Chuyên đề

Linh hồ - truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

Phạm Thanh Thúy
Văn học địa phương
19:00 | 29/07/2024
Baovannghe.vn - Cha tôi không ưng trước đề nghị được du ngoạn lòng hồ suốt đêm của khách.
aa

Hai mươi năm lái thuyền chở khách dạo chơi lòng hồ, cha chưa từng gặp ai muốn qua đêm trên hồ cả. Vả chăng đêm nay sương mù dày đặc, có thể gây nguy hiểm.

Nhưng trước vẻ khách khẩn khoản, cùng với số tiền khá lớn mà cha con tôi sẽ phải mất nhiều thời gian làm lụng mới có được, cuối cùng cha cũng bằng lòng để tôi đưa khách đi.

Chúng tôi đến bờ hồ lúc chiều đương muộn. Mặt trời chỉ còn là những tia sáng le lói trên đỉnh đồi Cao chấp chới giữa hồ. Lúc này lặng gió, mặt hồ lăn tăn những con sóng nhỏ. Nước hồ trong vắt, sát mép nước, chỗ tôi và khách đang đứng, hàng đàn cá nhỏ vừa bơi vừa nghiêng liệng phô những vảy bạc lấp lánh.

Khách bảo rằng đã từ lâu nghe nói về một hồ nước nằm lưng chừng núi vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Người quanh vùng đã manh mún tổ chức đưa khách du ngoạn lòng hồ bằng thuyền. Khách đa số là những người trẻ tuổi ham vui hơn là thưởng ngoạn cảnh đẹp. Chúng thường kéo nhau đến, thuê một hai con thuyền rồi tổ chức ăn uống hò hát khi thuyền dập dềnh trôi trên mặt nước mênh mông.

Dưới mặt nước thẫm xanh ấy xưa kia tồn tại một ngôi làng…

Làng của tôi nằm bên dưới chân núi chứa hồ nước. Đứng ở bến thuyền nhìn xuống có thể thấy những nếp nhà bình dị ẩn dưới những tàng cây xanh mát. Hồ nước không phải tự cổ sinh ra. Hai mươi năm trước người ta ngăn dòng con suối Hang, hồ từ đó mà thành. Vì thế, hồ nằm trên lưng chừng mây và núi.

Sinh thời, ông Phạ quả quyết rằng hồ linh lắm. Vào những đêm trở trời, lòng hồ sáng rực như có muôn ngàn ngọn đuốc đang đốt cháy. Những hôm như thế, ông đứng trên đồi Cao nhìn xuống mặt hồ suốt đêm, khi ánh mặt trời đầu tiên ló rạng, mặt hồ trở lại phẳng lặng và xanh trong.

Linh hồ - truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

Những người làng tôi bảo chẳng ai tin nổi câu chuyện của ông Phạ. Hồ ấy có phải từ cổ xưa sinh ra đâu mà linh. Đôi khi, vào những đêm trở trời, người làng cũng ra lòng hồ đánh cá, chỉ thấy nước thăm thẳm sâu đen dưới bụng thuyền. Họ nói người làng Hang đã từ lòng hồ ấy ra đi. Người làng Hang đã rời đi từ hai mươi năm rồi. Vợ con ông Phạ cũng đi hai mươi năm rồi, chỉ có ông cứ khư khư giữ ngọn đồi Cao nay chỉ còn nhô phần ngọn trơ toàn cỏ dại hoa trắng giữa lòng hồ xanh thẫm.

Dưới chân ngọn đồi Cao ấy xưa kia là ngôi nhà của ông…

…Mặt trời tắt lịm trên mặt hồ, bóng tối và sương mù bắt đầu lan tỏa. Con thuyền đưa tôi và khách đi sâu vào mênh mang. Đồi Cao không xa bến thuyền, đứng trên bến có thể nhìn thấy ngọn đồi như một bông hoa trắng nổi giữa làn nước trong suốt. Từ khi tôi theo cha bơi thuyền trên hồ, đã thấy ngọn đồi ấy phủ một loài cỏ dại trổ hoa trắng quanh năm. Mấy năm gần đây, khi ông Phạ qua đời, không còn ai trông giữ, những đám khách trẻ tuổi thường đòi lên đó chụp ảnh. Chúng giẫm nát những vạt hoa trắng ngần. Nhưng thật lạ, chỉ sau một đêm, những đám hoa như được hồi sinh bởi một thứ thuốc tiên thần diệu.

Cha tôi là người duy nhất trong làng để ông Phạ qua lại. Ông thường đến bất ngờ và đi không báo trước. Mỗi lần đến, ông chỉ ngồi bên bếp nhà tôi nhìn ngọn lửa nhảy múa trên những khúc củi khô. Ông hút thuốc nhiều, nhưng không uống rượu. Thuốc là thứ lá cây ông trồng bên hồ, nơi những ngôi nhà đổ nát còn trơ lại những bức tường, nửa nhô lên mặt nước như một tiếng thở dài, nửa chìm sâu như một niềm nuối tiếc. Thứ thuốc lá đó khiến ông ho nhiều. Tiếng ho của ông lạ lắm, cứ khắc khoải như tiếng kêu gọi bầy của một loài chim cô độc. Người làng tôi sợ ông. Họ bảo ông là hồn ma của ngôi làng đã chết.

Có lẽ, việc ông vào ngôi làng của chúng tôi là để tìm lại những mong nhớ hơi người. Ông sống trên đồi Cao, trong một căn lều nhỏ. Đồi cao khi xưa là một ngọn đồi cao lắm, ông bảo tổ tiên ông đã chọn thung lũng dưới chân đồi đó để dựng làng, vì đó là nơi thần khí của núi rừng tụ lại. Tôi nghĩ ông nói đúng, bằng chứng là loài hoa trắng đẹp lạ lùng nở quanh năm suốt tháng, dẫu giờ đây ngọn đồi kiêu hãnh ấy chỉ còn nhô lên mặt nước như chiếc bát úp giữa một khoảng sân rộng dài bất tận.

“Có phải chúng ta đang đi trên con đường xẻ dọc thung lũng vào thác Hang không? Nghe nói thác Hang đẹp lắm, lúc nào cũng buông trắng xóa. Con gái làng Hang hay tắm tiên ở đó?”.

Khách đứng trên mũi thuyền, tà áo bay chấp chới, hỏi mà có vẻ không mong nhận được câu trả lời.

Tôi lặng tay chèo. Con thuyền nhẹ bâng và trôi nhanh trong gió. Không biết trong số những du khách từng đến đây du ngoạn lòng hồ, có ai là người con làng Hang đã rời đi hai mươi năm trước. Có ai từng nhớ thương day dứt về một ngôi làng đã chìm sâu dưới làn nước thẳm xanh kia…

“Có phải chúng ta đang đi trên nóc những ngôi nhà giữa làng Hang. Nghe nói trong vườn nhà ai cũng trồng rất nhiều đào. Mùa xuân đến, hoa đào nở đẹp lắm?”.

Mỗi lần hai cha con tôi đi thuyền trên mặt hồ, cha cũng bảo rằng ông vẫn nhớ rõ từng con đường, từng nếp nhà dưới làn nước biếc. Cha tôi là bạn thân của ông Phạ. Khi ngôi làng chưa bị nhấn chìm trong nước, ông thường qua lại chơi nhà ông Phạ. Cha nói ông Phạ có người vợ xinh đẹp lắm. Vợ chồng ông có ba người con, hai người con gái, một người con trai...

Ông Phạ ốm nặng trên đồi Cao. Lúc cha con tôi đến thăm, ông đã mê sảng. Trong cơn mê, ông nhắc đến tôi. Ông bảo sẽ có người đến tìm, để trả lại vật thiêng đã mất, vào một đêm sương mù…

Ông Phạ chết, cha con tôi đã đắp cho ông một nấm mồ đơn sơ ở giữa những bụi cỏ dại nở hoa trắng muốt…

“Sao ông không đi với vợ con ông? Họ không về thăm ông à?”

Tôi đã từng hỏi ông Phạ như thế, khi ông và tôi ngồi bên mép nước nhìn xa rộng mênh mang. Ông bảo ông không thể đi được. Ông không thể rời làng, vì ông còn phải tìm một vật thiêng đã mất.

…Những làn sương lạnh buốt đã bao phủ mặt hồ. Ngọn đèn trên thuyền chỉ tỏa một quầng sáng mờ quanh tôi và khách. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn, khách như chìm hẳn trong hư ảo. Hình như trong làn áo mỏng, trái tim anh đang tỏa sáng.

Gió hun hút trên mặt nước. Sóng đã lớn hơn. Tôi giục khách cài lại vạt áo và khăn quàng, nhưng dường như khách không nghe thấy.

“Nghe nói thi thoảng mặt hồ sáng như có người đốt đuốc dưới lòng hồ này?”

Khách hỏi, khuôn mặt như sắp tan loãng vào làn sương lạnh toát.

Cha tôi bảo làng Hang có ở trên đời từ lâu lắm rồi. Khi cha còn là một cậu bé, đã thấy những cây cổ thụ bao bọc quanh làng. Những ngôi nhà sàn rêu xanh mọc đầy trên các khung cửa sổ và mái nhà. Người làng Hang hiền lành, thánh thiện. Họ có một ngôi miếu nhỏ thờ một viên ngọc dưới chân thác Hang. Miếu ấy do một người trong làng trông giữ. Người ấy cũng là người giữ ngọc truyền đời. Họ là hậu duệ của những người đã khai đất lập làng, được thần núi phù hộ. Chỉ những người được thần núi tin tưởng mới được giữ viên ngọc. Viên ngọc là hồn làng. Khi làng rời đi đâu, viên ngọc phải được đưa đi cùng. Nếu không có linh hồn, làng ấy khắc tan rã…

Bây giờ làng Hang đã chìm sâu trong nước biếc. Cha tôi nói người làng Hang từ khi rời đi thì mỗi người một ngả. Họ đã không cùng nhau lập làng như cũ. Đến nay, hai mươi năm trôi qua mà chưa có một ai quay trở lại.

Những người làng Hang đã ra đi, chỉ ông Phạ còn ở lại. Người làng tôi bảo ông bị điên. Ông bị điên do quá tiếc tiền. Số tiền người ta đền bù để rời làng đối với những người làng Hang là rất lớn. Nhưng chính trong ngày nhận tiền, ông đã bị vợ chuốc rượu say. Khi ông tỉnh lại trong ngôi nhà trống, vợ con ông đã biến mất cùng số tiền lớn đó. Tham lam hơn, vợ ông còn đánh cắp viên ngọc trong điện thờ dưới chân thác Hang. Nghe nói, vào ngày viên ngọc biến mất, thác Hang đổ nước dữ dội. Chính vì dòng nước lớn bất ngờ, nên cái đập ngăn nước đã phải tạm hoãn khởi công để tính toán lại. Nó được khởi công chậm hơn một năm so với dự kiến…

Đêm chìm vào khuya, sương mù bỗng nhiên như tan ra, một vùng mênh mông bóng đêm và sóng nước lay động. Khách đứng dậy buông xuôi hai bàn tay, nhìn chăm chắm xuống mặt nước. Tôi hoảng hốt giục khách ngồi xuống. Chênh vênh như thế có thể sẽ bị sóng xô ngã xuống hồ. Nhưng khách không nghe thấy tôi nói. Đột nhiên khách xoay người lại đối diện với tôi. Khách xòe bàn tay trái ra trước mặt. Tôi lặng người. Hai viên đá nhỏ đang tỏa ánh sáng trong xanh và lạnh lẽo.

“Tôi nhặt cái này trên bến thuyền, nhiều lắm. Cậu giữ lấy một viên nhé.”

Tôi không hiểu sao xòe bàn tay trái, khách đặt vào tay tôi một viên đá tỏa sáng.

Rồi khách cúi người, viên đá sáng còn lại trong tay khách từ từ chìm sâu xuống nước. Sương mù bất thần lại bủa quanh dày đặc. Hình như cả con thuyền đang sáng lên giữa vùng mênh mông nước cũng tỏa thứ ánh sáng xanh lạnh lẽo. Và, những con đường, những mái nhà dưới đáy hồ đang hiện lên rõ ràng. Vẫn những nếp nhà sàn rêu phủ, dưới gầm sàn chất đầy củi khô. Những cây đào đang tươi hoa trong những khu vườn… Viên đá như một chú đom đóm xanh lặng lẽ tìm về một chốn đậu…

Ông Phạ đang ngồi trên mỏm đá dưới chân thác Hang. Bàn tay ông cầm viên đá nhỏ. Nó vẫn tỏa sáng…

…Cha nói tôi đã mê man sốt suốt ba ngày ba đêm. Trong lúc mê sảng, bàn tay trái nắm chặt, không thể nào gỡ các ngón tay đan vào nhau ra được. Cha nói không hiểu tại sao đêm đó tôi một mình lặng lẽ dong thuyền vào lòng hồ. Sáng hôm sau, người làng thấy thuyền tôi lênh đênh cạnh đồi Cao, tôi mê man và lạnh toát.

Tôi chèo thuyền đến chân đồi Cao. Ở đó, những bông hoa trắng muốt đang tàn. Ngôi mộ của ông Phạ lặng lẽ giữa đồi hoa đang rũ xuống. Loài cỏ hoa trắng trên đồi này lạ lắm, bốn mùa ngan ngát trắng. Tôi đã nhiều lần mang cỏ ấy về trồng, nhưng không có một cây nào sống nổi. Tôi ngồi xuống bên mộ ông, nghe những cánh hoa đang rụng. Lòng hồ phẳng lặng và xanh trong.

Nhiều năm trước, người ta đồn vợ ông Phạ đã trở nên giàu có với số tiền đền bù di dời. Bà ta lấy một người đàn ông khác. Nhưng một ngày nọ, khi cùng các con đi chơi trên một lòng hồ lớn phía Tây Bắc, con thuyền chở họ đã bị đắm chìm, không ai tìm thấy xác họ.

Tôi xòe bàn tay trái của mình. Trong lòng bàn tay tôi là một viên sỏi nhỏ. Viên sỏi bình thường như bao viên sỏi khác bên hồ. Nó có thể là viên sỏi khách đã để vào tay tôi. Cha tôi bảo ông Phạ là người giữ hồn làng. Hồn làng nằm trong một viên đá nhỏ…

Tôi ngắm viên sỏi trong tay mình. Trước khi nhắm mắt, ông Phạ dặn tôi nhớ đón người trở lại trả vật thiêng bị đánh cắp. Và quả nhiên, đêm ấy sương mù…

Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Tuần có sáu ngày. Truyện ngắn của Phong Điệp Hoa trạng nguyên. Truyện ngắn của Vũ Hải Sơn Ngày của tuổi 20. Truyện ngắn của Đinh Đình Bổn
Nguồn Tạp chí Sông Thương (số 3/2024)
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn