Sáng tác

Cánh thư bay. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Nguyễn Thu Hằng
Truyện
11:08 | 08/09/2024
Baovannghe.vn - Khi hỏi chuyện bố mẹ xem còn lá thư nào ngày trước cho Tú mượn thì cả hai đều bảo chẳng bao giờ viết thư, có đi đâu xa mà viết thư.
aa

Sau khi cô Kim Yến dặn dò về nhà: “Mỗi tổ sẽ chuẩn bị một lá thư để phục vụ cho việc học bài Viết thư tiết sauthì cả tổ ba bủa lưới quây lấy Tú với muôn vàn lí do đổ xuống như những lớp sóng, nào là tiết Công nghệ, tiết Sinh, tiết Hoạ và tiết vân vân… Tú chưa bao giờ chuẩn bị cả, bây giờ chuẩn bị thư giao cho Tú. Lời nói của tổ trưởng Minh như quyết nghị khiến cô bé không khe vào chỗ nào mà cãi được. Tú cung cúc ra về như gà về chuồng. Trách nhiệm đổ lên đầu khiến Tú ăn mất cả ngon, nhất là khi hỏi chuyện bố mẹ xem còn lá thư nào ngày trước cho Tú mượn thì cả hai đều bảo chẳng bao giờ viết thư, có đi đâu xa mà viết thư. Lạ nhỉ, sao bố mẹ cổ hủ thế, cứ phải đi xa mới viết thư sao? Bọn Tú ngồi trong lớp còn viết thư cho nhau rồi cho thư ấy phi máy bay tít mù trong lớp, dù chỉ là những câu chuyện ngớ ngẩn, nhưng nếu không viết ngay chốc nữa hết hứng chẳng muốn kể nữa. Những lá thư bay đó nhiều khi cũng lưu lại dấu ấn trên sổ đầu bài bằng giờ khá và hậu quả về sau nữa là phạt trực nhật, dọn vệ sinh vì chúng đã bay trái đường, đáng lẽ phải lượn ra bàn cái Hà khi cô thầy quay lên bảng viết bài thì nó lại đánh lái lật cánh bay lên bục giảng đến trước mặt thầy cô nghe giảng bài…Có lúc những lá thư bay ấy chở cả đáp án kiểm tra nữa. Và khi bị bắt quả tang thì cả bị can lẫn bị cáo, bài đều bị về “mo”.

Bọn Tú còn có kiểu thư trò chuyện nhanh hơn cả vận tốc máy bay, có lẽ phải ví với vận tốc của ánh sáng, mà có khi còn nhanh hơn, như ý nghĩ chẳng hạn. Tối nào sau khi học xong, Tú cũng phải gửi vài lá cho vài người bạn thân không biết mặt: chỉ cần mở máy tính và online, viết vài dòng và ấn “gửi” thế là thư đã được gửi đến người nhận. Bên đầu “bưu điện” bên kia cũng chỉ trong nháy mắt đã hồi âm ngay. Nhanh như ý nghĩ. Thư mới thư cũ chồng chất trong hộp thư đến. Thế mà chỉ cần có một lá thư thật, cầm được, nhìn thấy, viết trên giấy với bì thư kẻ sọc xanh đỏ mà Tú lại không có. Cô bé chợt à lên một tiếng, cô nhớ tới cuộc hẹn với “ Hoàng tử Sên” lúc Tám giờ rưỡi.

Cánh thư bay. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
Những bức thư - Ảnh từ Pixabay.com

Hoàng tử Sên thế mà đúng hẹn, đã túc trực sẵn.

- Này Tu Sắc, lại trễ nữa rồi đó.

- Ừa, người ta có việc quan trọng. Đang rối tinh cả đầu lên.

- Thương quá, cái đầu ấy mà rối thì xấu lắm đó.

- Xấu xinh không quan trọng. Có thể viết cho người ta một lá thư được không?

- Thì hôm nào mình chả đang tâm sự đây còn gì?

- Không viết một lá thư thật, thư tay hẳn hoi tử tế cơ, có dán tem, gửi qua bưu điện cơ!

- Bộ bị ấm đầu hả? Tôi là…con gái như bà thôi…muốn iu tôi sao đòi tôi viết thư?

- Không, một lá thư bình thường, thư bạn bè, người ta rất cần, viết nha!

- Thì viết.

Tú vui như vừa mới phát minh ra điều vĩ đại. Khi tổ trưởng hỏi chuẩn bị đến đâu rồi thì cô bé vỗ lại vai tổ trưởng như trấn an tinh thần: “Yên tâm đi, sẽ có thư!” Cả năm ngày Tú háo hức chờ đợi lá thư của Hoàng tử Sên nên chẳng cần vào mạng, cũng không thèm tham gia trò thư tàu bay với bọn thằng Võ, cái Hà nữa. Tú thấy chuyện đó giờ lãng xẹc. Chỉ có lá thư tay kia mới là có ý nghĩa. Nhưng cái sự yên tâm của Tú bị lung lay khi chỉ còn một ngày nữa mà thư vẫn chưa thấy đến. Lá thư bì sọc xanh đỏ và dấu bưu điện. Chờ đến năm giờ chiều, vẫn biệt vô âm tín, dù cô Út Hải về chơi, cho cả bé Bí Ngô về nữa, cô còn may cho Tú một cái váy màu xanh nước biển rất đẹp mà cô bé vẫn không vui là mấy. Tú đứng ngồi không yên. Trời đổ màn đêm xuống khắp lối ngõ như chặn đứng con đường huyết mạch của thư tay.

Tú uể oải mở máy tính. Hoàng tử Sên gửi cho Tú từ hôm qua:

“ Mình quên mất không viết thư gửi cho Tu Sắc được vì tuần vừa qua có nhiều bài vở quá. Đợi mình viết sau nhe!”

Viết sau thì còn nói làm gì nữa, chẳng cần gì nữa. Tú chẳng buồn đáp lời, tắt phụt máy tính tựa như lá thư đã làm tắt lịm niềm hi vọng của Tú. Cô Út đang múc chè bí ngô bà nấu ra bát, thấy cháu gái có vẻ mặt ỉu xìu, không thấy nô đùa với bé Bí Ngô như mọi khi, bèn gặng hỏi, Tú như được thể trút bỏ nỗi bực mình:

- Cháu cần một lá thư để chuẩn bị cho bài học ngày mai, bạn cháu bảo sẽ viết cho cháu rồi gửi đến, thế mà nó lại quên mới bực mình. Mai không có thư, bọn nó sẽ cười cháu, trách cháu cho mà xem. Tổ cháu sẽ tụt hạng.

- Một lá thư? - Cô Út hỏi lại.

- Vâng, tiết học viết thư, cô giáo yêu cầu chuẩn bị thư cô Út à.

- Thế thì cô sẽ giúp cháu, cứ ăn cơm đi, sẽ có thư.

Lời cô Út nói đã kích hoạt Tú húp một nhoáng hết hai bát chè bí ngô, lại còn thêm hai bát cơm nữa. Cô Út Hải có thư cho Tú mượn thật. Dọn dẹp xong, cô mang chiếc đèn pin, dắt Tú lên tận tầng áp mái, đến kho chứa đồ. Hai cô cháu cúi lom khom chui qua cái cửa bé như cửa sổ, cô soi đèn pin tìm cái hòm tôn của mình. Nó như một hòm báu vật được đặt giữa đám chăn chiếu, tủ hòm cũ. Cô mở khoá, lấy dưới tận đáy tủ ra một cái hộp gỗ, rồi cô mở hộp gỗ lấy ra một cái túi ni lông cứng như ép, cô Út lại cẩn thẩn mở túi ni lông lấy ra một lá thư màu nước biển. Tú đọc thấy tên người gửi là “Cánh Sóng” còn người nhận là “Phạm Thanh Hải, lớp 7C, trường phổ thông cơ sở Sao Vàng…”

- Cánh Sóng là ai gửi cho cô khi cô mới học lớp 7 vậy?

- Sóng thì ở đâu có nào?

- Ở biển ạ? Ai ở biển gửi cho cô đấy?

Cô Út bồi hồi kể chuyện: Khi cô Út tức là Thanh Hải mới học lớp 6, nhà trường chọn mỗi lớp năm bạn viết thư gửi các chú bộ đội ở đảo Trường Sa. Mỗi bạn viết một lá, đóng phong bì đề tên người viết và người nhận là: “Các chú bộ đội Trường Sa”, cô tổng phụ trách sẽ mang thư ra bưu điện để gửi. Trường nào cũng có phong trào viết thư gửi các chú bộ đội Trường Sa như vậy. Cứ như thế, hai tháng viết một lá, đều như vắt chanh, mọi người ai cũng cố viết thật hay, cô giáo lại mang ra bưu điện gửi cho các chú đọc để các chú đỡ nhớ nhà. Chỉ cần được viết thư cho các chú, lá thư được bay đến Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió đó là ai cũng thấy hãnh diện trong lòng. Không có thư hồi âm, vì cô giáo đã nói trước, các chú bộ đội bận lắm, không thể trả lời thư cho các bạn được. Cứ viết và gửi đi thôi. Thanh Hải cùng các bạn viết tới năm lớp 7 thì một hôm vào đúng ngày 20.11 có hai cánh thư bay từ Trường Sa về trường. Một lá gửi cho toàn thể thầy cô giáo và các bạn, được đọc trước toàn trường. Một lá đề tên người gửi là “Cánh Sóng” người nhận là Thanh Hải lớp 7C. Các bạn của Hải đều đựơc đọc thư của chú bộ đội Trường Sa có tên là Cánh Sóng. Hôm nay cô Út cho Tú đọc lá thư. Tuy đã hơn hai chục năm nhưng cầm thư trên tay Tú vẫn ngửi thấy có mùi mằn mặn của biển khơi:

“ Thanh Hải thân mến!

Những người lính- Cánh Sóng đã đọc được nhiều thư của em và bè bạn. Cảm ơn em và các bạn đã làm dịu đi nỗi nhớ nhà trong lòng lính đảo và làm tăng thêm nhiệt huyết cho bọn anh với đảo quê hương. Đọc thư của em tự dưng thấy thèm món chè bí ngô mà em kể trong thư, vì ngày xưa mẹ anh cũng hay nấu món đó cho anh lắm.

Chúc Biển Xanh- Thanh Hải, luôn học giỏi, chăm ngoan.

Cánh Sóng Trường Sa”

Cánh thư bay. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
Tình yêu - Ảnh từ Pixabay.com

Cô Út nói, có một bức thư, cô đã kể về việc mẹ nấu chè bí ngô cho ăn như thế nào, chẳng ngờ, chè bí ngô nấu với khoai lang, lạc, đỗ, gạo nếp… lại để ấn tượng đặc biệt cho một người lính đảo nên cô vinh dự được giữ cho mình một báu vật từ Trường Sa.

Tú nâng lá thư một cách trang trọng trong lòng tay:

- Thế sau đó cô còn nhận được thư của chú Cánh Sóng không?

- Ngày ấy thì không nhiều vì các chú ấy bận lắm. Đã hơn hai mươi năm qua rồi. Nhưng bây giờ thì Cánh Sóng đã vào đất liền nên rất hay viết thư cho cô. Có những lá thư dài cả bốn trang giấy học trò kia. Hôm trước, ngày sinh nhật cô, Cánh Sóng gửi một lá thư và bưu thiếp chúc mừng: “Chúc mẹ của hai con anh luôn vui khoẻ, mãi là Biển Xanh hiền hoà của anh- Cánh Sóng”.

- A, thế ra Cánh Sóng chính là chú Kiên của cháu à? Chú Kiên từng ở Trường Sa? Thích quá, lúc nào chú về cháu phải đòi chú kể chuyện ngoài đảo cho nghe mới được.

Tú đổi giọng lầm rầm như bà cụ non: – Chè bí ngô như dây tơ hồng vậy nhỉ. Thảo nào cứ cô chú về là bà nội lại nấu món đó. Hi hi, mai đến lớp lũ bạn cháu chỉ có lác mắt vì cánh thư này thôi.

Cô Út Biển Xanh thấy cháu gái vui thì tủm tỉm cười như hoa hàm tiếu. Đi xuống nhà với cô, Tú cứ nhảy hai nhịp một như múa sạp. Chắc chắn sáng mai, ở tiết học Tập làm văn, không chỉ có tổ ba, mà cả các bạn ở lớp, cả cô Kim Yến nữa, sẽ được ngắm, được đọc cánh thư bay đó. Cánh thư được kết nối từ món chè bí ngô của nội.

* Cánh thư bay: Giải nhất cuộc thi “ Trường Sa trong lòng Tổ quốc”, VTC, go.vn, báo Tuổi trẻ- tổ chức.

Trường Sa giữa đất liền. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng Tôi và Loan. Truyện thiếu nhi của Thái Chí Thanh TRUYỆN THIẾU NHI: Chuyến bay hạnh phúc* Truyện thiếu nhi của Thâm Tâm Hai chú "gà Gióng" - Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan

Nguyễn Thu Hằng | Báo Văn nghệ

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.