Sáng tác

Mùa đông năm ấy. Tạp bút của Yên Ba

Yên Ba
Tản văn 06:00 | 28/10/2024
Baovannghe.vn - Mỗi năm, cứ đến đêm Chúa giáng sinh, tôi lại đến ngồi bên thềm của nhà thờ Tin Lành ở phố Hàng Da, để lắng nghe tiếng đàn organ thánh thót vọng ra, tiếng ban đồng ca của nhà thờ hoà giọng êm đềm: "Bình an trên những tầng trời rất cao"... Và tôi nhớ...
aa

Mùa đông năm 1972, đối với những dư âm Hà Nội là một mùa đông khó quên. Giọng người phát thanh viên đanh gắt trên loa phóng thanh, tiếng còi hụ báo động đầy bất an từ nóc Nhà hát Lớn có lẽ là những âm thanh vẫn sẽ còn ám ảnh người Hà Nội mỗi khi nhớ về những ngày mùa đông năm ấy.

Tôi khi đó đi sơ tán ở Yên Nội, một làng quê cách Hà Nội khoảng vài chục cây số. Bố mẹ bám cơ quan ở lại Hà Nội hoặc sơ tán ở một địa điểm khác (không hiểu tại sao lại thế?), cả bọn con trai cùng lứa tuổi choai choai với tôi đi sơ tán mà cứ vui như Tết. Mấy khi được sổ lồng mà. Cứ đến cuối tuần, bố hoặc mẹ lại đạp xe đến, mang theo một cặp lồng thức ăn, đưa cho vài đồng bạc mà chúng tôi đứa nào cũng giấu rất kỹ vào trong gấu áo, coi như một bí mật hết sức thú vị. Bài học mà chúng tôi nhớ kỹ nhất trong những ngày tháng ấy không phải ở lớp học nơi có những đường giao thông hơi ngoằn ngoèo từ đó chạy túa ra, mà là mẹ. Mẹ dặn: “Trên đường đi học, nếu như thấy bom rơi, nhìn lên thấy nó dài thì tức là nó rơi ở xa mình, còn nếu trông thấy nó tròn thì có nghĩa là nó đang rơi thẳng xuống đỉnh đầu mình, phải chạy thật nhanh!”.

Mùa đông năm ấy - tạp bút của Yên Ba
Hà Nội năm 1972. Ảnh TL

Tôi có thằng bạn, nhà nó ở Khâm Thiên. Noel năm ấy, có tin Mỹ ngừng ném bom để tôn trọng ngày Chúa Hài đồng sinh ra trong máng cỏ gần 2000 năm trước. Chúng tôi chẳng cần biết những chuyện xa xôi ấy, chỉ vui sướng vì được trở về Hà Nội, thăm lại thành phố mà mặc dù còn rất nhỏ tuổi, chúng tôi đã cảm thấy da diết nhớ khi phải rời xa nó. Cả bạn tôi cũng về trong dịp ấy.

Rồi ngày Noel cũng bình yên qua đi. Sau một thời gian xa cách, bố mẹ muốn giữ những đứa con ở lại bên mình thêm được ngày nào thì hay ngày ấy. Mỹ nó cũng phải đón lễ Giáng sinh chứ, mà lại sắp đón Tết Dương lịch rồi. Biết đâu nó sẽ ngừng ném bom đến tận qua năm mới. Biết đâu...

Đêm 26 tháng 12, ngồi trong hầm trú ẩn ở gần bờ đê sông Hồng, tôi cảm thấy như đang ở giữa một cơn động đất. Tiếng bom từ xa cứ ì ầm, dội vào vách hầm nghe răng rắc. Chỉ thấy những chớp lửa nhoang nhoáng xẻ lên bầu trời những vệt sáng dữ dằn. Ấn tượng của tôi chỉ có vậy. Tôi còn nhỏ lắm.

Sáng hôm sau, khi bố mẹ thất đảm đưa tôi lên chỗ sơ tán, ngoái nhìn lại Hà Nội, tôi vẫn còn nhìn thấy những cột khói dựng lên từ phía chân trời.

Cũng ở chỗ sơ tán, tôi mới biết thằng bạn tôi đã chết trong trận bom đêm trước. Cái chết từ trên trời cao đã dội xuống cả một khu phố, nơi nó ở. Trong đêm tối, bạn tôi đã không thể nào nhìn thấy quả bom tròn hay dài để chạy tránh cái chết...

Tôi ngồi trên bậc thềm nhà thờ và nhớ lại. Có một thời, trên những tầng trời rất cao, đã chẳng hề có sự bình an.

Mùa Giáng sinh

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

"Thời bao cấp" . Tạp bút của Hà Thanh

Tiếng vang của tiếng rao đêm Hội An. Tạp bút của Vũ Bão

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Cơ thể sống. Tạp bút của Lê Hoài Nam

Nghệ thuật và thương mại. Tạp bút của Lão Tạ

Văn nghệ Trẻ, số 35/1997
10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

Baovannghe.vn - Ngày 15/5, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức công bố 10 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6-2025. Trong đó, có 1 tập truyện tranh, 1 tuyển tập nhạc, 1 bộ tranh, 2 tập thơ cùng 6 tác phẩm văn xuôi.
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 16-19/5/2025, thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động VH- NT ý nghĩa bày tỏ lòng tri ân, kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Baovannghe.vn- Nước thánh không rũ sạch bụi trần/ vẫn là nước thánh
Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Sau Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ở Trung Quốc giai đoạn cuối thời Minh, đầu thời Thanh đã hình thành một phong trào sáng tác tiểu thuyết mạnh mẽ và rộng khắp, trong vô số tác phẩm thời kỳ đó, Dạ Đàm tùy lục của Hòa Bang Ngạch có thể nói là tác phẩm xuất sắc và nổi bật nhất. Trong Dạ Đàm tùy lục tác giả lại dùng một nét bút lạnh lẽo đen tối để miêu tả thế giới hồ ly ma quỷ. Thế giới ấy cũng đen tối xấu xa như thế giới con người.
Cảm quan tỉnh lẻ trong kịch Chekhov

Cảm quan tỉnh lẻ trong kịch Chekhov

Trong nền văn học Nga hiện đại, Anton Chekhov hiện lên như một nhà viết kịch có khả năng chuyển hóa cái tầm thường và lặp lại thành chất liệu nghệ thuật. Không chọn những biến cố kịch tính hay bi hùng, kịch của Chekhov lặng lẽ khắc họa đời sống trì trệ của tầng lớp trí thức và tiểu quý tộc nơi tỉnh lẻ Nga cuối thế kỷ 19. Từ những điền trang bức bối, những giấc mơ Moskva bất thành, cho tới sự im lặng của tiếng rìu đốn cây trong Vườn anh đào, Chekhov kiến tạo nên một mỹ học phi hành động, nơi nhân vật không ngừng giằng xé nội tâm nhưng bất lực trong hành động. Bài viết này đề xuất tiếp cận “cảm quan tỉnh lẻ” trong kịch Chekhov như một hình thức tri nhận văn hóa, đồng thời khảo sát các biểu tượng không gian, âm thanh, và cấu trúc kịch phản-kịch như chiến lược nghệ thuật đặc trưng trong kịch của ông.