Diễn đàn lý luận

"Đồng dao cho người lớn" - Thơ Nguyễn Trọng Tạo

Nguyễn Trọng Tạo
Lý luận phê bình
07:20 | 15/08/2024
Baovannghe.vn - Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của người nhàn. Ông như vừa thong thả lao động, thong thả tản bộ, và thong thả nêu ra điều suy nghĩ tinh vi...
aa

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019)

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi

có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi

có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở

có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

LỜI BÌNH của Đỗ Trọng Khơi:

Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của người nhàn. Ông như vừa thong thả lao động, thong thả tản bộ, và thong thả nêu ra điều suy nghĩ tinh vi và sâu sắc về cuộc đời. Nhờ ở cái cách, cái khí cốt ấy, thơ ông có chỗ đạt tới sự minh triết. Xét vậy, cách nhàn cũng là cả một sự học, sự tu dưỡng mới có. Thưởng thơ ông gây cho ta cảm khoái về cảnh phiêu dật, tiêu sái của trời xưa, người xưa. Xưa mà vẫn mới lạ. Ấy là sự thành của ông ở cõi này.

Đồng dao cho người lớn phản ánh tiêu biểu cho cái cảnh - tình ấy.

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

có con người sống mà như qua đời

Thể đồng dao thường được hồn dân gian nuôi ở nhịp bốn chữ. Đồng dao của Nguyễn Trọng Tao viết ở thể tám chữ. Nhưng soi chẻ rạch ròi thấy thực chất vẫn tiếp nối thể bốn chữ dân gian. Là một nhạc sĩ, nên ông đã khéo đưa cái tài nhạc sang thơ, chuyển nhịp 4/4 (nhịp phức) sang nhịp 2/8 (nhịp đơn). Sự công phu gây hiệu qủa là, ở dạng nhịp đơn (8 chữ) nhịp điệu thơ chuyển nhanh hơn, sáng hơn; bởi vậy, ông dấu được kín hơn cái ẩn ý của sự so sánh, tính đối chứng. Ông đã lấy cái sáng, cái trong trẻo của nhạc điệu để ém giấu cái u uẩn, cái nhòe mờ của tư tưởng tình cảm. Nào là cái chết (cánh rừng chết) nhưng lại vẫn xanh; nào là sự sống (con người sống) nhưng lại như đã qua đời... Sự hữu hạn lồng trong sự vô hạn, và ngược lại...

Hữu hạn hay vô hạn không nằm ở hình thể vật chất mà nằm sâu trong tâm thể, tâm lý của tình. Hai câu thơ mở bài là một nốt đồng dao suy nghiệm do tình, là khúc dạo nhanh bắt vào bài thơ. Nốt nhấn tư tưởng thực sự lộ ra ở câu thơ thứ 3: Có câu trả lời biến thành câu hỏi... Thơ khơi lộ một mạch sống, cái mạch sống này do thiếu tính cơ bản, tính chân lý, hay là sự khơi lộ lên một cuộc vận động không ngừng của bản chất chung mang tính quy luật của đời sống? Một dấu hiệu bất khả tri của Kant. Nhưng có lẽ ý tưởng thơ của câu thơ này nghiêng về sự bất lực của tư tưởng - cấu trúc đời sống xã hội hơn là sự bất khả tri của tri thức(!). Chính bởi vậy, tính trớ trêu, chênh vênh của cảnh của tình mới liên tiếp thể hiện:

có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới...

có cả đất trời mà không nhà ở...

Bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ 2 câu. Bốn khổ trên là một bức ký hoành tráng, vẽ ra lẽ mất - còn ở đời, và tình thơ nghiêng về gam màu tối. Phải tới hai khổ cuối bài, tình thơ mới sáng lên, bay trên đôi cánh phấn thích của niềm hy vọng. Lạc quan - hy vọng, một cội sinh tất yếu phải có cho sự tồn tại, cho tình yêu.

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

và:

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...

Thơ vẽ lên một ảnh cười Di Đà. Nghìn năm vốn cũng chỉ trong chớp mắt. Thì những cái sự, cái tình kia là gì? Có chăng, chỉ là cái nếp nhăn mờ trong nét cười xám của cỏ, của chốn tịnh không trong hồn thi nhân mà thôi. Thơ như thế, chẳng tiêu dật, tiêu sái lắm ư?

Thơ như thế, quyết không thể sinh ở cõi nhọc, mà chỉ có thể sinh ở cõi nhàn.

Chợt nhớ cái cội sắc thơ Nguyễn Trãi "Mai rung hoa đeo bóng" rơi đã từ 600 năm rồi, nay còn "đeo bóng" nhuận sắc điểm màu cho cành thi ca Nguyễn Trọng Tạo? Cái dư ảnh của mệnh văn mãi còn chớp sáng, gây tình kỳ ngộ, se duyên bút mực đến vậy sao!

Đỗ Trọng Khơi | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Sổ tay Thơ Không đề - Thơ Trần Vạn Giã Nợ duyên - Thơ Bùi Quý Thực Kẻ lạc thời Cộng hưởng - Thơ Đoàn Mạnh Phương
Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.