TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
1.
Thạc sĩ Võ Đô báo tin, anh mới được bổ nhiệm làm giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo một tỉnh trung du và hẹn, sẽ về Hà Nội đón tôi đi thăm thú một nơi sơn thủy hữu tình có tên là Kẻ Đá. Tôi nhận lời. Đúng hẹn, Đô lái chiếc Ford bán tải biển trắng còn lấp lánh “quang dầu” đến nhà tôi. Vừa trò chuyện được ít câu, Đô đưa tay gãi gáy như một trò thời phổ thông gặp lỗi và ngập ngừng nói: “Thầy Hạ ơi! Nhân về Kẻ Đá, thầy gia ân cứu giúp một bạn học của em, chính xác ra phải nói là, cứu một sinh mệnh chính trị đang cơn nhất sinh thập tử ạ”. Tôi cười bảo: “Một bô lão, tuổi dư bảy mươi, sức xua ruồi không nổi thì làm sao mà cứu được “một sinh mệnh chính trị đang cơn nhất sinh thập tử? Ông tân đốc học chọn nhầm người hay đang muốn thử dây thần kinh mình đấy?”. Võ Đô vẫn giọng khẩn khoản: “Em không dám đâu thầy ơi, em thực lòng xin thầy từ tâm, vì gốc gác thảm họa đó liên quan đến quá khứ chẳng mấy tốt đẹp, nông cạn và thiển cận của em. Thưa thầy, trong sự cứu giúp này, thầy hoàn toàn không phải tả xung hữu đột, cũng không cần phải sử dụng quyền thuật hoặc lý luận tư duy, tư pháp gì cả. Chỉ cần thầy xuất hiện ở Kẻ Đá, mọi thứ sẽ có kết cục viên mãn như câu Kiều thầy đã giảng cho chúng em hồi cao học: “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” đấy ạ”.
Để không bị nài nỉ và nịnh khéo tiếp, tôi bảo Đô, hãy cứ yên tâm! Vì nếu, sự có mặt của tôi mà ổn thỏa được mọi sự như anh mong muốn thì tôi nào có nề hà gì. Võ Đô liền chắp tay tạ tôi như tạ một ân nhân.
Minh họa: Đỗ Dũng |
2.
Tôi chỉ thỉnh giảng có mươi buổi về Truyện Kiều cho lớp cao học của Đô ở viện S, song từ ngày nhận bằng thạc sĩ đến nay, mỗi khi về Hà Nội, hễ có thì giờ là anh ghé thăm tôi thân thiết như con em hiếu đễ trong nhà. Rồi trong công việc, trong trải nghiệm riêng tư, khi có điều gì “nghĩ mãi không ra”, Đô đều gọi phôn hoặc viết email, tỉ mẩn kể đến từng tình huống nhỏ, nhờ tôi tư vấn. Mỗi lần được biết tâm tư của Đô, tôi nhận ra, anh chàng này luôn có những mẹo vặt vừa khôn khéo, vừa có tính cài bẫy khá tinh nghịch nhưng không ác ý, khiến cho kẻ mắc bẫy chỉ còn nước kiêng nể, cười trừ.
Hồi đến giảng cho lớp cao học, tôi cũng từng bị sập bẫy anh ta trong một tình huống khá bất ngờ. Đó là khi giảng về trường hợp duy cảm trong cái chết của Từ, tôi thấy Đô giơ tay, hỏi: “Thưa thầy, hồi em còn đi dạy, một học trò đề nghị em, giảng cho cậu ta rõ, sau khi chết, mả Từ Hải ở đâu? Em đã bị bí thầy ạ. Hôm nay, thầy giảng về cái chết của Từ rất hay, thầy có thể cho em biết thêm về tình tiết ấy được không, thầy?”.
Khi Đô đặt câu hỏi xong, cả lớp lặng phắc nhìn về phía tôi, còn anh ta thì cũng nhìn với một ánh mắt có ít nhiều sự kích đố. Tôi bất chợt nhún vai làm ra vẻ bí. Phải mất chừng hơn nửa phút, tôi mới nhìn Đô, trả lời bằng… Kiều: “Xin cho thiển thổ một doi/ Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh”. Trả lời xong, tôi giải thích thêm: “Cứ thế suy ra, Kiều xin Hồ Tôn Hiến một miếng đất cằn (thiển thổ), hẹp nhỏ (một doi), táng Từ Hải để nhân vật này có phần mộ và cũng là thể hiện tình nghĩa “tử sinh” Kiều đã dành cho Từ”.
Dường như không thông, Đô hỏi tiếp: “Thưa thầy, em cũng hiểu ý thầy nhưng mà hơi… bị dài mà cũng chưa thấy chính xác cái mả của ông Từ được chôn ở địa chỉ nào? Thầy có thể kết luận thật ngắn, đủ ý mà vẫn biết được nơi chốn cụ thể a, b, c ạ!”. Tôi thầm nghĩ, chà, tay này bắt đầu tinh tướng với mình đây và tôi không còn tỏ ra là đang bị bí nữa. Tôi “vận” luôn thành câu: “Sa cơ mắc mẹo Hồ Công (Hồ Tôn Hiến)/ Xác Từ, Kiều táng bên sông Tiền Đường!” và hỏi lại: “Vậy đã được chưa, anh Đô?”. Đô và cả lớp liền vỗ tay rầm lên, tán thưởng bằng những tiếng: “Chuẩn!”, “Rất chuẩn thầy ạ!”… Đô đứng dậy, chắp hai bàn tay về phía tôi, nói như nhân vật trong phim cổ trang: “Em xin tâm phục, khẩu phục trước trí tuệ hoành tráng của thầy ạ!”.
Tôi cười, thể hiện mình đã nhận sự tâng bốc quá lời của Đô nhưng liền đó, tôi bật mí: “Thưa anh Đô và các bạn! Thực sự thì tôi cũng chẳng giỏi giang, chẳng “hoành tráng” gì cả đâu. Chẳng qua, khi còn là một quân nhân, đơn vị tôi thường có những đợt phối hợp với thanh niên địa phương đi đắp đê sông Mã. Những lúc làm ca đêm, từ tám giờ tối đến hai giờ sáng, công việc thổ mộc khá nhọc nhằn nhưng cũng không ít vui nhộn vì sức lực đang thời trai trẻ lại được đào đắp cạnh các em dân quân trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời. Thế nên, cứ vào công việc là bên đó, bên đây chia làm hai phe hò đối đáp, khi “thăm dò” lịch sự: “Gặp nhau xin mở câu chào/ Hỏi thăm người ở làng nào, người ơi”, khi đối đáp “truy” nhau, khi tình tứ “gạ gẫm”: “Tốt gió thuyền đậu bờ nam/ Làm thơ gửi lại em khoan lấy chồng”, khi thách thức ta đây: “Nhất cao là núi Tam Tầng/ Anh còn trèo được huống chi rừng cỏ may”… Rồi còn có cả khi, sự đối đáp chuyển sang… Kiều. Bên phía nữ ra đề: “Quyển Kiều anh đọc đã nhừ/ Đố anh biết mả ông Từ ở đâu?”. Bên nam bị bí, hò bâng quơ đáp lại để lấp khoảng trống nhưng phía nữ nhất định không buông cuộc truy. Bên nam vẫn bí. Cuối cùng bên nữ thể hiện phần thắng bằng câu: “Câu hò đáp chẳng nên lời/ Thì thua đi nhận mấy nhời cho xong/ Sa cơ mắc mẹo Hồ Công/ Xác Từ, Kiều táng bên sông Tiền Đường”. Đấy! Nhờ mấy câu hò sông Mã của gái xứ Thanh từ hơn nửa thế kỷ trước mà hôm nay tôi đã thoát được cái bẫy tinh tướng của bạn Võ Đô lớp mình đấy!”.
Cả lớp lại được một phen vỗ tay vui vẻ. Tiết học ấy đã được nhiều học viên lớp cao học ở viện S nhắc lại mỗi lần thầy trò gặp nhau.
Nhớ lại chuyện cũ, tôi thấy mình cũng nên cảnh giác chút chút, vì vậy, trong đầu tôi, bắt đầu hình thành vài phương án để phòng cạm bẫy của Đô, dù là cạm bẫy “không ác ý”, nếu anh ta sẽ lại cài tôi ở điểm đến.
3.
Cuộc hành trình về Kẻ Đá của chúng tôi theo một quốc lộ chất lượng cao nhưng Đô chỉ chạy xe them thém ở làn ngoài cùng với tốc độ vừa phải. Gần suốt lộ trình, anh kể cho tôi nghe về người bạn học đang “bị nguy hiểm đến sinh mệnh chính trị”. Người ấy có cái tên khá ngộ nghĩnh là Đậu Bất Bần, hiện đang là hiệu trưởng một trường học nội trú cấp huyện dành cho con em đồng bào dân tộc.
Vào cuối thập niên 1980, Đô và Đậu Bất Bần đều là sinh viên khối C, khoa Dự bị ngoại ngữ Tiếng Nga, để sau đó một năm, ai vượt qua được cửa ải điểm thi ba môn (viết, đọc hiểu, vấn đáp) đạt từ 15 điểm trở lên thì sẽ được cấp hộ chiếu đi học Liên Xô.
Sinh viên ngày đó sống rất kham khổ. Mười hai người ở một phòng trong khu ký túc xá cũ kỹ. Ngủ nghỉ và học thêm sau giờ giảng đều trên sáu cặp giường tầng. Ăn cũng rất đói. Còn một cái khổ nữa, rất đáng hãi là mỗi khi phải giải quyết việc đi… nặng. Cứ sáng sáng ra, sinh viên nam nữ nối đuôi nhau xếp hàng ở khu nhà vệ sinh, mái ngói cũ kỹ, sệ võng, tường lở loét chỉ cách cổng chính của trường chừng mười lăm mét về phía trái. Thế nên, có người đã từng nắm tay nguyền rằng: “Mỗi sáng ra nhà cầu là lập tức muốn đi Liên Xô ngay!”. Nguyền là thế nhưng hàng năm cũng có khoảng vài ba chục nhà nguyền bị rớt lại, do không qua được ba môn thi hoặc vướng phải chuyện trai gái, trộm cắp, tiêu cực...
Đói thì ai cũng khổ rồi nhưng khổ hơn vẫn là những sinh viên nghèo không có nguồn chu cấp từ gia đình. Phần lớn sinh viên thường ăn khẩu phần sáng hôm sau từ bốn giờ chiều hôm trước. Vì vào giờ ấy, lớp phó phụ trách đời sống đã lĩnh phần sáng hôm sau là một nửa chiếc bánh mì từ nhà ăn, phát đến tận tay mỗi lớp viên. Đang đói ngấu ruột, ai mà đừng được trước món bánh mì vàng rộm, có mùi bột nở va-ni thơm đến nhức cả mũi.
Tuy vậy, ở lớp Nga - A6 vẫn có một sinh viên bảo trọng được nửa cái bánh mì đến sáng hôm sau. Đó là Đô. Vì nhà nghèo, Đô lại còn phải kèm bữa cho đứa em ruột học nghề không có tiền ăn sáng ở một trường trung cấp gần đó nên nửa cái bánh mì cùng với nội lực tuổi trẻ đã giúp cho hai anh em cậu ta trụ được bốn tiết học. Để thực hiện nghiêm cẩn việc nuôi thân và tương hỗ huynh đệ ấy, Đô dùng cái khóa dây xe đạp cũ khóa tượng trưng nửa cái bánh mì lại. Có lúc ruột réo sôi lên như bị một đàn giun quấy, Đô có đáo mắt về nửa chiếc bánh mì nhưng nhìn thấy nó đã nằm trong cái khóa dây, ý chí khổ hạnh liền được nhắc nhở, anh ta kịp thời cầm lòng, cầm miệng lại ngay.
Trong lớp Nga A6, Đậu Bất Bần là đệ tử số một của cái đạo “mỗi buổi sáng phải ra nhà cầu là lập tức muốn đi Liên Xô ngay!”. Thế nên, Bần rất chăm học. Cách học ngoại ngữ của Bần là đọc đi, đọc lại thành tiếng nhiều lần từng từ vựng tiếng Nga và chuyển nghĩa sang tiếng Việt. Ví dụ: từ Pờ-lan (Plan) là kế hoạch, từ Xây-trát là bây giờ. Cứ luôn miệng plan-kế hoạch, xây trát-bây giờ…, suốt cả sáng - trưa - chiều - tối như thế, vốn từ mới tiếng Nga của Bần khá lên trông thấy. Gặp phải từ dài và khó phát âm, Bần liền phiên nó ra thứ tiếng bồi, học thuộc được tiếng bồi rồi thì chuyển sang rèn cách phát âm chuẩn. Ví dụ: từ Pri-pơ-đơ-vá-chel’ có nghĩa Tiếng Việt là giảng viên đại học, phát âm rất khó, Bần liền đọc bồi thành: Vừa đi - vừa đá - vừa chen… rồi nói đúng từ này như Tây lúc nào không biết!
Ý chí kỳ khu là thế nên Bần đã đoạt giải nhất cuộc thi Olympic Tiếng Nga của Nga chín lớp với ngót hai trăm sinh viên cùng mười tám thầy cô giảng viên, chủ nhiệm.
Sau khi giành ngôi quán quân, Đậu Bất Bần vẫn tiếp tục khổ công với Tiếng Nga. Cứ sau 9 giờ 30 phút tối, khi nhà trường cắt hết điện ở các phòng ngủ của sinh viên để tiết kiệm, cả khu ký túc xá bốn tầng, mỗi tầng chỉ còn hai ngọn đèn bảo vệ ở các đầu cầu thang hành lang thì Bần thường chiếm một ngọn. Anh đứng dưới đó để luyện cách phát âm, để làm bài tập ngữ pháp hoặc viết luận. Nhưng chính cái sự tận dụng này đã khiến Đậu Bất Bần lâm một đại họa, kéo dài cho đến tận hôm nay.
Số là vào một đêm đứng học dưới ánh đèn điện hành lang, cái góc khuất đói meo từ bao tử của Bần bị kích hoạt bởi mùi hương va-ni bánh mì thơm phức. Nhìn vào bên trong cửa sổ, thấy có nửa cái bánh mì treo lủng lẳng, được khóa hờ bởi chiếc khóa dây, Bần thò tay vào định véo một mẩu thì liền bị một bàn tay khác như cái kẹp sắt chịt lấy tay Bần cùng lời cảnh cáo: “Ầy, không được ăn cắp!”. Đó là bàn tay và giọng nói của Đô.
Một cái bật lửa trong phòng được bật lên. Hơn mười người đang ngủ đều bị đánh thức cả dậy.
Biên bản được lập ngay. Lớp trưởng Dét đanh thép kết luận rằng: “Đang còn học trong nước mà đã ăn cắp cơm chim của bạn thì khi sang Liên Xô, của nả, người ta chất như núi, cậu Bần chắc sẽ trở thành đầu lĩnh băng cướp mất”.
Nghe thế, Đô hoảng, vội phân trần để nhẹ tội cho Bần, rằng đây chỉ là do bụng đói nhất thời, chứ không phải là vấn đề tư tưởng hay nhân cách, đạo đức gì.
Mặc, phần đông mọi người vẫn đồng ý với kết luận của lớp trưởng Dét. Sáng hôm sau, biên bản vụ trộm cắp bánh mì bất thành được trình lên thầy phó khoa, phụ trách nội vụ. Ông thầy này cũng có kết luận giống lớp trưởng Dét. Đậu Bất Bần bị gửi trả về địa phương, với điều kiện, nếu tu dưỡng tốt, có thành tích tham gia sản xuất sẽ được xem xét cho học trong nước…
Kể đến đó, Đô dừng, nói với tôi: “Như một thứ quả báo thầy ạ, cuối niên ấy, lớp em có 19 sinh viên thì em và lớp trưởng Dét bị đội sổ điểm thi, chỉ được 14 điểm, thiếu 1 điểm. Em tự an bài, còn Dét thì làm đơn kể thêm chức danh và thành tích lớp trưởng, thầy phó khoa có nhận xét đề xuất chí tình nhưng không qua được cửa ải xuất ngoại của Bộ Đại học”.
Tôi nói với Đô: “Cậu cũng đã giải thích kịp thời có lợi thế cho Bần rồi còn gì?”. Đô liền đáp: “Không ạ, nếu đừng nông nổi thì em cứ để cho Bần véo một mẩu bánh, hoặc rút cả cũng được. Đằng này, em đã giữ tay hắn lại và kêu váng lên. Dạ, chung quy cũng tại thằng Bần hắn đói mà lúc đó em cũng đang rất đói. Đói và lo cho cái đói sáng hôm sau nên em đã đã hại đơn, hại kép một người bạn học đầy chí hướng!
Tôi đành an ủi Đô: “Cậu đã biết nhận ra lỗi và thấu cảm với bạn học như thế là thanh thản được rồi”.
Vẻ mặt Đô trở nên ưu tư rồi cậu ta thốt lên lời tâm trạng: “Thưa thầy, đã sẩy miệng là chết ạ. Các cụ dạy: “Lời nói đọi máu” cấm có sai!”…
4.
Ông hiệu trưởng Đậu Bất Bần ra tận cổng trường nội trú Kẻ Đá đón chúng tôi. Ông có dáng người to cao, vẻ mặt còn nét trung niên nhưng tóc đã bạc trắng. Sau khi nghe Đô giới thiệu danh tính xong, ông hiệu trưởng gọi tôi là thầy và tiếp khách khá nồng hậu. Đang chuyện, chợt Đô hỏi thăm về tai nạn nghề nghiệp, ông Bần liền sậm mặt lại, nói: “Đang bị thanh tra huyện bình định đủ các kiểu. Họ luôn bắn tin, sẽ chuyển kết quả thanh tra sang bên công an. Lần này không khéo hầu tòa, chứ chẳng chơi. Nhưng tởm nhất là họ vẫn nhắc lại vụ mình véo trộm mẩu bánh mì của cậu, quy cho mình là có tiền sử ăn cắp vặt…”. Chắc là ngại cho khách bị lây nỗi buồn của mình, ông Bần trở lại nụ cười như cũ, nói bằng giọng khôi hài: “Thiên lý vạn lý, cái lý đuối bao giờ cũng bắt anh thấp cổ bé họng phải chịu. Nhưng mà thôi, việc đến đâu hay đến đó. Em mời thầy Hạ, mời cậu Đô đi dạo chút cho thoải mái cái đầu ạ”.
Hai chúng tôi đồng ý, cùng đứng lên, theo ông Bần đi ra ngoài.
Toàn bộ hình thế trường nội trú Kẻ Đá tọa trong một thung lũng theo hướng mở về phía đông nam. Ba bề còn lại tựa lưng vào một vòng cung đồi thông và mảng rừng cây phi lao rậm rì xanh ngăn ngắt. Trời về chiều không khí mát lìm lịm, tôi thấy các nhóm học sinh chừng mười bốn, mười lăm tuổi trồng cây, làm cỏ, tưới rau dọc các nương nhỏ hai bên lối đi. Nương nào cũng có biển đề tên lớp.
Đưa chúng tôi đến thăm trạm thủy điện, ông Bần chỉ ra phía cảnh quanh hồ nước, kể: “Thưa thầy, nó đã được hai mươi năm rồi đấy ạ. Hiện tại, thầy trò chúng em không những đủ điện xài 24/ 24 mà còn bán cho một hợp tác xã may mặc ngoài thị trấn mỗi năm thu được trên 200 triệu đồng để dành cho khuyến học. Ấy vậy mà em đang bị kiện về khoản phúc lợi này. Mà cách kiện của mấy ông huyện sở tại cực kỳ hiểm độc. Họ đánh vào quan điểm bóc lột trẻ em và kinh doanh tư bản. Cụ thể là quy cho em đã lợi dụng sức trẻ vị thành niên, bán thành quả lao động của học sinh để tiêu xài vô tội vạ”.
Tâm ta, tâm tư thế rồi, ông Bần trải lòng về cái thời bị đuổi học về quê. Phải mất hai năm vác cày theo trâu và đóng gạch xỉ thuê, làm thợ nề xây công ích cho ông chủ tịch xã một cái cổng ngõ đẹp nhất nhì trong làng thì ông mới có được một tờ chứng nhận thành tích lao động sản xuất để được xem xét học trong nước.
Tốt nghiệp đại học sư phạm loại xuất sắc tại tỉnh quê, cử nhân Đậu Bất Bần đội cái đơn suông đi xin việc khắp các trường ở thành phố tỉnh lỵ và các huyện lân cận nhưng không được nhận. Sau đó, nhờ một người mách, có một chỉ tiêu đi vùng Kẻ Đá, dạy tại một trường dân tộc nội trú cấp huyện vừa lập. Bần nộp đơn và được tuyển. Anh vui vẻ cùng chiếc ba lô hành trang, đạp 120 km đường đồi, đường rừng lên Kẻ Đá với tâm trạng lâng lâng sẽ được làm thầy. Nhưng khi Bần đến nơi thì cái gọi là trường dân tộc nội trú cấp huyện đó mới chỉ có một lớp gồm mười tám học trò được tuyển từ các hộ chính sách nghèo khó nhất trong huyện. Ban giám hiệu và giáo viên chỉ có ba người. Quyền hiệu trưởng là ông Hà Đê, một công chức hay ốm vặt của phòng Nội vụ bị dôi ra được điều ngang sang nghề giáo; phó hiệu trưởng hành chính, tổ chức và đời sống là ông Vi Lo, kế toán của văn phòng ủy ban huyện kiêm nhiệm; phụ trách chuyên môn dạy học kiêm bảo vệ trường là cử nhân sư phạm Đậu Bất Bần.
Tại buổi họp hiệu bộ đầu tiên, ông Hà Đê phân công nhiệm vụ đến từng người xong thì ủy quyền rằng, ông phải đi chữa bệnh dài ngày, mọi công việc dạy học, quản lý nội vụ học sinh thì giao cho cử nhân Đậu Bất Bần thay hiệu trưởng “chỉ đạo” với nguyên tắc là: tiền trảm, hậu tấu; còn các công tác về văn thư hành chính, lương thưởng, đối ngoại… thì ông Vi Lo đặc trách và cũng được toàn quyền: tiền trảm hậu tấu. Nói xong, ông Hà Đê đưa quyết định ủy quyền có chữ ký và đóng dấu cho từng người. Ông hiệu phó kiêm nhiệm Vi Lo nhận quyết định xong thì bảo, công việc kế toán ở văn phòng đang bận nhiều hơn cả một núi việc, ông xin ủy quyền cho “thầy Bần”, người có bằng cấp, có chuyên môn gánh vác hộ. Việc cũng đơn giản thôi, mười tám cháu có tiền ăn từng này, tiền quần áo đồng phục từng này, tiền sách vở từng này; tiền lương tháng của ban giám hiệu là từng này, từng này…
Nói rồi, ông đưa gói tiền đã trừ phần lương kiêm nhiệm cho ông Hà Đê. Ông này đếm tiền lương của mình xong, chuyển số còn lại cho Đậu Bất Bần. Bần cười, bảo: “Hai bác ngược quá sớm đấy ạ! Còn Bần tôi đã lên đây thì không có con đường nào ngược cả. Tôi xin nhận mọi việc được giao và hứa, thầy trò chúng tôi sẽ thành công với trường nội trú đầu tiên của vùng Kẻ Đá này. Nhưng các bác cũng phải thề là không được cản trở đường hướng gây dựng của chúng tôi”. Hai ông trưởng phó giám hiệu liền rối rít cảm ơn Bần và thề: “Chỉ có giống chó dại trái mùa mới đi cản trở một ông thầy tâm huyết”.
Buổi học đầu tiên, Bần kể cho mười tám học trò nghe hai chuyện. Chuyện thứ nhất là ông giáo Đuy-sen, người Kiêc-ghi-zia, chỉ mới học lớp bốn bổ túc mà dạy được học trò sau này trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô; chuyện thứ hai, có một sinh viên học giỏi, đầy chí hướng nhưng vì bị đói, thó mẩu bánh mì bữa sáng của bạn mà bị đuổi học. Kể xong, Bần dặn học trò: “Ở đời phải quyết liệt học và làm để không bị nghèo đói, cơ nhỡ các em nhé!”…
Nhìn hồ nước rộng mênh mông được chắn bởi một con đập cao, bề mặt rộng đủ cho xe ô tô qua lại được, tôi đâm tò mò hỏi: “Kết quả này chắc chắn là nhờ vào tinh thần quyết liệt của thầy trò trường Kẻ Đá?”. Ông hiệu trưởng liền đáp: “Vâng! Lúc đầu chúng em chỉ ngăn ở đầu nguồn, làm đập nhỏ dẫn nước về sinh hoạt và lắp mô tơ điện mi ni thắp sáng. Sau thấy ngon ăn nên mới làm con đập lớn, tạo được hồ nước rộng thế này. Nhưng cũng vì nó mà em đâm ra bị rắc rối kiện tụng với vô thiên lủng các tội. Chẳng giấu giếm gì thầy, cái tay Vi Lo, kế toán văn phòng kiêm nhiệm hiệu phó ngày trước giờ đương kim chủ tịch huyện là kẻ nện em quyết tử nhất. Tay này đã quy cho em, nào là bắt trẻ em người dân tộc lao động cực nhọc, nào phá hoại tài nguyên rừng, đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên, nào là cản trở con em dân tộc đến với thế giới văn minh… Toàn những thứ nhằm diệt bằng chết sinh mệnh chính trị của em. Thầy Hạ thấy có khiếp hay không ạ?”.
Tôi gật đầu, tỏ ý vẫn đang muốn nghe.
Ông hiệu trưởng Đậu Bất Bần tiếp tục kể: “Nhìn vào bản chất vấn đề, Vi Lo cùng mấy tay huyện lại - vô lại của ông ta làm ra như thế, chung quy cũng chỉ để hòng chiếm trọn cơ ngơi mà thầy trò chúng em đã mồ hôi nước mắt gây dựng trong suốt hai mươi bảy năm trời. Tình hình đang rối tinh, rối mù lên song nói cho cùng cũng chỉ có hai âm mưu chính: thứ nhất là đưa toàn bộ trường nội nội trú Kẻ Đá ra thị trấn huyện, nói là để các em được tiếp cận, được hưởng thụ sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0; thứ hai là đem hàng chục héc ta đất ven hồ đập này chia nhau và bán chác để làm biệt thự, làm hôm sờ tây (homestay) cho thuê, dưới danh nghĩa là khu dự án đầu tư cho du lịch sinh thái vùng núi Kẻ Đá. Tức khí quá nên em nói thẳng vào mặt ông Vi Lo rằng, từ mười tám học trò ban đầu, đến nay trường nội trú Kẻ Đá đã có mười lăm lớp đủ cả ba cấp. Các thế hệ học trò trong hai mươi bảy khóa của trường nội trú Kẻ Đá có có hàng ngàn người thành đạt. Các trò người dân tộc từ nhỏ đã quen với cảnh thiên nhiên rừng núi, biết đi rẫy đi nương với cha mẹ từ khi còn địu trên lưng, bây giờ đem chúng ra phố, nhốt vào các dãy nhà cao tầng vài trăm mét vuông, không vườn tược, không có không gian vui chơi làm lụng lại sát đường cạnh đường lớn, suốt ngày ầm ĩ tàu xe thì chúng biết học thế nào, sống thế nào? Liệu chúng có sổng ra ngoài, đi lêu lổng, hứng lấy tiêu cực mặt trái của phố phường không? Liệu có kéo nhau bỏ học, trốn về bản làng quê quán không? Nói thế rồi, em phải nhắc lại với Vi Lo cái câu: “Chỉ có giống chó dại trái mùa mới cản trở một ông thầy tâm huyết!” mà ông ta và ông Hà Đê đã thề… Ông Vi Lo liền chặn họng, quy cho em, tội bôi nhọ lãnh đạo, tội miệt thị hóa, coi thường hóa, cản trở hóa tuổi trẻ người dân tộc và nhắc lại cả cái tội em đã ăn cắp bánh mì hồi năm 1989 nữa. Ông ta khẳng định, chỉ riêng cái tội ăn cắp, em đã không còn đủ tư cách làm giáo viên nữa chứ đừng nói là làm hiệu trưởng ngôi trường nội trú duy nhất dành cho con em đồng bào dân tộc của huyện nhà. Lãnh đạo huyện đã thành lập đoàn thanh tra, đang khẩn trương thu thập chứng cứ để chuyển sang bên công an. Tuy nhiên, nếu em nghe theo quyết định di dời thì lãnh đạo huyện sẽ thể tất mà bỏ qua những phát ngôn vô trách nhiệm của em, sẽ xem xét bổ nhiệm em vào chức phó phòng Giáo dục- Đào tạo, đặc trách quản lý mảng trường phổ thông ở các xã vùng đồng bào dân tộc để ghi nhận một số thành tích xây dựng trường Kẻ Đá buổi đầu.
Em đã cười khậc lên, bảo với ông Vi Lo và đám cùng đi rằng, các ông đừng dùng mẹo điệu hổ li sơn với tôi. Nói để các ông biết, tôi còn ngày nào ở Kẻ Đá thì không có chuyện chuyển con em đồng bào ra thị trấn huyện, không có chuyện biến vùng đất thầy trò chúng tôi đã khai hoang, làm nên đường, nên trường, nên điện thành các trang trại, homestay, resort để bán, để biếu tặng nhau mà các ông gọi bằng cái tên mĩ miều là dự án Khu Du lịch sinh thái, phục vụ Công nghiệp Văn hóa. Đậu Bất Bần là tôi sẽ đi đến cùng trời cuối đất để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của trường nội trú Kẻ Đá!”…
5. Có một học nam sinh cao lớn dẫn hai ông khách đến khiến ông hiệu trưởng Đậu Bất Bần dừng câu chuyện. Hai người đó đều lễ phép chào tôi là “thầy” và hơi cúi người bắt tay tôi. Tôi nhận ra một trong hai người khá quen mặt. Đô nhắc tôi: “Đây là Lê Văn, lớp cao học mình đấy thầy ạ. Cậu ấy hiện là tiến sĩ, hiệu trưởng trường đại học của tỉnh”. Tôi nhớ ra Văn. Anh giới thiệu người đi cùng với mình: “Thưa thầy, đây là ông chủ tịch tỉnh Hoàng Đỗ Nam. Nam, trước có học em. Chúng em nghe tin thầy vào chơi Kẻ Đá nên đến chào thầy ạ!”. Tôi cảm ơn Văn và khen ông chủ tịch tỉnh trẻ tuổi đẹp trai, thành đạt sớm.
Sau đó, cậu học sinh được ông hiệu trưởng Đậu Bất Bần cử lái ca nô đưa mấy thầy trò chúng tôi và ông chủ tịch tỉnh đi ngắm cảnh nước non sơn thủy hữu tình quanh hồ…
Lúc chia tay, ông chủ tịch tỉnh nói nhiều lời cảm ơn tôi, cảm ơn Võ Đô đã về thăm Kẻ Đá. Ông khen cơ ngơi của thầy trò ông hiệu trưởng trường nội trú và còn hỏi thêm, ngoài những thuận lợi, trường có gặp khó khăn gì không?
Như người đang cơn khát gặp được dòng suối mát, Đậu Bất Bần liền đề nghị, xin tỉnh chỉ đạo huyện không dời trường nội trú Kẻ Đá ra phố huyện vì những lý do mà ông đã kể với tôi và Đô. Nghe xong, ông chủ tịch tỉnh bảo: “Đề nghị của thầy hiệu trưởng là chính đáng ạ. Thầy nên có công văn gửi văn phòng Ủy ban tỉnh, sở Giáo dục và Đào tạo, ban Dân tộc tỉnh và ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để bọn em có thêm cơ sở chỉ đạo xuống huyện”.
Hôm sau, trong lúc ăn sáng và uống trà, Đậu Bất Bần cho biết, lúc mười hai giờ đêm trước, ông Vi Lo, chủ tịch huyện đã phôn cho ông, báo rằng, lãnh đạo huyện đã cho dừng kế hoạch chuyển trường nội trú Kẻ Đá ra thị trấn, những căng thẳng không đáng có bấy lâu nay là lỗi do các phòng ban chức năng của huyện báo cáo lãnh đạo còn phiến diện, không phải là lỗi của phía… Kẻ Đá.
Tôi chúc mừng ông hiệu trưởng còn Đô thì hỏi ông: “Chắc cậu không phải làm công văn gửi tỉnh nữa nhỉ?”. “Làm chứ, lời nói, gió bay, lại mới chỉ là lời nói qua phôn. Rút kinh nghiệm, từ nay cái gì cũng phải giấy trắng mực đen, dấu đỏ!”. Nói rồi, Đậu Bất Bần bảo, đi lấy cái công văn dự thảo mà ông khoe là đã viết xong lúc ba giờ sáng để nhờ chúng tôi tư vấn thêm cho đầy đủ và kín nhẽ…
6. Năm giờ sau, trên đường đang chạy xe về hướng Hà Nội, Đô có phôn. Nghe xong, anh ta hào hứng nói với tôi: “Bần vừa báo cho em, công văn của hắn đã được đặt lên bàn ông chủ tịch tỉnh rồi, thầy ạ!”. Tôi gật gù chia sẻ tin vui của ông hiệu trưởng Đậu Bất Bần và khen Đô đã nghĩ được mẹo hay, giúp bạn cũ, gặp được một nhà cầm quyền năng động, có tâm”. Đô cười khe khe, bảo: “Mẹo này không phải của em đâu. Mọi thứ tất tần tật đều Bần, hắn nghĩ ra cả đấy. Thằng tinh tướng này đã điều tra được, tiến sĩ Lê Văn là thầy học của ông chủ tịch tỉnh mà ông Lê Văn lại là học trò của thầy nên mới thiết kế được một buổi hội ngộ của ba thế hệ thầy trò chúng ta tại trường Kẻ Đá. Cứ theo thiển nghĩ của em thì sự có mặt của thầy ở Kẻ Đá, tiến sĩ Văn không thể không đến chào. Đến chào lại còn vời được cả ông chủ tịch tỉnh đi cùng thì mới cao tay chứ. Sự kiện ông Hoàng Đỗ Nam xuất hiện ở Kẻ Đá chắc chắn đã khiến đám quan chức huyện bị hoảng, thế nên mười hai giờ đêm, Vi Lo còn phải gọi phôn cho Đậu Bất Bần để thanh minh thanh mai và chối lỗi. Thầy có thấy cơ mưu của Bần đẳng cấp không ạ?”. Tôi đưa ngón tay cái like và nói: “Con người ta, lúc bị bức bách quá thường nghĩ được kế hay. Nhưng liệu rồi ông chủ tịch tỉnh có bị rơi vào cảnh, một cây nứa chống cả một bè gỗ lim không?”. Đô liền đáp: “Không ạ. Thưa thầy, thằng Bần vốn là đứa quyết không chịu đói khổ, nghèo hèn, lại vừa gặp được quý nhân, thế là, ngoài trời còn có trời, thầy nhỉ? Trong trường hợp này, em lại mạo muội xin phép thầy, được múa rìu chút… bằng câu Kiều: “Bây giờ gạn đục khơi trong/ Bởi lòng quân tử khác lòng người ta”.
Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh
Nguồn Văn nghệ số 40/2023