Diễn đàn lý luận

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với công trình “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” - bước ngoặt trước đổi mới phê bình văn học

Phùng Kiên
Chân dung văn học
10:00 | 05/11/2024
Baovannghe.vn - Năm 2024 này là tròn 100 năm ngày sinh giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu, một bậc sư biểu của giới nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lớn như bộ Từ điển Văn học (chủ biên), Giáo trình lịch sử văn học Pháp, Đổi mới phê bình văn học, Đổi mới đọc và bình văn, Thi pháp học hiện đại… Trong số những công trình nghiên cứu của ông, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh có một vị trí đặc biệt.
aa

Phê phán chủ nghĩa hiện sinh được in năm 1978 là một công trình quan trọng không chỉ đối với lịch sử nghiên cứu phê bình chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam mà còn đối với lịch sử nghiên cứu lý luận và văn học sử nói chung. Đây là cuốn sách khổ nhỏ, có số phát hành 12.200 bản. Trích dẫn Nghị quyết Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam và nhận định của Trường Chinh về công tác văn hóa văn nghệ làm đề từ, cuốn sách có dung lượng 263 trang gồm hai phần, Phê phán triết học hiện sinh và văn học hiện sinh chủ nghĩaPhê phán kịch phi lý. Dung lượng này khá phổ biến với các chuyên luận nghiên cứu khoa học nhân văn đương thời. Kết luận cuốn sách, Trên mặt trận văn học hiện nay, nhắc lại những luận điểm trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, trong Xã luận báo, cũng như từ các sách lý luận văn học đương thời. Không chấp nhận những lời công kích trực diện của nhiều tác giả miền Nam trước đó đối với chủ nghĩa cộng sản và miền Bắc như được dẫn ra trong cuốn sách, Đỗ Đức Hiểu thấy rằng cần bày tỏ thái độ mạnh mẽ và rõ ràng đối với việc này bằng một ngôn ngữ chính luận giàu cảm xúc. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh xã hội những năm chiến tranh đang diễn ra hoặc vừa kết thúc, và đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như chính trị. Ông cho rằng văn học và triết học phương Tây “suy đồi” theo nghĩa đạo đức, và chỉ khai thác yếu tố sinh vật, bỏ qua yếu tố xã hội và văn hóa. Nhưng Đỗ Đức Hiểu cũng thận trọng khi nói rằng những nhà triết học và văn học hiện sinh chủ nghĩa như Sartre, Camus đều từng là những người kháng chiến hoặc chống phát xít, hoặc có thái độ lên án mạnh mẽ đối với cuộc chiến tranh được Mỹ thực hiện tại Việt Nam. Còn những người “tự nhận là học trò của Satre” tại Việt Nam đều có những phát ngôn chống Cộng triệt để. Ông cho rằng, những tác giả văn học miền Nam đó chỉ mượn chủ nghĩa hiện sinh làm cái áo khoác cho việc tham dự vào cuộc chiến tranh được Mỹ tiến hành tại Việt Nam: “Sách này chỉ sơ bộ đánh giá một bộ phận nhỏ, đồi bại nhất và hung hăng nhất trong cái gọi là văn học hiện sinh chủ nghĩa ở Sài Gòn trước đây” (tr. 255). Chúng tôi coi những đoạn này là chính luận “trữ tình ngoại đề” trong một cuốn sách nghiên cứu, vì chúng thường không bám sát vào những nội dung lập luận, phân tích mà Đỗ Đức Hiểu đang triển khai. Trong cuốn sách về chủ nghĩa hiện sinh này, có thể tìm thấy nhiều quy chiếu tới cuốn sách của ông về Công xã Paris, không chỉ ở những tên tuổi triết gia đã từng được nhắc đến ở chú dẫn cuối sách, mà cả ở cảm hứng chính luận mạnh mẽ như thế. Dẫn Quốc tế ca của E. Pottier khi kết luận, có lẽ Đỗ Đức Hiểu muốn đặt việc phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa Sài Gòn trong “cuộc đấu tranh rộng lớn trên mặt trận văn học toàn thế giới và trong hoàn cảnh cụ thể nó sinh ra và hoạt động trong xã hội thực dân kiểu mới của Mỹ” (tr. 234). Vì thế cần đặt chuyên luận này trong quan hệ với Văn học Công xã Pari: Nghiên cứu (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978). Trong chú dẫn cuối sách, Đỗ Đức Hiểu giới thiệu kỹ một số tên tuổi đương thời như A. Blanqui, P. Proudhon, A. Comte hay những tác giả như I. Kant, F. Nietzsche mà ông có nhắc đến trong Phê phán chủ nghĩa hiện sinh. Trong cùng một năm, hai nghiên cứu bề thế của Đỗ Đức Hiểu được xuất bản đã cho thấy sức làm việc và niềm yêu mến của ông dành cho văn học Pháp. Chắc chắn đó không phải là những kết quả tức thời, một sự chín ép vội vàng, những sự đáp ứng theo yêu cầu tình thế chính trị, hay chỉ là những cách hấp thụ thiếu suy nghĩ. Cả hai cuốn sách hẳn là thành quả của cả quá trình dài giảng dạy, nghiên cứu, tìm tòi của Đỗ Đức Hiểu về văn học Pháp. Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1970, còn cần phải thấy đây là một nỗ lực lớn của cả tác giả lẫn giới nghiên cứu khi in ấn sách vở vào thời điểm chiến tranh không hề dễ dàng. Cuốn sách về văn học Công xã có độ dày 461 trang giới thiệu cả thơ, kịch và văn xuôi. Nghiên cứu công phu này về nền văn học vô sản có vai trò quan trọng đối với văn học Việt Nam đương thời về mặt ý thức hệ. Để viết cuốn sách đó, Đỗ Đức Hiểu hẳn đã được gợi nhiều ý tưởng và cảm hứng từ Thơ ca cách mạng Việt Nam (KHXH, 1973). Văn học Công xã Paris có lẽ đã mang đến cho Đỗ Đức Hiểu cảm hứng mạnh mẽ để lên án chiến tranh trong điều kiện chiến tranh đang diễn ra tại Việt Nam. Cảm hứng chính luận phê phán một thực tại cách xa về địa lý và thời gian như Công xã Paris còn được nuôi dưỡng bởi một tình yêu sâu đậm của bản thân ông với một Paris văn chương. Trong cuốn sách này, người ta tìm được một hình tượng kép chứa đầy những tương phản, như cách mà Hugo vẫn thể hiện. Một Paris của Đỗ Đức Hiểu trong những ngày tháng Công xã vừa gần vừa xa, được khắc họa vừa bi hùng vừa diễm lệ. Cảm hứng lên án chiến tranh mạnh mẽ này hòa với niềm tin của người viết vào một xã hội hẳn tốt hơn sẽ đến trong tương lai. Thái độ này là một cách sống trung thực với chính mình, không nệ vào những tín điều và giáo lý như chính A. Gide kêu gọi bạn trẻ trong Dưỡng chất trần gian, “Hãy quẳng sách đi hỡi Nathanael”.

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với công trình “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” - bước ngoặt trước đổi mới phê bình văn học
Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu (1924 - 2024)

Trong hơn 200 trang nội dung “phê phán chủ nghĩa hiện sinh”, Đỗ Đức Hiểu còn làm được nhiều hơn thế khi ông triển khai việc trình bày vấn đề theo lối tư duy Descartes về các vấn đề của triết học và văn học hiện sinh như: những khái niệm cơ bản của triết học hiện sinh; Những phạm trù hiện sinh của Kierkerger. Triết học Nietzsche và siêu nhân; Phân tâm học Freud; Bergson và triết học trực giác; Hiện tượng học Husserl; Vai trò của Sartre; Các khái niệm của triết học hiện sinh. Ông đi vào các tác giả quan trọng như F. Kafka, J-P. Sartre, A. Camus, S. de Beauvoir, F. Sagan với những phần bàn luận, phân tích và trích dịch tác phẩm. Cuốn sách trình bày trong một mục riêng về kịch phi lý và chủ nghĩa hiện sinh với dung lượng hơn 90 trang, nghĩa là gần một nửa cuốn sách: kịch phi lý của Ionesco, con người phi lý, sự tha hóa, sân khấu tuyệt vọng, huyền thoại. Tỷ lệ cân đối này rất đẹp, giữa phần về triết học hiện sinh với văn học hiện sinh, giữa các khái niệm trừu tượng với các phân tích tác phẩm cụ thể, giữa các trình bày với phân tích, giữa giới thiệu với dịch thuật đã làm hiện lên một cách đầy đủ nhất, khoa học và khách quan nhất có thể cho đến tận ngày nay về một chủ nghĩa được coi là phản động đương thời. Nỗ lực trình bày cặn kẽ này tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh, trong cả triết học lẫn văn học, một cách hệ thống và tổng thể. Cấu trúc của cuốn sách rành mạch, rõ ràng rất gần với một giáo trình đại học. Như vậy, nếu những gì mà Đỗ Đức Hiểu trình bày ở đây còn chưa hoàn hảo, còn cần được thảo luận kỹ càng để nhận ra những giới hạn thời đại, những sự đơn giản hóa, chưa chính xác, thì không thể không thấy một ưu điểm của cuốn sách cũng như của chính Đỗ Đức Hiểu. Đó là nhu cầu, mong muốn và khả năng tư duy một cách hệ thống, cặn kẽ và có phương pháp về đối tượng nghiên cứu. Nhìn lại các lý thuyết văn học đương thời được giới thiệu ở Việt Nam, có thể dám chắc rằng chưa có một trình bày công khai sao cho tường tận và hệ thống như thế về một học thuyết triết học và văn học phương Tây đầy những mâu thuẫn và gây tranh cãi mạnh mẽ như chủ nghĩa hiện sinh. Những phân tích văn chương của Đỗ Đức Hiểu về văn học hiện sinh, tiểu thuyết của Camus, Sartre hay kịch Ionesco không chỉ đầy đủ cho đến tận hiện này, mà còn sâu sắc và tinh tế. Chẳng hạn khi Đỗ Đức Hiểu viết về “ngụy tín” đã được thể hiện ra sao trong các vở kịch phi lý của Ionesco (tr. 72-73). Những nhận định của ông khi so sánh những quan niệm về tự do, của chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Marx chẳng hạn, là giới hạn tất yếu của thời đại mà một trí thức đương thời phải đối mặt. So sánh với những cuốn sách được coi là có tính học thuật cao như Từ điển triết học của Liên xô do M. Rô-den-tan và P. I-u-đin chủ biên ấn hành vào 1958 và được ấn hành ở Việt Nam vào 1976, cách viết của Đỗ Đức Hiểu mang đậm dấu ấn phê phán lý tính kiểu Descartes (esprit cartésien) là thứ tư duy mà có lẽ ông đã hấp thụ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là thái độ “khách quan” khi tập trung tổng thuật các khái niệm, và loại bỏ những lập luận cảm tính và đánh giá thuần chính luận trữ tình ngoại đề. Chính trong phần này nổi lên rõ ràng nhất một gương mặt kép của Đỗ Đức Hiểu trước những vấn đề phức tạp của triết học và văn học cần được trình bày. Một mặt việc tổng thuật theo lối trường quy, đại học góp phần tạo ra sự khách quan và dễ hiểu, nhưng mặt khác nó lại tạo ra sự đơn giản hóa với một vấn đề đầy những tranh luận như phân tâm học hay chủ nghĩa hiện sinh. Sự đơn giản hóa này thường có của một giáo trình đại học vạch ra cho người đọc thấy những tuyến tính của lập luận và tư duy, nhưng đã loại trừ mọi cơ hội suy tư và thảo luận như thường thấy trong các chuyên khảo.

Chúng tôi muốn nói thêm về ý thức của Đỗ Đức Hiểu dành cho vai trò của tư liệu ngữ văn trong cuốn sách này. Bên cạnh các tổng thuật về triết học hiện sinh và văn học hiện sinh, ông đã dành phần quan trọng để viết giới thiệu cụ thể các tác phẩm và tác giả văn học được nhắc đến. Là một nhà giáo giảng dạy văn học nước ngoài ở bậc đại học, ông ý thức rõ hơn ai hết việc cần có ngữ liệu để người đọc tự mình đánh giá, đặc biệt đối với một đối tượng khó, phức tạp là văn học hiện sinh. Cuốn sách đã dành một phần khá lớn cho dịch một số trích đoạn. Giá trị và ý nghĩa khoa học của những trích đoạn dịch này chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh đương thời khi chúng không hề có trên giá sách đại học và nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu khác nhắc đến một tên tuổi hay một tác phẩm, nhưng người đọc lại không hề có tư liệu để đọc để tự mình kiểm chứng. Người ta chỉ phục vụ những thực đơn bữa tiệc thay vì các đĩa thức ăn của bữa tiệc. Văn học phi lý của Camus hay truyện ngắn Kafka chỉ được dịch rất lâu sau đó. Bằng cách này, Đỗ Đức Hiểu mang đối tượng đến, để người đọc quan sát và thảo luận chứ không phải để phán xét. Chúng tôi cho rằng cách làm và tư duy như vậy của Đỗ Đức Hiểu khác về cơ bản với rất nhiều những cuốn sách khoa học xã hội nhân văn đương thời. Bất chấp những giới hạn có thể thấy rõ sau một độ lùi 40 năm, việc phê phán bằng tư duy lý tính đương thời với triết học và văn học hiện sinh trong cuốn sách của ông đã trao cho độc giả Việt Nam đương thời cơ hội để hiểu về văn học hiện sinh một cách khách quan. Những giáo trình về văn học nước ngoài sau này, hoặc một số nghiên cứu chuyên hơn về văn học phương Tây không đi xa hơn Đỗ Đức Hiểu trong việc trình bày có hệ thống những đặc điểm của văn học hiện sinh. Ngoại trừ việc bỏ chữ “phê phán” và bỏ trích dịch tác phẩm. Thế mà “phê phán” theo nghĩa triết học chính là việc nêu ra một cách khách quan các phẩm chất, các hạn chế và ưu điểm của đối tượng. Còn trích dịch là để người đọc tự mình đánh giá và kết luận.Những cách làm và tư duy tiếp cận có hệ thống văn học phương Tây đương đại này đã chuẩn bị cho việc Đỗ Đức Hiểu rẽ sang một hướng mới, dù còn những giới hạn của lịch sử và xã hội. Trong thời kỳ Đổi mới, ông có nhu cầu đổi mới phê bình văn học. Với ông, văn học Việt Nam không hề xa lạ, vì là đối tượng mà ông từng tìm hiểu khi còn trẻ tham gia nhóm Lê Quý Đôn soạn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Văn Sử Địa, 1957). Người thanh niên khao khát khám phá văn chương dưới ánh sáng ý thức hệ vô sản đã tham gia biên soạn cuốn lịch sử văn học Việt Nam đầu tiên dưới chính thể mới bằng cái nhìn mới mẻ của tinh thần dân tộc hiện đại. Khi bắt đầu bước vào tuổi xưa nay hiếm, ông tiếp tục nồng nhiệt cổ vũ đổi mới việc tiếp cận văn học theo hướng hình thức mang nội dung. Sự nồng nhiệt, chân thành và trung thực với chính mình này vẫn là những điểm nổi bật của con người Đỗ Đức Hiểu như khi ông tìm hiểu văn học vô sản Công xã Paris và chủ nghĩa hiện sinh. Từ những gì đã có hơn hai mươi năm về trước, Đỗ Đức Hiểu đã “hiện đại hóa” cách tiếp cận văn học Việt Nam sau 1986, chứ không chỉ dừng ở tiếp cận văn học hiện đại. Lựa chọn này của ông không chỉ khẳng định vị thế một chuyên gia về văn học phương Tây, mà còn xác lập rằng ông đã tham gia đích thực vào quá trình đổi mới các lý thuyết văn học, vào các cách tiếp cận mới đối với văn học. Đổi mới văn học chính là đổi mới cách đọc nó.

“Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” bởi vậy là bước ngoặt quan trọng và cần thiết mà Đỗ Đức Hiểu cần có để phê bình văn học phương Tây, trước khi ông bắt đầu hành trình tự đổi mới. Để đọc hết cuốn sách của một bậc thầy của khoa Văn học trường Đại học Tổng hợp, chúng tôi muốn mượn một câu của Rabelais trong cuốn Gargantua và Pantagruel lừng danh mà Đỗ Đức Hiểu vô cùng yêu mến: “Chính vì thế cần mở cuốn sách và suy ngẫm điều được viết ở đây […] Rồi bằng sự tò mò và trầm tư, hãy đập vỡ cái xương và hút chất tủy từ trong đó”. Những cuốn sách phê phán và phê bình của Đỗ Đức Hiểu cần một sự nhẫn nại, tò mò và trầm tư để có thể đọc và hấp thụ được những giá trị tinh túy từ một trí thức, một nhà giáo luôn nhiệt tình yêu mến cái mới, nghiêm cẩn trong công việc, chân thành và trung thực trong cuộc đời.

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với công trình “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” - bước ngoặt trước đổi mới phê bình văn học
Một góc Hồ Tây. Ảnh Internet
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.