Sáng tác

Đêm đàn bầu. Tản văn của Lê Trung Lương

Lê Trung Lương
Tản văn
10:00 | 01/09/2024
Baovannghe.vn - Hồi xưa, ba tôi rất thích nghe các chương trình được phát qua máy thu thanh. Ông chỉ có duy nhất chiếc máy cũ được đặt cho một cái tên...
aa

Chuyện nông dân gắn liền với máy thu thanh là một điều hết sức tự nhiên bởi vừa nghe dự báo thời tiết để chuẩn bị mùa màng vừa thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác làm giải trí những lúc rảnh rỗi.

Có bữa, ba tôi ôm luôn cái cái radio này ra rẫy để vừa làm vừa nghe sân khấu truyền thanh. Cách này chủ yếu là tạo cảm hứng tinh thần cho cả nhà để quên đi mệt nhọc. Ngày ấy, ti vi còn là một thứ xa xỉ đối với gia đình tôi lắm nên tất cả thông tin đều qua cái máy thu thanh này. Ngoài nội dung chính là thời sự trong nước và quốc tế thì nhà đài cũng cố gắng đem đến cho bà con nhiều chương trình để thưởng thức như kịch nói, cải lương, ca nhạc, tiếng thơ, câu chuyện cảnh giác, chương trình thiếu nhi và nhiều mục khác nữa. Ba tôi thích nghe đọc truyện đêm khuya.

Đọc truyện đêm khuya là một chương trình đa dạng nội dung bởi các nhà văn viết rất phong phú: khi thì nói về quê hương đất nước, lúc lại kể về người lính đầu súng trăng treo, một dạo mô tả chốn phồn hoa đô hội, có cả ca ngợi thôn quê yên bình, và tất nhiên, không thể thiếu tình yêu đôi lứa. Ba tôi hay nói như vậy trong bữa cơm tối bên cái chái cạnh ao bông súng mỗi khi má thắc mắc sao ông cứ mãi thích nghe đọc truyện. Mà thật ra thì ba tôi nghe hết các chương trình chứ không riêng gì đọc truyện đêm khuya. Hồi đó, tôi cũng không chú ý đến chuyên mục này lắm, chỉ thích nghe nhạc, mà nhạc ngoại quốc thì mới ưng mặc dù chẳng hiểu gì cả.

Đêm đàn bầu. Tản văn của Lê Trung Lương
Ngân vang tiếng đàn bầu

Có câu mưa dầm thấm lâu. Ba nghe đọc truyện thường xuyên đến nỗi đâm lây sang tôi hồi nào không hay. Số là đứa nhỏ nhất trong nhà nên tôi cũng hay đến nằm với ông. Vậy là cũng được thưởng thức văn học mặc dù không câu chuyện nào nghe hết từ đầu tới cuối. Mà ở lứa tuổi nhỏ thì nếu có nghe hết cũng chưa chắc gì đã hiểu nội dung. Duy có một điều gây chú ý nhiều đối với tôi là những bài viết về quê hương; đặc biệt, có một số truyện được đọc bằng chất giọng trầm ấm của cô phát thanh viên trên nền nhạc là tiếng đàn bầu tạo cảm giác vừa buồn buồn, vừa êm êm trong đêm vắng làm xốn xang lòng người. Lúc đó, tôi thường ngủ quên luôn và coi như được một đêm ấm cúng cùng ba má. Rồi cũng bởi được chiếu cố như vậy mà đâm ra nhớ nhiều lắm.

Tính ra, kể về quê hương mà chọn tiếng đàn bầu làm nhạc nền thì quả khó có gì sánh được. Tìm một chút về thơ ca thì thấy thi sỹ Lữ Giang đã từng nói “…tiếng đàn bầu… cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha…”. Trong cái âm hưởng dịu êm và buồn da diết ấy phảng phất hình bóng của hai đấng sinh thành - những bậc tôn kính mang dáng dấp nơi chôn nhau cắt rún bởi người ta hay nói nhớ nhà là nhớ cha, nhớ mẹ - ở đâu đó. Rồi mỗi câu, mỗi chữ phát ra từ giọng đọc ngọt ngào của cô phát thanh viên dường như đã lột tả được tất cả tình yêu đối với quê hương đất nước mà các tác giả muốn khắc hoạ và chuyển tải một cách sâu lắng nhất vào lòng người nghe. Đây thật là một giá trị nhân văn rất lớn.

Là âm thanh truyền cảm, tiếng đàn bầu đơn giản cũng giống chính thiết kế của cây đàn này. Cọng dây duy nhất đã làm nên những nốt cao thấp dìu dặt, quyến dụ hồn người. Sinh thời, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…”, một kiểu dùng chữ rất hay mà tôi vẫn tâm đắc. Phải chăng thi sỹ đã thi ca hoá, mường tượng hoá để mô tả dải đất hình chữ S đông tắm biển, tây ấp núi chạy dài tạo nên một dáng hình thanh thoát như cô gái. Một cô gái có bản tính trầm lắng. Trầm lắng, cô đọng và đặc quánh như tiếng đàn bầu rớt xuống từng nốt, từng nốt. Không! Không phải từng nốt mà là từng giọt chầm chậm, mơn trớn xâm chiếm tâm hồn từ từ. Hồn người và cả hồn nước.

Thú thật, hồi còn nhỏ, tôi chưa thấm thía được ý nghĩa câu thơ của thi sỹ Lữ Giang. Nhưng đến khi lớn lên rồi mới thấy cách ví von đó rất hay - một kiểu lấy vật để nói người - trong đó, hình ảnh gắn kết giữa âm thanh chân chất của một nhạc cụ dân tộc với hình bóng con người là một nét đặc sắc. Mà vật lại mang hồn dân tộc, hồn nước rất đậm sâu. Hồn nước trong tiếng đàn bầu không mang tính tranh đấu mạnh mẽ như: “…cờ in máu chiến thắng mang hồn nước …” của Văn Cao mà nó là tất cả những gì thiết tha nhất, sâu đậm nhất và cô đọng nhất. Cô đọng đến mức tạo thành “giọt” như Tạ Hữu Yên nói thì quả là đang ở tầm mức cao nhất của tình yêu nước. Sự đậm đà này được chuyển tải bằng tiếng đàn bầu thì càng thêm sâu lắng tột cùng.

Lớn lên, xa nhà, tôi không còn được nghe đọc truyện đêm khuya nữa. Tuy vậy để nhắc nhớ tôi đặt cho những đêm xưa cái tên đơn giản là “đêm đàn bầu”. Một bóng đêm mịt mờ, một cơn gió xạc xào bờ tre, một giọng đọc truyền cảm cùng tiếng đàn bầu khi trầm khi bổng làm nền khiến bất cứ ai cũng khó cưỡng niềm nhung nhớ trong lòng về quê hương, về gia đình và về tất cả những gì được gọi là máu thịt.

Cành sen, áo dài và đàn bầu là những hình ảnh đại diện cho dân tộc. Đêm đàn bầu của tôi không chỉ là đêm an ổn giấc nồng của tình mẫu tử mà còn là những say sưa với hồn quê, hồn đất nước và hồn dân tộc không thể nào quên.

Lê Trung Lương | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhớ ba - Tản văn Nhật Lượng Nỗi nhớ... tản văn của Trần Quỳnh Nga Hành trình hi vọng - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền Qua cửa sổ con tàu. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Hà Nội và tôi - tản văn của Trần Thị Tuệ Anh
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".