Sáng tác

Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương

Phát Dương
Truyện
10:28 | 14/12/2024
Baovannghe.vn - Thằng nhỏ dừng ván game, mắt chảy một dòng nước. Mỏi nhừ. Dụi dụi đôi mắt đỏ ké, nó nghe tiếng bụng sôi. Cơm sắp được đưa qua vuông cửa hồi trước để cho mèo ra vô. Con mèo bị ba đá chết từ lâu. Ba mua tặng nó và em, nói rằng đó sẽ là em út của cả hai.
aa

Giờ đang buổi nào? Phải nhìn cơm mới biết.

Nó lội giữa đám sách truyện và đồ chơi, lục tìm một kí ức. Cái đồng hồ nứt mặt đã chết thời gian, đóng đinh ngày ba đánh mẹ bằng cái chảo gang. Thời gian ngưng từ lúc đó. Nó đóng cửa phòng cũng từ lúc đó. Căn phòng vuông vức như cái hồ thủy tinh giam giữ suốt đời con cá kiểng. Cả thế giới của con cá.

Thừ người, nó lẩm nhẩm một bài kinh vụn. Nó chỉ nhớ được mấy câu, mẹ dạy đọc khi thấy bản thân có tội. Tội của nó là còn lưu luyến hình ảnh một người ba, dù biết ông ở nhà ngày nào cơ thể mẹ đầy thêm những vết bầm ngày ấy. Nó cũng chẳng thể hiểu tại sao nó muốn một gia đình đầy đủ. Thà như em nó, thật thà mừng rơn khi ba không về nữa. Không có ba là không bị đòn. Không phải lượm cơm ở dưới đất lên ăn. Không phải nhìn mẹ lén chùi nước mắt trong vòng ôm của những người bạn ba đưa về.

Nó không muốn rời khỏi phòng. Đây là hồ của nó, ý nghĩ rời khỏi đây làm nó ngạt thở. Nó chỉ muốn mọi thứ yên ổn vậy: chơi game, đọc sách, ăn rồi ngủ. Mẹ cũng hay nói chỉ cần con ngoan.

Bên cạnh cái đồng hồ, nó thấy cuốn truyện đứa em đẩy vô, qua khe cửa. Thằng nhỏ không có tiền, hay đi lượm sách về đưa vào, sợ anh không có cái để đọc. Tội nghiệp. Nhưng chỉ nghĩ tới cảnh bước ra ngoài, ôm lấy em làm nó muốn ói. Nó sợ ánh mắt em. Sợ tiếng cười em.

Sợ bất cứ con người nào. Như một người bệnh đã uống tới mất vị giác, sợ hãi những viên thuốc không biết đang muốn giết mình hay cố cứu mình.

Cuốn truyện rách teng beng, còn đâu vài trang có vẽ một ông già vác gương mặt đau khổ ngồi trên một nơi nhìn như là hoang đảo. Chắc cũng giống căn phòng của nó đây. Một hoang đảo giữa biển người này, nơi mà nó trốn vào, khi những con sóng ngoài kia chỉ muốn dìm chết nó.

*

Đó là một hoang đảo không người, cô độc giữa biển cả mênh mông. Chỉ có tiếng sóng đầy ứ trong gió, mang theo hơi mặn rì rầm mải miết như những chuỗi thở dài. Có lẽ từng có ai đó, như ông, bị đắm tàu và trôi giạt đến đây trước. Họ có thể chết vì đói, vì khát, hay cả vì thèm người. Ở đây làm gì có ai. Họ đã thoát? Hay đã tắt hơi thở cuối cùng, với hy vọng được trở về còn đầy ắp trong lồng ngực? Bàn tay họ có giơ lên trời cao van nài, mong cánh hải âu đưa lời cầu cứu về đất liền?

Đã một tuần chẳng có con tàu nào ngang qua. Lời cầu nguyện vô ích chẳng còn được ông nhai lại. Những lời khấn cầu trước đó, sóng đã đánh tan tác, bị cuốn trôi ra khơi làm mồi cho cá. Và cá làm mồi cho ông (bắt chúng đâu có dễ), nghĩ cũng công bằng. Ông thôi hy vọng may rủi.

Ông nhặt những gì có thể viết được, dùng nhựa cây mà viết những lời cầu cứu. Ông lượm mọi thứ có thể nổi, lấy dây rừng buộc chặt hy vọng của mình vào, thả ra biển. Ông làm mà chẳng đếm. Miệt mài. Hễ có sức là làm. Giẫy giụa như những con cá mắc vào lưới của chính ông. Phải có ít nhất một lời cầu cứu tới được tay người, họ sẽ tìm và đưa ông về đất liền.

Trời xanh chắc còn có mắt. Hoặc trời tiếc một tín đồ trung thành. Hoặc trời bận rộn nên xử lý những lời cầu nguyện xếp đống chậm trễ, mọi lời đều tha thiết và khẩn cấp, rất khó ưu tiên. Khi ông sắp trút hơi thở mòn, chiếc tàu cứu hộ đã tới. Ông chẳng nói được gì lúc đó. Mọi lời yêu thương, mọi lời cảm ơn, mọi câu từ đều tan biến. Ông chỉ cố bật ra một chữ, cho cả trời và cho cả những người thủy thủ đang hớt hải chạy tới dìu ông. Nước. Giờ trời đã thấu lời, trận mưa tuôn ngay sau đó.

*

- Hết rồi hả? – Hơi hụt hẫng, Quế giương mắt ra chờ đợi một tiếng không.

- Ờ, hết. – Giang phũ phàng nói, gọn lỏn, dù chính cô cũng tiêng tiếc khi phải buông cuốn sách xuống. – Rách mất nửa trang.

Truyện ngắn cuối cùng trong cuốn sách cuối cùng. Những người đàn bà không biết chữ nằm ngồi quây tròn xung quanh Giang, người đàn bà duy nhất biết chữ. Như bầy gà bu quanh bà chủ keo kiệt vãi chậm rãi từng nắm thóc. Thóc hết rồi. Con gà xơ xác tên Minh, vừa xoa ngực cố vỗ về lá phổi phồng lên vì cơn ho khù khụ, vừa mệt nhọc nói:

- Sao chẳng ai tới cứu tụi mình hả chị?

- Chắc vì chúng ta là đàn bà. – Giang lại phũ phàng, cô tôn thờ chân lý sự thật nên được nói trước hết. Giả dối cũng chỉ là lừa gạt, cuối cùng sự thật vẫn chiến thắng. – Tao đọc toàn thấy người được cứu là đàn ông.

- Thì tại ra biển toàn là đàn ông! – Quyên chề môi, vuốt vuốt nếp váy còn mới cứng mình đang mặc, tấm váy mới toanh chưa cắt nhãn treo, còn cô đang cũ đi từng ngày.

- Ờ, mày đúng. – Giang nhún vai, đứng lên lấy nước. Không nói được gì thì uống. Cổ họng sẽ đỡ đau vì vì sự trống rỗng gào thét.

Im lặng chụp xuống tất cả dễ ợt như đứa trẻ buông mùng xua muỗi. Hoặc như tấm lưới bắt cá. Bầy gà đàn bà vẫn lặng lẽ ngồi chờ bà chủ trở lại, dù biết bà chẳng còn hột thóc nào. Biết đâu được còn sót vài hột truyện, nơi kí ức. Hoặc thứ gì đó tương tự.

- Mày thêu được mấy cái nhãn? – Quế đỡ Minh nằm lên đùi mình, hy vọng kê cao đầu sẽ giúp cô dễ chịu hơn. – Tao được ba.

- Em được một thôi. – Những tiếng ho khùng khục xen lẫn trong âm.

- Em năm!

- Em sáu lận nha!

- Ờ, tao một!

Những người đàn bà nhao nhao. Giang đi vội tới, giộng ly nước xuống bàn, nghiến răng như con cóc cầu mưa, dù ngoài trời vẫn đang xối xả nước:

- Nín! Muốn lộ hết hay gì?

Im lặng lên ngôi. Những người đàn bà nhìn nhau sợ sệt. Họ vảnh tai hết cỡ như con chó giữ nhà, ngóng coi có âm thanh nào báo hiệu nguy hiểm đến. Hên, chẳng có gì. Vốn chẳng có gì. Căn phòng là hoang đảo, trong một hoang đảo khác, là nhà máy may này.

- Thôi đi, có mấy người hiểu tiếng mình đâu. – Quế lào bào.

Giang trợn mắt ngầm nạt. Quyên đưa tay như muốn ngăn, cất giọng dựng vách chắn:

- Liệu có ai đọc được không?

- Chắc chắn có! – Giang nói cụt ngủn, chui vô mền, kéo cao tận mặt. – Ngủ đi, không thôi thức trễ tụi nó đánh rồi than.

Tất cả ngạc nhiên nhưng cũng lục đục chui vô chỗ ngủ. Cả Giang cũng ngạc nhiên khi cô nói xạo. Lần thứ ba cô nói xạo từ khi đến đây. Lần đầu, cô che cho Quế khi bị đánh, ai hỏi cũng nói không đau. Lần hai là kiếm cớ cho Minh nghỉ tạm một buổi hồi sức.

Lần này, Giang không muốn cũng là lời nói xạo. Có thật cứ làm mà không đếm, lời cầu cứu một ngày kia sẽ đến tay người cứu giúp như người đàn ông trong truyện?

*

Hoang đảo giữa thành phố - Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
Tranh của Antoine Blanchard

Minh là đứa qua trễ nhất. Tức là còn phơi phới nhất. Niềm tin y nguyên khi được người ta giới thiệu qua đây làm: việc nhẹ lương cao không đòi hỏi trình độ. Đầy như cái bình chưa khui. Và người ta khoét ở đáy một lỗ. Nước rỉ ra dần, bằng những ngày làm việc suốt mười ba tiếng. Bằng món lương y hệt ở quê, bắt cô cười khi nhận, để họ chụp ảnh làm keo dán vô chai nước lủng. Rồi họ sẽ đổ đầy nó, đăng lên mạng, câu thêm những con cá ngây thơ khác về.

- Họ nói tháng đầu vậy thôi, tháng sau gấp ba! Tùy việc mà nhận. – Minh đã từng động viên mình như vậy.

Minh thất vọng một chút, sững sờ trước núi quần áo may nhãn xong chờ xếp và đóng gói xuất bán. Họ nói trả một nửa bằng quần áo. Thích gì cứ lấy. Chiết khấu tới 70%. Muốn mặc thì mặc, không thì hết hợp đồng đem về cho gia đình. Không thì sau này đem bán cũng được.

Đưa tay sờ thớ vải, Minh tưởng mình nghe lộn. Trời ơi, đồ đẹp vầy mà họ bán cho mình có 30%. Nhìn đi, kiểu vai trễ vầy, thêm kiểu cổ lọ, sang có khác gì mấy cô nhà giàu đâu chớ. Có khi còn hơn cả người mẫu. Minh ướm thử một cái áo cúp ngực, tưởng tượng rằng, chồng cô mà thấy chắc cười híp hết mắt. Nghĩ tới đó, cô đỏ mặt, buông xuống. Lại cầm lên, len lén bỏ vô túi đồ đã chọn.

Của Minh chỉ cần nhiêu đó. Còn lại, cô dành phần lựa đồ cho chồng và hai đứa con. Hên ghê, ở đây có cả đồ nam với đồ trẻ em. Đồ gì cũng đẹp. Cái áo sơ mi này, chắc đi đám cưới chồng cô mới dám mặc. Kệ, cứ lấy, có mấy khi. Chạnh lòng, cô nhớ áo của con đã bung chỉ. Trước bữa đi, cô chỉ kịp vá cho thằng lớn cái áo trắng đi học. Giờ lấy bù. Lấy nhiều nhiều một chút. Tụi nó sẽ hãnh diện đi chơi, đi gặp bạn bè. Lòng người mẹ nghĩ tới con mừng là sướng.

Quá nhiều đồ đẹp, Minh ngó bên này tới bên kia, cầm một cái tiếc một cái. Cô muốn chọn những cái đẹp nhất. Có mấy dịp vầy đâu. Nếu mà ở quê, cả đời chắc cũng không thoải mái mua quần áo vầy được.

Minh vác khuôn mặt ray rứt về phòng, chọn đủ tiền lương rồi cô mới thấy cái đầm đính thỏ màu hồng. Nhỏ con gái cô từng ước được mặc bộ đó, nó nói bạn nó diễn văn nghệ mặc vô đẹp như tiên. Phải chi cô nhìn bên phía ấy sớm hơn thì đã thấy.

Ngó bộ mặt dàu dàu đó, Giang buông một câu gọn, bén như chém:

- Còn nhiều dịp để lựa lắm em gái, khỏi lo!

Minh ngơ ngác định hỏi lại, Giang đã bỏ vô xưởng. Quế thấy thương, vỗ vai chỉ về phía tủ đồ đầy ứ của mình.

- Chị mua thêm hay gì mà nhiều vậy? Nữa đem về sao hết! – Minh thật thà.

- Tháng nào tụi nó cũng trả lương bằng quần áo hết, em. – Quế cười như không, đứng dậy, thay đồ chuẩn bị đổi ca.

Minh buông túi đồ xuống đất, buông cả niềm vui. Những cái áo cái quần lộng lẫy bung ra, đổ tràn. Những gương mặt tươi rói của chồng, của hai đứa con nhăn nhúm chảy tràn theo.

*

- Vô tụi bây! – Giang nâng ly, cụng côm cốp vào những cái ly khác.

Hoang đảo bữa nay mở tiệc. Đảo thần tiên. Đầy ắp bia và đồ ăn. Bầy tiên nữ xiêm y lồng lộn mặt đỏ bừng cứ hết lại rót. Đủ kiểu phong cách, đầy hột bẹt tới satin, thun qua jean, đầm dạ hội lẫn đồ ngủ. Thích gì mặc đó. Ngày nghỉ duy nhất của mỗi tháng.

- Nhìn coi tao đẹp không? – Quế xoay vòng vòng để những tua rua bay bay, xoay như đám con nít chơi trò con quay bằng trái trứng cá sống. Cô dứ dứ tấm ảnh người mẫu chụp quảng cáo sản phẩm vô mặt từng đứa – Đẹp thua gì người mẫu đâu!

- Nói xin lỗi chớ, ai sướng như tụi mình? Ăn nhậu, đồ đẹp – Hằng ngật ngưỡng, cô là người uống nhiều nhất, uống như sợ hết – Mấy đứa dưới quê bỏ tiền cả đống mới được vậy nhe!

- Ờ ờ, sướng! – Giang cười ngoác miệng – Vô cái nè mấy đứa!

Minh uống từng ngụm, như bà già uống trà. Bia đắng nghét mà mấy chị làm như nước ngọt, nốc ghê quá. Cô mân mê cái nhãn treo trên quần áo, không nỡ cắt bỏ. Biết đâu còn bán được. Quyên sấn tới, giật phăng cái nhãn quăng đi, rứt mạnh bằng thói quen nhổ cỏ:

- Hết mình đi em! Nữa lấy cái khác, lo gì!

Thì uống. Minh ực một hơi. Đắng quá, đắng còn mãi trong cổ họng, đắng lan cả dạ dày. Đắng nhấn chìm cơ thể. Rồi ngọt. Và nóng. Nóng phừng phừng. Như chồng cô đang ôm. Anh ấy cười. Anh ấy hôn nhẹ lên má. Ôi tiếng nhạc dẫn bước chân, những tà áo bay bay đủ màu đủ kiểu. Giọng chị Giang hát hay quá. Giọng mọi người cũng hay. Nghe như một bầy chim cùng ca bài ca tự do phơi phới. Bầy chim đẹp đẽ thoát khỏi quần áo bạc màu.

Tất cả đồ được đổ ra, Quyên thay đồ luôn giữa phòng. Mọi người đã ngấm bia, Giang huýt gió cổ vũ. Ngại ngần chi nữa. Tất cả quần áo đẹp này là của những người đàn bà đẹp này. Và bia này và đồ ăn này. Và nhạc. Và tiếng cười lanh lảnh xiên chói đập vào vách bể nát như tiếng con cá hét trong hồ kiếng.

Có bao giờ người ta nghe thấy tiếng hét của con cá đâu. Cũng như chẳng ai nghe tiếng hét từ hoang đảo.

*

Nỗi buồn giống hệt cơn đau bụng. Cồn chỉ là câu lừa đảo tâm trí rằng “mình ổn”, để tạm xoa dịu. Cơn đau bụng chỉ tạm rời đi, khi quay lại rủ theo đồng bọn và gậy gộc. Buồn y hệt vậy. Mà cồn càng khiến con người yếu đuối. Họ rớt ngay vào suy sụp.

Tiệc chưa tàn, những người đàn bà ôm nhau khóc. Họ sực nhớ ra dù có mặc vài chục bộ quần áo đẹp đẽ, họ vẫn là bầy chim trong lồng. Minh ôm hai bộ quần áo mà cô dự định đem về cho con, nước mắt không ngừng rớt. Rớt như cây úng rễ, tới đọt non cũng rụng. Từng đọt là từng ước mong. Ngày về là ngày nào. Là ngày nào?

Những bộ quần áo được làm trong một hoang đảo nhỏ xíu, như hoang đảo đầy người này. Chúng sẽ được mang đi, những người đàn bà thì ở lại. Chúng sẽ đi khắp nơi khắp nơi, rũ bỏ quá khứ tù túng, đến các cửa hiệu sang trọng. Chúng sẽ được mặc tới các bữa tiệc sang trọng. Những nơi mà, có thể, ai đó cũng phải vắt kiệt mình mới mua được. Chúng được làm ở một nước A, bởi nhân công từ nước B, và bán với tên một nước C. Khi mặc những thứ vải lấp lánh đó, có ai hiểu được, những người đàn bà ở hoang đảo này đã ngấm vào biết bao mồ hôi. Nước mắt. Thỉnh thoảng là máu.

Giang khóc bằng sự im lặng. Cô cứng đầu nghĩ chỉ cần cô không để nước mắt rỉ ra, cô sẽ không gục ngã. Mọi người cần vịn vô cô. Bầy gà cần dẫn đường. Cô sẽ là thân cây chịu gió.

Giang vươn tay ra, tưởng tượng cánh tay gầy gò là một cành cây. Cành cây có vắt mảnh vải mỏng. Nơ của bộ đầm trẻ con. Những cái y hệt nó, sẽ được bán ra. Những đứa con nít được ba mẹ yêu thương sẽ mua về cho mặc. Con cô sẽ thấy. Con cô sẽ ao ước, như nó từng ao ước nhiều lần. Nó chẳng thể biết, thứ vải đang di động đó là thứ góp phần nhốt mẹ nó ở hoang đảo nọ. Con cô sẽ còn ước muốn có không, khi nó biết?

Con của Giang làm sao biết được. Chẳng ai biết được. Dù lời khấn ước vẫn chảy đi hàng ngày, đâu đó, lẫn lộn giữa hàng ngàn cái quần và áo. Có thể đã có người cầm được chúng lên. Chỉ là họ chưa biết được. Họ không ngờ được. Như bây giờ, nếu có một dòng chữ kì lạ viết trên nhãn chai bia Giang đang uống, cô cũng không thể đủ tinh tế mà tìm đọc.

Không. Giang cầm chai bia lên, tìm đọc. Có không một hoang đảo đóng bia chai, thả lời chờ những bợm nhậu nhìn thấy? Chẳng có. Chẳng có gì. Hay có mà cô không đọc hiểu được? Thứ chữ nước ngoài nhìu nhịu chẳng rõ nghĩa. Họ viết bằng tiếng nước nào, của họ hay của ai?

Ừ, Giang nghĩ, chắc ai đó đã đọc được, nhưng họ không hiểu. Họ tưởng đó là dòng chữ ghi thành phần hoặc hướng dẫn giặt ủi. Chồng cô chưa bao giờ chịu đọc chúng nữa kìa, nên anh biến cái áo đi làm thành thảm họa khi ngâm bằng nước tẩy. Người ta đôi khi như vậy, chẳng thèm đọc thứ nên đọc. Dù cần cho họ. Dù cần cho ai đó.

- Con nào lấy cái áo có nhãn thêu thêm vầy hả? – Quế rống lên. Giang bịt miệng kịp, chỉ còn những tiếng ư ư.

Đứt gẫy như những lời khấn cầu vô vọng. Hay vì thiếu nhang? Mẹ Giang dạy, có nhang khói mới đưa lời cầu nguyện lên tới thần Phật. Nhưng người đàn ông trong truyện có cần nhang đâu? Hay vì ông ta là đàn ông? Những người được cứu toàn là đàn ông, trong các câu chuyện phiêu lưu ấy. Đàn bà thì không phiêu lưu, chắc những nhà văn nghĩ vậy. Họ dính với căn bếp, dầu mỡ và tã sữa, tiếng con khóc và hàng đống việc không tên. Nhưng rồi đói cũng rứt họ ra, đẩy họ vào cuộc phiêu lưu của họ.

Hay vốn người ta chẳng quan tâm lời cầu cứu? Họ coi đó là một trò đùa? Họ sợ phiền phức? Họ nghĩ đâu phải chuyện của họ? Ừ. Giang tự hỏi, có bao giờ cô bỏ mặc lời kêu cứu của một ai đó chưa. Hình như trong kí ức xa xăm, mờ mịt như khói bốc ra từ nồi cháo chỉ có một nắm gạo, cô đã từng nghe thấy. Đêm rằm tháng bảy. Mẹ cô dạy, nghe tiếng ai gọi tên cũng đừng quay lại, sẽ bị ma bắt đi mất biệt. Chẳng thể về với mẹ. Trong đêm trăng ma mị mà mỗi tiếng gió đều gợn óc như tiếng kêu than đó, hình như cô nghe ai gọi Giang ơi. Có thật sự là quỷ? Một ai đó đã cất lời cầu cứu, dẫu biết rằng, đêm rằm tháng bảy sẽ chẳng một ai đoái hoài? Có phải không Giang đã chối từ một ai đó đang cầm cự hy vọng?

Có phải không?

Giang vẫn không cho phép mình rụng một giọt nước mắt nào.

- Uống tiếp đi, mấy đứa!

*

Men mồi lửa từ mắt, đốt dần xuống tay chân. Những người đàn bà lộng lẫy xiêm y quay cuồng như những con búp bê trong hộp phát nhạc. Chẳng nhớ chập bia thứ mấy.

Điên loạn cũng là một sự lây lan. Bắt đầu từ cơn ho dồn của Minh, con nhỏ mất đà té quẹt vô cạnh giường bị đinh móc rách một mảng váy. Nó nhìn thấy nơi chỗ rách cảm hứng tự do kì quặc. Nó xé thẳng tay, cuống quýt như con sâu cố lột bỏ lớp kén để được tự do phất cánh. Rồi nó bật cười. Tiếng cười lây lan. Những tiếng vải rách lây lan. Những người đàn bà xé nát váy áo, hể hả cười.

Lõa lồ, họ ôm lấy nhau. Nằm xếp chồng lên nhau, trắng ỡn như bầy cá sắp ươn chờ bán rẻ. Thời gian chảy qua kéo đi cơn mê. Kéo đi nhịp điệu xoắn xít của não. Tất cả rỗng tuếch như những ly bia đã cạn. Giờ, cuộc sống tha hồ rót đầy ê chề.

*

- Chị ổn không? – Minh lo lắng bưng tới thau nước ấm, định lau vết bầm cho Giang. Khi Giang té, dầu nhớt và bụi vải trộn lẫn bám đầy.

- Không sao. – Giang lắc đầu.

Giang nuốt cơn đau xuống cổ họng. Ánh mắt của Minh làm cô nhớ hồi má cô còn sống. Ánh mắt ướt nước đầy bao la.

- Cảm ơn chị… - Quế khẽ khàng, cổ rụt như biến mất giữa hai vai.

- Lần sau cẩn thận. Chút nữa là tụi nó thấy rồi! – Giang thở dài.

Lúc đó hên là Giang kịp phản xạ, để kim may chạy ngang qua cái áo để thu hút chú ý của quản lý. Kịp một giây, trước khi bà ta thấy Quế thêu thêm lên nhãn áo. Đau chút có là gì đâu. Chưa chết được. Chứ nếu bị bắt quả tang, coi như hết đường. Chữ sẽ không bao giờ trôi được ra khỏi hoang đảo nữa.

- Chị Quyên đâu rồi chị? – Minh ngoái đầu tìm kiếm.

- Tụi nó nhốt bên kia. Chắc định bỏ đói một ngày rồi thả, việc đầy ứ mà. – Giang trả lời, đáp luôn khi ánh mắt Minh mở tròn thắc mắc – Nó định bỏ trốn mà bị phát hiện.

- Biết vậy thà tao đi làm đĩ! Chứ nghe lời dụ dỗ làm chi rồi bị giam lỏng như vầy… – Quế bật khóc, nấc nghẹn trong hai cánh tay chính mình.

- Đâu có được! – Minh chưa kịp xót xa cho Quyên đã phải hốt hoảng lo Quế - Ít ra mình cũng còn trong sạch!

- Trong sạch làm gì khi không trở về được hả em? – Quế ngẩng lên, nuốt cơn tức khiến lồng ngực phình ra, nhìn Minh trân trối.

- Họ nói một năm sẽ trả tiền cho mình về mà? – Minh cố gắng hết sức, buông một câu mà chính cô cũng dần trở nên nghi ngờ.

- Em tin tụi nó sẽ cho mình đi sao? – Giang cười khẩy. – Giam phân nửa lương mỗi tháng, cuối năm trả một lần chỉ là cớ cầm chân. Có trời mới biết chừng nào tụi nó thả mình!

Mà trời có khi chưa biết. Có lẽ ông để hồ sơ cầu khấn từ hoang đảo này vào một chồng hồ sơ cao ngất mà thứ tự còn lâu mới xử lý tới. Một căn phòng nhỏ trong một công xưởng nhỏ giữa một khu ổ chuột nhỏ trong một thành phố lớn.

Hoang đảo giữa thành phố.

*

Minh lên cơn sốt. Giang không biết phải làm sao, cô loay hoay tính đường xin thuốc. Phải mà có tiền còn mua chuộc mấy thằng cha quản lý được. Nhưng chỉ có quần áo thôi. Mà không, cô có thứ khác.

- Muốn thuốc thì theo tao! – Gã quản lý phân xưởng hất hàm, thảy cho Giang cái nhìn ban ơn.

Quế đưa tay giữ Giang, cô gạt ra lập tức. Phải đi.

Như ông lão lần đầu bơi ra khơi, đánh cược với trời bắt được cá hay làm mồi cho cá. Giang lẳng lặng theo vào phòng gã quản lý. Chẳng kịp chờ cánh cửa khép lại, cô chủ động tuột quần xuống.

Gã quản lý nhíu mày, bật cười. Gã cúi xuống làm Giang giật bắn, nhưng tay gã nắm lấy lưng quần thun, dứt khoát kéo lên mặc lại cho cô. Ngẩng dậy, gã đi về phía bàn làm việc, lấy ra một xấp giấy.

- Mày biết chữ? – Gã hỏi, đôi mắt đầy mong đợi.

Giang gật đầu. Gã sáng lóa mắt, chụp lấy tay cô, nhét vào đó xấp giấy đầy nghẹn chữ.

- Dịch nó cho tao!

Giang chưng hửng. Một người biết viết lại không đọc được chữ mình viết hay sao. Chẳng lẽ ai đó viết. Tiếng Việt.

- Tao vẽ đó. – Gã quản lý giải đáp điều Giang thắc mắc, nhấn mạnh lần nữa chữ vẽ - Tao vẽ theo trí nhớ. Má tao người Việt. Bả để lại bức thư đó, cháy mất rồi.

Giang ngần ngừ. Cô nửa muốn làm, nửa lại không. Chẳng lý gì cô lại đi giúp kẻ ngược đãi mình. Những đòn roi còn kêu than nơi những vết bầm. Nhưng còn thuốc cho Minh. Và một phần dòng máu đồng bào trong gã.

- Coi như tao năn nỉ mày. – Lần đầu tiên Giang nghe giọng gã dịu dàng tới vậy. – Dịch đi, mày sẽ có thuốc.

Giang định chỉ dịch một vài câu, coi như phí trả cho phần thuốc. Một câu nữa, coi như nể tình bà má người Việt của gã.

- Dịch đi. – Mắt gã đanh thép. – Tao sẽ lơ chuyện tụi mày thêu thêm lên nhãn. Nếu không đừng hòng một cái nào tuồn được ra ngoài.

Giang điếng người. Thì ra gã biết.

*

Những ngày trên hoang đảo, có lần ông già vớt được một gói hàng nguyên vẹn. Mừng húm, ông mở toang lớp bọc, khấp khởi mong thuốc, hoặc đồ ăn, hoặc hy vọng. Nhưng đó chỉ là một cuốn sách.

Ở nơi này ông có dư thời gian. Cũng lâu rồi ông chưa đọc thứ gì, đành nhấm nháp cuốn sách cho tàn ngày. Một cuốn truyện dở ẹc kể về một thằng nhóc ru rú trong phòng từ năm này qua tháng nọ. Nó tự coi phòng mình là một hoang đảo. Nó viết những dòng vô tích sự về cách sinh tồn trên hoang đảo. Những cách mà ông già biết chỉ đáng đem đi chùi đít, à không, để nhóm lửa thì tốt hơn, bởi ông đang ở trên một hoang đảo thứ thiệt.

Thằng nhóc trong truyện chẳng thể nào hiểu nỗi nó đang sung sướng tới mức nào, nơi hoang đảo tưởng tượng của chính nó. Nó không lo đói khát, không run rẩy sợ những hiểm họa rình rập. Nó an toàn giữa bốn bức tường.

Trong đêm, dưới ánh lửa nhai củi ướt phà khói cay xè mắt, ông lão đem cuốn sách ra đọc lần nữa. Mắt ông cay gấp đôi. Ông thừa nhận thằng nhóc cũng ở trên một hoang đảo, như ông. Nó vô cùng vô cùng cô đơn. Nó đang tìm người tới cứu.

Chỉ có một trong vô số cách sinh tồn vớ vẩn thằng nhóc viết đúng, đó là hãy nhóm lửa hiệu. Không còn đủ sức gom củi, ông lão nuôi lửa bằng cuốn sách. Khói cô đơn bốc lên cao và xa. Người ta đã thấy và tìm tới.

*

- Dở ẹc! – Quế chề môi trong khi sờ trán coi Minh đỡ sốt chưa. – Có thiệt mày nhớ ra phần thiếu của truyện không hay tự chế thêm đó?

- Tin hay không tùy mày. – Giang cười, thả người xuống kéo mền che ngang cổ.

Chẳng ai còn nói gì nữa. Căn phòng rõ mồn một tiếng thở khó nhọc của Minh. Thuốc đang ngấm chăng. Từng chút, tiếng thở ấy đều dần. Con nhỏ mở mắt ra, nức nở như mới chết đuối được vớt kịp.

- Nín đi, giữ sức. – Quyên nói gọn lỏn.

Im lặng lại được nhóm lên, thứ lửa quyền lực khiến người ta cồn cào. Họ thèm nói mà chẳng biết phải nói gì. Như sợ khói lặng thinh làm mình ngạt thở để rồi chìm vô cơn sốt lần nữa, Minh nháo nhào lên tiếng:

- Ở nhà cũng đâu khác ở đây lắm ha mấy chị?

Một câu không rõ bi quan hay lạc quan. Phần nào Minh đúng. Những người đàn bà này, khi ở quê cũng nai lưng ra làm, bị giam trong những nhà tù vô hình và không bao giờ được trả lương. Họ chỉ nhận về những hứa hẹn. Chà, nếu vậy thì chẳng qua họ chỉ đang bị chuyển từ hoang đảo này sang hoang đảo khác. Trở về có thật sự thay đổi được gì không?

- Biết tại sao ông lão thoát không? – Giang đột nhiên lên tiếng.

- Tại ổng là đàn ông. – Quế cười khẩy.

- Tại ổng hên. – Quyên rấm rứt.

- Tại ổng đốt lửa. – Minh thật thà.

- Không, tại ổng dám làm khác đi. – Giang tự nhiên thấy mình văn vẻ quá. – Nếu về được, tao sẽ ly dị chồng. Một mình tao dư sức nuôi con.

Giang khóc như tấm lưng bị bẻ gẫy vụn vụn. Đám đàn bà rời chỗ nằm, trườn tới bọc lấy cô bằng cơ thể họ. Trong hơi ấm, Giang van lơn bất kì thần phật nào nghe hiểu được lời cô, hãy để một cái nhãn thêu thêm lọt được ra ngoài. Một cái thôi cũng được.

*

- Dòng chữ trên nhãn áo của chị nghĩa là gì ạ? – Đứa trẻ tự nhiên xấn tới, níu váy cô người mẫu thỏ thẻ.

- Đi đi – Cô người mẫu quắc mắt – Chỗ người ta đang làm việc!

Mẹ đứa trẻ nhanh chóng chạy tới, nắm tay con kéo đi. Bà liên tục gục gật đầu xin lỗi. Thiệt là tình, bà đã dạy nó đừng chạy tới chỗ người giàu, mà nó cứ vậy. Đã biết chữ đâu mà hỏi nhiều.

Cô người mẫu hít một hơi sâu, nín thở tiếp tục tạo dáng với bộ váy đẹp. Bà mẹ liếc nhìn, tự hỏi bao lâu mình mới đủ tiền mua một bộ như vậy. Ôi đáng nguyền rủa sự xa xỉ, cơm còn không có ăn. Nghe đâu bên nước bạn tuyển lao động, việc nhẹ lương cao không cần bằng cấp.

Bà mẹ không hay đứa con vẫn thắc mắc về dòng chữ kì lạ nơi nhãn áo cô người mẫu. Nó không biết viết nên sẽ vẽ lại. Nó sẽ xách đi hỏi mọi người. Cho tới khi nào biết nghĩa thì thôi.

Nó đem về hỏi anh trai, người anh đã mấy tháng rồi không rời khỏi phòng. Nhét tờ giấy vẽ lại chữ qua khe cửa, nó hồi hộp chờ lời đáp. Thi thoảng, anh sẽ trả lời nó bằng những tờ giấy ghi vài chữ. “Tốt” khi nó kể những việc đã làm, “Đừng buồn” khi nó than vãn. Chắc anh sẽ ghi vài chữ gì đó, cho lần này.

Nhưng anh nó nói thay vì viết.

- Họ cầu cứu.

Thằng nhỏ mừng rơn. Nó ôm chầm lấy cánh cửa, gõ gõ vào đó mấy cái. Nó nhớ những chuyến phiêu lưu nó và anh từng ước ao.

- Đi, đi cứu họ nha anh? – Nó rên rĩ.

- Anh vẫn chưa muốn rời khỏi đây. – Đó là câu dài nhất nó nghe được từ anh, sau cái ngày ba bỏ đi.

- Vậy em sẽ ngồi đây chờ. – Nó ngoan ngoãn nói. – Chờ đến ngày anh ra khỏi phòng.

P.D

Văn nghệ, số 31/2023
Đình Kính - như tôi biết

Đình Kính - như tôi biết

Baovannghe.vn - Tôi biết Đình Kính đã lâu nhưng buổi tâm sự đầu tiên là lần tôi và Kính đi dự trại sáng tác kịch bản điện ảnh ở Nha Trang do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức năm 2006…
Đêm gầy bóng sen - Thơ Nguyển Thị Liên Tâm

Đêm gầy bóng sen - Thơ Nguyển Thị Liên Tâm

Baovannghe.vn- Bóng sen gầy. Chạm bước chân/ Bùn nâu thương nhớ, lần khân tang tình
Xin đừng chốt cửa - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Xin đừng chốt cửa - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Em đừng chốt cửa trời đêm/ Sao khuya lịm tắt bên thềm giếng xưa
Tiểu thuyết Nhật Bản trở thành cuốn sách của năm tại Anh

Tiểu thuyết Nhật Bản trở thành cuốn sách của năm tại Anh

Baovannghe.vn - Nhà văn đoat giải Nobel Văn chương 2023 - Jon Fosse - đã được lấy tên để đặt cho một giải thưởng vinh danh dịch giả với sứ mệnh mang văn học Na Uy ra với thế giới. Trong khi đó một tiểu thuyết Nhật Bản đã được các nhà bán sách ở Anh bình chọn là “tiểu thuyết của năm”, còn nhà văn Úc Alexis Wright tiếp tục nhận giải thưởng mới, nối dài thành tích riêng trong năm nay của bản thân bà.
Khởi động "Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024"

Khởi động "Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024"

Baovannghe.vn - Lễ khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ "Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024" diễn ra tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị