Chuyên đề

Kiêu hãnh Thác Bà

Nông Quang Khiêm
Văn học địa phương
11:00 | 30/07/2024
Báo Văn nghệ.vn - Trong ký ức của rất nghiều người thời ấy, vẫn hằn sâu giây phút lịch sử và thiêng liêng 10 giờ sáng ngày 05/10/1971
aa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị và Thủ tướng Chính phủ Liên Xô Pốtgornưi cắt băng khánh thành và khởi động tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Thác Bà. Dòng nước ào ra, tung bọt trắng xóa xuống hạ lưu sông Chảy. Điện bừng sáng! Đó là ngày chào đời đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, tiếp sức sống mãnh liệt cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, cả nước náo nức hướng về Thác Bà, Yên Bái. Chúng ta đã chiến thắng! Chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng kẻ thù. Đã có hơn ba vạn năm nghìn dân nghe theo lời Đảng gọi tự nguyện rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn gắn bó biết bao thế hệ để đến nơi ở mới với muôn vàn khó khăn. Đã biết bao mồ hôi, nước mắt, mất mát, hy sinh to lớn dồn nén lại hàng chục năm để làm nên kỳ tích này!…

Kiêu hãnh Thác Bà

Cuộc đại di dân

Từ năm 1959 đến năm 1961, sau 2 năm khảo sát, thiết kế, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy, thuộc địa phận của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Huyện Yên Bình được giao một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp là phải di chuyển hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch lòng hồ đến nơi ở mới. Nằm bên hai bờ sông Chảy, khu vực quy hoạch lòng hồ là một vùng đất màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng phì nhiêu rộng lớn như: Làng Bạc, Đại Đồng, Dương Liễu, An Thọ, Đồng Tâm, Văn Chính, Bình Hanh… một miền quê trù phú với những giá trị, trầm tích văn hoá đặc sắc, lâu đời. Mỗi tấc đất, ngôi nhà, dòng suối, gốc cây, mảnh vườn đều gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Giờ chuyển đến nơi ở mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tâm tư tình cảm, phong tục, tập quán của biết bao người dân. Sẽ không tránh khỏi những suy tư, luyến tiếc, cả những day dứt khi rời bỏ mồ mả, tài sản, khi mất đi hơn 5.300 ha ruộng (chiếm 1/4 diện tích và 1/3 sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh Yên Bái khi đó), 2.000 ha đất trồng màu và hơn 2 vạn ha rừng, rồi 30 nhà thờ, 15 đền, 17 chùa, 11 miếu tầm cỡ bị ngập dưới lòng hồ. Dắt díu nhau về một nơi xa lạ, có nghĩa phải làm lại từ đầu. Biết bao khó khăn đang chờ đón. Chuyển dân đi đâu, bố trí nơi ở mới làm sao để người dân có cuộc sống ổn định khi ruộng vườn, đất đai, điều kiện không được tốt như nơi ở cũ. Đó là việc phải lo, là một cuộc cách mạng, trước hết là “cách mạng trong tư tưởng”. Nhận rõ nhiệm vụ nặng nề, tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chuyển dân của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó lập kế hoạch tham mưu cho tỉnh trong việc di dân. Xác định trách nhiệm của mình trước tỉnh và Trung ương, Đảng bộ huyện Yên Bình cùng đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo nhiều chủ trương, biện pháp tích cực để thực hiện tốt cuộc vận động chuyển dân. Tháng 5 năm 1962, Huyện ủy Yên Bình quyết định thành lập Ban Chuyển dân của huyện gồm 7 thành viên do đồng chí Đặng Cao Đàm, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Cuộc vận động chuyển dân bắt đầu bằng việc tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ đảng viên, các giáo giới và toàn thể nhân dân để mọi người nhận thức được về giá trị, lợi ích của công trình thủy điện Thác Bà đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, kiến thiết và thống nhất đất nước. Huyện Yên Bình là nơi đạo Công giáo đến khá sớm (từ thế kỷ XVIII), có nhiều nhà thờ và giáo dân sinh sống (chiến 70%). Khi vận động chuyển dân, các thế lực chống phá, phần tử phản động tung tin “Cộng sản lợi dụng chuyển dân để phá đạo, giáo dân sẽ bị phân tán xen kẽ với người không theo đạo và sẽ không có nhà thờ để cầu nguyện…” dẫn đến hoang mang, lo sợ từ linh mục đến giáo dân, cuộc “cách mạng tư tưởng” vốn đã khó càng khó khăn hơn. Trên cơ sở đánh giá tình hình, hội nghị cán bộ cốt cán được tổ chức ở vùng giáo dân để quán triệt kế hoạch tổng thể chuyển dân vùng lòng hồ đối với bà con giáo dân; tọa đàm với linh mục, tu sĩ và các vị chức sắc. Mọi thắc mắc được giải đáp, sáng tỏ, phương án di dời được bàn bạc, thống nhất cụ thể. Thuận lợi và thật đáng mừng là nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình sớm được giác ngộ cách mạng, đã từng trải qua nhiều cuộc vận động như giảm tô, giảm tức, cải cách dân chủ, hợp tác hóa nông nghiệp, họ luôn vững tin vào Đảng và Chính phủ. Niền tin đó đủ lớn để họ đánh đổi, hy sinh để về nơi ở mới. Cuối năm 1962, cuộc vận động chuyển dân được thí điểm ở Chính Tâm và Tân Thành, hai xã tập trung hầu hết đồng bào Công giáo sinh sống, sau đó mở ra diện rộng, chia thành nhiều đợt. Cùng với vận động, chuyển dân, nhiệm vụ khai hoang được huyện Yên Bình đặt lên hàng đầu. Khai hoang đến đâu chuyển dân đến đó. Đợt 1 năm 1962 đã chuyển được 71 hộ về quê mới. Với tinh thần tự lực cánh sinh và sự giúp đỡ của cộng đồng, trong thời gian ngắn, số hộ di chuyển đợt 1 đã nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở và đi vào sản xuất. Sau thắng lợi của đợt 1, từ năm 1964 cuộc vận động chuyển dân đợt 2 được triển khai mạnh mẽ. Toàn đợt đã chuyển được 1.421 hộ dân, xây mới 36 sân kho, xây dựng các trường cấp I, II, trạm xá, nhà thờ, đồng thời chuyển hàng nghìn phần mộ của thân nhân bà con về quê mới thuộc các huyện Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên (Yên Bái) và các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà (Phú Thọ). Ngày 19/8/1964, Nhà máy thủy điện Thác Bà chính thức khởi công xây dựng. Từ tháng 7 năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Công trình thủy điện Thác Bà là một trọng điểm đánh phá ác liệt. Để đảm bảo tiến độ thi công nhà máy, Trung ương và tỉnh Yên Bái chủ trương, chỉ đạo chuyển dân nhanh gọn đợt cuối cùng. Cuối năm 1966 công tác chuyển dân cơ bản hoàn thành, 2.019 hộ gồm 11.050 nhân khẩu tiếp tục được chuyển đến quê mới. Do chiến tranh đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng ác liệt, công tác di chuyển số hộ dân còn lại kéo dài đến tận năm 1968. Kết thúc toàn đợt, huyện Yên Bình đã chuyển 8.913 hộ, 35.000 khẩu thuộc 37/39 xã của huyện sang quê mới, trong đó có gần một nửa chuyển sang huyện bạn, tỉnh bạn. Cùng với việc chuyển dân, đã chuyển hơn 35.000 di, hài cốt, 23.000 căn nhà, hàng chục nhà thờ, đền thờ, công sở, công trình công cộng, bệnh viện, trạm xá, kho tàng… Khi đó hoàn cảnh chiến tranh, chưa có chính sách đền bù tái định cư như sau này, trên thực tế Nhà nước chỉ hỗ trợ phần di chuyển và tạo điều kiện về địa bàn sản xuất tại nơi ở mới, còn lại là tự lực cánh sinh khắc phục mọi khó khăn của người dân. Thật đáng quý, thiêng liêng và lớn lao biết bao vì người dân đã đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, tất cả âm thầm nuốt nước mắt ra đi để có một thủy điện Thác Bà sáng cho cả nước. Cuộc vận động chuyển dân đi xây dựng quê hương mới phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà thành công có ý nghĩa kinh tế, chính trị và quốc phòng vô cùng to lớn!...

Kiêu hãnh Thác Bà

Công trường bất tử

Năm 1960, những người công nhân xây dựng đầu tiên đến Thác Bà, họ là những người lính Cụ Hồ vừa chiến thắng giặc Pháp từ khắp các chiến trường Bắc, Nam về đây, phần đông quân số thuộc Đại đoàn 308 do Đại tá Vũ Nhất là Chỉ huy trưởng công trường. Tiếp đó là các chàng trai, cô gái công nhân đến từ khắp nơi, nhưng nhiều nhất là Thái Bình, Nam Hà, Hải Hưng. Đặc biệt là hơn 100 chuyên gia Liên Xô từ khắp các nước cộng hòa đã về Thác Bà với tình hữu nghị quốc tế cùng những kinh nghiệm quý báu. Tất cả đều tràn ngập nhiệt huyết. Khác với dự tính, công việc chuẩn bị kéo dài đến gần 4 năm. Đó là những phần việc khổng lồ và khó khăn bao gồm mở công trường, mở đường khai thác vật liệu, xây dựng trạm nghiền sàng đá, trạm trộn bê tông, xưởng cưa xẻ, dựng lán trại công nhân, san núi, đắp đê quây, đào hố móng… Những máy khoan, máy ủi, máy xúc hối hả làm việc ngày đêm. Những hố móng khổng lồ ngốn hàng triệu khối đất đá cùng những lỗ khoan sâu vài chục mét tốn hàng nghìn tấn vữa, xi măng để kết cấu móng thủy điện thành một khối vững chắc. Mãi đến ngày 19/8/1964, nhà máy khởi công, đúng dịp kỷ niệm 19 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã trịnh trọng đặt những đồng tiền mang hình Bác Hồ, tượng trưng cho thời đại Hồ Chí Minh xuống nền móng thủy điện, đồng thời đổ mẻ bê tông đầu tiên vào hố móng. Sau ngày khởi công, từng tốp công nhân khẩn trương làm việc; từng đoàn xe chở bê tông, sắt thép nối duôi nhau rầm rập. Người đua sức với xe, với máy và chạy đua với cả thời gian. Công trình cứ thế lớn dần, cao dần. Nhưng bất ngờ, ngày 8 và 21/7/1966, từng đoàn, từng lũ máy bay Mỹ kéo đến, chúng chia thành nhiều tốp, rải bom xuống toàn bộ công trường trải dài ba, bốn cây số với ý định xóa sổ hoàn toàn nhà máy. Tất cả công trường bị khói bom chùm kín, các mảnh bom xé nát mọi thứ. Gần 100 cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc đã anh dũng hy sinh. Đau thương và lòng căm thù càng tiếp thêm sức mạnh. Bom dứt, tất cả lại lao ra công trường. Năm 1968 Mỹ ngừng ném bom. Tiến độ được đẩy lên, gấp gáp hơn, tranh thủ từng giây, từng phút. Công nhân hầu như không có phút rảnh rỗi, tất cả ăn ngủ ngay tại công trường, giàn giáo. Rồi ngày hội lấp sông cũng đến, một ngày đáng nhớ, ngày 22/2/1970. Người dân Yên Bình, có cả người già, trẻ con, thanh niên, nam, nữ các dân tộc nô nức đến để xem lấp sông, để xem công trình vĩ đại, như xem “ước mơ” của chính mình sắp thành hiện thực. Có nụ cười rạng rỡ tự hào, có gương mặt thán phục, ngỡ ngàng, có ánh mắt rưng rưng hạnh phúc. Từng đoàn xe gấu, xe bò tót nối đuôi nhau trút từng tảng bê tông khổng lồ xuống dòng thác hung dữ. Chỉ trong vòng 85 phút, dòng thác bị chặn đứng. Ngày hội lấp sông thành công trong sự hân hoan, vui sướng. Ở đó toàn là những người trong cuộc, những người từng thấm thía nỗi đau của những mất mát, cực nhọc nên niềm vui nhân lên biết nhường nào. 10 giờ sáng ngày 05/10/1971, giây phút lịch sử và thiêng liêng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị và Thủ tướng Chính phủ Liên Xô Pốtgornưi cắt băng khánh thành và khởi động tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Thác Bà. Dòng nước ào ra, tung bọt trắng xóa xuống hạ lưu sông Chảy, điện bừng sáng. Nhà máy bắt đầu chính thức hoạt động. Đó là ngày chào đời đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, tiếp sức sống mãnh liệt cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, cả nước náo nức hướng về Thác Bà, Yên Bái. Chúng ta đã chiến thắng! Chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng kẻ thù. Ngày 10/3/1972 tổ máy số 2 đi vào hoạt động; tiếp đến 19/5/1972, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, tổ máy số 3 khởi chạy. Nhưng một lần nữa, ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ mở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc. Lần này Ních Xơn sử dụng những thủ đoạn tàn bạo hơn với tuyên bố đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Chỉ sau ít ngày giặc Mỹ đã ném bom phá hủy hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc. Ngày 2/6/1972, máy bay Mỹ kéo lên Thác Bà, chúng tập kích bằng một trận bom bi nổ chậm rải thảm dày đặc khu vực nhà máy. Bom nổ bùm bụp suốt hai ngày. Nhà máy lập tức thành lập đội cảm tử, nhanh chóng nhặt phá bom bi. Bất chấp bom nổ chậm, lực lượng sửa chữa vẫn làm việc. Chỉ sau hai ngày, nhà máy lại phát điện bình thường. Không hủy diệt được nhà máy, ngày 10/6/1972 giặc Mỹ cay cú tổ chức một trận đánh quy mô lớn hơn với sự tham chiến của khoảng 50 máy bay hiện đại các loại, chia thành vòng trong, vòng ngoài, tầng bay thấp, tầng bay cao, đua nhau trút bom có điều khiển bằng laser vào giàn máy. Chúng chụp ảnh lại và huyênh hoang rằng miền Bắc Việt Nam và thủy điện Thác Bà khó có thể khắc phục được hậu quả. Tiếng bom vừa dứt, trong khói bom mù mịt, mọi người ào ra nhà máy tìm kiếm đồng đội mình xem ai còn, ai mất. Nhưng lạ thay, như một phép màu, công nhân, kỹ sư vận hành nhà máy dìu nhau ra không thiếu một ai. Khi khói bom vừa hết, đội kỹ thuật nhà máy đã ra khảo sát đống đổ nát và lập tức lên phương án sửa chữa. Phương án được cấp trên đồng ý. Chiến dịch sửa chữa được tổ chức. Thủy điện Thác Bà lại sục sôi làm việc. Mảnh bom xé nát thân máy, găm hàng trăm vết thương trong ruột máy, nhiều thiết bị tự động bị nghiền nát, các kỹ sư phải thiết kế lại theo kiểu Việt Nam. Cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy vừa khắc phục hậu quả vừa tổ chức lực lượng tự vệ chiến đấu phối hợp với bộ đội phòng không không quân sẵn sàng đánh trả khi lũ giặc quay trở lại. Trận địa phòng không vững chắc đã làm giặc phải run sợ. Một trong những chiến tích xuất sắc phải kể đến là máy bay cánh cụp cánh xòe F111C hiện đại nhất của Mỹ bị bắn rơi và máy bay Mỹ bị không quân ta đuổi đánh rơi ngay gần nhà máy. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ kết thúc, nhà máy lại dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thiện nhà máy. Sau hiệp định Pa ri, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nhà máy tiếp tục xây lắp, hoàn thiện. Đến tháng 7/1975 nhà máy thủy điện Thác Bà được xây dựng hoàn chỉnh như đúng thiết kế và bắt đầu bước vào một chặng đường mới phát triển nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức…

Kiêu hãnh Thác Bà

Vượt lên khó khăn

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, một lần nữa cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy thủy điện Thác Bà lại dồn sức lực và trí tuệ để hàn gắn vết thương, sửa chữa, hoàn thiện nhà máy. Hoàn cảnh đất nước khi đó rất thiếu điện, nguồn điện của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, nên Nhà máy thủy điện Thác Bà luôn phải hoạt động liên tục, hết công xuất, công nhân, kỹ sư làm việc ngày hai, ba ca. Nhà máy chỉ được dừng sửa chữa trong thời gian ngắn vào mùa nước cạn. Trong điều kiện thiếu vật tư, phụ tùng và hầu như không có chuyên gia hướng dẫn, cán bộ nhà máy đã tự mày mò, nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp nhà máy. Các cán bộ, kỹ sư nhà máy đã tự thiết kế, lắp đặt hệ thống chuyển đổi chế độ máy phát điện sang chế độ bù đồng bộ, nâng cao được hiệu quả sản xuất của các tổ máy vào những giờ thấp điểm. Năm 1982, nhà máy nâng công xuất các tổ máy từ 108MW lên 120MW. Trong rất nhiều năm, Nhà máy thủy điện Thác Bà luôn đứng vững và phát huy hiệu quả sản xuất. Khi xuất hiện các nhà máy lớn khác như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại… vai trò của Nhà máy thủy điện Thác Bà vẫn không hề giảm sút. Năng lực sản xuất của nhà máy vẫn từng bước được nâng lên, công xuất phát điện cao hơn cả công xuất thiết kế, chế độ hoạt động linh hoạt và ổn định. Năm 1992, nhà máy liên tiếp xảy ra 5 vụ nổ các máy cắt. Nhiều người cho rằng các máy cắt này không đảm bảo tiêu chuẩn vì ta cóp nhặt chúng từ các thiết bị phế thải ở các kho của Ban quản lý công trình điện về sửa chữa, chắp vá lại. Nhưng qua phân tích nghiên cứu, nguyên nhân chính là do hệ thống cung cấp khí nén không đảm bảo độ khô sạch. Các kỹ sư đã cải tạo hệ thống khí nén, lắp thêm bình chứa để khí nén bão hòa có đủ thời gian tách ẩm. Năm 1993, ổ đỡ tổ máy số 2 liên tục bị sự cố cháy Ba bít. Qua nghiên cứu, nguyên nhân được xác định là do mặt gương bị giảm độ bóng từ cấp 9 xuống cấp 6, ma sát ở ổ đỡ đã vượt quá giới hạn cho phép. Việc khôi phục mặt gương phức tạp, tốn kém, lâu dài. Trong tình hình đó, các kỹ sư nhà máy đã mạnh dạn cải tạo kết cấu ổ đỡ khác với thiết kế của nhà chế tạo để tăng bề dày lớp dầu bôi trơn, làm giảm ma sát ở ổ đỡ. Đó là những cách làm sáng tạo đã đem lại thành công và hiệu quả. Khi thiết kế nhà máy, các chuyên gia dự tính tuổi thọ của nhà máy là 150 năm, đó là khi hồ chứa đã bị bồi lấp 0,75 tỷ mét khối đến mực nước chết. Với dung tích còn lại trên 2 tỷ mét khối nước, nhà máy sẽ tồn tại nhiều năm sau đó. Như vậy tuổi thọ của nhà máy là rất dài, vấn đề là qua thời gian, các thiết bị máy móc sẽ già cỗi, xuống cấp, lạc hậu dần, điều đó đồng nghĩa nhà máy phải đầu tư, nâng cấp liên tục và lâu dài. Trong những năm gần đây, nhà máy đã từng bước thay thế một số thiết bị quan trọng như máy cắt SF6 của Đức, tổng đài điện tử tự động của Mỹ… Trong suốt thời gian vận hành, nhà máy hầu như không xảy ra tai nạn lao động chết người nào, đó là điều hiếm thấy ở các nhà máy điện. Việc cảnh giác, tuân thủ quy định, quy trình an toàn luôn được nhà máy đề cao. Chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, nâng cao trình độ quản lý, tiếp thu kỹ thuật khoa học công nghệ mới là việc làm luôn được lãnh đạo nhà máy quan tâm, chú trọng. Vì vậy, thủy điện Thác Bà không chỉ có đội ngũ cán bộ, kỹ sư vững về chuyên môn, tự đảm nhiệm công việc đại tu, sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thiết bị, không phải thuê chuyên gia nước ngoài, mà còn là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho các thủy điện khác trong cả nước. Đã có tới những 5 giám đốc các nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam trưởng thành từ thủy điện Thác Bà. Từ sự đổi mới quản lý của Nhà nước và ngành điện, nhà máy đã kịp thời vận dụng, xây dựng các quy chế quản lý mới phù hợp hơn trên các lĩnh vực quản lý lao động và phân phối lợi ích. Cũng từ đó trách nhiệm, hiệu quả sản xuất càng được nâng cao. Được sự quan tâm của cấp trên, các kế hoạch sửa chữa, phục hồi, từng bước hiện đại hóa nhà máy được xét duyệt và cấp vốn, nhờ vậy cán bộ công nhân đảm bảo thu nhập ổn định, cuộc sống dần được nâng cao, phúc lợi tập thể ngày một tăng. Cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, bộ máy của thủy điện Thác Bà ngày một đổi mới. Nhà máy ngày càng khang trang và đẹp hơn. Một dấu mốc đáng nhớ là ngày 30/3/2005, Nhà máy thủy điện Thác Bà được Bộ Công thương quyết định chuyển thành Công ty thủy điện Thác Bà, đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 24/10/2005, Bộ Công thương tiếp tục ra quyết định phê duyệt phương án chuyển Công ty thủy điện Thác Bà thành Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà. Ngày 31/3/2006 Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà chính thức hoạt động theo hình thức cổ phần hóa với số vốn điều lệ là 635 tỷ đồng. Ngày 29/8/2006, cổ phiếu của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà (mã chứng khoán TBC) chính thức được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà cho biết: “Những bước tiến mới này là kết quả của việc đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, Hội đồng Quản trị công ty trong công tác điều hành. Đặc biệt từ sau cổ phần hóa, nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt được áp dụng, nhịp độ tăng bình quân hằng năm về tổng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức thực hiện luôn ở mức cao và vượt so với phương án cổ phần hóa”. Năm 2023 doanh thu của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà là 571 tỷ đồng. Tỉ lệ trả cổ tức 20%. Sản lượng điện sản xuất hợp nhất là 567 triệu KWh, sản lượng điện giao nhận là 557,6 triệu KWh. Năm 2024, Thủy điện Thác Bà dự kiến doanh thu tăng 22%, lãi ròng tăng 32% so với năm trước. Những thành tích xuất sắc của thủy điện Thác Bà đã được Đảng, Nhà nước, cấp trên ghi nhận bằng các phần thưởng, huân chương cao quý, cùng hàng trăm bằng khen các loại như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Những kết quả này là cả một quá trình gian khổ, cực nhọc, kiên trì, sáng tạo, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, kỹ sư, công nhân thủy điện Thác Bà. Nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình tự hào với công trình thủy điện đầu tiên, góp phần thống nhất và xây dựng đất nước, hơn 50 năm, nhà máy vẫn sung sức, cần mẫn, phát huy hiệu quả sản xuất, không phụ sự hy sinh, lòng tin yêu của nhân dân, Đảng và Nhà nước.

Kiêu hãnh Thác Bà

Tiềm năng vô tận

Cùng với xây dựng nhà nhà máy thủy điện, hồ Thác Bà được hình thành, là hồ nhân tạo lớn thứ hai của Việt Nam. Với 19.050ha diện tích mặt nước, sức chứa 3,9 tỷ mét khối nước, 1.300 hòn đảo lớn nhỏ và hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong núi đá vôi, hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi”, được công nhận Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia năm 1996… Ngoài các lợi ích như điều hòa không khí, duy trì cân bằng sinh thái, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt… hồ Thác Bà đã tạo ra những tiềm năng vô cùng lớn khác bên cạnh tiềm năng về điện.

Ngoài sông Chảy, hồ Thác Bà còn có ngòi Hành, ngòi Cát cùng nhiều sông suối nhỏ đổ về cung cấp nước, tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phù du; nguồn nước trong lành, không bị ô nhiễm bởi không có các nhà máy sản xuất công nghiệp, đây là tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn để huyện Yên Bình phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm trước đây huyện Yên Bình chưa có doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định; chưa có nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá và chế biến thủy sản... mặc dù vậy nghề nuôi cá ở hồ Thác Bà vẫn hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô ngày càng lớn. Từ năm 2016 đến năm 2020, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhờ vậy, số lượng lồng nuôi cá, diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá và tổng sản lượng thủy sản của huyện tăng lên nhanh chóng. Theo khảo sát của Chi cục Thống kê tỉnh Yên Bái, năm 2022, sản lượng thuỷ sản của huyện Yên Bình đã tăng đến 7.820,2 tấn, trong đó sản lượng cá lồng hồ Thác Bà đạt 6.669,05 tấn, đưa giá trị thủy sản hàng năm của Yên Bình tăng bình quân 31,5%, chiếm 21,5% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Hiện nay hầu hết các cơ sở và hộ nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Với chủ trương phát triển các sản phẩm có uy tín và giá trị kinh tế cao, đến nay Yên Bình đã có 10 sản phẩm cá hồ Thác Bà được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Huyện Yên Bình đang phấn đấu đến năm 2025 phát triển được trên 2.500 lồng cá trên hồ Thác Bà, sản lượng khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó 50% sản lượng được qua chế biến xuất khẩu; phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân/ha nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/năm. Ngoài việc đánh bắt tôm tự nhiên trên hồ bằng rọ, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững của huyện Yên Bình, đem lại cuộc sống ấm no, khá giả cho nhiều hộ dân.

Về tiềm năng du lịch, với diện tích mặt nước rộng, nhiều đảo xanh, thảm thực vật phong phú, hệ thống hang động đẹp, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ, bên cạnh là các làng bản với những nét văn hóa đa dạng, độc đáo, đặc biệt là văn hóa phi vật thể và ẩm thực; tiếp đến là các danh thắng, di tích xung quanh hồ… tất cả đang tạo ra những tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Trước đây hoạt động du lịch vùng hồ Thác Bà chủ yếu dựa trên việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa, trong đó hai mô hình du lịch chủ yếu là khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung và mô hình du lịch cộng đồng. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội, cần theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhiều năm qua, huyện Yên Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá hồ Thác Bà, nhà máy thủy điện, du lịch tâm linh và xây dựng các tour du lịch kết nối khác. Việc khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ du lịch vùng hồ Thác Bà đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên tiềm năng du lịch hồ Thác Bà vẫn còn nhiều bỏ ngỏ, khai thác chưa xứng với tiềm năng. Thật đáng mừng, ngày 10/05/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Với đặc điểm thuận lợi là khu vực trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, an ninh năng lượng, thủy lợi với các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu, bảo tồn… Quy hoạch được triển khai sẽ thúc đẩy phát triển hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao mở ra cơ hội lớn để đưa du lịch hồ Thác Bà phát triển tầm cỡ quốc gia, quốc tế và là một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Với những giải pháp cụ thể cho từng bước đi, những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, của huyện, hứa hẹn hồ Thác Bà sẽ phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là phát triển gắn với triết lý của tỉnh Yên Bái, đó là phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc!...

Thật đáng tự hào, hơn nửa thế kỷ đi qua từ khi hình thành, Thác Bà hôm nay không chỉ là nhà máy phát điện, hồ thủy điện mà đã đã trở thành di tích, danh thắng với vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp sáng ngời từ lịch sử, ý chí, trí tuệ con người.

Thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia Yên Bái: Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình, đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023 và công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 Sẽ có kết luận chính thức về thủy điện xả lũ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2016. Đập thủy điện ở đầu nguồn MEKONG và mối đe dọa nông nghiệp Đông Nam Á Bản biệt lập ven hồ thủy điện
Tạp chí Văn nghệ Yên Bái
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.