Sáng tác

Bên bờ sông cụt. Truyện ngắn của Hạnh Trần

Hạnh Trần
Truyện
07:00 | 31/10/2024
Baovannghe.vn- Người đàn bà ấy đẹp, mà cả cái xóm ấy toàn người đẹp. Con sông cụt chia làng thành hai bên Mại Đông và Mại Đoài. Đất xóm Đoài cao ráo nên nhà cửa đông đúc, cây trái xum xuê. Bên kia sông, xóm Đông đất trũng hơn, đay cói xanh rì mướt mát, ở đó toàn những người dân ngụ cư.
aa

Con sông cái đổ ra biển lớn tự dưng có một nhánh rẽ ngang vào làng Mại. Nhánh sông cụt lủn nước không chảy một dòng mà lên xuống theo thủy triều. Sông cụt đi qua giữa làng không bồi đắp nhiều phù sa màu mỡ nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ lở. Ở đoạn giữa làng, chỗ nước nông nhất người ta bắc tạm mấy cây tre để qua lại. Gần bến đá là cái cống xây bằng gạch mộc đưa đưa nước sông vào đồng làng, lòng cống thì sâu, đôi chỗ có những hủm cát xoáy hút, nghe bảo xửa xưa có con giải hay bắt người, mà từ trước đến giờ cứ ba năm lại bắt một mạng đều chằn chặn. Đình làng ở bên sông cũng thiêng lắm, toàn oan hồn về ngự.

*

Bên bờ sông cụt. Truyện ngắn của Hạnh Trần
Tranh Lê Phan Quốc. Nguồn: Internet

Đêm thanh vắng, người ta thường nghe thấy tiếng ầu ơ ru con vẳng đến từ bến đá. Tiếng ru không ề à để dỗ trẻ mà lại là một bài mà gái trai hay hát đối ở những dịp hội làng.

Người đàn bà ngồi trên bậc đá, tay bế một bọc nhỏ ấp vào bầu ngực. Chiếc áo nâu non xộc xệch mà vẫn hằn nét căng phồng mưng mức, quần vắn ngang đùi, bàn chân trần thõng xuống bờ nước vừa khỏa vừa hát.

À… ơi…

Con cò đỗ cọc cầu ao

Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua

Ngày ngày ra đứng cổng chùa

Trông về nơi ấy có vua đúc tiền...

Người làng ai cũng cám cảnh. Các cụ chép miệng thương cái số kiếp đàn bà, hồng nhan như thế đúng là bạc mệnh, xưa nay nói cấm có sai.

Người đàn bà ấy đẹp, mà cả cái xóm ấy toàn người đẹp. Con sông cụt chia làng thành hai bên Mại Đông và Mại Đoài. Đất xóm Đoài cao ráo nên nhà cửa đông đúc, cây trái xum xuê. Bên kia sông, xóm Đông đất trũng hơn, đay cói xanh rì mướt mát, ở đó toàn những người dân ngụ cư. Ở chung một làng nhưng gần như mỗi nơi mang một dòng họ riêng biệt, lề ăn thói ở cũng có nét khác nhau. Thường thường người hai xóm hay ghẹo nhau, bên này sông bọn con gái bắc tay làm loa gióng giả:

Cha đời con gái xóm Đoài

Áo mới mặc ngoài, áo cũ mặc trong.

Bên kia cũng không kém, gào với sang bên này sông mà giễu.

Cha đời con gái xứ Đông

Áo mới mặc trong, áo cũ mặc ngoài.

Quả là gái xóm Đoài được ăn trắng mặc trơn mà da ai cũng ngăm ngăm, vóc dáng to cao nhưng thô ráp, mặt người nào cũng bành bạnh vuông. Bên kia sông là vùng trũng, nước đồng vừa sâu vừa mặn chỉ trồng được cói, người dân lam lũ, ăn mặc xuề xòa là thế mà con gái phía trước phía sau cứ nây nẩy, tóc đen má đỏ. Mà đôi mắt dao cau chỉ liếc qua một vệt đã làm trai xóm Đoài nghiêng ngả.

Ngày hội làng, chiếu chèo rải giữa sân đình. Hai xóm tụ làm một, người chen người xem hát. Gái trai hai xóm có dịp gặp nhau mà ngắm nghía, thề hẹn. Mại Đông có cô Tơ mới mười bảy, má hây hây đỏ lại có lúm đồng tiền sâu như lỗ cáy nhìn thấy anh Khúc xóm Đoài đang diễn vở Lưu Bình- Dương Lễ thì xốn xang trong lòng. Cái dáng thư sinh nho nhã trong vai anh vai học trò nghèo lại thêm giọng ca ấm ngọt làm Tơ say đến mức hội đã tan mà chưa muốn về. Tơ nấn ná đợi anh Khúc ra rửa mặt bên giếng đình, vờ ra xin gàu nước uống. Trai tài gái sắc gặp nhau chả cần mối lái.

Chiều chiều bên này sông, anh Khúc với mấy đứa con trai Mại Đoài ngồi trên bờ cống câu cá rói, hóng sang bãi cói xanh mướt mà hát.

...Ngọn sông đào vừa trong vừa chảy

Anh kén vợ mười bảy năm nay

Tình cờ anh gặp nàng đây

Như cá gặp nước như mây gặp rồng

Bên kia sông, Bọn con gái đùn đẩy nhau hò lại. Tơ buông liềm, vóng vót.

Mây gặp rồng mây tươi mây tốt

Cá gặp nước cá ngược cá xuôi...

Cứ bên hô, bên đối như thế được chừng non năm thì có hai đôi Đông- Đoài nên vợ chồng. Đám anh Tuần cao lênh khênh chuyên nghề hoạn lợn cưa được cô Tằm giỏi dệt chiếu. Còn anh cu Rạng be bé hay đánh rậm thì đưa được em Na trắng trẻo, mặt trái xoan về làm dâu. Tơ với Khúc rõ trai tài gái sắc như thế mà vẫn im hơi lặng tiếng. Chẳng biết Khúc đã lội sông sang bên bãi cói và Tơ đã qua cầu bao nhiêu lần nhưng phải mãi mấy năm sau Tơ mới về ở nhà Khúc. Cặp nào cưới cũng phải rước dâu qua cái cầu tre xiêu xiêu giữa sông. Tơ cũng qua sông nhưng là trốn nhà sang bên Đoài theo Khúc nên chẳng được ai dặn thả tiền giấy và vứt kim xuống nước như các các đám cưới vẫn làm hèm... Có phải vì thế mà con giải không bằng lòng?

Người đàn bà hát ru đêm đêm bên cống sông ấy là cô Tơ, tóc xõa ra, áo quần trễ nải, xộc xệch thì vẫn cứ đẹp.

*

Anh Khúc về làng, người ta đưa cho cái tã chéo. Cái tã vợ anh cắt từ cái áo cũ sờn, mặn mùi mồ hôi quen thuộc của chồng để cho nó có hơi cha con. Cái tã được khâu vằng viền chỉ đỏ đều chằn chặn, đường khâu ấy chỉ đôi bàn tay nõn nà của Tơ mới khéo như thế.

Cái tã có hơi khai của nước đái thằng cu và ngầy ngậy mùi sữa non của Tơ. Thằng cu tí là con cầu tự. Hồi vợ chồng về ở với nhau những hai năm mà chưa có gì. Các cụ bảo tại thằng Khúc hay câu cá cống sông nên có ma trẻ con nó theo, nó không cho đẻ. Nghe các cụ, đôi trẻ rủ nhau lên đình làm lễ, vào thắp nhang khấn khứa xong lúc về Tơ chợt thèm dái mít non liền vặt trộm ở cây mít già cửa đình một cái về chấm muối trắng. Lâu sau, Tơ ra bến đá ở gần cống sông vớt rươi, đau bụng rồi sinh thằng cu ngay bờ sông cụt. Đứa bé khóc váng lên to đến nỗi cả hai làng ven bờ nghe thấy. Anh Khúc được gọi, vứt cả ôm lá thuốc lào vừa cắt xuống ruộng, sấp ngửa lội ào qua sông cho nhanh. Thằng cu bé tí đỏ hỏn đang nằm trong bọc tã ngọ nguậy, má Tơ thì ửng hồng, mắt long lanh hạnh phúc.

Pháo trên bốt vẫn liên tục câu về làng, nơi Tơ vừa đẻ rơi lúc sáng thì ban trưa bị một quả, sông cụt loang vết máu. Làng ngày càng có nhiều cuộc vây đuổi. Thỉnh thoảng lính lại kéo về bắt một vài người. Mà tận lúc bị bắt người ta mới biết ông ấy, bác nọ tham gia vào tổ chức bí mật. Cha anh Khúc là nhà nho với ông Húc chuyên hoạn trâu và hai người nữa bị bắt cùng một hôm, chúng đưa lên bốt rồi đêm đem ra cầu sông cụt bắn, vứt xác. Người làng đưa về làm ma, hai mắt ông Kiêm không nhắm được cứ mở trừng trừng nhìn lên bầu trời xám đục, còn cha anh Khúc đôi tay bị trói chặt tím đen như màu mực tàu ông vẫn mài. Lâu lâu chúng lại kéo về làng một bận, không bắt được ai chúng bắt trâu bò đem bắn rồi mổ lấy thịt đem đi, quăng lòng xuống cống sông. Dân vừa khóc, vừa vớt lòng về chia nhau. Mấy bà chổng mông vỗ bồm bộp về phía đồn đóng trên chợ huyện mà chửi. Các ông phẫn uất, năng đi họp kín hơn. Khúc cũng theo đi.

Nghe tin có lính trên bốt về tìm, Khúc giục mọi người kịp tản đi khỏi làng. Lâu lâu thấy tin báo yên, về nhà được người làng đưa lại cho một cái tã chéo. Anh gầm lên đấm thùm thụp vào tường. Chả đoán cũng biết tên Binh Kinh xứ Đông đã đưa lính về làng lùng sục rồi bắt vợ Khúc. Thực ra nói Tơ là vợ Kinh cũng không sai. Ngày ấy, trước khi theo Khúc về bên này, Tơ biết đã bị gả cho Kinh cùng xóm. Tơ vốn chả lạ gì con người to cao, thô thiển, ít học ấy nhưng bố mẹ hai bên đã “chỉ phúc vi hôn” hứa gả con cho nhau từ trong bụng. Là con gái không muốn cãi lại cha mẹ, Tơ cũng định phó mặc. Nhưng sau bận xem chèo ở sân đình, Tơ ngày đêm nhung nhớ anh học trò thư sinh đóng vai Dương Lễ. Chiều chiều, lấy cớ ra bãi cói ven bờ sông làm lụng để hóng sang bên kia, hò đối với đám trai xứ Đoài. Đùng một cái có đợt bắt lính, Kinh bị đưa đi rồi thì việc cưới dừng lại. Nhưng cơi giầu dạm ngõ đã ăn rồi. Bẵng đi ba năm, nghe người ta nói Kinh đã chết mất xác, thế là Tơ trốn nhà sang bên này với Khúc...

Đám lính về làng có Kinh đẫn đầu. Kinh không những còn sống mà còn đã thành chỉ huy, có lính trong tay súng ống rôm rốp. Công đôi việc, vừa lùng Việt minh vừa bắt lại vợ. Tơ được báo vội kịp trốn vào giữa làng. Đứa bé đỏ hỏn để bà bế chưa kịp chạy, bị giằng đem phơi ra bờ cống sông mùa gió bấc. Binh Kinh nghĩ Tơ xót con phải mò về. Bọn lính lùng sục chán các nhà, đốt phá vơ vét rồi kéo nhau đi. Tơ chạy bổ về nhưng đứa bé đang sốt đậu lào lại gặp gió bấc đã tím ngắt.

Khúc mất cả vợ lẫn con. Người ta vớt được cái tã Tơ hay ôm mà hát ru dạt vào bờ. Người ta bảo đêm ấy trăng lu, có tiếng trẻ con khóc oe oe vẳng về, rồi tiếng hát ru bỗng im bặt. Chẳng biết cô đi theo tiếng khóc hay bị con giải kéo xuống lòng sông? Hôm ấy nước thủy triều rút mạnh, xác Tơ trôi ra tận cửa sông, chỉ còn mỗi cái tã chéo bập bềnh nơi bến đá. Người ta đưa xác Tơ về chôn gần Đình làng. Ngày tuần ngày rằm các vãi vẫn kêu cầu cho linh hồn Tơ siêu thoát. Mỗi khi trở gió lại có tiếng ru con ầu ơ văng vẳng vọng về. Có người bảo còn nhìn thấy rõ ràng có người ngồi bên cống sông đêm trăng...ai cũng thương xót cho con người hồng nhan, tiếc cho anh Khúc.

Dân làng ngày càng nhiều người bị lộ. Chẳng hiểu sao bọn lính biết cả hầm bí mật đào dưới gốc tre. Lần nào bọn lính kéo về cũng dẫn một đứa chỉ điểm, đầu đội kín khăn đen chỉ hở hai con mắt. Sau này thêm nhiều người bị bắt, anh Khúc với mấy bác bí mật dò la, hóa ra tên chỉ điểm chính là người làng theo giặc. Vợ nó người làng Đông, về làm dâu xóm Đoài, ngày ngày bế con vờ đi chơi khắp làng thay chồng nghe ngóng tin tức, thỉnh thoảng chồng về, nó đưa tin, chồng nó lại dẫn lính trên bốt về bắt. Thêm mấy người bị chúng đem lên cầu bắn. Máu nhuốm mặn cả đoạn sông cụt...

Khúc đang đêm được gọi ra bờ sông. Mấy người thì thầm với anh như bàn giao một nhiệm vụ bí mật. Trời nhá nhem tối, anh thấy một bóng người bị trói quỳ, mồm bị buộc tấm khăn đen. Cơn uất của Khúc bốc lên ngùn ngụt. Con trai, bố và vợ của anh đã chết bởi một mụ đàn bà này. Bao người làng chống giặc cũng bị bắt và bị giặc giết bởi người này, trâu bò của cải lợn gà bị chúng đem đi, chúng đốt nhà, xới hầm cũng bởi mày chỉ điểm... Dân làng đã bắt được mày, hôm nay mày phải đền tội...Bao ý nghĩ bùng cháy lên, nóng phừng phừng trong người. Hình ảnh Tơ ôm con lại lấp loáng hiện về. Bao nỗi căm giận từ lâu bị nén lại trong lòng giờ như bật tung lên thành tiếng hét lớn...

Làng nghe thấy tiếng súng vang lên giữa đêm. Gió bấc thổi rú rít qua những mái rạ nâu làm ai cũng rùng mình vì lạnh.

*

Cầu sông cụt quê tôi chỉ để các bà đi chợ bên đình làng khỏi ướt chứ bọn trẻ trừ mùa rét, cứ vén quần mà lội qua cho nhanh. Cái sông cụt đó bọn trẻ trâu thuộc từng khúc nông sâu, chỗ có hủm đôi khi lặn hết hơi mà chưa sờ thấy cát. Đấy có lẽ là nơi của con giải ngự chăng? Có người bảo đấy là hố do pháo trên bốt câu về làng đúng mùa cạn nước. Hồi đó tôi mới sáu, bảy tuổi, chỉ biết được mẹ bế nhao xuống cái hầm tối om tránh đạn. Nghe mẹ kể nhà bà nội có cánh cửa lim dày hàng tấc thế mà bị mảnh pháo găm vào, xuyên thủng. Ngoài sông cụt khi ấy ông Nghình đang tắm cho bò mà bị hẳn một quả pháo, đến nỗi ruột sổ ra nổi lều bều trên cống sông. Năm ấy mùa rươi đỏ ối nổi từng mảng mà không một ai buồn vớt. Chỉ có bọn trẻ chúng tôi ít sợ ma chứ ở làng các bà hay dúm lại mỗi khi phải qua đấy buổi tối, bảo cứ thấy tiếng trẻ khóc nỉ non. Vài năm trước đó khi vào thời nạn đói người ăn xin đầy đường, có mua cho con miếng bánh đúc vôi cũng phải cầm đòn gánh đứng canh kẻo người ta giật trên miệng, người chết nhiều đến nỗi không chôn xuể. Có nhà sáng ra mở cánh cổng thấy uỵch một cái, hóa ra người đói xin ăn dựa vào đó chết tự lúc nào. Thương nhất là chuyện người mẹ không nuôi nổi con bèn gánh con đi chợ đình, bòn tiền mua cho mỗi đứa một cái bánh rán rồi đem hai đứa đổ ùm xuống cống sông rồi nhảy theo. Người ta đã đưa hồn về đình làng nhang khói... Khi ấy tôi còn bé nên chưa biết gì mà đau với buồn.

Mươi tuổi, tôi thường theo bọn trẻ câu cá và tắm ở bến sông. Dân chài mạn hạ lưu thì bảo thấy người chết đuối chớ cứu, vì vua thủy tề muốn bắt, đừng chống lại mà phải đền mạng. Tôi ỉm tịt không dám nói với mẹ về vụ suýt chết. Bận đi học qua cái cầu, các bà đi chợ thì xuôi về, bọn trẻ đi học sớm thì muốn sang, ra giữa sông, các bà đội thúng né sang phía tay vịn nhường lối, cây tre xiêu đi rồi lật nghiêng. Các bà các chị la oai oái túm vào nhau rồi bu cả vào cây tre với cọc chéo, thúng mủng, rau rợ trôi lều bều. Bà Ương còn bị túm rách cả quần lụa phải úp thúng mà về. Bọn trẻ quê mười đứa thì chín đứa biết lội. Tôi bơi vào đến bờ, nhìn ra vẫn còn thấy cái đầu nhấp nhô, đích thị là của cái Mùi. Cái Mùi không biết bơi là có dòng có giống. Đời ông nó cũng sợ nước, hồi bị giặc đuổi mọi người bơi qua sông chạy trốn còn ông cái Mùi bí quá, bịt mũi bò bộ dưới lòng sông cụt, ấy thế mà cũng thoát chết... Đến đời bố cái Mùi thì thấy nước là sợ, số là còn bé đang ngồi cầu ao bị bọn trẻ trêu ném cho cục đá, giật mình lăn ùm xuống, uống nguyên bụng nước hố phân cầu tõm. Nhà lôi ra sông, xát lá chanh mấy ngày chưa hết mùi. Từ đấy đâm ra sợ nước, mà tất lượt con cái cũng bị cấm tiệt không cho mon men ao chuôm.

Khi tôi tóm được nó, cái Mùi quặp chặt vào người, ôm gì kéo xuống nước. Sắp ngạt thở đến nơi tôi vùng vẫy, quẫy đạp mãi mới gỡ được nó ra để ngoi lên. Thoát thân rồi mới đợi nó chìm hẳn, túm tóc kéo vào bờ. Áo quần cái Mùi tung hết, lồ lộ vồng ngực chũm cau mới nhú.

Được ăn cua cá của sông bọn trai làng tuổi tôi phổng phao rất nhanh. Lớp lớn trước thì đã đi bộ đội hết, chỉ còn bọn thanh niên vừa mới vỡ giọng. Trai xóm Đoài toàn rủ nhau sang xóm Đông, chả gì gái bên ấy cũng đẹp có tiếng. Riêng tôi thì không đi theo, chả phải sợ bọn trai làng ấy chặn đánh rồi quăng xuống ao bèo mà là tôi đã có nơi để mà hẹn. Những ngày đi làm đồng, lúc rỗi rãi thường tạt sang bên vườn cói nhà Mùi. Mắt trước mắt sau kéo tay nó len vào giữa đám cây cao lút đầu, lấy chân đạp một đám xuống mà ngồi, tha hồ mà nói chuyện. Tôi khi chỉ muốn choàng tay ôm ghì Mùi, dí xuống đám cói mềm mượt, nhưng lần nào cũng bị ngoay ngoảy đẩy ra.

- Khiếp, ngày trước chả tự ôm chặt lấy người ta lại còn…

- Biết đâu được, đang sắp chết thì vớ được cọc. Biết là sung chát hay đào chua mà vơ lấy... - Mùi nguýt một cái rõ tình.

- Này thì ứ thèm! Đây giả lại cái ôm ngày trước. Mai tôi đi đầu quân, Mùi có đợi tôi không?

Tôi ghì chặt hơn, hai đứa lăn trên thảm mượt, Mùi không đẩy ra nữa mà lại cười khinh khích rồi rúc vào nách, hai tay quắp chặt người tôi như hồi chìm nghỉm dưới nước. Hương cói mật, mùi tóc hương nhu và mùi con gái ngầy ngậy quấn quện vào nhau. Tôi thấy mình như đang ngụp lặn ở một con sông sâu mát rượi, bềnh bồng...

*

Tôi trở về làng, thơ thẩn ra cống sông ngày xưa hay câu cá rói. Ngày trước ngay chỗ này nước sâu nhất, cá cũng nhiều nhất, con nào con nấy câu lên mắt đỏ đòng đọc. Mẹ tôi bảo cá mắt đỏ là cá thiêng, dặn chớ có đem về nhà mà thần phật quở phạt. Nhớ khi còn bé, bọn trẻ chúng tôi chơi ở đình về bị ốm, người lớn lại tra hỏi xem có phạm vào điều gì không. Đứa thì trộm oản cúng, đứa để trâu ăn lúa ruộng đình, đứa thì trót tè bậy vào gốc hoa dâm bụt, thảo nào chim bống lên như cái ấm tích... Nghe thế các bà mẹ lại sấp ngửa vào làng đi tìm mua nải chuối, nén nhang ra tạ tội. Mẹ cấm tôi không được tắm cống sông kẻo ma cô Tơ trêu và cấm vặt cả dái mít non vì cây mít đình có nhiều linh hồn chết oan ở cống sông cụt được nhà chùa đưa về ngự... Tôi vâng dạ thế chứ mít nhà chùa bọn tôi vẫn vặt về rấm ở đồng cói rồi đi thả trâu lại chia nhau ăn. Bọn tôi trèo cây, cái Mùi đứng cảnh giới, được quả nào thì nó vùi vào quang thúng, phủ cỏ lên vờ gánh cỏ cho bò. Mít rõ nặng mà nó lại vừa đi vừa chạy nên đôi mông cứ lắc tanh tách như xênh võng nom khá vui mắt. Chiều đến tắm đàn, đứa nào đứa nấy trần như nhộng, lông tay lông chân bám đầy phù sa như lông cáy. Khúc dưới bọn con gái tắm, chúng tôi mon men lặn đến rút chân, bọn con gái la oai oái. Mỗi cái Mùi ngồi trên bờ trông quần áo cũng bị chúng nó hò nhau khiêng quăng ùm xuống rồi bỏ chạy, tôi lại phải đỡ lên. Áo Mùi ướt dính, ngực mềm ấm chạm vào người tôi rõ mồn một. Tôi thấy dọc thân thể như có luồng khí chạy xộc lên đầu... Thế là đã nhiều lần tôi đòi Mùi từ dưới sông về, không cho giải bắt.

Sau này tôi bán tin bán nghi hỏi ông Khúc.

- Ông ơi, thế liệu có con giải thật không?

- Thế cậu có nghĩ là có không? - Ông nheo mắt hỏi lại tôi.

Ông Khúc nhìn về phía cống sông, tôi chắc ông đang nghĩ về cô Tơ ngày xưa. Cô tơ cũng bị con giải cống sông mang đi trong một đêm lặng gió. Ông Khúc không oán con giải, từ ngày cô Tơ chết, ông sôi sục ý chí căm thù theo cách mạng. Giặc pháp rút quân, ông về làng rồi lại tham gia chống Mỹ. Giờ thì ông nhận trông coi đình, ngày ngày hương khói...

Tôi thi thoảng lên đình ngồi nghe ông kéo nhị. Bài hát ru từ thủa tôi còn bé tí lại ngân lên da diết. Ông Khúc khe khẽ ới a...

...Ruộng tư điền không ai cày cấy

Liệu cô mình ở vậy được chăng?

Mười hai cửa bể anh đã giăng

Cửa nào lắm cá “thời” anh quăng chài vào…

Chả biết trên cao ấy Mùi có nghe được không? Thời tôi thanh niên thì chẳng có ai để diễn chèo, không còn ai bắc loa tay hát đối vì lơn lớn một tí thì đi bộ đội hết. Làng vắng teo, chỉ còn người già và trẻ nít... Chẳng biết những năm tôi xa nhà con giải cống sông còn bắt thêm bao người nữa. Bát hương của Mùi ở đâu đó lẫn giữa nhiều bát hương người ta gửi lên chùa. Mùi cũng bị con giải cống sông đưa đi mất. Người ta kể, hôm ấy vội vàng thế nào cuống lên, chỗ nông vẫn lội hàng ngày qua sông thì không đi mà lại đi xiên phải chỗ sâu. Mọi lần tức bố mẹ, nó vẫn lội qua sông trốn sang bên làng Đông nơi dì ruột nó ở. Hôm ấy người ta đến ăn hỏi, người ấy xấu xí, đã cứng tuổi, nghe bảo là làm ở nhà kho hợp tác. Bố nó đã ý chừng để mắt nhưng nó vùng ra được, chạy đi.

Tôi thắp nén nhang chung cho những oan hồn. Trong đó có ông tôi và những người theo cách mạng bị tây bắn trên cầu cống. Mùi của tôi, cô Tơ của ông Khúc, những người bị đạn câu... Tôi ngùi ngùi thương vong hồn những đứa trẻ vô tội của mẹ gánh con đổ xuống cống vì nạn đói. Thương đứa trẻ đỏ hỏn nhà ông Khúc chết vì hận tình của người với người cùng làng, cách mỗi con sông cụt.

Tôi cũng trải qua chiến tranh, từng nổ súng chiến đấu với lòng căm thù nhưng tôi vẫn sờ sợ khi nghĩ đến việc ai đó bắn một người mà mình từng quen biết, mà người ấy là phụ nữ. Có phải ông về giữ đình để nhang khói cho cả người đàn bà xấu số ấy? Tôi hỏi chuyện xưa của ông, ông nheo mắt nhìn xa xăm...

Khi ấy anh Khúc đã lên đạn, môi mắm chặt, cổ họng nghẹn đắng khi nghĩ đến cô Tơ và đứa con trai đỏ hỏn, nghĩ đến bố và những người bị giặc bắn hất xuống sông. Cái con mụ đang trói quặt tay ra đằng sau lưng dựa vào thân chuối vừa hôm qua tâng tâng đi đầu làng cuối xóm xoi mói hóng tin giờ đang cúi đầu mềm oặt, tóc xõa xượi. Anh khúc rút cái tã còn ấm hơi sữa của Tơ và nước đái của con ra quàng vào cổ, giờ phút trả hận đã đến. Anh nâng súng run run níu cò. Hôm sau, người dân bảo thấy cây chuối đầy vết đạn, người có lẽ đã trôi ra biển, mà cũng chả ai thèm tìm cái ngữ ấy. Cho rùa giải nó rỉa xác đi...

Họ cũng như tôi không biết rằng đúng cái lúc nâng súng lên, chợt mụ đàn vùng vằng làm tuột cái khăn bịt miệng. Mụ van xin anh tha mạng vì cũng chỉ vì chồng bắt làm như thế chứ không muốn hại người. Anh mắm chặt môi đến bật máu, tay run run đưa vào cò súng. Mụ bắt đầu gào lên, không gọi chồng mà là gọi con. Anh Khúc nghe trong xóm cứ như văng vẳng tiếng trẻ khóc vọng đến. Nhìn xuống dây trói, hằn lên bộ ngực người đàn bà căng sữa loang ướt áo... Người đàn bà được tha sấp ngửa lội qua sông về phía xóm Đông, chẳng biết phiêu dạt ở phương trời nào.

Binh Kinh cũng bị xô đẩy theo chiến cuộc cho tới lúc hết chiến tranh rồi bị bắt, mãi tận sau này cũng tìm về làng một lần. Ông Kinh khi ấy đã được cải tạo, về xin ông Khúc được thắp nén hương tạ tội. Hai người đàn ông nói chuyện với nhau không phân biệt người thắng kẻ thua trong cuộc chiến, mọi thù hận, trái phải xa xưa đều bỏ lại sau tuần hương trầm ngan ngát cửa đình. Sau đận ấy ông Kinh đi biền biệt, mãi sau này có người làng vào Nam gặp ông Kinh ở trong ấy, không vợ không con, ngày ngày chèo vỏ lãi rước người ta qua sông để kiếm sống. Khi được nghe lại tiếng người quê, ông Kinh đã bật khóc rưng rức...

*

Hai xóm Đông - Đoài ngày ấy giờ nhập thành một, con sông cụt cũng đã thành nương thành bãi. Con giải cống sông không còn hủm nước chẳng biết đang mắc cạn ở đâu đó trong lớp đất nâu. Cây mít già vẫn còn, lá sắt lại nhưng thân cành vẫn chíu chít dái quả non. Những chỗ trũng xứ Đông ngày xưa trồng cói giờ thay bằng những vườn bãi đầy hoa trái. Trẻ con không biết chuyện con giải cống sông, những oan hồn, đạn bom và không biết nạn đói... Đình làng vẫn cũ kĩ rêu phong nhưng không còn chiếu chèo rải giữa sân, chợ cũng không họp ở đấy. Chẳng ai còn hát ru những bài như của cô Tơ ngày xưa và những người đàn bà làng Mại đã từng ru.

À ơi...

Con cò đỗ cọc cầu ao

Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua...

VN16/2016

Đọc truyện: Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Một tiếng ve rừng. Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên Đọc truyện: Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Ngược nguồn Ly Lang. Truyện ngắn dự thi của Sơn Trần Bản quy hoạch sau cùng. Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.