Hôm nay tôi nghỉ học, ra sông lớn tìm bạn câu cá, thả bè. Bỗng thấy trong bụi tầm vông, cạnh bờ rạch sát mí nước, một chiếc cà rèm dựng tạm, một người đàn bà nằm ngủ trong đó. Dưới bến chiếc xuồng buộc đậu, bốn thanh chống cà-rèm đứng chỏng chơ. Tôi đứng nhìn một lúc, lấy làm lạ. Nhưng một đứa trẻ không thể nghĩ gì xa hơn, tôi đi tiếp. Ra sông lớn không tìm được thằng bạn nào, tôi quay về.
1.
Đến chỗ bụi tầm vông thấy có đông người bu quanh. Ông Tám thợ rèn, không biết bao nhiêu tuổi, cao nhòng, dắt theo con chó vàng, đứng sát chiếc cà rèm ngó vào. Con chó cũng ngó theo. Bà Năm đan rế, già khú đế, mắt mũi lèm nhèm đứng kế bên, hỏi ông Tám điều gì đó. Nhưng ông Tám không trả lời. Bà Tư bán bánh chuối, nhà gần đó, đứng cạnh cô giáo Ngân trắng trẻo mảnh mai, dạy học chung trường với má tôi.
Mọi người bàn tán: Người đàn bà từ đâu đến? Ghé đây làm gì? Sao ngủ bờ bụi như vầy?
Một người đàn ông lạ mặt đi ngang, mang kiếng mát, bước đi nhún nhảy, dáng trai lơ đỏm dáng. Thấy đám đông người đàn ông lạ mặt ghé vào, đứng sau cô giáo Ngân nhìn vào chiếc cà rèm. Cô giáo Ngân đứng né ra một chút. Người đàn ông nhìn người đàn bà chăm chú, bỗng bật cười, hút gió một điệu nhạc vui tươi, ghé tai cô giáo Ngân nói nhỏ điều gì đó. Cô giáo Ngân đứng né ra xa hơn. Người đàn ông nhún nhảy bỏ đi.
“Thằng nào vậy?”, bà Tư bán bánh chuối hỏi.
“Cháu không biết”, cô giáo Ngân đáp.
“Nó nói gì với mày?”.
“Cháu không nghe”, cô giáo Ngân lắc đầu vẻ sượng sùng, rồi bỏ đi.
Người đàn bà vẫn ngủ, hay giả vờ ngủ. Mọi người tiếp tục bàn tán.
“Coi vẻ con nhỏ muốn ở đây”, bà Tư bán bánh chuối nói.
“Được thôi. Có thêm người, càng đông vui”, ông Tám thợ rèn nói. Ông có tật hay cà rỡn.
“Nhưng biết người như thế nào?”, bà Năm đan rổ nói, miệng móm mém không còn cái răng. Rồi nói tiếp: “Mình ở đây không có quê hương làng xóm gì hay sao?".
“Làng xóm quê hương thì cũng có”, bà Tư bán bánh chuối nói. “Nhưng người ta lỡ đường, cũng có vẻ cùng đường rồi. Lại đang có chửa, đuổi đi đâu?”.
“Ai có chửa?”.
“Thì coi kìa!”.
Mọi người nhìn xuống, thấy ra điều nãy giờ không ai nhìn thấy. Bụng lùm lùm, mặt xanh rớt, cổ phập phồng, không có chửa thì là cái gì?
“Ôi trời đất ơi, lại thêm chuyện”, bà Năm đan rế nói.
“Vậy không phải một người, mà hai người", ông Tám thợ rèn nói. “Càng vui hơn”.
“Vui làm sao? Sanh đẻ ai lo?", bà Tư quạu quọ “Ông lo được không?”
“Tôi một thân một mình”, ông Tám cười cùng cục. “Đem về nhà thành vợ còn gì?".
“Vậy thì đừng nói”, bà Tư nói. Rồi nói với mọi người: “Bà con thấy sao? Có ai có ý gì không?”.
Không ai có ý gì cả. Bà Tư nói:
“Vậy để tôi lo”.
Chuyện trở nên đơn giản. Người nhà quê không nhiều lý lẽ dông dài. Bà nói bà sẽ che chòi cho người đàn bà ở ngoài vườn chuối, không để bụng mang dạ chửa nằm ngoài đường như vầy. Mọi người một tay thu xếp đồ đạc cho người đàn bà, không có gì nhiều, chỉ một túi xách nhỏ. Chiếc xuồng và chiếc cà rèm của người khác, lát nữa chủ sẽ tới lấy.
Tôi đi chơi lòng vòng đến trưa trở về, ngang bụi tầm vông thấy người đàn ông lạ mặt quay trở lại từ hồi nào, đứng nhìn vào bụi tầm vông. Không còn gì ở đó cả. Chiếc xuồng chiếc cà rèm chủ đã lấy mất, chiếc chiếu rách mọi người cũng túm đem theo. Chỉ còn khoảng đất trống đầy lá tầm vông khô dập nát. Người đàn ông vẫn đứng, trầm ngâm, buồn bã. Tôi lấy làm lạ, nhưng rồi cũng không nghĩ gì xa hơn, bỏ đi.
2.
Chuyện là như vậy, thậm chí còn chưa bắt đầu. Tôi năm đó bảy tuổi. Tôi quên chuyện đó ngay. Nhiều ngày sau, một hôm tôi nghe má và dì Hai nói chuyện, có nói tới “con nhỏ” và “bụi tầm vông”. Nhớ lại chuyện cũ tôi nói có thấy người đàn bà đó. Má và dì Hai hỏi tôi thấy như thế nào? Tôi nói thấy người đàn bà nằm ngủ trong bụi tầm vông, nhiều người bu quanh, ông Tám thợ rèn cười giỡn, bà Tư rầy la. Rồi có người đàn ông lạ mặt đi ngang nói nhỏ vô tai cô giáo Ngân điều gì đó.
Dì Hai tôi hoảng hốt la lên, ôi trời đất ơi thằng nhỏ này thấy làm chi? Sao lại thấy? Rồi hỏi tôi còn nghe thấy gì nữa không? Tôi nói còn nghe bà Tư nói người đàn bà có chửa, bà nhận đem về nuôi, cho căn chòi lá chuối cho ở sau vườn. Tôi đi bắn chim đến sau vườn có thấy căn nhà lá chuối đó. Khu vườn chuối rộng mênh mông, căn chòi nhỏ xíu, như chòi giữ dưa, không có cửa gì cả. Có lần tôi thấy người đàn bà từ ngoài đi vào, không biết sao vô nhà được...
“Vậy nó nghe thấy hết rồi còn gì!", dì Hai kêu lên. Rồi căn dặn tôi: “Nè, dì nói cho mà biết, không được nghe, không được thấy gì hết, nghe không? Dơ dáy lắm! Tao cấm!”.
Má tôi nói lỡ rồi, tôi đã nghe thấy rồi thôi đi làm sao được. Nhưng má dặn tôi đừng đến nhà bà Tư, không nghe thấy chuyện gì nữa. Con nít lo học không nghe chuyện người lớn.
Tôi không đến nhà bà Tư, nhưng tiếng xì xào vẫn lọt vào tai, kết hợp chuyện này nọ, tôi hiểu ra phần nào. Không hiểu hết, nhưng cũng hiểu. Tôi có nên nói ra không?
Thôi tôi nói một lần để không nói nữa. Chuyện là như vầy... Hôm đó người đàn ông lạ mặt nói nhỏ vô tai cô giáo Ngân, cô giáo Ngân vào trường nói với má tôi, má tôi về nói với dì Hai tôi. Rằng người đàn bà đó là gái giang hồ, là con đĩ! Loại đĩ trên sông, còn gọi là ghe không chèo, thả tới lui theo nước lớn ròng. Tôi mới bảy tuổi, chỉ biết vậy thôi.
3.
Mấy tháng sau. Tôi đi dọc theo đường làng, hăm hở vui thú. Có thằng bạn đang chờ thả bè ngoài sông lớn. Nhà bà Tư bán bánh chuối kia rồi. Nhớ lời má dặn tôi không ghé, cũng không ngó vào. Tôi ngó ra sông đi ngang qua. Tôi đã đi qua khỏi. Chợt nghe tiếng thình thịch. Tôi quay lại thấy bà Tư đang chạy đuổi theo, hớt hơ hớt hải:
“Thằng nhỏ, lại đây! Vô đây bà Tư nhờ chút!”.
Bà kêu giọng mềm mỏng nhưng thái độ rất cương quyết, chạy tới lôi tôi lại. Tôi bị bà Tư níu chặt lôi đi sền sệt, đến ngõ bà kéo tôi đứng lại, một tay kéo quần tôi xuống, tay kia lòi ra chiếc gáo dừa dí sát vào bụng dưới
tôi:
“Đái đi! Cho bà xin chút nước đái! Thằng nhỏ giỏi ghê!”.
“Cháu không mắc...”.
“Không mắc cũng đái. Lẹ lên! Nghe lời bà Tư không?".
Tôi chưa bị “vụ” này lần nào. Tôi có biết chuyện người lớn xin nước đái con nít trị bịnh sản hậu cho đàn bà sanh đẻ. Tôi biết vậy thôi, giờ đang bị bà Tư kẹp chặt như vầy. Thường tôi đái dễ dàng, không mắc cũng đái. Đái thi với mấy thằng bạn, đái xỉa vô ổ kiến lửa. Đằng này bị ép buộc. Nhưng rồi tôi cũng đái được lưng chiếc gáo dừa, nước trong vắt. Bà Tư khen tôi “dễ thương”, buông tôi ra. Tôi vùng chạy như bị ma đuổi.
4.
Rồi tôi cũng quên chuyện đó. Sau đó không nhớ bao lâu, tôi nghe má và dì Hai thì thào chuyện sanh đẻ, loáng thoáng có tiếng “chòi lá chuối” với “ghe không chèo”. “Con nhỏ mặt sáng trưng, chị ơi”, má tôi nói. Tôi biết chuyện gì. Vậy là người đàn bà sau vườn chuối đã sanh con, và sanh con gái. Má tôi đã lén tới đó. “Chuyện sanh đẻ là quan trọng”, má tôi nói. “Mẹ tròn con vuông, cũng mừng cho nó”, dì Hai tôi cũng nói. Dì đã thôi nạt nộ, bàn với má soạn quần áo cũ đem cho. Má kêu tôi cũng soạn quần áo cũ, em bé bận gì cũng được.
Tới ngày giỗ bà ngoại tôi. Năm nào dì Hai cũng có mâm cúng bánh chuối, món bà ngoại ưa thích, đích thân bà Tư đem tới. Nhưng năm nay bà Tư bận, kêu dì Hai cho tôi tới lấy bánh. Tôi biết bà Tư bận chuyện gì. Bà không cho người đàn bà ở trong nhà, nói dơ dáy, cất căn chòi cho ở sau vườn chuối. Nhưng suốt ngày trừ lúc đổ bánh bà cứ quanh quẩn sau vườn chuối, đi tới lui cạnh căn chòi, quét tước dọn dẹp, đốt lá khô đuổi muỗi, thật ra lấy cớ nói chuyện với người đàn bà. Không nghe người đàn bà trả lời. Một mình bà Tư nói, rầy la dạy bảo, chỉ cách nuôi con, tuy bà không có con. Rồi kể dông dài nhiều chuyện khác. Chúng tôi đi sau vườn chuối bắn chim, hái nấm, nghe bà nói láp giáp một mình, như đang cầu kinh tụng niệm.
Tôi đến lấy bánh thật sớm. Bà Tư đổ bánh chưa xong, kêu tôi ra sau vườn chuối chơi với em nhỏ. Tôi đi ra sau. Lâu nay tôi chỉ thấy căn chòi từ xa, giờ mới lại gần. Căn chòi lợp lá chuối, vách dừng cũng bằng lá chuối, không lớn hơn chiếc mui ghe. Một chiếc cửa đủ người lom khom đi ra vô. Chai lọ, lu hũ sứt bể đầy chung quanh, đồ thải ra của bà Tư. Người đàn bà đang ngồi bồng con, đầu cúi gằm, trên đống lá chuối khô, bận hai chiếc áo rách, chắc của má và dì Hai tôi cho. Đứa nhỏ cũng quấn trong mớ áo rách, chắc áo của tôi. Hai má con ôm nhau, như chó mẹ chó con.
Tôi đứng nhìn một lúc không biết nói gì, người đàn bà cũng không ngẩng lên. Tôi định quay đi chợt nghe tiếng gọi:
“Cháu trai đó hả? Cô biết cháu rồi. Coi em nhỏ không?”.
Người đàn bà vẫn cúi gằm, chìa đứa nhỏ ra. Đứa nhỏ giãy giụa, đỏ hỏn, không biết “sáng trưng" chỗ nào. Người đàn bà nói tiếp:
“Em nhỏ dễ thương lắm! Bồng chút không?".
“Cháu không biết bồng”, tôi đáp.
“Không có em gái hả? Nhỏ em này lớn lên, cô cho cháu làm em gái nghen?”.
“Cô không nuôi hả?”.
“Cô nuôi, nhưng nhỏ em làm em gái cháu, cháu dạy nó học. Được không?”.
“Cháu không ưa con gái”.
“Ôi, cháu kỳ không? Nhưng cháu cũng dễ thương như nhỏ em vậy”.
Tôi trở ra trước nhà. Bà Tư vẫn xếp bánh chưa xong, kéo tôi ngồi xuống nói chuyện. Bị trời đày, bà nói. Bán thân khắp thiên hạ, giờ thân tàn ma dại không ai ngó ngàng. Chưa được ba mươi, đã già lão gì đâu. Cực thân quá mới ra nông nỗi vậy. Bà giúp đến vậy thôi. Cho che chòi ở sau vườn, hàng ngày đốn chuối vú trong lu mái, cắt lá chuối lau chùi rọc xếp, đem phơi héo. Rồi nạo dừa, ép nước cốt dừa. Tuần hai lần xay bột, vắt bột đem phơi khô. Đổi lại bà cho ít gạo, khô mắm. Cũng phải làm kiếm cái ăn. Đang nghỉ đẻ mấy ngày, mai mốt sẽ làm tiếp. Ai đâu có đất cho ở không.
Bà nói giọng chì chiết, nhưng không có vẻ gì ghét bỏ.
Sau đó tôi thường ghé nhà bà Tư, không có chuyện gì cũng ghé. Tôi không còn là người lạ, đã cho nước đái, người đàn bà nói đã biết tôi. Tôi ghé coi đứa nhỏ lớn lên thế nào. Người đàn bà vẫn cúi mặt, đứa nhỏ vẫn lùng nhùng trong mớ giẻ rách, thò ra mấy ngón tay ngón chân hồng hồng nhỏ xíu.
Một vài lần trong mơ tôi nhìn thấy đứa nhỏ. Chỉ thấy thoáng qua, như cánh chim bay vụt trên bầu trời, không hiểu tại sao, có ý gì, mục đích gì.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
5.
Tôi ra chợ học, đường xa phải ở trọ, tháng vài lần về nhà bận rộn nhiều chuyện, bạn bè thêm đông thêm nhiều chuyện vui thú, không rảnh thăm hỏi chòm xóm, không có dịp nào đến nhà bà Tư ăn bánh chuối. Căn nhà lá chuối “chó mẹ chó con" tôi cũng quên luôn.
Tôi đậu trung học, bận quần Tây đi giày xăng-đan, nghỉ hè má thưởng chiếc xe đạp, tôi chạy vòng vèo trên đường làng, lạng lách qua mấy gốc cau gốc dừa. Rồi không hiểu sao đâm sầm vào nhà bà Tư. Bà Tư không có nhà. Tôi chạy tuốt ra sau, dừng lại trước căn chòi lá chuối. Căn nhà đã lớn hơn trước, vách dừng vẫn bằng lá chuối, nhưng mái che đã thay bằng lá dừa nước, cửa trước cửa sau bằng phên tre. Trong nhà không có ai. Tôi nhìn ra vườn chuối, thấy thấp thoáng bóng hai má con, người đàn bà cắt lá chuối, đứa con gái nhỏ đi lẩm đẩm theo sau. Tôi đi tới. Người đàn bà nhìn thấy tôi quay mặt đi, nhưng đứa con gái níu má nó lại, ngước nhìn tôi, một tay đưa cao lên. Nó đã năm tuổi, tôi có thể tính được. Không còn là một sinh vật đỏ hỏn, nó là một bé gái trắng trẻo xinh đẹp, mắt đen tóc đen, bàn tay trắng hồng với những ngón tay thon thon. Tôi hỏi: “Tay em sao vậy?”. Nó đáp: “Em bị đứt tay”. Tôi nói: “Em làm sao bị đứt tay? Đưa anh Hai coi”. Tôi cầm tay nó lên, cánh tay đứa con gái năm tuổi thật mềm, nhẹ như không. Tôi nói: “Em bị lá mía cắt, chảy máu rồi đây nè. Để anh Hai lấy mạng nhện dán cho”. Nhưng tôi không tìm thấy mạng nhện. Tôi đưa tay nó sát vào miệng, gần chạm môi, thổi phù phù, nói: “Được rồi, hết chảy máu rồi. Mai lành thôi”.
Tôi về nhà, má hỏi có gặp em nhỏ không? Tôi nói có gặp. Má hỏi có thấy em nhỏ đẹp không? Tôi nói đẹp. Má hỏi có biết sao em nhỏ đẹp không? Tôi biết má nói chuyện nước đái, mắc cỡ chạy đi.
Hôm sau tôi lại xách xe đạp chạy lòng vòng, lại đâm sầm vào nhà bà Tư. Bà kêu tôi lại, nói:
“Mày ngồi đây, chạy lọc sọc ngoài đường làm gì! Mày ra chợ ăn gì cao nhòng vậy?".
Bà đãi tôi dĩa bánh chuối nước cốt dừa, rề rà kể chuyện. Buổi sáng buổi chiều “nhỏ mẹ” cắt lá chuối phơi héo, lau chùi rọc xếp thành chồng, “nhỏ con” đi lẩm đẩm theo sau kéo lá chuối phụ má nó.
Tôi hỏi “Nhỏ mẹ” với “Nhỏ con” nào?
Bà nói còn ai nữa, hai má con chúng nó thôi. Con mới đi lẩm đẩm, mẹ đã lớn gì đâu. Thôi vậy cũng xong đời, bà nói. Đời mẹ đời con rồi cũng chui rúc trong vườn chuối đó thôi.
Tôi hỏi sao bà không dạy “Nhỏ con” học làm bánh chuối, để sau này nó có được một nghề.
Bà nói không biết nó có muốn học không? Nó thường hay ra đây coi bà đổ bánh chuối, dậy rất sớm, trước cả má nó. Ngày cuối năm lạnh căm, nó bận chiếc áo dài thượt, hơ tay bên bếp lửa, thu hai tay vào trong hai ống tay áo. Nó chun mũi coi bà khuấy bột, đổ bột trộn chuối vào các khuôn, bắc nồi hấp lên bếp. Nó hỏi đủ thứ chuyện, coi vẻ muốn tìm hiểu. Nhưng nó muốn học làm bánh chuối hay không, bà không biết. Tôi nói nó muốn học.
Bà nói sao tôi biết? Rồi nói tiếp: “Tốt nhứt mày dạy nó học chữ, làm bánh chuối rồi có ra gì đâu”.
“Cháu học ngoài chợ làm sao dạy được?”. Tôi nói. Bà nói sang chuyện khác. Có hôm người đàn ông lạ mặt ghé đây. Gã đi thẳng vào, mắt láo liêng, kêu ăn bánh chuối, hỏi đủ thứ chuyện. Hỏi thăm cô giáo Ngân rồi hỏi con gái trong làng ai có chồng ai chưa, làm gì đâu? Bà nói làm gì ở đâu không mắc mớ gì tới gã. Gã ngó ra sau vườn chuối, hỏi người đàn bà trong bụi tầm vông năm nào cất chòi ở ngoài đó phải không? Bà nói gã hỏi làm chi? Gã nói hỏi cho biết vậy thôi. Gã nghe tin người đàn bà sanh con, không biết đứa nhỏ giống ai? Bà nói giống ai cũng không giống ngữ đàn ông tóc thưa mặt chuột. Gã ăn xong trả tiền đi, ma ám giữa ban ngày hay sao?
Gã đi, rồi sáng hôm sau trở lại. Trời chưa sáng đã lò dò đi vào. Như đêm qua ngủ đâu đó ngoài bờ sông, hay trong góc cây rơm. Gã ngồi ủ rủ, mắt không còn láo liêng, kêu ăn đĩa bánh chuối đặt tiền trước lên bàn. Bà hỏi gã đi đâu lẩn quẩn như ma vườn vậy? Gã nói gã không phải ma vườn. Gã là kẻ sống lang thang, làm đủ nghề, ở khắp nơi, số kiếp như vậy. Có lần gã gặp người đàn bà đó, qua đường thôi. Nhưng con người không phải gỗ đá. Gã không thể nào quên. Gã muốn ghé thăm người đàn bà, coi đứa con thế nào. Nhưng không dám. Trời đày gã. Gã là con người tệ bạc. Gã không thể tiếp giúp gì được. Một căn nhà lá gã còn không có, tiền chỉ đủ ăn đĩa bánh chuối. Gã hỏi thăm đôi điều rồi đi thôi, đi tiếp con đường vô định của mình. Gã đi và không trở lại.
6.
Hết hè tôi lên học Sài Gòn. Nhiều năm trôi qua, tôi đã lớn hẳn, nghỉ hè về nhà má dẫn tôi đi khoe con trai đậu tú tài. Tôi quên bẵng căn nhà lá chuối, má và dì Hai cũng không nhắc tới. Cho đến một bữa tôi nghe hai đứa con gái nhà bên, rất nhiều chuyện, to nhỏ chuyện học ở trường, có nói tới một con nhỏ nào đó trong trường “lớn tồng ngồng học dở ẹt". Tôi hỏi con nhỏ nào? Hai đứa không nói, dớn dác nhìn quanh rồi bỏ đi. Tôi về nhà hỏi má. Má thở dài nói: “Còn ai nữa!”. Trông má có vẻ buồn. Má nói:
“Con đến thăm Nhỏ con chút đi”.
Tôi đi. Bà Tư đi vắng. Tôi đi thẳng ra sau vườn chuối. Tôi không tin vào mắt mình. “Nhỏ con" đang đứng tựa cửa nhà, tuy vẫn còn trẻ con, nhưng đã ra dáng người lớn, thành đứa con gái đẹp, trắng trẻo mảnh mai, tóc dài chân dài, mắt đen long lanh. Nó nhìn tôi chúm chím cười để lộ hai lún đồng tiền bên má, ngượng ngùng e lệ gật đầu chào:
“Anh Hai mới về!".
Tôi vẫn đứng ngỡ ngàng. Làm sao nó lớn lên, đẹp đẽ như vậy trong căn nhà lá chuối đó?
Nó nhận ra tôi, gặp một lần rồi. Má nó chắc cũng thường nói về tôi, dù không quen biết, ơn nghĩa gì. Tôi nhìn nó, không mừng vì cuộc gặp mặt, không vui vì nó lớn lên xinh đẹp. Chỉ thấy lo âu. Nó vẫn đứng cúi đầu. Tôi muốn nói gì nhưng không thể mở miệng, cũng không thể bỏ đi. Hai chúng tôi cứ đứng yên như vậy rất lâu.
Rồi tôi trở ra trước nhà với bà Tư.
“Mày làm gì nhăn nhó vậy?”, bà Tư hỏi.
“Cháu đau răng", tôi đáp.
“Kệ cái răng”, bà Tư nói. “Tao lo lắm. “Nhỏ con" lớn tướng, nhưng học hành không ra làm sao, nghe nói còn đàn đúm chơi bời với đám con trai hư hỏng. Mày học trên Sài Gòn, thỉnh thoảng về để mắt tới nó...”.
Tôi “để mắt” làm sao? Dính líu gì? Tôi học tiếp ba năm đại học ở Sài Gòn, đầu óc cứ lẩn quẩn hình ảnh “Nhỏ con”, đi đâu làm gì cũng nghĩ tới nó, hình dung nó đang cười giỡn với đám con trai hư hỏng. Sắp thi tốt nghiệp, tôi nhận được thư bà Tư, địa chỉ chắc do má tôi cung cấp, chữ viết là của người khác. Bà Tư không biết chữ. Bà kể chuyện “Nhỏ con”, má nó tìm được việc rửa ngói cho nó đi học. Nhưng nó học hành chểnh mảng, học ít chơi nhiều. Nó mười lăm tuổi rồi, thành con gái rồi, có bóng sắc, bắt đầu đàn đúm, lúc nào cũng có đám con trai bu quanh, nhiều bữa tối mịt mới về tới nhà. Má nó đi rửa ngói suốt ngày, bà bận đổ bánh chuối, vườn chuối trống vắng, đâu cách gì canh chừng nó...
“Mày có chữ nghĩa, liệu bề về nói chuyện với nó...", bà nói. Bà còn nói nhiều nữa nhưng tôi chỉ biết vậy. Có điều tôi thấy mình không dính líu gì.
Nhưng tôi về...
7.
Chiều tối tôi về tới nhà. Má hỏi sao gần ngày thi lại về. Tôi đáp lầm bầm không thành tiếng, rồi đi ngủ sớm, trong đầu đầy hình ảnh “Nhỏ con". Tôi mơ thấy con đường làng, bụi tầm vông, gã lạ mặt cười tủm tỉm ghé tai cô giáo Ngân nói nhỏ điều gì đó. Rồi thấy vườn chuối, Nhỏ mẹ cắt lá chuối, Nhỏ con đi lẩm đẩm theo sau, tôi ghé môi thổi vào cánh tay non tơ... Sáng hôm sau tôi dậy sớm, đầu óc nặng trịch. Cả nhà còn ngủ yên. Tôi mở cửa đi ra đường, đi thẳng đến nhà bà Tư. Con chó chạy xổ ra nhưng không sủa, nó quen tôi rồi. Tôi xô con chó ra. Nhà đang đỏ lửa, bà Tư đang đốt bếp đổ bánh. Tôi nép bên hông nhà đi thẳng ra sau. Căn nhà lá cũng đang yên ngủ. Tôi đứng yên một lúc. Rồi tiếp tục đứng yên, rất lâu. Thấy khổ sở, thương mình, nhưng vẫn đứng. Trời sáng dần, thấy rõ mái lá, tấm phên tre, bụi chuối phía sau.
Tôi gọi trống không, tôi đâu đã biết tên Nhỏ con: “Nhỏ, ra đây anh Hai nói cái này!”.
Có tiếng động. Tiếng hai má con thì thầm, không phân biệt ai với ai. Rồi cửa phên mở, “Nhỏ con” thò đầu ra, tóc rối bù. Nó bước hẳn ra ngoài. Nó cao hơn hẳn lần gặp trước. Nó mười lăm tuổi rồi, bà Tư không nói tôi cũng tính được. Nó nhìn tôi mỉm cười ngượng nghịu, hơi chút ngạc nhiên:
“Anh Hai mới về!”.
“Ừ, anh Hai mới về”.
Tôi cố lấy giọng thản nhiên, ngó quanh tìm kiếm. Má nó cũng thò đầu ra, rồi bước ra đứng sau lưng nó, ngạc nhiên nhìn tôi:
“Cậu Hai mới về”.
“Dạ, cháu mới về”.
Tôi tiếp tục ngó quanh và đã tìm thấy. Tôi lại gọi nó: “Lại đây, lại đây anh Hai nói chuyện...
Nó bước ra thêm mấy bước, càng ngạc nhiên hơn, e dè tựa lưng vào một bụi chuối. Tôi bước tới, đến gần chỗ tấm phên cửa. Và nhanh như chớp, không để nó kịp đề phòng, hoặc kịp hiểu ra, tôi rút một thanh tre từ tấm phân cửa, lấy hết sức đánh bổ vào người nó:
“Sao mày không chịu học... Sao mày đàn đúm...".
Nó giơ tay chống đỡ, tôi vẫn đánh. Phía sau tôi má nó quì sụp xuống:
“Tôi lạy cậu Hai! Trăm ngàn lạy cậu Hai! Trăm sự do tôi! Xin cậu Hai tha cho nó!”.
Tôi không nghe, tôi vẫn tiếp tục đánh, thấy đau nhói, như những ngọn roi đánh vào người tôi, tiếng hét vang lên trong đầu tôi:
“Sao hết má tới con... Cũng thói ấy... Chưa chịu thôi... Tao đánh cho mày nhớ...”.
Tôi không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ có những làn roi đang giáng xuống. Tiếng Nhỏ con kêu thét lên, như vọng từ xa:
“Chết em, anh Hai ơi!”.
Tiếng van xin của má nó nghe càng xa hơn: “Trăm ngàn lạy cậu Hai!”.
Tôi vẫn đánh. “Nhỏ con” không còn trước mặt tôi, đã chạy núp sau bụi chuối. Tôi đánh tiếp vào bụi chuối, từng chiếc lá chuối rách tả tơi, những thân cây chuối đổ gục xuống.
Chiếc roi gãy, tôi rút chiếc khác, đánh như điên như khùng, đánh vào bụi chuối như vào "Nhỏ con", vào bản thân tôi, vào nỗi thống khổ của tôi. Tôi gào lên không còn ra tiếng người:
“Có chịu thôi đi không? Có chịu thôi đi không?”.