Nhà tôi ở Thị Nghè phía trước là hàng me rợp bóng chạy dọc theo con đường đá lát cũ kỹ dẫn tới chiếc cầu đúc cũng cũ kỹ nằm uốn cong qua nhánh sông Sài Gòn. Căn nhà tôi chỉ nhớ mang máng, cả con đường cả chiếc cầu cũng vậy.
Nhưng cái ngày khởi nghĩa thì tôi không làm sao quên được. Nhớ một buổi sáng đột nhiên có tiếng động khác thường đánh thức tôi dậy. Tôi chạy ra thì thấy cờ đỏ rợp trời, thanh niên nam nữ vác gậy tầm vông chạy tới chạy lui chật cả đường phố. Thỉnh thoảng có những chiếc xe hơi ghé ngang, một số thanh niên chạy ào ra đẩy lên đó một thằng Tây bụng phệ bị chói chặt. Lúc đó là lúc vui nhất. Cả đám thanh niên la hét cười rộ lên, đám con nít tụi tôi không biết gì cũng la hét theo. Nhất là dọc hai bên phố trên những tầng lầu cao, các cửa lớn cửa nhỏ đều mở toang, dân phố ra đứng chật ngoài bao lơn, trên khung cửa la hét chỉ trỏ cười rộ lên từng chập theo với đám thanh niên dưới đường. Tôi nhớ rõ ràng như vậy có thể sau này qua các câu chuyện của ba má tôi, ký ức của tôi được tô đậm thêm, bày vẽ thêm chút ít nhưng rõ ràng là tôi nhớ nhất là hình ảnh những lá cờ, thằng Tây bụng phệ, các cửa lớn cửa nhỏ mở toang trên các tầng lầu cao.
Sau đó rồi ba tôi đi kháng chiến, cả gia đình tôi vào ở trong vùng chiến khu, một làng heo hút ven Đồng Tháp Mười. Ở đó tôi có những thú vui mới: chống xuồng đi lấy mật ong, bắt ổ chim trong rừng tràm, lội bưng hái sen, móc củ co, củ năng, giăng câu, bẫy chuột, theo mấy anh mấy chú bắt rùa, bắt rắn, vân vân... tuy vậy thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về Sài Gòn, về căn phố con đường, chiếc cầu uốn cong qua nhánh sông Thị Nghè của tôi. Không phải tôi nhớ về những ngày được sống bình yên sung túc, lúc đó tôi còn nhỏ quá - mà tôi nhớ về những kỷ niệm ấu thơ không bao giờ trở lại của tôi. Chao, hàng me trước cửa nhà tôi sao mà đẹp vậy, bóng rợp tỏa mát mặt đường từ sáng tới chiều, những tháng me có bông, cánh bông rụng trắng, rồi tới me có trái non, trái già, trái chín. Bao nhiêu là thú vui dưới gốc me đối với tuổi thơ tôi lúc đó. Ước chừng tôi yêu hàng me bằng yêu cả Sài Gòn, hay nói cách khác cả Sài Gòn đối với tôi lúc đó thu gọn dưới gốc me. Lại còn cả con đường nữa, lại còn chiếc cầu nữa, lại một Sài Gòn hai Sài Gòn ở những nơi đó nữa. Rồi còn cái ngày với những lá cờ đỏ, với những cánh cửa mở toang. Chao!.
Với tấm lòng thiết tha đó, hòa bình lập lại tôi trở về Sài Gòn. Sài Gòn bây giờ không còn chỉ thu gọn dưới gốc me, ở con đường, ở trước cầu đó nữa. Sài Gòn còn có tầng lầu cao kia kìa, còn có căn hầm kia kìa, còn có xưởng may, nhà thờ, trường học, bệnh viện, rạp chiếu bóng, quán, tiệm, vân vân... Cứ mỗi một năm qua, thêm một tuổi đời tôi lại hiểu Sài Gòn thêm một chút. Tôi hiểu rằng trên lầu cao kia không chỉ có cô nữ sinh với hai bím tóc ngây thơ thường cắp sách qua nhà tôi khiến cả bọn con trai chúng tôi xao xuyến, mà còn hiểu rằng trên đó có một “xì-nách-ba” đêm đêm vọng lại tiếng trống, tiếng đàn của các vũ điệu “rốc-en-rôn”, “túyt”, vân vân... vọng lại tiếng la hét, gào rú cuồng loạn của đám thanh niên tuổi đời đáng lẽ hứa hẹn một tương lai sáng lạn, rực rỡ thì lại buồn chán “nôn mửa”, chỉ sống cho cái “hiện sinh” chớ không biết gì khác nữa, không biết mình sống vì ai và phải làm gì. Và cái căn hầm kia nữa, là cái “hang Thạch Sanh cứu công chúa” trong những trò tưởng tượng của trẻ con chúng tôi thuở nào thì nay đêm đêm vọng lại tiếng rú thất thanh của những người bị tra tấn: bọn cảnh sát đã biến căn hầm đó thành phòng điều tra xử tội những người bị “phạm” vào đạo luật 10/59. Còn xưởng máy nước kia nữa, xưởng sản xuất ra những món hàng đẹp rực rỡ nhưng những người công nhân ở đó sống ra sao? Sống có ra thân phận con người không? Còn trường học kia nữa cô gái ngây thơ trong trắng kia hằng ngày học những gì? Và bao lâu nữa thì cô rời cặp sách, leo lên cái sân thượng kia mà nhảy “tuýt”, “rốc-en-rôn” với đám thanh niên “nôn mửa” kia? Lại còn những nhà thờ, những quán, tiệm, rạp chiếu bóng kia nữa... Chao, cứ càng lớn lên tôi càng cảm thấy thêm, hiểu thêm, đau xót thêm.
Nhưng đồng thời tôi cũng càng vững tin thêm.
Niềm tin đó hầu như không phải xuất phát từ lý trí của khối óc mà từ tình cảm của trái tim tôi. Cơ hồ như lúc mới sanh ra tôi đã có niềm tin đó rồi vậy. Tôi thường tự nhủ: “Không, Sài Gòn không thể như vậy hoài được. Sài Gòn phải nổi dậy. Sài Gòn phải được giải phóng thôi”. Tôi nghĩ như vậy nhưng biểu tôi cắt nghĩa điều đó ra thì một câu một chữ tôi cũng không nói được. Trong lúc đó tôi vẫn cắm cúi học, tôi học chuyên khoa toán điều đó càng khiến tôi thêm cay đắng. Hằng ngày tôi giải không biết bao là đáp số trong sách vở trong lúc ở ngoài đời tôi không giải được gì cả. Tại sao khắp Sài Gòn bên cạnh những bin-đinh cao ngất với những người sang trọng quần áo là lượt, thức ăn thức uống toàn cao lương mỹ vị lại có những căn chòi lụp xụp tồi tàn với những người sống cơ cực tối tăm. Tại sao ở dưới nông thôn không thiếu gì đồng ruộng bỏ hoang, cả Đồng Tháp Mười rộng mênh mông không người cày cấy mà ở đây thanh niên trai trẻ đầy sức lực, trai thì trốn chui trốn nhủi trên sân thượng bao lơn, gác chuông tránh bị bắt lính, gái thì son môi má phấn, trời chưa sụp tối đã ra đứng đầy ngoài đường trơ trẽn mời mọc khách làng chơi, đường nào cũng có, phố nào cũng có, thậm chí cả trên đường Nguyễn Du! Tại sao lại như vậy? Cái gì đã đưa Sài Gòn đến nông nỗi như vậy?
![]() |
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn thanh niên thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường reo hò. Ảnh: Tư liệu |
Với đầu óc của anh tiểu tư sản tôi không tự giải thích được điều đó, trong lúc làn sóng cách mạng cứ lặng lẽ đưa tôi đi từng bước một. Cho đến một hôm tôi ghé vào được bến... Người ra đón tôi là anh Lư Sanh Lộc, sau này là hội trưởng Hội học sinh, sinh viên. Tôi học cùng lớp, ngồi cùng bàn mà mãi tôi vẫn không hay biết gì. Hôm đó nhân một vụ bãi khóa của trường chúng tôi đấu tranh đòi dạy tiếng Việt thay tiếng Pháp ở tất cả các chuyên khoa. Tôi ở nhóm đấu tranh quyết liệt nhất nên bị tên khoa trưởng hăm đuổi khỏi trường. Anh mới đến bên tôi, nhìn tôi một lúc rồi dịu dàng nói, lời nói đơn giản nhưng sắc cạnh, từng chữ từng câu nặng trịnh, sáng chói mà tôi còn nhớ mãi: “Ông tổng thống nói nước nhà độc lập rồi, sao vẫn còn sợ thằng Tây quá vậy? Thật là tức cười, học trò là người Việt thầy giáo là người Việt nhưng lại nói với nhau bằng tiếng Tây mà nói có dễ dàng gì cho cam!”.
Quả thật là tức cười, tôi nhớ người thầy dạy môn toán vi tích phân của chúng tôi vốn là người tốt, lúc lên bục giảng thầy nói mau một lượt bằng tiếng Pháp rồi sau đó ra ngoài nói lại bằng tiếng Việt, nói một cách thoải mái giản dị hơn. Thường chúng tôi học được nhiều ở bên ngoài hơn là ở trong nước.
Kể từ hôm tôi quen được anh Lộc, được anh chỉ bảo cho nhiều điều, tôi thấy lòng bình yên trở lại. Tôi bắt đầu bớt đến học ở lớp, cũng bớt đi chơi ở ngoài, chỉ thường đến nhà anh thôi. Chính lúc đó tôi mới thực sự hiểu Sài Gòn hơn, nhìn thấy Sài Gòn đúng hơn, quan sát Sài Gòn được rộng rãi hơn. Tôi rời Sài Gòn sau ngày Đồng khởi, lúc đó tôi đã là một thanh niên rồi, sức lực đầy đủ, hiểu biết thì anh Lộc đã trang bị cho không thiếu một điều gì. Dạo đó tôi hào hứng phấn khởi một cách lạ thường, rời mảnh đất tôi đã sống bao nhiêu năm mà lòng bịn rịn, lưu luyến chìm lỉm đi trong niềm lạc quan, tin tưởng. Tôi tin chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trở lại Sài Gòn, trở lại không phải với dáng điệu “lóm thóm” như hồi 1954 đi năn nỉ xin được ở nhà, xin được lớp học. Tôi sẽ trở về trong đoàn quân giải phóng, tay cầm súng, đi đến đâu là bọn giặc run sợ bỏ chạy tới đó!
Và quả đúng như vậy thật!
Tết Mậu Thân năm 1968 tôi theo đoàn quân tiến về Sài Gòn đầu tiên. Chúng tôi theo con đường lộ 4 đánh cắt vô, chỉ trong một ngày đầu đã chiếm cả một vùng rộng phía tây thành phố. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu sự khiếp sợ của bọn giặc là như thế nào. Có lúc chỉ cần chúng tôi giương súng chạy ngang qua trước cửa thôi là bọn chúng bỏ chạy ráo. Có lúc chúng tôi đến đóng tầng lầu dưới, chúng ở tầng lầu trên mà chúng vẫn im thin thít, không dám động đậy. Có lúc bỗng nhiên thấy một toán chúng cắt đường kéo đến tưởng là liều mạng xông vô đánh ta, nào ngờ là kéo tới hàng. Như lời những người già cả thường nói hễ “tới lúc” rồi, thì chính giữa ruột là nơi “thúi” trước tiên.
Và cũng chính lúc đó tôi mới thực sự hiểu lòng dân Sài Gòn là như thế nào. Chúng tôi đục tường làm đường dẫn quân đánh tới, bà con ráp đục với chúng tôi. Chúng tôi nổ súng xung phong truy kích giặc, bà con chạy theo sau vác đạn tải thương, có khi còn tình nguyện làm trinh sát dẫn chúng tôi đi nữa. Đường Sài Gòn chằng chịt như bàn cờ nhưng không lúc nào chúng tôi đi lạc. Có lúc đơn vị chúng tôi còn được hai người “cảnh sát công lộ” dẫn đường cho đi nữa. Hai anh nói “chúng tôi suốt đời chỉ có làm lính, hôm nay mới được làm “dân” đây!”. Đó, nguyện vọng của người dân Sài Gòn là như vậy đó, chỉ cần được làm người “dân Sài Gòn” đã là hạnh phúc lắm rồi. Một dạo đơn vị chúng tôi phải trụ lại đón đánh một đơn vị rất đông quân Mỹ, chúng tôi chỉ có hơn ba trăm mà tụi Mỹ thì có tới trên dưới một ngàn. Chúng tôi đánh suốt ngày đêm rồi suốt ngày đêm hôm sau nữa. Chúng tôi bị thương vong nhiều, lương thực không còn gì nữa, chỉ có nước lã uống với nhai ba cây bông mười giờ ở các chậu kiểng cầm hơi. Chúng tôi bèn quyết định mở một đợt xung phong quyết liệt đánh dạt chúng để lấy đường đi tới. Chúng tôi căng hàng ngang súng đầy đạn, lưỡi lê giương sẵn, súng lịnh vừa nổ là nhất loạt siết cò, chạy cắm vào giữa đội hình thằng giặc. Bọn giặc bị bất ngờ tháo chạy, chúng tôi thừa cơ lao tới, đột nhiên giữa chừng một trận mưa - không phải mưa đạn mà là mưa thức ăn rớt trên đầu chúng tôi. Nào là xôi, bánh mì, nào thịt gà, trứng, bánh, trái cây... Té ra suốt mấy ngày nổ súng, nhà cửa đường xá cả một vùng tan tác cả, dân phố vẫn bám lấy trận địa, vẫn theo từng bước tiến của chúng tôi. Chúng tôi đón lấy thức ăn, tranh thủ trong mấy phút phần ăn phần cất rồi tiếp tục đánh tới nữa, đánh với sức mạnh mới cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng tôi nổ súng như mưa vào bọn chúng, chỉ trong mấy phút cả đội hình chúng tan tác cả. Chắc rằng về sau có đứa còn sống chúng hẳn kinh hoàng về trận mưa đạn đó của chúng tôi. Nhưng nếu biết được về trận mưa thức ăn kia hẳn chúng còn kinh hoàng hơn nhiều
*
Giờ đây, sau hơn bảy năm tôi lại về Sài Gòn. Tôi đã nhìn thấy hàng me kia rồi, nhìn thấy con đường dẫn tới chiếc cầu uốn cong qua nhánh sông Sài Gòn kia rồi. Chao, cả thành phố đỏ rực màu cờ, đỏ rực lửa chiến thắng còn hơn trí tưởng tượng của tôi nữa, hơn cái ngày khởi nghĩa năm 1945 mà trong suốt ba mươi năm ký ức tôi không ngừng tô đậm thêm, hơn hồi tết Mậu Thân năm 1968 oanh liệt vẻ vang kia nữa. Các cánh quân phía Bắc, phía Nam, phía Đông, phía Tây tôi theo cánh quân nào đây? Đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du..., tôi chạy trên con đường nào đây? Các má, các ba, các anh chị em, các cô chú bác, tôi nắm lấy tay ai trước tiên đây? Ôi thật là như trong giấc mơ vậy! Ôi anh bộ đội Giải phóng quân cho tôi chạy sát theo sau anh, bước đúng vào chỗ chân của anh, dấu chân của người chiến sĩ đầu tiên về giải phóng thành phố sau hơn trăm năm bị hết bọn giặc Tây tới bọn giặc Mỹ chiếm đóng. Cho tôi ngồi dưới gốc me này, ngồi yên lặng để những cánh bông me phủ trắng trên tóc mà hồi tưởng lại tuổi ấu thơ vừa đẹp đẽ vừa đau xót của tôi.
Và kia cô em gái ngày nào với hai bím tóc ngây thơ, em cho anh theo em đến trường với, đến ngồi một phút ở lớp học, trên đúng chiếc bàn vấy mực năm xưa, nhưng không phải nói với nhau bằng tiếng Pháp, tiếng Anh mà bằng tiếng Việt, và câu đầu tiên chúng ta học với nhau là Ngày hôm nay là ngày đầu tiên sau hơn một trăm năm thành phố Sài Gòn đã được giải phóng!...
Nhưng thôi, tôi xin tạm dừng bút để theo kịp đoàn quân giải phóng.
(Ngày 30.4.1975, ngày Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng)