Sáng tác

Dịu. Truyện ngắn của Phố Hoa

Phố Hoa
Truyện
07:00 | 01/11/2024
Baovannghe.vn- Làng Mai của Dịu nằm ven con sông Đáy quanh năm nước chảy hiền hòa, trong văn vắt, nhìn sâu thấy cả đáy. Có lẽ bởi vậy mà dòng sông có tên là Đáy chăng? Ấy là Dịu cứ đoán mò thế. Ngày trước, mỗi lần đi chăn trâu cắt cỏ hay đi kiếm rác về để đun nấu, khát nước, Dịu xắn quần lội ra giữa dòng sông, ngả nón ra, ấn nhẹ xuống mặt nước.
aa

Mười lăm tuổi, Dịu đang ở độ tuổi trăng rằm đẹp nhất của người con gái trong thời kì trổ mã, dậy thì. Mái tóc đen mượt dài tới ngang lưng. Đôi gò má phơn phớt lông tơ ửng hồng. Làn da bánh mật của thiếu nữ nông thôn khỏe mạnh. Đôi mắt sáng thông minh, ươn ướt. Dáng người thắt đáy lưng ong như cái đon mạ chuẩn bị mang đi cấy. Trông Dịu phổng phao hơn hẳn chúng bạn cùng trang lứa.

Dịu. Truyện ngắn của Phố Hoa
Minh họa Lê Trí Dũng

Dịu học năm cuối cấp hai trường làng. Cô thích đi học lắm, nhất là môn sinh học và những môn liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Đợt dồn điền đổi thửa vừa rồi, nhà cô may mắn được đổi ruộng đồng xa về một thửa đất bãi. Làng Mai của Dịu nằm ven con sông Đáy quanh năm nước chảy hiền hòa, trong văn vắt, nhìn sâu thấy cả đáy. Có lẽ bởi vậy mà dòng sông có tên là Đáy chăng? Ấy là Dịu cứ đoán mò thế. Ngày trước, mỗi lần đi chăn trâu cắt cỏ hay đi kiếm rác về để đun nấu, khát nước, Dịu xắn quần lội ra giữa dòng sông, ngả nón ra, ấn nhẹ xuống mặt nước. Nước được lọc từ từ qua mấy lớp lá nón và mo nang tre là Dịu có ngay nước để uống cho đỡ khát. Nhưng kể từ ngày huyện trải thảm đỏ mời các nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp về lập đại bản doanh phía trên thượng nguồn, sông Đáy quê Dịu bị ô nhiễm nặng. Cá chết trắng sông. Sông Đáy đổi màu đen ngòm và trở thành dòng sông chết như sông Tô Lịch, sông Nhuệ và nhiều dòng sông khác. Nhưng thật may là bãi đất bồi từ phù sa sông Đáy bao đời nay thì vẫn còn tốt lắm.

Bố Dịu là thợ xây, đi ăn cơm thiên hạ quanh năm suốt tháng, thi thoảng mới đảo về nhà đưa cho mẹ ít tiền nuôi chị em cô. Mẹ Dịu sau cái đận vỡ kế hoạch, đẻ cố thêm thằng Út, vì không kiêng cữ được nên bị hậu sản, đau ốm liên miên. Tháng nào mẹ cũng phải đi đò vượt sông sang bên Lở cắt thuốc bắc của ông lang Hanh. Trong nhà Dịu lúc nào cũng phảng phất mùi thơm của thuốc bắc.

Ruộng vườn dồn vào một thửa cũng tiện cho việc trồng cấy. Việc nông nặng nhọc nhưng mẹ chỉ quanh quẩn làm những việc vặt trong nhà, nhổ cỏ, hái tỉa rau mang ra chợ ngay đầu dốc đê để bán. Còn những việc nặng, Dịu vẫn là lao động chính. Vì hàng ngày vẫn phải đi học nên cô bé chỉ trồng được ít rau và mấy cây giống ngắn ngày, mau cho thu hoạch để có cái ăn và bán kiếm thêm vài đồng phụ mẹ.

Buổi sáng, Dịu học chính khóa ở trường. Chiều, các bạn đi học tăng cường, học thêm để luyện thi thì Dịu phải xin cô chủ nhiệm cho nghỉ ở nhà tự học và làm vườn giúp mẹ. Thay vì học trong sách vở, Dịu học trực tiếp trên cây, trên rau trong vườn. Dịu vẫn nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành kĩ sư nông nghiệp, phát triển các giống cây mới, năng suất cao, chất lượng tốt trên chính mảnh vườn của mình.

Hôm ấy, khi đang trong lớp học ôn để chuẩn bị thi tốt nghiệp thì cô chủ nhiệm gọi Dịu ra ngoài. Giọng cô run run:

- Dịu ơi! Em phải thật bình tĩnh nhé!

Dịu ngạc nhiên, lo lắng:

- Dạ! Có chuyện gì hả cô?

- Bố em bị ngã giàn giáo, đang cấp cứu trong bệnh viện.

Dịu thấy trời đất tối sầm, bủn rủn hết chân tay. Cô chủ nhiệm vội giữ chặt lấy em:

- Dịu ơi! Bình tĩnh! Có các bác sĩ rồi. Bố em sẽ ổn thôi.

Ngồi sụp xuống bậc cửa, phải mất một hồi lâu, Dịu mới trấn tĩnh lại và xin cô nghỉ học đi thăm bố. Con đường đến bệnh viện huyện sao mà dài thế. Dịu đạp xe trong vô thức, nước mắt ướt nhòa.

Bố đang được các bác sĩ cấp cứu. Mẹ ngồi thất thần ngoài cửa phòng chờ. Dáng mẹ vốn đã gầy nhỏ, xanh mướt, ốm yếu, giờ như còng hẳn xuống. Dịu nắm chặt tay mẹ.

- Ai là người nhà của bệnh nhân Phạm Văn Bắc?

Tiếng cô y tá làm hai mẹ con giật bắn mình đứng bật dậy:

- Dạ, là tôi ạ.

- Anh Bắc bị đa chấn thương, nứt hộp sọ, cột sống bị gãy, lún, dập tủy. Tiên lượng xấu. Nếu cứu được thì cũng bị di chứng rất nặng nề. Có thể sẽ bị liệt cả hai chân. Chi phí điều trị rất lớn và phải chữa lâu dài. Gia đình đi làm thủ tục và đóng tiền viện phí.

Hai mẹ con líu ríu đi theo cô y tá. Nghe thông báo tiền viện phí mà hai mẹ con thấy hoa cả mắt. Tạm nộp cũng đã cả chục triệu. Biết lấy đâu ra tiền bây giờ? Bất giác, mẹ lần tay vào túi áo cánh bạc màu. Cả thảy trong người mẹ giờ chỉ có sáu mươi ngàn tiền bán hai chục mớ rau buổi sớm...

Cứu người như cứu hỏa. Không thể không có tiền. Không thể chậm trễ hơn. Bố là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho mẹ con Dịu nương náu.

Trong lúc ruột gan rối bời, mắt mẹ chợt sáng lên, bảo:

- Đến nhà bà Năm Hán. Phải đến vay tiền nhà bà Năm Hán con ạ.

Rồi giọng mẹ chùng xuống:

- Nhưng lãi suất cao lắm, không biết đến bao giờ mới trả được.

Dịu sựng người:

- Cũng không còn cách nào khác nữa mẹ ơi! Phải cứu bố bằng mọi giá!

Hai mẹ con vội vã đạp xe vào làng, tìm đến nhà bà Năm. Cái cổng sắt đen sì, nặng nề chốt chặt bên trong. Tường rào xây cao, giăng đầy dây thép gai. Nhà bà chẳng khác nào cái lô cốt chình ình giữa làng. Bà chuyên cho vay nặng lãi với cái giá cắt cổ nên giàu nứt đố đổ vách. Dân làng cùng đường bất đắc dĩ mới phải gõ cửa nhà bà.

Rụt rè đưa tay lên bấm chuông. Mấy con chó bẹc giê xồ lên sủa ông ổng. Hai mẹ con rúm lại vì sợ hãi. Giọng bà Hán the thé, vóng vót hỏi ra:

- Đứa nào hỏi gì thế?

- Dạ, nhà cháu ạ!

- Nhà cháu là nhà nào?

- Dạ, nhà vợ Bắc thợ xây ở ngoài bãi ạ.

- Thế có việc gì? Lại đến vay tiền phỏng?

- Dạ vâng. Nhà cháu đi xây bị ngã giàn giáo, đang cấp cứu ở viện mà không có tiền nộp viện phí. Mẹ con cháu đến xin bà dón tay làm phúc giúp cho ạ...

- Nhà mày thì có gì thế chấp đâu mà đòi vay?

Bà Hán dài giọng mai mỉa. Mẹ Dịu chợt thừ người ra. Ừ nhỉ! Trong nhà chẳng có cái gì đáng giá ngoài cái giường gỗ cũ kĩ, ọp ẹp những mối với mọt và cái ti vi Nhật nội địa hàng bãi mà chủ nhà cho bố trong một dịp đi xây trên phố. Tín hiệu phập phù, được tiếng mất hình, có hình lại tịnh không nghe thấy tiếng.

Thấy mẹ Dịu bần thần, bà Hán hạ giọng:

- Thôi, mẹ con mày cứ vào đây hẵng hay.

Hai mẹ con mừng quýnh, líu ríu dắt nhau vào. Đàn chó bẹc giê bị xích rồi mà vẫn cứ cố nhào ra như muốn cắn xé khách đến nhà. Bà Năm Hán đưa tay quẹt nước cốt trầu đỏ lòm hai bên mép rồi thủng thẵng:

- Tao thấy nhà mày có mấy sào ruộng đất bãi cũng màu mỡ. Viết giấy cầm cố đi. Rồi tao cho vay tiền mà đi cứu thằng bố nó cho kịp.

Cũng chẳng còn cách nào khác nữa rồi. Phải cứu bố con Dịu trước đã. Mẹ Dịu run run, nguệch ngoạc viết giấy thế chấp đất vay tiền. Sau mấy năm mà không trả được cả gốc lẫn lãi là coi như ruộng vườn ấy về tay bà Năm Hán với cái giá rẻ mạt.

Gói ghém cẩn thận cục tiền vào trong cái khăn mùi xoa cũ kĩ, hai mẹ con chào bà ra về. Ra đến cổng, chợt bà Hán gọi giật giọng:

- Nhà vợ Bắc, quay lại tao bảo!

Hai mẹ con giật mình, ôm chặt bọc tiền, sợ bà Hán đổi ý, đòi lại.

Bà nhìn Dịu từ đầu đến chân, gật gù:

- Tao thấy con bé này khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa. Mày có muốn đi làm, kiếm tiền giúp bố mẹ mày không? Tao có cô em bán phở trên Hà Nội, đông khách lắm, đang cần người giúp việc. Nếu mày muốn thì để tao giới thiệu cho.

Dịu lí nhí:

- Cháu còn đang đi học ạ.

- Đến nước này rồi còn học hành gì nữa.

Bà Hán bĩu môi, nguýt dài đến sái cả quai hàm. Cặp môi bầm đỏ màu bã trầu nứt nẻ dẩu ra như hai con đỉa trâu.

Kệ. Hai mẹ con chẳng kịp nghĩ, đi như chạy ra khỏi nhà bà Hán. Guồng chân đạp xe hối hả đến viện. Chỉ muốn mọc thêm cánh để bay đến viện cho nhanh…

Tạ ơn giời Phật, bố cũng qua được cơn nguy kịch. Nằm viện mất mấy tháng trời mới được về nhà. Nhưng lại bị liệt cả hai chân, phải nằm một chỗ. Số tiền cầm cố ruộng vườn hết sạch sành sanh. Tiền thuốc men để bố phục hồi cũng không có nên bố cứ nằm đấy cầm cự. Kinh tế gia đình không biết bấu víu vào đâu ngoài cái vườn rau lơ thơ, rau ít hơn cỏ dại.

Dịu chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp hai. Một đàn em nheo nhóc sau lưng Dịu, đứa nào cũng cần mặc, cần ăn và học hành. Hôm qua, cô chủ nhiệm thông báo thu tiền học phí. Dịu về không dám nói với mẹ. Đêm nào cũng nghe mẹ trở mình, tiếng thở dài ngày một khó nhọc, nặng nề hơn…

- Con vợ thằng Bắc có nhà không đớiiiiiii?

Tiếng ai như tiếng bà Năm Hán the thé ngoài ngõ. Mẹ Dịu thảng thốt nhìn sang chồng. Bà ấy đến thu tiền lãi và một phần tiền gốc. Trong nhà trống hơ trống hoác. Gió từ cửa trước luồn qua cửa sau như chơi trò cút bắt, chẳng có gì che chắn.

Cái dáng người phục phịch, uy nghi bệ vệ của người đàn bà có tiền đã án ngữ ngay cửa ra vào.

- Thế nào? Đã chuẩn bị đủ tiền cho bà chưa?

Mẹ Dịu lắp bắp:

- Dạ, dạ. Nhà cháu chưa ạ...

- Thế nhà mày định ăn quỵt của bà à?

- Dạ không ạ. Chỉ là nhà cháu chưa có tiền...

- Cứ thế này rồi tao cũng phải lấy mảnh vườn này thôi.

Mẹ Dịu hốt hoảng túm chặt lấy tay bà Hán.:

- Bà ơi! Xin bà làm phúc! Cả nhà cháu giờ chỉ trông vào mấy luống rau từ cái mảnh vườn này. Bà mà lấy thì nhà cháu chết đói mất!

Nước mắt mẹ rơi lã chã. Bố nằm trên giường, nhìn hai cẳng chân teo tóp, bất động mà bất lực. Từ hai hố mắt sâu trũng vì thiếu ngủ, hai dòng nước mắt đục ngàu chảy ra. Lần đầu tiên trong đời, Dịu nhìn thấy bố khóc.

- Con bé lớn đâu?

Tiếng bà Hán phá tan bầu không khí u ám.

- Cháu đây ạ.

Dịu rụt rè từ trong buồng bước ra.

- Thế nào? Mày có muốn đi học nữa không? Hay đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ mày trả nợ?

Dịu hoang mang quá. Lao động chân tay thì Dịu không ngại. Hàng ngày, Dịu vẫn cuốc đất trồng rau suốt, chai sần cả tay có sao đâu. Nhưng bỏ học để lên Hà Nội làm người giúp việc thì Dịu chưa bao giờ nghĩ tới. Dịu phải đi học. Dịu còn phải thi vào trường đại học nông nghiệp để làm kĩ sư nông nghiệp cơ mà? Sao Dịu có thể bỏ học giữa chừng như vậy được? Nhưng cảnh nhà như thế này, tiền đâu cho Dịu đi học? Tiền đâu trả nợ cho bà Năm Hán? Tiền đâu nuôi cha mẹ bệnh tật, ốm đau? Còn cái lũ em lít nhít suốt ngày mũi dãi tèm lem, đói ăn, thiếu mặc của Dịu nữa. Bao nhiêu câu hỏi về tiền của người lớn, giờ lại quay mòng mòng trong đầu một con bé mới có mười lăm tuổi là Dịu. Chịu thôi! Dịu không thể trả lời.

Mẹ nhìn Dịu như mắc lỗi, như cầu cứu, như van xin. Dịu quay mặt đi, không dám nhìn lâu vào đôi mắt héo hon của mẹ.

- Tao thương hại nhà mày thì tao mách nước, chứ tao cũng chả được nước non cái mẹ gì. Mày không làm thì có cả vạn đứa nhao vào xin làm. Thời buổi người khôn của khó.

Bà Hán chao chát.

Mẹ lại nhìn Dịu. Lòng mẹ đau thắt lại. Con bé Dịu của mẹ ngoan ngoãn, thông minh, đảm đang. Bắt Dịu nghỉ học là mẹ đã tự tay chặt đứt con đường đến với ước mơ trở thành kĩ sư nông nghiệp của Dịu. Nhưng nếu tiếp tục đi học thì cũng không có tiền đóng học phí cho Dịu nữa. Lại còn bát cơm manh áo của cả nhà...

- Cháu đồng ý ạ. Cháu nhờ bà giúp cháu.

Tiếng Dịu rõ ràng, rành rọt từng từ, từng chữ. Cơ mặt bà Hán giãn ra, nhẹ nhõm. Cả bố và mẹ trân trân nhìn Dịu. Mặt Dịu đanh lại, đầy quả quyết. Trông Dịu thoắt già dặn hơn cả mấy tuổi.

Bao nhiêu nước mắt chảy hết vào trong. Dịu không cho phép mình được khóc. Bố mẹ thương Dịu. Dịu cũng thương bố mẹ, thương các em. Mười lăm tuổi. Dịu chưa trưởng thành và cũng chưa làm được điều gì lớn lao. Nhưng hoàn cảnh gia đình đã khiến cho Dịu trở nên cứng rắn và mạnh mẽ. Dịu cũng lớn nhất trong mấy chị em. Dịu có thể và Dịu cần chia sẻ bớt gánh nặng với bố mẹ. Sau một vài năm nữa, biết đâu Dịu lại được đi học trở lại. Chỉ cần giữ được mảnh vườn kia, Dịu vẫn có cơ hội trở thành “kĩ sư nông nghiệp” theo cách của riêng mình. Dịu cứ tự vỗ về, xoa dịu mình như thế…

Đường từ làng Mai đi Hà Nội không phải là quá xa. Chưa đến bốn mươi cây số. Nhưng từ bé đến giờ, Dịu ít khi ra khỏi lũy tre làng. Bà Năm Hán nhân tiện chuyến đi ra Hà Nội thăm cô em gái nên dẫn Dịu theo cùng.

Hà Nội sao mà lắm nhà cao tầng thế? Trông như những cái hộp diêm Thống Nhất xếp chồng lên nhau. Người cứ như chim. Sáng đi làm, tối về lại chui vào từng cái tổ chênh vênh. Đường đan cài, xiên chéo nhau như mạng nhện. Ô tô, xe máy đi lại như như mắc cửi. Chỗ nào cũng có cảnh sát giao thông trực chiến, sẵn sàng lao ra chặn phạt xe vi phạm. Lúc tắc đường thì cả biển người dồn ứ lại. Không giống như ở quê, đường làng ngõ xóm nho nhỏ, lát gạch đỏ hoặc đổ bê tông. Trục đường chính chạy giữa làng, các đường nhánh đi vào các xóm ngõ như hình xương cá. Chả cần công an hay đội trật tự mà có tắc đường bao giờ đâu. Cả làng có họ với nhau, gặp nhau ngoài đường là chào hỏi nhau ríu rít.

Mãi rồi cũng kết thúc được hành trình như hành xác ấy. Bến xe bus ở ngay gần quán phở nhà em gái bà Năm Hán. Vừa lảo đảo bước xuống xe, Dịu đã ngửi thấy mùi phở bò thơm nức mũi.

Quán phở Đạo Lạc Đà khá nổi tiếng ở phố này. Rõ ràng là bán phở bò mà sao lại có tên là Lạc Đà nhỉ? Sau Dịu mới biết vì ông chủ tên Đạo, có cái cục tật to tướng sau lưng, gù lên như cái bướu trên lưng con lạc đà nên ông chủ mới mang cái hỗn danh là “Đạo Lạc Đà”.

Ông chủ nhỏ thó, mặt choắt như mặt chuột, nhẵn thín, lún phún vài sợi râu. “Đó là cái tướng của kẻ tiểu nhân, cần phải đề phòng.” Có lần Dịu nghe bố nói thế. Bà chủ thì ngược lại, to béo quá khổ. Có lẽ vì quán quá đông khách, bà phải ngồi một chỗ thu tiền, ít vận động nên người bà như một cái săm ô tô bơm nước. Nó cứ núng nính, nung núc thịt. Từ mặt bà cho tới chân, các tầng tầng lớp lớp mỡ cứ thi nhau dồn xuống, tầng nọ đè tầng kia.

Hai ông bà chủ quán phở nhìn Dịu đầy dò xét, như thể đang xem một món hàng. Ánh mắt ti hí của ông chủ lạ lắm, không bỏ sót centimet nào trên người Dịu. Bà chủ thoáng nhíu mày, nguýt chồng: Con này rồi cũng gớm lắm đây!

Dịu thấy chạnh lòng, khó chịu. Từ bé chưa ai nhìn Dịu như thế, chưa ai bảo Dịu ghê gớm cả. Dịu học giỏi, được thầy cô bạn bè yêu quý. Nhưng thôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Dịu phải đi làm thuê cho người ta. Lạ nước lạ cái, Dịu phải nén lòng chịu đựng.

Bữa trưa, đích thân ông chủ làm cho Dịu bát phở. Lúc đưa phở cho Dịu, ông ta nhìn xoáy vào Dịu, nhếch mép: Ăn đi lấy sức còn làm việc!

Dịu lí nhí: Cháu xin ông!

Bê bát phở nóng hôi hổi, Dịu xuýt xoa. Bát phở chủ yếu là bánh phở. Phất phơ mấy lát thịt bò mỏng dính. Dịu không dám thở mạnh vì sợ nó bay mất. Vài mẩu thịt bò vụn chần qua loa, chỗ đỏ, chỗ tái. Dăm cọng hành, loe ngoe tí rau thơm...

- Vắt chanh, cho ớt vào mà ăn đi chứ! Định đợi phở trương phềnh lên mới ăn à?

Tiếng ông chủ khào khào làm Dịu như sực tỉnh. Mải ngắm bát phở quên cả ăn. Lóng ngóng vắt miếng chanh tươi, gắp miếng ớt bỏ vào trong bát, Dịu mời ông bà chủ và bà Hán rồi húp thử một thìa nước phở. Ôi chao ơi! Lần đầu tiên, Dịu được ăn một bát phở ngon đến thế. Dù chỉ là phở vét nồi, dù chỉ là thịt bò, rau hành đầu thừa đuôi thẹo nhưng Dịu thấy ngon vô cùng. Mà cái nước phở nữa, không hiểu ông bà chủ cho những thứ gì mà thơm đến thế, ngọt lừ cổ họng đến thế? Dịu ăn một mạch hết veo cả bát phở to tú hụ. Phở nóng, ớt cay làm làm đôi má bầu bĩnh của Dịu thêm hồng hào. Đôi mắt long lanh, rơm rớm nước vì cay. Tỉnh cả cơn say ô tô. Nhìn Dịu ăn phở ngon lành, chẳng hiểu sao, ông chủ lại chép miệng, nuốt nước bọt quay đi.

Ngồi chưa kịp xuôi, bát phở chưa kịp ngấm, bà chủ đã gọi:

- Con Dịu đâu? Ra sau nhà rửa cho bà đống bát!

Dịu vội vàng đứng lên, dò dẫm đi ra phía sau cửa hàng. Nhìn đống bát cao ngất ngưởng, bừa bộn đầy sân, phở thừa vương vãi, Dịu ko biết phải bắt đầu từ đâu. Ở nhà mâm cơm chỉ có canh rau lõng bõng, tí tép riu kho mặn, thi thoảng mới có tí thịt rang, chả mấy khi có mỡ màng nên Dịu chỉ việc dùng cái xơ mướp ngoáy ù cái là xong. Bây giờ phải đánh vật với cái đống bát đũa bám đầy mỡ bò này, Dịu thấy ngán ngẩm. Dịu thò tay cầm một cái bát tô lên. Choang! Cái bát trơn nhẫy, tuột tay rơi xuống sân vỡ tan. Bà chủ bì bạch lết thân ra quắc mắt:

- Con nhà quê kia! Sao mày hậu đậu thế! Liệu hồn! Bà thì bà trừ hết lương!

Dịu co rúm người vì sợ. Giọng bà rít qua kẽ răng, khó khăn lắm mới thoát khỏi đôi môi dày như hai cục thịt bò thái ẩu.

- Cháu xin lỗi bà ạ! Cháu chưa quen.

Dịu luống cuống nhặt vội mấy mảnh bát vỡ. Ái! Một mảnh bát cứa vào tay Dịu sắc lẻm. Máu tứa ra, rơi xuống sàn, loang theo vệt nước nhoáng mỡ.

- Đợi mày quen thì vỡ hết cả đống bát kia của bà à?

Dịu cúi mặt, không dám xuýt xoa kêu đau. Ở nhà là mẹ đã rối rít chạy ra vườn vặt lá nhọ nồi, nhá nhá cho dập rồi đắp vào cho Dịu rồi đấy. Không biết có phải vì lá nhọ nồi mát không hay vì được mẹ lo lắng, chăm sóc mà Dịu thấy đỡ đau ngay. Nhưng mẹ giờ ở xa quá. Ở đây chỉ có bà chủ lừng lững như con gấu, đứng chống tay vào hai cái tảng mỡ hai bên hông, quắc mắt lên quát mắng Dịu. Chẳng kịp băng bó, cầm máu, Dịu cuống cuồng dọn đống bát vỡ. Nước mắt muốn chảy tràn ra má mà Dịu không dám khóc.

- Đổ nước rửa bát ở cái can vàng kia ra bát. Pha thêm nước vào rồi lấy cái giẻ này mà cọ, rồi tráng nước sạch cho bà. Nghe chưa? Mày mà làm vỡ nữa là bà đuổi về quê đấy!

*

Quán phở ngon có tiếng nên khách ra vào tấp nập, bán cả ba ca sáng, trưa, tối. Lúc vắng khách thì Dịu ra sau nhà rửa bát. Khách đông, bà chủ lại quát Dịu vào bưng bê, lau dọn bàn ghế. Dịu chạy ra chạy vào như con thoi. Thỉnh thoảng, Dịu lại bắt gặp ánh mắt ti hí của ông chủ nhìn Dịu hau háu, y hệt như Dịu lúc đói nhìn vào bát phở thơm lừng nghi ngút khói vậy. Lúc đưa phở cho Dịu bê ra bàn cho khách, bàn tay đầy mùi hành mỡ của ông ta lại cố tình chạm vào những ngón tay thon thon của Dịu. Vội làm nên Dịu cũng chẳng kịp để ý tìm hiểu tại sao.

Cứ thế quay cuồng đến tận đêm khuya, dọn dẹp xong hết, ngẩng mặt lên thì đã hơn mười hai giờ đêm. Cái lưng Dịu đau như muốn gãy. Hai bàn tay nhăn nhúm, trắng bệch vì ngâm nước rửa bát quá nhiều. Các vết chai tay vì cuốc đất, nâu xỉn, lại càng nổi rõ trên cái da tay bợt bạt ấy.

Ông bà chủ về lúc đã hết khách. Trước khi ra về, bà chủ vét hết tiền trong ngăn kéo cho vào túi rồi đưa cho Dịu một manh chiếu nhỏ và một cái gối cáu bẩn.

- Mày kê mấy cái bàn sát vào nhau, trải chiếu lên rồi ngủ. Sáng mai dậy sớm nhặt rau, hành, tỏi, ớt.

Rồi ông bà khóa cửa ngoài, nhốt Dịu ở trong.

Đêm hôm khuya khoắt, một thân một mình trong quán phở giữa Hà Nội xa lạ, Dịu sợ lắm. Mặc dù ông bà chủ đã khóa cửa ngoài nhưng Dịu vẫn cẩn thận đẩy cái bàn ra chặn cửa. Rồi Dịu ghép mấy cái bàn ăn chụm vào giữa nhà, trải chiếu ra. Hắt xì! Cái chiếu ẩm mốc bao lâu không được giặt, bụi bay mù lên khiến Dịu hắt hơi liền mấy cái. Cái gối đen sì, hôi như tổ cú. Nhưng nếu không trải chiếu lên thì Dịu cũng không thể nằm ngủ trên mặt bàn nhầy nhẫy mỡ, mắm, muối kia được. Dẹp cái gối sang một bên, Dịu lấy trong túi xách ra một cái áo, là cái áo cánh bạc màu, sờn vai của mẹ. Dịu đã giấu mẹ cho vào túi xách mang theo. Giờ một mình bơ vơ nơi đất khách quê người, giữa cái quán nồng nặc mùi phở bò, cái mùi mà mới sáng nay thôi, Dịu còn hít lấy hít để, hít đến căng lồng ngực con gái, thì bây giờ, sau một ngày làm việc quần quật đến rã rời, chân tay như muốn rụng ra, quần áo, đầu tóc Dịu đều thấm đẫm mùi phở, Dịu lại thấy ngột ngạt. Dịu thèm được hít thở không khí trong lành, thoáng đãng của vườn nhà mình.

Dịu đắp cái áo lên mặt, hít hà mùi mồ hôi của mẹ. Hai cái tay áo quấn qua người Dịu, như vòng tay mẹ ôm lấy Dịu, xoa cho ngón tay Dịu khỏi đau. Dịu còn mang theo quyển sách sinh học, bụng bảo dạ khi nào rảnh sẽ đọc cho đỡ quên. Nhưng ở cái quán phở này thì có lúc nào mà rảnh được. Giờ Dịu lấy ra để gối đầu. Tự dưng, Dịu thấy dễ chịu hẳn, mắt díp lại, chìm vào giấc ngủ mê man…

Bỗng Dịu thấy đau nhói ở ngón chân. Dịu giật mình thức giấc. Giống như con mèo nhà bà hàng xóm hôm nào dám hỗn hào cắn Dịu, lúc Dịu nựng yêu nó. Chợt nghe tiếng chít chít. Rồi có con gì đen ngòm, bò lổm ngổm qua người Dịu. Dịu sợ hãi chồm dậy, hét lên: Chuột! Chuột! Mẹ ơi chuột! Dịu vội lần tìm công tắc điện. Đèn bật sáng choang. Một cảnh tượng vô cùng kinh hãi, mấy con chuột béo múp đang trừng mắt nhìn Dịu, như đôi mắt dữ tợn của bà chủ nhìn lúc Dịu làm vỡ bát. Dịu vơ lấy cái ống đựng thìa, đũa thủ thế. Suỵt suỵt chúng cũng chẳng thèm đi. Điên tiết, Dịu quăng cả ống đũa vào lũ chuột. Lúc bấy giờ chúng mới bỏ chạy tán loạn.

*

Ngày tháng cứ thế trôi qua, Dịu đã làm việc cho quán phở Lạc Đà được mấy tháng. Dịu nhớ nhà quá, nhớ bố mẹ và các em. Nhớ mảnh vườn rau xanh của Dịu. Nhớ cả con mèo nhà bà hàng xóm đã từng cắn Dịu. Dịu muốn về thăm nhà nhưng ông bà chủ bảo cố ở rồi cuối năm cho về nghỉ Tết luôn thể. Ông bà sẽ thưởng thêm tiền để mua quà Tết cho các em. Dịu cũng không còn sợ chuột nữa. Dịu đánh đuổi chúng chạy te tua. Dẫu sao, Dịu vẫn phải tiếp tục sống, phải làm việc để đỡ đần cha mẹ, nuôi em ăn học.

Quán phở vẫn đông khách. Hình như dạo này có thêm nhiều khách hơn. Nhiều ông thích đến quán Lạc Đà ăn phở. Họ cứ hay thích gọi Dịu phục vụ những thứ lặt vặt. Lúc thì lấy miếng chanh, khi thì thêm tí ớt. Tí lại thấy kêu hết giấy lau mồm. Mặc dù mọi thứ đều có sẵn quanh đấy. Họ chỉ việc nhấc cái mông lên, với tay lấy là xong. Nhưng nhất định họ cứ phải kêu Dịu. Dịu cũng trắng trẻo, hồng hào, có da có thịt hơn thật. Dù vất vả nhưng cũng chỉ là làm việc trong nhà, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, không phải dầm mưa dãi nắng ngoài ruộng vườn. Dịu lớn hẳn lên, mỡ màng hơn. Đôi mắt càng buồn lại càng ướt rượt, sâu thăm thẳm như cái giếng làng. Đàn ông nhìn thấy Dịu, ai cũng muốn được chết chìm trong cái giếng ấy.

Ông chủ quán dạo này cũng lạ. Thấy Dịu nói chuyện với khách đàn ông lâu lâu một tí là gọi ngay. Cứ bắt Dịu loanh quanh chỗ ông đứng làm phở cho khách. Bà chủ thì lại muốn đuổi Dịu ra chỗ khác nên toàn sai Dịu chạy chỗ nọ chỗ kia.

Đêm nay, cũng như mọi đêm, dọn dẹp xong xuôi sạch sẽ, Dịu lại lấy sách ra làm gối, lấy áo mẹ hít hà rồi đắp làm chăn. Dịu đã quen ở đây nên không còn phải đẩy bàn ra chặn cửa. Dịu tắt đèn đi ngủ. Dịu muốn ngủ để còn được trở về nhà trong mơ, về với bố mẹ và các em của Dịu. Dịu mơ thấy được ngủ cùng với mẹ. Mẹ xoa lưng, vỗ về cho Dịu ngủ. Mẹ sờ nắn đôi bàn tay chai sần, lở loét vì cái can hóa chất dán mác nước rửa bát kia. Mẹ khóc. Từng giọt nước mắt mẹ rơi trên đôi tay Dịu. Như có phép tiên, xóa hết mọi vết chai sần, lở loét. Mẹ đúng là bà tiên của Dịu. Rồi tay mẹ lần lần lên hai bầu ngực Dịu. Bầu ngực thiếu nữ thanh tân, tròn đầy, trọn vẹn của thiếu nữ sắp mười sáu. Dịu xấu hổ, ngượng ngùng, nhột nhạt đẩy tay mẹ ra. Nhưng mẹ nhất định không chịu bỏ mà lại càng nắn bóp dữ dội hơn. Dịu đau quá, hét lên: Mẹ! Rồi choàng tỉnh dậy. Một bóng đen nhỏ thó đứng ngay cạnh Dịu. Cái bóng đen vỗ về Dịu, xoa lưng Dịu không phải là mẹ. Dịu sợ hãi tột độ, vùng dậy, chới với tìm công tắc điện. Bóng đen ấy như một con mãnh thú chồm lên đè Dịu xuống. Hơi thở toàn mùi hành tỏi hôi hám, cái cằm có vài sợi râu lởm chởm cố rúc vào mặt, vào cổ Dịu. Dịu kinh hãi khi nhận ra bóng đen ấy là ai. Dịu gồng mình chống cự. Lão chủ với lấy cái giẻ lau bàn nhét vào mồm Dịu. Dịu muốn tắc thở, chân tay chới với, khua khoắng loạn xạ. Vớ đươc quyển sách, Dịu đập bôm bốp vào đầu lão ta. Lão chủ điên tiết tát Dịu nổ đom đóm mắt. Dịu gạt tay làm đổ mấy lọ tương ớt, dấm, mắm trên bàn. Lão chủ thò bàn tay nhớp nhúa xuống thắt lưng Dịu. Bản năng con gái biết mình sắp bị đẩy xuống hố sâu bất hạnh khiến Dịu lấy hết sức mạnh của thiếu nữ vùng lên đẩy mạnh lão xuống đất. Chỉ nghe thấy cốp một cái như tiếng vật nặng đập xuống sàn nhà, ú ớ rồi chìm vào yên lặng của màn đêm…

Dịu chỉ kịp vơ được cái áo rồi vùng chạy ra ngoài, vừa chạy vừa cuống cuồng mặc áo. Dịu chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết. Dịu không biết mình chạy đi đâu. Chỉ biết rằng ở đâu đó phía trước kia có làng Mai của Dịu, có người bố liệt cả hai chân quanh năm nằm một chỗ, có người mẹ héo hon đau yếu ướp mùi thuốc bắc. Có bầy em lít nhít mũi dãi xanh lè. Có cả vườn rau nhỏ Dịu để dành gieo những hoài bão, ước mơ.…

Dịu cứ chạy mải miết.

Xa xa, le lói ánh đèn đường…

VN24/2024

Bản quy hoạch sau cùng. Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải Cốt nhục - Truyện ngắn của Cao Duy Sơn Bên bờ sông cụt. Truyện ngắn của Hạnh Trần Gái lớn - Truyện ngắn của Phong Điệp Đọc truyện: Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.