Chuyên đề

Hài hước, trào tiếu, sân khấu hóa trong tiểu thuyết

Nguyễn Văn Tùng
Tư liệu
07:08 | 05/03/2025
Baovannghe.vn - Tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay đã qua một số mùa vụ bội thu như cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những tiểu thuyết được viết theo lối hài hước, trào tiếu và bị sân khấu hoá.
aa

1.

Hài hước, trào tiếu, giễu nhại được xem là một đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết được viết bằng giọng văn đó bao giờ cũng khiến người đọc cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng khi tiếp nhận những vấn đề nghiêm trọng của thời đại. Nhà tiểu thuyết đã khéo léo phản ánh hiện thực xã hội với sự lấp lửng: vừa giống vừa không giống thật, vừa nghiêm túc vừa không nghiêm túc.

Milan Kundera cho rằng: “Nhà tiểu thuyết ngày nay là kẻ thừa kế của thế kỉ XIX, thèm muốn nuối tiếc cái thế giới hỗn tạp của các nhà tiểu thuyết đầu tiên và niềm tự do vui vẻ mà họ chất đầy trong thế giới ấy”. Kundera khẳng định về vai trò của cái hài hước trong tiểu thuyết, ông cho rằng hài hước gắn liền với sự ra đời của tiểu thuyết: “hài hước không phải là một thói quen từ thượng cổ của con người; đó là một phát minh gắn liền với sự ra đời của tiểu thuyết (...) nó khiến bất cứ cái gì nó chạm đến đều trở thành nhập nhằng nước đôi”.

Nếu như Kundera quan tâm nhiều đến tính hài hước thì Bakhtin trong cuốn Lý luận và thi pháp tiểu thuyết lại rất nhấn mạnh đến tính giễu nhại, trào tiếu. Trong khi giải quyết mối quan hệ giữa nhà tiểu thuyết với hiện thực được miêu tả, Bakhtin cho rằng, nhà tiểu thuyết không lấy quá khứ tuyệt đối làm đối tượng miêu tả, bởi điều đó sẽ tạo nên giọng điệu ngưỡng vọng, thành kính. Anh ta sẽ chọn đối tượng miêu tả là hiện thực đang tiếp diễn với những người cùng thời. Điều đó sẽ là yếu tố quyết định thái độ trào tiếu của tiểu thuyết. Với vị trí của những người cùng thời, với giọng điệu trào tiếu, nhà tiểu thuyết có thể tiếp cận đối tượng miêu tả ở cự li gần, có thể vỗ vai, bóc mẽ... nhân vật.

Còn lối viết sân khấu hoá tiểu thuyết là gì? Đó là một lối viết vừa hiện thực vừa phi thực, vừa như đùa vừa như thật. Viết về hiện thực nhưng lại có vẻ không thực và như một kiểu trò diễn sân khấu. Cũng có thể gọi đó là một kiểu sân khấu hoá tiểu thuyết.

Đây là một cách diễn đạt của chúng tôi về cách thức miêu tả của nhà tiểu thuyết. Đó là một sự miêu tả mang nhiều tính trò diễn, nghĩa là những sự vật, con người được miêu tả trong tác phẩm giống như diễn viên diễn trò trên sân khấu. Cách thể hiện của người diễn viên luôn luôn nhắc nhở người xem rằng họ đang diễn trò chứ không phải sự thực ngoài đời, khác hẳn cách thể hiện của diễn viên điện ảnh. Người diễn viên sân khấu phải luôn có ý thức nhắc nhở khán giả của mình hiểu rằng họ đang xem diễn trò trên sân khấu. Vậy nên, hành động kịch, đối thoại của người diễn viên thường mang tính chất tượng trưng, ước lệ.

2.

Tiểu thuyết đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là cuốn SBC là săn bắt chuột (2011) của nhà văn Hồ Anh Thái. Quan sát tác phẩm của Hồ Anh Thái theo dòng thời gian, như Chàng trai ở bến đợi xe (1985), Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987), Mảnh vỡ của đàn ông (1990), Cõi người rung chuông tận thế (2002), Bốn lối vào nhà cười (2005)... có thể đi đến một cảm nhận chung: dường như càng về sau này, Hồ Anh Thái càng xa dần với lối văn nghiêm ngắn, đạo mạo để tiến đến gần hơn với lối văn hài hước, trào tiếu, giễu nhại.

Hài hước, trào tiếu, sân khấu hóa trong tiểu thuyết gần đây
Cuốn sách SBC là săn bắt chuột (2011) của nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh internet

Tính chất hài hước, giễu nhại được thể hiện ngay từ đầu đề của tác phẩm. SBC thông thường người ta sẽ nghĩ đến chuyện “săn bắt cướp”, nhưng không, tác giả lật tay vấn đề, đó là “săn bắt chuột”.

Đối tượng trào tiếu, giễu nhại của Hồ Anh Thái lại là rất nhiều loại người trong xã hội; từ nhà thơ, nhà báo đến đại gia, chân dài, công an, luật sư, giáo sư... Cả một thế giới nhân vật hiện lên với sự lố lăng kệch cỡm, không chỉ đặc biệt ở tên tác phẩm, mà tên các nhân vật cũng rất độc đáo, Hồ Anh Thái không đặt tên nhân vật là Hạ, là Đông... mà đặt tên theo giai tầng xã hội của nhân vật. Hầu như tên các nhân vật của cuốn tiểu thuyết vừa mang tính chất cụ thể, vừa mang tính chất phiếm chỉ: Chàng, Nàng, cô Báo (nhà báo), chú Thơ (nhà thơ), Đại gia, ông Cốp, Luật sư, Thư kí, Giáo sư... Hầu như mỗi giới, mỗi tầng lớp trong xã hội đều có một nhân vật đại diện.

Hầu như các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này đều hiện lên với những nét biếm hoạ: Đại gia thì trở nên giàu có từ buôn lậu, đầu cơ đất đai bất động sản; Ông Cấp thì tiền thân từ một kiểm lâm lợi dụng vị trí phá rừng lấy tiền làm giàu và chạy chọt; cô Báo thì từ thời sinh viên đã biết chạy mánh, đến khi đi làm thì không lo làm báo mà chỉ chăm chú kinh doanh những hàng hoá phục vụ vệ sinh cho đồng nghiệp; chú Thơ thì làm thơ lăng nhăng lãng xẹt nhưng quảng cáo là thơ bất hủ với thời gian; Giáo sư thì lạm dụng học trò cả tình lẫn tiền... Hầu như chẳng mấy người tử tế. Xem ra sống cho thật tử tế và tình nghĩa với nhau, lại chỉ có loài chuột. Loài chuột sống đoàn kết, gắn bó. Thủ lĩnh sẵn sàng xả thân vì các thần dân trong vương quốc của mình. Các thần dân cũng một lòng một dạ đi theo thủ lĩnh. Chuột Trùm trong lúc nguy khốn bị truy đuổi đã lấy thân mình bảo vệ cho đồng loại. Khi Chuột Trùm bị chết, cả đàn chuột hàng vạn hàng triệu con nhảy xuống sông Hồng chết theo... Riêng Chuột Trùm lại có công năng kì lạ khi chiến đấu với con người, nhất là người xấu, đó là khả năng làm mất trọng lượng của những ai dám nhìn vào mắt nó. Chuột Trùm xem ra không phải đại diện cho thế lực xấu, mà có người cho rằng, đó là đại diện của Sự Thật. Sự thật mất lòng, sự thật từng được ví với thuốc đắng - dã tật. Vì thế, những ai nhìn thẳng sự thật có thể sẽ mất trọng lượng, những kẻ 9 ra xấu có thể sẽ phải bỏ mạng như Đại Gia.

Đặc sắc của SBC là săn bắt chuột còn được thể hiện qua cách kể chuyện đậm chất huyền ảo. Những cầu chuyện của cuốn tiểu thuyết này được lắp ghép với nhau bằng những phép màu của sự tưởng tượng kì ảo. Mở đầu bằng một trận lụt, kết thúc bằng một trận hạn hán... cuốn tiểu thuyết như có vẻ nhắc người đọc nhớ về cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo kinh điển Trăm năm cô đơn của G. Macket. Tuy nhiên, kiểu hư cấu tưởng tượng của Hồ Anh Thái tỏ ra thoải mái, phóng khoáng hơn.

Những chi tiết tưởng tượng kì ảo của SBC là săn bắt chuột có vai trò quan trọng trong việc tạo nên thế giới nghệ thuật độc đáo của cuốn tiểu thuyết. Con chuột máy tính không ngờ lại chính là bè đảng của họ hàng nhà chuột, rồi trở thành gián điệp cho con người. Chi tiết Nàng - một doanh nhân lỡ thì - trong lúc bị choáng, cơ thể rã rời, mất khả năng điều hành, bỗng trở lại trạng thái vô cùng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh chỉ với những viên “thuốc" ăn ngon như đồ nhậu. Về sau hoá ra đó là bài thuốc bí truyền chế từ thịt chuột của quê hương Nàng - một vùng quê ven độ có truyền thống bắt và ăn thịt chuột

Ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật ở đây đều là ngôn ngữ giao tiếp kiểu “thị dân”. Có người cho rằng, Hồ Anh Thái trong cuốn tiểu thuyết này đã hơi lạm dụng kiểu ngôn ngữ thị dân đó. Nhưng theo chúng tôi, điều đó thể hiện chủ ý của nhà văn. Dùng ngôn ngữ đó để kể chuyện cũng như để miêu tả lời thoại nhân vật hoàn toàn không phải là anh ta bị nó mê hoặc, mà thực ra là anh ta muốn thể hiện thái độ giễu nhại.

Tuy nhiên, cũng dễ nhận ra, càng về cuối, mức độ hấp dẫn càng giảm.

3.

Cuốn thứ hai đáng chú ý, đó là cuốn 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Một cuốn sách lạ ngay từ nhan đề. Cuốn tiểu thuyết này sau khi ra mắt bạn đọc đã tạo nên hai luồng ý kiến trái ngược. Một phía cho rằng, cuốn tiểu thuyết này xứng đáng được coi là tác phẩm viết theo lối hậu hiện đại. Có tờ báo cho rằng Đặng Thân nổi bật với phong cách nổi loạn trong văn chương... Một phía khác lại cho rằng, những cái mới trong cuốn tiểu thuyết này thực chất cũng chỉ là sự thay đổi theo kiểu làm lạ mắt, lạ tai, thực chất cũng vẫn chưa thoát khỏi hệ hình văn học đương đại. Lại có ý kiến cho rằng, cuốn tiểu thuyết này cũng giống như kiểu tiểu thuyết tư liệu trước đây...

Hài hước, trào tiếu, sân khấu hóa trong tiểu thuyết gần đây
Cuốn sách 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Ảnh Internet

Theo chúng tôi, 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] là một tác phẩm khá thành công của Đặng Thân. Một cuốn tiểu thuyết được kể bằng giọng điệu của tất cả các nhân vật. Tác giả - người kể chuyện là một ngôi kể bình đẳng với những ngôi kể khác. Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết này đa tuyến, truyện trong truyện. Có chuyện đời của các nhân vật chính, lại có chuyện của những nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, chính trị gia... Nội dung cuốn tiểu thuyết đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống, từ chuyện tôn giáo đến chuyện chính trị, từ chuyện văn học đến chuyện nghệ thuật nói chung, từ chuyện yêu đương đến chuyện đa thê, từ chuyện kinh doanh đến chuyện phong tục,... Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố lạ trong cuốn tiểu thuyết này, tuy nhiên điều chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là tính giễu nhại, trào tiếu và sân khấu khoá.

Tính chất sân khấu hoá được thể hiện rất rõ trong việc tác giả đạo diễn, sắp đặt cho các nhân vật xuất hiện, tự giới thiệu về mình, chẳng khác gì nhân vật chiếu chèo hát “tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”...

Cuốn tiểu thuyết như một sân khấu lớn cho năm nhân vật chính thay nhau xuất hiện: Ông Bà/A Bồng - một nhân vật mang tính siêu nhiên thần bí; Schditt von deBalle-Kant - chàng doanh nhân người Đức làm việc tại Việt Nam, xuất thân trong một gia đình mà ông nội là một lính phát xít và bà nội là một người Do thái, Tác giả Đặng Thân - người trực tiếp xưng danh trong tác phẩm, đảm nhiệm vai trò kết nối các nhân vật của tác phẩm; Mộng Hường - cô gái quê có nét hấp dẫn trời cho, bản tính hơi thiên nhiên, cuộc sống thăng trầm chìm nổi; Lời bàn [phím...] của các Netizen - phần bàn luận của các độc giả về từng chương của tiểu thuyết khi được tác giả giới thiệu dần trên mạng.

Trước hết là tình giễu nhại, trào tiếu về phương diện ngôn ngữ. Đó là thứ ngôn ngữ tuổi “teen”, ngôn ngữ chát chít của nhân vật Mộng Hường, ngôn ngữ phóng khoáng. thoải mái của các nhân vật khác, kiểu ngôn ngữ vô cùng sống động của đời sống thường nhật. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn, giả định tác phẩm này được dịch ra tiếng nước ngoài, thì dịch giả sẽ chuyển tải những ngôn ngữ teen, ngôn ngữ “chát” trong tác phẩm này như thế nào? Tiểu thuyết này cũng dàn cảnh để cho những kiểu ngôn ngữ khác nhau xuất hiện: A Bồng / Ông Bà đại diện cho kiểu ngôn ngữ truyền thống, Đặng Thân (nhân vật) đại diện cho kiểu ngôn ngữ đa thanh, hấp thu những giọng điệu của ngôn ngữ đương đại, thị thành; Schditt von deBalle-Kant đại diện cho kiểu ngôn ngữ Việt trong con mắt người nước ngoài...

Tính giễu nhại, trào tiếu còn thể hiện đậm nét trong việc tái hiện những vấn đề nóng của đời sống, khai thác ở nhiều khía cạnh, góc độ.

*

Có thể nói, với đặc điểm giễu nhại, trào tiếu và sân khấu hoá, những cuốn tiểu thuyết trên một mặt thể hiện sự tìm tòi, thể nghiệm của những cây bút tiểu thuyết, mặt khác phản ánh hơi thở của thời đương đại. Phải chăng trước cuộc sống hiện nay vô cùng ngổn ngang, nhiều chuyện nực cười, nhiều sự nhố nhăng, giả vờ, trò diễn... đang hiện hữu, nên các nhà tiểu thuyết đã sử dụng lối văn này để tái hiện nó.

Văn nghệ, số 1+2/2013
Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim