Sáng tác

Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Trần Thủy
Truyện
13:00 | 18/11/2024
Baovannghe.vn- Sáng nay, thằng Vinh làm cùng nhóm xây dựng gọi điện sang, giọng hớt hải nghẹn ngào. Bố mất rồi, bố không kịp chờ nó hoàn thành thủ tục cách ly
aa

Đầu Đông. Mây giăng giăng từng mảng trên nền trời u ám. Những cơn gió mang mùi lá khô ẩm mốc, mùi đá xám buốt lạnh từ dãy Anpơ ngàn ngạt đổ về. Đăng chống tay lên mạn cầu trơ vắng, hai tháp cầu nhô cao lạc lõng giữa một vùng. Ánh mắt anh hoang hoải nhìn vào lòng sông, nước sông thiêm thiếp một màu. Hai bên, những tàng cây khô xác, bàng bạc ngẩn ngơ. Sự im lặng tiêu điều khiến tim anh như bị bóp nghẹt...

Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy
Minh họa Thanh Phương

Đăng kéo chiếc khẩu trang tụt xuống tận cằm. Tay anh vun vút gạt vào không trung, cố đẩy hết những ô tạp. Hít lấy hít để thứ tinh chất trong lành thấm no lồng ngực. Sẽ chẳng có con virus nào ở đây, hai lá phổi của anh sẽ được nuôi dưỡng bóng mọng, và anh sẽ khỏe mạnh. Cảm giác các khớp xương đang có những con giòi rỉ rích đục khoét. Nhưng không, anh không muốn thấy hai cái vạch đỏ nổi lên, giống ông thần chết bất ngờ dùng lưỡi hái xẹt ngang cổ.

Sáng nay, thằng Vinh làm cùng nhóm xây dựng gọi điện sang, giọng nó hớt hải nghẹn ngào. Bố nó mất rồi, bố nó không kịp chờ nó hoàn thành thủ tục cách ly. Nó đã vay mượn và vét hết số tiền tiết kiệm cho đủ 4500 euro để mua vé máy bay. Nó nghĩ, nó sẽ kịp... vậy mà. Nó quay cho anh chiếc bàn thờ sơ sài, chỉ có nải chuối và mấy thứ hoa quả đặt trên cái đĩa nhỏ. Giờ, nó vái vọng bố nó trong căn phòng khép kín buồn bã này. Nó chẳng còn gì hết, quyết định bỏ hết công việc để được về bên bố. Nhưng, tất cả đã quá muộn. Nó khóc nấc trong điện thoại, bảo Đăng hãy cẩn thận, đừng để mọi thứ trở thành hối tiếc. Thằng Long vẫn bặt tin, còn Xuân, chẳng thấy đâu dịu dàng, vài lời nhấm nhẳng như ra lệnh: Mỗi người ở yên một chỗ, tự bảo vệ chính mình.

*

Đăng vùng lên bỏ chạy.

Cánh đồng thô ráp những cồn cỏ khô. Mà cỏ ở đâu trên trái đất này chẳng giống nhau, mơn mởn tươi mát trong mùa xuân và kiệt sức khi mùa đông run rẩy tìm về. Nhưng cỏ ở đây lạ lắm, nó không mang hương vị của những đồng cỏ quê hương, nơi Đăng và Long từng lăn lộn cùng đàn bò.

- Anh Đăng ơi cỏ ngọt...

Long hổn hển chạy về sau khi thám thính ra vùng cỏ nõn nà như những ngọn rau ngậm nước sau mưa tràn trề sinh lực. Tiếng đàn bò roàm roạp, hối hả, nước rãi lệu rệu nhểu quanh mõm. Con nào con nấy, cái mông bóng bẩy, hai ức nở nang, cái bụng căng tròn với bốn bầu vú thõng xuống, nổi cả tĩnh mạch. Một đàn lốm đốm trắng đen hùng dũng, tinh nhuệ cho mùa vắt sữa. Ánh mắt hai đứa bừng sáng dưới bầu trời thăm thẳm. Cỏ năm nay được mùa.

- Cứ đà này, anh em mình sẽ có xe máy...

Long hào hứng, vừa nói vừa lăn người mấy vòng phấn khích. Cái dáng gầy gò của nó giống con loăng quăng thỏa thuê ngụp lặn trong miền nước lặng. Bất chợt nó ôm ngực, mặt tái nhợt, những cơn ho nổi lên không dứt, tiếng thở gấp gáp phát ra giống tiếng cò cử. Nó ngồi bệt xuống bãi cỏ, đầu cúi gục khó nhọc. Giống như, mới hôm kia thôi...

*

Đăng đã bảo: Đừng đi. Lệnh phong tỏa đang được thực thi. Mỗi ngày mấy chục ngàn người nhiễm và cả nghìn người chết. Nguy hiểm dập dình ở khắp nơi. Chủ họ chẳng dám đi cớ sao thợ phải nhận...? Nhưng em tiếc, vả lại chúng ta lấy đâu ra tiền để sống. Để em cố, em sẽ cẩn thận tối đa, sức thanh niên lo gì. Long cười gượng, hiền khô, nhổm người phóng chiếc xe đạp với túi đồ nghề làm móng chất đằng sau. Đăng chỉ biết nhìn theo bất lực. Phải rồi, tiền đâu để sinh sống, trả tiền nhà. Dù đó chỉ là căn hộ bé xíu Long thuê lại, ngoài góc nhà tắm, vệ sinh, chỉ đủ kê thêm cái giường cái bếp. Đăng nói vậy thôi, chứ mấy tháng rồi anh vẫn sống nhờ vào số tiền Long đi làm móng lậu. Còn mẹ Long nữa, bà đang bị bệnh, phải nằm một chỗ trông mong từng đồng con trai gửi về. Người ta sợ cái chết nhưng người ta cũng không biết làm cách nào để sống, nếu chẳng có tiền. Nhất là nơi thân cô thế cô, mọi thứ chỉ tính bằng tiền, rất nhiều tiền, và gánh nặng trách nhiệm với gia đình vô hình choàng chéo trên vai.

*

Đã hơn 9 tháng nay, kể từ khi con virus Vũ Hán ngang nhiên hoành hành khắp châu Âu. Lúc đầu mọi người coi thường, cho đó là một thứ cúm mùa vớ vẩn. Giờ đây, lần lockdown thứ hai ở Đức đã thấy sự nguy hiểm mang tính hủy diệt của nó. Tin tức bệnh dịch tăng nhanh chóng mặt. Những nẻo đường bị phong tỏa, những cửa hàng, trường học bị đóng cửa, những sân chơi vắng lặng để gió nô đùa. Không khí thê lương, ảm đạm bao trùm mỗi góc phố, khu nhà. Nào ai nghĩ vào một ngày đẹp trời, tháp Eiffel không có người thăm. Những lâu đài ở Wien tự soi bóng mình, và thành Rome lặng im trong bộn bề tang tóc. Có bao giờ châu Âu phồn thịnh thất thủ đến như vậy?

Đăng vẫn nhớ mãi chuyến tàu anh đi từ München về Konstanz trước khi lệnh giới nghiêm được áp dụng trên cả nước hồi tháng ba. Mặc dù công việc sửa chữa một trang trại cũ của bọn anh chưa xong, nhưng ông chủ quyết định cả đội phải về.

Bayern đã xuất hiện ổ dịch và nhiều nơi ở Đức đã thực hiện giới nghiêm khiến cả đội hoang mang. Chuyến tàu hôm đó rất đông, hiếm người đeo khẩu trang vì khan hàng, trông ai cũng ưu tư, lo lắng. Đăng cẩn thận lấy chiếc khăn len quấn kín nửa mặt, chỉ để hở đôi mắt. Lúc đang loay hoay tìm chỗ, tay anh đụng phải một gã râu ria xồm xoàm. Lập tức gã quay lại, mặt đỏ phừng phừng, phùng mang trợn má mắng anh. Đăng chẳng hiểu gì, chỉ nghe bập bõm, China… China, anh vội xua tay thanh minh: No, no... Việt Nam... Việt Nam. Vài ba ánh mắt thiếu thiện cảm vẫn hướng về phía anh. Chắc họ nghĩ, anh đến từ nơi phát sinh ra con virus đó. Thật xấu hổ. Đăng tảng lờ bước thật nhanh, anh đã quá quen với việc tránh va chạm gây hiểu lầm chốn đông người. Thân phận thiên di không giấy tờ như anh, như Long, và cả Xuân nữa... đi đâu cũng phập phồng lo sợ, tự đánh cược với số phận. May mắn thì tiếp tục bươn chải, đen đủi phải xách vali về nước.

Lúc này, anh thấy mình giống con cá trên cạn, loay hoay không đường tiến thoái. Ở lại mắc núi, quay về mắc sông. Quê hương anh đang làm rất tốt việc ngăn ngừa mầm bệnh phát tán ngay từ đầu. Nhưng, chẳng biết họ giữ được bao lâu, hay chỉ như giơ tay nắm cát, lúc nào đó sẽ vỡ trận ồ ạt? Đăng chẳng dám nghĩ. Việc của anh và những người xa xứ là ở yên một chỗ, đừng để thành gánh nặng hay mối hiểm họa lây lan cho quê nhà. Giá vé hồi hương giờ rất cao. Trong túi anh, sau 9 tháng thất nghiệp, một xu cũng chẳng còn...

*

Long trở về, ánh mắt mệt mỏi hiện trên gương mặt. Hôm nay em làm mấy cô khách? Dạ bốn... à... mà anh đừng lại gần em. Long quăng người xuống giường, giọng khàn đi, có gì đó không ổn...

Đăng thấy lo lắng, bồn chồn. Mỗi ngày Long bước chân ra khỏi nhà là mỗi ngày anh phát tâm cầu nguyện cho linh hồn bố anh, bố Long. Hai ông thân thiết với nhau đến tận cuối đời, tai nạn xe máy kinh hoàng ở đèo Gió đã đưa cả hai sang thế giới bên kia vào cùng một khắc giờ. Anh mong hai ông sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ cho hai đứa con vượt qua được giai đoạn khốn khó này, nhất là Long. Cả ngày tay cầm tay, mặt đối mặt với từng cô khách, bao hiểm nguy tiềm ẩn. Hỏi không lo sao được?

Đêm đó Long sốt rất cao kèm theo những trận ho dữ dội tưởng chừng rút hết ruột gan, những cơn hen khò khè kéo dài khó thở. Thuốc xịt, thuốc hít, thuốc uống... Long chạy vạy nhờ người mua hộ theo đơn, tất cả chỉ còn vài lọ trống rỗng. Long điên cuồng, cố tận dụng chút thuốc còn sót lại, xịt lấy xịt để vào cổ họng. Mặt đỏ dừ, hai tay ôm ngực, tiếng thở nặng trĩu từng cơn... đổ gục. Đăng đứng ở cửa nhà tắm, lẩy bẩy như chính anh đang lên cơn sốt. Mỗi lần định lao vào đỡ là Long lại hét lên: “Anh tránh ra.” Ánh mắt cương quyết, nóng rực như hòn than, khiến Đăng không dám lại gần. Anh thấy mình hèn nhát. Anh không còn là người hùng dám xả thân của thằng Long ngày xưa nữa rồi. Ngày bọn anh giành nhau với bọn Lâm béo vùng cỏ ngọt ngay dưới chân đèo Gió.

*

Long đã hớn hở nói với anh sau khi bốc cả vốc đất lên ngắm nghía, rằng nó nghe thấy tiếng những hạt mầm tí tách đang đục đất vươn lên, và cả những sợi rễ tua tủa trắng phau. Nhất định, vùng thung lũng hoang sơ này sẽ tràn đầy cỏ ngọt. Dưới bóng chiều ngả dài, đèo Gió lừng lững như một gã khổng lồ hiên ngang giữ mưa, giữ nắng. Long phát quang đám cây dại xung quanh, lấy miếng nilon nhiều màu nối vào cái cọc rồi đóng ở bốn phía. Đó là quy ước của dân chăn nuôi gia súc, đồng cỏ đã có chủ sở hữu.

Một buổi trưa, Đăng lao như tên bắn xuống thung lũng sau khi hoàn thành nhiệm vụ giao sữa. Tiếng thằng Long kêu cứu vang dội vách núi. Tiếng cười nói hả hê của bọn Lâm béo: “Đánh chết nó đi. Đồ nhãi ranh, dám tự chiếm hữu.” Từ xa, Đăng thấy thằng Long bị tụi nó buộc cứng vào thân cây gạo, cả bọn lao vào đấm đá túi bụi. Cây gạo rung lên, từng cánh hoa đỏ ối rơi rụng lả tả. Mắt Đăng ngùn ngụt căm giận, sẵn cái thuổng đào măng trên tay, một trận quyết chiến đã diễn ra. Đăng lừng lững như con gấu hung dữ, phi bên nọ chồm bên kia xách cổ từng thằng. Khi cơn giận nguôi ngoai thì không thấy bóng dáng bọn Lâm béo đâu, chỉ còn Long, người sưng vù vì bị thương và dựa vào đúng tổ kiến, nhưng vẫn dõng dạc hô to: “Anh Đăng là người hùng!” Tháo dây trói nó ra, Long đổ gục như thân cây chuối èo uột xuống nền cỏ, miệng lẩm bẩm, đủ để Đăng nghe: “Em sẽ luôn theo anh.” Và Long trở thành cái bóng thân thuộc bên Đăng, kể cả quyết định thiên di sau tai nạn khủng khiếp của hai ông bố, dù anh khuyên nhủ đủ đường.

*

Đăng như phát điên khi nhìn thấy hai cái xác biến dạng, cái treo lủng lẳng trên cây, cái mắc vào vách núi. Mùi tử khí âm u quẩn cả một vùng. Anh bỏ mặc đàn bò, không dám quay lại thung lũng đèo Gió. Mỗi gốc cây ngọn cỏ nơi đó, đều in dấu hình bóng hai ông. Anh buồn bã đuối chí ra mặt, nhìn cuộc đời tối đen như vết mực tàu. Xuân choàng vai anh, thì thầm khi hai đứa ngồi bên bờ suối. Cô đã quyết định rồi, cô sẽ đi, cuộc sống thâm trầm tẻ ngắt ở đây chán lắm, thế giới bao la rộng lớn lôi cuốn cô hơn. Nếu anh thực sự yêu cô thì hãy thoát li cùng cô, bác cô bên Đức sẽ làm cầu mối. Đàn ông mạnh mẽ phải bươn ra biển lớn, quanh quẩn với vài thứ cỏn con, liệu làm nên trò trống gì. Chả lẽ, anh thích suốt ngày còng lưng quỳ mọp dưới chân đám bò cái hay sao? Ánh mắt mơ màng, ướt rượt của Xuân lóe lên những tia nhìn chế nhạo. Cô đứng dậy bỏ về, nụ cười khanh khách chờn vờn theo gió ném lại sau lưng. Đăng trầm ngâm dõi theo dòng nước đang phóng mình vượt qua mỏm đá, rơi xuống thành những bong bóng nước đẹp mắt, tụ lại tan ra, rồi hiền hòa xuôi về dưới đồng bằng. Phải chăng, cuộc đời cần có thử thách mới tạo được đột phá. Một cuộc đời phẳng lặng nhàm chán, thật vô nghĩa. Anh vội vàng đuổi theo Xuân, sợ cô biến mất, tan vào gió.

Mẹ anh đã nổi giận khi nghe mấy thứ lí lẽ đó. Hóa ra trong mắt anh, cái cơ nghiệp từ đời ông bà, bố mẹ gây dựng được nhờ đàn bò, cũng chỉ cỏn con vậy thôi sao? Nhà máy sữa sắp được xây dựng ở đây. Phát triển đàn bò sinh sôi, cuộc sống của bà con rất khá. Anh cứ thích đi tìm hào quang đâu xa, nếu không vượt qua thử thách của chính mình? Làm gì cũng phải cân nhắc kĩ càng, nông nổi tự quyết định đó là sai lầm.

Bà khóc, những nếp nhăn trĩu xuống, đôi vai gầy rung lên mà không níu được thằng con vẫn khăng khăng như bị bỏ bùa theo đứa con gái có đôi mắt ướt rượt.

- Đi đi… nhưng nếu mệt mỏi hãy trở về với đồng cỏ các con nhé...

Đó là lời nhắn nhủ tha thiết của bà với anh em Đăng, trước khi rời xứ.

*

Giờ, trong căn phòng u uẩn chật hẹp, người hùng to xác chỉ biết câm lặng đứng nhìn. Ai ai cũng cố thủ lo cho bản thân và gia đình. Gọi điện nhờ vả ai bây giờ cũng ngại. Vắc xin vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, họ biết giúp gì, hay chỉ vài lời khuyên vẫn chia sẻ trên mạng? Khu nhà này chẳng có người Việt nào trừ anh em Đăng. Khuôn mặt Long trở nên tím tái, ức lõm sâu theo từng nhịp thở đứt quãng. Long cầu khẩn Đăng: Anh... đừng gọi cấp cứu. Kệ em, rồi bệnh sẽ khỏi.

Đăng lắc đầu, mặt anh nhợt nhạt. Nhìn Long khó nhọc nấc lên, hớp hớp từng chút oxy, anh biết mình phải hành động. Một giây hay một phút? Đó là mạng sống, là thằng em thân thiết nhất của anh. Cả hai đang cư trú bất hợp pháp, nhưng, chắc chắn vì nhân đạo họ sẽ cứu người. Chui vào nhà tắm anh lập cập ấn số 115, run run gọi bằng vốn tiếng Đức bập bõm.

Xe cấp cứu hú còi inh ỏi đỗ trước cổng khu nhà. Hai người đàn ông mặc bảo hộ kín mít, có lẽ là bác sĩ và y tá gõ cửa hỏi Đăng đủ điều. Anh lắc đầu, chỉ vào Long đang khó nhọc thở gục ở góc nhà. Bất ngờ, anh chắp tay vái lạy van xin: Bác sĩ, làm ơn hãy cứu em tôi! Chừng hiểu điều Đăng nói, họ ái ngại nhìn hai anh em, rồi lẳng lặng cặp nhiệt độ, kiểm tra nhịp tim, đo huyết áp cho Long. Họ dìu Long nằm lên chiếc cáng có bình oxy lủng lẳng. Chắc họ quá bận nên cũng chẳng hỏi thêm gì Đăng. Lúc xe sắp chuyển bánh Đăng thấy Long ngồi dậy, tháo tung chiếc mặt nạ dưỡng khí đang đeo, ngoái lại dặn anh bằng chút giọng yếu ớt, đứt quãng: Anh... đừng nói gì với mẹ em nhé... rồi em sẽ về. Nếu em không về... Anh... hãy bảo trọng!

Long giơ tay lên vẫy, miệng cười như mếu, ánh nhìn buồn bã thẫm sầu. Đăng gật đầu, không biết tự bao giờ nước mắt cay xè nhòe nhoẹt. Anh bật khóc rất to đuổi theo chiếc xe đang hú còi di chuyển.

Lẽ nào... đây là lời tạm biệt. Đừng mà Long ơi! Vài ba người từ cửa sổ ngôi nhà tò mò ngó ra, thương hại...

*

“Phổi bị virus ăn ruỗng, tràn dịch, lỗ chỗ áp xe. Cậu ấy đang được tích cực truyền kháng sinh, thở máy và dẫn lưu màng phổi. Hồi phục… có chăng phải nhờ phép màu.” Những lời nhắn của chị Mai, người Đăng nhờ lấy thông tin từ bệnh viện nổi trên điện thoại như một nhát búa giáng vào đầu anh.

Đăng bước đi xiêu vẹo, chuệnh choạng. Chút nắng hiếm hoi đỏ ối chồi lên phía mấy ngọn đồi. Cả đồng cỏ vàng rực, úa màu rồi tàn lụi rất nhanh khi ánh nắng hớt hải tụt xuống, tắt lịm.

Long từng chạy trên cánh đồng này, cỏ mơn mởn tươi mát dưới chân, những vòi nước tự động ẩn sâu trong lòng đất phun một lớp sương mù ẩm ướt thấm vào mặt, mát rượi. Long hào hứng hét rất to giữa cánh đồng: “Nhất định khi kiếm đủ tiền, em sẽ về làm y chang như ở đây. Tự động hóa, hiện đại hóa, quá tiện lợi!”

Đăng biết, ước mơ đó rất chân thực. Gần ba năm ra đi, bươn chải qua bao khó khăn, rèn giũa tay nghề để được chủ giữ lại. Nhưng chưa bao giờ Long thôi đau đáu nhớ về quê hương. Nó hay than vãn, thèm lắm nồi canh chuối ốc sóng sánh của mẹ, húp sùm sụp đến tận đáy nồi. Thèm ngả mình trên bãi cỏ đèo Gió, hít hà thứ ngòn ngọt tươi non chờm vào cánh mũi. Mỗi lần Đăng về, nó thích lao vào bếp tự tay nấu những bữa cơm quê, đơn giản chỉ là lạc rang muối, thịt luộc chấm mắm tép, xu hào nén chua, hay đậu phụ chiên giòn... ngồi thưởng thức mà luôn miệng xuýt xoa, tấm tắc. Nó còn nhớ nhiều lắm, ngôi nhà hai đứa có hàng rào dâm bụt đỏ chói, từ bé nó đã khoét một lỗ chui vừa để sang chơi với anh Đăng. Đến bữa, nó cứ đứng lì ngoài cửa, mùi cơm thơm lừng bay ra khiến cái bụng nó kêu ộp ộp. Nó chờ anh Đăng xới cho nó một bát, kéo nó vào ăn cùng mấy anh em. Có khi chí chóe tranh nhau vài con tép kho, mấy miếng thịt mỡ. Nó thấy ăn chực sao mà ngon thế, ngon hơn cơm nhà. Hồi hộp nhất là những ngày gió bấc hun hút từ bên kia núi tràn về. Hai anh em quẩn quanh xem hai ông bố đỡ đẻ cho bò. Bò mẹ rống lên vật vã, bầu vú cương cứng chĩa về bốn phía, hông sụt, đuôi cong, biểu hiện sắp chuyển dạ. Trong lúc bò mẹ rặn, hai ông bố thay nhau từ từ đỡ bê ra. Con bê non được cắt rốn, run rẩy ngơ ngác, người dính đầy rớt rãi. Hai anh em phải dùng khăn khô lau sạch rồi ẵm vào ổ rơm gần bếp để sưởi. Long trầm trồ, riêng việc đỡ đẻ cho bò anh Đăng bạo dạn thực hành rất tốt, còn nó hãi lắm, sợ nhất phải thọc tay vào âm hộ moi hết nhau thai, nhìn chết khiếp!

Nó cười bâng khuâng, mắt đăm đắm vô định, để mặc những kí ức mơn man ve vuốt tâm hồn. Nó khiến Đăng cũng bồi hồi nhớ theo, những kí ức lúc ầm ào, lúc êm đềm như những dòng sông, dù xuôi ra biển lớn, nhưng những hạt nước vẫn bay lên, tụ lại, rồi quay về cội nguồn.

*

Đăng cố tĩnh tâm, kéo chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt. Đã đến lúc phải chuẩn bị kĩ càng mọi thứ cho bản thân. Số tiền Long để lại, đủ để trang trải trong thời gian ngắn. Anh dừng chân trước chiếc bình treo ở cửa siêu thị, xịt lấy xịt để thứ dung dịch nhờ nhờ vào tay. Tẩy sạch đi, rửa hết đi... thứ virus khốn kiếp đang làm chao đảo cả thế giới, và khoảng cách nữa, đứng xa ra. Anh chẳng dám ho, mặt đỏ lừ vì nuốt cơn ho trong cổ họng. Ánh mắt dè chừng của những người xung quanh khiến anh ngại ngùng. Dầu ăn, bột mì, giấy vệ sinh và nhiều thứ nhu yếu khác, trống rỗng trên kệ. Cô thu ngân ném cái nhìn không thiện cảm lên đống hàng hóa anh chất trên băng chuyền. Một kẻ cơ hội? Kệ thôi, anh đâu còn sự lựa chọn nào khác, anh cần khỏe mạnh để đi tìm chỗ ở mới. Chủ nhà khi biết tin Long nhập viện đã gọi điện cho anh. Họ bóng gió xa gần, nhưng chốt lại, họ sợ bị liên lụy. Đẩy Đăng ra đường trong hoàn cảnh này họ không hề muốn, hãy thông cảm cho họ. Đăng chỉ biết xin họ cho ở hết tháng, chờ Long về rồi anh sẽ đi. Họ đã giúp đỡ hai anh em thời gian vừa rồi, anh không thể làm khó họ.

*

Lắc lắc cái đầu, Đăng thấy cổ họng anh đau nhức, người rệu rã, bải hoải. Trong não anh, tưởng chừng có ngàn mũi kim chích vào, xoáy sâu, muốn nổ tung. Chưa khi nào Đăng ốm mà kiệt sức như vậy, mẹ anh hay bảo: “Thằng này trời đánh không chết. Bao lần bị sét xẹt qua, chỉ tổ cả làng được ăn thịt bò.” Chị Mai nhắn tin: Long chưa tỉnh, lượng oxy trong máu thấp. Nặng lắm!

Đăng buồn bã thả mình rơi lên giường. Cứ hình dung ra Long nằm bất động, thoi thóp bên cạnh đống dây dợ loằng ngoằng, đám máy móc kêu tít tít vì quá tải, là ngực anh nghẹn lại như bị đá đè. Sao ngày đó anh không kiên quyết cản Long đến cùng. Phải chăng, anh vẫn muốn hai đứa sát cánh bên nhau dù ở góc bể chân trời. Xuân gọi điện mắng sa sả: Ai bảo kéo nó sang. Mà sao liều lĩnh vậy. Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ phải không?

Hai ngày rồi bặt tin, chẳng một lời quan tâm lo lắng. Nếu như thời gian trước, Đăng đã sừng sực gọi điện truy cứu, trách móc. Giờ, nỗi nhớ trong anh chỉ mơ hồ xa vắng. Từ hồi đặt chân sang đây, ba đứa phải bươn trải ở ba ngả, Xuân được cô chú giữ lại làm phụ bếp ở Stuttgart, Long khéo tay nên cố gắng theo học nghề móng mạn Konstanz. Còn Đăng, phụ việc cho đội thợ xây lưu động chuyên sửa chữa nhà cũ, nay chỗ này mai chỗ khác, hết cả mấy tỉnh Tây Đức. Có lẽ, chính sự xa cách đó đã làm tình cảm hai đứa nhạt nhòa. Đăng luôn mệt mỏi khi nói chuyện cùng Xuân, anh yêu ai là hết lòng hết dạ, nhưng ở cô anh vẫn thấy sự nửa vời, lúc thiết tha lúc thờ ơ lãnh đạm. Còn đâu Xuân của anh ngày xưa, đôi mắt ươn ướt, hai núm đồng tiền nũng nịu. Tuần bảy buổi hết sáu buổi rưỡi, tối nào anh cũng có mặt ở ngôi nhà phủ giàn đậu biếc tím ngắt. Anh muốn chứng tỏ với bọn con trai trong làng là hoa đã có chủ, đừng đứa nào mon men lại gần. Tình yêu của anh dành cho Xuân, luôn ngột ngạt vì ghen tuông và sở hữu. “Đó là thằng nào? Hôm nay anh thấy nó lẽo đẽo theo em.” “Thôi mà anh, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Miễn trong tim em chỉ có riêng hình bóng anh. Được chưa?” Xuân nhoẻn cười, dụi đầu vào ngực áo anh. Mùi cỏ mần trầu thơm mát tỏa ra từ mái tóc suôn mềm, khiến Đăng như thoát khỏi trăm mối tơ vò. Mẹ anh chưa bao giờ thích Xuân. Bà thường ca thán: Thứ con gái mặt đỏ hây hây, mắt miệng đưa đẩy với đàn ông là đồ bỏ, con yêu nó sẽ khổ thôi con ơi!

Nhưng tình yêu, luôn có lối đi riêng của nó.

Mấy hôm nay bà linh tính điều gì đó chẳng lành. Gọi điện Đăng toàn tắt máy, nếu nhận cuộc gọi cũng dừng chế độ camera, âm giọng yếu ớt, mệt mỏi. Bà mếu máo dặn con: “Mẹ nghe tình hình dịch dã bên đấy lộn xộn lắm. Nếu nguy hiểm quá thì con về. Dù nghèo khó nhưng có mẹ có con, có anh em họ hàng. Nhà nước vẫn tạo điều kiện đón các con. Số tiền trước đây con gửi, mẹ vẫn giữ, nếu thiếu, để mẹ gửi lại sang.” Đăng chỉ biết dạ, vâng, cho mẹ yên lòng. Em gái Long cũng mấy lần nhắn tin vào điện thoại của Long hỏi thăm. Đăng coi như không có chuyện gì, vẫn thay Long nhắn lại động viên em vững tâm chăm sóc mẹ.

Cố thở thật sâu, anh gắng gượng lần ra bếp. Lục tủ còn gạo nếp, đậu xanh, anh bắc nồi cháo. Anh muốn ép mình ăn chút gì, hay uống vài thứ nước tự xay anh đọc được trong nhóm cộng đồng xa xứ. Đó là cách họ chia sẻ để tiêu diệt con virus và tăng đề kháng. Nhưng, miệng anh đắng nghét, cố nuốt mà cổ họng đau cứng chẳng chịu trôi. Hình bóng Long thiêm thiếp, xanh lét, cứ trở đi trở lại ám ảnh. Mấy người bạn thợ xây sốt sắng hỏi: Mày bị corona à, có sao không, có cần tiếp tế gì không? Anh biết, họ lo cho anh nhưng ở xa quá, đứa nào cũng cả trăm cây số. Lấy icon ngón tay anh uể oải trả lời: Anh ổn!

*

Ngoài kia, đường phố hun hút không một bóng người, từng lớp tuyết chồng đống lên nhau trắng xóa. Mỗi năm, dịch cúm mùa ở Đức đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Giờ đây, mọi người ẩn náu như những con sâu đóng kén, tự che chở chính mình. Học tập và làm việc online đã trở thành bắt buộc. Một cuộc sống đảo lộn, bất bình thường. Trong căn hộ có lò sưởi, có chăn ấm nệm êm, mà sao Đăng thấy cô đơn lạnh lẽo lạ thường. Nơi này sắp không thuộc về anh. Ai sẽ chấp nhận cưu mang anh em anh, hay lại phải lang thang phiêu bạt màn trời chiếu đất giữa mùa đông giá lạnh?

Đăng vẫn nhớ như in những ngày bọn anh sinh hoạt và làm việc dưới cái lạnh âm 7 độ ở căn nhà không lò sưởi, không nước nóng mạn Dortmund. Công việc cậy nền, bóc tường, sửa chữa khá vất vả. Chân tay, mặt mũi cả ngày phơi lạnh tê cứng như đá. Đêm, nằm trong nhà như ngoài trời, mặc cả đống quần áo lồng hai cái chăn vẫn rét, răng lợi đánh vào nhau lập cập. Không ngủ được thằng Vinh dậy đốt thuốc, tàn thuốc như vệt sáng vẽ vào đêm đen khiến Đăng tỉnh. Nó than vãn, giá ngày xưa theo cho xong cái bằng tiếng Đức B1, đủ điều kiện sang đây học nghề thì đâu phải chịu cảnh chui lủi thế này. Có bận trốn cảnh sát, ngồi thu lu trong ống khói đến khuya, rõ nhục. Năm thằng làm việc như nhau mà hai anh em không giấy tờ lương thấp hẳn, tính ra chẳng hơn ở nhà là mấy. Nó rót cho anh cốc rượu rum, lạnh ngắt. Uống đi anh, uống để ru mình vào giấc ngủ, để quên đi tất cả, đời có lúc ngu thế đấy... nghĩ mà cực. Đăng ngao ngán, nâng cốc lên uống cạn, từng giọt rượu thấm vào gan ruột, chát đắng. Thời gian miết rồi quen, nhưng buồn, nỗi buồn của người tha hương sao mà thấm, nó xói vào lòng quay quắt. Hôm nào phải nghỉ chờ vật liệu, nằm ngồi xung quanh đống gạch vữa ngổn ngang, nhìn ngày chậm trôi, thấy đời lãng nhách. Giấu nhẹm, chẳng dám kể với ai về công việc của mình, hay ho lắm mà kể, cứ để người ta ảo tưởng đi. Kệ đời...

*

Đêm nghiêng nghiêng như chiếc lưới mỏng phủ dần từng ô cửa. Đèn đường phụt tắt, để lại cả khoảng không lờ nhờ. Bóng tối đặc quánh nuốt chửng lấy Đăng, vẫn bất động giống một pho tượng bên khung cửa sổ. Như vậy sẽ tốt hơn, anh không muốn ánh sáng làm lộ ra khuôn mặt bợt bạt, thiếu sức sống. Cốc nước trên bàn đóng váng, mấy vỉ thuốc cúm, thuốc hạ sốt đang uống, vứt chỏng chơ. Đăng cố căng mắt nhìn lên mỏm trời lọt thỏm. Không có vì sao nào đồng hành cùng anh đêm nay. Lại một đêm thức trắng với bao suy tư lo lắng. Anh đã nghĩ, mình rời bỏ quê hương để đi đến nơi chân trời mới, nhưng ngờ đâu giậm chân mắc kẹt giữa những chông chênh. Cuộc đời là bài toán khó, càng gỡ càng rối vì sai mệnh đề. Đăng gục xuống, mê man...

“Virus đã phá nát phổi của cậu ấy. Người ta cố gắng hết sức nhưng cậu ấy cứ lịm đi, chẳng bao giờ tỉnh...”

Tin nhắn sét đánh vụt tới khi buổi sáng vẫn ẩn mình trong lớp sương quyện đặc. Đăng chồm lên, tay nắm chặt, muốn vớ vật gì đó đập tan tành. Chân anh lảo đảo, hai vai thõng xuống. Anh đứng đó, để mặc từng cơn nức nở ùa về. Long mất rồi... Long đi rồi... không lời tạm biệt, không bóng người thân... chỉ trơ trọi một mình, cô đơn và tức tưởi... Bỏ lại anh bơ vơ giữa nơi đầy trắc trở. Anh còn ai nữa đâu, tương lai anh là gì khi rời khỏi căn hộ này?

Đăng khuỵu gối, tay bám chặt vào thành giường. Tiếng khóc của người đàn ông to xác cứ ồ ồ như tiếng một đứa trẻ bất lực. Còn Xuân, phải rồi, anh còn cô ấy. Giận dỗi cũng chỉ là gia vị hâm nóng tình yêu. Tinh thần anh sắp gục mất rồi, anh cần chỗ dựa, cần người chia sẻ, chắc chắn cô ấy sẽ giúp anh. Lấy vội điện thoại anh gọi camera ngay cho Xuân. Tín hiệu rung rất lâu, Đăng đau khổ chờ đợi. Xuân mắt nhắm, mắt mở ló ra trong chăn, vẫn giọng nhấm nhẳng, gắt gỏng: “Việc gì mà sớm thế?” Thoáng phía sau, có cái đầu chúi thấp. Hai mắt Đăng tối sầm, anh tắt phụt điện thoại, tay đấm thẳng xuống mặt bàn, hét lớn: “Đồ đàn bà bỉ ổi.”

Đau điếng, thất vọng... tràn trề. Chưa kịp định thần, chuông cửa lại dồn dập vang lên. Ai... ai cần gì anh vậy?

Đăng run run xoa mặt cho qua cơn xúc động lẫn giận dữ, vẫn đang vằn lên tím đỏ. Lấy khẩu trang đeo vội, anh chậm chạp bước ra mở cửa. Bỗng, anh sững sờ. Trước mặt anh, một toán cảnh sát nai nịt gọn gàng. Anh nghe láng máng, họ nhận tin báo từ bệnh viện, có bệnh nhân không giấy tờ ở địa chỉ này nên họ đến điều tra. Chân tay Đăng bủn rủn, cố bình tĩnh ngửa mặt lên, hít thật sâu. Anh lẳng lặng gật đầu hợp tác. Vậy là hết, anh chẳng còn gì để mất nữa, chẳng còn gì...

*

Hơn một năm sau.

Dưới thung lũng đèo Gió, những vạt cỏ nõn nà mơn mởn dưới chân Đăng, tiếng đàn bò nhà ai đang roàm roạp gặm cỏ. Hai tay Đăng cẩn thận nâng niu chiếc bình sứ trắng muốt, giọng anh thì thầm: Long ơi, anh đã đưa em về với đèo Gió. Em có nghe thấy không, những hạt mầm đang nhú, mùi của đất hòa cùng nắng mới thơm tho vô cùng. Anh xin lỗi em, anh sai rồi... Anh hứa sẽ thay em thực hiện ước nguyện của đời mình.

Đăng giơ chiếc bình sứ lên cao. Một làn khói trắng mỏng manh cuộn lên, từ từ lan ra, bay vào vùng cỏ ngọt...

Thủ tướng dự lễ gắn Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Thủ tướng dự lễ gắn Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Baovannghe.vn - Dự Hội nghị G20 và hoạt động song phương tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành đặt Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác

Baovannghe.vn - Sáng 18/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc

Baovannghe.vn - Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) tổ chức lễ mắt ấn bản tiếng Trung" Vắt qua những ngàn mây" và "Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời".
Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Cứ cuống quýt xanh lên/ Vạm vỡ đất cằn
Quan Hóa đến rồi nhớ mãi

Quan Hóa đến rồi nhớ mãi

Baovannghe.vn - Quan Hóa là bức tranh làm say đắm lòng người. Ngay từ phút đặt chân tới, tôi đã ngỡ ngàng về một miền đất hùng vĩ. Rừng xanh trải dài ngút tận.