Sáng tác

Ga xép. Truyện ngắn của Trần Thu Hòa

Trần Thu Hòa
Truyện
06:00 | 21/09/2024
Baovannghe.vn - Hạnh nhắm mắt, khẽ lắc đầu. Cô không tin điều ấy sẽ đúng. Nhưng nếu quả thật anh trở lại thì mọi sự có gì khác đâu? Cô không thuộc thế giới của anh và chẳng có gì giữ chân anh cả
aa
Ga xép. Truyện ngắn của Trần Thu Hòa
Ga xép - truyện ngắn của Trần Thu Hòa

Ga nằm cách xa đường cái chừng 3 km. Ngày và đêm, khi tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng rầm rập vang rền của các đoàn tàu qua đi thì tất cả lại chìm vào sự yên ắng gần như tuyệt đối. Đến giờ có tàu chợ, chỉ thấy vài người khách thưa thớt đứng trầm mặc trên sân ga. Và ngay cả sự hiện diện của họ cũng không làm cho không khí ở đây thêm một chút náo nhiệt nào.

Tiếng còi tàu rúc lên lanh lảnh. Hạnh đưa đôi mắt lơ đãng nhìn về phía đầu ga: Một đoàn tàu vùn vụt lao qua, như thường lệ, tàu Thống Nhất không dừng ở ga xép. Sân ga nhỏ bé này chỉ đón những chuyến tàu chợ và vài chiếc tàu hàng. Còn thế giới của những ô cửa kính loang loáng đầy những chai nước ngọt xanh đỏ, những chiếc valy sang trọng, túi du lịch căng phồng, ghế nệm và giường nệm, tất cả đều trôi lướt qua ga xép hàng ngày cùng với những âm thanh ầm ĩ quen thuộc. Tất cả, kể cả những chàng trai mặt rám nắng phương Nam và những cô gái da mịn màng xứ Bắc. Họ hờ hững đưa mắt qua cửa sổ nhìn sân ga vắng lặng, hiu hắt đang mất hút dần phía sau...

Keng... Keng... Keng...

Tiếng kẻng rè rè ngắt quãng. Vứt thanh gỗ vào một xó, người đàn ông vẻ mặt cau có nói khẽ và như ra lệnh:

- Bán vé thôi, cô Hạnh.

Hạnh lững thững vào phòng bán vé, ngồi xuống ghế, vớ lấy tập vé và cây bút. Gần năm năm với công việc này, Hạnh thấy mình không vui cũng không buồn. Bố cô đã tặc lưỡi: Việc nhàn nhất còn gì. Còn hơn là suốt ngày cắm mặt xuống ruộng như lũ chị mày. Hạnh không nói gì cả, cảm thấy bố có lí. Nhưng cứ mỗi lần nhìn ra sân ga im lìm, bà bán hàng rong vật vờ ngủ gật cạnh mấy lọ kẹo xanh đỏ rẻ tiền, và nắng, chao ơi là nắng vàng ong chảy lênh loang trên những nóc nhà sâm sẫm rêu, trên những vạt hoa dại nở bạt ngàn hai bên đường sắt, nỗi ngao ngán lại trào lên trong Hạnh cùng với ý nghĩ: "Thà ở nhà cày cấy..."

Hành khách rải rác đến. Hôm nay cũng chẳng đông gì hơn. Những tiếng lao xao quen thuộc: Cô bán cho một vé đi T.; Chị bán một vé ra Q... v.v... Hạnh không nhìn lên, cắm cúi ghi, xé, thu tiền. Những bàn tay loang loáng trước mặt cô. Mấy năm với một thao tác duy nhất đã giúp cô đoán định gần như chính xác tuổi tác, hình dung và nghề nghiệp của hành khách mua vé qua bàn tay họ: Bàn tay nhỏ, đều đặn của mấy cô cậu sinh viên trở vào trường. Bàn tay to bè chắc nịch với những đồng tiền lẻ nhàu nát này của các bác thợ đi làm xa. Bàn tay sạm đen gân guốc của mấy anh bộ đội về nghỉ phép. Bàn tay múp míp với vài chiếc nhẫn vàng của các bà buôn hàng tỉnh...

Sau chót là bàn tay răn reo của một cụ già ra Đồng Hới. Hành khách vẫn ra hết. Tiếng lao xao phía trước bặt hẳn đi. Hạnh uể oải xếp lại chồng vé chưa vợi đi bao nhiêu, lắng nghe tiếng loa rè rè từ sân vọng vào thông báo tàu chợ sắp đến.

- Chị cho một vé đi Đồng Hới - Giọng miền Nam là lạ, ấm áp và trẻ trung.

Không ngẩng lên, Hạnh cắm cúi ghi một cách cẩn trọng. Bàn tay đàn ông chìa vào đón lấy tờ vé: Những ngón tay thon gầy, dài và xám nắng; móng tay cắt tròn thanh nhã. Một bàn tay ít thấy trong số hành khách của Hạnh. Hơi tò mò, cô ngẩng lên nhìn người khách đến muộn: Một người đàn ông dáng dấp có lẽ là cao lớn. Khuôn mặt cân đối, thông minh và có vẻ hấp dẫn với đôi mắt đen sắc, khóe miệng rắn rỏi, cởi mở. Một nụ cười thoáng qua và lời cảm ơn. Người cuối cùng này cũng nhanh chóng rời khỏi phòng bán vé.

Còn một mình, Hạnh ngồi bất động trong căn phòng nhỏ oi bức. Hoàng hôn tắt đã khá lâu và những gợn mây cuối trời chỉ còn le lói ít bụi vàng lóng lánh. Màn đêm buông xuống từ từ, chầm chậm len lỏi vào trong hồn Hạnh cùng với những tiếng rì rầm trò chuyện của hành khách ngoài sân vọng vào; với tiếng loa thỉnh thoảng lại cất lên rè rè, với tiếng chẫu chuộc kêu trong đám cỏ dại cao ngút và tiếng thạch sùng tặc lưỡi não nuột trên bức tường nhờ nhờ tối.

Tiếng chân bước nặng nề. Phục đến gần ô cửa của Hạnh, chiếc đèn lồng xách trong tay. Giọng nói khàn khàn đã quá quen thuộc:

- Sao ngồi trong bóng tối thế này? Cô xong việc chưa?

Hạnh vươn vai:

- Tàu đến chưa, anh Phục?

- Sắp rồi - Vẫn giọng nói nhát gừng như mọi khi. Không cần nhìn, Hạnh cũng biết khuôn mặt lầm lì của Phục đang đỏ rần rật từng mảng quanh vết sẹo bằng hai đốt ngón tay chạy qua má trái (vết tích để lại hồi Phục đi bộ đội ở biên giới Tây Nam). Hơi rượu theo gió xộc vào phòng nồng nặc. Hạnh ngán ngẩm hỏi:

- Anh lại uống rượu đấy à anh Phục?

- Thì có sao. Cô tính ở cái ga xép này, ngoài việc đánh kẻng và xách đèn ra vào chờ tàu đến, với chừng ấy con tàu qua, còn biết làm gì nữa. Nhiều lúc thấy mình cứ như sắp chảy ra. Nếu không uống rượu thì chỉ còn cách uống thuốc ngủ để giết thời gian thôi - Phục lầm bầm. Anh tựa vào thành lan can, ngước mặt nhìn ngôi sao Hôm nhấp nháy:

- Hạnh này...

- Gì cơ anh Phục?

- À không, không có gì - Phục nói vội vàng - Có cái này cho cô đây - Anh đặt lên bàn một túi nilông - Xoài đầu mùa đấy. Thôi tôi đi đây.

Phục lóng ngóng, vội vã bước nhanh ra ngoài. Ngơ ngác, Hạnh nhìn theo. Vẻ là lạ trong cung cách của Phục làm cô thoáng ngạc nhiên và phân vân không hiểu.

Tàu sắp vào ga. Hành khách đứng chờ lố nhố ngoài sân. Sao trời và trăng non nhạt nhòa trong ánh đèn cao áp vàng vọt. Hạnh ngồi lẫn trong đám hành khách, cùng họ đón những ngọn gió đêm hiếm hoi. Chợt tiếng nói rất khẽ của hai người ngồi bên làm Hạnh chú ý.

Giọng cô gái khẩn khoản:

- Hãy đi với em. Anh không thể để em đi một mình như vậy được. Anh biết là em cần có anh.

Tiếng người đàn ông khẽ nhưng rõ ràng:

- Có thể sau này nghĩ lại em sẽ thấy như vậy là đúng. Bao giờ anh cũng coi em như em gái của anh...

Cô gái khóc dấm dứt:

- Anh nhất quyết như thế?

Người đàn ông nói dịu dàng, chất giọng ấm áp của người mua vé ban chiều với những ngón tay dài mảnh ấy, Hạnh không thể nhầm được.

- Đến một lúc nào đó em sẽ hiểu anh hơn. Còn bây giờ, em hãy cứ tin rằng anh rất quý trọng em. Thôi, tàu đến rồi, em đi đi nhé!

Họ còn nói với nhau vài điều gì nữa, nhưng nhỏ hơn. Sau cùng, cô gái lau vội nước mắt, bước lên tàu. Trông cô thật buồn. Hạnh cảm thấy bờ vai nhỏ của cô rung lên từng đợt. Người đàn ông im lặng không nói gì thêm nữa, và họ lặng lẽ chia tay nhau.

Con tàu đã khuất vào màn đêm sâu thẳm huyền bí. Người đàn ông vẫn còn đứng trầm ngâm. Chợt quay lại và nhận ra Hạnh, anh mỉm cười chào cô:

- Xin lỗi, có chuyến tàu nào vào Sài Gòn không cô?

Hạnh lắc đầu:

- Không, ga xép mà anh.

Người đàn ông sững lại một chút:

- Ừ nhỉ, tôi quên mất.

Dừng lại một chút dường như suy nghĩ, anh lại hỏi:

- Vậy bao giờ thì có tàu vào Đà Nẵng hả cô?

- Sáng mai anh ạ!

- Sáng mai... - Người đàn ông khe khẽ nhắc lại, khuôn mặt lại trở nên đăm chiêu.

*

Trăng lành lạnh sáng. Sân ga phía ghế đá Hạnh ngồi giải đầy bóng trăng. Tiếng gió, tiếng lá khô chạy xao xác, tiếng cành cây va đập rì rầm. Có cái gì đó của đêm làm cho Hạnh cảm thấy bồn chồn.

- Sương xuống rồi. Ngồi lâu sẽ bị lạnh đấy, cô gái ạ!

Giọng nói miền Nam ấm áp và dịu dàng. Vẫn chất giọng ấy, không thể lẫn với bất kì ai ở đây. Hạnh quay đầu lại:

- Anh chưa về nhà ư?

- Không, tôi ở lại chờ chuyến tàu đi Đà Nẵng sáng mai.

- Và từ Đà Nẵng, anh tiếp tục đi tàu Thống Nhất vào Sài Gòn?

- Vâng.

Anh ngồi xuống bên cạnh cô một cách tự nhiên, nói bằng giọng trầm trầm xa xăm.

- Đêm ở đây sâu và tịch mịch quá. Tôi nghe được cả tiếng dế kêu đêm.

- Chỉ tiếng dế thôi ư? Chẳng lẽ anh không nghe được tiếng dơi bay xoàn xoạt, tiếng chim gõ kiến đục cây, tiếng sâu đêm ăn lá lạo xạo và tiếng hát cỏ nảy mầm sao?

- Thật ư - Người đàn ông chăm chú nhìn Hạnh, đôi mắt anh lấp lánh cười - Em ở đây bao nhiêu lâu rồi?

- Năm năm.

Người đàn ông im lặng. Hạnh đọc được cái ý nghĩ hiện ra trên gương mặt anh, nhưng anh chỉ nói giản dị:

- Mình làm quen với nhau nhé. Anh là Hải, còn em?

- Em là Hạnh.

Hạnh. Người đàn ông lặp lại. Anh nhìn khuôn mặt hồng mịn sáng lên như vầng trăng đêm, đôi chân mày dài thanh thoát và viền mắt nhung đen với cái nhìn xa xăm, sâu thẳm của cô. Hạnh ư? Đức Hạnh hay nhan sắc có gì thực sự quan trọng ở đây? Nơi ga xếp hoang sơ, giữa những khuôn mặt hoặc buồn rầu hoặc vô cảm, hoặc lầm lì, cau có mà anh từng gặp? Cô duyên dáng và thật thánh thiện. Một vẻ đẹp không lộng lẫy phô bày mà lại dịu dàng tỏa sáng và đầy ngân vang. Niềm xúc động xen lẫn chút buồn và nuối tiếc trào lên trong anh, chính là cái cảm giác có lần anh đã từng gặp khi nhận ra mặt trăng đêm huyền diệu và cô đơn giữa nhốn nháo, rực rỡ thị thành; khi ngồi trên con tàu chạy qua đồng cỏ khô cháy vàng rực, bất chợt nhìn thấy một bông cúc đẫm sương thật ơ hờ giữa lối cỏ vắng người qua lại.

- Năm năm, mười năm, chẳng có gì thay đổi - Hạnh nói đều đều trong một ý nghĩa ám ảnh từ lúc trước.

- Có chứ. Rồi em sẽ thấy. Em đã có một cuộc sống bằng phẳng và đều đặn phải vậy không? Nhưng, có thể một ngày nào đó, giông tố sẽ nổi lên trong em. Một ngày nào đó em sẽ nhận ra một niềm yêu thương hoặc có thể là một nỗi buồn vô biên gặm nhấm lòng mình - nỗi buồn làm cho em muốn phá tung tất cả những gì đã thành nề nếp quanh em. Có thể rồi chúng sẽ lắng lại và em sẽ trở về với bổn phận cũ của em, chấp nhận sự bình yên như vốn có. Nhưng cũng có thể em sẽ băn khoăn day dứt tìm phương cách đáp nỗi buồn cũng như niềm yêu thương và sẽ đi tìm cội nguồn của chúng...

Hạnh ngước mắt lên.

- Anh đọc được những điều ấy ở đâu?

- Anh đọc chúng trong mắt em, cô gái ạ. Tuy nhiên, em đừng tin, những điều ấy chưa hẳn đúng đâu.

*

Đêm sâu và dịu dàng. Gió đêm như những sợi tơ vô hình quấn quít. Họ đã ngồi nép vào nhau tự bao giờ. Trăng khuya trong suốt chảy trên hai mái đầu thanh xuân. Yên tĩnh đến lạ lùng.

- Sao nhiều quá kìa anh!

- Ừ, những vì sao... - Tiếng người đàn ông khe khẽ - Có một câu chuyện kể về chàng chăn cừu xứ Prôvince đã thức cùng những vì sao canh cho giấc ngủ hồn nhiên của cô chủ xinh đẹp trên vai mình. Và anh ta đã nghĩ rằng: Vì sao ngời sáng nhất, rực rỡ nhất vì lạc đường đã đậu xuống vai anh và ngủ thiếp đi.

Cô gái reo lên hồn nhiên:

- Đúng rồi, Alphonse Daudet. Hay quá phải không anh?

Người đàn ông thì thầm:

- …Và nếu như sân ga này bỗng chốc hóa thành đồng, anh ước mình trở thành chàng chăn cừu của câu chuyện xưa...

Tiếng còi chát chúa và một đoàn tàu dài hung hãn lao vụt qua cắt ngang câu nói của người đàn ông. Đêm như vỡ toang ra trong khoảnh khắc ấy. Và khi con tàu đi qua, sự im lặng lại rơi tõm vào đêm như một trái bàng khô. Cô gái nhìn mông lung vào mép đường ray hun hút chạy vào bóng tối. Người đàn ông không tiếp tục câu nói dở của mình. Họ im lặng.

Sương rơi vài hạt nằng nặng. Hạnh rùng mình. Vì sương lạnh? Vì tiếng chẫu chuộc rên rỉ trong đêm hay vì...

- Em lạnh ư? - Tiếng anh vẫn dịu dàng và điều ấy làm Hạnh đau nhói. Giá như, phải, giá như anh đừng dịu dàng đến thế... Giá như anh đừng là anh bây giờ... Giá như anh đừng xuất hiện thì giông bão sẽ không đến sớm với với sân ga và với đời cô như thế.

*

Những đoàn tàu vẫn ì ầm chạy qua ga. Họ vẫn lặng lẽ ngồi bên nhau.

Trời sáng dần. Tiếng gà gáy rộ từng đợt và những tiếng chim đầu tiên trên lùm cây điệp nhắc nhở họ rằng đêm đã qua, những vì sao đã tắt và trước mặt họ giờ chỉ còn là sân ga hiu quạnh.

Tiếng kẻng làm Hạnh giật mình: Sắp đến giờ cô phải bán vé cho chuyến tàu đi Đà Nẵng sáng nay. Hành khách đã đứng chờ rải rác. Khuôn mặt anh trầm tư, căng thẳng vì những ý nghĩ nào đó mà Hạnh không đoán được. Cuối cùng, khẽ lắc đầu, anh đặt tay lên vai cô:

- Bây giờ, Hạnh cho anh một vé đi Đà Nẵng.

"Hãy mang em theo anh...". Trái tim cô gào lên khẩn khoản nhưng lí trí cô câm lặng và ngôn từ đóng cứng lại. Hạnh hiểu rằng cô không thuộc thế giới của anh; rằng cô không thể có anh trong cuộc đời buồn tẻ của mình và vĩnh viễn anh chỉ là một bất thường xảy ra trong chuỗi ngày dài đơn điệu của cô...

Gần như hấp tấp, Hạnh bước vào phòng bán vé, không ngoái lại. Lại vẫn những giọng nói, những bàn tay hầu như quen thuộc. Hạnh làm việc như một cái máy, vô cảm. Và khi đặt chiếc vé vào bàn tay của người khách cuối cùng là anh, một nỗi mệt mỏi, trống rỗng uà vào lòng Hạnh, bỗng chốc cô thấy mình rã rời. Và cô nghe thoảng trong gió một lời thì thầm: "Hãy tha lỗi cho anh."

"Hãy tha lỗi cho anh..." Gió mang lời thầm thì của anh rải trên ga xép quạnh hiu; trên những viên cuội vàng im lặng; trên bức tường rêu phong và rì rào trên những bông hoa li ti nở bạt ngàn bên những thanh tà vẹt.

Tàu đến. Hành khách lục tục bước lên. Một ý nghĩ chua xót vụt qua đầu Hạnh: "Thế là hết".

Trên sân ga chỉ còn lại một hành khách. Chỉ còn anh.

- Thôi chào em.

- Vâng, chào anh - không nhìn, Hạnh đáp máy móc, cố giữ vẻ bình thản mặc dù tay cô nóng bỏng trong bàn tay anh. Anh nhìn cô rất lâu, dường như muốn lưu giữ tất cả sự duyên dáng trẻ thơ ngời sáng trên gương mặt cô vào tâm trí mình.

- Anh sẽ trở lại.

Hạnh nhắm mắt, khẽ lắc đầu. Cô không tin điều ấy sẽ đúng. Nhưng nếu quả thật anh trở lại thì mọi sự có gì khác đâu? Cô không thuộc thế giới của anh và chẳng có gì giữ chân anh cả.

Tiếng còi tàu kéo từng hồi dài rền rĩ. Anh nhảy vội lên toa khi đoàn tàu nặng nề bắt đầu chuyển động.

Thêm một đoàn tàu nữa rời sân ga.

Nắng đã lên rất lâu. Tiếng kẻng vang từng tiếng khô khốc. Vẫn khuôn mặt cau có và giọng nói rè rè vô cảm của Phục:

- Bán vé đi cô Hạnh.

Hạnh từ từ, uể oải đứng dậy. Cảm thấy một con lốc vừa đi qua và lòng cô giờ là một bãi hoang ngổn ngang cây đổ…

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
văn nghệ trẻ, số 22/1997
Bức thư của Phùng Quán gửi cậu

Bức thư của Phùng Quán gửi cậu

Baovannghe.vn - Mấy bận cứ dùng dắng định lên Bảo tàng Hội nhà văn Việt Nam đưa mấy cái bút tích của nhà thơ Phùng Quán xem có giá trị
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Baovannghe.vn - Trong ngày làm việc thứ 3 và phiên bế mạc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác nhân sự.
Triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn tại Bắc Bộ

Triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn tại Bắc Bộ

Baovannghe.vn - Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-22/9/2024, rãnh áp thấp có khả năng hình thành vùng áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc biển Đông và vịnh Bắc Bộ.
Thời tiết ngày 21/9: Miền Bắc mưa lớn trước khi không khí lạnh tràn về

Thời tiết ngày 21/9: Miền Bắc mưa lớn trước khi không khí lạnh tràn về

Baovannghe.vn - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, thời tiết ngày 21/9 miền Bắc sẽ có mưa lớn trước không khí lạnh tràn về
Tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 bàn giải pháp, hướng đi cho báo chí

Tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 bàn giải pháp, hướng đi cho báo chí

Baovannghe.vn - Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024, do Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ngày 21-9