Sáng tác

Đất trồng chuối. Truyện ngắn của An Chinh

An Chinh
Truyện
07:00 | 10/03/2025
Baovannghe.vn- Ông từng làm trạm trưởng trạm y tế xã, vật lộn với bệnh tật của bệnh nhân mấy chục năm đến cùng vẫn không thắng nổi bệnh của chính mình. Ngoài ngôi nhà hai tầng bác Nhân đang ở, ông ngoại còn để lại cái ao diện tích tầm hai trăm mét vuông. Sau ngày giỗ đầu ông, bà thuê người chở đất lấp ao xây gạch bi cắm dây thép gai xung quanh để trồng chuối tiêu.
aa

Bà ngoại mất một thời gian khá dài, mẹ tôi và bác Nhân chưa nói chuyện lại với nhau. Ngày giỗ bà, mẹ dậy sớm đi chợ mua lễ xếp vào cái làn nhựa bảo tôi mang sang nhờ bác Nhân thắp hương ông bà ngoại. Ở nhà mẹ làm mâm cơm cúng bà, có khoanh giò nạc để trong cái đĩa sành đặt bên cạnh bát nước mắm cốt dầm với quả ớt bỏ sạch hạt, những món bà ngoại thích ăn khi còn sống mẹ sẽ không quên. Khác với mẹ tôi, trên bàn thờ ông bà ngoại bác Nhân bày mấy đĩa hoa quả đơn giản, vài tập tờ tiền thêm bát cơm quả trứng, không có món mặn nào khác. Tôi nhìn bác, chờ bác gật đầu mới cẩn thận đặt đồ lễ lên ban. Mẹ tôi và bác Nhân không nói chuyện từ ngày bà ngoại mất nhưng lễ tết, giỗ ông, giỗ bà mẹ vẫn mua hoa quả bảo chị em tôi mang sang thắp hương. Y như mấy lần trước, chờ hương cháy hết bác Nhân hạ hoa quả bảo tôi mang về, không giữ lại nửa thứ mẹ tôi mua.

Đất trồng chuối. Truyện ngắn của An Chinh
Minh họa Vũ Đình Tuấn

Mặt bác Nhân hơi nhỏ, tóc cắt cộc trên vai, là bác tự cắt sợi ngắn sợi dài thi thoảng quên gội đầu lại bết bệt vào nhau. Mắt bác sâu, bọng mắt to, lúc nào cũng thấy thâm thâm như người mất ngủ. Nhìn vào đôi mắt ấy quá lâu sẽ sinh ra cảm giác nghi ngờ mọi thứ xung quanh dù bác chẳng làm gì ai. Bác Nhân hay ngâm gừng với rượu rồi pha nước tắm, trong góc phòng riêng của bác lúc nào cũng có mấy bình thủy tinh đựng gừng ngâm rượu, xếp ngay ngắn thành hàng. Đứng gần bác nhất là vào mùa đông tôi hay ngửi thấy mùi gừng thoang thoảng, thứ mùi vừa cay vừa nóng làm người ta cảm thấy ngột ngạt, bức bối không muốn nói chuyện lâu. Ngôi nhà hai tầng ông bà ngoại để lại như cái trại giam lỏng, bác dùng để nhốt chính mình kể từ ngày bà ngoại mất.

Ông bà ngoại không có con trai, được hai người con gái là bác Nhân và mẹ tôi. Bác Nhân lấy chồng muộn, hai chín tuổi mới gả đi. Bác lấy chồng trên thành phố, chồng bác làm xây dựng. Hai vợ chồng ở với nhau hơn bốn năm thì li hôn vì hai lí do chính, một là bác Nhân không sinh được con, hai là chồng bác ngoại tình. Sau li dị bác Nhân chuyển về quê sống với ông bà ngoại tôi và làm giấy tờ nhận một người con nuôi tên Đạo. Anh Đạo mười tuổi thì ông ngoại mất vì ung thư phổi. Ông từng làm trạm trưởng trạm y tế xã, vật lộn với bệnh tật của bệnh nhân mấy chục năm đến cùng vẫn không thắng nổi bệnh của chính mình. Ngoài ngôi nhà hai tầng bác Nhân đang ở, ông ngoại còn để lại cái ao diện tích tầm hai trăm mét vuông. Sau ngày giỗ đầu ông, bà thuê người chở đất lấp ao xây gạch bi cắm dây thép gai xung quanh để trồng chuối tiêu. Bà trồng không theo hàng lối nhất định nào, cỏ mọc um tùm chen chúc lẫn trong các bụi chuối. Chuối chín nhà ăn không hết bà gọi người cho, chẳng bán buôn gì. Hình như vườn chuối với bà chỉ có tác dụng để xóa đi sự tồn tại của cái ao.

*

Dạo anh Đạo đi chơi đêm uống rượu say lái xe đâm vào người ta, gia đình bên đó đòi bồi thường hơn trăm triệu, không đủ số tiền yêu cầu họ sẽ kiện ra tòa. Bác Nhân bàn với bà bán mảnh đất trồng chuối lấy tiền đền cho nhà người ta nhưng bà không đồng ý. Kết quả anh Đạo phải đi cải tạo mười tám tháng. Trước khi đi anh đòi cắt đứt quan hệ với gia đình tôi, bà ngoại không phản đối cũng không tán thành. Anh mắng cả nhà tôi từ trên xuống dưới toàn những kẻ máu lạnh, thấy chết không cứu sớm muộn gì cũng bị nghiệp quật. Ba tháng sau bà đi tiểu đêm ngã ngoài sân, gần sáng bác Nhân phát hiện ra đưa vào bệnh viện đã bỏ lỡ “thời điểm vàng” chữa trị, dẫn đến biến chứng liệt nửa người, mồm méo, đầu óc không còn minh mẫn tỉnh táo. Bà ngoại cũng từng làm ở trạm y tế xã, bà đỡ đẻ cho rất nhiều người. Ngày bé tôi hỏi: “Bà nhớ mình từng đỡ đẻ cho bao nhiêu người không?” Bà lắc đầu: “Không còn nhớ nổi.” Trả lời xong bà ngồi lặng yên trên giường rất lâu không nói năng gì thêm, có vẻ như bà đang nghĩ về điều gì đó mà không muốn nói tôi biết.

Trận tai biến bất ngờ ập đến khiến sức khỏe của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà gầy đi rất nhanh, ở viện một thời gian người chỉ còn gần bốn mươi cân, da thịt nhăn nheo teo tóp. Bà không thể ăn uống hay tự vệ sinh cá nhân, tất cả mọi việc đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Bác sĩ bảo bà cao tuổi rồi khả năng bình phục như trước là rất khó, gia đình cân nhắc đưa bà về nhà chăm sóc cho đỡ tốn công đi lại. Bác Nhân chủ động nhận chăm toàn thời gian để mẹ tôi yên tâm đi dạy. Mẹ là giáo viên tiểu học dạy cả ngày, tranh thủ được lúc nào hay lúc ấy chứ bác không ép. Mẹ nói bác chiều mẹ từ nhỏ. Bà ngoại đẻ thưa, bác Nhân hơn mẹ tròn một giáp. Ngày đó ông bà bận đi làm, bác vừa chăm mẹ tôi vừa phải lo cơm nước. Mẹ mải chơi quên giờ ăn cơm bác đi khắp làng trên xóm dưới gọi về, lỡ làm sai chuyện gì nhờ bác xin ông bà bác cũng đồng ý.

Đợt tôi mới lấy bằng tốt nghiệp đại học về quê một thời gian, mẹ dặn thi thoảng đáo sang nhà bà ngoại xem bác Nhân cần gì giúp bác. Mỗi lần sang thăm, tôi hay kéo ghế ngồi cạnh giường nói chuyện với bà. Chủ yếu là tôi nói bà nghe, bà đáp lại lời tôi qua những cái mím môi bất chợt và ánh mắt ngơ ngác như đứa trẻ lạc mất đường về nhà. Tóc bà rụng nhiều không đếm xuể, đi qua chỗ bà nằm lấy tay xoa xoa rồi cuộn lại được cả nhúm. Bác Nhân sốt ruột cầm kéo cắt phăng đi. Theo quan sát thầm lặng của tôi, bác Nhân ít nói, ít thể hiện ra mặt nhưng chăm bà rất cẩn thận. Mấy việc lau rửa cho bà ngoại, bác Nhân hầu như không để mẹ tôi làm.

Đất trồng chuối. Truyện ngắn của An Chinh
Minh họa. Nguồn: pinterest

Mùa nắng nóng bệnh của bà ngày càng có chiều hướng xấu đi, phần thịt ở hai bên mông và đùi nằm nhiều quá đã bị hoại tử. Bác Nhân xử lí chỗ hoại tử cũng không dễ dàng, ánh mắt bác nhìn mấy vết lở loét đó tôi không diễn tả được, chỉ thấy lạ, giống xót xa mà cũng không. Hàng xóm sang thăm bảo bà còn may hơn ông. Bà khổ thôi chưa đến mức nhục. Ông thì vừa khổ vừa nhục, bởi đã nằm liệt giường ăn uống, vệ sinh cá nhân không tự chủ được mà đầu óc còn minh mẫn. Tôi ngẫm hiểu sơ sơ, đại ý ông ngoại ung thư phổi mất khi ngoài sáu mươi, bệnh ung thư ác nhất ở chỗ nó hành hạ con người ta đủ trò nhưng sau cơn đau lại bắt đầu óc người ta tỉnh táo, để nghe kĩ nghĩ thông lời người xung quanh nói. Còn bà tai biến, đầu óc không tỉnh táo tai nghe câu được câu không, thôi tạm coi như là sự nhân nhượng của ông giời.

Bà ngoại tôi đau đớn vật lộn hơn nửa năm cuối cùng cũng được giải thoát. Sau đó bác Nhân luôn trong trạng thái đờ đẫn giống kiểu đang suy nghĩ chuyện gì nghĩ không ra mà lại quên mất. Da mặt bác xám lại, nếp nhăn chồng chất lên nhau ở hai đuôi mắt và trán. Ngày bà còn sống bác chăm sóc tận lực, giờ ban thờ bà bác lại để sơ sài, hoa quả thắp hương bác không ăn, không hạ xuống để héo trên ban. Qua bốn mươi chín ngày bà, bác Nhân mua cái bàn kê cạnh ban thờ tổ tiên chỉ thấp hơn vài chục phân. Sau đó bác mượn thầy về bốc thêm một bát hương, bác sắm đồ lễ ở đó còn tươm tất hơn trên ban ông bà ngoại. Ngoài hoa quả bánh kẹo còn mấy bộ quần áo, mũ, giày của trẻ con, tất nhiên đều là đồ vàng mã. Cụ thể bát hương đó thờ ai tôi không biết, chỉ thấy mẹ nhất quyết không đồng ý. Hai người họ vì chuyện này cãi nhau to, không biết giằng co gì với bác mà mẹ ngã gãy cả tay, bố phải đưa đi bó bột. Từ bận đó mẹ giận không nói chuyện với bác Nhân, cũng không sang nhà ông bà ngoại nữa.

Tôi hỏi mẹ chuyện bát hương đến lần thứ ba mẹ mới trả lời, còn không chắc chắn:

“Mấy chục năm trước ông ngoại làm trạm trưởng trạm y tế xã, bà ngoại cũng làm ở đó. Độ ấy việc kế hoạch hóa gia đình ở nông thôn còn chưa được coi trọng, phụ nữ lỡ kế hoạch rất nhiều. Điều kiện khó khăn không đủ sức nuôi đành quyết định bỏ, dăm ba hôm dưới trạm lại có ca bỏ thai mà bà ngoại là một trong số những người thực hiện. Có vài người phụ nữ không muốn đến trạm vì lí do khác nhau, tìm gặp riêng bà ngoại nhờ bà làm bỏ thai ở nhà. Sau đó họ trả thêm tiền, dĩ nhiên số tiền trả cao hơn so với khi đến trạm. Ban đầu họa hoằn bà nhận một ca, lâu dần bà nhận nhiều hơn không riêng gì phụ nữ trong xã mình còn ở xã khác, cũng khá đông.”

“Ông bà giống kiểu mở phòng khám tư nhân đúng không ạ?”

Tôi hỏi chen vào để mẹ nói thêm:

“Không, bấy giờ làm gì có điều kiện mà đòi mở phòng khám tư nhân. Ông quây cho bà một gian phòng, vật dụng khám với thuốc thang đơn giản thôi. May không có ca nào nguy kịch. Mọi người hay đến vào chập tối, làm xong bà mang chậu ra sông đổ, sản phụ nằm nghỉ một đêm sáng sớm mai người nhà đến đèo về. Tới ngày ông bà tiết kiệm đủ tiền mua cái ao, bà không mang ra sông đổ nữa mà đổ thẳng xuống ao cho nhanh. Hôm nào bận quá bà sai bác Nhân đi đổ thay. Tới năm bác mười mấy tuổi đi tập xe đạp bị ngã xuống ao, qua lần ấy bác không chịu đổ chậu thay bà nữa. Ông bà cũng nghỉ làm. Cái này nghe ông ngoại kể lại thôi chứ tầm đó mẹ còn chưa biết gì.”

Nghe mẹ nói, tôi loáng thoáng đoán ra. Trước ngày bà ngoại bị tai biến, trong trí nhớ của tôi mối quan hệ giữa bà ngoại và bác Nhân không hẳn tốt, dùng chính xác từ của mẹ tôi thì gọi là “khắc khẩu”. Bà đổ bệnh ban đầu mẹ còn lo bác chăm bà không chu đáo, nhưng trừ ánh mắt lạ lẫm khó hiểu tôi bắt gặp vài lần khi bác nhìn vết lở loét trên người bà ở những ngày gần cuối đời thì thái độ của bác Nhân với bà không có gì phải phán xét. Mẹ nói:

“Có lúc nỗi sợ hãi chính là điểm xuất phát của lòng tốt.”

*

Tôi trở lại thành phố làm việc, thi thoảng về quê thấy vườn chuối vẫn còn. Chuối trong vườn bác Nhân không ăn, không bán, ai thích tự mở cổng vào lấy. Cánh cổng sắt màu xanh đậm tróc sơn loang lổ, chẳng có ổ khóa, cài mỗi then để vậy. Vườn chuối như viết ra một lời nguyền rủa đặc biệt dành cho gia đình tôi, từ bà ngoại đến bác Nhân không ai được yên ổn. Mẹ vẫn không sang nhà ông bà ngoại, tôi hỏi mẹ:

“Mẹ định giận bác đến bao giờ?”

“Hết lâu rồi.”

Trả lời xong mẹ đứng dậy đi chỗ khác không nói chuyện cùng tôi nữa. Hôm khác tôi đang ở công ty, bố gọi điện lên báo nhà có việc gấp hỏi tôi xin về quê được không. Tôi đồng ý về ngay trong chiều hôm đó. Đi xe máy mất hơn hai tiếng nhưng đường tắc đến tận sáu giờ tối mới có mặt ở nhà. Bố đang lúi húi dọn mấy chậu cây cảnh bị vỡ, đất cát bắn lung tung. Em trai nấu cơm canh trong bếp. Mẹ ngồi trong nhà đầu quấn băng trắng, mặt trầy xước mấy chỗ. Tôi hoảng quá không kịp tháo giày chạy thẳng vào trong hỏi liên tục. Mẹ kể:

“Trưa nay thằng Đạo về bắt bác Nhân tìm quyển sổ đỏ của vườn chuối đưa nó gán nợ, nó vay nặng lãi chơi đánh bạc trên mạng. Bác Nhân không đưa nó cùn bửa chửi bới om sòm lôi cả ông bà ngoại lên chửi, không được nữa nó điên tiết đập phá bàn thờ. Bác Nhân lao vào cản nó cầm dao đuổi bác khắp làng, qua nhà mình bác không còn sức mới dừng lại. Bố mẹ đang ăn cơm không kịp phản ứng, bố vơ vội được mấy thứ linh tinh ném về phía nó. Thế nhưng lúc đấy nó còn biết gì đâu. Nó xông vào chém hết, lúc kéo bác Nhân tránh ra chỗ khác mẹ bị đập đầu vào tường, còn bác Nhân bị nó chém sượt qua vai. Mấy đứa thanh niên đi ăn cỗ cưới về chạy vào giữ chặt nó rồi gọi công an xã sang làm việc, giờ nó còn đang trên đấy.”

“Bác Nhân bị nặng không mẹ?”

“May vết chém không sâu lắm, lên viện khâu hơn chục mũi xong người ta cho về rồi.”

Nghỉ ngơi một đêm mẹ bảo tôi với em trai sang giúp bác Nhân dọn dẹp, vai bác đau chắc chưa làm gì được đâu. Một hồi nghĩ lại, mẹ cùng chị em tôi sang bác luôn. Tính ra đây là lần đầu tiên mẹ sang ông bà ngoại kể từ sau vụ mẹ giằng co với bác Nhân bị ngã gãy tay. Mấy thứ đồ vật dễ vỡ trong nhà phần lớn bị anh Đạo đập tan tành. Cái bàn kính có từ ngày ông ngoại còn sống, không biết anh ấy lấy cái gì đập mà kính vỡ từng miếng còn mỗi phần khung méo mó bằng gỗ. Cốc chén uống nước không còn cái nào, duy chỉ mỗi cái ca nhựa bác Nhân hay dùng để hãm chè tươi thì còn dưới chân bàn. Màn che ban thờ các cụ anh Đạo giật ra hết. Mẹ dọn ban thờ chúng tôi dọn dưới nhà, thỉnh thoảng bác Nhân lấy chổi, lấy giẻ lau đưa cho hai chị em. Bác để mẹ dọn ban thờ theo ý mẹ, lau xong ban thờ các cụ mẹ chuyển sang lau ban phía dưới. Cho tới lúc ba mẹ con tôi về bác Nhân vẫn chưa nói gì với mẹ. Ra cổng tôi ngoái cổ lại nhìn thấy bác đang đứng ngoài hiên, hai mắt rưng đỏ. Mẹ kéo tay không để tôi nhìn lâu. Từ khi anh Đạo đòi cắt đứt quan hệ với gia đình tôi, tôi ít khi nghe tin về anh ấy, giờ xảy ra thêm chuyện này cũng không có gì để nói. Công an gọi bác Nhân và mẹ tôi lên làm việc, mẹ về không kể chi tiết chỉ bảo xử lí theo quy định của pháp luật.

Hôm tôi chở mẹ đi thay băng trên đầu, ra ngõ gặp bác Nhân đang đi về phía vườn chuối. Nhìn bóng lưng bác ngày càng giống bà ngoại, khi đi đầu hơi cúi về phía trước nhưng chỉ giống mỗi dáng đi còn khuôn mặt bác giống ông nhiều hơn. Bác mặc áo phông tối màu rộng thùng thình, tay cầm tấm biển gỗ bên trên đục hai lỗ nhỏ để luồn dây qua. Tới cổng vườn bác nhìn bên trong một lúc, gió thổi những tàu lá chuối bay dập dờn, mùi chuối chín thoang thoảng quẩn quanh. Bác lặng lẽ buộc tấm biển lên một bên cánh cổng. Tấm biển gỗ sậm màu có hai chữ “BÁN ĐẤT” in đậm viết bằng vôi trắng. Qua gương chiếu hậu tôi thấy cánh môi mẹ khẽ cong rồi vỗ vỗ vai tôi nói nhẹ:

“Đi đi. Chắc nốt lần này là xong...”

Tổ quốc nơi đầu sóng. Phóng sự ảnh của Nông Quang Khiêm

Tổ quốc nơi đầu sóng. Phóng sự ảnh của Nông Quang Khiêm

Baovannghe.vn - Trường Sa, tuyến đầu thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đầu sóng, ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi.
Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Baovannghe.vn - Các phim được chọn chiếu là các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Ấn Độ như: Tiếng gầm tự do, Sống chỉ một lần, Nữ đô vật, Tiếng anh tiếng em.
“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

Baovannghe.vn - Vở kịch “Đồng chí” của Hội Sân khấu TPHCM sẽ là tác phẩm nước ngoài đầu tiên xuất hiện tại Liên hoan Sân khấu Busan (Hàn Quốc).
Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Mưa bụi rắc. Mùa xuân còn ngỏ/ Vai anh gầy. Vuông ý nghĩ em
Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.