Sự kiện & Bình luận

Chuyện của một thời

Hà Nguyên Huyến
Bút ký phóng sự 08:08 | 28/04/2025
Baovannghe.vn - Viết chữ Hán quả là đáng sợ, lúc đầu là “vẽ” từng chữ một, nét nguệch ngoạc chẳng ra là sao cả. Mất một năm đầu như thế, ai không kiên trì thì đành bỏ cuộc. Vì tôi tự, học tắt nhiều, vừa học vừa viết nên phải cố gắng!
aa

Nhân một chuyến thăm gia đình nhà văn Nguyễn Trí Huân, tôi ngồi cùng với nhà văn Đỗ Chu suốt một thôi đường dài. Chẳng hiểu sao hôm ấy ông Đỗ Chu lại bảo tôi: “Cậu nên học chữ Hán.”

Về Đỗ Chu, tôi được nghe họa sĩ Đỗ Phấn kể lại: Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, ông lấy họ Đỗ với nghệ danh Đỗ Chu là bởi mẹ ông người nhà Đỗ Phấn. Thuở còn trẻ ông được gia đình gửi sang bên ngoại học chữ Hán, học trò cụ Đỗ Ngọc Toại, ông nội của Đỗ Phấn. Cụ Đỗ Ngọc Toại đỗ cử nhân khoa cuối cùng của nhà Nguyễn ở Hà Nội. Sau khi cụ đỗ đạt, nước ta bước vào thời kì chiến tranh, thời thế thay đổi, những tưởng vốn chữ Hán của cụ… phải bỏ, ai ngờ cuối đời cụ được Trường Đại học Tổng hợp mời thỉnh giảng. Học trò của cụ là giáo sư Băng Châu, Từ Chi, Huệ Chi… Tất cả cứ bò ra quanh cái sập cụ ngồi đề mà nghe cụ giảng. Về Đỗ Chu, cụ chẳng dạy dỗ gì sất. Cụ bảo: Cái anh ấy (Đỗ Chu) uốn nắn là hỏng, cứ để anh ấy “thế” lại… nên người!

Chuyện của một thời
Hai chữ Hưng Long (Hưng là mạnh mẽ, Long là bồi đắp) qua nét bút của nhà văn Hà Nguyên Huyến

Cụ Đỗ Ngọc Toại mất đã lâu, Đỗ Chu năm nay ngoại tám mươi, chẳng biết có ai còn nhớ lời tiên đoán của cụ về Đỗ Chu thời còn trẻ. Song, vốn kiến thức của cụ cử nhân thật là sâu sắc, các nhà Nho khi đã học đến cử nhân thì “Nho, y, lý số” đều thông thạo cả, lời tiên đoán của cụ cử nhân đã ứng nghiệm. Đỗ Chu sớm thành danh trên văn đàn, ông đi bộ đội nhưng cả đời quanh quẩn ở Hà Nội. Kể ra viết được những truyện ngắn như Đỗ Chu lúc còn trẻ đã là tài, những truyện ngắn đưa ông thành một trong những cây bút xuất sắc một thời. Ông đã thử sức với tiểu thuyết. Tiểu thuyết Mảnh vườn xưa hoang vắng thể loại dài hơi nhưng không mấy thành công. Phải đến 3 tập tản văn Tản mạn trước đèn mới khẳng định văn tài Đỗ Chu! Tản văn Đỗ Chu thật xuất sắc, gọi là tản văn cho nó có thể loại, song ở đấy nó có nhân vật, có độ sâu sắc của tiểu thuyết, có truyện ngắn, có nhân vật thật nên nó như bút kí, có những ngẫm ngợi thế sự nhân tình sâu lắng. Mỗi dòng tác giả viết ra đều có sức nặng, nó là “tập đại thành” của một đời văn Đỗ Chu. Với 3 tập tản văn này Đỗ Chu đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Hôm ấy nhà văn Đỗ Chu viết hai chữ “ngạo sương” bằng bút bi lên giấy A4, hai chữ ấy chẳng biết ông viết cho ông hay cho tôi mà tôi cảm thấy giá buốt đến tận bây giờ, ngồi viết lại những dòng này…

*

55 tuổi tôi mới bắt đầu học chữ Hán. Tôi đã thử sức ở lĩnh vực này trong lúc đang ngồi trên giảng đường đại học, bằng giáo trình của sinh viên Khoa Hán Nôm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo trình ấy hơi nặng. Mặt khác đang phải học các môn bắt buộc khác nên không thành. Âu cũng là cái “duyên” chưa bén với chuyện chữ nghĩa… Lần này tôi bắt đầu bằng giáo trình của hai ông Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao, tôi tự học... Sách dày cỡ 6cm, nhìn đã thấy sợ! Vừa học để nhớ mặt chữ, vừa bắt buộc phải viết thì mới nhớ được. Viết chữ Hán quả là đáng sợ, lúc đầu là “vẽ” từng chữ một, nét nguệch ngoạc chẳng ra là sao cả. Mất một năm đầu như thế, ai không kiên trì thì đành bỏ cuộc. Vì tôi tự, học tắt nhiều, vừa học vừa viết nên phải cố gắng!

Từ năm thứ 2 trở đi tôi viết bút lông, từ bút nhỏ đến bút lớn. Viết bút bi chữ Hán đã khó, viết bút lông còn khó hơn nhiều. Khó khăn như thử thách, như đánh đố, càng khó tôi càng quyết tâm… Cuối cùng tôi đã vượt qua. Từ năm 3 trở đi tôi đọc giáo trình rồi viết ra một cách tự nhiên. Năm thứ 4, thứ 5 tôi đọc thông viết thạo, đã học xong chương trình tiểu học của Trung Quốc. Tôi học cổ văn “chi, hồ, giả, dã…” chứ không học “bạch thoại”, chữ giản thể hiện nay. Sang năm thứ 6 tôi đã “cho” chữ.

Năm tôi tự học, con gái thứ ba của tôi đang là học sinh tiểu học, cháu phụ tôi rất nhiều, là động lực cho tôi quyết tâm. Nhà tôi làm du lịch, khách đến chơi rất đông. Khách đến, ai cần chữ tôi cho, không lấy tiền. Khách nào thấy tiền giấy mực tốn kém, bỏ ra ít nhiều tôi cũng nhận nhưng không đáng kể. Tôi viết hàng trăm câu đối, hàng trăm bức liễn, viết tất cả những gì tôi thích. Cháu nhỏ làm “tiểu đồng” cho tôi, cháu thoăn thoắt lấy những thứ cần thiết… Người viết chữ Hán rất cần những người phụ cho mình như lấy dấu, lấy mực, chặn giấy, chờ cho mực khô thì giao cho khách… Cháu rất thuộc việc nên tôi cứ việc viết, tôi viết được rất nhiều trong thời gian này.

Biết tôi học chữ Hán, họa sĩ Thành Chương đi Trung Quốc về mua cho tôi một thỏi mực to (cỡ bắp tay), kèm theo, anh cho tôi một nghiên mực giả cổ, cái nghiên rất độc đáo, tôi chưa nhìn thấy ai có cái nghiên kiểu ấy, đúng là Thành Chương! Họa sĩ Phạm Minh Hải viết cho tôi hai chữ “mặc hương” (ý anh Hải, tôi là nhà văn, tôi phải viết văn hay, văn phải… thơm). Một hôm đến cơ quan anh Hải hỏi tôi: “Mày còn học chữ Hán không?” Tôi nói: “Em vẫn học.” Anh Hải lại hỏi: “Học nữa để làm gì?” Ừ nhỉ, tôi bâng khuâng tự hỏi mình… Theo anh Hải, học cho biết cách thức như vậy, còn là để chơi, “chơi chữ”!

Phạm Minh Hải là họa sĩ tài danh, kết hợp với hội họa anh Hải viết thư pháp theo cách của anh Hải, cách viết ấy độc đáo theo tôi là số một ở Hà Nội, anh kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình với chữ Hán (chỉ có chữ Hán mới làm được như vậy). Tài như Thành Chương, trên Việt Phủ của anh… cái gì cũng có nhưng chữ là của họa sĩ Phạm Minh Hải. Mỗi bức hoành phi, câu đối hay bức liễn một thứ một cách viết, một cách bố cục nhưng đều thống nhất ở chỗ… Phạm Minh Hải. Anh Hải viết ra cái gì những người biết anh đều mua sạch, mua đắt nữa là khác. Một hôm anh chép bài thơ trong Tam quốc diễn nghĩa, bài thơ được chép trên giấy “xuyến chỉ” mấy trăm chữ đều tăm tắp, đẹp mê hồn, đến cơ quan, Lương Ngọc An nhìn thấy mua luôn, An mua được nhiều chữ của họa sĩ Phạm Minh Hải, An cũng là người… sành!

Nhân một dịp Tết Nguyên đán, anh Chương đến báo Văn nghệ bảo anh Hải viết cho mình một số chữ, bao nhiêu cũng được. Mỗi bức anh Chương trả cho anh Hài bằng một cái minh họa báo Văn nghệ. Đúng hẹn, một ngày áp Tết, họa sĩ Phạm Minh Hải khệ nệ bê đến báo… một ôm chữ. Hôm ấy anh cũng cho tôi mấy chữ “Đông phong hà thời chí” (Bao giờ gió Đông thời đến). Với người viết chữ Hán trả như thế cũng là “hảo” rồi, nghe nói Thành Chương đem lên “phủ”, gọi một người thợ mộc “bo” khung đến, anh cho “bo” hết số chữ của anh Hải rồi mở “triển lãm”… Tết ấy Thành Chương thu bộn tiền!

*

Nhà văn Đỗ Chu lên nhà tôi ở làng cổ Đường Lâm chơi, anh bảo: “Chú học chữ Hán đã thành công. Mấy năm trước anh đi Trung Quốc về, người ta cho anh một bộ chữ, anh cho chú… Anh gửi Khánh Toàn, Toàn sẽ đem về!” Tôi bảo: “Chữ Hán có bộ chữ “chân, thảo, triện, lệ” em đã biết. Em viết “chân” và đi sâu về chữ “thảo”, em thích chữ “thảo”.” Đỗ Chu bảo: “Bộ chữ chú biết chỉ là thường thôi, bộ chữ này rất đặc biệt. Đó là bộ chữ “khuê nữ bộ xuân” (thiếu nữ đi chơi xuân, nhanh mà không vội, khoan thai nhưng không chậm, bước rộn ràng, vui vẻ theo từng bước đi, viết thong thả, chữ nghĩa như thế…). “Xuân dận thu xà” (con giun về mùa xuân bò ra, con rắn về mùa thu run rẩy vừa lột xác xong, viết run rẩy nhưng vẫn cứng cỏi). “Thiếu niên quán thế” (tuổi mới lớn, bất chấp tất cả, cứ mặc nhiên mà viết, viết không để ý đến xung quanh…). “Phu kiệu tranh đạo” (tất cả cũng khiêng một cái kiệu, đám phu tranh đường nhau. Viết như thế, không theo một lề lối, thể phách nào mà vẫn ra chữ).” Tôi toát cả mồ hôi, sức hiểu biết về Hán học của tôi quá ít ỏi. Tôi thầm đợi Khánh Toàn!

Thế rồi Khánh Toàn nhân một cuộc rượu ở nhà Đỗ Chu về đã bị đột quỵ không qua khỏi. Biết tin, tôi bàng hoàng! Tiếc cho một tài danh ra đi quá sớm. Khánh Toàn sớm thành danh, sớm khẳng định được tên tuổi của mình trong làng họa Việt Nam. Khánh Toàn minh họa cho báo Văn nghệ 2 năm chưa lấy nhuận bút. Tôi bảo em Kim Khánh lục tìm suốt 2 năm cho vào 2 cái phong bì, dán kín lại, tôi mang lên nhà thắp hương cho bạn mà lòng bùi ngùi không nói nên lời… Sau ngày Khánh Toàn mất, đợi mãi vợ Toàn mới lục trong cốp xe, mang trả tôi một số tài liệu học chữ Hán. Không có bộ chữ như anh Chu đã nói, bộ chữ đã lưu lạc ở phương nào?

Khánh Toàn mất được một năm, vợ Toàn tổ chức bán đấu giá tranh của họa sĩ, toàn bộ tiền bán đấu giá tranh đưa vào quỹ “bát cơm có thịt” cho các em bé vùng cao. Tôi viết một bài báo dài đăng trên Văn nghệ cổ động cho việc này, cũng là dịp tỏ cái “tình” của báo Văn nghệ với họa sĩ tài danh. Trên đường lên Vạn lý trường thành của Trung Quốc, nghe nói đoạn nhớm vào Trường thành có mấy chữ Hán viết dã thảo: “Bất đáo trường thành phi hảo Hán” là của Mao Trạch Đông, Mao cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc. Chính ông là tác giả của 3 chữ “Văn nghệ báo” của Trung Quốc. Cách viết theo lối “xuân dận, thu xà”, bút lông dầm chặt mực, khi viết để mực chảy từ từ, tràn ra giấy… run rẩy nhưng đầy sống động. Lối chữ ấy đến bây giờ vẫn tồn tại trên đầu báo nổi tiếng của Hội Nhà văn Trung Quốc.

*

Một người Mỹ gốc Việt đến nhà tôi nhân một chuyến du lịch, ông có họ hàng bên ngoại nhà tôi, tên ông là Lê Hưng. Quê gốc ông ở thị xã Sơn Tây, di cư vào Nam năm 1954 khi còn rất nhỏ, ông vào Nam với lời hẹn của người bố là 2 năm sẽ trở về. Thế rồi đằng đẵng… Năm nay bố ông hơn trăm tuổi vẫn còn sống khỏe. Ông viết những dòng về Sơn Tây thật cảm động, Sơn Tây, Đường Lâm dưới ngòi bút của người xa xứ vừa gần gũi vừa trong tâm tưởng như một thủa nào… Biết tôi học chữ Hán, nhân chuyến đi Trung Quốc, quê vợ ông Triệu Khánh, ông mua một nghiên đá tặng tôi. Chẳng là quê vợ ông có nghiên Đoan Khê danh tiếng. Tôi hút thuốc lại hút tẩu, ông mua cho tôi một chiếc tẩu loại đẹp, kèm theo là bốn gói thuốc Captain Black. Về chiếc nghiên đá ông tặng chắc là động viên tôi học chữ Hán…

Về chữ Hán, nước ta bỏ chữ Hán mà theo Quốc ngữ là một cái phúc cho dân tộc. Chữ Quốc ngữ học hai, ba tháng là biết đọc biết viết. Bác Hồ vì thế mà hô hào dân ta chống “giặc dốt”, cả nước đi học và dân ta vì thế thoát khỏi cái họa mù chữ. Chữ Hán học cả đời không hết chữ, cả làng có vài ba người đi học. Chẳng mấy người thành công… Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với việc “đứt văn tự”, biết bao nhiêu tư liệu, tài liệu của cha ông để lại chúng ta không đọc được, Một “nhúm” người ở viện Hán Nôm làm không hết việc, họ chỉ làm được những việc chính. Còn lại vô vàn những câu đối, hoành phi mà ở đấy tổ tiên đã kí thác biết bao điều trong các làng quê, trong các gia đình… chúng ta còn chưa biết hết vì chúng ta… mù chữ. Đó là điều đáng tiếc!

Có lẽ chúng ta không nên kì thị chữ Hán bởi chữ Hán cha ông ta đã dùng hai thiên niên kỉ, nó phải là bộ phận cần thiết cho một dân tộc. Một dân tộc đang đi lên và đi xa trong lịch sử phát triển của mình.

Ra mắt “Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Ra mắt “Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Baovannghe.vn - Chiều 14/5, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tham dự Lễ ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nắng sông Trà - Thơ Nguyễn Thánh Ngã

Nắng sông Trà - Thơ Nguyễn Thánh Ngã

Baovannghe.vn- Lâu lắm tôi về sông Trà/ Ngón tay vừa chạm nước. Và sông trôi
Mặt trời giữa ruộng sâu - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Mặt trời giữa ruộng sâu - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Sớm nắng chiều mưa lặng lẽ/ Dầm chân dưới ruộng sâu
Đời không phải “bể khổ”, nếu…

Đời không phải “bể khổ”, nếu…

Baovannghe.vn - Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại Việt Nam một lần nữa khiến chúng ta suy ngẫm về giá trị tư tưởng và tính ứng dụng của Phật giáo trong đời sống hôm nay.
Người thầy đầu tiên. Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

Người thầy đầu tiên. Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

Baovannghe.vn - Tôi chỉ là một đứa trẻ nghèo ở một làng chài ven biển. Năm tôi mười một tuổi, cha tôi trong một chuyến đi đánh cá ngoài khơi xa bất ngờ gặp bão lớn cùng với bốn người đi trên thuyền không một ai trở về.