Văn hóa nghệ thuật

"Nhật ký trong tù"bằng tiếng Italia qua 6 lần tái bản

Võ Xuân Quế
Sách
08:32 | 20/08/2024
Baovannghe.vn - Bản dịch Diario dal carcere của Joyce Lussu được xếp vào nhóm bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng nước ngoài được tái bản lại nhiều lần nhất,
aa

So với một số ngôn ngữ, như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bengali, tiếng Sinhali…, tiếng Italia không thuộc nhóm ngôn ngữ có nhiều bản dịch “Nhật ký trong tù” và không có nhiều dịch giả. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1967 đến nay đã hơn nửa thế kỷ, tiếng Italia chỉ có một bản dịch “Nhật ký trong tù” với tựa đề Diario dal carcere do dịch giả Joyce Lussu thực hiện, nhà xuất bản Tindalo xuất bản lần đầu tiên ở Roma.

Tuy nhiên, bản dịch Diario dal carcere của Joyce Lussu lại được xếp vào nhóm bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng nước ngoài được tái bản lại nhiều lần nhất, cùng với bản dịch tiếng Anh Prison Diary của Aileen Palmer, Prison Diary của Đặng Thế Bính và bản tiếng Malayalam của Koyamparambath Satchidanandan. Tính đến năm 2021, Diario dal carcere đã được xuất bản tới 6 lần qua các nhà xuất bản khác nhau ở Italia.

Diario dal carcere gồm 73 bài thơ được dịch sang thơ tự do tiếng Italia. Mặc dù dịch giả Joyce Lussu không nói rõ các bài thơ được dịch từ nguồn nào, song nhìn vào năng lực am tường tiếng nước ngoài của bà (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Bồ Đào Nha) và đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp, có thể thấy Joyce Lussu đã thực hiện bản dịch của mình từ bản dịch tiếng Pháp Carnet de Prison của Phan Nhuận. Cái khác là số lượng bài thơ dịch trong Diario dal carcere chỉ 73 bài, cũng ít hơn (3 bài) so với bản nguồn tiếng Pháp (gồm 76 bài) và thứ tự các bài thơ cũng không được sắp xếp theo thứ tự như trong Carnet de Prision.

Trong lần xuất bản đầu tiên vào tháng 7 năm 1967, Diario dal carcere chỉ đánh số bài thơ dịch từ 1 đến 73 chứ không đánh số trang, song chúng tôi đếm được bản in gồm 144 trang. Ngoài 73 bài thơ dịch, bản in còn có “Lời nói đầu” của Lelio Basso với tiêu để “scrivere in attesa della libertà” (tạm dịch: Viết trong khi chờ tự do) và cuối sách có bài viết 49 trang với tựa đề “Lo zio Ho e la rivoluzione” (tạm dịch: Bác Hồ với Cách mạng) của Võ Nguyên Giáp.

Năm 1968, Diario dal carcere được Tindalo xuất bản lần thứ 2 với 222 trang. Ngoài 73 bài thơ dịch, “Lời nói đầu” của Lelio Basso và bài của Võ Nguyên Giáp, ở cuối sách có thêm 2 bài viết khác về Hồ Chí Minh của Nguyễn Lương Bằng và Phạm Văn Đồng. Bản dịch này đã được tác giả Lê Hồng Hà giới thiệu vắn tắt trong mục “Thông tin - Tư liệu” trong “Nội san” của Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2008. Tuy nhiên, thay bằng “bà” bài viết đã gọi dịch giả Joyce Lussu là “ông” và ảnh bìa cuốn sách dịch in trong bài là bìa của bản in xuất bản lần thứ nhất năm 1967, chứ không phải bản in năm 1968.

Năm 1972 bản dịch Diario dal carcere gồm 150 trang được Garzanti in lại ở Milano với “Lời giới thiệu” của Harrison E. Salisbury (được in lần đầu trong The Prison Diary of Ho Chi Minh (bản dịch của Aileen Palmer) do Bantam Books xuất bản ở Mỹ năm 1971 và “Lời nói đầu” của Phan Nhuận được in lần đầu trong bản dịch Carnet de Prision do Oaris: Pierre Seghers xuất bản năm 1963.

Năm 1978, Bản dịch của Joyce Lussu được Newton Compton editori xuất bản lại ở Roma với tiêu đề Ho Chi Minh, Poesie (Hồ Chí Minh, Thơ). Bản in gồm 135 trang. Ngoài 73 bài thơ dịch từ Diario dal carcere, có “Lời nói đầu” của Lelio Basso được in trong bản in năm 1967 và 1968 còn có bài “Prefazione alla nuova edizione” (Lời nói đầu cho bản in mới) cũng của Lelio Basso và “Lời giới thiệu” bản dịch của Joyce Lussu. Cuối sách có bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Phạm Văn Đồng.

Tháng 3 năm 2015 Diario dal carcere được Gwynplaine xuất bản lại. Bản dịch do Chiara Cretella và Giacomo Ferrarello biên tập gồm 155 trang. Ngoài 73 bài thơ dịch còn có bài viết về Hồ Chí Minh của Võ Nguyên Giáp.

Gần đây nhất là vào tháng 9 năm 2021 Diario dal carcere được Iduna Edtrice xuất bản lại với 142 trang. Ngoài 73 bài thơ dịch của Joyce Lussu, bản in này có “Lời giới thiệu” của Luca Lezzi.

Thử tìm hiểu qua các bài thơ dịch chúng tôi nhận thấy: tuy không “cực đoan” lược bỏ tiêu đề các bài thơ trong bản nguồn Prison Diary của Aileen Palmer khi dịch sang tiếng Anh như nhà thơ John Birtwhistle, nhưng bản dịch Diario dal carcere của Joyce Lussu cũng khác với hầu hết bản dịch của các ngôn ngữ khác ở chỗ tiêu đề của một số bài thơ được dịch giả đặt theo nội dung ý nghĩa của bài thơ chứ không dịch nghĩa theo tiêu đề từ bản nguồn.

Bìa Bản dịch Diario dal Carcere qua 6 lần xuất bản (Ảnh: VXQ)

Chẳng hạn, bài số 130 “Vãn cảnh” (Trời hửng) trong nguyên bản 獄中日記 (Ngục trung nhật ký) được Phan Nhuận dịch là “Beau Fixe” trong bản dịch tiếng Pháp Carnet de Prision, song Joyce Lussu dịch là “Dopo il dolore, la gioia” (tạm dịch: Hết đau khổ là niềm vui). Hay bài “Lai Tân” (Số 96) được dịch là “A Lai Pin” trong bản dịch Carnet de Prison, song Joyce Lussu dịch là “Vecchia Cina” (Tạm dịch: Trung Hoa cổ xưa) xuất phát từ chú thích này trong bản dịch tiếng Pháp: “La Grande Paix (T’ai P’ing), c’est la Pax Romana de la Chine Impériale: la Paix des Madarins.”

Diario dal carcere cũng không mở đầu với 4 câu đề tựa hay “trang đầu tiên của nhật ký” như bản nguồn tiếng Pháp cũng như bản dịch của các ngôn ngữ khác mà mở đầu bằng một bài với tựa đề do dịch giả đặt, “La rosa” (Hoa hồng) và được đánh số 1 trong lần xuất bản đầu tiên (năm 1967). Đó chính là bài số 113 có tiêu đề “晚景 (Vãn cảnh – Cảnh chiều hôm) trong nguyên bản 獄中日記 (Ngục trung nhật ký), được Phan Nhuận dịch là “L'air d'un soir” trong bản dịch tiếng Pháp.

Cả hai bản dịch đều kết thúc bằng bài thơ cuối cùng “Mới ra tù tập leo núi” trong nguyên bản, song trong khi tựa đề của bản nguồn tiếng Pháp dịch sát nghĩa hơn với nguyên bản là “Libéré, je m'entraîne en vue de franchir les montagnes” thì bản tiếng Italia dịch ngắn gọn hơn là “Fuori dal carcere”.

Một điều cũng cần biết thêm, Lelio Basso, người 2 lần viết “Lời giới thiệu” cho bản dịch Diario dal carcere là một luật sư, thành viên đảng xã hội dân chủ Italia, nhà khoa học chính trị, đồng thời cũng là một nhà báo. Ông là một trong những người sáng lập Phong trào Đoàn kết vô sản (Movimento di Unità Proletaria (MUP) sau đó hợp nhất với Đảng Xã hội dân chủ Italia và phó thư ký của tổ chức này.

Lelio Basso cũng là luật sư trong đoàn chủ tịch Tòa án hình sự Quốc tế năm 1958 ở Stockholm do Bertrand Russell khởi xướng để luận tội chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vào năm 1973, ông tổ chức phiên tòa thứ hai để xem xét việc đàn áp ở Châu Mỹ La Tinh. Ông là người tích cực vận động cho việc thành lập Permanent Peoples' Tribunal (PPT) (Tổ chức về quyền con người) năm 1979 và là người khởi thảo Bản tuyên Ngôn về Nhân quyền. Năm 1973 ông thành lập Quỹ Lelio Basso ở Rome, hoạt động tới ngày nay.

Nữ nhà văn Joyce Lussu - người góp phần lan tỏa Nhật ký trong tù

Joyce Lussu (tên khai sinh là Gioconda Beatrice Salvadori Paleotti) sinh năm 1912 ở Florence (Italia) trong một gia đình thuộc dòng dõi danh giá người Anh. Cả cha và mẹ bà đều là những nhà văn có tư tưởng tiến bộ, chống chủ nghĩa phát xít. Năm 1924 khi Joyce mới 12 tuổi cha mẹ bà đã đưa cả gia đình trốn sang Thụy Sĩ và sống ở đó cho đến khi chế độ Mussolini sụp đổ vào năm 1943.

Dù đến trường học ở Thụy Sĩ nhưng hàng năm Joyce đều trở về Italia để tham gia các kỳ thi cho đến khi tốt nghiệp trung học. Ngoài tiếng Italia và tiếng Anh bà học thêm tiếng Pháp và tiếng Đức, sau đó sang Đức để học đại học ở Heidelberg. Tuy nhiên, sự xuất hiện và trỗi dậy của Chủ nghĩa Quốc xã đã buộc Joyce phải trở về Thụy Sĩ, tham gia phong trào Công lý và Tự do (GL) chống phát xít, do Emilio Lussu lãnh đạo. Từ đó Joyce gặp và yêu Emilio Lussu, nhưng không kết hôn.

Dịch giả Joyce Lussu (1912-1998). Ảnh: Internet

Năm 1934, sau khi kết hôn với một chủ đất giàu có theo chủ nghĩa phát xít, Joyce cùng chồng đến Kenya. Việc kinh doanh thất bại và cuộc hôn nhân của hai người đổ vỡ. Tuy nhiên, Joyce không rời Châu Phi mà chuyển đến Tanganyika và ở lại đến năm 1938.

Năm 1939 bà trở về Châu Âu, hoạt động trở lại trong phong trào GL và gặp lại Emilio Lussu. Hai người kết hôn và cùng hoạt động chống phát xít ở Pháp. Emilio và Joyce cùng chia sẻ quan điểm về sự bình đẳng nam nữ, và Joyce đã tham gia vào nhiều hoạt động mạo hiểm nhất của nhóm, làm giả giấy tờ cho những người bị phát xít truy lùng. Công việc này đã đưa họ đến Bồ Đào Nha, sau đó đến Anh.

Năm 1943 Joyce Lussu trở về Italia. Năm 1944 bà sinh con trai đầu lòng và duy nhất ở Rome. Cuối năm đó bà cùng con trai về sống ở Sardinia, quê hương Emilio. Joyce Lussu chia sẻ cuộc sống cùng người dân quê nơi đây, tiếp tục đấu tranh cho nữ quyền và những người yếu thế. Joyce gia nhập đảng Hành động (Partito d’Azione) của Italia, hoạt động cùng với Eminlo trong Đảng Xã hội Italia và trở thành một trong những nhà lãnh đạo quốc gia của Hội Phụ nữ Italia (UDI).

Năm 1953 bà đã rời khỏi Hội Phụ nữ và để thoát khỏi cái “bóng” là vợ của Emilo, trong những năm tiếp theo Joyce Joyce tham gia Phong trào Hòa bình Thế giới đi khắp châu Âu với các hoạt chống chủ nghĩa đế quốc và từ đây bắt đầu sự nghiệp dịch thuật. Trong một lần tham dự hoạt động như thế ở Stockholm vào năm 1958 Joyce Lussu đã gặp và kết bạn với nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet.

Ngưỡng mộ tính chiến đấu trong thơ Hikmet và cùng chia sẻ niềm tin rằng điều cốt yếu không phải là ngôn ngữ mà là có cùng lý tưởng sống nên Joyce Lussu bắt đầu dịch thơ Hikmet sang tiếng Italia, mặc dù bà không biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bà quan niệm: “Dịch thơ không phải là một công việc học thuật và ngữ văn khô khan trong sự phức tạp về ngữ pháp và cú pháp của một ngôn ngữ. Dịch thơ là nỗ lực để hiểu và làm cho nó tồn tại. Chúng ta chỉ cần (nhưng điều này là cần thiết) chia sẻ với nhà thơ một thái độ chung hướng tới cuộc sống con người.” Quan niệm dịch thuật của bà đã tạo nên một xu hướng riêng trong dịch thuật.

Bà coi việc dịch của mình như là hành động đấu tranh chống áp bức, đòi tự do bình đẳng cho các dân tộc yếu thế và bắt đầu dịch các tác phẩm tiêu biểu của họ. Từ năm 1958 đến năm 1970, bà dịch tác phẩm của các nhà thơ Mozambique (José Craveirinha, Marcelino dos Santos, Virgílio de Lemos và Rui Nogar), Angola (Agostinho Neto), Cape Verde (Kaoberdiano Dambarà), Kurd (Gegherxhuín và Abdullah Goran), Việt Nam (Hồ Chí Minh)… Tổng cộng bà đã dịch và xuất bản 12 tác phẩm thơ của các nhà thơ nước ngoài viết bằng các ngôn ngữ ít được biết đến ở phương tây. Cùng với việc dịch và sáng tác trong những năm 1968-1972 Joyce Lussu hăng hái tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên, nhất là các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và tiếp tục hoạt động trong phong trào nữ quyền.

Bên cạnh 12 tác phẩm dịch (trong đó có 4 tác phẩm dịch thơ Nazim Hikmet), Joyce Lussu đã sáng tác 10 tác phẩm văn xuôi, trong đó được biết đến nhiều nhất là các tác phẩm: Fronti e frontiere (1945) và Tradurre poesia (1967), Padre, padrone, padreterno (1976) và Portrait (1988).

Sau khi Emilo Lussu qua đời năm 1975, Joyce Lussu trở về nhà của gia đình ở Le Marche tiếp tục nghiên cứu và viết về những trải nghiệm của mình qua nhiều miền đất. Bà qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 1998 ở Rome, ở tuổi 86. Joyce Lussu đã được chính phủ Italia trao tặng huân chương bạc vào năm 1966 về những đóng góp to lớn trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh.

Cuộc đời và lý tưởng sống của Joyce Lussu khá giống với Aileen Palmer (1915-1998), nhà văn, dịch giả Australia, người dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh Prison Diary. Cả hai đều là những nữ nhà văn, nữ chiến sĩ tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít cùng thời và cùng mất năm 1998. Họ cũng là hai dịch giả tiêu biểu trong số ít những nữ dịch giả của Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài. Điều đáng tiếc là dịch phẩm Diario dal carcere cũng như cuộc đời bà và một tác phẩm nổi tiếng của bà chưa được biết nhiều ở Việt Nam.

Võ Xuân Quế | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bản dịch 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Na Uy có gì đặc biệt? Những bản nhạc với lời ca từ Nhật ký trong tù Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” Triển lãm "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động" ở quê hương Lenin Dịch sách Việt ra thế giới : Vẫn là con đường “tự thân vận động”.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.