Diễn đàn lý luận

Dùng từ sai, không chuẩn

Nguyễn Đình San
Lý luận phê bình
11:30 | 09/11/2024
Baovannghe.vn - Trong nói, viết, do thói quen, nhiều người - kể cả giới trí thức, học giả, thậm chí viết báo, viết văn thường nhầm lẫn một số từ thông dụng.
aa

Điểm yếuyếu điểm khác nhau. Điểm yếu là khuyết điểm, nhược điểm, là cái phần dở (không mạnh). Còn yếu điểm là cái chính, có thể dở, có thể hay. Âm tiết yếu trong từ điểm yếu là yếu, mạnh. Còn trong từ yếu điểm là mang nghĩa chính, phụ. Ta từng nghe nhiều học giả nước ngoài nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là một yếu nhân đã làm nên lịch sử cho dân tộc Việt Nam”. Người dịch đã tỏ ra rất chính xác khi dùng từ “yếu nhân” trong trường hợp này. Nói: “Yếu điểm của chúng ta hiện nay là chưa có một đội ngũ quản lý kinh tế thực sự tài năng, vững vàng” là không chính xác, mà phải nói: “điểm yếu của chúng ta…”. Phải nói: “điểm yếu của chúng ta là rất nhiều anh chị em tuy có nhiệt tình, có kinh nghiệm và nhận thức tốt nhưng chưa được đào tạo chính quy, có hệ thống kiến thức và chuyên môn” thay vì nói “yếu điểm của chúng ta..” Nói “yếu điểm của anh ấy là rất thông minh, nhạy cảm và năng động” là chuẩn nếu ưu điểm trên là nét nổi bật, rõ nhất của đối tượng. Nhiều người dễ cho rằng nói vậy là sai vì cứ tưởng yếu điểmkhuyết điểm (lầm lẫn với điểm yếu). Thông thường ta vẫn nói: Chiến tranh nhân dân chính là nguyên nhân lớn dẫn đến thắng lợi cuối cùng của chúng ta với những giặc ngoại xâm, có vũ khí tối tân gấp bội”. Nhưng nếu nói: “Chiến tranh nhân dân là yếu điểm dẫn đến…” cũng hoàn toàn chính xác, bởi như đã nói ở trên, yếu điểm là điểm chính, cốt yếu. Tuy nhiên nói như trường hợp thứ hai có vẻ như chưa quen, chưa thuận miệng, nhưng chúng ta phải làm quen dần với cái đúng, cái chuẩn xác, khoa học, không thể cứ quen mãi với cái sai.

Dùng từ sai, không chuẩn
Ảnh Amorim

Tồn tại là một từ bị rất nhiều người dùng sai. Ta luôn nghe được ở các hội nghị, hội thảo, trên báo chí và khắp nơi: “Đơn vị chúng ta năm qua đã hoàn thành tốt kế hoạch, tuy vậy vẫn còn một số tồn tại…”; “Thời gian tới chúng ta phải kiên quyết khắc phục một số tồn tại…”; “Tồn tại của chúng ta còn nhiều nên đã hạn chế thành tích chung…” Trong bản tự kiểm điểm công tác của nhiều người, có cả các vị có kiến thức lớn cũng đã viết: “Bên cạnh những ưu điểm trên, tôi còn một số tồn tại…”. Những câu nói, câu viết trên chứng tỏ tác giả đã đồng nghĩa tồn tại với khuyết điểm, nhược điểm - những cái dở, yếu kém cần phải khắc phục. Rất nhầm. Tồn tại là một từ trong triết học chỉ tất cả những gì đang có, hiện hữu. Những cái đó đã tồn tại - tức là đã xuất hiện - nằm ngoài ý thức chủ quan của con người. Người ta muốn công nhận hay không công nhận cũng chẳng được. Mọi thứ vẫn cứ tồn tại. Ví dụ: Trước mắt ta là một con đường đẹp, thẳng tắp, dù ai cứ cố tình phủ nhận cũng không được, bởi con đường đang tồn tại kia. Có thể có những kẻ cố tình không thấy công cuộc đổi mới của nước ta đã thu được rất nhiều thành tựu, cố tình phủ nhận, thậm chí xuyên tạc, nhưng công cuộc ấy đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở tất cả mọi lĩnh vực xã hội. Nó đang tồn tại. Người ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ nắm được.

Chủ nghĩa xã hội là danh từ, còn xã hội chủ nghĩa là tính từ, không thể nhầm lẫn. Vậy mà không ít người cứ nói: “Chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu…”. Phải nói: “Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội…” hoặc “Chúng ta xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa …” (phải có hai từ xã hội liền nhau vì sau từ xây dựng - là động từ - phải là danh từ, chứ không thể tính từ).

Cổ điển khác với cổ hủ, cổ lỗ. Cổ điển là một phương pháp sáng tác của văn học nghệ thuật ở Pháp thế kỷ XVII, tiêu biểu là các nhà viết kịch Cooc-Nây, Ra-Xin với luật tam nhất rất chặt chẽ trong sân khấu. Rộng hơn, cổ điển chỉ những giá trị mẫu mực đã được thừa nhận qua các thời đại, ví như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam. Còn cổ lỗ, cổ hủ chỉ sự lạc hậu, cũ kỹ, lỗi thời. Nhiều người nói: “Các cụ ta ngày xưa quan niệm rất cổ điển về quan hệ trai gái …”. Phải sử dụng từ cổ hủ thay thế trong câu nói trên. Một nhà tuyên huấn đã nói chuyện trong câu lạc bộ tuyên giáo nọ: “Nếu chúng ta không thay đổi nếp suy nghĩ đến hôm nay đã trở nên rất cổ điển thì khó lòng tiến kịp thời đại…”. Phải dùng từ lạc hậu thay thế từ cổ điển trong trường hợp trên.

Để chỉ những việc làm mờ ám, gian dối, biển lận, có tính chất che giấu để đạt được lợi ích cá nhân một cách không đàng hoàng, người ta dùng từ khuất tất. Từ này không dùng để chỉ những việc làm dở, xấu chung chung. Nói: “Vụ án này cần phải được điều tra lại vì nhiều điều chưa được sáng tỏ do những người đầu tiên bắt tay vào điều tra có biểu hiện khuất tất” là chính xác. Nhưng nếu nói: “Kẻ phạm tội trả lời có nhiều điều khuất tất” là không chính xác. Từ này chỉ hành động, việc làm chứ không chỉ lời nói. Câu trên cần được nói (hoặc viết) lại như sau mới đúng: “Kẻ phạm tội trả lời có nhiều điều không đúng với sự thật, không khớp với những chứng cứ”. Nói: “Bản thành tích của anh ta còn khuất tất” là không đúng mà phải nói: “Bản thành tích của anh ta còn đáng nghi ngờ vì chưa chắc đã đúng sự thật” hoặc nói: “Để có được bản thành tích này, anh ta đã làm những việc khuất tất”.

Hiện nay, không ít người đã dùng từ bất cập nhưng không hiểu rõ nghĩa nên đã dùng sai, rất lan tràn. Đâu đâu cũng nghe từ này (Trên các phương tiện truyền thông, trong các hội nghị, thậm chí trên diễn đàn quốc hội). Cứ hơi không vừa ý điều gì là lại nói “bất cập” đến phát nhàm. Bấtkhông. Cậptới. Trong câu thành ngữ: “Lúc thì thái quá, lúc thì bất cập”, cần hiểu: Lúc thì quá mức (thái quá), lúc thì lại chưa tới, chưa đến độ (bất cập). Vậy bất cập là không tới, không đạt độ cần thiết. Như vậy, từ này không thể lạm dụng chỉ mọi sự yếu kém, chất lượng thấp được. Không nói: “Lô hàng này bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu”. Trong câu trên, từ “bất cập” cần được thay thế bằng cụm từ “chất lượng kém”. Nói: “Qua kỳ thi thử vừa rồi, thấy rõ học sinh trường ta còn bất cập” có đúng không? Không đúng. Phải nói: “Học sinh trường ta còn non yếu, chưa đạt yêu cầu đào tạo”. Có thể nói: “Mặc dù đã rất cố gắng nhưng trình độ chuyên môn của chúng tôi vẫn còn bất cập với yêu cầu công việc”. Cần hiểu là sau bất cập luôn có một mức yêu cầu cụ thể nào đó. Chưa đạt được mức đó là bất cập. Nói: “Tuy chúng tôi luôn cố gắng hết mình, nhưng hạnh phúc gia đình vẫn bất cập” là quá lạm dụng từ chúng ta đang bàn. Tóm lại: Từ này chỉ có nghĩa hẹp, cụ thể, chứ không quá rộng. Hiện nay, có tình trạng quá lạm dụng từ này. Cứ điều gì chưa như ý, chưa thể yên tâm là nghĩ ngay đến từ bất cập. Ở phần nhiều trường hợp, phải thay thế bằng từ bất ổn mới đúng.

Một cụm từ được sử dụng rất sai là “tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng” (“Chúng ta cần luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng để…”). Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện mọi bước đi của cách mạng. Vậy nên mọi tổ chức, đoàn thể lúc nào cũng cần sự lãnh đạo này mới có thể hoạt động đúng hướng và hiệu quả. Vậy sao có thể nói là “tranh thủ”?

Có một trường hợp giới báo chí, viết lách đã dùng không chính xác. Thường các biên tập viên vẫn nói với cộng tác viên: “Bài này, tối đa là 1000 từ” (ví dụ). Phảỉ nói là “1000 âm tiết” hoặc “1000 tiếng”. Bởi vì từ có thể một âm tiết (đơn âm), có thể nhiều âm tiết (đa âm). Ví dụ chủ nghĩa xã hội là một từ có 4 âm tiết (hoặc 4 tiếng). Như vậy, người viết am hiểu về ngôn ngữ sẽ cho là một từ, còn biên tập viên sẽ tính là 4 từ (khi họa sĩ làm “mi”) để lên khuôn báo. Lại có biên tập viên nói: “Cho 1000 chữ” (ví dụ) cũng sai. Bởi vì trong một từ như “tự do” có 4 chữ (t,ư,d,o) chứ không phải hai chữ như biên tập viên quan niệm.

Và nhiều từ khác rất thường gặp trong giao tiếp hàng ngày cũng bị không ít người sử dụng sai. Phong thanh chứ không phải là phong phanh. “Nghe người ta nói phong thanh” (tức là điều đó mới loáng thoáng, chưa được khẳng định rõ - “phong” là gió, “thanh” là tiếng. Nếu nói “nghe phong phanh” sẽ chẳng có nghĩa gì). Gieo sẽ gặp nấy (chứ không phải là ấy). Luôn nhớ là trong cặp từ này, gì luôn đi đôi với nấy. Tham quan chứ không phải là thăm quan (trong từ điển tiếng Việt, không có từ thăm quan vì không có nghĩa gì). Viện kiểm sát chứ không phải Viện kiểm soát. Kiểm sát là kiểm tra và giám sát. Như vậy, Viện kiểm soát sẽ chẳng có nghĩa. Nhưng nếu nói Trạm kiểm soát thì đúng vì soát ở đây là soát, lục, xét - một hành vi khám, kiểm tra rất cụ thể.

Đó là một số từ thường bị sử dụng nhầm lẫn, đã hạn chế tính thuyết phục của bài viết, bài nói. Mong rằng tình trạng trên được khắc phục. Cần rèn luyện thói quen dùng từ ngữ chuẩn xác, luôn tiếp cận với khoa học ngôn ngữ và “đắt” trong từng văn cảnh. Nếu tùy tiện, sử dụng sai sẽ vô tình hủy hoại tiếng Việt vốn dĩ rất phong phú, giàu khả năng biểu cảm.

-----------

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt