Chuyên đề

Tôi yêu tiếng nước tôi

Phạm Xuân Nguyên
Văn học nhà trường
06:00 | 28/10/2024
Baovannghe.vn- Tiếng Việt có sự giàu và cái đẹp của nó, cũng như tiếng nước nào cũng vậy.
aa

Trên Văn nghệ số 40 (5/10/2024) nhà báo Nguyễn Thông đã có bài viết “Nỗi lo tiếng mẹ đẻ”. Tôi chia sẻ nỗi lo bức xúc ấy của anh.

Tiếng Việt có sự giàu và cái đẹp của nó, cũng như tiếng nước nào cũng vậy.

Tôi  yêu tiếng nước tôi
Ảnh minh họa

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, thầy nói vui: Tiếng Việt có thể còn hạn chế về các từ chỉ những khái niệm trừu tượng, khái quát, nhưng lại rất giàu các sắc thái biểu hiện từ. Riêng một từ “đen” thôi nhé, nhưng mắt đen gọi là “mắt huyền”, răng đen là “răng hạt na”, quần đen của phụ nữ là “quần thâm”, ngựa đen là “ngựa ô”, chó đen là “chó mực”, đũa đen là “đũa mun”. Đấy là chưa kể các sắc độ của màu sắc nữa, ví như cũng là “đen” nhưng có biết bao loại: đen nhánh, đen tuyền, đen kịt, đen thẫm, đen thui... Trò ngoại quốc nghe thế, kêu trời, bảo học tiếng Việt khó, khó quá.

Sự giàu và cái đẹp của tiếng Việt hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị xâm lăng từ phía các thứ tiếng nước ngoài, rõ nhất là từ tiếng Anh và tiếng Hán. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy sự sính ngoại ngữ lố lăng, sự bức tử tiếng mẹ đẻ. “Bức tử”, tôi nói không ngoa đâu. Các cửa hàng cửa hiệu, các công ty tập đoàn, các đài báo đua nhau dùng tiếng Tây tiếng Tàu, phát âm tên gọi theo kiểu Tây Tàu. Trong khi một họa sĩ nỗ lực tìm cách Việt hóa từ “curator” thành “giám tuyển” và được chấp nhận trong giới mỹ thuật, thì ở ngành nhạc vẫn thích dùng “live show”, truyền hình vẫn sính “game show”, còn thể thao thì mê “play-off”.

Tôi, cũng như bao người yêu tiếng Việt, không cực đoan đến mức phản đối việc nhập tịch cho một số từ nước ngoài vào vốn từ vựng nước mình, nhưng đó phải là từ chưa thể chuyển dịch sang từ tiếng Việt được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi và chủ trương tiếng nào nước ta có thì nên dùng, không nên lạm dụng tiếng nước ngoài (“Chữ thập đỏ” thay cho “Hồng thập tự”, “Cầu đường” thay cho “Kiều lộ”...), nhưng Người cũng bảo không nên quá trớn, ví như từ “độc lập” nghĩa là “đứng một”, nhưng không thể nói “Việt Nam đứng một” được mà vẫn phải nói “Việt Nam độc lập”; “du kích” thì vẫn phải nói là “du kích” chứ không thể nói là “đánh chơi” được. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng mấy cụ nhà nho đầu thế kỷ XX khi ra một tờ báo lúc đầu định lấy tên là “Dân thanh” nhưng cuối cùng đã đổi thành “Tiếng dân” thật là hay, là vì dân. Và bây giờ ta gọi các phương tiện nghe nhìn, chứ “audio-video” mà dịch là “các phương tiện thính thị” thì chối tai quá.

Vậy “live show” thì vẫn là “biểu diễn” đó thôi, “play-off” thì tùy trường hợp là “đá chuyển hạng” hoặc “đá tranh vé vớt”, “game show” “trò chơi truyền hình”. Nói thế có sai gì đâu, lại phổ cập, dễ hiểu, lại giúp tiếng Việt phát triển hơn. Còn chuyện cách đọc nữa. Tên các đơn vị cơ quan tổ chức là tên tiếng Việt, hẳn nhiên, có dịch sang tiếng Anh là để giao dịch, nhưng khi nói, đọc, trao đổi trong nước, giữa người Việt với nhau, thì phải nói đọc theo tiếng Việt, cho người Việt chứ. Sao lại VNPT lại đọc là “vi-en-pi-ti” mà không phải là “vờ-nờ-pờ-tờ” theo cách đọc tên chữ cái Việt đang được giảng dạy trong nhà trường? Thế hóa ra học một đàng làm một nẻo à! Thế hóa ra người Việt nói tiếng Việt theo phát âm Anh à! Cũng vậy, đội bóng đá “T&T” thì đọc “ti-en-ti”, còn đội ACB Hà Nội thì lại đọc là “a-xê-bê”, thật là đáng buồn.

Dùng sai tiếng nói dân tộc không chỉ là chuyện ngôn ngữ. Nó còn là chuyện chính trị, xã hội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gần sáu mươi năm trước đã có lần cảnh báo về sự phân biệt trong hai từ “đảng viên”“quần chúng”. Ông viết: “Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên, nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng” (“Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, in trong tạp chí Ngôn ngữ số 1 - 1980, tr 1-5). Tiếc thay, lời cảnh báo từ rất sớm này, từ khi tiếng Việt còn chưa bị xâm hại bởi những thứ tiếng ngoại lai khác, đã không được nhận thức đầy đủ và thực hành kiên quyết.

Một sự xâm lăng tiếng Việt nguy hiểm, đáng báo động khẩn, là từ các bạn trẻ và chiếc máy tính nối mạng. Khi chát (từ “chat” này coi như đã được nhập tịch tiếng Việt rồi, và có thể chấp nhận được), khi viết thư điện tử, nghĩa là chỉ trong phạm vi hẹp, mang tính chất cá nhân, ở môi trường thân tình, thì có thể có một loại từ vựng “lóng” của dân mạng. Mà ngay loại từ vựng “lóng” này càng được hạn chế việc tạo từ và sử dụng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Nhưng khi đã ra khỏi phạm vi hẹp, ra khỏi môi trường cá nhân, thì việc dùng những từ “lóng” và cách viết trên mạng là sự bôi bẩn và phá hoại tiếng Việt của chúng ta. Ở đây có một tấm gương dùng tiếng Việt các bạn trẻ có thể học hỏi là các kỹ sư tin học. Chính họ, chứ chưa phải là các nhà ngôn ngữ học, khi nhập chiếc máy tính đầu tiên, khi lần đầu bắt tay vào làm tin học cho người Việt Nam, đã phải trước hết giải quyết vấn đề chuyển dịch các thuật ngữ và tên gọi của ngành này sang tiếng Việt. Và các kỹ sư đó, các nhà khoa học đó đã chứng tỏ họ yêu nước, yêu tiếng Việt, hiểu quy luật tiếng Việt, để bây giờ chúng ta có cả một kho từ vựng tin học và máy tính đơn giản, dễ hiểu, dễ dùng. Những phần cứng, phần mềm, những bàn phím, màn hình, những thực đơn, cửa sổ, những con chuột, ký tự, hiển thị..., tiếng Việt đã đi vào ngành khoa học công nghệ mới mẻ nhất một cách tiện dụng nhất. Tôi liên tưởng đến những nhà khoa học Việt Nam hồi đầu cách mạng tháng Tám đã xây dựng nền đại học mới bắt đầu từ việc quyết tâm giảng dạy bậc học cao nhất bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Pháp. Và họ đã làm được, đã thành công. Bài học này, kinh nghiệm này, di sản này của cha anh ngày trước và bây giờ đáng để các bạn trẻ quá đà viết và nói sai tiếng Việt, và rộng ra là những ai đang lỡ miệng lỡ tay làm hỏng tiếng Việt, nhớ đến mỗi khi dùng tiếng Việt.

Sự giàu và cái đẹp của tiếng Việt có thể nói được nhiều. Chúng ta không đóng cửa tiếng Việt giao lưu với bên ngoài, với các thứ tiếng khác. Tiếng Việt cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội vẫn theo kịp thời đại, vẫn tự biết làm giàu mình bằng những phương cách tạo từ, vay mượn, nhưng không đánh mất cái vốn có của mình. Và nếu bạn có phút giây nào quên lãng chăm sóc tiếng ta thì mời bạn đọc đoạn văn sau đây của Conor Lauesen người Mỹ viết năm 24 tuổi khi anh đang làm nghiên cứu sinh về chữ quốc ngữ của Việt Nam.

“Đối với bản thân tôi, buổi chiều là thời gian chầm chậm, buồn rầu, là quãng thời gian kể từ lúc mặt trời ở cao cao trên đỉnh bầu trời dần dần lặn xuống thấp. Buổi sáng và buổi tối hình như có vẻ rất “na ta xa” cho nên ai cũng so sánh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của mình trong cuộc sống. Hình như buổi chiều mở rộng cơ hội để con người ta nghĩ một cách lan man không cụ thể, để hy vọng điều tốt đẹp, và tưởng tượng ra một vài viễn cảnh khác hẳn với hoàn cảnh mình đang sống. Viết và nghĩ như thế thì buổi chiều thành một thời gian hơi hơi buồn, thời gian khiến cho ta dễ bị tổn thương và thay đổi, là thời gian dành riêng cho những nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn và ai đó có đầu óc dễ suy nghĩ sâu hơn so với vẻ bề ngoài. Viết như vậy làm cho tôi nhớ ra câu nói: “Mà buổi chiều thì làm sao cơ chứ?” Đây là câu hỏi của người nữ họa sĩ thông minh, sâu sắc và nội tâm về những vấn đề bức xúc, thắc mắc mà mới hiện ra trong xã hội ở Việt nam. Tôi hay nghĩ về câu nói đó để rồi sau đó thì tôi cũng đồng tình luôn và cũng muốn khám phá sâu rộng hơn để cố tìm hiểu tốt hơn. Cảm xúc của cô ấy không chỉ gần chạm tới trái tim của tôi mà cũng phản ánh những suy nghĩ của nhiều người bị bệnh. Ví dụ, người bị bệnh hay có cảm giác xã hội xung quanh gần như nằm ngoài tầm với của họ. Bên cạnh đó, người ta có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về bản thân mình do họ có những quan niệm sâu sắc và từng trải hơn. Ở Việt Nam, điều này đã xuất hiện và vẫn đang tiếp diễn rất rất nhiều mà những ước mơ và hy vọng của họ vẫn khiến họ buồn hơn vì giấc mơ thường ít có khả năng trở thành hiện thực.”

Một người nước ngoài, lại là người trẻ tuổi, lại ở Việt Nam chưa lâu, viết được tiếng Việt như vậy, chúng ta nghĩ sao?

Tôi yêu tiếng nước tôi - tiếng Việt, là tôi yêu nước tôi - Việt Nam.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Sửa quy định để minh bạch hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục Bộ GD&ĐT: Công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS, THPT Bộ Giáo dục & Đào tạo: Bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo Xã hội hóa giáo dục thể hiện sự trọng học và hiếu học Đọc truyện: Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.