Sự kiện & Bình luận

Gọi tên Lệ Thủy

Bút ký phóng sự
08:35 | 23/10/2020
Trước hết, trận “Đại hồng thủy” đang diễn ra ở Lệ Thủy là lụt, không phải lũ
aa

Trước hết, trận “Đại hồng thủy” đang diễn ra ở Lệ Thủy là... lụt, không phải lũ. Và Lệ Thủy mà tôi nói trong bài này chủ yếu là vùng dân cư ven sông Kiến Giang. Con sông, theo họa sĩ Lê Trí Dũng, một người Hà Nội gốc từng đi nhiều nước trên thế giới, cho rằng, là đẹp nhất mà ông từng thấy. Đẹp, vì nó nhỏ, vì hai bờ là những làng quê thơ mộng. Và nữa, nơi đó sinh ra những nhân vật quá ấn tượng: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cuối thế kỷ 17 định vị hình hài đất nước đến tận cực Nam, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm trong biển nước

Xưa, thật xưa, cái vùng mà bây giờ đang ngập chìm trong lụt chưa có dân. Con sông Kiến Giang bắt nguồn từ núi Quan Độ cực bắc Quảng Trị chạy hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến một nơi gọi là vực An Sinh, gặp núi đá vôi chắn lại, “bèn” chảy hướng Nam Bắc, chừng 20 cây số thì gặp sông Long Đại hợp lưu thành Nhật Lệ chảy ra biển. Chính đoạn 20 cây số ấy bằng phẳng, sông chảy êm đềm tải phù sa về có thời gian để lắng đọng thành châu thổ vô cùng màu mỡ ấy hiện đang chìm trong nước lụt. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, người Chiêm Thành (hay Lâm Ấp) sinh sống ở đây còn để lại một vài di sản trong kiến trúc và ngôn ngữ như Ninh Viễn thành gần thị trấn huyện lị, tháp Chàm ở Mỹ Đức hay ngôi chợ THÙI là tên Chăm…

Ngày xưa, người từ Bắc di cư vào chủ yếu bằng thuyền. Dân đánh cá dừng lại ở cửa biển. Dân nông nghiệp ngược sông Nhật Lệ lên tìm vùng đất màu mỡ là Quảng Ninh, Lệ Thủy bây giờ. Từ xa xưa, truyền lại câu: “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện” là hai huyện này đấy. Lệ Thủy có ba vùng dân cư: Chân thềm Trường Sơn ven quốc lộ 15, nay là đại lộ Hồ Chí Minh. Chân thềm Trường Sa ven quốc lộ 1. Và Vùng Giữa, đôi bờ Kiến Giang. Lụt, dân ven chân thềm Trường Sơn gò đồi chẳng sao. Dân dọc Trường Sa lên ngay đồi cát, không hề hấn gì. Dân Vùng Giữa thường bị chìm trong nước. Vùng Giữa, tức là khoảng hai mươi cây số hai bờ sông mà tôi vừa đề cập tên đây, trừ đi chừng hai cây số khi con sông băng qua phá Hạc Hải.

Đó là dân các xã Mỹ Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy ở hữu ngạn. Mai Thủy, Xuân Thủy, An Thủy ở tả ngạn. Và hai ba xã ở ven Hạc Hải và ở Quảng Ninh cuối nguồn Kiến Giang. Thấp nhất, và cũng là thơ mộng nhất (Theo lời họa sĩ Lê Trí Dũng) chính là vùng giữa năm xã: Phong, An, Lộc, Xuân, Liên (Thủy), gọi là “Vùng giữa”. Quê tôi ở cái nơi thấp nhất của năm xã thấp nhất ấy...

Và, tuổi thơ tôi đã... thấy lụt.

Năm 1960 (hoặc 1959-1961) một trận lụt rất lớn. Nhà tôi, nền cao nhì trong làng, nước vào láng nền, có chừng bảy tám gia đình trong xóm đến trú. Trực thăng chọn điểm cao để thả lương thực cứu trợ. Còn những nhà trong xóm sống ở đâu? Nhà vừa vừa thì lên Tra. Tra, giống như la phông cũng giống gác xép, dùng để cất thóc và các loại lương thực (Phòng lụt đấy), mùa lụt thì để thùng nước sạch, bếp núc nấu ăn. Những nhà thấp nghèo không có tra thì sống trên... bối. Bối là bè, đóng bằng thân cây chuối. Bối nhỏ, cho trẻ con chống đi chơi, đi... vệ sinh. Bối to dùng để chất đồ đạc bếp, người, chó mèo. Và, quan trọng nhất nhưng không phải nhà nào cũng có, là con thyền gỗ. Thuyền gỗ năm ván là đặc sản thiết thân của người vùng giữa: Đi cấy, gặt, bắt cá, đi rừng, đi cắt cỏ, đi... xem lễ hội bơi thuyền ngày tết độc lập. Ngày ấy, sau khi thóc vụ hè thu đã khô khén (nỏ) cho lên tra, người Lệ Thủy nhấc thuyền bơi sang sửa, vẽ vời, chuẩn bị lễ hội bơi thuyền mừng tết độc lập. Bơi thuyền suốt cung đường chừng 12 cây số, ba vòng chừng 70 cây số... Bơi thuyền đánh chén xong thì ngồi chờ... lụt.

Mưa mấy ngày, nước từ thượng nguồn đổ về Kiến Giang. Trước hết là đưa đàn trâu bò bơi qua biển nước lên vùng trung du (chân thềm Tường Sơn). Đàn ông xăm xắn tìm “trộ” ven sông để cất rớ (vó). Trẻ nhỏ được nghỉ học lội nước lụt, đùa nghịch (trẻ con Lệ Thủy không thể bị đuối nước), loại choai choai thì mài lao (gọi là đọọc để xiên những con chuột sống sót từ ngoài đồng chạy vào leo lên ngọn tre. Đàn bà dỡ mắm cá ướp từ mùa hè, để kho, chưng ăn với cơm (ngày lụt mát trời ăn rất tốn cơm). Nước dâng nữa thì lên tra hoặc lên bối, lên thuyền và đến những nhà nền cao (Hồi ấy chưa có nhà lầu). Của cải chưa có đồ điện tử nên không sợ ngâm nước. Có chăng là phải kê cao cái cối xay vì có bộ phận làm bằng đất. Sau lụt, cánh đồng được thau chua rửa mặn, lại đọng một lớp phù sa màu mỡ. Cá từ thượng nguồn vể ở lại trong đồng sinh sôi nảy nở. Năm tới, lúa tốt cá nhiều và không có... chuột.

Người Lệ Thủy chờ lụt như người đồng bằng sông Cửu Long chờ mùa nước nổi vậy. Tất nhiên, trừ trận lụt năm 1950, quá lớn, và bất ngờ, lại đang đánh Pháp, “Bình Trị Thiên khói lửa” thiệt hại rất lớn.

Từ khi khai canh lập làng, người Lệ Thủy đã tìm ra phương cách ứng xử với thiên nhiên. Hạn, vừa lắng nghe và đoán thời tiết để chọn vùng ruộng mà cấy lúa, vừa cầu trời. Sách Ô châu Cận Lục của tiến sĩ triều Mạc, Dương Văn An, người ở Lộc Thủy ngay rốn lũ, viết năm 1555 đã nói về lễ hội bơi thuyền cầu mưa của người Lệ Thủy (bây giờ chuyển sang bơi thuyền tết Độc Lập)...

Tạm tính từ năm 1950 đến nay, cứ khoảng mười năm có một trận lụt lớn.

Sau năm 1973, ngưng bom đạn, và đặc biết khoảng hơn ba mươi năm đổi mới, Lệ Thủy đã có vẻ đẹp tự nhiên, khi giàu lên càng đẹp. Đêm, trung tuần mùa hè, trăng sáng đôi bờ nên thơ. Đêm tối trời, dòng sông lung linh ánh điện. Trung tâm huyện ở mũi viết ngã ba sông đẹp như cổ tích thời nay. Đẹp đến mức tổ chức Hoàng gia Anh cũng muốn góp phần, viện trợ tiền làm con đường bao quanh vùng đồng bằng màu mỡ nhất. Vậy nên, người Lệ Thủy ngày nay đi cấy, đi gặt, đi... bằng xe “giấc mơ 2”… Nhà đẹp, ăn ngon, mặc đẹp... Rồi dần quên “người bạn” trăm năm thường ghé thăm là... lụt.

*

Lụt nhỏ và vừa thì... không vấn đề. Nhưng nước ngập nóc lại là chuyện khác.

Trong cơn đại hồng thủy tháng 10 năm 2020 này, ba ngày đầu, mưa, nước bạc (phù sa) về, người Lệ Thủy úng xử như từ trước đến nay. Trên mạng xã hội, các nhà thơ Đỗ Quý Dũng, Dương Ngọc Liên, Nghệ nhân ưu tú Hồng Hới viết những dòng vui vui về con nước đang lấp lem bậc thềm. Rồi nước rút, nhà thơ Dương Ngọc Liên hò hét cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện làm cật lực đẩy phù sa ra khỏi sân... Nhưng, mưa trở lại, nước lại dâng, vẫn không vấn đề, vẫn những cái statut vui vui. Đến đoạn nước vượt ngưỡng lần trước và trời vẫn mưa nặng hạt, thì đã thành vấn đề. Chúng tôi đang theo trại viết văn Đà Nẵng vội về, đến Đông Hà, tắc đường, phải vòng lên đường Hồ Chí Minh, đến Đồng Hới thì biết rằng anh chị em văn nghệ sĩ quê vùng giữa Lệ Thủy không thể về nhà được nữa. Hai ngày sau, nhà thơ Vũ Thắng vẫn phải tá túc ở Đồng Hới cho hay: Nhà ông ở An Thủy đã “lút chóp chài”, tức là ngập nóc. Cả năm xã Lệ Thủy điểm danh trên đây chìm trong biển nước. Vang lên những tiếng kêu cứu ngày càng dồn dập và khẩn thiết trên mạng. Hệ thống chính trị chuyển động. Nhanh nhất là Bộ đội, Công an... Nhưng, đã mất thế chủ động. Ngày 20/10, hàng trăm xe cứu trợ từ hai đầu đất nước và của tỉnh dồn ứ ở ngã ba Cam Liên, cửa ngõ dẫn vào vùng giữa năm xã. Thuyền nhỏ bằng kim loại khó cưỡi sóng. Thuyền lớn không tiếp cận được những xóm ở sâu. Một số làng như Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ, An Xá là rốn lụt, số người kêu cứu nhiều hơn.

Lúc tôi ngồi viết những dòng này, ở Đồng Hới, trời đã giảm mưa. Ở quê tôi, làng Lộc An rốn lũ vẫn mênh mông biển nước và vẫn còn người năm sáu ngày ngồi nóc nhà.

Hốt hoảng hơn sáu mươi năm trước, năm 1960.

Vì sao vậy?

Người Lệ Thủy giàu hơn nên có phần chủ quan hơn và sức chịu đựng, tâm thế chịu đựng cũng kém hơn. Người Lệ Thủy dùng nước máy, không hoặc rất ít tăm sông (sông bị ô nhiễm) nên số người, cả thanh niên, không biết bơi tăng lên. Triệt hạ những lũy tre, xây tường nhà bằng bê tông, chơi cây cảnh trong chậu cũng tạo ra bất lợi. Dân gian có câu: “Đá trôi, làng không trôi”. Nhưng, không có lũy tre, làng cũng có thể trôi… Vườn tược nhiều nhà đổ ba ta, bê tông. Nhà nhà nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp. Cây chuối hết vai trò là thức ăn chăn nuôi nên ngày càng vắng bóng trong vườn. Giao thông đường bộ rất thuận tiện. Đi suốt hai bờ sông gần như không còn thấy bóng dáng con thuyền gỗ năm mái là người bạn thân thiết nhất của dân quê chiêm trũng từ khi khai canh lập làng. Mặc dù vật liệu xây dựng rất rẻ, một bao xi măng 50 kg xấp xỉ một bát phở đặc biệt, bát cháo lươn đặc biệt. Một lon bia bằng chục viên gạch, nhưng xu hướng xây dựng nhà đẹp, vườn đẹp hơn là nhà nền cao, chắc chắn. Trong lần nước ngập thứ nhất, faceboock của chị Trần Nga ở Tuy Lộc cứ xót xa về mấy chậu hoa bị nước ngập, không kịp ra hoa tết nguyên đán. Thử tính, nếu thay vì mua xe máy hạng trung khoảng hai mươi triệu, chỉ mua xe chừng năm sáu triệu, để tiền mua gạch, xi măng xây một “cái chòi” mười mét vuông, cao bốn mét, thì lụt lớn cũng chẳng sao…

Lệ Thủy ngăn con sông Rào Con thành hồ An Mã để chủ động lúa hai vụ là một thành công lớn. Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, hạt lúa còn hiếm hoi, Lệ Thủy làm âu thuyền An Lạc “thượng vị’ và đập Mỹ Trung “trực tràng” của phá Hạc Hải, ngăn mặn giữ ngọt để trồng lúa. Nay, lúa đã “không vấn đề”, phải chăng nên xóa hai “Cựu công trình” đã hết tác dụng, trả lại vùng nước lợ cho Hạc Hải bốn nghìn mẫu tây “mênh mông vạn khoảnh... như ngũ hồ” (Ô Châu cận lục), để vùng phá này trở lại làm nhiệm vụ cả nghìn năm giao phó là điều tiết nước và môi trường sinh sôi thủy sản và chim trời cho dân hai huyện… Dân Lệ Thủy, Quảng Ninh chuyên canh lúa, thật thà chất phác. Có thể chê Lệ Thủy buôn bán kém, nhưng không thể không công nhận người Lệ Thủ trị thủy, bao gồm giữ nước để chống hạn và sống chung, “dùng nước”. Lệ Thủy đã làm được gần hoàn thành cả hai việc. Mùa hè, khắp cả nước kêu hạn nặng, tôi về quê ra đồng thấy ruộng xăm xắp nước, lúa bời bời. Có dịp cưỡi thuyền máy chạy hết chiều dài hồ An Mã (chính là chiều dài một nhánh nhỏ của sông Kiến Giang được chắn lại) mới hiểu vì sao. Thuận theo con nước và dùng nước, chơi với nước (bơi sông, bơi thuyền) thì cũng đã thành thói quen, trừ những trường hợp bất ngờ bất khả kháng như cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 này.

Lệ Thủy vừa được vinh danh Hò khoan Lệ thủy là di sản quốc gia. Trận đại hồng thủy thiệt hại là rất lớn. Toàn bộ đồ điện của những nhà ngập nóc coi như xong. Những hàng quán bánh kẹo trắng tay. Thóc gạo ngâm nước cũng nguy cơ hỏng hết. Bù lại, Lệ Thủy bớt chủ quan, ứng xử với thiên tai chủ động hơn. Có thể thay đổi tư duy xây dựng và sinh hoạt. Và nữa, cũng là thêm một lần thấy được tấm lòng của cán bộ và nhân dân cả nước với Lệ Thủy...

*

Rồi, cơn đại hồng thủy sẽ qua đi. Người Lệ Thủy lại dọn dẹp nhà của, lau chùi phù sa bám vào tường, ra sông giặt giũ lau chùi vật dụng như năm xưa chống Pháp sau mỗi trận giặc càn, thời chống Mỹ sau mỗi trận bom B52 hàng chục, hàng trăm người thiệt mạng. Thuỷ hỏa đạo tặc dù mạnh đến thế nào cũng không bằng trí tuệ và nội lực người dân. Rồi mà xem, vụ Đông Xuân tới sẽ được mùa, Tết Nguyên Đán vẫn rộn ràng bánh chưng bánh đòn (bánh tét), trai thanh gái lịch vẫn diện sang, cưỡi giấc mơ hai ôm eo nhau đi thăm lúa nhà mình, phụ nữ có dịp lại tụ tập... zô zô như thể vài tháng trước không cơn đại hồng thủy. Gần năm mươi năm trước, khi không khí chiến tranh đã nóng như Hỏa Diệm Sơn, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn dành hết cả một ca khúc trường thiên theo giai điệu hò khoan Lệ Thủy với nhịp chày khoan khoan hò khoan và ca từ đẹp như cổ tích: “Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê…”

Con sông Kiến Giang khi trở lại hiền hòa vẫn đẹp nhất mà ông từng thấy, họa sĩ Hà thành Lê Trí Dũng ạ.

Nguồn Văn nghệ số 43/2020


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.