Văn hóa nghệ thuật

Lê Bá Thự từ dịch thuật đến phê bình văn học

Nguyễn Thanh Tâm
Sách 12:40 | 02/07/2024
Nếu phải chọn một dịch giả hàng đầu của nền văn học Ba Lan tại Việt Nam, tôi sẽ không ngần ngại đề xuất Lê Bá Thự. Tính đến nay, ông đã có 30 đầu sách dịch từ ngôn ngữ Ba Lan sang tiếng Việt
aa

Nếu phải chọn một dịch giả hàng đầu của nền văn học Ba Lan tại Việt Nam, tôi sẽ không ngần ngại đề xuất Lê Bá Thự. Tính đến nay, ông đã có 30 đầu sách dịch từ ngôn ngữ Ba Lan sang tiếng Việt (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện cười, thơ). Đó là một thành tựu lớn, rất đáng ngưỡng mộ, khâm phục, với bất kỳ dịch giả nào. Có thể nói, ông chính là một cây cầu nối, một cánh cửa để độc giả Việt Nam mở vào thế giới văn học Ba Lan. Không chỉ vậy, Lê Bá Thự còn là một nhà văn sáng tác, một nhà phê bình văn học với 6 tác phẩm đã được xuất bản (bao gồm thơ, tản văn, tùy bút và tiểu luận - phê bình). Từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VIII, IX), Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - Hội Nhà văn Hà Nội (khóa XII), ở độ tuổi ngoài 80, hiện nay ông vẫn tiếp tục công việc dịch thuật và sáng tác, điều đó cho thấy niềm đam mê, những cống hiến không biết mệt mỏi của một đời chữ nghĩa.

Đầu năm 2024, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự cho ra mắt công chúng tập tiểu luận - phê bình văn học dày 436 trang, gói ghém những suy tư của ông về văn học dịch, dịch văn học cũng như những cảm nhận, đánh giá, thẩm định về các tác phẩm được dịch cũng như sáng tác của bạn bè văn giới (Lê Bá Thự, Tiểu luận & Phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, 2024). Cuốn sách rất có giá trị, đặc biệt là những tiểu luận chia sẻ về đời sống văn học dịch ở Việt Nam và công việc “bếp núc” của việc dịch văn học. Trong phần I (Về dịch thuật), Lê Bá Thự đã phân tích, xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học dịch đối với đời sống văn hóa - xã hội và văn học Việt Nam. Ông cũng nêu bật những thành tựu to lớn mà văn học dịch đã làm được trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, những khó khăn, bất cập trong việc dịch - giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng được tác giả đề cập, xem đó như những vẫy gọi đầy thách thức phía trước đối với nhiều nhà văn - dịch giả (gồm ba lực lượng chủ chốt: dịch giả Việt Nam trong nước, dịch giả Việt Nam đang sống ở nước ngoài, dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt).

Lê Bá Thự từ dịch thuật đến phê bình văn học
Lê Bá Thự từ dịch thuật đến phê bình văn học

Về chuyện “bếp núc” dịch thuật, “những công việc chuyên môn cần làm trong dịch văn học” cũng được Lê Bá Thự bàn thảo một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, đầy chính kiến. Ông cho rằng “...tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn hay chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn… Tôn trọng nguyên tác là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật.” Chọn từ thật đúng, thật trúng, thật đắc địa cho bản dịch là điều hệ trọng trong dịch văn học. Xét cho cùng, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và sách dịch phải là “sách sạch”. Với Lê Bá Thự, tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của ông là: “Tác phẩm hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích.”

Có một câu chuyện khá thú vị, được xem là phức tạp bậc nhất trong việc dịch các thể loại văn học, đó là dịch thơ. Lê Bá Thự cho thấy ông đã băn khoăn và tìm hiểu, suy nghĩ vấn đề này rất nhiều trong tiểu luận Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt. Có người nói “dịch là diệt”, lại có người bảo “dịch là phản”, “dịch thơ là sai lầm”… rồi lại đặt ra “ba yêu cầu” (tín - đạt - nhã), “5 tương đương” (tương đương văn bản chuẩn, tương đương nghĩa hẹp, tương đương nghĩa rộng, tương đương ngữ dụng, tương đương mĩ hình - dẫn theo Inrasara, Dịch và dịch tác phẩm văn học) trong việc dịch thuật… Điều đó nói lên tính chất phức tạp, đòi hỏi khắt khe, ẩn chứa nhiều khó khăn, bất cập, đôi lúc bất khả kháng trước các lựa chọn - yêu cầu hay nguyên tắc của công việc dịch thuật văn học. Dẫu vậy, trong những điều kiện chưa cho phép độc giả Việt Nam có thể tiếp cận nguyên ngữ một tác phẩm văn học nước ngoài, thì việc dịch vẫn phải được tiến hành, và đó có thể là một sự nương tựa, dù lắm khi người đọc còn hoài nghi. Lê Bá Thự đã bày tỏ suy nghĩ thấu đáo của mình về câu chuyện được mất trong khi dịch thơ. Với ông, việc dịch thơ, cùng với những lựa chọn tinh, đúng, trúng, dù không thể toàn bích, nhưng phải làm sao để cái “được” nhiều hơn cái “mất”.

Không riêng gì ở Việt Nam, trên thế giới vẫn phổ biến hiện tượng các nhà văn (sáng tác) tham gia viết tiểu luận - phê bình văn học. Lê Bá Thự cũng là một trường hợp như vậy. Những tiểu luận - phê bình ông viết về chính các tác phẩm dịch của ông đã xuất bản tại Việt Nam cho thấy dư lượng của niềm đam mê rất lớn trong con người Lê Bá Thự. Làm như vậy, ông muốn bạn đọc của mình được thưởng thức trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm, nắm bắt giá trị, cái hay, cái đẹp, văn phong, bút pháp, trí tuệ và tài năng của từng tác giả thể hiện trong tác phẩm của họ. Là người chuyển ngữ, nắm rõ tác phẩm và tác giả đến tận chân tơ kẽ tóc, Lê Bá Thự có đủ thẩm quyền để tiến hành việc này. Những bài phê bình của ông về bộ tiểu thuyết đồ sộ Pharaon (Boleslaw Prus), Quà của Chúa (tiểu thuyết, Henryk Sienkiewicz - Nobel văn học năm 1905), Xin cạch đàn ông, Các người khắc biết tay tôi (tiểu thuyết, Katarzyna Grochola), Dưới cánh thiên thần Rượu, Những khoái cảm khác (tiểu thuyết, Jerzy Pilch), Ban công lên trời (tập truyện ngắn, Tomasz Jastrun), Cô gái Không là gì (tiểu thuyết, Tomek Tryzna), Con voi (tập truyện, Slawomir Mrozek)… hay những tiểu luận về nhà thơ Czeslaw Milosz (Nobel văn học, 1980), nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (Nobel văn học, 1996), nữ nhà văn Olga Tokarczuk (Nobel văn học, 2018)… thêm một lần nữa nói lên tầm vóc của tác giả, tác phẩm được chọn để chuyển ngữ, hay những quan tâm muốn được đồng hành cùng bạn đọc của dịch giả. Từ những tác phẩm được dịch cùng các tiểu luận - phê bình, có thể nhận định rằng, Lê Bá Thự là một dịch giả, một nhà phê bình có con mắt tinh tường, tầm nhìn xa rộng khi đã miệt mài, bền bỉ giới thiệu đến độc giả Việt Nam những tượng đài văn học không chỉ của Ba Lan mà của cả nhân loại. Đó có thể xem là một đóng góp không nhỏ của Lê Bá Thự cho nền văn học nước nhà trong tiến trình giao lưu, hội nhập với các giá trị văn hóa - văn học thế giới.

Trở lên, chúng ta đã nói về Lê Bá Thự trong tư cách dịch giả và nhà phê bình văn học. Có lẽ, một trong những điểm rất đáng quan tâm, liên hệ, làm tiền đề cho sự dịch chuyển - song hành giữa dịch văn học và phê bình văn học, ở Lê Bá Thự, chính là có khả năng phát hiện ra giá trị, đồng thời có một quan niệm vững chắc về giá trị. Chọn tác phẩm, tác giả nào để dịch; phê bình tác phẩm văn học nào; chú ý đến vấn đề, hiện tượng văn học nào… đều xuất phát từ chính khả năng và quan niệm giá trị ở người viết. Ngẫm cho cùng, đó mới là phẩm chất cội nguồn để sáng tạo - dịch thuật - phê bình văn học nghệ thuật. Hội đủ những phẩm chất ấy, Lê Bá Thự (dù đã ngoài 80), có lẽ sẽ còn tiếp tục đem đến cho công chúng những tác phẩm mới, ở những khu vực văn học mà ông yêu thích, gắn bó.

NGUYỄN THANH TÂM

Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XIII

Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc sáng nay (18/7) tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được triệu tập sớm hơn gần 3 tháng so với kế hoạch đề ra, thể hiện tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm cao của toàn Đảng trong việc chuẩn bị một cách toàn diện, kỹ lưỡng các nội dung trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Vĩnh biệt hoạ sĩ Lê Thiết Cương, người em thân yêu về cõi cực lạc

Vĩnh biệt hoạ sĩ Lê Thiết Cương, người em thân yêu về cõi cực lạc

Baovannghe.vn - Em rời cõi tạm về nơi vĩnh hằng, gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha và gặp bao người thân yêu, những văn sĩ lớn mà em mến mộ…
Lạnh - Thơ Nguyễn Lạc Đạo

Lạnh - Thơ Nguyễn Lạc Đạo

Baovannghe.vn- Xuân đi lạnh lá sau vườn/ em đi lạnh má người dưng cạnh nhà
Trò chơi tỷ đô trên lưng giới sáng tạo

Trò chơi tỷ đô trên lưng giới sáng tạo

Tại Hoa Kỳ, hàng loạt vụ kiện bản quyền đang bùng nổ nhằm vào các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo như Meta, OpenAI, Anthropic, với cáo buộc đã sử dụng trái phép hàng triệu tác phẩm có bản quyền để huấn luyện mô hình AI. Các phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ gần đây cho thấy cuộc tranh cãi pháp lý không đơn thuần là chuyện giữa Big Tech và giới xuất bản, mà đang trở thành vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của sáng tạo văn hóa toàn cầu. Diễn biến này đặt ra nhiều câu hỏi đáng lưu tâm về quyền sở hữu trí tuệ, đạo đức công nghệ và vai trò của nhà sáng tạo trong thời đại AI.
Người mù uống rượu - Thơ Dương Thắng

Người mù uống rượu - Thơ Dương Thắng

Baovannghe.vn- Sẽ có một trận mưa lớn/ Đêm nay tiếng sấm ùng oàng