Sự kiện & Bình luận

Huế ngày mai

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc
Tiếng nói nhà văn
14:00 | 17/12/2024
Baovannghe.vn- Vị thế Trung ương là vị thế mà Huế đã từng đứng cao hơn thế trong suốt hơn mấy trăm năm, từ khi là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của nhà Tây Sơn (1788-1802) và kinh đô nhà Nguyễn (1802-1945). Riêng văn học xứ Huế đã có một số đặc điểm hết sức đặc biệt: vùng Thuận Hóa có nền văn học viết xuất hiện với một khởi đầu đầy chất bác học là bài thơ Hóa Châu tác (làm tại Châu Hóa) của Trương Hán Siêu năm 1353.
aa
Huế ngày mai
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc

Tin Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế, đô thị di sản trực thuộc Trung ương khiến người Huế, người yêu Huế hết sức vui mừng. Thời khắc Quốc hội bấm nút đồng ý đến 95,62% vào lúc 8 giờ 26 phút ngày 30.11.2024 đã trở thành thời khắc lịch sử. Đó cũng là “quyết định lịch sử” như lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một thành phố trực thuộc Trung ương với tiêu chí di sản văn hóa. Huế lên Trung ương vì nhiều lẽ, trong đó quan trọng nhất là “VĂN HÓA”; Huế lên Trung ương không phải cho riêng Huế, mà là của chung Việt Nam.

Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với các tiêu chí di sản văn hóa mà không theo các tiêu chí thông thường về tính chất chính trị, quy mô kinh tế, số lượng dân số, tỉ lệ thị dân… như các thành phố Trung ương khác. Huế là nơi duy nhất của Việt Nam đang sở hữu 8 di sản văn hóa được công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế. Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO đánh giá là “tiêu biểu cho những sắc thái cao đẹp nhất của sức sáng tạo Việt Nam”. Di sản Huế cần phải gọi đúng tên là “di sản Việt Nam tại Huế”. Huế đang gìn giữ kho tàng di sản quý giá của Việt Nam, Huế không giữ cho riêng Huế, mà là cho Việt Nam, cần sự chung sức toàn dân tộc để bảo tồn kho báu di sản văn hóa lớn lao ấy.

Vị thế Trung ương là vị thế mà Huế đã từng đứng cao hơn thế trong suốt hơn mấy trăm năm, từ khi là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của nhà Tây Sơn (1788-1802) và kinh đô nhà Nguyễn (1802-1945). Riêng văn học xứ Huế đã có một số đặc điểm hết sức đặc biệt: vùng Thuận Hóa có nền văn học viết xuất hiện với một khởi đầu đầy chất bác học là bài thơ Hóa Châu tác (làm tại Châu Hóa) của Trương Hán Siêu năm 1353. Sau đó, Phú Xuân trở thành trung tâm văn học chữ Nôm của Việt Nam thời Tây Sơn. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn học với sự tập trung nhân tài cả nước và nổi bật với sắc thái văn học hoàng tộc. Huế là nơi khởi phát nhiều trào lưu sáng tác mới và có những đỉnh cao: nơi Nguyễn Du viết Kiều, tinh hoa Thơ mới phát triển, thơ siêu thực xuất hiện… Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…). Huế là nơi xuất phát của văn học đấu tranh đô thị miền Nam. Một đặc điểm quan trọng khác là các nhà văn nữ ở Huế đã phá bỏ rào cản phong kiến để viết nên những trang viết giải phóng tối đa tư tưởng: Tôn Nữ Thu Hồng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng…

Giữa năm 1975, văn nghệ sĩ Huế người từ chiến khu Thừa Thiên về, người tham gia đấu tranh ở đô thị, người từ miền Bắc vào, hội tụ với nhau trong bầu không khí đất nước thống nhất, trong tiếng hát Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn. Rồi Tạp chí Sông Hương thành lập do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập, với mong muốn “phấn đấu là tiếng nói văn nghệ - văn hoá chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước” (Thư Sông Hương, tháng 4.1983). Tạp chí Sông Hương thuở đó đã thật sự trở thành “dấu hiệu riêng”, đặc sắc nhất cả nước trên lĩnh vực văn nghệ. Bốn mươi năm trước, Sông Hương đã “lên Trung ương” theo cách của mình.

Huế từ xa xưa, đã là “nơi đi để nhớ, không phải là nơi ở để mà thương”. Sáu mươi năm trước, nữ văn sĩ Túy Hồng khi xa Huế đã quay quắt: “Tôi cam đoan không có người Huế nào yêu Huế bằng tôi mặc dầu tôi đã bỏ Huế mà đi gần ba năm nay. Tôi là một trong những người yêu Huế nhất với cái bằng chứng: tôi chỉ viết được lai rai vài ba tác phẩm thôi mà cuốn nào cũng nói về Huế. Huế! Huế! Hễ cứ cầm cây bút lên là Huế! Phải là một thứ tình đậm đặc, kéo xiết khốc ác và cưỡng bức thế nào tôi mới viết về Huế hết mình như vậy!”

Với những gì đã được vun đắp hàng trăm năm qua, Huế thật sự đã đi vào tâm khảm của hàng triệu người trong nước và quốc tế, trong tim người Huế và những người không phải sinh ra ở Huế song đã yêu Huế thiết tha. Ba mươi năm trước, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bắt đầu viết những bút ký lộng lẫy về thiên nhiên, văn hóa, con người xứ Huế. Dưới ngòi bút của ông, nhà vườn bỗng thức dậy, tươi tắn cỏ hoa hồn nhiên và thâm trầm triết lý. Nhà vườn Huế vốn có từ hàng trăm năm trước nhưng đến khi bút ký Hoa trái quanh tôi ra đời, người ta mới nhận ra hệ thống văn hoá, hệ thống triết lý của nhà vườn Huế. Ông nhận chân giá trị thiên nhiên trong cuộc sống con người Huế: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên… mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong…”

Vài năm trước đây, ông Phan Ngọc Thọ, cựu Chủ tịch UBND tỉnh rất được nhân dân yêu mến và đặt cho biệt danh Người viết giấc mơ Huế. Ông thường nêu quan điểm: Huế là một trung tâm văn hóa, hơn các đô thị khác ở hàm lượng văn hóa; vì vậy phải đầu tư phát triển văn hóa, Huế mới tiếp tục là trung tâm văn hóa hàng đầu. Ông có viết bài báo Huế trong tôi: “Huế nhỏ lắm. Thiên nhiên và con người hòa quyện trong nhau. Quá khứ luôn hiện hữu trong hiện tại. Ở Huế, làm gì cũng phải chăm chút từng đường nét, cái đẹp sang trọng của Huế đang có - chính là giá trị mỹ quan của công trình công cộng, từ thảm cỏ công viên, bó đá vỉa hè, đài phun nước, hàng rào, cây xanh đến những công trình mang tính biểu tượng…, phải tính đến từng centimet để đất trời và con người là một, để thiên nhiên lắng đọng trong mỗi góc nhỏ của ngôi nhà, trong tiếng “dạ” tiếng “thưa” của con người Huế.” Ông viết, nói và làm. Huế trở nên xanh, sạch đẹp, sáng hơn trước. Những con đường tản bộ dọc sông Hương xuất hiện và dòng sông đẹp nhất thế giới ấy bỗng trở nên gần gũi với bao người.

Chúng ta đã từng biết đến cố đô Kyoto của Nhật Bản, sau nhiều tranh cãi giữa bảo tồn phát huy giá trị di sản và xây dựng đô thị hiện đại, Kyoto đã chấp nhận mô hình bảo tồn đô thị văn hóa cổ kính bên cạnh xây dựng những giá trị kiến trúc mới, hiện đại. Huế có thể nhìn vào mẫu hình đó để biết phải giữ gìn di sản văn hóa cố đô bằng mọi giá, song cũng biết nương nhẹ, không quá bảo thủ để mở đường cho phát triển. Vấn đề là trong sự phát triển, không thể tùy tiện đánh mất các giá trị di sản, xây mới toàn triệt trên căn nền các giá trị cũ bị phá bỏ. Thuở trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bạn bè bày tỏ mong muốn xây dựng ở Huế một “Nhà nguyện Tình yêu”. Gần đây, thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ đề xuất xây dựng một “Đồi Thi Nhân” ở Huế… Đó là những ý tưởng vô cùng lãng mạn, song vô cùng phù hợp với Huế.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Huế ngày mai chính là lúc Huế hoàn thiện giấc mơ bằng việc đầu tư dài hơi, bài bản vào lĩnh vực văn hóa. Việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo chính là đầu tư vào nền kinh tế, sự phát triển bền vững, dài hơi của một thành phố di sản đặc thù như Huế.

Huế ngày mai
Cầu Trường Tiền - Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có người lo rằng nếu phát triển nóng như nhiều nơi, Huế sẽ không còn là Huế nữa; rằng Huế đẹp và sang thì cứ nên chầm chậm như vốn có. Tuy nhiên, nếu biết phát huy sở trường, sở đoản của người Huế, thì có thể tìm thấy con đường phù hợp trong hướng nhìn về Huế ngày mai, mà không cần làm tổn thương quá khứ.

Sót lại tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hàng Tình

Sót lại tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hàng Tình

Baovannghe.vn - Sư cứ thế ngồi yên nhìn vào ly trà phía mình, tay vê lần chuỗi hạt. Còn cô gái tay vừa cầm ly trà thi thoảng đưa lên môi nhưng ánh mắt cứ hắt qua phía sư. Hình như cô hi vọng sẽ được yên giấc đêm ở ngôi chùa lẻ bóng cô tịch này. Họ cứ ngồi như thế rất lâu.
Tâm tình của tác giả  “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”

Tâm tình của tác giả “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”

Baovannghe.vn - Những chia sẻ của nhà văn Châu La Việt về trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” và những câu chuyện về dòng thơ trữ tình chính trị
Truyện thơ Thúy Lan - Ngòi bút thần kỳ khắc họa nên đại mỹ nhân Việt

Truyện thơ Thúy Lan - Ngòi bút thần kỳ khắc họa nên đại mỹ nhân Việt

Baovannghe.vn - Gần đây, truyện thơ Thúy Lan của Lê Hữu Bình được tái bản lần thứ 6 và đã đến tay nhiều bạn đọc xa gần cả biên giới hải đảo, anh nhận được nhiều bài phản hồi ca ngợi hết lời, điều đó chứng tỏ: Cái hay, cái đẹp có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Những khả thể và quyền năng của văn chương

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy