Sáng tác

Gà gáy trên đầu ngọn tre

Nguyễn Hiệp
Tản văn
11:00 | 11/01/2025
Baovannghe.vn - Ở chỗ tôi có bà bán hàng rong cứ độ gà gáy là đến gõ cửa từng nhà, đều đặn mỗi ngày. Thoạt đầu hơi phiền, sau thành quen, mà đã quen thì dễ chịu
aa

May cho tôi là vẫn đang sống ở miền quê, mà có ra phố, có áo xống nai nịt, lên xe xuống ngựa gì đi nữa thì cái tính “nha quệ” của tôi cũng không thay đổi, đã thành máu thịt, nhờ vậy mà tôi vẫn thói quen tính thời gian: Gà gáy, đứng bóng, chạng vạng... và yêu những bài hát làng quê mộc mạc.

Trong làng bây giờ tìm không ra ngọn tre nào nhưng chỉ cần nghe tiếng gà gáy thôi là người cứ như bị ai bắt mất hồn.

“Bà bà mẹ quê!

Gà gáy trên đầu ngọn tre

Bà bà mẹ quê!

Chợ sớm đi chưa thấy về”

Ở chỗ tôi có bà bán hàng rong cứ độ gà gáy là đến gõ cửa từng nhà, đều đặn mỗi ngày. Thoạt đầu hơi phiền, sau thành quen, mà đã quen thì dễ chịu. Mỗi khi thấy dáng bà già người Quảng quang gánh gõ cửa là tôi chợt nhớ câu hát xưa. Tôi lẩm nhẩm hát một mình mà trong lòng da diết nỗi nhớ.

Gà gáy trên đầu ngọn tre
Ảnh pixabay

Má tôi dáng cao ráo hơn bà, lưng chưa còng như lưng bà nhưng sao ánh mắt của các bà mẹ quê lại giống nhau đến lạ. Dường như cùng một hoàn cảnh, cùng một nỗi lo, cùng một tâm thế sống ở đời thì ánh mắt con người ta sẽ giống nhau. Bà đặt gánh xuống trước sân nhà tôi, hàng bán thay đổi khi thì mấy nải chuối khi thì chục trứng gà so, nhưng ánh mắt ấy thì chỉ một, ánh mắt cam phận, chịu đựng, ánh mắt của đức hy sinh.

“Bà bà mẹ quê!

Gà gáy trên đầu ngọn tre”

Mỗi khi hồi tưởng về má, kí ức tôi bao giờ cũng gắn cái dáng tần tảo, liền tay, liền chân ấy nhiều nhất trong thời khắc gà gáy. Từ khi tôi biết quan sát cuộc sống và có được trí nhớ nhất định thì tôi đã biết má tôi luôn thức dậy khi “gà gáy trên đầu ngọn tre”. Và phải chăng tất cả các bà mẹ quê đều như thế. Gà gáy, thức dậy nhóm bếp nấu ấm nước, vói cái nồi đồng vo gạo bắt lên ông Táo kê bằng ba cục gạch, khi mọi người trong nhà thức dậy thì nồi cơm đã “ghế”, đáy nồi vùi trong tro ấm, mấy cục than hồng trên nắp nồi cũng vừa riu riu se se hương thơm cơm lúa mới đã ngào ngạt trong nhà ... Tôi vẫn còn giữ cái nồi đồng ấy của má trên chiếc kệ sách như một báu vật. Mấy chiếc nồi đồng của má tôi không đủ bộ, ngoại tôi đầy đủ hơn, kể cả các loại nồi chỉ dành cho giỗ chạp hoặc lễ hội lớn, ngoại kiên quyết không dùng cái gì khác để nấu nướng ngoài nồi đồng, trên giàn hong củi của gian bếp nhà ngoại đầy các loại nồi đồng lớn nhỏ đủ cỡ, từ nồi một đến nồi bung bốn quai. Mỗi sáng sớm, tôi thường bị cái tật xấu đói, “con mắt to hơn cái bụng”, hay càu nhàu “Má nấu ít cơm quá!” thì má lại xoa đầu: Đừng lo, nồi Thạch Sanh đó. Và quả thật, lần nào tôi cũng kềnh cang cái bụng mà nồi vẫn chưa hết cơm. Cơm nồi đồng giữ được hương thơm và hạt cơm ráo đều, màu của lớp cơm cháy vàng cũng vô cùng hấp dẫn. Chiếc nồi đồng không chỉ là một công cụ đun nấu mà nó còn là một phần văn hoá vật chất trong cuộc sống ở làng quê. Tiếng gà gáy, chiếc nồi đồng và hình dáng quá thương của má tôi luôn là một phần quan trọng trong kí ức tôi, chỉ cần nghe tiếng gà gáy là tất cả lại tràn về, đẫm thấm.

Văn nghệ, số 2+3+4/2012
Dòng sông tuổi thơ. Tản văn của Nguyễn Trọng Đồng

Dòng sông tuổi thơ. Tản văn của Nguyễn Trọng Đồng

Baovannghe.vn - Chẳng hiểu tự bao giờ, dòng sông quê như vị ân nhân, một người bạn tâm phúc, mộc mạc gắn bó cuộc đời; có vị trí đặc biệt trong đời sống làng quê
Ngõ phố - Thơ Lê Huy Quang

Ngõ phố - Thơ Lê Huy Quang

Baovannghe.vn- Em về ngõ nhỏ nơi đầu ngọn xoan/ Thay áo hè xòe hoa ngọn gió
Thanh âm - Thơ Lê Huy Quang

Thanh âm - Thơ Lê Huy Quang

Baovannghe.vn- Tôi lay dậy nhiều thanh âm/ Phía bên kia bức tường sám hối
Khu vườn mùa Xuân - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Khu vườn mùa Xuân - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Baovannghe.vn- Nơi khu vườn từng sẫm màu nắng mưa/ bàn tay mẹ vẫn cần mẫn đắp tô
Một sớm mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Mộng Tuyền

Một sớm mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Mộng Tuyền

Baovannghe.vn- Con về tìm lại Xuân xưa/ Cời tro nhóm lửa như chưa bỏ làng