Sáng tác

Độc bình - Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Đào Phong Lan
Truyện
10:45 | 17/08/2024
Baovannghe.vn - Ông tôi bảo, độc bình là bảo vật truyền lại từ hàng trăm năm trước. Nó tồn tại vĩnh viễn như linh hồn của con người luân hồi từ vô lượng kiếp...
aa

Khi tôi bắt đầu biết nhận thức được sự vật thì cái bình đã nằm chót vót, ngạo nghễ, cô độc ở trên cái bàn thờ cao nhất quanh năm khói hương nghi ngút. Lúc đó, bằng sự cảm nhận lờ mờ của một đứa bé, tôi biết đó không phải là một thứ đồ chơi. Cái bình luôn toát lên vẻ huyền bí linh thiêng kì quái...

Nó thuộc về ông nội tôi. Một tuần một lần, nó được lau chùi kĩ lưỡng đến sáng bóng. Trong nhà tôi, không ai được động vào nó, ngoài ông. Có vẻ, nó là một thực thể hơn tất cả những thực thể sống trong ngôi nhà này.

*

Cha tôi là một người đàn ông bất đắc chí. Nếu nói theo ngôn từ của mẹ tôi thì "ông là đồ vô dụng. Ngữ ông chỉ đun được cám lợn." Mẹ tôi đã nói quá. Bà luôn nói quá trong mọi việc. Nếu bà có nói với bạn là nhà bạn sắp bị đổ, hãy hiểu rằng ý bà muốn nói đến tấm tôn bị rơi xuống lúc trời mưa. Mẹ tôi đầy tham vọng, bà đã lấy hết tham vọng của cha, của tôi, của Cún, đứa em trai bé bỏng, xinh xắn, niềm hi vọng của cả gia tộc quá lo xa này.

Độc bình - truyện ngắn của Đào Phong Lan
Tranh minh họa. Nguồn Internet

Cả đời, cha tôi chỉ cặm cụi vót nan đan rổ rá. Tất cả đồ vật nhỏ bé gần gũi cha tôi đều tự làm lấy. Ông đan cả những cái lồng xinh xinh, bé đến nỗi chẳng thể nhốt được con chim, con chuột nào vào trong đó. Ông xâu chúng lại với nhau thành những dây dài, buộc đong đưa trước sân. Bạn buôn bán của mẹ tôi, ai trót khen đẹp, ông nhếch mép cười: "Vâng! Đẹp lắm! Cái lồng nào trên đời này nhìn phía ngoài chả đẹp." Mặc họ đứng ớ ra, ông lùi lũi bỏ vào nhà.

Những cái lồng tí hon treo trước gió ấy như những chuỗi ngày trong cuộc đời của cha tôi. Chúng câm nín nhạt nhẽo, và cũ kĩ. Nếu như vật tri kỉ của ông tôi là cái độc bình, thì đám lồng chim tí hon kia là những giọt nước mắt khô đục, dễ gãy của cha tôi. Hai người đàn ông, hai cái bóng mờ, mờ hơn cả làn khói hương đêm ngày lẩn quất.

Người đàn ông thứ ba là em trai tôi - một người đàn ông năm tuổi. Nó tỏ lòng yêu thương thân thiện với mọi người, mọi vật bằng hàm răng bé xíu, trắng sữa mỏng manh. Nó hồn nhiên cắn răng vào hòn sỏi, chìa khóa hoặc một củ khoai lang nóng hổi. Nó là sinh linh năng động nhất, tồn tại vô điều kiện trong thế giới đầy - lồng - chim - tí - hon này.

Còn tôi, đứa con gái luôn ngơ ngác, như lạc loài giữa căn nhà rộp lên vì hương khói. Nổi tiếng là nhẹ dạ, cả tin, nhưng luôn kiêu hãnh lộ liễu không cần thiết. Tôi đơn độc. Ngày lại ngày trôi qua, tôi trông lên, cái bình trông xuống. Cả hai đều ngạo nghễ, cô độc và đều cố tạo cho mình một dáng vẻ tự tin vô lối.

Ông tôi vẫn bảo, cái độc bình là bảo vật truyền lại từ hàng trăm năm trước. Nó tồn tại vĩnh viễn như linh hồn của con người luân hồi từ vô lượng kiếp. Cha tôi giương mục kỉnh, lờ đờ nhìn ông tôi nói. Mẹ tôi xì qua kẽ răng, mắt đảo như rang lạc: "Rặt một phường mê tín!" Rồi bà thắp ba que nhang, thành kính vái lạy, thành kính cắm lên bàn thờ phật, thành kính xỉa răng.

Tôi ngồi xõa tóc cho em trai nghịch, chẳng biết buồn hay vui.

*

Như sông đổ ra biển, tháng ngày lặng lẽ nhẫn nại trôi. Ông vẫn lau cái bình mỗi tuần. Cha vẫn đan những chiếc lồng bé xíu và mẹ vẫn mua đi bán lại hàng trăm thứ hàng. Tôi vẫn trông lên cái bình trông xuống. Chỉ có em trai tôi, chuyển sang tự cắn mình. Chân tay nó đầy những vết răng đỏ bầm. Mẹ tôi cuống lên đem nó đi tiêm phòng dại. Cha đan một cái lồng rất to. Ông bảo dạo này cái bình cứ xỉn đi. Nó được tượng trưng cho hạnh phúc trong ngôi nhà này. Thế có nghĩa là bất hạnh! Ông lau cái bình một tuần hai lần, rồi ba lần, rồi ngày nào cũng lau, rồi than vãn cái bình vẫn không còn sáng được như xưa nữa.

Tôi thì hoài nghi. Tôi không tin cái bình tượng trưng cho hạnh phúc hay bất hạnh. Bởi vì nó chỉ có một chiếc. AĐAM=ÊVA xưa hạnh phúc cũng vì có hai người và bất hạnh cũng vì có đôi. Cha và mẹ vui lên thì bảo: Nhờ có ông (hay bà) mà tôi hạnh phúc. Buồn lại bảo: Vì ông (hay bà) mà tôi khốn khổ bất hạnh thế này!

Cái bình tượng trưng cho trạng thái tình cảm của cả một tập thể thì càng vô lí.

Nhưng tôi không nói gì. Chỉ trông lên đầy ác ý.

*

Hai người đàn ông lần lượt xuất hiện và khuấy động sự cô độc lặng lẽ của tôi. Một tên Phong. Một tên Thắng. Cả hai đều đẹp trai, nhẫn nại đến bất ngờ, và khéo léo nữa. Một, có thể đập quả trứng vỡ làm hai nửa bằng nhau và đẹp như cát bằng dao. Và một, có thể dùng keo dán hai nửa vỏ trứng lại, khít khao như một quả trứng nguyên vẹn.

Phong là cử nhân kinh tế ra trường, con nhà giàu, tiền tiêu như vãi đạn. Tiếng xe nổ của anh náo động cả xóm tôi. Thắng tốt nghiệp sư phạm văn, ngày cặm cụi đạp xe đi dạy ở trường, đêm lại đạp xe đi dạy ở trung tâm bổ túc văn hóa. Anh sống một mình trong căn nhà nhỏ của bà cô già để lại. Anh bận rộn, buồn buồn.

Tôi bối rối trước hai người đàn ông có cá tính độc đáo đó. Mẹ tôi bảo: Cho chúng nó đi chạy hàng với tao, thằng nào cơ mưu, buôn bán nhanh nhẹn "chấm" thằng đó. Ông tôi góp ý: Bảo chúng nó thử lau cái độc bình, thằng nào lau cái bình sáng bóng như cũ, mày cứ lấy thằng ấy! Cha dắt Phong và Thắng ra sân, chỉ tay vào mấy cái lồng, hỏi: Đẹp không? Phong trả lời: Đẹp ạ! Thắng cười: "Đẹp nhưng độc ác đáng sợ! Cha quắc mắt: "Biết thế mà còn lao đầu vào! Dại!"

Em tôi ngồi bệt giữa nhà cười khanh khách! Cái bình vẫn ngày một xỉn đi!

*

Phong tỉ tê với ông nội tôi:

- Cháu có thằng bạn buôn bán đồ cổ, thân nhau lắm. Cái bình nhà mình mà bán cho nó, thì phải được mấy cây vàng. Ông với hai bác mua cho Mít cái xe máy đi lại cho đỡ vất vả!

Ông tôi quát ầm:

- Láo! Cái bình là gia bảo của họ nhà tao truyền lại, mày lại đi đánh đồng với đồng tiền nhơ bẩn à? Mày biết cái bình tượng trưng cho cái gì không? Hạnh phúc! Hạnh phúc đấy con ạ! Không có hạnh phúc mày ôm đống tiền có sống sướng được không? Bước! Mày mà còn vác mặt đến đây ông róc xương mày ra!

Mẹ tôi đang ngồi đếm tiền xì một cái rõ to:

- Vâng... nhơ bẩn! Không có những đồng tiền nhơ bẩn ấy thì lấy cái gì đổ vào mồm, đói nhăn răng ra sao không ôm lấy cái bình ấy cho no bụng? Rặt một phường... Hão!

Cha tôi lẩm bẩm, giơ cái lồng đang đan giở lên, ngắm nghía:

- Cái lồng này đến là chật!

*

Một sáng, cả nhà tôi trở dậy, hoảng hốt nhìn ngôi nhà trống trơn rồi nhìn nhau. Mất sạch! Tivi, xe đạp, thau chậu, bàn là, cả bảo vật của ông tôi: cái độc bình.

Mẹ tôi lồng lộn quanh những chỗ trống mà đêm qua các đồ vật vẫn nằm. Cha tôi nắn lại từng cái lồng bị bọn trộm giẫm bẹp giúm. Ông đổ vật xuống trước bàn thờ, ú ớ không thành tiếng...

Tôi hoảng sợ trước sự mất bình tĩnh của mọi người hơn là chuyện mất của. Tôi đỡ ông vào giường nằm, ông không ngồi dậy nữa…

Mẹ tôi là người tỉnh lại nhanh nhất. Bà hí hoáy lôi từ gậm giường ra một cái túi nilon to đùng, lôi từ trong túi ra một tập tiền dày cộm, bà cười khanh khách:

- Đã thấy con này lo xa chưa? Có tiền cứ cất kĩ, chả dại gì mà mua sắm thứ này thứ nọ, bây giờ tiền vẫn còn nguyên.

Bà vẫy vẫy tập tiền trước mặt cha, ông, tôi và Cún. Nó giật lấy tập tiền từ tay mẹ và nhanh nhẹn bập răng vào đó.

*

Thắng đến với một cái bọc lớn trên tay. Anh nắm tay ông tôi, khẽ gọi :

- Ông ơi...! Ông nhìn xem...

Anh khẽ kéo lớp vải trùm ngoài cái bọc. Tôi bật người. Cái độc bình! Ông run run đưa tay sờ vào lớp men bóng, lắp bắp:

- Hạnh phúc... Hạnh Phúc đã trở về với chúng ta rồi! Phúc đức quá...

Cả nhà gặng hỏi Thắng đã tìm được cái bình ở đâu. Anh bảo đã gạ mua được của bọn ở chợ trời với giá vài trăm ngàn. Hôm qua định đi mua xe đạp mới, lại trông thấy cái bình, ngờ ngợ. Lại gần, quả đúng cái bình của nhà ta....

Hôm sau tôi đến nhà Thắng. Anh không còn ở đó nữa mà đã chuyển vào ở tập thể trong trường. Tôi dò hỏi khắp, thì ra Thắng đã bán ngôi nhà của mình lấy tiền mua lại cái bình cho ông tôi.

Đám cưới của tôi và Thắng thật tưng bừng. Tôi mang ơn Thắng. Anh là người đàn ông tốt nhất, cao thượng nhất mà tôi đã từng gặp. Ông tôi đã khỏe lại, vui vẻ chào mọi người đến dự. Sau tiệc cưới, ông gọi chúng tôi vào phòng:

- Cả họ ta chỉ có cái bình là quí nhất, ông tặng lại hai con. Nó thiêng lắm đấy! Cố mà giữ gìn! Chúc hai con mạnh khỏe, hạnh phúc!

Tôi về làm vợ Thắng, mang theo trái tim chân thật, tin yêu và cái độc bình tượng trưng cho hạnh phúc. Phong thường đến thăm chúng tôi. Anh bảo anh giống cái độc bình lẻ loi cô độc.

Cái độc bình được đặt ở đầu giường của vợ chồng tôi. Tôi đã bắt đầu tin rằng nó tượng trưng cho hạnh phúc. Một tuần một lần, tôi lau nó đến sáng bóng, rồi về thăm ông. Không còn cái bình nữa, ông ngồi chuốt nhẵn từng cái nan lồng cho cha tôi đan. Hai người đàn ông đan sự im lặng thành từng cái lồng bé xíu. Mẹ vẫn buôn đi bán lại mỗi ngày. Em tôi chuyển sang cắn răng vào những đồng tiền nát nhàu, cũ bẩn.

*

Đã tưởng cuộc sống sẽ êm xuôi, nhưng hạnh phúc không tồn tại dưới dạng một vật thể. Cái bình không giam giữ hạnh phúc.

Mặc kệ cái bình ngày càng sáng bóng. Thắng bắt đầu đi sớm về muộn, thôi chăm sóc, thôi nhẫn nại, thôi bằng lòng với công việc lên lớp hàng ngày. Anh bẳn gắt, khó chịu. Tôi rất sợ một ngày nào đó anh sẽ đến cùng ngồi đan lồng với ông và cha. Căn nhà trở nên chật hẹp, tù túng. Cái bình như to ra so với mức bình thường.

Cuộc sống trở nên túng thiếu. Thắng không muốn dạy học nữa. Anh ngồi nhà, mặt gầy vêu vao, râu ria tua tủa. Tôi đạp xe sòng sọc trên đường, mua đi bán lại. Nghèo lại nghèo thêm! Tôi không muốn về nhà cha mẹ, tôi ngại quá nhiều điều.

Tôi trở về nhà rất muộn. Thắng đang ngã giá gì đó với một người đàn ông râu quai nón. Cả hai đều có vẻ vui mừng. Tôi rủn người, bước vào nhà. Cái bình nằm trên bàn, giữa họ.

Tôi lao đến, giằng co với Thắng. Tôi vừa ôm được cái bình, Thắng đã vung tay tát vào mặt tôi.

Mặt tôi rộp lên bỏng rát...

Cái bình tuột khỏi tay, những mảnh vỡ tung tóe...

Tôi chạy sấp ngửa, chạy vùn vụt, chạy lao về phía trước. Và ngất đi trong tay ông.

Ba ngày sau, tôi bình phục. Ông đã ngồi bên cạnh tôi suốt mấy đêm liền. Tôi nhớ mãi lúc vuốt tóc tôi ông nói:

- Lòng tử tế của người đàn ông như giọt nước. Nó có thể đọng lại, có thể hòa tan vào hàng trăm giọt nước khác và cũng có thể bốc hơi.

Hai ngày sau ông tôi mất. Tôi không trở về ngôi nhà ấy nữa. Không biết chồng tôi còn đủ kiên nhẫn và khéo léo gắn những mảnh vỡ của chiếc bình lại với nhau?

Đào Phong Lan | Báo Văn nghệ

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 3/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn