Chuyên đề

Muối nhạt. Truyện ngắn của Văn Thành

Văn Thành
Văn học địa phương
08:00 | 17/09/2024
Baovannghe.vn - Làng muối An Hải có từ thời Lê, Trịnh, nổi tiếng trong vùng. Ở đây, muối được chọn đem vào cung vua, phủ chúa. Những dạ muối trắng như ngà ngọc
aa

Thật không gì khổ bằng đi du lịch mà bị ốm. Đó là trường hợp của tôi. Hẹn hò, rủ rê mãi mới có một chuyến đi ba ngày hai đêm từ vùng cao xuống biển. Chúng tôi háo hức lắm. Việc đầu tiên của dân vùng cao xuống biển là phải tắm đã. Uống bia tươi, ăn hải sản cái đã. Sau mới ngắm trời, ngắm nước rồi chụp ảnh kỉ niệm… Ngày thì vậy, đến đêm nghe nói cũng nhiều thứ thích lắm. Đen đủi cho tôi quá, vừa vào khách sạn nhận phòng, nhìn lên trần nhà thấy quay tròn, mọi thứ xung quanh ngả nghiêng… Thấy tôi ôm ngực nôn ọe ra mật xanh, mật vàng… Đám bạn bè thất kinh thuê xe đưa tôi vào bệnh viện của khu nghỉ mát, bắt nằm ở đấy, sáng hôm sau mới về lại khách sạn. Suốt một ngày một đêm vật vã. Rốt cục đến buổi sáng cuối của chuyến đi tôi cũng ngồi dậy được.

Thấy tôi lò dò lê đôi dép cắt mõm của khách sạn đi ra cổng, ông chủ khách sạn gọi tôi vào quầy lễ tân vắng teo để uống nước. Sở dĩ chúng tôi biết mặt nhau vì mấy lần ông ta đã đến phòng tôi. Chúng tôi giới thiệu về mình. Tôi khen khách sạn to. Ông bảo nhà ông có nhiều khách sạn, tòa này cũng bình thường. Sau ông cho biết đoàn của tôi hiện giờ đang đi thăm cánh đồng làm muối.

Nhìn cách đi đứng thiểu não và vẻ mặt tiếc nuối của tôi, người chủ khách sạn nói giọng cảm thông: “Ông đang yếu thế đi theo họ làm gì”. Ông ta bỗng mỉm cười, nói: “Vạ gì mà trời nắng như lò lửa thế này còn đâm đầu ra ruộng muối. Nắng bỏ cha đi… sao lắm người khổ thế không biết. Ông muốn biết việc làm muối thì tôi kể cho mà nghe, làm cóc gì phải đi đâu”. Tôi cười gượng gật đầu. Thế là ông giới thiệu sơ qua cho tôi biết những việc của nghề làm muối như: Đắp mương, làm rãnh dẫn nước. Việc tháo nước biển vào ruộng cát để phơi nắng ra sao. Sau đó chắt nước “chạt” vào các bể “thống” thế nào. Sau lại múc ra phơi trên ô xi măng để phơi cô thành hạt muối ra sao… “Đấy, có cái gì đâu”, ông ta kết luận.

Thấy tôi chăm chú lắng nghe, ông này thích thú ra mặt và quay sang tôi nói: “Tôi kể cho ông nghe chuyện này, ông đã nghe chuyện muối nhạt bao giờ chưa?”. “Muối nhạt là thế nào ấy nhỉ. Đã là muối thì chỉ làm mỗi một việc là mặn. Đúng không? Nếu muối mà nhạt thì quăng nó đi chứ làm gì nữa”. “Ừ thế mới là chuyện. Có thật đấy, tôi không bịa đâu”. Nhìn cái mặt ông chủ khách sạn, tôi nghi nghi… Nhưng khi nghe thì cũng không hẳn thế!.

Muối nhạt. Truyện ngắn của Văn Thành
Cánh đồng muối. Ảnh: Internet

Làng muối An Hải có từ thời Lê, Trịnh, nổi tiếng trong vùng. Ở đây, muối được chọn đem vào cung vua, phủ chúa. Những dạ muối trắng như ngà ngọc, dưới bàn tay các chàng trai vâm váp, các cô gái vùng biển duyên dáng, mềm mại. Họ đi từng đôi, từng đôi một, cung kính dâng muối cùng các hải sản quý trong những ngày lễ hội, mỗi khi thuyền rồng của phủ chúa đến. Một năm đôi lần, hai bờ sông Đáy rộn ràng tiếng trống, cờ xí… cùng cỗ bàn la liệt. Người trong vùng rồng rắn kéo đến xem. Lễ hội dâng muối cũng là những ngày vui nhất trong năm. Thấy dân An Hải hiếu thảo, lại hiền lành, phủ chúa cũng ưu ái ban cho lụa, gấm vóc cùng các sản vật cho dân Diêm. Chúa ban cho cả vùng được miễn thuế, sau lại cấp cho gỗ, đá, sắt… để dân đóng thuyền và làm nhà. Người An Hải thấy thế bèn rủ nhau cứ vài tháng lại cho dâng sản vật biển về phủ chúa. Chúa Trịnh cảm kích bèn lệnh gả rất nhiều cung nữ cho các thần dân An Hải. Gái ở đây vốn đã đẹp, nay càng mảnh mai, mặn mà… nức tiếng khắp vùng. Dân An Hải vì vậy vừa giàu lại vừa có thế lực.

Đến thời Tây và thời Ta sau này cũng vậy. Hạt muối từ đồng biển An Hải theo chân anh bộ đội đi khắp các chiến trường. Khi hòa bình muối An Hải lại được xuất khẩu sang các nước Á, Âu… Nghề làm muối tuy chẳng sang trọng gì nhưng nó lại có tình, có nghĩa. Có trước có sau. Dân Diêm tuy chẳng giàu có nhưng sống khiêm cung, tằn tiện, hiền hòa, nhân ái lắm.

Vậy mà đánh đùng một cái, cả một vùng đồng muối bỗng tan hoang, muối chất đống, giãi nắng dầm mưa, không ai thèm mua. Đổ đi thì tiếc công sức, mồ hôi. Để đấy thì hàng ngày nhìn buồn héo gan héo ruột. Làng muối đang đông đúc, ăn nên làm ra, nay nghèo xơ xác, hoang vắng, tiêu điều.

Ấy là vào những năm nhà nước xóa bỏ bao cấp. Vùng An Hải xuất hiện một người tên là Động. Người này lùn, mặt bẹt, mắt lé và nói như thánh phán, Sau này bị Diêm dân chửi là Động “lé” hoặc “Động đực”.

Động được cấp trên cử xuống làng muối An Hải với mác “kĩ thuật viên”. Nghe nói đây là con rể một ông có chức trên huyện. Sau này người ta mới biết ông này có cô con gái chửa hoang. Người ta phát hiện tác giả của cái bụng phưỡn ấy tên là Động, một nhân viên bốc vác cho công ty bách hóa. Ông nọ muối mặt, cho cưới vội sau ra lệnh điều “rể quý” đi xuống đâu đó cho khuất mắt.

Ngày ngày, Động đi ra đồng muối, dựng chiếc xe đạp phượng hoàng ở chỗ thật mát. Cầm quyển sổ và cái bút bi, lân la đến những lán đựng muối của Diêm dân nghiêng ngó. Y bốc vài hạt đưa vào mồm nếm rồi nhổ phì ra và phán : “Được” hoặc “không”… “Được” có nghĩa là hôm sau xe ô tô của công ty sẽ đến cân muối, trả tiền. Tất nhiên “không” có nghĩa là cứ nằm đấy đã. Đây là thời kinh tế khó khăn. Giá cả bấp bênh. Muối đã rẻ lại khó bán, nên Động đi đến đâu cũng được Diêm dân mời ăn nhậu, quà cáp, săn đón làm quen để bán được muối. Biết “giá”của mình, Động kiêu lắm. Ai làm hắn phật ý thì dè chừng. Tuy nhiên Động “lé” rất hám “của lạ”.

Đất muối An Hải lại là đất của mỹ nhân. Nơi đồng muối mà, đàn bà, con gái xưa nay vẫn được ví như tiên nữ giáng trần. Mặc bộ áo quần làm muối vào thì ai cũng kín mít như ai. Nhưng chiều đến, các “nàng” trút bỏ cái bộ bảo hộ ấy ra xem. “ Da làm muối không hẳn là đen nhé... Thoa tay vào nước rửa mặt, nghiêng đầu cho suối tóc tràn xuống vai, mặt hoa ngoảnh lại khẽ nở một nụ cười, ấy là lúc kẻ si tình tối tăm mặt mũi như thể trời nghiêng biển cạn… Chưa nói đến gái tơ, chỉ nói đến gái có chồng hai, ba mặt con, khi ra đường trai tân trong vùng còn đổ như chuối cây trước gió bão”.

Động vớ bẫm. Chỉ ít ngày xuống An Hải, anh ta đã thậm thụt với cô Thịnh ở cuối làng muối. Cô Thịnh góa chồng, sống một mình thui thủi, thiếu thốn tình cảm. Gặp anh Động cán bộ có tài lại ăn nói khéo, hai người liền quấn lấy nhau như đôi sam, dẫu cô Thịnh cũng biết Động đã có vợ con trên thị trấn. Thói giăng hoa của Động cũng chưa dừng ở đấy. Ngày ngày ra đồng muối, cứ thấy gái là hắn sấn đến cợt nhả, cầm tay, vuốt tóc con người ta. Nhiều anh chồng ức lắm mà không dám làm gì Động.

Vào một buổi trưa, Động đi đến mấy ô muối thấy Thảo “hoa khôi” một mình đang lúi húi trang cát. Thảo ở người thành phố lấy chồng về đây, có dáng dong dỏng, nom y người mẫu. Thấy người đẹp một mình tha thướt như múa trên đồng, Động vờ vịt kêu khát nước, có ý rủ Thảo vào chòi để tán tỉnh. Chẳng ai ngờ tay Lâm chồng Thảo đang nằm nghỉ ở trong chòi thấy vậy cười lớn : “Chào anh cán bộ kĩ thuật… Anh có thấy con chó đực nhà tôi nó sổng ra đây không!”. Động giật thót người, quay mặt cun cút đi như chạy.

Lâm còn gọi là “Lâm tù”. Anh ta là bộ đội đặc công nước phục viên, trông to cao như người Tây. Lâm ít nói nhưng thẳng và cục tính. Sở dĩ gọi thêm câu “tù” vì mấy năm trước Lâm cùng với mấy người trong xóm, nhân có đám cưới, rủ nhau uống rượu, đánh bài ăn tiền sau bị bắt giam trên huyện mấy ngày. Dân cũng chẳng có ác ý, nhưng gọi thế để phân biệt với mấy người trùng tên. Việc Động về đây hống hách, hạch sách Diêm dân làm Lâm căm lắm. Lâm định bụng sẽ đả cho hắn một trận, nay thấy y trêu vợ nên Lâm mới nói vã vào mặt hắn như thế.

Vợ chồng Lâm phải trả giá. Mấy ngày sau, khi ô tô công ty đi qua, không cho công nhân đến bốc muối nhà mình, Lâm hỏi thì Động cười nhạt: “Muối nhà ông nhạt lắm, bán đâu thì bán chứ công ty không mua”. “Hả, mày nói gì, muối nào nhạt”… “Muối nhà ông nhạt, rõ chưa”. Lâm điên tiết, định nhảy vào vả vỡ mõm thằng đểu nhưng bị ngăn lại. Các hộ có muối bán chắc sợ mất lòng Động nên lặng yên, cứ người nào việc ấy. Họ coi như chuyện ấy là của riêng hai người. Không ai bênh vợ chồng Lâm một câu. Chiều hôm ấy, Lâm làm giấy, phóng xe đi báo với các nhà chức trách. Cấp trên hứa sẽ cho cán bộ về giải quyết, rồi lờ đi.

Dân làng muối mới đầu thì ôm bụng cười, sau bàn ra, tán vào mỗi người nói một kiểu. “Ối dào ơi… Ai bảo gọi người ta là chó, chết chưa. Thiếu văn minh… Kiện được cán bộ à, hay bẻ nạng chống trời. Có khi muối nhà mình nhạt thật thì sao. Xem lại mình đi. Người ta có bằng có cấp, nói thế là có lí của nó chứ… Ai chứ tôi là tôi ủng hộ đồng chí Động đấy”… Của đáng tội là trong làng cũng có một số người thấy việc ngang tai, trái mắt ấy nhưng chỉ dám thì thào, chứ không công khai phản đối bảo vệ vợ chồng Lâm.

Tháng ngày trôi đi, vợ chồng Lâm sa vào cảnh túng bấn vì không bán được muối. Vợ trách chồng. Gia đình sinh ra lục đục, Lâm dường như lại sa vào cảnh rượu chè. Nhưng bỗng một hôm, Lâm “tù”đi ra đồng, gánh đất đắp thành một cái ụ trên ruộng muối nhà mình. Anh ta trồng một cây bồ hòn, một cây ớt lên đó rồi tuyên bố bỏ nghề muối.

Thế lại hóa hay. Chồng khỏe, vợ vừa xinh vừa khéo, Lâm vay tiền mua một cái Honda cũ, bảo vợ gom hải sản ở chợ đem lên thành phố bán. Mới đầu Lâm bán thật rẻ, chỉ lấy công và tiền xăng nên khách đến mua và đặt hàng ngày một đông, làm không hết việc. Có thu nhập, Lâm thuê thêm người làm công. Sau đó mua được ô tô tải và chỉ hơn năm sau đã mua được một cửa hàng lớn trên thành phố chuyên cung ứng hải sản tươi sống. Như diều gặp gió, sau khi tậu được mấy tòa nhà to ở thành phố. Lâm giao công ty ấy cho người thân tín làm chủ, anh ta cùng vợ về An Hải mua một khu đất rộng thuê các kĩ sư thủy sản, bác sỹ thú y… mở một cơ sở cung cấp giống cho các lồng, bè nuôi trồng hải sản trong vùng.

Bây giờ không còn ai gọi anh là “Lâm tù” nữa. Họ gọi “Lâm đại gia”, hoặc “Lâm sộp”. Sộp lắm, ăn tiêu rộng rãi với bạn bè, làng xóm đã đành, Lâm tự xin làm cho xã một con đường rộng rãi, tiền tỷ. Sau khi được cấp trên cấp giấy khen, Lâm “sộp” cho xây tiếp một nhà dưỡng lão miễn phí cho các cụ già trong vùng.

Vợ chồng Lâm “sộp” làm ăn thuận lợi bao nhiêu thì làng muối “tiến vua” khổ sở bấy nhiêu. Từ ngày vợ chồng Lâm bỏ nghề vì bị “muối nhạt”, Động cũng bị điều đi nơi khác. Nghe nói cô con ông cán bộ to nọ, thấy Động sống không ra người nên đã làm đơn li dị. Động bỏ việc đi lang thang… Thời gian sau, Động lại trở về An Hải trên một chiếc xe hơi đen bóng, mới tinh. Cô Thịnh phấn khởi làm cỗ ăn mừng. Nhưng gần như ngay sau đó có tin Động bị truy nã vì lừa đảo. Hắn trốn biệt tích, để lại cô Thịnh cùng với một đứa trẻ khóc oe oe.

Giờ đây, cánh đồng muối An Hải nom thật tang thương. Hạt muối làm ra khó nhọc đã khó bán, nay lại mang cái tiếng “nhạt”. Mà người ta nói thế cũng đúng. Muối nhà Lâm nhạt thì nhà bên cạnh cũng nhạt, cả đồng muối An Hải cũng thế. Tiếng “muối nhạt” lan nhanh khắp vùng. Báo chí lại đưa tin kiểu nửa nạc, nửa mỡ: “Vấn đề trong cách làm muối ở An Hải”. Tức là muối An Hải đang có “vấn đề”. Thế là hỏng rồi… Công ty sợ mang tiếng không mua đã đành, đến các làng muối cạnh bên cũng không chịu bán hộ. Vì chính muối của họ “mặn” như thế mà bán còn khó, huống hồ… Nhưng người dân An Hải “không sờn lòng”. Họ chạy đôn, chạy đáo khắp nơi. Các già làng trước đây từng chê muối nhà Lâm nhạt giờ nghĩ ra một sáng kiến: phải kéo nhau đến gặp Lâm “tù” bằng được. Bảo rằng chỉ có anh ta mới có “tâm”, có “tầm”… để giúp làng khôi phục lại nghề muối. Các cụ ấn vào tay Lâm một bảo bối hùng hồn chứng minh điều đó. Ấy là mảnh giấy có triện đỏ. Rằng giờ cấp trên đã chứng nhận muối An Hải “mặn” thật rồi. Nhưng Lâm nêu lí do từ chối.

Cánh đồng muối đẹp như một bức tranh ngày nào, tạo công ăn việc làm cho cả làng, cả vùng, nuôi sống biết bao thế hệ nay nứt nẻ, tiêu điều. Những Diêm dân đổ đi tìm các việc làm khác, nhiều gia đình bán nhà cửa chuyển đi. Đồng “muối tiến vua” sóng xô, mưa dội giờ sú, vẹt… mọc đầy.

Thế mới biết lời nói từ miệng người nó độc địa, ghê gớm thế nào. Phần lớn người dân An Hải giờ đây quay ra chửi và oán tay Động: “Đểu thật… Nhưng họ lại quên không oán trách mình. Đó là bấy nay họ chỉ chăm chăm lo cho cái niêu cơm nhà mình mà không nghĩ đến người khác, đến cái chung. Thấy cái sai không dám lên án, cái đúng cũng không dám bênh vực thì cũng là đã làm một việc tồi, việc chẳng ra gì!. Có người nói cái sai được sự đồng tình của im lặng mãi, cũng có thể trở thành cái đúng. Cái “đúng” ấy cứ lặp đi, lặp lại sẽ có lúc trở thành chân lý. Nhưng đó là thứ “ngụy chân lý”, một thứ chân lý đáng buồn”.

Động quay lại An Hải lần thứ ba trong bộ dạng của một hành khất. Hắn chạy vào Tây Nguyên nhằm mai danh ẩn tích, nhưng không có giấy tờ nên bị trục xuất về quê. Động tìm về An Hải ở với cô Thịnh cùng đứa con. Cô Thịnh đã nhận ra bộ mặt thật của Động, nên lúc đầu từ chối. Sau nghĩ cũng tội nghiệp, bèn đổi buồn thành vui, đồng ý cho hắn ở lại và khuyên hắn ra đầu thú. Tòa án thấy số tiền hắn nợ tính thời giá hiện tại không lớn, khuyên hắn nếu nộp đủ thì sẽ xử cho án treo. Hắn cùng đường, sau phải muối mặt đi từng nhà trình bày, xin mỗi nhà “đỡ” cho một ít. Có người bảo hắn đến nhà Lâm “đại gia”, thế nào cũng được một món.

Chả biết nghĩ thế nào mà hắn mò đến thật. Hôm ấy Lâm đang tưới cây cảnh. Thấy Động lấp ló ngoài cửa, Lâm chạy ra vui vẻ kéo vào, rót bia cho uống mà chả hề đả động gì chuyện cũ. Thấy không bị chửi mắng, sỉ vả… Động gãi đầu lí nhí định trình bày, nhưng Lâm cười bảo: “Biết rồi”, và vào nhà cầm một nắm tiền kha khá, đưa cho hắn. “Động ứa nước mắt định nói lời xin lỗi nhưng tôi gạt đi”. - Ông chủ khách sạn như lỡ lời cười… - “Đúng thế, lúc ấy tôi nói gạt đi: “Thôi, chuyện ngày xưa nói lại làm gì, giờ cậu biết sai là tốt rồi.”

… Buổi sớm tinh mơ. Chiếc xe chở đoàn khách vùng cao quay đầu rời khách sạn. Chiếc xe chạy vòng ra phía biển rồi dừng lại ngay trên bờ cát. Trong lúc mọi người trong đoàn xúm xít mua cá tươi từ những chiếc thuyền vừa cập bến, tôi lặng lẽ đi xuống bờ biển. Đây là lần đầu tiên tôi được ngắm biển lúc bình minh. Biển rộng quá. Gió biển mát quá. Tôi ngây người trước vẻ hùng vĩ, bao la đến kì diệu của biển. Trước mặt tôi, làn nước xanh với muôn vàn con sóng vỗ ào ạt dưới chân. Ngoài xa, những chiếc thuyền câu cá đêm trông bé tí tẹo như những đồ chơi của trẻ con đang nhấp nhô như chơi trò bập bênh trên sóng. Từng đàn chim biển chao lượn, kêu ran một góc trời. Tôi khum tay vục một vốc nước biển, cúi xuống vã lên mặt. Nước biển mát lạnh trào vào miệng khiến chân răng đê mê vị mặn chát. Tự dưng tôi nghĩ rằng vương quốc biển thật kì lạ. Bao nhiêu giọt nước hẳn là bấy nhiêu thần dân. Thần dân của biển cả chắc chắn nhiều không sao kể xiết. Có điều mỗi thần dân ấy luôn giữ được dòng máu mặn mòi biển ban cho muôn thuở, không ngừng tuôn chảy khắp châu thân… nên khi hiến mình thành hạt muối sẽ không nhạt bao giờ.

Bất giác, tôi nghĩ đến biển của cuộc đời.

Truyện ngắn của Văn Thành

Nguồn Tạp chí Sông Thương (số 4/2024)

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Hũ vàng của mẹ - Truyện ngắn của Khánh Thư Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Ngày dài. Truyện ngắn của Phạm Hương Ngôi nhà không có cầu thang. Truyện ngắn của Phan Trung Hiếu Trời hôm nay không mưa. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Vượng
Tạp chí Sông Thương
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.