Chuyên đề

Tiếc nhớ một độc bản

Xuân Ba
Tư liệu
06:00 | 05/02/2025
Baovannghe.vn - Trong tâm trạng bâng khuâng luyến nhớ cái thời khắc gặp gỡ giữa thi sĩ Vương Trọng với nghệ sĩ Tào Mạt, tôi lọ mọ chép lại phần chữ Hán trên cơ sở phiên âm bản dịch Nguyễn Du phần biên mà nhà thơ Vương Trọng may mắn còn lưu giữ.
aa

Trong một bộc bạch của nhà thơ Vương Trọng rằng, hơn nửa thế kỷ làm nghề biên tập và sáng tác, nhà thơ may mắn có một số tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Trong đó có bài Bên mộ cụ Nguyễn Du.

Xin chép lại.

Tiếc nhớ một độc bản
Nguyễn Du phần biên. Thủ bút của Xuân Ba.

BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây

Ngửng trời cao, cúi đất dày

Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình

Một vùng cồn bãi trống chênh

Cụ cùng “thập loại chúng sinh” nằm kề.

Hút tầm chẳng cánh hoa lê

Bạch đàn đôi ngọn, gió về nỉ non

Xạc xào lá cỏ héo hon

Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi

Lặng yên bên nấm mộ rồi

Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm.

Không cành để gọi tiếng chim

Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời

Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu

Thanh minh trong những câu Kiều

Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.

Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân

Phong trần còn để phong trần riêng ai

Bao giờ cây súng rời vai

Nung vôi, chở đá, tượng đài xây lên:

Trái tim lớn giữa thiên nhiên

Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa.

Nghi Xuân, 7-3-1982

Bài thơ đã lan truyền, ghim vào trí nhớ bao người.

Chuyện của nhà thơ Vương Trọng

Đầu năm 1983, một hôm NSND Tào Mạt tìm tôi. Ông khen hết lời bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du (tính ông vẫn thế, đã khen thì khen hết lời, đã chê thì chê đổ đi). Ông muốn nhờ tôi chép tặng “để mình treo vào chỗ trang trọng”.

Ông kéo tôi vào phòng ông, xịch ghế, đưa cho một tờ giấy và chiếc bút bi, bảo chép ngay. Tôi cố viết nắn nót cho dễ đọc.

Trong khi tôi ngồi ghế chép thì Tào Mạt ngồi chênh chênh góc bàn theo dõi từng chữ. Khi tôi chép xong bài thơ dài 24 câu và dò lại một lần xem có sai sót gì không để trao cho ông thì nghe ông thốt lên “Xong”!

Tôi tưởng ông hùa việc tôi chép, nhưng ông bảo: “Mình đã dịch xong bài thơ của ông ra tiếng Hán”

Tôi trố mắt “Anh dịch?”.

“Thì vừa xem ông chép, vừa dịch”.

Tôi đã sao lại phần bản dịch chữ Hán. Khi đưa cho một số người giỏi Hán ngữ xem thì ai cũng khen, thậm chí bảo rằng có những khổ hay hơn nguyên tác.

Nguyễn Du phần biên

Lân Đạm Tiên bạc mệnh

Hà tưởng Nguyễn Du phần

Vọng thiên cao địa hậu

Phủ trưởng giảo ngô thần

Thiên chủng liên thiên bích

Dữ chúng sinh đồng quần.

Cực mục vô lê hoa

Bạch đàn vi phong ca

Thảm thê hoa thảo lạc

Ô nê tiểu kính tà

Tịnh khán vô mao thổ

Do nghi thùy đáo gia?

Vô diệp điểu thanh hoang

Vô hoa diệp thiểu quang

Vô thảo hi noãn khí

Hương yên thụ diệc hoàng

Thanh minh đoạn trường cú

Nghi Xuân nhật mộ tàng.

Thủ phủ tưởng vĩ nhân

Thùy thương độc phong trần

Kỷ hồi hạ sang thủ

Thạch tượng lưu thi thần:

Thiên địa nhất tâm đại

Tiếp tích quán thiên xuân.

TÀO MẠT (dịch).

Tào Mạt, tên vị tướng nước Lỗ thời Đông Chu liệt quốc nổi tiếng tiết tháo cương trực đã được NSND, đại tá Nguyễn Đăng Thục lấy làm bút danh cho đời mình.

Nhà văn Chu Văn từng ấn tượng về người con rể đất Thành Nam trong một hồi ức như này:“Thoạt nhìn, Tào Mạt cao, gầy, to xương, chân tay thô cứng. Bộ tóc rễ tre rất dày, rất xanh, húi ngắn, lấn xuống vùng trán thấp. Mặt mũi xương xẩu, hốc hác. Được cái đôi mắt sâu, nhìn rất thẳng, toát lên vẻ trung hậu, cả tin. Cặp môi rộng, nụ cười thật thà, cởi mở”.

Chữ của Tào Mạt nổi danh đẹp và phóng túng. Có người bảo chữ ông khó đọc nhưng nét bút tài hoa. Dễ trên trăm người được ông “cho chữ” treo ở những nơi trang trọng. Ông làm hàng trăm bài thơ phóng tác để tặng các vị tướng, giáo sư, những người ông kính trọng và bạn bè. Thơ nghiêm túc cũng nhiều mà thơ trêu đùa cũng lắm, hầu hết là viết ngay tại chỗ.

Người viết bài này, lần đó cùng nhà văn Phạm Hoa vào thăm ông nằm điều trị ung thư ở bệnh viện 108. Đương chuyện, ông rút ra một tờ A4 có in tấm hình Tào Mạt ngó rất phong độ theo kiểu đồ họa. Chỉ một loáng, ông vẫy tôi lại, cắt nghĩa mấy chữ ông vừa thảo nhanh trên tờ A4.

Rồi ông nhẹ nhàng áp triện. Lại cẩn thận biên thêm dòng lạc khoản.

Loáng thoáng nghe, ngữ nghĩa mấy chữ ông vừa cho, vẻ rất được. Định biên lại thì lúc ấy một tốp khách thăm khác mới vào phòng, chúng tôi đành tạm biệt.

Không ngờ đó là lần cuối. Đầu năm sau ông mất.

Lại nói cái tờ A4 Tào Mạt tặng chữ, do không có kinh nghiệm, tính lại ẩu, tôi đã dùng cơm nguội dán lên khoảng tường chỗ bàn làm việc trong cái khu tập thể xập xệ chỉ mấy mét vuông. Năm sau, năm sau, nữa, tôi giật thột vì cái giống gián đã âm thầm dũi vào khoảng giấy dán bức thư pháp.

Tôi vội bóc ra lại thêm một tệ hại. Khuyết đứt đi hai chữ. Bi đát nữa là sau khi thần người ra, tôi tự dưng tịt ngóm, quên bẵng hẳn ngữ nghĩa của bức thư pháp!

Không biết thì hỏi, tự ti làm gì! Nhưng đã bao lần, khi hăm hở, lúc thất thểu, tôi thủ bức thư pháp bị bong tróc hai chữ ấy, đi nhờ cậy các cửa.

Ông bạn, GS.TS Nguyễn Công Việt, từng là Viện trưởng Viện Hán Nôm, lần ấy, đã bàn về chữ Tào Mạt thế này:

“…Thứ chữ Tào Mạt thuộc dạng cuồng thảo, chả theo một thứ trật tự, khuôn mẫu nào cả. Thêm nữa, kết cấu từ ngữ cùng mạch thơ mà Tào Mạt dùng, không hề na ná cái ngữ nghĩa của bất kỳ cổ thi hay tác giả nào. May mắn người rành thạo, tàm tạm chữ Hán, có thể theo cái ý mà đoán, mà suy do biết được nội dung bài thơ hoặc tác giả nào đó! Nhưng trước những con chữ bất ngờ của Tào Mạt, đa phần đành bó tay chấm com! Bởi vì từ ngữ ông dùng, cũ đấy, mà mới đấy. Và tất tật đều tùy hứng chứ không nệ. Cũng chẳng theo một cái mạch hay kết cấu của tác giả nào khác dẫu đó là thần thi lẫn Thánh thi!”

(Nhớ thêm lời bộc bạch của Vương Trọng “Bản dịch này khi tôi đưa cho một số người giỏi Hán ngữ xem thì ai cũng khen, thậm chí bảo rằng có những khổ, những từ hay hơn nguyên tác.” Phạm vi bài viết này có hạn. Có lẽ một dịp thích hợp sẽ hầu bạn đọc cái tài, khéo của NSND Tào Mạt khi dịch thơ Vương Trọng).

Năng lực tự học mà thâm hậu như Tào Mạt quả là đáng nể thay.

Vậy nên hàng bao năm nay hết những nhờ cậy, nhưng hai chữ bị khuyết trong bảy chữ Tào Mạt cho, đành để trống đến tận giờ!

Lại vẫn chuyện nhà thơ Vương Trọng

Vài năm cuối đời, tuy vướng bệnh hiểm nghèo, Tào Mạt vẫn trốn viện, ngao du, cho chữ bạn thân. Nhớ ra giêng năm 1992, Tào Mạt cọc cạch xe đạp, tòn ten cái túi khâu bằng vải tiết kiệm, đựng bút tàu và mực nho, ông xuống “cho chữ” khu tập thể Vân Hồ.

Sau khi ở nhà Phạm Hoa ra, ông ghé vào nhà tôi, thấy trên tường nhà tôi đang treo bài thơ Nguyễn Du phần biên mà ông dịch gần mười năm về trước. Không cần nói một lời, ông lấy bút mực ra, đồng thời lật trái tờ lịch 1991 tôi đang treo trên tường, viết như múa đầy một tờ chữ Hán.

Chữ rằng:

(Năm mới tặng nhà thơ Vương Trọng. Thời kháng Mỹ, qua mộ Nguyễn Du, nhà thơ Vương Trọng có một nguyện vọng: Kháng Mỹ thắng lợi, hạ tay súng tạc tượng đá để lưu thần thơ. Năm nay có thể thấy, nhân dân Nghệ Tĩnh đã xây mộ bằng đá hoa cương. Chính quyền địa phương chuyển bất đồng ý kiến sang thái độ biết ơn. Sao mà không vui được? Xuân 1992, Tào Mạt ghé nhà Vương Trọng và đề thơ).

Tôi nhớ lần gặp ấy đã hấp tấp lẫn hồi hộp hỏi nhà thơ Vương Trọng về cái tờ A4 mà cụ Tào Mạt lưu lại bút tích chữ Hán bài Nguyễn Du phần biên.

Thì hỡi ôi, Vương thi sĩ thở dài buồn bã, qua mấy lần sửa nhà, chuyển nhà, tờ A4 đã thất lạc đâu mất!

Thời ấy không ai (kể cả chủ nhân) nghĩ đến đoạn sao chụp cái tờ mà mai này sẽ trở thành độc bản ấy!

Đã qua đi nhiều cái tết. Những lần gặp hiếm hoi và cả điện thoại nữa, tôi cố nèo nhà thơ Vương Trọng tung tích cái tờ A4 bút tích của NSND Tào Mạt. Nhưng lần nào Vương Trọng cũng lắc đầu!

Nhớ đến Tào Mạt, lại tiếc nhớ thêm một độc bản độc đáo đã thất lạc.

Sắp Tết Tỵ này, nhớ chuyện cũ, trong tâm trạng bâng khuâng luyến nhớ cái thời khắc gặp gỡ giữa thi sĩ Vương Trọng với nghệ sĩ Tào Mạt, tôi lọ mọ chép lại phần chữ Hán trên cơ sở phiên âm bản dịch Nguyễn Du phần biên mà nhà thơ Vương Trọng may mắn còn lưu giữ.

Bản chữ Hán, may được nhà Hán Nôm học Nguyễn Văn Thanh ở Viện Hán Nôm coi xét, hiệu đính!

Mong các bậc cao minh chỉ giáo để bản Nguyễn Du phần biên thêm phần chuẩn chỉnh!

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.
Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Baovannghe.vn- Mẹ nghén thai con/ Câu ví ru từ trong trứng nước
Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Baovannghe.vn - Với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 sẽ được diễn ra từ ngày 11 - 13/4.
Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Baovannghe.vn - Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật CAND trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước”.
Thủ tướng Chính phủ: Cần 6 rõ trong bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật

Thủ tướng Chính phủ: Cần 6 rõ trong bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật phải đảm bảo 6 rõ: những nội dung lược bỏ; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm...