|
Vào lò gốm, tôi choáng ngợp bởi bao thứ sản phẩm để đem đi xuất khẩu còn anh lò dò ra phía sau tẩn mẩn nhặt dăm ba cái bình, men quá lửa, hình thù méo mó dị dạng, người ta thải ra. Lên lòng hồ thuỷ điện, anh vơ mấy cái rễ cây trong đống củi chà. Ra Vũng Tàu, anh lượm đá ven chân sóng... Tôi thấy thương anh. Tuổi già đến, lẩm cẩm mất rồi. Đi đến đâu cũng gom nhặt như người dở dại, dở khôn. Thỉnh thoảng sau mỗi chuyến, sẵn tiền tôi mua tặng anh vài món quà lưu niệm. Anh cảm ơn nhưng lại nói ra một câu làm tôi hơi phật lòng: "Hàng chợ ấy chắc bán chạy cho du khách!".
Từ ngày anh về hưu, nhà anh là nơi bộ bến cho bạn bè, ai đến cũng trầm trồ ngắm nghĩa những thứ vớ vẩn mà anh sưu tập. Tôi lặng lẽ quan sát, mới thấy anh là người có khiếu thẩm mỹ. Thứ nào trong nhà anh cũng là độc nhất vô nhị. Có một nhà thơ bảo tôi: "Lão ấy là người có con mắt xanh!”. Lời khen chẳng có gì quá đáng.
Bỗng nhiên nghĩ tới chuyện văn chương. Hình như lại sắp tới một mùa xét chọn trao giải tặng thưởng cho những cuốn sách mà một năm qua bao tác giả hao tốn tâm trí vì chữ nghĩa trên trang giấy trắng rợn người. Chẳng dám nghi ngờ sự công minh việc cầm cân nẩy mực của các Hội đồng gồm toàn nguyên lão nhưng tôi cứ thấy lo thay cho các nhà biên tập xuất bản. Nếu như bó đũa không chọn ra được cột cờ, để treo lên đó lá cờ văn chương đích thực trong một biển sách cơ chế thị trường, thì độc giả sẽ trách các tác giả hay là trách các bà đỡ biên tập viên xuất bản rằng họ còn thiếu “con mắt xanh".
11-1997
Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh Mùa đông năm ấy. Tạp bút của Yên Ba Ào ạt và ào ào - Tạp bút của Tâm Nguyện |