Sáng tác

Người cắt cỏ trong khuôn viên bệnh viện - Truyện ngắn dự thi của Võ Nhật Thủ

Võ Nhật Thủ
Truyện
10:00 | 09/12/2024
Baovannghe.vn - Vậy là với kết quả sinh thiết tôi đã bị ung thư giai đoạn cuối. Cầm cái “án tử” trên tay tôi không còn cảm nhận được chính mình. Tôi nhập viện với cái xác không hồn. Bác sĩ bảo gì, đi xét nghiệm kiểm tra những gì, vợ đưa tới đâu tôi đi tới đó. Bệnh viện lạnh lùng với dãy hành lang dài hun hút. Tôi đang bước những bước cuối cùng...
aa

Tôi được đưa về phòng bệnh. Những bệnh nhân ung thư không biết ở giai đoạn nào nhưng có người trọc đầu vì hóa chất, có người lủng lẳng dây thở, ống chuyền thức ăn qua đường mũi nghe như tử thần đang quanh quẩn đâu đây.

Tôi nằm nhìn lên trần nhà nhưng nào thấy gì trên đó. Hình ảnh những bệnh nhân trong phòng rồi sẽ đến lượt tôi trong những ngày sắp tới. Mấy hôm rồi, từ bữa nhận kết quả, tôi hầu như không ăn uống. Tóc chỉ mấy ngày mà đã chuyển màu muối tiêu lốm đốm.

Cả một ngày nằm trên giường bệnh, tôi gặm nhấm thêm bao nhiêu điều cay đắng mà số phận nghiệt ngã dành cho mình. Sáng nay tôi ngồi dậy, sau khi hộ lý vào khám và tiêm thuốc tôi xuống sân bệnh viện đi dạo cho vơi bớt lo buồn.

Sân bệnh viện ung bướu buổi sáng mát rượi. Khuôn viên rộng mênh mông, những hàng sưa đang mùa trổ hoa với màu vàng tươi đẹp tuyệt. Nhưng tại sao cỏ cứ mọc um tùm không ai chăm sóc? À kia rồi! Có tiếng máy cắt cỏ ré lên át tiếng ve kêu. Phía xa kia có một người đang cắt cỏ.

Ngồi nghỉ trên ghế đá được một lúc, người cắt cỏ đã dừng máy khi nào đi về hướng tôi, ông chào:

- Chào anh, anh mới nhập viện à?

Tôi cười đáp lại:

- Ừ, mới vô viện hôm qua. Mà sao ông biết tôi mới vào?

- Hê hê… thì tôi thấy anh lạ.

Ông ấy đội cái mũ tai bèo cùng bộ đồ công nhân nhưng qua cặp kính cận có vẻ trẻ trung hơn cái dáng khòm khòm, tôi chắc ông nhỏ hơn tôi dăm ba tuổi. Ông ngồi xuống bên tôi, lấy khăn lau mồ hôi rồi lấy ra hai chai nước, mời tôi một chai. Ổng có đôi mắt cười cười sau lớp kính cận. Ổng giới thiệu ổng là ba Tung, đã mất vợ đang sống một mình. Ổng mới về hưu, lên bệnh viện xin được một chân làm phu cắt cỏ.

Mới gặp lần đầu nhưng cách nói chuyện, kiểu thăm hỏi tôi thấy vui vui và ấm lòng.

Mặt trời lên cao, cái nắng mùa hè đang phả hơi nóng vào những khoảng trống trên sân. Ba Tung bảo tôi:

- Thôi anh về phòng nằm nghỉ cho mát, chiều hãy xuống. Còn khỏe, còn đi được thì nên xuống sân đi dạo, thư giãn. Tôi buổi sáng cắt cỏ hai giờ, xong việc tôi rảnh. À, mà anh biết chơi cờ tướng không?

Tôi thấy vui hẳn lên:

- Biết chứ! Tôi chơi hay lắm đó!

- Ngày mai tôi với anh chơi nghe! Tôi có bàn cờ đẹp lắm!

Ba Tung từ biệt tôi rồi đi về bếp ăn từ thiện. Ổng bảo ông phải xin suất cơm, ăn xong rồi mới về.

Hôm sau, sau khi làm thuốc, tôi lấy chiếc võng vợ mang vào hôm qua xuống treo giữa hai cây sưa cuối sân. Ngoài kia ba Tung còn đang cắt cỏ. Nhìn cái dáng nửa nông dân, nửa trí thức cõng trên vai chiếc máy cắt huơ qua, huơ lại mà thương.

Trong lúc thiu thiu trên cánh võng chợt có tiếng hỏi:

- Ông nằm nghỉ đó à?

Ba Tung đến từ khi nào, ông dựng bộ đồ nghề cắt cỏ bên bờ tường, lau giọt mồ hôi, nốc một hơi đến nửa chai nước lọc. Ông cởi phăng cúc áo để hở cả vòm ngực đón cái mát của ngọn gió nồm đến từ biển. Ông vào nhà ăn mượn hai cái ghế. Một cái ông ngồi, một cái đặt lên bàn cờ nhẵn thín bằng gỗ cẩm lai. Những con cờ được chạm khắc cầu kỳ bằng gỗ mun. Đúng như ông nói, bàn cờ và những con cờ tuyệt đẹp.

Chúng tôi chơi cờ. Ba Tung cũng là tay cờ cự phách. Mỗi khi lừa ăn được một quân cờ lão cười hê, hê… vẻ đắc thắng. Chúng tôi vừa chơi cờ, vừa nói chuyện nhau về thời sự tây tàu. Ba Tung cái gì cũng biết. Kiến thức của lão cũng cao siêu, thâm hậu như những nước cờ của lão vậy.

Vậy là nơi bệnh viện này tôi có được niềm vui đến từ ba Tung. Lão đã đem lại tiếng cười cho tôi, tôi thấy tinh thần mình thoải mái. Thèm được ăn, được uống và kể cả thèm được đợi chờ, nhất là bạn bè, người thân đến thăm. Mỗi cuộc viếng thăm có thể là cuối cùng chăng? Tôi kể tâm trạng ấy với ba Tung trong một cuộc cờ. Ba Tung hỏi tôi:

- Theo ông, trên đời này cái gì là quý nhất?

Tôi không ngần ngại:

- Đó là sức khỏe. Tôi giờ đang quý từng giọt ông ạ!

Ba Tung cười:

- Với tôi là thời gian hiện tại. Quá khứ là chuyện đã qua chỉ để mình hoài niệm. Tương lai, kể cả ngày mai không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy chỉ còn hiện tại, mình có cái gì hãy nhận cái đó đi ông! Cái mình có bây giờ cứ xem như là quà của thượng đế. Chắc gì ngày mai mình còn nhận được thì ngu gì không nhận. Tin tôi đi! Ông cứ nhận rồi sẽ thấy những gì ở hiện tại đều ý nghĩa. Như quân cờ này nè! Hiện tại nè! Tôi đớp con mã ông nè. Hê, hê…

Giọng cười kỳ dị nhưng lạc quan của ba Tung khiến tôi vui lây và bụp ngay con xe hở sườn của lão. - Ừ hiện tại là ăn được con xe, sướng nè! Ha ha…

Ba Tung cầm con pháo lên định ăn con tốt của tôi nhưng tay ông chùng xuống khi chiếc xe cấp cứu bật còi từ bệnh viện chạy ra. Ông nói như để mình nghe:

- Lại thêm một số phận không còn biết hiện tại nữa rồi!

Người cắt cỏ trong khuôn viên bệnh viện. Truyện ngắn dự thi  Võ Nhật Thủ
Tranh của họa sĩ Vincent Van Gogh

Sau mười ngày nằm viện thể trạng tôi khá hơn. Cuối tuần tôi xin bệnh viện về nhà, đầu tuần sau sẽ vào lại. Tôi về ai cũng khen tôi hồng hào hơn, sức khỏe tốt hơn. Sáng thứ hai tôi vô nhập viện lại.

Bệnh viện sáng đó được trang hoàng cờ phướn. Nghe nói đang tổ chức đón đoàn tài trợ cùng với quan khách thành phố về dự buổi khai trương cho một thiết bị chẩn đoán bệnh rất đắt tiền. Không biết máy này đắt bao nhiêu nhưng nghe nói mỗi ca soi chiếu, bệnh nhân phải trả tới 24 triệu. Người nghèo bị ung thư có nằm mơ cũng không dám một lần xin kiểm tra.

Bệnh nhân chúng tôi đứng từ xa. Chợt bên ngoài cổng một đoàn ô tô sang trọng đi vào. Một chiếc Mercedes cáu cạnh dừng lại, một phụ nữ vẻ quý phải bước ra, tiếp đến một người đàn ông lịch thiệp sau lớp kính cận. tôi định kêu lên: “Ba Tung!” Nhưng thoáng suy nghĩ ấy lịm tắt trong tôi khi người đàn bà sang trọng ấy nắm tay ông rồi cùng ông giám đốc bệnh viện tiến vào bên trong.

Ừ, người đó không thể là ba Tung được dù khuôn mặt, cái kính cận và dáng đi giống, giống lắm! Nhưng Ba Tung, phu cắt cỏ không thể là nhà tài trợ bước ra từ chiếc Mercedes ấy được. Ba Tung đâu còn vợ, sống một mình mà! Ông từng kể với tôi như vậy. Còn người này tay trong tay với người đàn bà trẻ đẹp sang trọng, tất nhiên là vợ ông ấy, tôi nghĩ vậy.

Buổi tiếp đón và lễ khởi động thiết bị diễn ra đâu đó trong bệnh viện tôi không rõ. Đoàn quan khách ra về, người đàn ông khi nãy, sau khi bắt tay tạm biệt cùng người phụ nữ lên xe nối đuôi đoàn xe chạy ra phía cổng. Ngày hôm sau, ba Tung vẫn chiếc máy cắt cỏ đang làm công việc của mình ở phía cuối tường rào. Chờ lão xong công việc, tôi hỏi:

- Hôm qua ông không đi làm à? Mà sao có ông nào giống ông ghê lắm! Nghe nói là người tài trợ cho cái thiết bị đắt tiền gì đó. Có phải người đó là anh em với ông không?

Ba Tung cười hê, hê:

- Hắn là em của tôi đó! Tôi là ba Tung, còn hắn là tư Hoành. Anh em sinh đôi mà! Ai nhìn cũng nhầm.

- Hèn gì! Mà sao ổng giàu vậy?

- Ý ông muốn nói là tôi nghèo chứ gì? Mỗi người mỗi số phận ông ơi! Em tôi nó giàu là tôi mừng, còn tôi nghèo là số phận của tôi. Hê, hê…

Lão lại cười. Cái gì lão cũng “hê hê” được. Hình như chuyện giàu, nghèo lão không có khái niệm phân biệt. Ờ, mà với triết lý “cái quý nhất là hiện tại” của lão thì chấp làm gì chuyện giàu nghèo. Chuyện anh em nhà lão không biết thế nào mà có sự cách biệt đến vậy! Thằng em có vẻ giàu nứt đố đổ vách. Còn thằng anh thì ngày ngày đi cắt cỏ, ăn cơm từ thiện. Cha mẹ sinh con nhưng hai anh em lại có hai cuộc đời trái ngược.

Tôi tạm rời những ván cờ buổi sáng với Ba Tung để tạm xuất viện sau đợt hóa trị. Về nhà gần hai tuần tôi lại phải nhập viện vì sức khỏe có dấu hiệu xấu hơn. Qua tình bạn với Ba Tung, tôi thấy mình không cô đơn, không bi quan nữa. Hãy sống, hãy vui những gì của hiện tại đừng nghĩ về tương lai. Cuộc đời dù giàu sang, sung sướng hay nghèo hèn, đau khổ rồi cũng đi đến dấu chấm cuối cùng của cuộc đời, chỉ sớm hay muộn mà thôi.

Sau khi chuyền thuốc, tôi lần xuống sân để tìm ba Tung. Hôm nay không thấy lão đâu. Khuôn viên bệnh viện thời gian tôi về, qua bàn tay ba Tung trở nên thoáng đãng hơn. Những hàng sưa, hàng phượng rung rinh trong gió tỏa đầy bóng mát. Bệnh viện lúc này giống như một công viên.

Ba Tung vẫn chưa tới. Buổi sáng tôi chờ hoài. Chắc lão bận hay có việc nhà mà hôm nay không đi dọn cỏ.

Buổi chiều tôi xuống sân, đang lang thang tìm chỗ mát cột võng thì ngoài cổng một chiếc Mercedes sang trọng chạy vào. Bước xuống xe là một người thanh niên trẻ, theo sau là người đàn ông mà tôi không còn xa lạ: Tư Hoành. Hai người đi ngang qua tôi. Tư Hoành cười:

- Ông lại vào rồi à?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao ông biết tôi?

- Sao không biết? Ông là Út Danh phải không? Hê hê…

Tôi há mồm. Không lẽ, không lẽ... Cái dáng, cái mặt có thể hai anh em sinh đôi giống nhau như tạc nhưng giọng nói và cái giọng cười “hê, hê...” thì không thể ai khác ngoài ba Tung.

- Vậy ông là ba Tung hay là tư Hoành?

- Ông thấy tôi đi xe Mercedes thì gọi tôi là tư Hoành còn thấy tôi đi xe máy với chiếc máy cắt cỏ thì gọi tôi là ba Tung. Hê, hê...

Vậy là ba Tung và tư Hoành là một! Vậy mà bấy lâu thấy lão vất vả tôi thương, tôi lại trách móc tư Hoành sao không biết thương mà giúp đỡ anh mình.

Ba Tung đi dạo cùng người thanh niên trên các khoảnh khuôn viên của bệnh viện, tay lão chỉ này nọ. Thỉnh thoảng cả hai cúi xuống vẽ vẽ cái gì trên đất. Xong họ ra xe đi về. Trước khi vào xe, ba Tung cười bảo tôi: “Ngày mai lại đánh cờ nhé! Hê hê...”

Đó là đêm đầu tiên nơi bệnh viện này tôi mất ngủ. Cứ nhắm mắt là hình ảnh ba Tung cùng dáng đi và tiếng cười “hê hê” hiện về. Cái dáng lão thật kỳ lạ. Khi là tên phu cắt cỏ nhìn sao mà thương, còn khi bước ra từ chiếc Mercedes với bộ veston đậm màu sao mà lịch lãm! Hai con người, hai dáng vẻ nhưng lại là một. Cái gì đã tạo nên một ba Tung đại gia trở thành người phu cắt cỏ, thích ăn cơm từ thiện?

Sáng hôm sau tôi xuống sân thật sớm. Ba Tung chưa đến, tôi chờ.

Mặt trời nhú lên phía khu nhà đông là lúc ba Tung đến. Chờ lúc ông dựng xe chuẩn bị đồ nghề tôi chặn lại.

- Ông khoan đi cắt cỏ! Hãy kể cho tôi nghe, vì sao ông gạt tôi ông là tư Hoành.

Lần này lão cười ha ha…

- Tại ông chớ! Ông ngộ nhận tôi không phải là ba Tung thì tôi phải bịa ra một thằng em tên tư Hoành để anh em tôi “Tung Hoành” chứ! Hê, hê…

- Không, tôi không dám nghĩ hai con người ấy lại là một.

- Ông bị ám thị đó thôi! Cứ đánh giá người ta bằng vẻ bề ngoài. Đi với bụt tôi phải mặc áo cà sa, đi với đại gia tôi phải măc áo vest chứ! Hê hê...

Tôi không giấu giếm:

- Ông làm tôi bất ngờ quá! Nếu ai kể, dù cố tình tôi cũng không thể tin được. Cơ duyên nào mà ông bỏ áo đại gia mặc đồ cắt cỏ?

Ba Tung ngồi xuống, mở chai uống một ngụm nước. Tay vừa vặn đậy nắp chai vừa nói giọng như chùng xuống.

- Thiệt ra, vợ tôi là bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện này...

Rồi ông kể.

- Hồi đó vợ tôi khó thở, tôi định đưa vợ đi Hà Nội thì đúng lúc bệnh viện này khánh thành. Tôi nghi vợ bị u vòm họng, tôi đưa vào kiểm tra xét nghiệm. Cay đắng, dù tôi không tin nhưng đó là sự thật. Vợ tôi đã bị ung thư giai đoạn cuối.

Lúc đó vợ tôi buồn lắm! Tôi không biết an ủi bằng cách nào. Trong cơn tuyệt vọng ấy thì ông chủ tịch thành phố, người đứng ra huy động vốn xây dựng bệnh viện này như ông biết, đã đến từng giường bệnh nhân ủy lạo, động viên. Bảo là hãy vui nốt những ngày còn lại, đời người ngắn lắm! Buồn làm gì! Ông đã trao cho tôi, cho vợ cái nắm tay ấm lòng. Vợ tôi thấy cuộc đời này còn ý nghĩa bởi nụ cười và tấm lòng đôn hậu của ông ấy, tôi cũng vậy.

Bệnh viện lúc đó mới xây, khuôn viên không bị cỏ phủ như bây giờ. Cây cối tuy chưa có bóng sum suê nhưng đẹp lắm! Thoáng sạch, quang đãng. Những ngày sau đó tôi thích đưa vợ mình xuống sân bách bộ lúc mới sáng hay cuối chiều khi vợ còn khỏe. Hồi đó mới khánh thành nên bệnh nhân ít lắm! Bệnh viện buồn nhưng lại là không gian yên tĩnh để vợ chồng tôi được tận hưởng nét đẹp trong lành như một công viên mới xây của bệnh viện này.

Rồi cơn bệnh quái ác hoành hành thân xác. Vợ tôi tím tái trong cơn đau. Tôi ước mình làm được cái gì đó để san sẻ cơn đau của vợ nhưng bất lực. Tôi chỉ biết nắm tay bà, truyền cho bà hơi ấm của tình yêu. Chỉ biết cầm tay bà đưa bà đi quanh sân để cùng nhau nhận những gì của vẻ đẹp lúc hoàng hôn còn sót lại. Tôi hứa với bà là nếu sau này kinh doanh thành công, lúc cuối đời tôi sẽ trở lại góp một phần công sức cho bệnh viện. Vợ tôi ra đi trong cơn đau về thể xác nhưng trong vòng tay tôi, bà như vừa mới tắt một nụ cười.

Những năm sau đó việc kinh doanh của tôi gặp nhiều thuận lợi. Tôi đầu tư vào bất động sản. Mười lăm năm sau, từ một tay kinh doanh quèn tôi trở thành ông chủ tịch của một tập đoàn địa ốc có tiếng. Giờ đã đến tuổi nghỉ rồi, tôi giao lại toàn bộ công việc kinh doanh cho con gái tôi.

- Vậy người ông cầm tay hôm tài trợ là ai?

- Đó là con gái tôi, nó lập gia đình đã được hai cháu. Tôi có khu đất vàng vừa mới bán. Với tiền bán đất tôi xin bệnh viện được tài trợ cho một thiết bị quan trọng nhưng rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư. Máy đó gọi là PET/CT. Hai năm đầu hoạt động sẽ kiểm tra miễn phí cho từng ca ung thư nhưng từ năm thứ ba mỗi ca phải thu một triệu để sau này có nguồn mà duy tu bảo dưỡng. Riêng bệnh nhân nghèo phải được miễn phí.

- Nhưng tại sao ông lại nhận làm phu cắt cỏ?

- Tôi hỏi ông: Làm người cắt cỏ có gì xấu? Chẳng lẽ một đại gia cầm máy cắt cỏ không được à? Ông biết hạnh phúc là gì không? Hạnh phúc là những gì mình đạt được. Tôi đạt được nhiều lắm rồi! Ngoài bạc tiền, công danh tôi còn muốn đạt được sự thanh thản trong tâm hồn vì lời hứa với vợ ở những năm tháng cuối đời. Vào đây ông biết rồi. Ở đây bệnh nhân được các nhà từ thiện lo cho từng bữa ăn miễn phí. Trước ngày ông chủ tịch thành phố chưa mất, tất cả dịch vụ điều trị, thuốc men cho bệnh nhân còn được miễn phí nữa kia! Bởi vậy, tôi muốn góp sức mình bằng công sức của người cắt cỏ cũng chỉ là công việc của người làm từ thiện.

- Vậy sao ông thích ăn suất ăn từ thiện?

- Cơm từ thiện ngon lắm ông ạ! Ở đó tôi không chỉ ăn cơm đâu mà ăn cả tấm lòng của những người làm từ thiện. Tôi ăn để cảm nhận được cái ngon, cái tình của họ dành cho bệnh nhân. Thật ra các hội từ thiện ở bệnh viện này hội nào tôi cũng góp quỹ.

Hôm trước tôi có gặp giám đốc bệnh viện, tôi đưa ra đề án và được chấp thuận là sắp tới tôi sẽ là công trình sư tài trợ, thiết kế và xây dựng cả khuôn viên bệnh viện này thành một công viên đúng nghĩa.

Ông chỉ tay về từng nơi:

- Nơi đó sẽ được trồng các loại hoa. Còn kia là khu vườn theo mô hình nông thôn. Ở đó có các hàng tre, hàng cau. Bệnh nhân là người nông thôn có thể ra đó móc võng hay ngồi hóng mát để cảm nhận được cái gần gũi của quê nhà. Nơi kia là khu vui chơi dành cho trẻ em. Các cháu sẽ được chơi những trò chơi vui nhất, thích nhất trước khi về với thế giới bên kia.

Khuôn viên bệnh viện sẽ là công viên đầy hoa. Mỗi buổi sáng thức dậy, bệnh nhân có thể nhìn ra hoặc dạo bước trên những đường vòng quanh khuôn viên trong hương hoa buổi sớm.

Rồi ông thở dài:

- Ông ạ! Tôi chứng kiến cơn đau quằn quại của những ngày cuối đời của vợ mà không sao san sẻ được. Hi vọng những gì mình có, mình làm được tại bệnh viện này sẽ góp phần làm tinh thần người bệnh thanh thản hơn trong cơn đau thể xác để đến phút, nếu ra đi họ cũng mãn nguyện mà hắt hơi thở cuối cùng.

Nghe ông nói mà tôi rướm nước mắt. Tôi cầm tay ông nói thay lời bao bệnh nhân:

-Tôi, tôi cảm ơn ông, cảm ơn tấm lòng của ông…

Ba Tung cười “hê hê” rồi đứng dậy ngắt lời:

- Cám ơn cái gì! Thôi tôi phải đi cắt cỏ đây! Tí nữa vào nhớ mà giữ con xe nhé!

Ba Tung đi rồi, tiếng máy cắt cỏ quen thuộc đằng xa vọng lại.

Tôi nhìn theo dáng khòm khòm của ông: Cảm ơn ông nhé! Cảm ơn những người từ thiện như ông. Tôi đã nhận nơi đây nhiều lắm! Thời gian còn lại với tôi là hiện tại. Quý lắm, tôi nhận hết mà! Thế giới bên kia có thiên đường hay không, tôi không biết nhưng những ngày cuối đời bệnh hoạn này tôi đã sống ở đây giữa bao la tình người. Với tôi đó là thiên đường của nơi sắp chấm dứt sự sống.

Mà không, tôi vẫn đang là hiện tại mà! Tôi còn những ván cờ với ông, cùng chơi để cùng thưởng ngoạn vườn hoa với ông nữa chứ!

Ừ, trong tôi đang hiện hình vườn hoa muôn sắc có nhân, có quả mọc lên từ trái tim từ tâm, ba Tung ạ!

Văn nghệ, số 40/2022
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà