Có lẽ, nhiều người lần đầu ra rạp thưởng thức Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, sẽ bối rối trong khoảng 1/3 thời gian đầu bộ phim. Những cảnh trung, mờ tối và ít thoại; con người xuất hiện với những hành động chủ yếu đang di chuyển: lom khom, tụt xuống, dò dẫm, vươn mình lên trong những đường hầm được thiết kế một cách khoa học và phức tạp với những ngả thông ra sông, lên mặt đất của địa đạo Củ Chi. Cảm giác bối rối dần mờ đi sau đó, khi diễn biến phim nhanh hơn, khuôn hình trở nên rộng và nhiều ánh sáng hơn; những cuộc hội thoại bắt đầu chuyên chở câu chuyện mà nhà làm phim muốn kể: một tập thể gồm hai mươi mốt người dân, chiến sĩ Bình An Đông đang sống và chiến đấu dưới địa đạo. Họ có một nhiệm vụ duy nhất, giữ vững vị trí, đảm bảo an toàn cho một nhóm thông tin tình báo chiến lược của ta diễn ra thành công, dù cho trên đầu là những hiểm nguy rình rập khi hàng đàn trực thăng ném bom vào rừng cháy, những chiếc tàu tuần tra trên sông trong trận càn Cedar Falls.
Công chúng điện ảnh rồi sẽ nhắc đến hơn 30 phút đầu tiên của Địa đạo: Mặt trời trong lòng đất là những thước phim mang tính điện ảnh nhất của Bùi Thạc Chuyên. Sự ngột ngạt, bí bách mà nó mang lại; những bóng tối lờ mờ, sự ẩm thấp mà nó gợi đến tạo nên hiệu ứng điện ảnh đặc biệt, dù khiến khán giả khó hoà nhập khi lần đầu thưởng thức nhưng đã kịp cài cắm vào tâm lý người xem về một hình dung vừa cụ thể vừa khó nắm bắt, và đầy bí ẩn về một trong những công trình chiến hiếm có. Địa đạo Củ Chi trở thành một “nhân vật” của bộ phim, và Bùi Thạc Chuyên đã biến nó trở nên độc đáo nhất có thể thông qua nhãn quan điện ảnh của mình. Chính sự bối rối của phần đông khán giả khi thưởng thức phần đầu bộ phim cũng cho thấy địa đạo thực sự là một công trình được thế kế thông minh, khoa học và độc đáo, phức tạp bậc nhất trong lối chiến tranh du kích của Việt Nam. Mọi đường hầm thông nhau, tạo nên những lối đi, khu chính, khu bếp núc, khu nghỉ ngơi… mở ra một đời sống và tinh thần chiến đấu của những người dân, chiến sĩ Bình An Đông.
Nếu làm phim về địa đạo Củ Chi mà không mang đến được một hình dung về căn cứ dưới lòng đất, nơi trải dài cả một vùng khoảng 250km sẽ là một thất bại. Bùi Thạc Chuyên hiểu rõ trọng điểm này. Có một cảm giác chân thực trong mỗi cảnh phim, miêu tả không chỉ kiến trúc mà còn là một đời sống dưới địa đạo. Không dễ để khán giả có thể “bước” vào địa đạo nhưng điều đó cho thấy 21 con người, những chiến sĩ sống trong lòng đất với những sinh hoạt bình thường, giữ vững ý chí lại càng trở nên nổi bật.
Ở đây, góc máy của nhà làm phim mang hơi hướng tài liệu, lột tả thay vì cố gắng kể, càng khiến cho những trường đoạn đầu tiên trở nên chân thực, - một cách tiếp cận không thường xuyên thấy trong kỹ thuật điện ảnh ngày nay. Đó cũng là một thành công của Bùi Thạc Chuyên, khi tiếp cận và phục dựng lại một công trình độc đáo bậc nhất trong chiến lược quân sự trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của ta.
Khi đã thưởng thức bộ phim, nhìn lại tên tác phẩm, khán giả mới thấy rõ hơn nội dung và ý đồ của nhà làm phim. Tác phẩm bắt đầu bằng “Địa đạo” và nối tiếp với “Mặt trời trong bóng tối”. Ở khoảng 2/3 thời lượng của phim sau đó, khán giả thấy (và hoà nhập) nhiều hơn vào những hình ảnh sống động trên màn ảnh rộng, khi nhịp phim trở nên nhanh và cũng có nhiều đối thoại hơn. Người xem cảm nhận được phần nào câu chuyện và lý do 21 người dân, chiến sĩ sống trong khu địa đạo.
Không xây dựng một hình tượng nhân vật anh hùng trung tâm, nhà làm phim dàn trải để kể câu chuyện của những chiến sĩ với những nét tính cách khác nhau. Đó là Bảy Theo (Thái Hoà đóng), người đứng đầu trong khu căn cứ, rất dân dã, người thủ lĩnh gần gũi. Đó là Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn cả, mạnh mẽ nhưng cũng có những khoảng yếu đuối riêng trong tâm hồn. Đó là tài năng trong việc chế tạo vũ khí của Tư Đạp (Quang Tuấn đóng). Đó còn là Hai Thưng (Hoàng Minh Triết đóng) với nhiệm vụ truyền tin, tình báo; hay chú Sáu (Cao Minh) xuất hiện như một nguồn cảm hứng cho tất cả những chiến sĩ đang “ẩn mình” trong lòng địa đạo, giữ vững tinh thần chiến đấu.
Bộ phim tập trung khắc hoạ những hình ảnh đời thường trong chiến đấu, với những bữa ăn, những đêm văn nghệ, những đoàn chiếu phim lưu động đến với địa đạo. Những sinh hoạt thường nhật hiện lên một cách dung dị và ấm áp. Một tiếng ca, tiếng hò vang lên trong đêm, giữa khu rừng bị cháy do máy bay địch ném bom hay tiếng cười vui khi đoàn chiếu phim lưu động đến cho thấy một hình ảnh vừa gần gũi vừa hào sảng, rằng chỉ có những ai yêu hoà bình mới cất lên những vui sướng bình thường giữa mưa bom bão đạn như vậy.
Thủ pháp đối lập giữa sáng - tối, trên mặt đất - dưới địa đạo, tiếng cười và lòng căm thù cũng được khắc hoạ tinh tế trong phim, theo diễn tiến tăng dần. Không tập trung vào những đại cảnh hoành tráng; hay sự phô diễn của những màn đối kháng, bộ phim chảy theo một hướng khác biệt. Sự tối giản hoá các yếu tố này có thể đến từ một phần kinh phí, sự khó khăn trong khâu sản xuất nhưng ở mặt khác, nó lại cho thấy một nhãn quan về phim chiến tranh của nhà làm phim. Tất nhiên, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối vẫn có những thước phim “mưa bom bão đạn”, với hình ảnh những đàn máy bay bố ráp trên trời, những chiếc xe tăng lùng soát trên mặt đất hay những thuyền phà nổ súng trên sông. Sự phi thường ở đây, không nằm ở sự hoành tráng, kỹ xảo mà nằm ở khả năng tạo nên những hiệu ứng và cảm giác cho người xem, dù đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn hạn chế.
Nhiệm vụ của những chiến sĩ dưới lòng địa đạo thể hiện rõ lối chiến đấu du kích và chiến tranh nhân dân, như lời nhân vật chú Sáu có nói trong một phân cảnh đầy bi tráng lúc bị thương và bị giặc bắt trong phim. Càng về cuối bộ phim, sự căng thẳng càng leo thang hơn khi địch bắt đầu tìm cách bước vào địa đạo, bơm nước vào từ ngả sông và chui xuống từ mặt đất. Cũng ở đó, những trường đoạn chiến đấu cuối cùng đầy căng thẳng diễn ra. Mất mát là không thể tránh nhưng qua đó, chất hùng ca mà dân dã bình dị của người dân miền Nam trong chiến đấu lại càng nổi bật hơn. Bảy Theo, với tính cách hào sảng và dân dã, đã ngã xuống do đạn của địch. Hay Ba Hương đã nhanh nhạy và tài trí trong chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
![]() |
Hình ảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. |
Một trong những hình ảnh xúc động, và có lẽ cũng nhân văn của bộ phim nằm ở chi tiết tên lính Mỹ bị hạ gục trong địa đạo được gắn lên bè chuối thả trên sông, với đám khói làm dấu hiệu. Đó là một hình ảnh cho thấy điểm nhìn yêu hoà bình của người Việt Nam.
Bộ phim có một kết thúc mở, khi nhân vật Ba Hương và Tư Đạp rời địa đạo, đang theo ngả sông để lên mặt đất. Đó là một cái kết đẹp, cho thấy cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục, và những chiến sĩ cách mạng còn tiếp tục đấu tranh cho đến khi dành chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Bộ phim mang đến cho người xem, đặc biệt là những người chưa từng trải qua chiến tranh, một cảm giác khác thường. Sự ngột ngạt, sự phi nhân của chiến tranh nhưng cũng đồng thời cho thấy tinh thần quật cường, niềm tin vào công lý và hoà bình, ước mong thống nhất đất nước của người Việt.
Tất nhiên, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối phiên bản chiếu rạp vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhưng sự chân thực, và hướng tiếp cận nhân văn đã tạo nên một trong những thước phim chiến tranh độc đáo, có bản sắc, nối tiếp dòng phim điện ảnh cách mạng từ trước đến nay của Việt Nam.