Từ cổ chí kim, người con gái luôn là biểu tượng của cái đẹp, sự quyến rũ, nền nã. Họ là phái yếu, thường tự lui mình làm hậu phương. Nhưng khi vận mệnh nước nhà nguy khốn, họ lại biến thành bậc anh thư, gác lại mọi riêng tư, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, cùng với nam nhân gìn giữ sơn hà. Qua những câu chuyện đậm chất Nam Bộ trong Gái thời chiến, tác giả đã tái hiện chiến trường miền Nam những ngày chống Mĩ vô cùng chân thật, sinh động, đầy sự gian khó, ác liệt mà cũng đầy khí phách, tự hào. Với những lát cắt không mỏng cũng chẳng dày, vừa đủ cho bạn đọc thấm mùi chiến sự, vừa đủ để yêu thương và kính phục những chiến sĩ tóc dài, những tấm thân nhỏ bé, yếu đuối nhưng kiên cường, dũng cảm.
|
Trong truyện ngắn lấy làm nhan đề tập truyện, Gái thời chiến, Hoài Vũ viết về chuyện cô Thiệp chưa đủ tuổi làm du kích nên đã giận má vì không… đẻ mình sớm hơn để đủ tuổi ra chiến trận: “Má kỳ cục quá hà, sao má không đẻ con ra trúng năm Tý?”. Rồi bằng mọi cách, Thiệp phải có cho được cây súng để giết giặc. Số tiền cắc củm để mua lược, mua gương làm đẹp với người ta cũng được Thiệp dùng “để làm những việc hệ trọng hơn, thiêng liêng hơn”. Khi có “được súng như được vàng”, Thiệp đã “quyết tâm trở thành dũng sĩ”. Một cô bé mới ở độ tuổi thanh thiếu niên nhưng đã thể hiện hào khí ngút trời khi chứng kiến cảnh nước nhà bị giày xéo. Ngôn ngữ trần thuật với lối văn sinh động cùng sự khéo léo của tác giả trong sử dụng những thán từ địa phương như “chà!, nè!, đấy hả?, trời đất!”… và tinh tường trong miêu tả sắc thái nhân vật “trề môi, bặm trợn, bẽn lẽn, nũng nịu”… đã làm toát lên tính chân thật, gần gũi của đời thường. Cũng từ đó, tình yêu đất nước được tác giả đẩy lên trên mọi tình cảm khác.
Ở Bông sứ trắng, câu chuyện được dựng lên bằng phép hồi cố với những tình tiết chặt chẽ, hồi hộp, bất ngờ và cảm động. Bằng “một lá thư” không tên người gởi của một cô gái, quân giải phóng đã hốt gọn ổ bọn ác ôn, tay sai. Cô gái không ngại khó ngại khổ ấy chỉ mong góp sức mình diệt giặc, chứ không mong để lại tên tuổi. Cô đúng là một “bông sứ trắng” thanh khiết, giản dị mà tràn đầy yêu thương. Tôi thích câu nói của anh Tám trong câu chuyện: “Cái gì làm cho mình xúc động ghê gớm, cái đó đến chết hãy còn mang theo”.
Đọc Gái thời chiến chúng ta thấy Hoài Vũ đã ngụp sâu vào dân tộc mình để nắm bắt hiện thực trong từng chi tiết. Nói như Pautopxki, “chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”. Hoài Vũ đã dùng những “bụi vàng” đắt giá để trần thuật câu chuyện của mình bằng một giọng điệu dung dị mà hấp dẫn, nhẹ nhàng mà xúc cảm, giản đơn mà sâu lắng. Phải kể đến Đêm Vàm cỏ, Mái tóc, Người Sài Gòn, Bông huệ trắng… mỗi truyện kể là mỗi cuộc đời, mỗi thầm lặng hi sinh. Từ cô Ba Đào nửa đêm cõng đồng chí mình lội qua đồng bưng, băng qua bót để tới bệnh viện, đến Cô Nhạn hóa thành ni cô để hoạt động cách mạng; từ người vợ và đứa con gái nhỏ hết lòng chăm sóc anh Tám giải phóng quân khi thương tích, lỡ đường đến Ngọc - người con gái bị giặc cướp đi cánh tay - vẫn gan góc bám trụ, bám làng cùng ba mình làm Việt cộng, hiên ngang dẫn đám lính mấy chục tên và tay sai thẳng hướng bãi tử địa để bảo vệ đồng đội, để diệt thù. “Bụi vàng” của Hoài Vũ là cái quần ngang gối vá chằng vá đụp được dân trao cho người chiến sĩ, là đứa bé gái tuổi “đái dầm” cùng ba mẹ bảo vệ người “đằng mình”, là những nương tựa chở che nhau trong tình quân dân giữa cái mờ tối không rõ mặt người bởi quá gần bót giặc. “Bụi vàng” của Hoài Vũ là sự hòa trộn, đan xen giữa sinh hoạt đời thường với ý chí chiến đấu chống ngoại xâm cùng sự cài cắm của các yếu tố lãng mạn cách mạng đầy sự thi vị, tinh tế, giàu xúc cảm. Và khi những “bụi vàng” cùng hội tụ, nó lấp lánh, loáng sáng bật thành hơi thở cho đời sống tác phẩm, rung động và lắng lại bền lâu trong lòng người đọc.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được kết hợp hài hòa cùng các yếu tố lãng mạn cách mạng - khuynh hướng xuyên suốt tập truyện - đã làm nên nét đặc sắc cho Gái thời chiến, phản ánh chân thật bản chất, tính cách, tâm hồn người dân Việt Nam thời kì li loạn. Cũng chính khuynh hướng này làm nên chất thơ và sự yêu đời dù bốn bề bom đạn trong tập truyện. Dù không ngừng chiến đấu, trên tay là súng, là tài liệu mật, là cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào…, các nhân vật của Hoài Vũ vẫn không ngừng yêu, không ngừng thương, không ngừng lao động sản xuất (Cánh én trên vườn thơm, Lên vành đai, Vườn ổi…). Mất mát, thương đau được biến thành sức mạnh. Gian khổ, hi sinh càng nung lửa căm hờn.
Đọc Gái thời chiến, bạn đọc không chỉ thấy những cô gái đi làm cách mạng, thấy bộ đội chiến đấu quên mình, thấy đồng bào chở che, giúp sức giải phóng quân… mà còn nhận ra cảnh nằm gai nếm mật của người cầm bút nơi chiến trường: “Tôi toài, tôi nhào, tôi lộn đủ kiểu, đủ cách để tránh pháo” (Ngọc). Họ lăn xả, đổ máu và hi sinh chẳng kém gì: “Tôi vụt chồm dậy, rút lựu đạn cầm sẵn trong tay… Tôi nằm yên như một xác chết, mặc cho những luồng ánh sáng bò qua bò lại trên lưng mình…” (Tiếng sáo trúc). Và họ vẫn “…viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút là dẫu năm tháng qua đi, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình, như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ”… Đó đều là lời tác giả. Chuẩn phong vị Hoài Vũ, chẳng thể lẫn vào đâu được: đam mê mà cống hiến, tài hoa mà hồn hậu. Và tôi tin, với những ai yêu văn chương, thơ ca, không thể không yêu Gái thời chiến, Hoa trong tuyết hay Thì thầm với dòng sông. Cũng không thể không yêu Hoài Vũ, một nghệ sĩ tài năng, một tâm hồn đẹp, một trái tim ấm áp. Và nếu bạn đã từng gặp gỡ, sẽ không khó để nhận ra ở ông một nhân cách sống: bình dị, thân tình và khiêm hạ.
Gái thời chiến đã phản chiếu và in đậm một chủ nghĩa anh hùng cách mạng đặc sắc. Tác giả miêu tả cuộc chiến, con người với góc nhìn văn hóa của một tâm hồn nhạy cảm, phong phú và giàu tính nhân văn. Lịch sử vì vậy mà trở nên bi tráng, kiêu hùng, chân thật và đầy xúc cảm với sự góp sức và hi sinh không nhỏ của phận hồng quần. Những người “con gái thời chiến” qua ngòi bút của Hoài Vũ hiện lên với vẻ đẹp dịu dàng mà tiết nghĩa, bình dị mà sắc sảo, đơn thuần mà khí cốt… Họ chính là những bông hoa ngát hương cùng sông núi.
Bảo Bình | Báo Văn nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục