Sự kiện & Bình luận

Đối thoại: Nhà văn Bình Ca - Sống và viết

Thanh Tâm (thực hiện)
Tiếng nói nhà văn
13:27 | 11/07/2024
Những tác phẩm của nhà văn Bình Ca tái hiện một cách sinh động kí ức thời chiến, gắn bó sâu sắc với đời sống gia binh...
aa

Nhà văn Bình Ca (tên thật là Trần Hữu Bình) sinh trong một gia đình có truyền thống văn chương (cha là nhà văn Hữu Mai, em trai là nhà thơ Hữu Việt...). Nhắc đến Bình Ca, với tư cách nhà văn, ông đã gây nên cơn sốt trên văn đàn Việt Nam với các tiểu thuyết: Quân khu Nam Đồng (2015, đến 2023 tái bản trên 20 lần), Đi trốn (2020, Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn). Những tác phẩm của ông tái hiện một cách sinh động kí ức thời chiến, gắn bó sâu sắc với đời sống gia binh...

Viết & Đọc đã có cuộc trò chuyện với tác giả Bình Ca xoay quanh những tác phẩm của ông và công việc sáng tạo của nhà văn…

Đối thoại: Nhà văn Bình Ca - Sống và viết
Nhà văn Bình Ca - Ảnh: Hội Nhà văn

Tôi viết bởi sự thôi thúc tự thân và viết về những điều tôi tin là đúng

- Xin chào nhà văn Bình Ca! Đến nay ông đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học là Quân khu Nam Đồng Đi trốn; cơ duyên nào đã đưa ông đến với văn chương?

Nhà văn Bình Ca: Văn chương đòi hỏi kĩ năng và sự trải nghiệm. Để theo đuổi nó, người ta cần bắt đầu sớm. Dù cha tôi là một nhà văn có tên tuổi, nhưng từ nhỏ tôi đã xác định sẽ không theo nghiệp cha. Theo những gì tôi quan sát được từ ông và bạn bè của ông, viết văn không chỉ nghèo mà còn nguy hiểm nữa. Vì vậy, việc tôi tình cờ lạc vào lãnh địa văn chương chỉ có thể giải thích bằng yếu tố... tâm linh.

Năm 2014, khi đưa hài cốt cha tôi lên Lạc Hồng Viên, gia đình mời cụ lương y Thiên Tích xem phong thủy giúp. Cụ nói có hai hướng mộ để lựa chọn, một hướng phát về quan lộc, một hướng phát về văn chương. Trong các anh chị em trong nhà, chỉ có một người theo nghề văn là nhà thơ Hữu Việt. Chúng tôi bàn bạc và thống nhất chọn hướng "phát về văn chương" và xin cha phù hộ cho Hữu Việt.

Nói thì bảo duy tâm, nhưng hình như điều đó linh nghiệm thật. Từ đó, công việc của Hữu Việt rất thuận lợi. Viết báo thì được giải thưởng. Thơ in ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có những bài được giới trẻ thuộc lòng như bài Gọi. Rồi được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam... Tất cả đều dính tới văn chương. Còn tôi, như có ai xui khiến, bỗng dưng ngồi viết liền một hơi quyển Quân khu Nam Đồng. Sách in ra được tái bản liên tục, được nhiều người đặt vấn đề xin chuyển thể thành phim.

​Nghĩ lại cũng thấy may. Cả đời cha tôi biết có mỗi việc viết văn. Nếu ngày đó anh em chúng tôi xin ông phù hộ cho phát về "quan lộc", ai mà biết sẽ xảy ra chuyện gì?

​Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Có lẽ ở đâu đó trong sâu thẳm, tôi có một chút gen của cha nên mới may mắn như vậy.

- Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông có nói với ông, văn chương là một cuộc chơi. Ông nghĩ như thế nào khi dấn thân vào cuộc chơi ấy?

Nhà văn Bình Ca: Khi viết cuốn sách đầu tay, tôi chỉ xác định viết cho vui và sẽ cắt nhỏ ra đăng Facebook dần. Nhà văn Bảo Ninh đã nhận xét: "Có thể thấy ngay rằng tác giả của Quân khu Nam Đồng không phải một nhà văn, hoặc chí ít không phải là nhà văn chuyên nghiệp, bởi chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy..." Chính tôi cũng ngạc nhiên khi thấy cuốn sách mình viết ra được nhiều bạn đọc quan tâm. Cuộc đời đôi khi là vậy, "cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu xanh um".

​Tôi nói "văn chương là một cuộc chơi" hàm nghĩa tôi không gắn việc viết văn với chuyện cơm áo gạo tiền hay một nhiệm vụ nào cả. Những nhà văn chuyên nghiệp, ngoài việc coi văn chương là thánh đường và sứ mệnh, họ còn là người viết để mưu sinh. Khi đã là nghề nghiệp thì dù có cảm hứng hay không, họ vẫn phải ngồi vào bàn viết. Họ bị giới hạn thời gian hoàn thành tác phẩm. Đôi khi, họ phải chấp nhận cắt bỏ những dòng tâm huyết để tác phẩm được in... Còn tôi, tôi viết bởi sự thôi thúc tự thân và viết về những điều tôi tin là đúng. Tôi sẽ dừng lại khi không còn cảm thấy niềm vui khi viết, hoặc nhận ra giới hạn của mình. Biết dừng lại đúng lúc cũng là một cách chơi đẹp.

- Một câu hỏi có lẽ sẽ đụng chạm đến nhiều tâm tư riêng - chung của người cầm bút, ông thấy mình được gì và mất gì khi bước chân vào văn chương?

Nhà văn Bình Ca: Thành thật mà nói tôi không thấy mất gì cả, còn được thì nhiều. Được độc giả, được bạn bè và được làm việc... Trong cuộc sống, người may mắn là người được làm những việc mà mình yêu thích. Hóa ra với tôi, viết cũng là một công việc thú vị.

- Từ góc độ một nhà văn, chắc hẳn ông cũng có những quan sát riêng, cảm nhận riêng về đời sống văn học Việt Nam hiện nay. Ông thấy văn học Việt Nam đương đại đang như thế nào? Những hay - dở, được - chưa được hoặc cần thiết có những chuyển động mới của văn học hiện nay là gì?

Nhà văn Bình Ca: Tôi không nghĩ mình ở một vị trí thích hợp để đánh giá về những điều hay - dở, được - chưa được, hoặc "sự cần thiết có những chuyển động mới" của văn học Việt Nam. Vì vậy, tôi xin phép chỉ nói đôi lời về vấn đề này dưới góc nhìn của một độc giả.

​Do vị trí địa chính trị, Việt Nam thường xuyên phải đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược. Trong thế kỉ XX, chúng ta đã trải qua các cuộc chiến tranh để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, gìn giữ biên giới, biển đảo. Chiến tranh là nguồn đề tài vô tận, đầy cảm xúc và lôi cuốn của văn học nghệ thuật, là môi trường xã hội cho một thế hệ người viết xuất hiện và trưởng thành. Thế nhưng tới nay, văn đàn vẫn rất ít tác phẩm tương xứng với tầm vóc của cuộc chiến.

Tôi nghĩ lỗi không hoàn toàn thuộc về các nhà văn.

Cha tôi, nhà văn Hữu Mai, đã từng tâm sự: Cách mạng và cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước đã đưa ông đến với văn chương, thôi thúc ông viết, như một nhân chứng của thời đại mình. Ông khiêm tốn nói rằng mình chỉ cố gắng ghi lại càng nhiều càng tốt những điều mình được chứng kiến hoặc tham gia chứ không có đủ thời gian để làm chuyện văn chương. Ông là một nhà văn - chiến sĩ.

Đọc những bản thảo dang dở cha để lại, tôi hiểu thêm trăn trở của ông về trách nhiệm của người cầm bút: "Không phải tất cả những điều mình tâm huyết đều có thể viết ra. Có những vấn đề cần độ trễ của thời gian"; "Nếu viết về lịch sử mà không đúng như nó đã xảy ra thì đừng viết còn hơn". Ông thừa nhận mình đã may mắn khi không ít lần gặp những rắc rối bởi văn chương nhưng đều thoát nạn, không như một số bạn văn cùng thế hệ mình. Thời chiến, mọi quy định đều chặt chẽ hơn thời bình.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, dù đất nước thống nhất và nền văn học nghệ thuật nước nhà bắt đầu hòa chung dòng chảy, nhưng quan điểm địch - ta vẫn rất rõ ràng. Có thể nêu một ví dụ: trong lần đầu xuất bản, để được cấp giấy “khai sinh”, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã phải đổi tên thành Thân phận của tình yêu bởi một câu hỏi: "Chiến tranh cách mạng sao lại là nỗi buồn?". Ngay cả khi đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn, nó vẫn tiếp tục hứng chịu "búa rìu" xuất phát từ những quan điểm có phần cứng nhắc như: chỉ khai thác mặt tối của người lính trong chiến tranh, mặt tiêu cực thời hậu chiến...

Trong thời kỳ Đổi mới, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng bắt đầu có sự điều chỉnh. Người cầm bút được khuyến khích tự do sáng tác. Nhưng trong cuộc sống, đôi khi ranh giới giữa đúng và sai khá mong manh. Vì vậy, không ít người viết vẫn chọn cho mình một đường biên an toàn, không muốn, hoặc không dám cháy hết mình vì nghệ thuật. Khi đọc bản thảo Đi trốn của tôi, nhà văn Bảo Ninh còn dặn: "Nếu biên tập muốn cắt một vài đoạn thì anh cũng nên chấp nhận, để cho tác phẩm được ra đời". Có lẽ ông vẫn bị ám ảnh bởi số phận của Nỗi buồn chiến tranh.

​Bước vào thời kì hội nhập, văn học nghệ thuật được coi là bước sang một giai đoạn mới. Tuy thế nào là tự do sáng tác vẫn còn những vấn đề phải bàn, nhưng người viết đã không còn bị giới hạn về đề tài, chủ đề, phương thức thể hiện, văn bản ngôn từ, cách nhìn nhận và đánh giá lịch sử như trước đây... Hy vọng trong một tương lai không xa, các nhà văn Việt Nam sẽ tạo nên những vụ mùa bội thu trên cánh đồng chữ nghĩa.

Khó nhất khi viết về chiến tranh là làm tư liệu

- Ông là người có nhiều kí ức về thời chiến, chắc ông cũng đã quan sát được ít nhiều mảng văn học viết về đề tài này. Những tác phẩm viết về chiến tranh, ông đánh giá ra sao? Từ góc độ cá nhân, có điều gì từ những tác phẩm ấy khiến ông hài lòng hoặc chưa?

Nhà văn Bình Ca: Chiến tranh luôn là một đề tài rất khó. Tôi đã không dưới một lần được nghe nhận xét của các cựu chiến binh sau khi đọc những tác phẩm mà họ là người trong cuộc: "Người ta viết chuyện ở đâu ấy, không phải chuyện của chúng tôi!"

Một nhà văn nếu đã trải qua quân ngũ, viết về chiến tranh sẽ thuận lợi hơn nhiều so với những người chưa một lần ra chiến trường. Nhưng không phải nhà văn nào cũng có thể viết về chiến tranh. Đó là một chủ đề rất khó. Theo tôi, khó nhất khi viết một tác phẩm về chiến tranh là làm tư liệu. Dù có tài năng đến đâu, để tạo ra một tác phẩm lớn, người viết vẫn phải làm tư liệu thật kỹ. Anh ta cần đứng trên các bình diện khác nhau của cuộc chiến để tìm hiểu, đánh giá về các sự kiện, các chi tiết, để có góc nhìn khách quan và sòng phẳng. Việc không khai thác kịp thời các nhân chứng lịch sử khi họ còn sống, còn minh mẫn cũng khiến cho lịch sử có những điểm mờ, sau này phải mất rất nhiều công sức mới có thể làm sáng tỏ, hoặc không bao giờ sáng tỏ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến huyền sử luôn đi cùng chính sử.

​Tôi được biết sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các hãng thông tấn, các đoàn làm phim, các nhà văn nước ngoài, các cựu chiến binh Mỹ đã vào Việt Nam tìm gặp các nhân chứng từ khá sớm để tìm hiểu và thu thập tư liệu. Đối với việc làm tư liệu, những người nước ngoài có ý thức và kinh nghiệm hơn chúng ta rất nhiều. Thành thử, khá nhiều chuyện về cuộc chiến này, người nước ngoài lại biết rõ hơn chúng ta.

Cô Đỗ Thị Ngọc Hòa, giáo viên chủ nhiệm hồi cấp II của tôi kể: Cuối tháng Tư năm 2007, hai nhà báo người Anh đến nhà phỏng vấn chồng cô, Thiếu tướng Hồ Đệ, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 10. Họ hỏi rất chi tiết và tranh luận quyết liệt về những vấn đề mà họ thấy ông trình bày chưa thuyết phục. Trước mỗi lần gặp họ, chồng cô phải chuẩn bị tư liệu rất vất vả. Do sức khỏe không tốt, lại làm việc với cường độ cao, Thiếu tướng Hồ Đệ đã mất khi cuộc phỏng vấn đang diễn ra.

​Một khó khăn nữa đối với những nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam liên quan đến công tác tổng kết. Cho dù cuộc chiến đã kết thúc cách đây nửa thế kỉ nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều trang tư liệu chưa được giải mật. Những vấn đề lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, như Nghị quyết 15 về đường lối Cách mạng miền Nam, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tấn công năm 1972, cuộc Tổng tấn công năm 1975... vẫn chưa được tổng kết.

Người ta nói phải nhiều năm qua đi, những tác phẩm hay về một cuộc chiến tranh mới xuất hiện. Đó là lúc những người trong cuộc có thể điềm tĩnh nhìn lại những sự kiện đã diễn ra một cách khách quan và chính xác, để rút ra những bài học lịch sử cho thế hệ sau. Thế nhưng 50 năm đã trôi qua, những tác phẩm hay về chiến tranh của chúng ta vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rất ít tác phẩm viết về đề tài chiến tranh Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể nói, các nhà văn Việt Nam, và cả những cơ quan gánh trọng trách về phát triển văn học nghệ thuật đang nợ đất nước điều này.

Thế hệ chúng tôi may mắn hơn thế hệ hôm nay

- Vâng! Lịch sử luôn có những điểm mờ do điều kiện khách quan, chủ quan mang lại. Nhưng đó cũng là nơi nhà văn có thể khai thác, bổ sung hoặc đề xuất trong tác phẩm của mình dưới các hình thức nghệ thuật. Trở lại với câu chuyện văn học, khi đọc, thưởng thức văn chương rồi bắt đầu viết văn, ông ấn tượng với nhà văn nào? Ông có ảnh hưởng từ một tên tuổi nào của văn chương Việt Nam hoặc thế giới không?

Nhà văn Bình Ca: Tôi không nghĩ mình chịu ảnh hưởng bởi một tên tuổi lớn nào. Từ nhỏ, tôi đã xác định mình không theo nghiệp văn chương nên khi đọc sách tôi chỉ quan tâm đến nội dung, không quan tâm đến việc tác giả đã làm thế nào để viết ra những tác phẩm tuyệt hay đó. Tôi thích Chí Phèo của Nam Cao, thích “Bố già” của Mario Puzo, thích đọc các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung và thích “Tam quốc diễn nghĩa” nữa...

- Trong những tác phẩm ông đã viết, có thể thấy nhân vật trung tâm là trẻ em thời chiến. Câu chuyện của thế giới nhân vật ấy đã thử thách ông như thế nào?

Nhà văn Bình Ca: Tôi không thấy mình gặp khó khăn gì khi viết tác phẩm đầu tay, Quân khu Nam Đồng, vì tôi viết thời của mình, viết về những người bạn, những câu chuyện mình đã trải qua. Nhưng đến Đi trốn thì khác, đó không phải là câu chuyện của tôi, và các nhân vật trong đó lại nhỏ tuổi. Viết về trẻ em càng bé càng khó. Nếu cuốn thứ nhất tôi viết theo lối kể chuyện thì cuốn thứ hai tôi phải dựng chuyện.

- Ồ! Một cách hình dung rất thú vị: kể chuyện và dựng chuyện. Nhưng, dù kể hay dựng, nhân vật của ông dường như mang nhiều dấu vết từ nguyên mẫu. Từ những nguyên mẫu này, ông có đúc kết gì về đặc điểm của thế hệ trẻ thời chiến?

Nhà văn Bình Ca: Đi trốn là một giấc mơ tuổi thơ, một cuốn tiểu thuyết hư cấu dựa trên những sự kiện có thật, nhưng nhân vật không được xây dựng từ một nguyên mẫu cụ thể nào. Còn Quân khu Nam Đồng, tuy mang rất nhiều dấu ấn của nguyên mẫu, nhưng các nhân vật cũng không hoàn toàn là một ai đó ngoài đời. Nếu cuộc đời thế nào bê nguyên vào sách như thế thì đó là nhật kí chứ đâu phải là văn chương.

Trong những tác phẩm của tôi, nhân vật là những đứa trẻ thành phố, lớn lên trong chiến tranh, phải rời bố mẹ đi sơ tán từ nhỏ nên tự lập và biết quan tâm đến người khác. Tuy khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, nhưng chúng đoàn kết và đùm bọc nhau, tình bạn của chúng cao thượng và nghĩa hiệp. Do non nớt, không được chỉ dẫn kịp thời, nên có những lúc để bảo vệ nhau chúng đã hành động theo bản năng và phạm phải những sai lầm đáng tiếc.

Khi viết Quân khu Nam Đồng, tôi hoàn toàn không nghĩ đến những đặc điểm của thế hệ của mình, để từ đó xây dựng nên những nhân vật điển hình. Tôi viết một mạch từ đầu tới cuối, không có dàn ý, không bố cục. Các trang viết cứ tự động nối đuôi nhau xuất hiện. Chỉ đến khi quyển sách ra đời, qua nhận xét của độc giả, tôi mới ngồi ngẫm lại xem thế hệ của mình có đặc điểm gì. Những người viết amateur, không được đào tạo bài bản nó như vậy.

- Đọc tiểu thuyết của ông, tôi nhận ra những câu chuyện hấp dẫn, những nhân vật đáng yêu, tinh nghịch, sinh ra trong thời chiến nên dĩ nhiên cũng hằn lên những nét cá tính sắc mạnh. Ông có thể chia sẻ thêm những câu chuyện hồi ức của mình và thế hệ mình?

Nhà văn Bình Ca: Chúng tôi có may mắn vì đã được đi qua một thế giới tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ, được sống trong một giai đoạn lịch sử nhiều hào hùng và nhiều biến động. Trong chiến tranh, phần lớn các ông bố ở chiến trường, còn mẹ suốt ngày bận rộn, từ việc cơ quan đến việc nhà, chăm sóc gia đình hai bên nội ngoại, lại còn phải trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để phụ thêm vào đồng lương ít ỏi, nên chúng tôi có lười học, trốn học phụ huynh cũng không dễ gì biết được. Chúng tôi cùng nhau tham gia vào những cuộc phiêu lưu, cùng nhau khám phá cuộc sống đầy những điều bí ẩn và nghĩ ra rất nhiều trò nghịch ngợm tinh quái... Đúng là có rất nhiều chuyện để kể. Khi viết Quân khu Nam Đồng, tôi nhận thấy có viết thêm hai, ba tập nữa cũng chưa hết chuyện. Nhưng tôi quyết định dừng lại. Người ta vẫn nói "rượu nhạt uống lắm cũng say".

- Nếu phải đặt một góc nhìn so sánh, giữa những đứa trẻ thời chiến và những đứa trẻ thời bình (hôm nay), ông hình dung những tương đồng và khác biệt như thế nào?

Nhà văn Bình Ca: Ngày trước, bọn trẻ con được tự do, thoải mái và ít áp lực học hành như bây giờ. Cuộc sống tập thể, xa nhà, thiếu thốn và gian khó cũng khiến những đứa trẻ trưởng thành sớm hơn. Tôi không nghĩ thế hệ ngày nay có nhiều niềm vui và những trải nghiệm thú vị hơn chúng tôi, nhưng chắc chắn cuộc sống của các bạn ấy thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là một thế hệ mới, được đào tạo tốt, hiểu biết về thế giới nhiều hơn. Chắc chắn họ sẽ rút ra được các bài học lịch sử từ cha anh mình, về bảo vệ và xây dựng đất nước, về hội nhập và phát triển... Tương lai của đất nước đặt trên vai họ. Tôi tin tưởng họ sẽ làm tốt hơn thế hệ chúng tôi.

Tôi như con chim, trời cho giọng nào thì tôi hót giọng đấy

- Có điều gì ông thấy mình đã làm được, và còn chưa làm được, chưa thỏa lòng trong hai cuốn sách đã xuất bản (trên cả phương diện nội dung và cách viết)?

Nhà văn Bình Ca: Tôi làm bản thảo rất kĩ trước khi đưa nhà xuất bản, nhưng hầu như không đọc lại sau khi sách được in ra. Tôi không bao giờ nghĩ nếu như được viết lại mình sẽ viết khác đi. Tác phẩm ra đời giống như đứa con sinh ra, nó có số phận của mình, hãy để bạn đọc đánh giá nó.

- Tiểu thuyết của ông có lối kể tự nhiên, lối viết giản dị, giọng văn thân mật và dí dỏm. Tôi nghĩ rằng, lựa chọn lối viết, văn phong, giọng kể là thao tác nằm trong công việc bếp núc phức tạp lao khổ của nhà văn. Ông đã cân nhắc những lựa chọn ấy như thế nào để mang đến cho độc giả những kết quả như hiện tại?

Nhà văn Bình Ca: Như đã nói, tôi đến với văn chương hoàn toàn tình cờ. Tôi viết ra tất cả những gì chợt đến trong đầu. Thậm chí thời gian đầu tôi còn không biết viết hoa thế nào cho đúng, nên vừa viết vừa phải tra trên Google và đối chiếu với các bộ quy tắc chính tả mà tôi kiếm được.

​Tất nhiên, khi viết tới quyển thứ hai thì tôi cũng đã có chút hiểu biết về những công việc bếp núc của người cầm bút, nhưng cũng chỉ đủ để cho cơm đỡ sống, đỡ khê thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ chọn lối viết, văn phong, giọng kể nào khi bắt đầu một trang viết. Tôi giống như con chim, trời cho giọng nào thì tôi hót giọng đấy.

- Thú thực, tôi vẫn nghĩ rằng, nghiệp văn rồi sẽ đeo đẳng ông những năm tháng sau này. Văn chương cũng làm nên danh phận của ông giữa cuộc đời (hơn là chức phận nhà nước mà ông từng đảm trách). Vậy, trong suy nghĩ của ông, nhà văn - nghệ sĩ - trí thức phải như thế nào?

Nhà văn Bình Ca: Tôi đã ở độ tuổi mà cái gọi là sự nghiệp, danh phận lùi về phía sau rồi, nên cũng không nghĩ nhiều về việc một nhà văn - nghệ sĩ - trí thức phải như thế nào. Với tôi thì muôn sự tùy duyên. Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" (1). Tôi viết chỉ bởi niềm vui được cầm bút, vì muốn chia sẻ những điều tôi đã trải qua hoặc chứng kiến. Và may mắn là tôi tìm thấy niềm vui trong loại hình lao động vất vả này.

- Xin cảm ơn Nhà văn Bình Ca đã tham gia cuộc trò chuyện này.


1. Tạm dịch: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải) Sáng tạo - Những bước chân của sự can đảm Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Một mình em, một mình sen Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp thì vĩnh viễn
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.