Sáng tác

Hoa sung đỏ. Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Luân

Nguyễn Khắc Luân
Truyện 15:00 | 19/04/2025
Baovannghe.vn - Chẳng biết tự khi nào, bên cạnh cổng làng tôi đã có một cây sung cổ thụ. Gốc sung xù xì, u nần chẳng khác nào vách núi đá lởm chởm.
aa

Thân cây cao vời vợi, cành nhánh xòe tán xum xuê. Trưa hè oi bức đến ngồi dưới gốc cây sung gió thổi hiu hiu, rười rượi. Mẹ bảo sung ra hoa rồi kết trái thường không mấy người biết. Phải là người ăn chay niệm Phật, tu tâm dưỡng tính cả đời mới thấy hoa sung nở, mới nghe được mùi hoa sung chín. Tôi cãi mẹ. Mùi làm sao mà nghe được? Mẹ cười hiền, bà nói cho tôi nghe rõ từng chữ: “Con còn nhỏ, lỗ tai bé tẹo lại nông choèn, cần phải học hành nhiều nhiều mới nên người, cả đời mẹ chỉ nghe nói chưa thấy bao giờ”.

Mẹ thường kể chuyện của cô Tâm, chú Hán cho anh em tôi nghe, kết thúc câu chuyện mẹ nhắc anh em tôi “các con nhớ nhé, cô Tâm được Trời, Phật phù trợ vì cô có tấm lòng của Phật”. Tôi muốn hỏi mẹ Phật là ai mà tốt bụng thế, nhưng giấc ngủ làm tôi quên béng, trong giấc mơ tôi thấy Phật cao to như người khổng lồ, miệng luôn tươi cười hiền hậu. Có lần tôi mơ thấy Phật vẫy tay như muốn gọi tôi lại gần, nhưng Phật to cao quá làm tôi ngại không dám đến gần.

Mỗi buổi tan lớp về tới cổng làng, tôi luôn là đứa chạy lên trước, lựa thế nhảy tót lên bám vào những cục xù xì, đu mình ngồi vắt vẻo trên những nhánh sung la đà. Mũi hít hít, tay sờ tìm những bông hoa sung chín mũm, màu đỏ ửng, mùi hoa chín sực vào mũi vào miệng, trôi tuột qua yết hầu. Em đứng dưới gốc, ngửa cổ lên nhìn tôi phụng phịu. Tôi thả từng trái sung chín mũm vào chiếc nón lá hai tay em giơ lên quá đầu chờ đợi. Chờ lâu không thấy tôi thả trái nào vào nón, em hỏi sao lâu thế? Tôi bảo, em phải nằm xuống há miệng ra tôi mới rung cây cho trái sung rụng vào. Em giận, vùng vằng bỏ đi. Tôi vội tuột xuống chạy theo nài nỉ. Này em! Em không nhớ câu người ta nói “há miệng chờ sung” à. Em đấm bình bịch vào lưng vào ngực tôi.

Gốc cây sung là nơi hò hẹn của bao cặp trai, gái làng. Ngày tôi lên đường làm nghĩa vụ quân sự em cũng chờ tôi dưới gốc sung.

Những năm tháng dài dằng dặc trong chiến trường miền Đông, cứ mỗi lần thấy bóng dáng cây sung, mùi hoa sung chín lòng tôi lại dâng lên nỗi nhớ nhung rạo rực. Đơn vị tôi được bổ sung cho lực lượng vũ trang huyện Tòa Thánh, nơi đóng quân ở những hang đá trên núi Bà Đen, (núi toàn đá không thể đào hầm làm công sự), phải lựa những hang, hốc đá để trú ẩn mỗi khi có địch tấn công bằng phi pháo từ chi khu quân sự hay bằng máy bay đầm già, A37 từ trên không trung. Nhiều bận địch bao vây bằng bộ binh, chúng phối hợp tấn công dữ dội, đơn vị tôi không được tiếp tế lương thực, phải kiếm củ nần, củ chuối ăn tạm. Núi Bà Đen mọc khá nhiều cây sung, trái sung chín, trái sung xanh, đến lá sung cũng là món ăn chống đói của những người lính.

Ăn lá sung, tôi chợt nhớ đến món nem thính rất nổi tiếng của quê tôi, nguyên liệu gồm bì lợn (heo) luộc chín thái mỏng, dài chừng hai đốt ngón tay, thịt thăn lợn bằm nhuyễn để sống, trộn với tỏi và bột gạo rang vàng, thêm một ít gia vị, ăn với lá sung, không có lá sung thì món nem thính kể như không là nem thính nữa. Ngày Tết, dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng phải làm món nem thính ăn với lá sung. Ngày hăm ba tháng Chạp (âm lịch), sau lễ đưa ông Táo về giời, các bà, các chị trong làng đi hái lá sung, tiện thể hái những chùm trái sung về thờ cùng mâm ngũ quả trên bàn thờ. Tôi rất thích ăn những chiếc lá sung nổi những cục u nần màu vàng, ăn ngon, giòn hơn những chiếc lá sung xanh mướt, láng bóng.

Cô Tâm có hai chị em, cha mẹ hai cô chết sớm, hai chị em cô đùm bọc sống với nhau trong căn nhà xiêu vẹo cuối làng. Ngày chú Hán chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu, gia đình đến hỏi cô Hà chị cô Tâm làm vợ chú Hán. Đám cưới được ba ngày thì chú Hán cùng đơn vị lên đường vào mặt trận, hai chị em cô Hà, cô Tâm vẫn ở chung. Chú Hán đi, thời gian đầu còn có thư gửi về, sau thì thưa dần rồi không có thư từ gì nữa. Hơn chín tháng sau ngày cưới, cô Hà hạ sinh thằng cu, tóc nó đen mướt lại xoăn tít rất giống chú Hán. Thằng cu lúc ra đời nặng hơn 3 cân, quá to làm cho cô Hà bị băng huyết, không sao cứu được. Cô Tâm phải thay chị làm mẹ thằng cu. Để luôn tưởng nhớ người chị vắn số, cô Tâm đặt tên thằng cu trùng với tên mẹ nó. Hàng ngày cô Tâm bế cu Hà đi khắp làng “xin” sữa của mấy bà mẹ đang cho con bú, có bữa xin không được sữa, cu Hà khóc ngằn ngặt. Có người bảo cô Tâm, lấy lòng đỏ trứng gà xào với lá sung non mà ăn, rồi cứ cho thằng cu Hà nó bú ti của cô. Chả hiểu món lòng đỏ trứng gà xào với lá sung non có tác dụng hay Trời, Phật thương tình mà cô Tâm tự nhiên hai bầu vú cứ to dần, rồi sữa chảy ra ướt áo, thằng cu Hà nhờ vậy mà hay ăn, chóng lớn, đến lúc ba tuổi nó vẫn vục đầu vào ngực cô Tâm mỗi khi cô đi làm đồng về.

Hoa sung đỏ. Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Luân
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

... Núi Bà Đen có rất nhiều thằn lằn, loài thằn lằn này cũng thật lạ, chúng chỉ ăn trái sung chín mùi. Những lúc không có tiếng súng, tiếng pháo nổ chát chúa, thằn lằn bò ra kiếm ăn bu kín những tảng đá gần nơi có những cây sung. Anh Chín Mé, xã đội trưởng là người địa phương, gia đình anh ở dưới chân núi, anh có cách bắt thằn lằn thật “siêu”, chọn những trái sung chín mùi, dùng tay chà sát những trái sung vào mặt tảng đá, xong việc anh lên tảng đá phía trên ngồi chờ. Bầy thằn lằn ngửi thấy mùi sung chín, chúng “gọi” nhau bò ra lốc ngốc, con nào cũng vục đầu giành ăn những mảnh trái sung dính ở phiến đá, anh Chín Mé dùng dây thòng lọng bằng sợi dây dù cắt ra từ cây đèn dù máy bay Mỹ thả xuống núi, buộc một đầu dây vào đầu cây trúc làm “cần câu”. Anh lựa những con to, chòng thòng lọng vào cổ rồi khẽ giật nhẹ cho sợi dây dù thút nút lại, từ từ nhấc bổng con thằn lăn lên, anh cười bảo “cậu thấy ở đâu có cách câu lạ đời như câu thằn lằn ở Núi Bà quê tớ không?". Khi đã nắm chắc con thằn lằn trong tay, anh săm soi, có con to lắm mà anh cũng thả nó ra không bắt, anh bảo “con ấy to nhưng nó đang có trứng, sắp đến kỳ đẻ, phải thả nó ra, nó đẻ xong rồi bắt cũng không muộn gì”. Câu thằn lằn cũng là một thú vui, giải trí cho tụi lính chúng tôi những khi không có địch mò đến quấy phá. Nhờ thằn lằn núi chúng tôi có thêm nguồn thực phẩm tại chỗ khá dồi dào, chả lo gì bọn giặc bao vây, cấm vận. Món thằn lằn nướng quấn lá sung thật tuyệt vời, mỗi đứa chúng tôi chỉ ăn 2 con là no cả ngày.

Anh Chín Mé là một xã đội trưởng đánh giặc thật mưu trí, gan lì. Nghe tiếng Chín Mé “về làng” là tụi tề ngụy lo sợ như người đi đêm trong rừng một mình lo sợ cọp về. Tên Quận trưởng quận Phú Khương phải ra thông báo treo thưởng cho thuộc cấp “đứa nào lấy được đầu Chín Mé sẽ được thưởng, bắt sống còn được thưởng thêm 10 ngàn đô la đỏ".

Anh Chín Mé có cách đánh giặc cũng lạ đời, anh không thèm khiêu khích mà “mời” giặc vào trận. Anh cho người cầm “thư tay” bí mật gửi tới nhà riêng tên xã trưởng ngụy quyền. Trong thư anh viết “Tau thách mi cùng toàn bộ đám dân vệ lên núi chơi bài cào. Mi thắng thì tau đãi một chầu rượu núi với thằn lằn nướng, thua tau hứa tha bổng, chấp luôn mi rủ tụi biệt kích Mỹ cùng đi cho xôm tụ, nhớ mang nhiều nhiều đạn dược vào nhé, kẻo hết bất tử tau không cho mượn đâu”. Những khi có lệnh của cấp trên cần phân tán lực lượng của địch để chia lửa với đơn vị bạn, hoặc khi cần nghi binh để địch không tập trung đánh vào Căn cứ Dương Minh Châu, anh Chín Mé lại cho người cầm thư “mời” tên Xã trưởng dẫn quân lên núi “chơi bài cào”. Tên Xã trưởng cũng không vừa, hắn leo lên máy bay trực thăng của Mỹ bay vè vè trên đỉnh núi, dùng loa phóng thanh từ trên trời chỗ mõm xuống núi kêu oai oái “Giặc cỏ Chín Mé nghe đây! Nghe đây! Mi có gan dẫn quân xuống núi “chơi cờ tướng”, mi thua tau lấy đầu mi, dâng lên Quận trưởng nhận thưởng "Anh dũng bội tinh".

Cuối năm 1972, sau chiến dịch "mùa hè đỏ lửa” bị thất bại nặng nề, hòng lấy lại thanh thế, địch tăng cường các đợt tấn công, phản kích dữ dội. Từ Đồn 2, chúng ngày đêm pháo kích cấp tập lên lưng chừng Núi Bà, phi cơ bay vè vè rải xuống núi một lớp bột màu vàng, ai hít phải thấy ngộp thở, mắt cay xè. Biết địch chuẩn bị xua quân tiến lên núi, anh Chín Mé bàn với chúng tôi phương án đánh địch khá táo bạo, để địch tiến thật gần, quân ta từ phía trên cao lựa thế núi đá, dùng đá hộc tại chỗ ném (thả) vào đầu từng tên, vừa diệt được giặc vừa giữ được bí mật". Quả là diệu kế. Chúng tôi ở một thế hết sức thuận lợi, một hang đá trên cao, có tảng đá lớn chắn phía trên trước cửa hang rất vững chãi, địch muốn chiếm được vị trí của chúng tôi chỉ có cách bò qua một tảng đá lớn phía dưới, từ trên cao những cục đá được thả xuống, những tên lính bị đá đập vào đầu kêu rống lên như bò bị đập búa tạ. Toán lính địch không tiến lên được, rút lui cũng không xong, chúng đành co cụm lại ở một hang đá phía dưới hang chúng tôi ở, mấy ngày liền. Ở hậu cứ, quan thầy của chúng cho máy bay thả lương thực, vũ khí tiếp viện đều không đến được tay toán lính ngụy. Biết chắc tại lính ngụy ở hang phía dưới đói, khát, anh Chín Mé bảo chúng tôi "vứt" xuống cho chúng mấy chùm trái sung, cả trái chín lẫn trái xanh, một bình tông nước và mấy con thằn lằn nướng. Xế chiều hôm ấy, toán lính Ngụy làm cờ hiệu xin ra hàng. Cả thảy 8 tên, trong tốp lính ra hàng có 2 tên là người cùng làng với anh Chín Mé. Chỉ tịch thu vũ khí và chiếc máy PRC10 của toán lính, anh Chín Mé thả cho chúng xuống núi, cả 8 tên quỳ xuống lạy, xin anh cho đi theo Cách mạng. Anh Chín Mé không đồng ý, anh bảo “tụi bay muốn theo Cách mạng thì phải thể hiện tinh thần ủng hộ Cách mạng từ cơ sở, từ gia đình, nay tụi bay là tù binh tau không thể chấp nhận cho theo được, hãy về nhà lo làm ăn rồi tính sau". Để tụi tề, ngụy không nghi ngờ 8 tên tù bình, anh Chín Mé giao cho chúng tôi dẫn chúng xuống gần chân núi, trói tay cả 8 tên vào cùng một sợi dây dù rồi thả chúng về làng. Anh Chín Mé còn viết mấy chữ vào miếng giấy vỏ bao thuốc lá "Ruby" của một tên lính "Gửi Xã trưởng Cà! Tau thực hiện đúng lời hứa, tha bổng cho lính của mi - 9 Mé".

Sau Hiệp định Pari, quân Mỹ rút hết chỉ để lại một số tên làm cố vấn, được vài tháng im tiếng súng, bọn tề, ngụy lại hung hăng mở các đợt tấn công lên núi. Anh Chín Mé bàn với chúng tôi “chúng cố tình phá hiệp định, anh em mình không thể ngồi yên, tối mai tôi phải về làng “dạy” cho tụi nó một bài học". Nói là làm, anh Chín Mé điều động 4 du kích và 2 người thuộc lực lượng phối thuộc thực hiện kế hoạch “diệt ác". Tối bữa đó, chúng tôi tập kích vào chốt dân vệ, cốt bắt sống hoặc diệt tên Xã trưởng ác ôn. Chốt dân vệ gần Đình làng, súng vừa nổ vài phát, tên Xã trưởng hoảng hồn bỏ mặc tụi lính, hắn chạy sang Đình làng ẩn náu, lợi dụng đêm tối hắn chèo tuốt lên ban điện thờ Thần, ẩn mình sau bức tượng. Trời tối, không sao phát hiện nơi tên Xã trưởng ẩn náu, có ý kiến đề nghị “dùng bộc phá" diệt tên Xã trưởng, anh Chín Mé không cho, anh bảo “Đình làng là nơi thờ Thần, hắn trốn ta không bắt được, là hắn được Thần bao bọc, phá đình diệt hắn là mình có tội, thôi tha cho hắn lần này". Hòa bình. Đất nước thống nhất, tôi trở về làng, cây sung nơi cổng làng đã biến mất, cả cái cổng cũng không còn, nơi ấy nay mọc lên một tòa biệt thự uy nghi. Con đường vào làng được nắn thẳng tắp, láng bê tông phẳng lỳ.

Nghe lời anh Chín Mé, tôi đưa vợ con vào định cư gần Núi Bà quê anh. Những kỷ niệm về núi Bà Đen, về những đồng đội của tôi mãi mãi ở lại với Núi Bà, về anh Chín Mé đã ăn sâu vào tâm khảm tôi, nay lại được anh giúp đỡ có ruộng vườn, có nhà ở, tôi thật mang ơn anh cả đời. Bữa vợ chồng tôi mời anh đến nhà chơi, vợ tôi làm món nem thính đãi anh, anh ăn ngon lành, cũng chọn những chiếc lá sung có những u cục màu vàng quấn nem. Vừa nhậu lai rai, anh Chín Mé vừa kể “trong số anh em quê miền Bắc bổ sung chi viện cho địa phương, tau nhớ nhất tay Hán, hắn trẻ mà mưu trí, dũng cảm, một mình hắn chặn đánh cả trung đội lính ngụy tấn công lên núi, khi hết đạn, hắn ôm đá núi ném vào đầu đối phương, địch đông quá, Hán đã anh dũng hy sinh, không chịu để cho địch bắt sống". Dừng kể, Anh Chín Mé lựa cái lá sung có nhiều u, cục màu vàng, cuốn loa kèn gắp đầy nem, xếp hai đầu lá sung lại, miếng nem như chiếc bánh ú tí hon. Chấm miếng nem vào chén nước mắm, đưa vào miệng nhai ngon lành, uống một hớp rượu, anh Chín Mé kể tiếp “cái cách dùng đá núi đánh địch là tau "học lỏm” được của tay Hán đấy, mà hình như Hán cũng cùng quê Phú Thọ với chú mày thì phải, có lần Hán nói quê ở Đất Tổ, mới cưới vợ, chưa có con, hắn còn khoe có cô em vợ xinh ra phết”. Anh Chín Mé ngồi im lặng một lúc, mắt nhìn xa xăm, rồi đột nhiên anh hỏi tôi “chú mày còn nhớ thằng Cà không, thằng Xã trưởng ngày xưa đó". Tôi hỏi anh, hắn còn sống hay đã... Không chờ tôi hỏi hết câu, anh Chín Mé đã càu nhàu “Mẹ kiếp! Sau học tập cải tạo hắn được tha bổng, mà như vầy có gì làm tau đau, đau là... là... đau...”. “Đau sao anh Chín?” - tôi hỏi chen ngang. “Mẹ kiếp! Trời đày tau hay sao ấy? Tau với hắn sắp “ngồi sui” mới chết chớ, mà sui đầu ông lận, thằng cháu nội đích tôn của tau thương đứa cháu ngoại của hắn". “Thế cũng tốt, có gì đâu mà anh Chín đau” - tôi hỏi. “Chú mày nói sao không đau cho được, tau với hắn đã từng thề không đội trời chung, ai dè cuối đời lại phải đội nhà chung. Thật là, là". Anh Chín Mé bỏ lửng câu nói, tay đưa li rượu lên miệng ngửa cổ làm một hơi cạn li, bỗng ảnh cười Khà. Khà. Khà. Giọng cười mới sảng khoái làm sao.

Từng cơn gió từ hướng núi Bà Đen thổi phất phơ trên cánh đồng mía đang mùa trổ bông. Thi thoảng những lọn gió mang theo mùi hương thơm ngái của trái sung chín trên núi Bà Đen đi khắp mọi ngả.

Văn nghệ, số 16/2014
“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

“Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” những vấn đề đặt ra

Baovannghe.vn - Ngày 7/5, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc

Baovannghe.vn - Ngày 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã long trọng bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025.
Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Nghệ An tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Baovannghe.vn - Triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
"Văn học đổi mới" trong hệ hình phản ánh

"Văn học đổi mới" trong hệ hình phản ánh

Baovannghe.vn- Một trong những điểm sôi động nhất của đời sống văn học đổi mới là các phát ngôn biểu thị quan niệm của người viết: quan niệm về tự do sáng tác, tự do ngôn luận; về quyền được thể hiện nỗi buồn, viết về cái tiêu cực; về cái mới trong văn học; về sự công khai dân chủ, tinh thần tranh luận đối thoại, về quản lý văn nghệ, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị... và quan niệm về cái chân thật, về hiện thực trong văn học nghệ thuật.
Tỉnh Khánh Hòa: Tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển 2025

Tỉnh Khánh Hòa: Tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển 2025

Baovannghe.vn - Theo đó, tối 7/6, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao ở Nha Trang nhân Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển năm 2025.