Chuyên đề

Cô giáo Tày và niềm đam mê dạy Lịch sử

​​​​​​​Nguyễn Thị Mai Phương
Văn học địa phương
12:00 | 09/11/2024
Baovannghe.vn - Dương Thị Bền, bản Gà ngày nào đã âm thầm nỗ lực vươn lên làm cô giáo, sống cuộc đời có trí tuệ, khác xa cuộc sống nghèo khổ của mình hồi nhỏ.
aa

ách nay gần 20 năm, tôi từng có dịp đến bản Gà, xã Vân sơn, huyện Sơn Động mới thấy sao lại có một vùng quê xa xôi hẻo lánh và khó khăn đến thế. Xã có một trạm đài truyền thanh để loan truyền tin tức đi khắp vùng. Những người làm báo hồi đó còn làm hẳn bộ phim “Đây là Đài phát thanh Bản Gà” để ca ngợi một bác “phát thanh viên” tuần vài bữa lại đọc lên loa những bản tin ngắn phục vụ bà con. Đường sá nơi đây khó khăn khủng khiếp. Thật kỳ ngộ khi bây giờ, tôi gặp được một cô giáo được sinh ra từ bản Gà.

Dương Thị Bền, sinh năm 1982 tại bản Gà, hiện lập gia đình trên địa bàn xã Vân Sơn, làm giáo viên dạy Lịch sử, Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội tại Trường THCS Vân Sơn. Trước đó, cô có 7 năm (từ 2004 đến 2011) dạy học tại Trường THCS An Lạc, Sơn Động.

Cô giáo Dương Thị Bền truyền dạy tiếng dân tộc Tày cho học sinh. Ảnh: Web Trường THCS Vân Sơn.
Cô giáo Dương Thị Bền truyền dạy tiếng dân tộc Tày cho học sinh. Ảnh: Trường THCS Vân Sơn

Bản Gà, nơi điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nên 7 tuổi Dương Thị Bền mới được gia đình đưa đến trường vào lớp 1. Từ khi còn nhỏ, cô bé Bền đã thấm sự vất vả của cha mẹ, làm nông nghiệp để nuôi 5 chị em khôn lớn. Ý thức được điều đó Bền đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Học đến lớp 7, bạn bè cùng trang lứa bỏ học rất nhiều nhưng Bền vẫn đến trường học, được gia đình tạo điều kiện, động viên cô bé đã thi đỗ vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, chiếc nôi đào tạo các thế hệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao với những nỗ lực, ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành một cô giáo. Dương Thị Bền đã cố gắng học tập thật tốt, đến năm 2001 thi đỗ vào trường CĐSP Ngô Gia Tự, Bắc Giang. Vậy là, ước mơ làm cô giáo của Bền đã trở thành hiện thực, từ đó cô luôn học hành chăm chỉ để sau khi ra trường sẽ nắm vững được kiến thức và trở thành một giáo viên tốt. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, Bền về quê hương, công tác tại trường THCS An Lạc, là vùng đặc biệt khó khăn, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong quá trình công tác, Bền đã đến một số gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để tìm hiểu hoàn cảnh động viên giúp các em có động lực đến trường.

Năm 2011, nhận sự phân công của Phòng GD - ĐT, cô giáo Bền được chuyển về xã nhà công tác tại trường THCS Vân Sơn. Bản thân là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, thấu hiểu được những khó khăn cũng như những khát khao được học tập, được phát triển của con em đồng bào các dân tộc nơi đây, Dương Thị Bền coi đây là cơ hội để đền đáp quê hương. Bằng tình yêu và niềm đam mê của mình với bộ môn Lịch sử, cô giáo Bền không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, khơi dậy hứng thú của học sinh với bộ môn qua từng bài giảng, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử nhiều năm để nâng tầm vị thế môn học, lan tỏa tình yêu, niềm say mê đối với môn Lịch sử từ mỗi em học sinh. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi nhất là môn Lịch sử sẽ vô cùng khó khăn, bỏi định kiến “môn phụ”, nhưng cô giáo Bền luôn tìm cách để động viên, giải thích cho các em học sinh hiểu về tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử đối với sự phát triển của xã hội loài người. Từ đó, nhiều em học sinh đã bắt đầu thay đổi nhận thức về bộ môn này. Trong ba năm học gần đây từ năm 2020 đến 2023, số học sinh đăng kí tham gia đội tuyển học sinh giỏi đã tăng lên đáng kể. Số lượng học sinh giỏi cấp huyện đạt giải ngày càng tăng, từ học năm 2020 - 2022 học sinh giỏi (HSG) môn Lịch sử 6,7 đạt 08 giải (01 giải Nhì Lịch sử 7, 01 giải Ba Lịch sử 7, 04 giải Khuyến khích Lịch sử 7, 02 giải Khuyến khích Lịch sử 6). Năm học 2022 - 2023 HSG môn Lịch sử - Địa lí 6,7, 8 đạt 09 giải (01 giải nhất Lịch sử - Địa lý 7, 01 giải Ba Lịch sử - Địa lý 7, 03 giải KK Lịch sử - Địa lý 7, 02 giải Ba Lịch sử - Địa lý 6, 01 giải Khuyến khích Lịch sử - Địa lý 6, 01 giải Khuyến khích Lịch sử 8). Đầu năm học 2023 - 2024 bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện đạt 03 giải (01 giải Ba, 02 giải Khuyến khích).

Cô giáo Dương Thị Bền
Cô giáo Dương Thị Bền

Cô Bền cho biết, trong đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử - Địa lý có em Vi Thị Yến Nhi, gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn, bản thân em bị bỏng xăng nặng từ khi còn học tiểu học, giờ em không còn được lành lặn như những bạn bè khác. Nhưng, bằng sự nỗ lực để vượt lên chính mình, cùng với sự động viên, quan tâm hướng dẫn của cô giáo, em đã xuất sắc đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử - Địa lý năm học 2022 - 2023. Các em trong đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện đạt giải 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Là người con của dân tộc Tày, Dương Thị Bền luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, được bố mẹ dạy nói tiếng Tày từ nhỏ, khi có gia đình riêng, cô cũng có ý thức dạy con nói tiếng Tày. Nhận thấy các em học sinh hiện tại không biết nói nhiều tiếng Tày, nên sau nhiều ngày ấp ủ, cô đã thành lập lớp tiếng Tày để giúp các em học tiếng Tày, nhằm giữ gìn bản sắc và hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Tháng 12 năm 2022, CLB dạy tiếng dân tộc Tày tại trường THCS Vân Sơn dành cho các em học sinh có nhu cầu học tiếng Tày được thành lập do cô Bền làm chủ nhiệm. Cùng với đó, là sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho mượn lớp, phòng học của BGH nhà trường. Đặc biệt, là sự tin tưởng và hưởng ứng của các bậc phụ huynh và học sinh, nên đến nay đã có hơn 30 em học sinh thuộc các khối lớp 6,7,8,9 đều đặn tham gia học tiếng Tày. Sau những giờ lên lớp và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Dương Thị Bền lại miệt mài dạy tiếng Tày cho học sinh. Không phụ công sức của cô giáo, sau một thời gian, các em đã biết giao tiếp và viết một số từ đơn giản, điều đó khiến cô Bền hết sức phấn khởi. Cô cho biết, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn xã Vân Sơn.

Do sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi trong công tác giảng dạy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện đạt được nhiều giải cao, nên nhiều năm liền, cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2023, cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong “Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất”.

Là người năng động, cô giáo Dương Thị Bền không bằng lòng với những gì đóng khuôn, cũ kỹ. Cô luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, chương trình, tìm sách để sáng tạo ra những cách truyền đạt kiến thức mới mẻ, hấp dẫn hơn. Những sáng kiến của cô về “chơi trò chơi trong giờ học lịch sử”, tự biên soạn bộ tài liệu tiếng Tày phục vụ cho việc học tập của các em. Không những tích cực trong các hoạt động chuyên môn, cô Bền còn tham gia tích cực các phong trào thi: "Các tổ, mô hình truyền thông cộng đồng thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em" và đạt giải Nhất năm 2023; Hội thi: "Vũ điệu công nhân viên chức lao động huyện Sơn Động" đạt giải Khuyến khích. Khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, cô Bền đã cùng gia đình ủng hộ về lương thực và nấu ăn phục vụ những bệnh nhân cách ly trong thời gian dài tại địa phương. Cùng với đó, cô luôn thường xuyên giúp đỡ, tặng quần áo, sách vở cho một số em học sinh DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Ngoài ra, cô cũng dành thời gian thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học như: “Tìm hiểu, giới thiệu, biên soạn chữ viết và dân ca của dân tộc Dao Đỏ, vận dụng vào dạy chương trình ngữ văn địa phương cho học sinh ở trường THCS Vân Sơn - Sơn Động”. Đạt giải Khuyến khích cấp huyện; Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc Tày tại địa bàn xã Vân Sơn" đạt giải Nhì cấp huyện; "Bảo tồn và nhân giống Ong Đỏ Sơn Động"...

Những sáng kiến kinh nghiệm và các đề tài nghiên cứu khoa học ấy đã được cô Bền áp dụng vào thực tế tại lớp học mà cô đang giảng dạy, tại địa phương và đạt hiệu quả cao.

Khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng và mơ ước, cô Bền đã chia sẻ bằng tất cả tấm lòng của một giáo viên yêu nghề, mến trẻ và sự nhiệt huyết, đó là làm thế nào cho các em học sinh thân yêu đều được học và học được, học tiến bộ để sau này chính các em là chủ nhân tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, cô cũng cho rằng, để tiếng Tày được duy trì trong cộng đồng người Tày, không mai một đi cần có những giải pháp và cần sự vào cuộc của nhiều cấp chính quyền, ban ngành. Đó là, cần có chủ trương đưa chương trình dạy tiếng dân tộc vào các trường Dân tộc nội trú, trường có đông học sinh người dân tộc thiểu số. Đó là có các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Tày hiệu quả. Có bộ tài liệu chuẩn về tiếng Tày của địa phương (vì thực tế, trong cùng địa phương đã có tiếng Tày không giống nhau). Xây dựng các video, clip trên các nền tảng mạng xã hội để học sinh dễ tiếp cận và học trực tuyến bất cứ khi nào. Hằng năm, duy trì và tổ chức các lễ hội, hội thi hát dân ca như lễ hội Cầu mùa, thi hát Then, hát Lượn... Cùng với đó, các cơ quan, trường học nên vận động người dân, cán bộ, học sinh mặc trang phục dân tộc mình vào các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm trọng đại, các hội nghị, lễ hội...

Hát Then của người Tày, Bắc Giang. Ảnh: Internet
Hát Then của người Tày, Bắc Giang. Ảnh: Internet

Ngồi dưới tán lá rừng Khe Rỗ, bên ngôi nhà sàn ven suối, tôi nghe cô Bền tâm sự mà thật vui, thật hạnh phúc. Một cô gái Tày bản Gà ngày nào đã âm thầm nỗ lực vươn lên làm cô giáo, sống cuộc đời có trí tuệ, có kinh tế, khác xa đời sống nghèo khổ quê mình hồi thơ bé. Cô đã truyền lửa và dìu dắt học sinh dần biết cách thoát khỏi cuộc sống đói cơm, đói chữ. Chia tay chúng tôi, cô giáo Dương Thị Bền đã hát một khúc dân ca Tày tặng tôi và những vị khách quý. Tiếng hát trong trẻo xao động cả những tán lá rừng, vang vọng vào không gian.

Nguồn (Tạp chí Sông Thương số 5/2024)

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.