Sáng tác

Hai người lên chùa. Truyện ngắn dự thi của Bích Triêu

Bích Triêu
Truyện
09:58 | 09/12/2024
Baovannghe.vn- Trước sân chùa chỉ vỏn vẹn gian chính điện có cây muỗm già hai người ôm không hết cạnh bên. Tán lá lớn phủ khoảng chung quanh tĩnh lặng, đổ xuống bóng tối trầm phảng phất màu u linh huyền bí. Bước qua khung cửa, tượng Đức Phật đặt giữa, bên trái Quan âm còn bên phải vị nào ông chẳng rõ.
aa

1.

Vị bác sĩ chưa vội về ngay mà đứng vào góc khuất phía sau tòa viện. Tay ông xoẹt xoẹt bật lửa, cầm điếu thuốc vẫn còn run rẩy sau ca đại phẫu gần mười tiếng căng thẳng. Ông nhìn lên mấy chiếc lá tựa con mắt, cố vạch ra khoảng dịu màu trong cái nắng chiều rất nhạt của một ngày âm u. Chẳng biết bệnh nhân đó sẽ ở lại đời gian truân hay đi về miền cực lạc. Ông từng chứng kiến cảnh này nhiều lần, xong lúc nào cũng buồn man mác vì chết thì chẳng đáng sợ nhưng chết mà chưa kịp có thành quả gì thì đời đúng bạc. Bệnh nhân kia đang độ đỉnh cao sự nghiệp, cũng như ông vậy, thế mà…

Căn phòng làm việc lộn xộn giấy tờ, tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp lung tung cả, ông gọi vợ dọn giúp với cái giọng khàn gần mất tiếng.

Hai người lên chùa. Truyện ngắn dự thi của Bích Triêu
Minh họa Lê Thiết Cương

“Kìa, em biết đồ phòng anh thế nào mà dọn cho đúng, nay lạ nhỉ?”

“Cứ cất gọn, anh mệt.”

“Chiều nay có người muốn gặp, em bảo anh trên viện, họ hẹn khi khác.”

“Quái thật, không lên viện tìm hoặc nhắn trước một câu, mai anh ở nhà.”

Hôm sau vị khách tới một mình. Nét mặt trẻ trung giống mấy đứa sinh viên thực tập ông thường kèm cặp. Nhưng để ý đường nhăn và cách anh ta nói chuyện, có lẽ ngoài ba mươi. Cất công đến nhà riêng, không là gửi gắm tấm ơn cứu mạng thì cũng mang nỗi niềm khó nói. Bác sĩ trả lời dè dặt mấy câu làm quen xã giao, bình tĩnh đợi anh ta lân sang chủ đề chính.

“Chẳng là thầy cháu nhận trụ trì ngôi chùa chưa lâu. Chùa nhỏ nhưng tuổi đời cũng tính trăm năm, cảnh sắc núi non thanh tịnh. Được vun vén thế, thầy cháu ngày đêm cúng dường tu tập lấy chút công quả, lại nghĩ nên dành công quả cho mọi người. Biết tiếng bác sĩ tài hoa nên thầy mong được diện kiến. Cháu mang theo ít lộc làm ơn thỉnh cầu.”

Khách về. Ông cho là chuyện lạ xong vẫn nhận quà. Ngoài mấy món bánh kẹo, hoa quả, rượu vang, còn lục tới phong bì. Bác sĩ lẩm bẩm.

“Đời sống tu hành phong phú li kì bí hiểm thật!”

2.

Nhân dịp nghỉ hiếm hoi, vị bác sĩ thăm thú cảnh chùa. Leo mãi những bậc đá mòn xám bụi vẫn chỉ thấy hai bên cây mọc um tùm. Là cây gì chẳng rõ. Dưới nền đất vàng sậm đầy lá khô, thi thoảng có bụi xác pháo, ngọn hoa đỏ thẫm vút lên tựa tia máu bung từ nền xanh thẳm. Nhưng không phụ giọt mồ hôi, cảnh trên núi quả nhiên tuyệt diệu. Một vùng thôn quê nằm gọn tầm mắt, nào những ô lúa xanh, những mái nhà đỏ, những ngọn đá vôi rồi cả khúc quanh dòng sông phía tận chân trời. Ông tinh nghịch nhặt mẩu đất khô ném đi mạnh mà ngóng nó rơi phương nào. Không xa chỗ vãn cảnh, chùa đậu trên gần đỉnh núi.

Trước sân chùa chỉ vỏn vẹn gian chính điện có cây muỗm già hai người ôm không hết cạnh bên. Tán lá lớn phủ khoảng chung quanh tĩnh lặng, đổ xuống bóng tối trầm phảng phất màu u linh huyền bí. Bước qua khung cửa, tượng Đức Phật đặt giữa, bên trái Quan âm còn bên phải vị nào ông chẳng rõ. Nhưng biểu cảm ba bức tượng mắt nhắm hờ này có phần nghiêm nghị, thoáng nét bi sầu không mang vẻ an yên thoát tục. Vị sư thầy hơn ông chừng vài tuổi, có gương mặt theo kết cấu của một người dễ cười, đợi ông hành lễ xong xuôi cho phải đạo rồi dẫn sang chái nhà gỗ phía sau cây muỗm - nơi diễn ra những sinh hoạt đời thường.

Bên chén trà, hai người bình luận những hỉ nộ ái ố vương vấn cõi thế sự nhân gian. Thấy đứa tiểu mải nô ngoài sân, sư thầy ném sang bác sĩ ánh nhìn trong vắt.

“Chùa này rất thiêng. Người xưa kháo nhau về đây cầu tai qua nạn khỏi y rằng khỏe mạnh, bí tích này ít người biết. Cũng là cái phúc lớn nhưng lòng tôi băn khoăn một điều. Giá kể hương khói đủ đầy thì không mắc tội với Thần Phật trên cao. Bác sĩ thấy nhiều cảnh lầm than, chỉ mong bác sĩ khuyên nhủ mọi người lên đây thỉnh nguyện lại tốt cả đôi đường.”

Trầm ngâm một lúc, bác sĩ đáp lại.

“Được, tôi nghe lời thầy.”

Chiều muộn. Sư thầy tiễn bác sĩ xuống tận chân núi bằng con đường tắt không bậc. Ngang qua tấm bia đá khắc hàng chữ cổ từng nét vẫn rõ ràng, có một ngôi mộ nằm trơ trơ. Lá khô theo gió thều thào lướt nhanh qua gò đất trống không gọng cỏ, ánh nắng sót đọng bị rừng che nhác u ám tiêu điều. Vị bác sĩ ngoái lại trân trân một hồi, lòng xao xuyến khó tả.

Từ dạo ấy, cách vài tháng cậu thanh niên lại đến nhà chơi, quà cáp tử tế. Vợ bác sĩ tò mò hỏi:

“Sao cứ gửi mình tiền thế?”

Bác sĩ trả lời mặt lạnh tanh.

“Lộc nhà Phật đấy!”

3.

Một năm, hai năm rồi năm năm. Bóng cậu thanh niên từ lâu đã không còn thăm hỏi. Những ca phẫu thuật lịch xếp kín dày vẫn không hồi kết. Vị bác sĩ càng già tay càng dẻo. Đường rạch chuẩn chỉnh chẳng lệch nửa li cắt phăng cục u nhọt kì dị trồi trong thân thể. Những khối thịt thừa ăn bám tàn ác như ma quỷ ấy hút sạch sinh khí con người, chúng hoen màu đỏ nâu như gỉ sét, xấu không tả nổi.

Trên đỉnh cao sự nghiệp, bác sĩ bỗng thấy đời vẫn bạc. Ừ thì tiền không túng thiếu mà chẳng có thời gian tiêu, con lại gửi cho người khác dạy. Được cái nhân gian chưa cạn tình. Dù bệnh nhân qua khỏi hay qua đời, người nhà vẫn đến cảm ơn chân thành. Từ thời còn con gà hộp bánh đến lúc phong bì lên ngôi. Ông nhận tất, nhận cho người ta biết quý trọng mạng sống mà hoàn thành nốt tâm nguyện kiếp người.

Một hôm trong phòng hội chẩn, thấy hồ sơ in gương mặt quen quen, vị bác sĩ ngờ ngợ. Trần Thiên Quý. Sáu hai tuổi. Ung thư dạ dày. Ông theo xuống hỏi han liền nhận ngay người cũ.

“Ô chào thầy.”

Người đó giật mình ngoái lại.

“A! Chào bác sĩ, bác vẫn khỏe nhỉ?”

“Tôi còn cầm dao khiển kéo tốt, điệu nghệ hơn xưa.”

“Bác sĩ đừng gọi tôi là thầy.”

“Tôi biết. Tôi đã xem bệnh án, gặp người quen biết vẫn cứ hân hoan, sao đời nó nhỏ thế.”

“Hân hoan thấy tôi phải lên giường mổ đúng không?”

“Không, không, thầy lại nghĩ quá.”

Người con gái ngồi cạnh giường bệnh ngơ ngác dõi theo cuộc thoại. Gương mặt trắng của cô dịu dàng. Còn đôi tay nhăn nhúm ngả nâu dưới màn sơ mi trắng ám chỉ một thời lam lũ xa xôi. Vị sư thầy - nay không còn là sư thầy nữa, quay sang nhìn cô.

“Giới thiệu bác con gái tôi, chị ấy là giáo viên.”

Ca phẫu thuật cắt bỏ dạ dày cho bệnh nhân Thiên Quý diễn ra trong tám tiếng, hai kíp mổ thay phiên đổ mồ hôi. Thành công như bao lần. Trong quãng ngày hồi sức, vị bác sĩ bỏ thời gian lui tới nhắc nhở ân cần.

“Thầy biết điều gì đủ sức phá hủy một kết cấu vững vàng không?”

“Bác sĩ chỉ bảo cho.”

“Ẩn mình hòa làm một rồi đục từ bên trong. Ung thư cũng thế. Thầy nhớ kiểm tra định kì cẩn thận, dù sót lại một tế bào cũng là bay về vô tận.”

“Tạ ơn bác, lời bác tôi hiểu. Mà, bác còn nhớ chùa không. Tháng ngày trong viện tôi chỉ ước được sống cảnh cũ. Hối hận khôn kham. Chết dưới cây muỗm vẫn hơn lận đận thuốc thang mẩu đời sót lại.”

Bác sĩ lật trang kí ức về gốc muỗm già. Nó chia ra tám cành lớn hơi uốn lượn, nặng nề đỡ những tán xanh chụm lại như người con gái quỳ dâng mâm xôi cao đầy lên trời xanh cao thẳm.

“Có, vẫn nhớ, nhớ lâu cũng là hình phạt của đời. Hẹn thầy khỏe hai mình đi.”

4.

Hai người kéo nhau lên núi. Lưng chừng, Thiên Quý xuống sức. Bác sĩ ngồi bệt xuống bậc đá đợi chờ mà nói thêm mấy lời động viên.

“Bác sĩ tên Ân Quang là khéo cặp với tên tôi đấy. Chúng mình chắc nợ duyên với nhau.”

“Phải phải!”

Mùa thu êm mát làm cơn mệt dịu nhanh. Rừng cây lá thường xanh, màu vàng chỉ hiện lác đác trên những lá héo sắp sửa lìa cành rồi gió sẽ hong khô làm chúng tan vào đất. Gần mười năm chùa vẫn không đổi. Hai người đỡ nhau ngồi dưới cây muỗm già, cùng nhìn xuống vạt nhà xây mới nhiều tầng đằng xa chân núi. Lát sau, vị trụ trì bước ra tiếp đón. Hai người hành lễ rồi tiếp tục chuyện trò.

“Thầy định ở lại tu thật sao, bất tiện thăm khám lắm.”

“Có hề gì.”

“Lắm chùa chứng tỏ lòng người bấn loạn. Như thầy tôi ví tu hành cũng chỉ như cái nghề nhưng là cái nghề bất hạnh nhất trần đời.”

“Sao thế?”

“Vì có chết cũng chẳng nhìn thấy đỉnh cao sự nghiệp của mình nơi đâu, đáng buồn, đáng thương thay.”

Nói rồi Ân Quang lấy ra chiếc bọc đen nằm yên trong túi.

“Tiền với vàng thầy gửi tôi ngày xưa, tôi không dám động một đồng. Nay thầy quyết tâm vậy tôi gửi lại lộc mà tu sửa chùa. Những bệnh nhân tôi khuyên tới đây, đều di căn không thể cứu chữa. Nhưng trước khi chết thấy được cảnh tuyệt trần cũng tạm đáng sống một đời. Thế mà vẫn có người sống thêm vài năm, kì lạ thay. Rõ ràng nơi này linh thiêng y lời thầy kể.”

Thiên Quý nghe vậy nước mắt tuôn rơi. Ân Quang chợt nhớ ra điều gì, vội nói thêm.

“À… ngôi mộ lưng chừng núi của ai?”

“Là của sư thầy lập ra chùa này.”

Vị trụ trì nhìn theo hai người xuống núi đến khi bóng họ khuất trong nắng chiều. Hôm ấy, ngôi mộ không tên nghi ngút khói hương vừa lúc hoàng hôn thả lên vùng đồng xanh núi biếc.

5.

Lại kể thêm rằng, xưa kia có vị tiến sĩ. Từ nhỏ kinh sách thánh hiền thuộc chẳng sót một câu. Thấy cảnh nước có vua lại còn thêm chúa. Làm quan vài năm, tin nổi loạn khắp nơi rần rần đâm sinh lòng chán nản. Bèn cáo quan, về nhà ông dặn vợ ân cần, bán vợi ruộng đất, còn lại chia đều cho các con rồi bỏ đi. Ông cứ nhằm hướng tây nam Thăng Long tiến thẳng. Đến nơi có ngọn núi đẹp hoang vắng, dốc hết tiền cất ngôi chùa nhỏ. Dân biết là quan nên kính trọng muôn phần, giúp đỡ tìm cây chặt gỗ tạc tượng nhiệt tình lắm. Từ ấy ai hoạn nạn đều chạy lên chùa xin khấn vái.

Lại nói thêm rằng, ngày đó chiến trận triền miên. Có chàng trai thi mấy kì không đỗ, nhân có dụ tuyển quân, hám lập công danh liền đi theo chúa. Quân chúa thua thảm, may giữ nổi mạng. Hắn bèn bỏ về lấy món nghề lang theo học qua loa mà sống qua ngày. Ít lâu sau thêm đợt tuyển quân, ngựa quen đường cũ. Lại gặp quân Tây Sơn mai phục trên núi dập xuống đánh cho tan nát, vẫn giữ được mạng. Nhác thấy cảnh máu me chết chóc tang thương, chán đời hắn nhắm hướng tây nam tiến thẳng, đến chân núi ấy kiệt sức ngất đi, được trụ trì cứu giúp vậy.

Nguyên trụ trì khi ấy tuổi cao, người đương bệnh. Nhưng sống bao năm chưa ngộ ra cái huyền diệu tâm không nên còn lưu luyến sinh mạng. Muốn sống thêm chờ ngày thấy thành tựu. Gặp được chàng trai xưng danh thầy lang bèn nghe theo mà uống thuốc. Hắn sắc thuốc láo nhưng không dám nói thẳng, nguyện ở lại chăm sóc thầy đến khi qua đời. Trước khi mất thầy gọi hắn lại cười rất thoát tục, nói mỗi câu “Ta đã hiểu” rồi viên tịch.

Hắn thương sư thầy thật tình đâm ra ân hận lắm. Dân làng an táng sư thầy nơi lưng chừng núi, khắc tấm bia nhỏ giữ lại chuyện xưa cho hậu thế. Hắn quyết bỏ đi tìm chính đạo, trước lúc đi có trồng cây muỗm nhỏ, khi ấy đúng năm Gia Long thứ nhất.

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà