Sự kiện & Bình luận

Làm gì để giải bài toán “Dạy thêm học thêm”

Nguyễn Quốc Vương
Giáo dục
18:00 | 18/11/2024
Baovannghe.vn - Dạy thêm học thêm tràn lan gây ra rất nhiều hệ lụy. Hệ lụy dễ thấy nhất là triệt tiêu năng lượng, sự năng động và ham học của học sinh, gây cho các em một hội chứng mỏi mệt lâu dài. Dạy thêm học thêm cũng phá hủy hình ảnh tôn nghiêm của nghề giáo, hạ thấp lí tưởng tốt đẹp của nghề thầy, làm tổn thương những ai còn giữ được phẩm cách.
aa

Trên đất nước ta bây giờ, đi đâu cũng thấy công trường xây dựng. Nhìn vào đó có thể thấy sự vận động phát triển nhưng mặt khác ta cũng thấy rất nhiều thứ ngổn ngang. Chỉ cần tập trung nhìn vào một lĩnh vực hẹp hơn như giáo dục ta cũng sẽ thấy ở đó là một đại công trường. Ở đây có nhiều thứ cần được chỉnh đốn, dọn dẹp gọn ghẽ, trật tự để nâng cao năng suất lao động, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Một trong những thứ đó là vấn đề dạy thêm-học thêm. Đây là vấn đề đã làm cho dư luận bức xúc, làm tổn thương những nhà giáo có lương tâm trong suốt mấy chục năm qua.

Dạy thêm - học thêm có phải là cần thiết?

Thời gian trẻ học chính khóa ở trường rất lớn. Các trường từ tiểu học đến THPT đều học cả ngày. Xét về mặt thời lượng thì như vậy học sinh đã học gấp đôi các thế hệ trước. Thế hệ chúng tôi (198X) trở về trước ở nông thôn cho dù học cấp học nào cũng chỉ học một buổi. Sáng học thì chiều đi làm cùng cha mẹ hoặc ngược lại. Trong bối cảnh từ trên xuống dưới chỗ nào cũng hô hào tinh giản, chọn lọc kiến thức cơ bản mà thời lượng học tập lại tăng gấp đôi thì lẽ ra chỉ cần học thế là đủ, cần gì phải học thêm nữa? Nhưng thực tế thì chỗ nào, từ nông thôn tới thành thị đều có học thêm và ngày càng leo thang. Có chăng, nơi không có dạy thêm học thêm chỉ tồn tại ở các trường vùng cao, miền núi xa xôi nơi giáo viên vẫn còn phải vừa dạy vừa lo giữ cho học sinh khỏi bỏ học.

Có người sẽ cãi rằng học thêm là nhu cầu của phụ huynh và dạy thêm là quyền lợi chính đáng, hợp pháp của giáo viên. Có cầu tất sẽ có cung, việc giáo viên mở lớp là thuận theo mong muốn của phụ huynh có gì phải bàn cãi, phản đối? Hơn nữa, để mở được lớp học thêm ở trường, giáo viên, nhà trường phải được phụ huynh đồng ý bằng văn bản, tức là kí vào một tờ giấy đăng kí phía dưới có dòng chữ “Tôi đồng ý” kia mà. Thậm chí nếu là lớp ở nhà thầy cô thì phụ huynh còn phải chủ động đưa con đến xin giáo viên cho vào lớp. Khi chính phụ huynh đã đồng ý thì có vấn đề gì ở đây?

Lí luận trên nghe qua có vẻ có lí. Nhưng thử hỏi trong một mối quan hệ mà vị thế và cán cân quyền lực không cân bằng liệu có ai tin những gì cam kết “tự nguyện” hay “đồng ý” ở đó là trung thực và đáng tin cậy? Trong mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, nhà trường với phụ huynh thì vị thế “cửa trên” luôn nghiêng về phía giáo viên và nhà trường, đặc biệt là ở trường công. Tại sao lại như vậy? Bởi vì cho dù quyền lực yếu hơn các viên chức ở vị trí khác trong bộ máy nhà nước, giáo viên trường công vẫn là viên chức, vẫn nắm trong tay quyền uy của một người thuộc về cơ quan quyền lực công. Trong bối cảnh của Việt Nam với những thiết chế xã hội và tập tục hành chính, văn hóa được duy trì lâu dài qua thời chiến tranh, bao cấp, quyền lực và quyền uy của viên chức là rất lớn cho dù là “viên chức thấp nhất” như giáo viên. Vị thế đó của giáo viên làm cho phụ huynh và học sinh e ngại. Nói chung, trừ một số trường hợp cá biệt, phụ huynh đều không muốn làm mất lòng giáo viên. Họ sợ con họ sẽ bị thiệt thòi khi rơi vào trường hợp như vậy. Họ sợ bị giáo viên “đì”, “phân biệt đối xử”, “trù úm”… Bởi vậy, không hiếm trường hợp phụ huynh cho dù biết học thêm không đem lại kết quả gì, không thích con mình đi học thêm vẫn dằn lòng đăng kí “tự nguyện”. Ở đây, họ đã dùng “học thêm” như là một phương thức ngoại giao để lấy lòng nhà trường, giáo viên, đổi lấy sự yên ổn, yên tâm tạm thời.

Điều đáng nói hơn nữa là hiện nay các trường có những “chiến thuật”, “chiến lược” và “kĩ thuật” tổ chức dạy thêm rất tinh vi. Các nội dung học thêm được đưa vào chương trình nhà trường bằng phương thức cài cắm dưới dạng “chương trình bổ trợ”, “chương trình liên kết”, “câu lạc bộ”. Tất nhiên, tất cả phải có sự tham gia của các đơn vị bên ngoài nhà trường và học sinh phải đóng phí. Báo chí đã từng nêu rõ rất nhiều trường đã đưa chúng vào ngay thời gian biểu chính khóa. Đấy là một sự tính toán khôn ngoan vì nếu đưa ra ngoài thời gian đó, sẽ có ít phụ huynh đăng kí. Cho dù danh nghĩa là “tự nguyện” nhưng ngay khi nhập học, giáo viên chủ nhiệm đã bị hiệu trưởng “giao nhiệm vụ” giới thiệu về các chương trình, khóa học này cho tới từng phụ huynh có con vào lớp 1 và hướng dẫn đăng kí luôn. Giáo viên chỉ thao thao nói về cái hay của chương trình mà lờ đi một ý quan trọng “Đây là chương trình tham khảo có tính tự chọn”.

Làm gì để giải bài toán “Dạy thêm học thêm”
Ảnh minh họa. Nguồn adp

Làm thế nào gỡ mớ bòng bong?

Dạy thêm học thêm tràn lan gây ra rất nhiều hệ lụy. Hệ lụy dễ thấy nhất là triệt tiêu năng lượng, sự năng động và ham học của học sinh, gây cho các em một hội chứng mỏi mệt lâu dài. Dạy thêm học thêm cũng phá hủy hình ảnh tôn nghiêm của nghề giáo, hạ thấp lí tưởng tốt đẹp của nghề thầy, làm tổn thương những ai còn giữ được phẩm cách. Tuy nhiên, mặc dân kêu, học sinh khổ, những chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo về dạy thêm học thêm trong suốt mấy chục năm qua hầu như không hiệu quả. Nó thể hiện rõ sự lúng túng, mập mờ, không dứt khoát và không rõ mục tiêu. Cấm không ra cấm. Quản lí không ra quản lí. Cho tự do cũng không hẳn là tự do. Khắp nơi người ta ồn ào bàn luận về dạy thêm học thêm rồi cũng lại đâu vào đó.

Như thế phải chăng là bất lực, bất khả?

Trên thực tế, vấn đề dạy thêm học thêm đã được các nước có nền giáo dục tiên tiến giải quyết từ lâu và rất hiệu quả. Không có gì là khó khăn về mặt kĩ thuật. Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc đều làm theo cách này. Đây là cách thức khả dĩ nhất có thể áp dụng ở hiện tại. Đó là tách hẳn dạy thêm, học thêm ra khỏi trường học. Trường học, đặc biệt là trường học công chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dựa trên chương trình chính khóa và ngoại khóa chính thống. Tất cả các hoạt động dạy thêm học thêm sẽ được tiến hành ở ngoài trường học. Đây là công việc của các giáo viên độc lập, gia sư, các trung tâm dạy thêm, giáo viên đã nghỉ hưu.

Luật của các nước này cấm giáo viên trường công trong biên chế, có hợp đồng dài hạn dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào. Đối với giáo viên trường tư thì luật không cấm nhưng giáo viên đó phải tuân thủ cam kết với trường đang làm việc. Các trường tư đủ khôn ngoan để có các điều kiện ràng buộc khiến giáo viên phải tập trung vào công việc được giao. Chính vì vậy ở Nhật Bản, Hàn Quốc học sinh cũng học thêm rất nhiều để phục vụ các kì thi quan trọng như thi vào các trường THCS, THPT danh giá, luyện thi vào đại học có thứ hạng cao… nhưng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh ở trường không hề bị ảnh hưởng vì không có liên quan. Giáo viên trường công ở đây không dạy thêm ở trường, không dạy thêm ở nhà, ở trung tâm và đặc biệt là không dạy chính học sinh của mình ở trường.

Sẽ có người cãi lại rằng lương giáo viên thấp lắm, nếu không cho dạy thêm thì giáo viên sống bằng gì? Nếu ta thừa nhận lí luận này thì e rằng xã hội sẽ loạn vì lấy lí do lương thấp người ở tất cả các ngành khác cũng có thể nghĩ ra đủ cách và thực thi đủ mánh khóe lạm dụng quyền lực, quyền uy do nghề nghiệp mang lại để bóp nặn người dân lấy tiền. Như thế thì còn gì là đạo đức nghề nghiệp là phẩm cách cá nhân nữa? Một xã hội như thế sẽ tồn tại bao lâu mà không tha hóa?

Hơn nữa, có nhiều ngành nghề còn có lương thấp hơn giáo viên rất nhiều, rõ nhất và gần nhất là những người làm hành chính và nhân viên thư viện trường học.

Trong trường học những giáo viên nhận lương thấp nhất là các giáo viên dạy “môn phụ” như giáo dục công dân, địa lí, lịch sử, các giáo viên hợp đồng ngắn hạn… Và trên thực tế, đây lại không phải là các giáo viên thường dạy thêm. Những giáo viên dạy thêm lại là những giáo viên đã có chỗ đứng trong trường, trong biên chế, hợp đồng dài hạn, tức là giáo viên có lương tốt hơn các giáo viên còn lại.

Không thể lí luận vì lương thấp nên cần phải dạy thêm vì như vậy là bỏ qua quyền lợi, sức khỏe, hạnh phúc của học sinh, là hạ thấp nhân phẩm nghề giáo và đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, nhà nước cần phải có chính sách tiền lương hợp lí đảm bảo cho giáo viên có mức sống trung bình để yên tâm tập trung vào giảng dạy và coi đó là tiền đề để cải cách giáo dục. Tôi tin rằng với đa số giáo viên yêu nghề chỉ cần một mức lương như vậy là đủ.

Tóm lại, giải quyết bài toán dạy thêm học thêm không phải là điều khó. Công thức đã có sẵn. Các bài học kinh nghiệm cũng không thiếu. Vấn đề là quyết tâm dám nghĩ dám làm không ngại đụng chạm đến lợi ích chằng chéo đã định hình thành một mạng lưới trong mấy chục năm qua bất chấp quyền lợi, hạnh phúc của học sinh và tương lai của dân tộc.

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn