Chuyên đề

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Minh Nhạn
Văn học địa phương
15:24 | 22/10/2024
Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
aa

Những ngày đầu tháng 3, khi những chú ong vẫn mải mê tìm mật, và những gốc pơ lang khoác lên mình tấm áo đỏ thắm, làm bừng sáng cả một góc trời thì người dân Gia Nghĩa lại có một nỗi niềm diệu vợi: đơn vị thi công Dự án Quảng trường trung tâm thành phố đã gỡ bỏ cây cầu Đắk Nông cũ. Đây là cây cầu gắn bó với tuổi thơ của biết bao người dân sinh ra và lớn lên tại thành phố Gia Nghĩa. Thế nên, đối với nhiều người, đó là sự pha trộn đan xen của niềm vui khi thành phố sắp có quảng trường đẹp đẽ, rộng rãi; cũng là một chút tiếc nuối, bởi có một cây cầu giờ đây chỉ còn tồn tại trong ký ức…

Cầu Đắk Nông cũ vừa qua một cơn mưa lớn – giờ chỉ còn trong ký ức
Cầu Đắk Nông cũ vừa qua một cơn mưa lớn – giờ chỉ còn trong ký ức

Hàng ngày, người dân Gia Nghĩa hẳn phải qua lại nhiều lần trên cầu Đắk Nông cũ để đi chợ, đi làm, đưa đón con đi học. Bất cứ điều gì đó khi đã trở thành quá quen thuộc, người ta ít để ý. Thế nhưng, khi nó mất đi cũng là lúc người ta giật mình, hoài niệm.

Tôi không sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông mà chỉ mới trở thành con dân của tỉnh độ khoảng 10 năm. Năm 2014 tôi đến Đắk Nông lập nghiệp. Từ một thành phố ồn ào nhộn nhịp, tôi đến Gia Nghĩa và tim tôi như hẫng một nhịp khi đứng giữa thành phố có vẻ ngoài xinh đẹp nhưng tĩnh lặng. Thật không quá khó để tôi quen được hết những con đường, cách vòng qua cây cầu Đắk Nông cũ để đi lên hướng tỉnh Đội. Và tôi chẳng thể đếm được mình đã đi qua cây cầu ấy bao lần. Nghe tin nó được tháo gỡ, để nhường chỗ cho một công trình mới, tôi có chút chơi vơi…Sẽ không còn cây cầu thấp tịt, cách mép nước chưa được vài mét. Sẽ không còn những người có niềm đam mê câu cá, chiều chiều đứng trên thành cầu thả xuống những lưỡi câu, mong kéo lên được niềm vui. Cũng sẽ không còn cảnh người dân qua lại nơm nớp lo lắng mỗi khi có cơn mưa lớn, nước dâng muốn ngập cầu…Tôi mới gắn bó với Gia Nghĩa mười năm, mà cảm xúc về cây cầu cũ ấy còn miên man như thế, huống gì người dân sinh ra và lớn lên ở đây. Cuộc sống luôn tuân thủ quy luật phát triển, không bỏ cái cũ thì chẳng thể có cái mới. Gỡ bỏ cầu Đắk Nông cũ để xây dựng Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa vốn dĩ là một chuyện vui, người dân Gia Nghĩa mong có một quảng trường từ lâu lắm rồi. Nhưng, khi thứ từng gắn bó mất đi, mấy ai lại thờ ơ, lạnh nhạt, bởi thứ được gỡ bỏ đâu chỉ là một cây cầu mà còn là kỷ niệm. Thế nên, hôm đơn vị thi công tiến hành tháo gỡ cây cầu cũ, rất nhiều người dân đến để nhìn, chụp ảnh và lưu lại những kỷ niệm về cây cầu mà họ biết từ nay về sau chỉ còn tồn tại trong những tấm ảnh, trong ký ức.

Cô bạn của tôi, một cô gái Gia Nghĩa “chính gốc” đã kể cho tôi nghe rằng, cây cầu này dường như gắn với tuổi thơ của cô ấy. Mẹ của cô ấy đã từng mang quần áo của cả gia đình ra chân cầu ngồi giặt. Bố cô ấy thả cần cả đêm, để sáng tinh sương mang về những con cá bạc. Và bản thân cô ấy, đã bao lần băng qua cây cầu ngập nước để đến trường. Cây cầu cũng là nhân chứng ghi lại những lần cô ấy theo mẹ lên rẫy bẻ măng, những bao măng vác nặng trên tấm vai gầy chính là học phí để cô ấy viết nên ước mơ ở giảng đường đại học.

Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không cao lớn, sừng sững, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi. Thế nhưng, vào khoảnh khắc nó được tháo gỡ, chấm dứt sứ mệnh của mình đối với cuộc đời, nhường lại không gian, vị trí cho một công trình khác khang trang hơn, to đẹp hơn cũng là khoảnh khắc hình ảnh của nó khảm vào trong tâm trí của những người ngày ngày đi qua nó.

Mai này, tại vị trí của cây cầu Đắk Nông cũ sẽ trở thành không gian của Quảng trường trung tâm thành phố - nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả tỉnh; nơi du khách sẽ trầm trồ vẻ đẹp của Đắk Nông. Và tại đó, trẻ con có không gian để trượt patin vào những chiều hè mát mẻ, người lớn thong dong thả bộ dọc theo mép nước… Có lẽ, người sẽ quên rằng nơi đây đã từng tồn tại một cây cầu. Nhưng cũng có thể, với nhiều người, cây cầu ấy mãi mãi vẫn luôn tồn tại trong ký ức, luôn thân thuộc và ấp ủ nhiều hoài niệm./.

Nguồn: Tạp chí Nậm Nung (Đắk Nông)

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Manh mai khói rạ. Tản văn của Nguyễn Hải Yến Huế dạ. Tản văn Văn Công Hùng Dòng suối tuổi thơ. Tản văn của Hồng Vân Phù sa ngọt lịm. Tản văn của Võ Thị Thu Hương Những cánh hoa mưa. Tản văn của Nguyễn Mỹ Hạnh
Đến con trẻ cũng lưu đày ư, nước Mỹ! - Thơ Chế Lan Viên

Đến con trẻ cũng lưu đày ư, nước Mỹ! - Thơ Chế Lan Viên

Baovannghe.vn - Xin Đức Mẹ bế Chúa hài nhi cho chặt/ Chúa trong tay mẹ mà, đâu phải mồ côi/ Nếu cần thiết, xin Mẹ cầm lấy súng/ Kìa phi cơ đang sà xuống săn mồi!
Biển ngang. Tản văn của Lê Quốc Hán

Biển ngang. Tản văn của Lê Quốc Hán

Baovannghe.vn - Hình như ban ngày e thẹn, nên ban đêm trăng sao trên trời xuống tắm lấp lánh hoài trên mặt biển. Sóng biển êm đềm đưa nôi ru vào những giấc mơ gặp gỡ thần tiên.
Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam: Tổng kết và trao tặng thưởng giai đoạn 2020- 2025

Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam: Tổng kết và trao tặng thưởng giai đoạn 2020- 2025

Baovannghe.vn - Sáng 15/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí Quân đội giai đoạn 2021 - 2025; Xét, trao thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng (LLVT & CTCM) giai đoạn 2020 – 2025.
Bản tin Văn nghệ ngày 15/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 15/4/2025

Baovannghe.vn - Tổ chức chuỗi hoạt động “Sắc màu Thành phố Bác”; "Mùa xuân thống nhất" tại dinh Độc Lập; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt "Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải" trở thành công viên lịch sử - văn hóa... là những sự kiện nổi bật của bản tin ngày 15/4
Sẽ có khoảng 300 đại biểu tham dự tọa đàm: 50 năm Văn học, nghệ thuật TPHCM

Sẽ có khoảng 300 đại biểu tham dự tọa đàm: 50 năm Văn học, nghệ thuật TPHCM

Baovannghe.vn - Tọa đàm 50 năm Văn học, nghệ thuật TPHCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025).