Trong tiến trình lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để giữ gìn nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hướng tới cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Hiện nay, dù tiếng súng đã yên trên mảnh đất hình chữ S và chúng ta đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế, nhưng vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ vẫn mãi là những biểu tượng không thể phai mờ, vẫn cần được nghiên cứu, nhìn lại, viết tiếp để nhận diện căn tính dân tộc cũng như khẳng định khát vọng hòa bình.
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: T.Huyền |
Trên tinh thần đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ”. Hội thảo diễn ra hôm 4/10 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là một trong các sự kiện chào mừng kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 73 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 67 năm ngày ra số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Với đề tài viết về chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới khoa học xã hội nhân văn trong nước và quốc tế. GS.TS Lê Huy Bắc, thành viên Ban tổ chức hội thảo, thông tin Ban tổ chức nhận tổng cộng 168 báo cáo tóm tắt và sau đó nhận được 114 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 162 học giả trong nước và quốc tế. Con số này không chỉ là biểu hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với chủ đề hội thảo. 10 báo cáo tóm tắt của các học giả quốc tế gửi tới hội thảo, 4 báo cáo toàn văn của 4 học giả đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Brunei, Philippines, Hàn Quốc. Ở trong nước, không chỉ các tác giả sống, làm việc tại Hà Nội tham gia viết bài mà các học giả công tác ở nhiều tỉnh thành từ khắp mọi miền đất nước đã gửi bài đến Ban tổ chức, đồng thời tề tựu tại Hà Nội để trình bày nghiên cứu.
Khẳng định việc tổ chức hội thảo “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ” là cấp thiết, GS.TS Lê Huy Bắc - Trưởng khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nói vài ngày trước, khi nhìn thấy hình ảnh chiến tranh ở Trung Đông trên các bản tin, ông giật mình nhìn lại và liên tưởng tới sự kiện hội thảo này. “Trong thời đại số hóa hiện nay, dường như những gì từng được xem là khủng khiếp như chiến tranh lại đang bị bình thường hóa một cách đáng sợ”, GS.TS Lê Huy Bắc nói.
Nếu như trước đây, báo chí về chiến tranh là mất mát, đau thương, lòng can trường, thì ngày nay, dường như chiến tranh được tường thuật như chuỗi sự kiện gây sốc, làm mất đi góc độ chân thực về sự khốc liệt, bi thương của nó. “Phải chăng, đó là mặt trái của thời đại kĩ thuật số khi đối diện với chiến tranh? Trong bối cảnh đó, với những tham luận về nỗi đau chiến tranh, khát vọng hòa bình phản ánh tinh thần nhân văn, Hội thảo không chỉ ôn lại về lịch sử chiến tranh cách mạng, hình tượng bộ đội Cụ Hồ mà còn là lời nhắc về trách nhiệm của văn hóa, nghệ thuật trong việc chống lại sự chai sạn của cảm xúc, làm sống lại những giá trị nhân văn sâu sắc”, GS.TS Lê Huy Bắc khẳng định.
Nhìn về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khái quát: “Dường như lịch sử chọn dân tộc Việt Nam làm thước đo của sự chịu đựng và chiều cao lòng dũng cảm của con người tới đâu”. Bằng cớ là dân tộc ta đã đương đầu với những đạo quân thiện chiến và hùng mạnh bậc nhất loài người. Và những cuộc chiến tranh ấy là những cuộc đấu tranh sống còn, sinh tồn; cuối cùng người Việt đã vượt qua những nanh vuốt của lịch sử để bước tới thế kỷ 21. Chúng ta chiến thắng, chúng ta tồn tại vì chúng ta có sự can trường của dân tộc. Sự can trường ấy ở một giai đoạn nào đó, như từ thế kỷ 20 trở về đây đúc rút trong hình tượng “anh bộ đội Cụ Hồ”. Năm nay, 2024, tròn 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên chặng đường 80 năm đó, mỗi bước đi đều nhuốm màu huyền thoại của những khó khăn, hy sinh, nhưng oanh liệt, dữ dội mà vinh quang.
Vì thế, viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính là trách nhiệm, lương tri của người sáng tạo văn học nghệ thuật. Trên thực tế, con người ta không thể đi lên phía trước bền vững nếu sau lưng không có sự vững chắc của quá khứ. “Viết về chiến tranh cách mạng và người lính chính là gia cố thêm cho sự vững chắc của quá khứ dân tộc ta để từ đó có sự hoạch định tốt cho những bước đi trong tương lai. Ý thức được điều này, các văn nghệ sĩ đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Bằng cớ là chúng ta có được kho tàng văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh khá đồ sộ, trong đó hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ là trung tâm”, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói trong bối cảnh biến đổi như vũ bão hiện nay, việc trao đổi, định hình cách nhìn nhận lịch sử là cần thiết, để từ đó định hướng cho các hoạt động trong tương lai. “Hội thảo này cho chúng ta góc nhìn sâu hơn, đa chiều hơn về một vấn đề quen thuộc, được nói nhiều trong lịch sử văn học Việt Nam đó là việc viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
Về kết quả hội thảo, Thượng tá, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, Trưởng ban Lý luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cho rằng các tham luận đã nhìn nhận đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong sự soi chiếu từ nhiều góc độ: từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, từ những biểu đạt văn học đến những diễn giải của các loại hình nghệ thuật khác. “Tiếp cận cả từ góc độ so sánh với cái nhìn liên ngành và liên/ xuyên khu vực, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những hình dung về khả năng mở của việc nghiên cứu về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính. Từ đó, Hội thảo mở ra những hình dung sắc nét hơn về căn tính, bản sắc đất nước, con người Việt Nam”, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định.
Đánh giá cao kết quả hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tin tưởng sau hội thảo này, giới nghiên cứu có nhiều thành tựu, mà thành tựu quan trọng nhất là tìm tòi, trao đổi, có cách tiếp cận sâu sắc hơn về văn chương viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói kỷ yếu hội thảo là kết quả rất tốt, cung cấp dữ liệu cho quá trình đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy về sau này.
Thành Nam | Báo Văn Nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: