Trong lịch sử văn chương Việt Nam, nếu phải làm một “bảng tổng sắp” các nhân vật được người đọc phân tích, lý giải, bình luận, chia sẻ mối đồng cảm hoặc bày tỏ sự phản đối nhiều nhất, chắc chắn, đứng ở vị trí “top” của “bảng tổng sắp” ấy phải là nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Cũng dễ hiểu, với một tài năng sáng tạo vào cỡ thiên tài, với một sự nhạy cảm tột cùng của người trong “hội tài tình”, Nguyễn Du đã, qua cuộc đời nàng Kiều, chạm đến vấn đề “mắt bão” của con người ở mọi thời đại: ý thức về phẩm chất và giá trị của cá nhân trong đời sống, khát vọng được giải phóng mọi năng lực và được thoả mãn mọi nhu cầu lành mạnh, vượt lên trên sự bó buộc của những định kiến thông thường. Điều này tạo ra một lực hấp dẫn rất mạnh trên người đọc nói chung suốt từ khi Đoạn trường tân thanh xuất hiện đến nay. Và đặc biệt là, nó đóng vai trò khơi nguồn cho sự ra đời của loạt văn bản mang chức năng kép: vừa là tác phẩm văn chương, vừa là những bình luận về một phận người trên cõi thế.
“Kiều” - Tranh của Tôn Thất Đào. |
Thuộc vào số những tác phẩm bình luận về Kiều được nhắc tới nhiều nhất, và được cho là hay nhất, là bài Đoạn trường tân thanh đề từ của Phạm Qúy Thích: “Giai nhân nếu chẳng tới Tiền Đường/ Món nợ trăng hoa đã dễ trang?/ Mặt ngọc nỡ nào vùi thủy phủ/ Lòng băng không để phụ Kim lang/ Đoạn trường tỉnh giấc duyên vừa dứt/ Bạc mệnh dừng dây hận vẫn vương/ Nghìn thuở tài tình mang lấy lụy/ Vì ai khúc mới gửi bi thương?” (Bản dịch của Hợp tuyển thơ văn Việt Nam). Xuyên suốt bài thơ “đề từ” này là một cái nhìn mang đậm màu định mệnh chủ nghĩa: con người chỉ là trò chơi trong tay tạo hóa, người càng có nhiều bao nhiêu những “phẩm chất trội” càng phải hứng chịu bấy nhiêu những cú đòn phũ phàng của số phận. “Nghìn thuở tài tình mang lấy lụy” (Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy), câu thơ này vừa là sự lý giải, vừa là sự cảm thông sâu sắc của ông tiến sĩ họ Phạm với cuộc đời đầy nước mắt của kiều nữ họ Vương. Và nó cũng tỏ ra rất hô ứng với tinh thần chung của bài “Tựa” của Mộng Liên Đường chủ nhân: “Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy. Thế mà lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhịn thế nào được mà không thở than rền rĩ!... Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch không đủ sánh với bức dao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ...” (Bùi Kỷ dịch). Đoạn kết trong Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tự của Chu Mạnh Trinh còn thể hiện rõ hơn nữa tinh thần này: “Giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa/ Lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nùng/ Cho hay danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ/ Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để ai lưu lạc đau lòng/ Ta cũng nòi tình/ Thương người đồng điệu/ Cái kiếp hoa xuân lẩm cẩm/ Con hồn xuân mộng bâng khuâng...” (Đoàn Tư Thuật dịch). Vậy là, với những người đọc như Phạm Qúy Thích, Mộng Liên Đường chủ nhân, Chu Mạnh Trinh (và còn nhiều người khác nữa), Kiều và số kiếp mười lăm năm chìm nổi của nàng được nhìn nhận qua một lăng kính duy nhất: sự thấu cảm, sự chia sẻ đến đáy của những người “cùng hội cùng thuyền”, những người cùng một “nòi tình” (tình chủng), những người “tài tình”. Họ, theo sự định vị của hai nhà nghiên cứu văn học cổ Trần Đình Hượu và Trần Ngọc Vương, là những phong lưu danh sĩ, những “nhà Nho tài tử”. Họ ý thức rất mạnh về cái Tôi cá thể của mình qua hai phẩm chất mà Nho giáo vốn luôn giành sẵn “ác cảm”, đó là thị tài (tài cầm, kỳ, thi, tửu) và đa tình. Họ tìm thấy ở giai nhân một nhân vật đối trọng và làm thành cặp đôi ăn ý với mình. Trong một xã hội quân chủ chuyên chế đầy hà khắc như xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, chưa đủ điều kiện, nếu không muốn nói là còn tạo ra vô vàn taboo, để nhà Nho tài tử có thể phát triển thành một loại hình nhân cách mang tính phổ biến và được thừa nhận với toàn bộ giá trị mà họ thủ đắc. Sự “bầm dập” về tinh thần - đôi khi là bầm dập thể xác, theo nghĩa đen – khiến họ đi đến việc tự lý giải vấn đề số phận của mình bằng một quan niệm siêu hình có sẵn: tạo vật đố toàn, ông trời vốn ghét ghen với những người tài sắc, má hồng thì đa truân, tài tử thì đa cùng. Vì lẽ đó, dễ hiểu tại sao khi đọc “Đoạn trường tân thanh” rồi bình luận về nàng Kiều, họ đã viết như trút vào cái viết của mình tiếng đồng vọng bi thương của lịch sử.
Tranh sơn mài “Từ Hải - Thuý Kiều“ năm 1993 của hoạ sĩ Lê Trí Dũng |
Thế nhưng, Đoạn trường tân thanh, khúc “Nam âm tuyệt xướng” đó dĩ nhiên không chỉ được thưởng thức bởi người đọc là nhà Nho tài tử. Các nhà Nho chính thống cũng “mê mẩn” với Truyện Kiều không kém, nhưng họ lại nhìn nhận, đánh giá về nàng Kiều theo cách riêng. Nguyễn Văn Thắng viết trong Kim Vân Kiều án: “Hiếu tình có một/ Tài sắc gồm hai... Kiếp má phấn tới khi rời mệnh bạc/ Mảnh lòng son không chút thẹn vừng hồng/ Bỏ thịt xương thể giả đức sinh thành, nhắm mắt đưa chân theo lối tạo/ Qua dâu bể dám ăn lời ước hẹn, trao tơ chắp mối cậy tay em/ Phận bèo mây sá quản áng phong trần/ Vùng dông tố chẳng phai lòng sắt đá... Xét khi trước đủ nhân, trinh, hiếu, nghĩa/ Thương sau này lâm tuyết, nguyệt, phong, hoa...” Hay, như bài Quan tiểu thuyết Vương Thúy Kiều ngẫu hứng (Ngẫu hứng nhân đọc tiểu thuyết Vương Thúy Kiều) của Vũ Tông Phan: “Bên tình bên hiếu nghiệt oan/ Vì cha liều kế hương tàn sắc phai/ Ba thu quanh quẩn điếm ngoài/ Lữa lần một buổi phòng trai (thiền môn) khéo nhờ/ Hồng nhan nửa kiếp chưa tha/ Mà mong báo đáp tuổi già yên vui/ Lòng này ghê phận hoa trôi/ Năm canh khắc khoải lần hồi cố hương” (Vũ Hồng Huy, Vũ Thế Khôi dịch). Hay, như Phạm Huy Toại viết trong bài Vịnh Thúy Kiều: “Khúc đàn bạc mệnh tơ chưa dứt/ Giấc mộng vô duyên kiếp đã đành/ Hiếu nghĩa thế mà lưu lạc thế/ Nghìn thu thêm để mối thương tình”. Nghĩa là, trong những trường hợp viết về nàng Kiều như đã nêu trên, cơ sở để các tác giả nhìn nhận, đánh giá Kiều không gì khác ngoài những tiêu chuẩn đạo đức mang tính khuôn vàng thước ngọc của Nho gia: trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh. Những biến cố trong cuộc đời Kiều, những cú đẩy của số phận dìm nàng xuống bùn đen, trong mắt họ, chính là cái phông nền để làm bật lên sự “ngời ngời phẩm chất” của một phụ nữ tuyệt vời theo quan điểm đạo đức Nho giáo. Ngay như nhà Nho Nguyễn Xuân Ôn - một thủ lĩnh quân sự của phong trào Cần Vương - dù có nhẹ nhàng trách Kiều trong bài Độc Thúy Kiều truyện, cảm tác: “Hối phu giao tế tác hàng thần” (Hối hận vì đã khuyên chồng bó thân cởi giáp), thì cũng chỉ là trách sau khi đã ca ngợi nàng: “Vãn tiết độc tồn trinh bạch tháo” (Xuân tàn rồi, vẫn còn giữ được tiết tháo trắng trong). Có cái gì đó, theo tôi, khá gượng ép trong chuyện này. Bởi lẽ, dường như cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du khi bắt gặp nhân vật Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân và khi ông “lục bát hóa” chuyện “kỹ nữ hóa” của đời nàng không phải là như vậy: ông không quan tâm lắm đến việc dựng lên một tấm “bảo kính”, ông chia sẻ với triết lý “tài mệnh tương đố” nhiều hơn. Cả cuộc đời Kiều là một cuộc vật lộn giữa “Tài”, “Sắc” với “Mệnh”, chứ không phải là sự tranh thắng giữa “Đức” với “Mệnh”.
Dẫu sao mặc lòng, ngay ở hậu bán thế kỷ XIX, việc ca ngợi Thúy Kiều như một tấm gương đạo đức về người phụ nữ Nho giáo cũng đã phải chịu một phản ứng ngược, trên cùng một tiêu chí đánh giá. Điển hình là thái độ của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ trong bài hát nói “Trách Kiều”: “Đã biết má hồng thì phận bạc/ Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng/ Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang/ Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải/ Từ Mã Giám sinh cho đến chàng Từ Hải/ Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu/ Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu?/ Mà bướm chán ong chường cho đến thế/ Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm/ Bán mình trong bấy nhiêu năm/ Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai/ Nghĩ đời mà ngán cho đời!”. Có thể “diễn nôm” bài hát nói này như sau: Kiều vì chữ hiếu mà phụ tình Kim Trọng để bán mình vào thanh lâu chuộc cha, cũng được. Nhưng đó là lần đầu tiên, lần gặp Mã Giám sinh. Đến lần thứ hai vào thanh lâu, lần gặp Từ Hải, thì vì cái gì? (Trong trường hợp này, nếu thực là người phụ nữ trinh liệt, ắt sẽ tìm đến cái chết để giữ được tiếng thơm). Hết mục đích hợp đạo đức để biện minh cho hành động. Vậy chỉ có thể nói rằng đó là do căn tính tà dâm mà ra, và như thế thì đoạn trường là đáng kiếp. Ai đã từng đọc tác phẩm và tìm hiểu cuộc đời của Nguyễn Công Trứ hẳn sẽ rất ngạc nhiên: một danh sĩ phong lưu hạng nhất, một nhà Nho sành sỏi đủ ngón ăn chơi, một người từng tuyên xưng với thế nhân cái triết lý: “Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù/ Nghề chơi cũng lắm công phu”, người ấy lẽ ra phải đứng về phía Kiều, tôn xưng ca ngợi nàng mới đúng, chứ không phải là mạt sát nàng như thế này. Có thể, đặt trong bối cảnh ông vua “sính chữ” Tự Đức đang rầm rộ mở cuộc thi vịnh Kiều – mà mục đích không gì khác, và cũng rất công khai, là biến Kiều thành một “gương báu” đạo đức theo quan niệm Nho giáo để mọi người “soi chung” – bài hát nói của Nguyễn Công Trứ là một hành vi “ngược nước” cố tình, một cách nói “lấy được” nhằm bày tỏ sự phản đối? Dù gì thì dường như Nguyễn Công Trứ cũng tạo ra một tiền lệ. Vì sau này, vào những năm 1920, khi bút chiến với quan điểm ca ngợi Truyện Kiều một cách thái quá của học giả Phạm Quỳnh: “Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc... Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”, nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã từng dùng đến một cụm từ không thể nặng hơn để nói về nhân vật chính của “Đoạn trường tân thanh”: Con đĩ Kiều.
Đối với việc nghiên cứu phê bình tác phẩm văn học ở Việt Nam, Truyện Kiều có lẽ là “bãi thử” tốt nhất cho các phương pháp: từ phê bình xã hội học, phê bình văn hóa - lịch sử, phê bình cấu trúc, phê bình phân tâm học, phê bình thi pháp học, phê bình phong cách học... Tất cả các phương pháp phê bình văn học đã có đều đặt dấu ấn của chúng trên Truyện Kiều - một danh tác văn chương mà người ta cứ ngỡ như đã viết về nó nhiều tới mức không còn gì để viết. Còn đối với nhân vật nàng Kiều và cuộc đời mười lăm năm “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” của nàng, có thể nói rằng, đó là “chất thử” để làm phát lộ lập trường đạo đức – chính trị của những người bình luận về nàng. Từ khi Truyện Kiều ra đời đến năm 1945, việc nhìn nhận đánh giá về Thúy Kiều dựa trên hai quan điểm: quan điểm ít nhiều mang tính nhân văn chủ nghĩa của các nhà Nho tài tử, và quan điểm luân lý của Nho giáo chính thống (cho dù ngay từ chính quan điểm này việc đánh giá Kiều đôi khi rất trái ngược nhau). Từ năm 1945 về sau, nổi lên quan điểm đạo đức – chính trị cách mạng vô sản, và đó là điều dễ hiểu. Để khép lại bài viết này, cũng là để thấy rõ hơn dấu ấn của ý thức hệ trong việc tạo ra những dư ba lịch sử quanh một phận người, xin được trích vài đoạn trong bài thơ Bình luận về Kiều của Tế Hanh: “Người anh hùng trong Truyện Kiều là Kiều/ Một cô gái chịu bao nhiêu đau khổ/ Bị vùi dập trong đống bùn chế độ/ Suốt cả đời giữ trọn mối tình yêu/ Kiều cô đơn giữa một lũ yêu ma/ Hoạn Thư, Sở Khanh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ/ Miếng mồi ngon cho những tên đồ tể/ Mã Giám Sinh, Tú Bà/ Kiều cao hơn những người đàn ông mình đã gặp/ Hơn Kim Trọng trong đau khổ yêu thương/ Hơn Thúc Sinh bởi bao phen vùi dập/ Hơn Từ Hải về nỗi niềm cố quốc tha hương”.
Hoài Nam | Báo Văn nghệ
Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt