang này cô Sáu thiêng lắm. Cô thường hiển linh vào nửa đêm, giờ Tý. Muốn được gặp cô để cô phù hộ thì các anh nên đến thắp hương vào nửa đêm.
Phòng giam đặc biệt nơi đã giam đồng chí Tôn Đức Thắng |
...Trước khi đi ra Côn Đảo, chúng tôi cũng đã tìm hiểu qua bạn bè về những việc cần phải làm khi đi thăm các di tích lịch sử. Đoàn chúng tôi đã chuẩn bị lễ hoa quả cùng những bó hoa từ trong đất liền mang theo. Một bó hoa cúc vàng và một bó cúc trắng để kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và những người yêu nước khi mất còn trẻ tại Đài tưởng niệm Trung tâm; một bó hoa huệ trắng muốt thơm hương để kính viếng hương hồn nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Nghĩa trang Hàng Dương rộng khoảng 20 ha, được khởi công xây dựng, tôn tạo tháng 12 năm 1992 gồm 4 khu; Khu A có 688 ngôi mộ, (có 7 mộ tập thể), trong đó 598 mộ khuyết danh, chỉ có 90 mộ có tên. Đa số các phần mộ từ năm 1945 về trước. Nơi đây có ngôi mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Khu B gồm có 695 mộ, (có 17 mộ tập thể); trong đó 419 mộ khuyết danh, 267 mộ có tên. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến năm 1960. Nơi đây có mộ của nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu - người con gái xã Long Mỹ, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa trước đây. Khu C gồm 373 mộ (có 1 mộ tập thể), trong đó 332 mộ có tên, 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến năm 1975. Khu D gồm 156 mộ, trong đó 14 mộ có tên, 142 mộ khuyết danh. Khu này quy tập những nấm mộ từ Hòn Cau, Hàng Keo và rải rác từ nhiều nơi khác về.
Nghĩa trang Hàng Dương thật đầy gió, cát, phi lao và biển hoà quyện, gào thét đêm ngày. Nếu ai đó yếu bóng vía, đến nơi đây, chỉ nghe tiếng rít của phi lao, nghe tiếng gào thét của sóng biển, gió cuốn cát tung bụi bay tả tơi và hàng vạn ngôi mộ được đắp lên nằm đó, cát, gió quấn quýt từng ngày, từng ngày… Rồi còn hàng ngàn những con người vô danh vẫn còn nằm rải rác dưới phần đất kia, chưa được ghi danh… bạn có thể run…
Do điều kiện công việc, Đoàn chúng tôi đến viếng nghĩa trang Hàng Dương vào một chiều. Nghĩa trang đã đông người. Già có, trẻ có, người ở miền Nam có, người miền Trung có, người Bắc có... Sau khi làm thủ tục thắp hương hoa, đặt lễ tại đài tưởng niệm, chúng tôi đến khu nghĩa trang có mộ chị Sáu để thắp hương... Khu mộ chị Sáu người đông như hội. Tiếng nói râm ran, khói hương nghi ngút, nhưng rất trật tự không ai chen lấn... Có những đôi nam nữ tay khoác nhau, ôm hoa trắng, khuôn mặt như hoa... Gặp cả các cháu thiếu nhi với những bó hoa trắng... Họ rảo chân đến khu mộ chị Sáu, thắp hương. Mấy anh em nhà báo, văn nghệ sỹ chúng tôi vào đặt lễ, hoa và thắp hương... Nơi mộ chị Sáu nằm cạnh một cây dương già, cành lá xanh tươi vươn cao. Từ khi chị Sáu nằm xuống, cây dương mọc lên luôn xanh tốt cùng biết bao câu chuyện huyền thoại về chị. Trong khói nhang tỏa bay ngào ngạt, phía xa tiếng sóng biển dội vào bờ cát ầm ào, hàng phi lao rít tiếng gió reo, trong tâm khảm tôi bất chợt chị Sáu hiện về với những hình ảnh mà buổi chiều người dân nơi đây kể lại cho chúng tôi những câu chuyện huyền thoại về nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu...
Chuyện rằng, ngày trước các ngôi mộ ở Hàng Dương chưa được quy tụ, qua tháng năm gió, cát, bão mưa, rất nhiều ngôi mộ bên cạnh chị Sáu bị sạt lở đến lộ cả xương cốt ra, nhưng mộ chị Võ Thị Sáu cỏ vẫn xanh, nền mộ vững chắc, ngày như càng to hơn. Tin lại đồn xa, nhiều tên cai ngục ở Côn Đảo bán tín bán nghi ra tận nơi ngó, thấy lạ, rồi cũng phải ngậm lòng. Người dân thấy hiện tượng lạ cho là điềm lành, nên thường xuyên ra chăm sóc mộ chị Sáu. Bọn địch cũng không cấm được người dân ở đây mỗi khi ra thăm mộ chị. Có nhiều người là vợ cai đảo, vợ lính cai ngục cũng đêm đêm ra mộ chị Sáu để sửa sang, vun đắp, cầu nguyện theo tâm linh mong cho sức khỏe, gia đình êm ấm, chồng đừng gây thêm tội ác với đồng bào mình.
Rồi lại chuyện những năm chưa giải phóng Côn Đảo, người dân thường nhìn thấy chị Sáu từ cây dương đi ra mỗi tối. Chị mặc áo dài trắng, lướt qua từng ngõ phố, hiện lên trước cửa từng nhà, nhìn tận mắt từng người... Một số tên ác ôn đã gặp chị Sáu trong mơ, thấy chị trừng mắt nhìn chúng. Cái nhìn của chị sâu thẳm như xoáy vào tận gan, ruột chúng, làm tái hiện những cuộc khủng bố, chém giết đẫm máu... khiến chúng phát điên, phát bệnh mà chết...
Chuyện về tỉnh Trưởng Côn Sơn (Côn Đảo) - Thiếu tá Tăng Tư và vợ là Phùng Thị Điểm, năm 1964 mặc dù ở bên kia chiến tuyến với cộng sản, nhưng rất khâm phục tinh thần kiên cường, bất khuất, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là đối với sự linh thiêng của Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ông đã cùng cùng với vợ bí mật làm một tấm bia mộ bằng đá quý, chuyển từ đất liền Sài Gòn xuống tàu quân sự ra Côn Đảo. Để không bị lộ bí mật, đêm đến ông tự lái xe cùng vợ ra nghĩa trang, gắn tấm bia có khắc tên chị Võ Thị Sáu vào mộ người nữ Anh hùng. Việc làm của ông Tăng Tư và vợ không ai biết, kể cả bọn địch trên đảo. Xong việc, bà Phùng Thị Điểm đêm đêm nằm mơ thấy chị Sáu về. Bà Điểm lo sợ kể lại với chồng là mơ gặp chị Sáu mặc bộ đồ trắng, mái tóc cắt ngắn, nét mặt trang nghiêm, nói với bà: Bà là vợ của một tỉnh Trưởng chống cộng sản đến cùng, sao ông, bà lại làm điều nghĩa với tôi như vậy? Tôi được cảm ơn ông bà!
Bà Điểm lập cập không dám nhìn vào mặt chị, chưa nói được lời nào thì bóng hình chị Sáu đã ẩn đi. Từ đó ông Tăng Tư cùng vợ thỉnh thoảng trong đêm lại lẻn ra mộ chị Võ Thị Sáu thắp hương. Ít thời gian sau, có một tên khét tiếng gian ác, cai ngục trên đảo phát hiện trên mộ chị Sáu có tấm bia đá quý ghi danh chị Sáu, chúng truy tìm nhưng không biết ai đã làm việc đó. Tên cai ngục bèn chỉ huy một bọn lính dùng búa đập nứt tấm bia trên mộ (hiện nay vẫn còn trên mộ). Sau đó ít ngày, tên chỉ huy kia bị chết “bắt đắc kỳ tử”, tất cả những tên khác tham gia phá bia mộ bỗng nổi khùng, điên loạn… Bọn cai đảo hết sức bàng hoàng mà không lý giải nổi điều gì.
Đứng bên mộ chị Sáu, mắt chúng tôi nhòa lệ. Hình ảnh người con gái Đất Đỏ năm xưa lại hiện về trong tâm khảm chúng tôi, qua những câu chuyện huyền thoại và những trang báo, tập sách viết về chị những năm còn là chiến sĩ an ninh khi tuổi mười lăm, mười sáu và cái ngày chị ra pháp trường. Khi tên Chánh án đọc lệnh thi hành án, chị Võ Thị Sáu bắt đầu hát bài hát: Tiến quân ca. Bài Quốc ca của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Giọng chị thiết tha, trong trẻo vút lên ngân vang trong gió sớm. Võ Thị Sáu không để ý đến bọn đao phủ. Chị ngước mắt nhìn từng nhành cây, ngọn cỏ, chị nhìn khắp đất trời, núi non, biển cả. Trước mặt chị xa xa ngoài Hàng Dương là biển. Chân trời Hòn Cau đã ửng hồng. Bình minh sắp lên. Sau lưng chị là ngọn núi Chúa sừng sững. Quanh chị là những nấm mồ nhấp nhô trùng điệp... Chị Sáu vẫn hát. Chị vẫn nhìn đăm đắm như muốn thu cả đất, trời vào đôi mắt mình.... Khúc hát vừa dứt. Chị nhìn thẳng vào tên đao phủ... Bảy nòng súng đen ngòm quậy cựa. Tên Đội Trưởng hành quyết hô: Mục tiêu... chuẩn bị... Võ Thị Sáu ngừng hát và thét lớn:
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
Bảy tiếng súng khô khốc chệch choạc nổ.
Lạ thay, Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Chị nhìn chúng, ngạo nghễ và giễu cợt. Hai vệt máu từ vai và sườn chị tuôn ra đỏ áo. Chị Sáu lại hát tiếp bài: Tiến quân ca.
Tên Chánh gầm lên chửi bọn lính đồ ăn hại. Và ra lệnh bắn tiếp. Bọn lính chống súng xuống, lắc đầu. Chưa bao giờ bọn lính lại rơi vào tâm trí hoảng loạn như vậy. Tên chỉ huy ra lệnh bắn chị Sáu. Nhiều tên lính run sợ nhắm mắt bóp cò. Loạt đạn ấy chỉ có 2 viên găm vào bả vai và sườn trái chị Sáu. Tên đội lê dương lầm lũi bước tới dí khẩu súng ngắn vào tai chị, bóp cò. Cả bọn chưa hoàn hồn thì lại nghe thấy tiếng hô la của hơn 2000 tù nhân từ Banh 3 vọng tới:
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Đả đảo hành hình!
- Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt!
Võ Thị Sáu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người nữ anh hùng trẻ tuổi đã hy sinh cho Tổ quốc, lúc 7 giờ ngày 23 tháng 01 năm 1952.
Đến Côn Đảo, ngoài chứng tích những nhà tù, chúng tôi còn đến được rất nhiều địa danh với những cái tên Cầu Ma Thiên Lãnh, nằm dưới chân núi Chúa. Tên Ma Thiên Lãnh do tù nhân lấy tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở Triều Tiên, địa thế hiểm ác khó lên, xuống... Do địa thế hiểm trở, lao dịch nặng nhọc, quá sức người tù bị chết lên tới 356 người, mà cầu mới chỉ xây được 2 mố cao khoảng 8 mét... Đặc biệt cầu tàu lịch sử 914, hiện nay nằm ở Trung tâm bãi biển chính của Thị trấn Côn Đảo. Cầu tầu 914 được khởi công xây dựng năm năm 1873. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhọc đầu tiên của những người bị đưa ra Đảo tù đầy, nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn nằm lại tại Côn Đảo. Chữ số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch xây cầu... Và địa danh Bãi Sọ Người - nơi đây đã có hàng ngàn người ngã xuống, do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - Ngụy bắt người tù đi làm lao dịch, khổ sai… xây dựng các công trình cho chúng…
Côn Đảo, hòn ngọc hôm nay
Năm 1977, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chính thức gọi tên là Côn Đảo. Do vị trí thuận lợi về giao thông hàng hải nối liền Á - Âu, từ thế kỷ thứ XIII (1294), Côn Đảo đã được người phương Tây đến rất sớm. Từ sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5.1975 Côn Đảo được gọi là tỉnh Côn Đảo. Tháng 1 năm 1977 Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5.1979, quận Côn Đảo - thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 10.1991 đến nay, huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bến thuyền Côn Đảo hôm nay |
Từ hòn đảo “địa ngục trần gian” năm xưa, hoang sơ, lạc hậu, hầu như cách biệt với bên ngoài, sau ngày giải phóng miền Nam, Côn Đảo chỉ có gần 1.000 dân, đời sống, sinh hoạt của người dân còn vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ trong đất liền. Sau 49 năm Côn Đảo giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, trực tiếp là sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đảng bộ thị trấn Côn Đảo và nhân dân các dân tộc huyện Côn Đảo đã nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi, đoàn kết, chung lưng đấu cật, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chung lưng đấu cật, cần cù, lao động sáng tạo, đổi mới... Hôm nay huyện Côn Đảo đã thay da đổi thịt nhanh chóng, dân số trên 10.000 người; Côn Đảo tươi đẹp như một bông hoa khổng lồ nhiều sắc màu rực rỡ giữa biển khơi phía Nam của Tổ quốc.
Chúng tôi trong vai những người du lịch Côn Đảo, được tiếp cận với nhiều người dân ở các khu 4, 5, 8, thị trấn Côn Đảo. Khi được hỏi về cuộc sống của họ hôm nay, qua giọng Nam, giọng Trung, giọng Bắc, ai cũng tươi cười trả lời: Cuộc sống hôm nay tốt đẹp gấp trăm lần trước đây rồi. Tuy là hòn đảo ngoài biển khơi, mọi thứ thứ trước đây phải phụ thuộc cơ bản trong đất liền cung cấp. Nay xã hội phát triển, Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, người dân và Nhà nước cùng làm, cùng hưởng, ở Côn Đảo giờ vừa sản xuất tại chỗ, vừa lưu thông hàng hoá với đất liền nên có tất cả những thứ mà trong đất liền có.
Qua tư liệu được UBND huyện Côn Đảo cho biết thì: Hệ thống giao thông đường biển ngày càng được Nhà nước quan tâm đầu tư lớn cho Côn Đảo, nên nhân dân đi lại rất thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả. Giáo dục, y tế là hai lĩnh vực then chốt cho sự phát triển tri thức và sức khoẻ đã được nhà nước đầu tư với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt là lĩnh vực: Điện, đường, trường, trạm có hiệu quả lớn. Hệ thống trường học các cấp như: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã có đủ, bảo đảm nhu cầu học tập cho con em Côn Đảo đến trường, không còn thiếu giáo viên, học sinh như trước đây. Công tác khám chữa bệnh được đầu tư bệnh viện khang trang, với đầy đủ các y, bác sỹ, các chuyên khoa, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân... Công tác phúc lợi xã hội được chú trọng, trên đảo có các khu vui chơi, giải trí... đã và đang đưa Côn Đảo tiến gần với tiến bộ của đất liền. Đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, huyện Côn Đảo được Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm rất lớn, có từng bước đi vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh và đất nước. Giai đoạn đầu, Côn Đảo xác định cơ cấu kính tế theo hướng: “hải sản - dịch vụ - công nghiệp”; giai đoạn 2001- 2005 cơ cấu: Dịch vụ - du lịch - công nghiệp”; giai đoạn 2015-2020 cơ cấu: Du lịch – dịch vụ - công nghiệp... Từ xác định chuyển dịch cơ cấu kính tế phù hợp, đúng xu hướng vận động xã hội, Côn Đảo đã đạt được những thành tựu tích cực. Riêng tỷ trọng du lịch – dịch vụ chiếm 89,58%; công nghiệp đạt 6,65%; nông lâm ngư nghiệp chỉ còn 3,77%. Nếu như năm 2005 thu nhập bình quân đầu người là 10,44 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2010 tăng lên 19,03 triệu đồng/người/năm. Thực hiện Nghị quyết Đại hội khoá X giai đoạn 2020-2025, các năm qua Đảng bộ huyện Côn đảo đã thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đề ra, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân. Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tiếp tục chỉnh chang, thực hiện trật tự văn minh đô thị; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ - du lịch, phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch Quốc gia sinh thái, văn hoá, lịch sử.
Theo đồng chí Lê Văn Phong - Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Hiện nay Côn Đảo đang chuyển hướng cơ cấu kinh tế theo hướng trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và cải tiến, đổi mới hệ thống giao thông đường biển, đường hàng không, đường bộ trên đảo để ngày càng hiệu quả cao. Đến Côn Đảo hôm nay, khách du lịch trong nước và nước ngoài đều phải khen ngợi môi trường Côn Đảo trong lành, xanh, sạch, đẹp... Những năm gần đây khách du lịch đến Côn Đảo ngày một tăng cao, giai đonạ 2015-2020 đạt gần 1,4 triệu khách, trong đó có gần 143 ngàn khách nước ngoài, đạt trên 200% so kế hoạch đề ra. Côn Đảo đang triển khai quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, hướng tới phát triển xanh, sạch. Cụ thể huyện sẽ phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang trong phát triển; kết hợp chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo đảm quốc phòng – an ninh. Đồng thời khai thời khai thác hiệu quả các nguồn lực của Côn Đảo phục vụ phát triển kinh tế bền vững, thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển các giải pháp tích hợp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: Du lịch, giáo dục, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên, công nghệ, rác thải, điện, các giải pháp chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, môi trường theo các phân khu không gian. Trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030. Dự báo khách du lịch đến Côn Đảo đạt khoảng 1 đến 1,2 triệu người/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử... Tỷ lệ trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông đạt 100% vv...
Để làm được những mục tiêu đề ra, giữa lý luận với thực tế đang cần sự quyết tâm cao, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Côn Đảo, với những giải pháp tích cực, đồng bộ và quyết đáp. Song sự chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và Chính phủ là yếu tố quan trọng, quyết định với những cơ chế, chính sách phù hợp mang tính đặc thù của Côn Đảo, để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tạm biệt Côn Đảo thân thương với bao huyền thoại gắn với lịch sử, văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tạm biệt những con người hiền lành, giản dị, rất đỗi chân thành, yêu thương trên Côn Đảo mà chúng tôi có được may mắn đã gặp - họ đã, đang và sẽ sống với tất cả tình yêu Tổ quốc ở Côn Đảo. Thế là xa Côn Đảo thật rồi. Như hiểu được nỗi lòng của những người như chúng tôi phải xa Côn Đảo, người lái xe khách miễn phí đưa chúng tôi ra cầu tàu rời Côn Đảo trở về Vũng Tàu rất chậm, như để mọi người tận hưởng thêm về cảnh vật Côn Đảo hôm nay. Qua ô cửa xe ảnh những hàng cây, những ngôi nhà, những con đường, núi rừng thân thương Côn Đảo mờ dần... Những vật chứng, bằng chứng mà chúng tôi được tận mắt nhìn, được tận tay sờ lên khi đi thăm các nhà tù của Pháp, Mỹ - Ngụy ở Côn Đảo lại hiện về với quá khứ đầy đau thương nhưng rất anh hùng, tự hào về các những người cộng sản và những người yêu nước Việt Nam, đã làm nên một chứng tích lịch sử vĩ đại, khiến chúng tôi trào dâng nước mắt.
Nghĩ về Côn Đảo quá khứ... Nghĩ về những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với lãnh đạo huyện Côn Đảo và những người dân những ngày qua, chúng tôi thật sự có niềm tin về một Côn Đảo sẽ giàu đẹp, vững mạnh. Côn Đảo không chỉ Anh hùng trong đấu tranh cách mạng mà sẽ là vùng đất anh hùng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trở thành một trong những “hòn ngọc” ở biển Đông của Tổ quốc Việt Nam.
Côn Đảo, tháng 4 năm 2024
Đi giữa Côn Đảo Lặng bước trong khu di tích lịch sử Côn Đảo Côn Đảo tháng tư Ra mắt sách ảnh về cựu tù Côn Đảo Côn Đảo... mùa này... |