Sáng tác

Làm sao yêu cuộc đời?

Đỗ Bích Thúy
Tản văn 18:00 | 04/01/2025
Baovannghe.vn - Một bà lão tóc bạc phơ, răng móm mém, lưng còng gập, bảy mươi tuổi bắt đầu cầm cọ vẽ và hàng ngàn bức tranh đã ra đời khi bà bước vào tuổi tám mươi.
aa

Bà nói: Tôi rất thích câu hát của Trịnh Công Sơn: Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này. Tự hỏi: chẳng lẽ con người ta có thể yêu quá cuộc đời khi mà không còn biết thưởng thức những món ngon, không thể mặc những bộ trang phục đẹp, không còn trái tim nóng bỏng và khao khát yêu đương? Chẳng lẽ có thể như thế sao?

Bà lão kể: Tự dưng năm bà bảy mươi lại nảy sinh khao khát được vẽ, phần nhiều là tranh phong cảnh. Và bà vẽ miệt mài cho đến nay, khi bà đã ngoài tám mươi. Trong gia đình không có ai theo đuổi văn chương nghệ thuật nên chẳng có ai chia sẻ với bà niềm yêu thích này, cũng chẳng ai có cảm xúc gì lắm trước những bức tranh của bà, và chúng lặng lẽ nằm dưới gầm giường, gác bếp, đầu hồi như mỗi thứ đồ vật cũ không ai quan tâm nữa.

Làm sao yêu cuộc đời?
Hình ảnh minh họa. Nguồn Iternet

Mình thường ngày vẫn nghĩ: Chắc mình không qua nổi tuổi sáu mươi. Có nhiều lý do để nghĩ như vậy: Bà ngoại mình mất khi mới hơn bốn mươi tuổi, sau khi sinh dì út (Bà dì này về sau, bắt đầu từ 3 tuổi, ở với mẹ mình vì không chịu nổi đòn roi của dì ghẻ), theo mẹ mình thì bà mất vì ốm, thiếu ăn, thiếu thuốc, nên đành phải để lại đàn con toàn vịt giời cho chồng, một mình ra đi. Về ngoại hình, mình rất giống bà ngoại. Bà nội mình cũng mất sớm. Nhưng cái gien đoản thọ không sợ mấy bằng việc mình mới ngoài ba mươi mà đã đủ thứ tật bệnh. Luôn tự nhủ, sống chung với nó, sống chung với nó, đừng có đến bệnh viện làm gì, tự dưng lại mất một đống tiền với cả có khi hàng tháng trời không được đi lại làm lụng gì. Bệnh tật thế, lại ít vận động, lại hay suy nghĩ, thì thọ thế quái nào được. Mình hay nói với bạn bè, chắc gì tao qua nổi sáu mươi. Mà tao cũng không ham gì cái tuổi già. Không gì kinh khiếp bằng tuổi già. Đầu tiên là xấu xí (đương nhiên rồi), sau nữa là có món ngon cũng không ăn được (vì răng rụng, vì tiêu hóa kém, vì mất dần vị giác...), sau nữa (cái này cũng quan trọng lắm đây), là nhìn thấy các bộ sưu tập thời trang chỉ có một phản ứng duy nhất là quay mặt đi; sau cùng (cái này quan trọng nhất), nhìn thấy ông già ở bên cạnh mình chỉ muốn phát khùng lên vì ông ta lẩm cẩm, dặn trước quên sau, ăn ít nói nhiều, đi lại chậm chạp, đụng đâu ngã đấy, mà ngã thì chỉ có cách nằm một chỗ vì xương hết khả năng liền. Ôi trời, như vậy thì làm sao mà có thể thốt lên: Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này???

Vậy mà kì lạ thật, ngoài niềm yêu cuộc đời quá đỗi (trong phóng sự trên ti vi người ta không nói kĩ về cuộc sống hiện tại của bà lão, con cái ra sao, cuộc sống ra sao, có mĩ mãn không, có trọn vẹn không), bà lão tóc bạc trắng này còn miệt mài sáng tạo nữa.

Phải chăng nghệ thuật là không có chừng mực? Lâu nay mình vẫn hoài nghi điều này lắm. Hà cớ gì mà đến tận bảy mươi tinh hoa mới phát tiết? Bảy mươi năm trời nó ẩn giấu ở đâu trong người đàn bà bé nhỏ hiền hậu ấy? Chẳng lẽ người ta có thể cõng trên vai một khát khao mãnh liệt suốt bảy mươi năm trời, nếu thế thì mấy cây viết còi như mình có là cái quái gì so với cuộc đời mà cứ chốc chốc lại rên lên não nuột, rằng bao nhiêu đề tài lớn, tư tưởng vĩ đại đang từng giờ đốt cháy tôi mà tôi không có thời gian, chưa đủ cảm xúc để thực hiện nó?

Hơn ba mươi năm nay cuộc đời này toàn mang lại cho mình gánh nặng. Thế nên mình mới đúc kết lại: Rằng con người chỉ sung sướng 5 năm đầu đời, muốn gì được nấy, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, thích chơi thì chơi. Cho nên mình áp dụng ngay cho con cái, cứ chơi đi, thoải mái đi, đừng có học hành làm gì sớm cho mệt, chơi cho đã đời. Bao giờ thì mình mới thốt lên được: Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này? Bảy mươi chăng? Bảy mươi thì mình thành đất rồi còn đâu mà yêu. Quần áo thành đất, dạ dày thành đất, quả tim cũng thành đất, yêu làm sao đây?

Mình đã nghĩ mãi, có lẽ phải đi tìm bà lão để hỏi rằng: Phải làm thế nào để nuôi được tình yêu cuộc đời lâu bền và say đắm đến thế?

Văn nghệ, số 2+3+4/2012
Lộng Phấn. Truyện ngắn của Dương Bình Nguyên

Lộng Phấn. Truyện ngắn của Dương Bình Nguyên

Baovannghe.vn- Hắn sinh ra bên bờ sông Nhuệ, đúng dịp ngập lụt, rác thối phun đầy lên mặt phố. Mẹ hắn sinh hắn trong căn phòng nước ngập ngang ống đồng. Bà đỡ, vốn là một y tá già, vừa cắt rốn vừa bảo, thằng này có tướng leo cao đấy, mặt dày trán thấp lại tai quắt, kiểu gì chả làm quan.
Phim về đề tài chiến tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử

Phim về đề tài chiến tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử

Baovannghe.vn - Bộ phim điện ảnh Ký ức Nam Xuân mang đề tài chiến tranh Cách mạng do Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phim lấy mốc từ Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại miền Nam và được lồng ghép với yếu tố nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2025”

Giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2025”

Baovannghe.vn - Đây là hoạt động văn hóa đặc biệt do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Cục Phát thanh – Truyền hình Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Tây và Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (Trung Quốc) tổ chức, nhằm hưởng ứng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2025) và “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung 2025”.
Văn học như một nhịp cầu: Hội Nhà văn Việt Nam tại Đối thoại Văn minh Toàn cầu

Văn học như một nhịp cầu: Hội Nhà văn Việt Nam tại Đối thoại Văn minh Toàn cầu

Từ ngày 5 đến 12 tháng 7 năm 2025, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã tham dự Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu diễn ra tại Bắc Kinh, đồng thời tham gia nhiều hoạt động bên lề hội nghị tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Mắt cười. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thùy Dương

Mắt cười. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thùy Dương

Baovannghe.vn - Cần ai đó xoa dịu nỗi cô đơn Và lấp đầy những gian phòng trống...