Diễn đàn lý luận

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Nguyễn Hoài Nam
Tác phẩm và dư luận
08:14 | 22/10/2024
Baovannghe.vn - Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy trong Gia đình có bốn chị em gái là: viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...
aa

Năm 2016, nhà văn Phạm Thị Bích Thủy xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ ba, có nhan đề Đáy giếng, nhanh chóng tạo được những vòng sóng lan tỏa và tiếng vang nhất định trong giới những người viết văn ở Thủ đô (Trước và sau đó chị còn có vài tập truyện vừa, truyện ngắn, truyện thiếu nhi và nhận một số giải thưởng văn chương). Bẵng đến đầu năm 2024, tức là tám năm sau Đáy giếng, tôi mới nhận được bản thảo cuốn tiểu thuyết tiếp theo của chị: Gia đình có bốn chị em gái. Tôi đọc tác phẩm và nhận thấy: tám năm vừa qua là quãng thời gian để Phạm Thị Bích Thủy nghiền tất cả kiến thức, sự quan sát và những trải nghiệm xã hội, khả năng hư cấu cùng những suy nghĩ đau đáu vật vã trước thế sự của mình, đúc vào khung khổ của một cuốn tiểu thuyết dày, một sự tra vấn lớn bằng văn chương. Chính là tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái này.

Tám năm vừa qua là quãng thời gian để Phạm Thị Bích Thủy nghiền tất cả kiến thức, sự quan sát và những trải nghiệm xã hội, khả năng hư cấu cùng những suy nghĩ đau đáu vật vã trước thế sự của mình, đúc vào khung khổ của một cuốn tiểu thuyết dày, một sự tra vấn lớn bằng văn chương. Chính là tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái này.

Gia đình có bốn chị em gái, đúng như nhan đề tác phẩm, là một tiểu thuyết gia đình, song nó không nghiêng về câu chuyện của sự tiếp nối truyền thống hoặc mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình như thường thấy, mà nó chủ yếu là câu chuyện về thế hệ đang giữ vai trò trụ cột ở thì hiện tại, ấy là bốn nhân vật chị em gái Thương, Ái, An, Yên, tứ nữ của vợ chồng ông giáo Bình. Bốn nhân vật, nhưng sự tương tác giữa họ lại là hình tam giác, xác định theo ba điểm: Thương, chị cả, người như có thù với cả thế giới vì chưa khi nào thôi nghĩ rằng cuộc đời, nhất là những đứa em, luôn đối xử đầy tệ bạc, bất công với mình; Ái, và phiên bản mờ là Yên, những người phụ nữ giàu có, khôn ngoan, hãnh tiến, thích hưởng thụ và cũng luôn biết cách tận dụng mọi năng lực, mọi mối quan hệ để thu về cho mình tối đa lợi ích; và An, cô con gái thứ ba của vợ chồng ông giáo Bình, một phụ nữ giàu lòng nhân hậu, trung thực, ý chí độc lập tự chủ mạnh mẽ, luôn tin vào những giá trị người cốt lõi, sống hết mình với nó, và vì thế cũng trở nên là một phụ nữ “gàn” trong con mắt của nhiều người. Các sự việc, sự kiện trong tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái đều được kể lại từ một nhân vật người kể chuyện giấu mặt, nhưng điểm nhìn thì chủ yếu từ An, vừa là người tham gia vào bước đi của truyện kể, lại vừa là người luôn đặt câu hỏi “tại sao”, nhằm tự cắt nghĩa và lý giải đến cùng mọi hiện tượng bất thường đã và đang xảy ra trong một thế giới đầy đổ vỡ và khủng hoảng, một thế giới điên khùng.

Tuy nhiên, nhân vật chính, “người anh hùng” của tiểu thuyết này lại không phải là An, mà là chị cả Thương. Một cái tên nhiều ý nghĩa: Thương là thương yêu ấp ủ, mà cũng là thương khó chịu đựng, và thương cũng còn là một cảm giác đau đớn, xót xa nữa. Trong thực tế của tác phẩm, Thương là nhân vật mà nhà văn Phạm Thị Bích Thủy đã chăm chút sao cho có thể chuyển tải nhiều nội dung xã hội nhất. Thứ nhất, Thương là tàn tích đau thương của một thời kỳ dài mà người Việt Nam phải sống trong một cơ chế quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm tập trung theo chỉ tiêu, theo các kế hoạch năm năm mười năm của nhà nước, cái gì cũng nhà nước nắm và quyết, nhân dân chỉ còn mỗi một việc phải làm là thiếu và đói. Thương, chị cả trong nhà, đã trải đến tận cùng tuổi thơ trong sự thiếu và đói ấy, và chị sợ nó đến mức chính nỗi sợ ấy đã làm nên một phần tính cách con người chị sau này, khi cả nước đã thoát khỏi bóng tối của nền kinh tế bao cấp. Không nghèo - đúng với tinh thần câu thành ngữ “Tứ nữ bất bần” - nhưng lúc nào Thương cũng giống như một kẻ khó, lúc nào cũng nhặt nhạnh, vơ véo, ki cóp, tính toán, “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”, bóp mồm bóp miệng với chính mình và với chồng con theo cung cách của người đang chịu cái án “phải sống”, sống và thực hiện những nhu cầu để sống rất nhọc nhằn, như một cực hình. Ở điểm này, có thể nói, Phạm Thị Bích Thủy đã đầy chủ ý khi mô tả không gian sống thường nhật (ngôi nhà cũ), vật dụng (chiếc xe máy nát, cái túi xách rách, bộ bàn ăn cậm cạch), cách nói năng và các hành vi của nhân vật, nhất là hành vi với những tờ tiền mà ông chồng mang về hoặc học trò của Thương biếu tặng. Cái sự mạt, không phải do nghèo, đã được tác giả làm bật lên bằng một lối văn hiện thực giàu sức biểu hiện.

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ
Cuốn sách "Gia đình có bốn chị em gái"

Thứ hai, như một hệ quả kéo theo, Thương luôn sục sặc không yên, Thương luôn nuôi trong bản thân sự hằn học và căm ghét những kẻ giàu có hơn mình, sống sung sướng hơn mình, mà trước hết là những đứa em trong nhà (trừ An), là Ái và Yên. Xét trên diện rộng thì việc người ta đố kỵ, hoặc ít nhất là không mấy ưa, kẻ tỏ ra giàu có sung sướng hơn mình cũng là một thứ tâm lý bình thường, khá phổ biến - lửa tam muội tham - sân - si dường như luôn đe dọa thiêu đốt tất cả chúng ta - nhưng trong trường hợp cụ thể của tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái và như nhà văn Phạm Thị Bích Thủy mô tả, rõ ràng cái sự hằn học và căm ghét ấy của nhân vật chị cả Thương đã vượt qua tâm lý học cá nhân để chạm đến những căn nguyên thuộc về cấu trúc nền tảng của xã hội đương đại. Có thể thấy sự giàu có phú hộ và niềm hãnh diện vênh vang của hai gia đình chị em Ái, Yên - với một ông rể là Tiến sĩ Giám đốc Học viện, ông kia là Tiến sĩ Viện trưởng Viện nghiên cứu - là sự giàu có và niềm hãnh diện không nảy mầm trên những giá trị căn bản, đích thực. Không những thế, thậm chí nguy hại hơn, ở vị trí quyền lực mà mình đang nắm giữ, mấy ông cán bộ này còn thực hiện triệt để tinh thần của câu thành ngữ “Một người làm quan cả họ được nhờ”, bằng cách tạo ra cả một mạng lưới các quan hệ và các điều kiện thuận lợi để đưa anh em, con cháu mình vào những công việc béo bở trong cơ quan. (“Một người làm quan cả họ được nhờ”, điều này lặp lại lần nữa, như một sự đối xứng, ở tuyến nhân vật nắm quyền lãnh đạo Tổng công ty Vitalex, gia đình bạn gái của con trai Thương). Đây mới chính là lý do sâu xa khiến Thương phải thống khổ phẫn uất với gia đình các em mình - ngoài lý do bề mặt là con trai Thương bị đối xử như thể không phải người họ hàng, tức không được các chú dì “đương quan” sắp xếp cho chỗ làm tốt, “việc nhẹ lương cao” - bởi vì, bằng cách nghĩ cách làm ấy, họ đã lấy đi cơ hội của những người khác, những người có thể có phẩm chất năng lực tốt hơn, xứng đáng hơn nhiều so với các anh em, con cháu của họ. Bất bình đẳng về cơ hội giữa các cá nhân chính là hệ quả trực tiếp của việc chủ nghĩa thân tộc và tâm lý vun vén cho gia đình, dòng họ được/bị đẩy lên mức vượt ngưỡng, bất chấp những quy tắc công bằng tối thiểu trong một xã hội thực sự dân chủ. Nó được phản ánh qua câu tục ngữ mới: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”. Và đó thực sự là quả bom gài sẵn, chỉ chực chờ để làm nổ tung, xé nát mọi thứ. (Trong tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy, theo cách bi thảm, nó là nguyên nhân dẫn đến một cuộc mưu sát máu lạnh, một cái chết đau đớn, một gia đình tan nát, một người bị truy tố và rơi vào sự hoảng loạn tâm thần cực độ). Nhìn ở phương diện này, tôi cho rằng Gia đình có bốn chị em gái là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó.

Gia đình có bốn chị em gái là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái, về cơ bản, là thế giới của những con người luôn phải sống trong một bầu khí quyển bất an, bất ổn. Nếu họ không sôi sục chạy theo tiền bạc, quyền lực, sự khát khao xây dựng những tiểu đế chế gia đình trị - mà trong suy nghĩ của nhân vật An, đó chính là hình ảnh của những con/đàn mối đang không ngừng đào khoét, làm tổ - thì họ cũng vật vã trong sự đố kỵ và hờn oán, rằng tại sao ta không/chưa được ưu đãi như những kẻ khác. Trong thế giới ấy, có lẽ chỉ duy nhất An là người được sống, sống được với chính nhân cách thường hằng và niềm tin vào những giá trị cốt lõi, không bao giờ thay đổi của mình. Như tôi nói ở trên: gia đình tứ nữ, nhưng sự tương tác giữa bốn chị em gái lại theo hình tam giác, mà ở đó An vừa là người điều hòa các mâu thuẫn, xung đột giữa những người còn lại, vừa là kẻ luôn tỉnh táo đặt những câu hỏi “như thế nào” và “tại sao” trước mọi hiện tượng, ngõ hầu tìm ra căn nguyên nằm ở bề sâu của đời sống xã hội. Thêm nữa, với nhân vật An và qua con mắt nhìn ngắm, quan sát, suy tư của An, tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái có những khoảng, dù hiếm hoi, nhưng lại mở ra rất trữ tình, khiến người đọc cảm thấy bớt nặng nề hơn. Ví như khi An ngắm cây khế tỏa bóng xanh mát trong sân và gia đình nhà chim sẻ ríu rít quần tụ với nhau, hay khi An nghe bản Morgen (Buổi sáng/Ngày mai) của nhà soạn nhạc người Đức Richard Strauss và nhớ tới người cha thân yêu của mình, hoặc khi An nhớ về hình ảnh mẹ và vại mắm, mắm cáy, ở cái thuở cơ hàn xa lắc. Đó thực sự là những đoản khúc tụng ca giá trị to lớn của gia đình.

Về phương diện nào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhân vật An là sự nhập thân của chính con người tác giả vào trong thế giới của văn bản. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy không phải, không hề là một tự truyện, mà nó vẫn là một tiểu thuyết, một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Ở tiểu thuyết này, nhà văn Phạm Thị Bích Thủy đã bước đầu thể nghiệm lối viết trinh thám, hình sự - vụ con trai út của Thương lập kế hoạch và thực hiện việc đầu độc chồng của dì Ái - và không phải là chị không thành công. Nhưng theo tôi, thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy là: viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp MBA, PUT Mỹ-Malaysia; cử nhân văn chương và tiếng Nga, Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petersburg), Liên xô cũ (Liên bang Nga); cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 1986 đến năm 2000, là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện tại chị làm quản trị viên tại một tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp. Từng đoạt giải nhì Cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), Tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), Tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), Tiểu thuyết Đáy giếng (2015), Tập truyện ngắn Zero (2017), Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái (2024).

Nguyễn Hoài Nam | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tư, và những cô dâu bị mất tích ở Thổ Sầu Chiến cuộc tàn, người ta sống như thế... Quá khứ chụp xuống chúng ta Trò chơi ngôn ngữ từ những bức thư Paris Những chồng xếp chữ của Lê Anh Hoài
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.