Sáng tác

Đợi chuyến tàu đêm. Truyện ngắn của Phan Triều Hải

Phan Triều Hải
Truyện
09:00 | 04/10/2024
Baovannghe.vn - Chiếc xe chạy vào con đường đất đỏ quạch như thảm trải vào lúc mặt trời đang từ từ lặn xuống sau bãi đất hoang. Bụi bốc lên mờ mịt, vốc lên rồi cuộn ngược vào trong xe,
aa
Đợi chuyến tàu đêm. Truyện ngắn của Phan Triều Hải
Đợi chuyến tàu đêm - truyện ngắn của Phan Triều Hải

... lúc này đang chạy tà tà để tìm địa chỉ nhà, khiến bác tài bực mình cứ lầu bầu trong cổ họng. Chiếc xe đi càng lúc càng xa đường cái, con đường bóng loáng rộng thênh thang ít xe qua lại được xem như là niềm hãnh diện của thị xã, để vượt trước tiên qua bãi đất hoang, sau đó đến bãi phế liệu, sau nữa đến những mái nhà ọp ẹp rải rác ở hai bên đường. Từ sau cửa mỗi ngôi nhà, xuất hiện những khuôn mặt đen nhẻm ló ra ngoài, nhưng không có một biểu hiện gì. Không cười, không nói, chỉ nhìn đăm đăm bằng những cái nhìn chẳng biểu lộ gì nổi cứ y như những tượng đất để lâu ngày nên hơi xỉn màu, nhưng rõ ràng là tất cả phải đang tò mò, bởi bên cạnh đầu phụ nữ là đầu đàn ông, phía sau họ là khuôn mặt những người già, nhăn nheo, và thấp hơn nữa là một đống những đứa trẻ trầm tư, cắm những cái chân như những cái que xuống đất. Tất cả tập hợp lại thành một quần thể tượng đài.

Khi xe đã đi gần cạn con đường thì cái mái ngói duy nhất có một cọng angten duy nhất chỏng chơ trên nóc đã hiện ra y như lời chỉ dẫn của Bình hôm trước. Nhà bác Hép. Chiếc xe dừng lại, cả hai đặt chân xuống mặt đường và bụi đỏ ngay lập tức quấn quýt lấy những đôi giày trắng phau phau, và cũng đồng thời như thể từ trong đám người im lặng bắt đầu lan man những tiếng xì xào, một trong những tiếng ấy là: Giày Mỹ.

Dao tự dưng thấy đôi chân trần của mình trở nên trắng trẻo quá ở đất này, khiến bao nhiêu cặp mắt cứ dán chặt vào đó không ra được. Dao đứng ngẩn người một lúc mới mở miệng được.

- Xin cho hỏi nhà bác Hép.

Câu hỏi lọt thỏm trong cái không gian lững lững lờ lờ của bụi và ánh sáng đang nhạt dần. Cuối cùng thì từ trong nhóm tượng đất ấy cũng có một người bước ra:

- Tôi đây.

Bác Hép, cũng đúng như miêu tả của Bình, là người thấp chắc, đen đủi, cái mũ vải bạc màu bẹp dúm trên đầu. Ông nói, chậm rãi.

- Bình nói tôi chờ anh chị.

Lúc này thì chiều đã xuống hẳn, bắt đầu tối. Chiếc xe đã trở đầu, cái mình tròn rung lên như thân bọ hung. Chiếc xe cũ kĩ, mà cả hai cùng với bác tài đồng lòng đặt tên là Boeing vì tiếng gầm rú của nó mỗi khi vượt dốc, đã lăn lê với mọi người trong suốt những ngày qua. Cả hai nhìn theo mà thấy buồn lạ. Dao đến bên cửa xe:

- Cảm ơn anh nhiều lắm.

Bác tài cũng lộ một vẻ cảm động không hợp chút nào với cánh tài xế, khi nói:

- Chừng nào cần nữa thì cứ gọi. Tôi lấy rẻ cho.

Dao cũng không kềm được mà đáp:

- Dạ thế nào cũng sẽ gặp lại anh.

Nói mà biết chắc là không bao giờ gặp lại, nói mà biết chắc khi gặp lại cũng không thể nào nhớ nổi khuôn mặt nhau. Và cả hai, tay xách nách mang rõ ràng là bọn người thị thành, bước vào nhà bác Hép mà lòng không khỏi trầm ngâm rằng, chẳng lẽ đời, ngay cả trong những cuộc chơi, cũng có sẵn những chuyến đi qua nhau như vậy sao.

Bác Hép dẫn cả hai ra phía sau nhà, chỉ một cái giếng có miệng nhô lên khỏi mặt đất chừng vài gang tay, giới thiệu:

- Chỗ tắm!

Và chỉ vào đám bụi chuối ẩm ướt phía sau mà bảo:

- Đại tiện và tiểu tiện!

Từ xa dăm mét đã có thể thấy đất dưới chân như nhũn ra, lầy nhầy và cái mùi tanh tanh theo gió cứ thoang thoảng. Mấy tàu lá chuối to đùng thì cứ thong thả đong đưa, thảnh thơi với đám bụi phủ kín từ nách đến ngọn. Cường nhìn Dao, trấn an.

- Cũng là vui chơi thôi.

Dao giấu sự bối rối, quay qua bác Hép.

- Bình sẽ đến lúc mấy giờ hả bác.

- Mười hai giờ rưỡi. Tàu bao giờ cũng dừng ở thị xã này lúc mười hai giờ rưỡi tối. Anh chị cứ tắm rửa, nghỉ ngơi trước đi, kẻo cái đám lông bông kia nửa đêm chúng về thì lại không có chỗ sinh hoạt đấy.

Khi Dao mở túi xách ra thì từ mọi hốc hẻm, trẻ con đứa đứng đứa ngồi, cứ chong mắt hướng về đôi tay xinh xinh trắng hồng hồng của cô như nhìn ngắm một cái gì lạ lắm. Dao đưa gói bánh đang ăn dở cho một con bé lem luốc đứng ở cạnh bàn. Ngay lập tức gói bánh được chuyển về cho thằng bé lớn nhất đang đứng trong góc và thằng bé này, đen nhẻm tóc húi cua mang cái nét rõ ràng của người trong nhà, thong thả chia đều cho từng đứa một. Bác Hép tự hào.

- Con cháu tôi cả đấy.

Và thế là câu chuyện bắt dầu, và bác Hép hóa ra không chậm chạp chút nào.

- Thế ra anh chị đi chơi. À, nghỉ hè, dân thành phố sướng thật... Con Bình cứ hứa biết bao nhiêu lần là sẽ đưa bạn bè nó ra đây chơi, mà có thấy mặt mũi đâu... Lần này nhiều người đi cùng với nó à. Ừ, lâu lâu về quê cho biết, ở thành thị mãi cũng chán. Sao... Thích đi đâu thì đi nhưng loanh quanh thì được, đi xa xa một chút thì nhớ nói để tôi cho mấy đứa nhỏ đi cùng. Thiệt ra cũng chẳng có chuyện gì. Chỉ có mấy thằng thanh niên lâu lâu uống rượu rồi kiếm chuyện làm hỗn. Mà thật ra tụi nó cũng là dân học trong thành phố về cả, dạng bất đắc chí ấy mà. Dân quê trở chứng mình nói còn biết nghe, chứ mấy đứa có học chút ít mà hỏng thì lúc nào cũng xưng xưng, ngu muội lắm, không nói phải trái được. Mà có phải xa lạ gì, quanh đi quẩn lại cũng là con cháu họ hàng cả, không có rượu thì ngoan ngoãn, rượu vào rồi mới có chuyện. Mà dặn vậy thôi chớ không có gì đâu. Đi xa xa thì nói mấy đứa nhỏ đi theo. Bằng không, có chuyện gì thì cứ xưng tụi tui cháu bác Hép là xong. Vậy hả, đi tắm đi, nghỉ ngơi đi, nóng thì lên mái hiên mà ngồi cho mát. Có cái thang tre bên hông nhà đó. Leo lên leo xuống nhớ cẩn thận.

Dao nằm gối đầu trên tay Cường. Trời cao và mênh mông chỉ tuyền một màu đen mượt mà như nhung, lại sang trọng nhờ điểm mấy hạt sao lấm tấm sáng như kim tuyến lăn tăn li ti. Dao nói, giọng nhẹ nhõm.

- Mình sẽ ra ga đón mọi người, anh nhé.

- Ừ, Cường đáp, xác nhận. Tàu về lúc mười hai giờ rưỡi.

Dao mơ màng,

- Như thế này thì thanh bình quả. Em lúc nào cũng muốn nằm bên anh như vậy.

- Ừ. - Cường đáp.

Dao cười nhè nhẹ:

- Chúng mình lấy nhau, rồi tối nào mình cũng nằm như vậy, anh.

- Ừ - Cường đáp.

- Bất cứ ở đâu.

- Bất cứ đâu.

- Một túp lều tranh.

- Ừ, nếu em thích ở lều tranh.

- Không, anh cũng phải thích nữa.

- Anh không thích ở lều tranh.

- Nhưng mà có em ở cùng mà.

- Có em nữa thì anh thích.

- Phải vậy chứ.

Dao đắc thắng, Cường nhìn ra xa xa. Bóng tối phủ đầy con lộ đỏ dẫn dắt nó mất hút vào giữa những mái nhà và những bãi đất hoang. Không có nơi đâu bằng thành phố mình cả. Đi khắp nơi rồi cũng không thấy nơi đâu bằng thành phố mình, không có nơi nào đủ mạnh để có thể khiến mình thử dừng chân ở lại làm ăn, cày xới, sinh con đẻ cái, cho dù chỉ là trong tưởng tượng. Cường thấy buồn ngủ lắm rồi, bầu trời như thấp dần lại, những hạt kim tuyến cứ nhòe ra. Mắt cường cụp xuống cùng những ý nghĩ lộn xộn phảng phất nhanh qua đầu. Đám phụ nữ bao giờ cũng phức tạp với một lô một lốc những câu hỏi và mối quan tâm nhỏ nhặt. Những chuyện nhỏ nhặt ấy lúc nào cũng có thể khiến họ suy nghĩ được, và suy nghĩ ở bất cứ đâu. Trời nóng bức thế này mà nói những chuyện ấy thì không hợp chút nào. Mà sao lạ quá, xung quanh rộng mênh mông như thế này mà không hề có một tí gió ngang qua. Hay gió Lào có nghĩa là chẳng có một cơn gió nào cả. Thôi, mình ngủ đây, mình đang ngủ đây, không thể chống cự được nữa rồi.

Khi mở mắt ra thì Dao giật mình vì một đầu thuốc là chập chờn trong góc. Đốm lửa rực lên theo mỗi lần rít soi mập mà bóng một gã thanh niên tóc tai rối bời, áo đen phanh ngực bỏ trong quần như dân thành thị, chân lại có đi giày, mũi giày hình như hơi nhọn quá.

- Đẹp đôi lắm.

Tay thanh niên lên tiếng, giọng nhựa nhựa kèm một mùi rượu nồng nặc.

Cả hai ngồi yên mất một lúc không nói gì. Nhưng trong lòng tràn lên một nỗi bất an. Cường đứng dậy, nói.

- Xuống, em.

Dao líu ríu đứng dậy. Gã thanh niên đến gần, bảo.

- Không nhận ra người quen à.

Dao giật mình, nhìn.

- Thấy quen quen. Không nhớ tên.

Gã thanh niên, bỡn cợt, giọng lè nhè.

- Em càng ngày càng đẹp, nhất là nằm hớ hênh như lúc nãy. Nào, thử nhớ tên anh xem.

Cường chắn ngang.

- Muốn gì?

Gã thanh niên ngửa mặt lên,

- Tao đang nói chuyện với bạn cũ.

Dao giận dữ, giọng run lên,

- Tôi không quen với anh.

Gã thanh niên mặt dí sát vào Dao mà phả ra cái mùi tởm lợm.

- Nhớ lại xem nào.

Cường đẩy phát gã ra, tay chạm phải cái da ngực mỏng nhơn nhớt, cố ghìm giọng xuống.

- Cút mẹ mày đi, thằng vô học.

Gã thanh niên xám mặt choáng váng lui lại. Cường không kìm được nữa, hất gã ngã tựa vào mái ngói, miệng gầm lên chỉ vừa đủ cả hai nghe thấy.

- Đừng có chọc vào tao. Mày tưởng đây là đất của mày à. Tưởng giở trò được à. Tưởng không có luật à?

Có tiếng chân bước lên cầu thang, bác Hép hỏi.

- Chuyện gì thế?

Trước tiên là cái mũ vải, rồi cả nửa người của ông nhô lên. Mắt ông dừng ở gã thanh niên.

- Mày làm gì ở đây?

Gã thanh niên lúng túng.

- Tôi đang nói chuyện với bạn.

Bác Hép cắt ngang.

- Ai mà là bạn với thằng say xỉn như mày. Xuống.

Gã thanh niên lì lợm.

- Không xuống.

Bác Hép không hề giận dữ, chỉ lặp lại, giọng chắc nịch

- Xuống.

Gã thanh niên líu ríu bước xuống, leo lên xe máy, loạng choạng, vừa phóng đi vừa hét lên giọng uất ức,

- Đồ chó.

Bác Hép nói lấp đi:

- Còn mấy tiếng nữa là tàu về đến. Chịu khó chờ chút xíu. Nó có quen với cháu thật à?

- Làm gì có, phải không. Nó đã từng học trên thành phố đấy. Ai mà quen với nó, cái thằng mạt hạng ấy.

Dao cứ cảm thấy bứt rứt trong chiếc ghế bành gỗ, hai tay ôm chặt túi xách trong lòng.

- Em muốn về nhà.

- Vớ vẩn.

- Em nhớ ra rồi. Tay này là anh họ của Bình.

Cường bực dọc:

- Nó chẳng là cái gì để em phải nói cả. Quên đi.

Đồng hồ chỉ mười một giờ, cái kim tích tắc nhảy từng bước một chậm chạm, âm thanh mỗi lúc một rõ hơn, tiếng đánh nghe gọn ghẽ. Trong đêm khuya mông lung thế này mới biết âm thanh đơn điệu đó dễ sợ biết chừng nào,

Bác Hép nói bâng quơ:

- Ngày mai là vui rồi, có bạn có bè, đi chơi thoải mái. Biển cũng gần đây. Cua ghẹ mùa này cũng chắc.

Cường ngồi nhìn ra đường, nhớ có lần Dao giải thích rằng người Hoa không bao giờ tặng nhau đồng hồ treo tường vì tiếng kêu của nó nghe như đám tang. Rồi có một lần, Cường kể chuyện này cho một tay khách hàng ngoại quốc, y nghe xong cười ngạo mạn, "Thế nếu tôi tặng cái đồng hồ treo tường Rolex thì có chịu nhận không." Cường ngồi nghĩ bâng quơ tất cả những điều đó cùng với cả việc gió Lào chắc cũng chỉ là một chuyện bịa đặt, vì nào có thấy một ngọn gió nào đâu. Trời cứ oi oi, bức bối khó chịu, thịt da cứ như săn lại, tươm tướp mồ hôi dính dấp ở cổ, ở gáy, ở khắp mọi nơi trong người. Dao vẫn ôm chặt cái túi xách ngồi trong góc ghế, mặt vẫn lộ vẻ buồn ngủ.

- Em muốn về nhà.

Cường chợt thấy Dao sao mà nhỏ bé quá, như là trẻ con, dễ vỡ quá khiến chính Cường cũng trở nên nhỏ bé nốt, cũng đâm ra mất tự tin, như thế một người phải mang một cái gì đó nặng nề trên vai không đi nhanh được, nên không đi kịp người khác. Cường nói.

- Anh muốn tắm một cái quá. Em buồn ngủ thì cứ làm một giấc, lát nữa anh gọi.

Bác Hép tán đồng:

- Giờ mà tắm một cái thì khỏe, nước giếng ở đây được tiếng mát, tiếng lành lắm đấy, nhất là vào mùa này.

Cường tháo giày đi chân trần ra vườn. Lối đi mát rượi. Bác Hép cầm cây đèn rọi hướng ra phía sau nhà, hỏi.

- Tìm thấy giếng chưa?

Cường đáp.

- Dạ rồi.

Và thế là bác Hép cầm đèn đi vào. Bóng tối ngay lập tức áp xuống đen kịt. Cường cởi hết áo quần trải trên đầu những bụi ớt và cảm thấy thoải mái hẳn. Cái gàu va vào thành giếng nghe lục cục vọng lên như người nào gõ vào vách đá phía dưới. Giếng thật sâu, gàu thả mãi mà vẫn không tới nước, mãi tới khi tưởng chừng dây đã buông hết rồi thì ạch một cái, tiếng nước vỗ vào nhau nghe mát cả người. Cường vừa kéo gầu vừa nhẩm đếm. Dễ cũng phải tới hai mươi cái kéo tay, mà cái miệng giếng thì hẹp thế kia, làm sao người ta có thể chui xuống và đào được nhỉ. Cường lại nhớ ngôi nhà xưa, có một cái giếng chung với nhà hàng xóm, một hôm có con mèo bò trên tiếp giếng bất cẩn rơi xuống cứ gào rú mãi. Tiếng kêu từ dưới đáy sâu hun hút vọng lên âm âm u u nghe cứ như tiếng người, mà lại còn thảm não hơn cả tiếng người. Giếng này cũng sâu như thế, có cố mà nhìn xuống cũng không thấy nước ở đâu, sâu hoăm hoắm, như một cái hang, không, như một cái ống dài vô tận. Cường dội liền mấy gầu, nước chảy xuống từ đỉnh đầu, vòng qua tai. Nước loang quanh quấn qua cổ, qua vai rồi xuống nữa. Đúng là mát thật, nước này thật thơm, thật lành. Phải rồi, hèn chi dân ở đây ai tóc cũng đen bóng cứng cáp, khỏe mạnh. Tất cả đều nhờ ở nước cả. Cường như tỉnh hẳn ra, mạnh mẽ, sảng khoái trở lại. Lại còn cảm thấy làn da nhạy cảm hơn, hình như bắt được cả những chút gió lạnh.

Khi xà bông đang phủ kín hết mặt thì có tiếng chân người đến bên. Cường nói.

- Mát lắm.

Nhưng không phải tiếng bác Hép. Lại không phải tiếng một người mà nhiều người. Cường đang loay hoay thì choáng váng vì nước dội thẳng vào mặt.

- Mát không. Một gã lên tiếng.

Bây giờ thì đã thấy rõ mấy cái bóng đen đứng khoanh tay nhìn. Tất cả ăn mặc cùng một kiểu thành thị quê quê, áo sơmi đen tay dài bỏ trong quần, đi giày. Một gã bình phẩm.

- Nó ở truồng.

Cái giọng đều đều như đang trích lại một cái thông tin trên báo. Cường gượng đứng thẳng, tim bị bóp thắt lại, máu dồn lên mặt mà chân thì lạnh ngắt, không chỉ chân mà cả người, lạnh từ bụng lạnh xuống những ngón chân. Khi người ta không có một tí áo quần gì trên người thì không chỉ đơn giản là sự trần truồng mà còn là một cái gì đó khủng khiếp hơn nữa. Đó là sự bất lực. Một cảm giác chênh vênh bên bờ sự sụp đổ. Cường thấy phẫn nộ ghê gớm

- Trả áo quần lại cho tôi.

- Nó nói trả lại áo quần kia - Cả bọn cười khan.

- Chúng mày muốn gì? - Giọng Cường không thoát được khỏi cổ, nghẹn lại, rít lên,

- Nó hỏi tụi mày muốn gì. - Một giọng khiêu khích.

- Nó hỏi ai?

- Nó hỏi tất cả tụi mình.

Một giọng bỡn cợt. Rồi tất cả im lặng. Cái giọng nhừa nhựa lúc nãy lên tiếng, càng lúc càng mất bình tĩnh.

- Tụi tao mà muốn gì ở mày lúc trần truồng như thế này. Thử nhìn lại mày xem. Cô bạn gái xinh đẹp của mày đâu rồi. Cái áo xịn đâu rồi. Đôi giày xịn đâu rồi. Mày có cái gì, chẳng có gì cả. Lột tuốt những thứ ấy ra thì mày có cái gì mà người ta cần. Chẳng có gì cả.

- Mẹ mày. - Cường gầm lên.

- Mẹ mày. - Một gã đáp lại ngay lập tức.

Cái giọng nhừa nhựa ấy lại lên tiếng, bình tĩnh hơn.

- Giờ thì giống nhau như cả thôi. Đừng có phân biệt là có học với vô học nhé, nông thôn với thành thị. Cái học của mày cũng bị lột truồng đi rồi. Đồ bỏ.

Cường không nói được nữa, lao tới, hai tay chộp lấy cái cổ họng nhờn nhờn ấy mà bóp, nhưng một cú thúc đầu gối ở be sườn khiến Cường khụy xuống, tưởng như đứt hơi, cơn đau nhói lên tận đỉnh đầu. Cường từ từ nằm bệt xuống đất, và cứ nằm như thế mất mấy giây, bất động, cái thân hình dài ngoằn trần truồng cuộn bên thành giếng.

- Ném nó xuống giếng.

- Ừ, ném xuống giếng.

Cường nhắm mắt lại như nhìn thấy một cái hang hẹp tối đen thăm thẳm, hun hút, nhưng không thấy sợ hãi nhiều, chỉ thấy lạnh lẽo khiến người càng lúc càng cong lại. Cường nhớ con chó lông xù ở nhà, bao giờ cũng oai phong như một con sư tử con với bờm, đuôi, lông lá đầy đủ cả, thế nhưng mỗi khi tắm thì bẹp dúm, lông lá xẹp lép dán vào da thịt, và lúc ấy lộ nguyên hình là một con chó tí xíu bằng nắm tay. Bây giờ Cường cũng thế thôi, co quắp và nhỏ xíu. Hình như cái bụng đã bắt đầu trở lạnh rồi, lạnh quặn lên, khiến cái lưng đang nằm trên đất lấp xấp nước rung lên từng đợt. Chúng nó sẽ ném mình xuống giếng thật à. Một mét rưỡi đường kính và mười mét sâu, đó không phải là cái giếng nữa mà là cổ họng một con quái vật. Một con quái vật xa lạ, vô tình, không cần biết ai là ai cả.

Tiếng bác Hép từ trong nhà vọng ra.

- Anh vào nhanh thôi. Tàu đêm sắp đến rồi.

Cường ngồi dậy dò tìm áo. Xung quanh vắng không, tối đen như mực. Áo quần bị nghiến bẹp dí dưới sình đất có nước loang loáng chảy nhè nhẹ qua. Phải khó khăn lắm mới quấn được một cái gì đó quanh người, Cường đi chân trần qua bãi đất lộm cộm những lá khô và hạt cỏ vào nhà. Dao vẫn ngồi với tư thế ấy nhưng đầu đã ngoẹo trên bàn ngủ ngon lành. Bác Hép hỏi,

- Tắm đã đời chưa.

- Đã lắm - Cường đáp.

Bác Hép nói:

- Tôi biết mà. Nước ở dây là lành nhất, thơm nhất, ngọt nhất. Không phải là loại nước nghe nói có đầy Clo như ở thành phố đâu.

Đồng hồ chỉ mười hai giờ kém mười lăm. Cường nói:

- Ra ga đón tàu đêm.

Bác Hép nói:

- Đó cũng là một cái thú.

Rồi nhìn Dao, ông bảo.

- Cậu vào mặc áo quần đi, để tôi thúc cô ấy dậy cho. Tôi biết cách đánh thức người ta dậy mà không khiến họ giật mình.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa
Văn nghệ Trẻ, số 27/1997
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở
Hội Nhà văn TP.HCM: Tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V

Hội Nhà văn TP.HCM: Tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V

Baovannghe.vn - Với chủ đề "Đồng hành khát vọng phương Nam", Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V, sẽ được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức ngày 11/10 tại hội trường 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM
Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Baovannghe.vn - Những trận chiến ác liệt. Những cây thốt nốt và cánh rừng khộp vào mùa thay lá. Những cơn mưa rừng kéo dài lở đất, lở rừng... người lính ví như cuộc viễn chinh trên sa mạc
Bản tin Văn nghệ: Tiếp tục chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Bản tin Văn nghệ: Tiếp tục chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Baovannghe.vn - Ngày hội Văn hoá vì Hoà bình; Chương trình nghệ thuật "Những cảm xúc tháng 10" và Triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” là điểm nhấn.
Tin buồn và Danh sách Ban Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Tin buồn và Danh sách Ban Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Baovannghe.vn - Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: