Sự rủi ro bắt đầu từ khi tôi chia tay với cái xe sang trọng, trong cốp của nó bao giờ cũng có bia, đủ cho các ký giả say đến khi những bài báo lên khuôn. Dọc con đường đồi heo hút chỉ gặp đôi ba người đạp xe vội vã mà có tới năm quán nước chè nhạt thếch với những quả dưa lê quắt queo, những lọ kẹo bột ướt rượt, những bà chủ quán vừa tỉnh cơn ngủ gật đã lại than thời giá. Đành chỉ mua cho các con của Châu một gói xanh xanh đỏ đỏ dù không chắc lắm cái chúng gói là kẹo. Thuốc lá thì còn, lúc nãy anh bạn lớn tuổi ở thông tấn xã vừa lấy trong cốp xe ra dúi cho tôi một bao Hero. Bực nhất là không ai biết kỹ sư Châu của tôi. Ở đây người ta gọi anh là Châu Hời, Châu Bò, chăn bò là nghề, còn Hời, thế ra cô vợ người Mường của anh tên là Hời?
Chị ta không những tên Hời, mà còn phốp pháp trong bộ quần áo bảo hộ bẩn, nhàu nát, nét mặt còn nhàu hơn. Khi tôi đến, chị đang đánh con và chửi thì không chỉ mình nó:
- Cái giống nhà mày ngu gì ngu quá thể?
Châu ngượng nghịu cười. Anh giới thiệu tôi với vợ, như có ý cầu hòa với chị:
- Đây là anh bạn thân của tôi. Đã mười năm mới gặp.
Cuộc chiến không tiếp tục được, nên dồn cả bực tức lên nét mặt khiến nó đầy lên lấp hết cả các nét nhàu. Hình như anh đã trừng mắt, vì thấy chị lừ lại, rồi đi vào bếp. Đứa con gái hỏi:
- Ai đấy hở mẹ?
- Bạn... với bè, chị làu bàu - Mười năm không thấy mặt mà lại còn là bạn?
Tôi bật cười, nháy mắt với Châu, ra cái vẻ cùng cảnh ngộ, chẳng việc gì phải ngượng cả. Anh đưa tôi vào nhà. Đó là ngôi nhà xây đá ong lợp ngói, có vẻ như được bắt đầu xây với thiết kế khá đẹp, nhưng hoặc hết tiền hoặc là chủ nhân chán đời mà bỏ dở. Nó không có vữa áo, và trên bậu cửa sổ trơ hẫng, hàng chấn song không chân bám quăng quật mấy quyển vở xộc xệch. Ngay dưới đuôi cái giường Đức bằng gỗ tạp sơn bằng mực và vết tay bẩn là cái giá sách được rào bằng lưới mắt cáo giống với lưới rào chuồng bò ngoài kia, cái khóa Đức to tướng, đã tróc mạ, đã hoen gỉ. Chỉ đến khi anh thay quần áo, ngẫu nhiên đi qua giá sách, tôi mới tin rằng ông chủ nhà lép vế này chính là Châu của tôi. Lúc ngồi với nhau cạnh giá sách tôi bảo về dự hội nghị toàn ngành, nhân đó ghé thăm Châu. Nét mặt hồ hởi của anh trở nên lo lắng:
- Giá ông cứ lẳng lặng xuống với tôi thì hơn.
- Sao vậy?
Anh không đáp ngay, đưa cho tôi chén nước chè và cả hai cùng uống. Vị chè ngon không xóa nổi nét lo lắng cứ lởn vởn trên mặt. Lát sau anh bảo:
- Hôm rào cái giá sách này, tôi nhớ ông ghê lắm. Giá tôi nghe ông mà bỏ cả vào hòm, hẳn là tôi đã có thể làm được một cái gì đấy. Khi người ra kết án tôi là tâm thần, tôi đã toan nhân đó mà đốt sách, nhưng đã không đủ tàn bạo. Bán nó, nghe đâu năm tạ giấy lộn bây giờ có thể mua được cái mifa, thì lại ức: mình đã mua nó với giá khoảng sáu cái xe máy Simson Start. Nghĩ đi nghĩ lại, thôi thì rào béng và khóa nó lại. Cố ý cho mọi người thấy rằng mình đã chừa đọc là được rồi.
Châu nói rời rạc, vừa nói vừa lựa lời như một nhà văn cầu toàn nên buổi tối đèn dầu ấy của chúng tôi lem nhem như một trang bản thảo giấy xấu. Tôi kể cho anh nghe về đám bạn cũ, nhưng anh nghe chểnh mảng và nói vẫn rời rạc. Cái dầu nhờn kỷ niệm không đủ làm trơn khớp xích trong cỗ máy bỏ không đã quá lâu ngày. Đôi kính “thương binh” của anh lờ mờ sáng, tôi cố tìm qua nó cái tinh lực làm tôi ghen tị một thời, nhưng không thấy đâu. Bao thuốc mới vơi vài điếu, chè đang ngon, nhưng cả hai đều ngượng nên bảo nhau đi nằm. Châu ngồi bên mép giường dành cho tôi, nói như xin lỗi:
- Mình sợ ông về đây với mình, mai kia có thằng nào tố giác nông trường này lên báo, người ta lại bảo tại mình hớt lẻo với ông.
Lúc nãy tôi tưởng anh giễu về khoảng cách giữa hai người, thì ra có một nỗi lo ngại ngu ngốc vẫn ám ảnh anh.
Tôi nằm gối đầu cao để ngắm giá sách bị khóa. Từ nó, mùi ẩm mốc phả ra đều đặn. Nó cứ phả vào Châu như thế, hằng đêm, hết năm này qua năm khác? Nó đấy ư? Dưới ánh trăng chếch qua cửa sổ, những gáy sách đứng khuôn phép mà lầm lì như những tù nhân. Tôi không biết tiếng Đức, nhưng chơi thân với khổ chủ nó, nên hiểu nó một cách đại thể. Nó chứa trong mình cơn bão táp bởi hai luồng gió Menden và Lưsenko - một cơn bão dữ dằn quần thảo suốt mấy chục năm. Anh sinh viên Việt Nam thấp bé điển hình đến Học viện Nông nghiệp nhiệt đới của Đức cuối những năm sáu mươi, khi chỉ còn bão rớt, mà vẫn bị cuốn vào đến tã tượi. Sau này, những khi phải khuân vác sách giúp Châu chuyển chỗ ở, Quyết đã gọi là cơn bão năm tạ. Bây giờ thì cơn bão năm tạ nằm đây, thở cái mùi ẩm mốc - cái ẩm mốc nhiệt đới khiến những cuốn sách trở nên trương nở, níu trĩu giá gỗ ba phân.
Trước khi gặp anh, tôi đã nghe tả về bốn bức tường sách cao đến tận trần. Tôi ở cái nông trường này từ nhỏ nên cảm thấy mối nguy hiểm của bốn bức tường sách sẽ đổ ụp xuống đầu anh một lúc nào đó bất ngờ. Tôi ý tứ bày tỏ điều đó, liền bị anh cự lại:
- Cây ngay sao mà chết đứng được!
Đó là lần đầu quen nhau, hẳn anh chê tôi hèn nên không đi lại giao du. Cũng tại vì anh bận nữa. Cái chất Đức đã ngấm vào máu anh, anh khỏe mạnh và ráo riết, làm quần quật những việc của công nhân mà nét mặt lúc nào cũng tươi cười và đôi môi đỏ chót. Mặc quần yếm xanh bạc, đi đôi ủng da vàng sậm, đạp cái xe Diaman, người lùn nên cứ phải rươn rướn, trông anh hệt như các chuyên gia. Vừa làm kỹ thuật vừa làm phiên dịch nên anh là giao điểm giữa hai ý chí chọi nhau: một bên là các chuyên gia Đức - những người nổi tiếng về lao động và kỷ luật sắt. Công nhân mình yên trí lợn không biết nói, chuyên gia thì mắt cứ lễnh loãng xanh chắc chả nhìn thấy gì, nên mạnh ai người ấy vơ. Cho đến khi anh dịch cho công nhân nghe yêu cầu gay gắt của bạn về những việc cần phải làm lại và những việc không được làm, thì họ đinh ninh chỉ tại anh mách lẻo. Cũng tại vì giọng nói và nét mặt của anh đã pha quá nhiều bực bội do niềm sỉ nhục của đồng bào mình mà có. Công nhân thù ghét anh và ba tháng sau bộ tứ của đội đã khép được anh vào tội “gây mối bất hòa giữa ta và bạn” và quyết định thuyên chuyển của giám đốc nông trường được gửi xuống. Ở đây anh là người duy nhất hiểu tiếng Đức, đổi anh đi tức là vô hiệu hóa sự cố vấn của chuyên gia, họ tức tối la um lên, xé tờ quyết định. Vì nhẽ này, người ta ghi thêm vào án kỷ luật là kéo dài tập sự lý do: “Xúc xiểm người nước ngoài làm nhục đất nước”.
Châu đi làm cỏ dứa, còn đàn lợn Êđen sống thoi thóp đâu được hơn một năm sau thì bộ phải chuyển vội về gần Hà Nội để giữ giống. Những hôm đóng cũi lợn, Châu đến nhà tôi nằm khàn. Gợi mãi chuyện, mới nghe anh thở dài:
- Êđen là giống quý, cho bảy chục phần trăm thịt nạc, tăng trọng tối đa được bốn chục cân một tháng, gấp đôi mức tối đa của Coóc-van va Béc-sai. Nó được bạn ưu ái riêng cho ta một đàn là ở cái nhẽ cũng cảnh ngộ đất nước cách chia. Chứ họ có bán giống cho nước nào đâu.
Rồi im lặng. Rồi đang nằm, bò dậy gắt um lên:
- Xứ mình nóng, cần mỡ làm gì. Ăn thịt đều thì dân mình mới khỏe mạnh minh mẫn được chứ?
Những giọt nước mắt chảy loang xuống, được đôi kính ba đi ốp khúc xạ làm nhòe ướt một vùng trời.
Anh chỉ bị đi làm cỏ dứa có sáu tháng thôi và sắp sửa mãn hạn thì lại xảy ra tai họa, mà lại bị từ phía bất ngờ nhất, là từ cái đám trí thức chúng tôi.
Từ khi bị kỷ luật, anh thường lui tới chỗ tôi để đàn đúm với lũ chán đời như Đằng, Quyết và Thiện... Bao thuốc lá Nhị Thanh, hiếm hoi lắm mới là Tam Đảo, ấm chè cám đứa nào đó kiếm được, nằm gối đầu lên lưng lên bụng nhau mà chuyện gẫu thâu đêm, nhẽ ra phải thế này, nhẽ ra phải thế khác thì nông trường mới ăn nên làm ra. Châu nhập bọn sau cùng, nhưng ý kiến của anh bao giờ cũng sắc sảo, khiến các nhà cải lương chỉ còn biết nằm nghe.
- Các ông ngu bỏ xừ đi, chừng nào trí thức còn nằm khàn, thì tôi chỉ dám mong có đủ hạt bo bo mà ăn. Hết cái thời hàn gắn vết thương chiến tranh, các nước xong nghĩa vụ nhân đạo, rồi thì còn chết đói. Thằng ngu làm giám đốc, thằng lười và con ăn cắp làm công nhân - đây là cái xí nghiệp rỉa lông Nhà nước. Đã thế thì càng cải tiến nó lại càng lùi, bởi các mánh khóe rỉa lông sẽ tinh vi hơn mà thôi.
Đằng đổ bã cám chè qua cửa sổ rồi quay vào:
- Ừ, thì chúng em ngu. Vậy chứ nếu cho bác làm giám đốc, thì bác sẽ xoay xở thế nào nhỉ?
- Nếu tao làm giám đốc, việc đầu tiên là tao đuổi những thằng xu nịnh xách túi long trọng quanh cái văn phòng xuống tất cả các đội mà rẫy cỏ gánh phân. Một trăm ba mươi thằng xách túi trên cái tổng số một nghìn ba trăm bảy chục người cầm cuốc là một thứ vô nhân đạo. Một mình tao với bốn thằng trợ lý, một thằng lo ăn, một thằng lo ở, một thằng trồng trọt, một thằng chăn nuôi, cơ giới thì tao kiêm là đủ. Xích càng thưa, mắt nào hỏng càng dễ biết. Nên nhớ, con người có một quy luật: hễ có một thằng trong cộng đồng nhởn nhơ mà vẫn có ăn thì tất cả số còn lại sẽ tìm mọi cách để được nhởn nhơ mà vẫn có ăn. Bốn thằng trợ lý làm bất cứ việc gì cũng đều được quyền sử dụng quyền giám đốc.
Cái đề án hay ho ấy cũng chỉ đến theo khói thuốc mà lên mây như mọi đề án phòng trà khác, nếu trong chúng tôi không có người quá tin vào tính nguyên lý của nó, cho rằng nó có thể thành hiện thực. Tay kỹ sư mà tôi không muốn nhắc đến tên kia đã không ưa Châu. Đâu như có một lần Châu vác bao đạm từ đồi dứa, vừa nắng vừa nóng, mồ hôi túa ra. Thế mà trước mặt tay kỹ sư kia, mấy cô công nhân rắc u-rê bừa lên cỏ, lên ngọn dứa. Châu đùng đùng vét một nắm đạm, giơ lên trước mũi hắn mà quát:
- Cái này phải mua bằng mô hôi của dân, chở từ Nhật về đây mất hàng vạn dặm, từ đội ra đây cũng phải mồ hôi ông nhé. Cỏ thì không bón u-rê nó vẫn tươi tốt, như cái giống ngu ngốc nhà ông vậy. Còn ông là đồ phá hoại nên mới để chị em vãi u-rê lên ngọn cây trồng, ông nhớ chưa?
Bực thì bực quá, nhưng mang danh trí thức, ai lại thù nhau cái vặt ấy. Vẫn chia nhau điếu thuốc chén trà, vẫn lui tới chỗ chúng tôi, bởi hình như trí tuệ cũng có một vẻ đẹp nào đó hấp dẫn con người ta. Lại còn bởi... sau này, khi đã từng trải hơn, tôi hiểu rằng anh ta còn nguyên cái hăm hở mới ra trường, thấy cái cơ chế nông trường tôi thằng mù dắt thằng sáng mà to mồm bài bác nó. Tội gì, vừa sướng miệng, vừa chứng tỏ mình là người khá, chứ trong thâm tâm anh ta biết hơn ai hết rằng cái cơ chế xộc xệch này chính là đất nuôi mỡ màu những kẻ trung bình, lười biếng và dựa dẫm. Còn trong cơ chế ảo tưởng của Châu, anh ta ở vào số một trăm ba mươi người dư thừa.
Lại cũng không may cho Châu, đó là dịp giám đốc của tôi nảy ra ý muốn cân nhắc một kỹ sư lên chức trưởng phòng kỹ thuật, thay một trung cấp già vừa mới được đề bạt phó giám đốc. Ông đang theo học lớp bảy bổ túc văn hóa do tôi phụ trách, nên cùng với việc hỏi tôi ý nghĩa các từ trong công văn hoặc những thuật ngữ kinh tế học, ông có hỏi tôi về từng người. Lần này, tôi tiến cử Châu. Ông gật gù:
- Ừ, nó là thằng lao động hăng nhất trong đám trí thức nhà các cậu. Chỉ phải cái tội bướng, rõ là kẻ có tài mà không có đức.
- Ngựa hay mới bất kham, bác ạ. Tưởng giỏi là tướng cưỡi được ngựa bất kham.
- Ừ cái thằng ấy chỉ có tay tớ mới dùng nổi. Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ có dám dùng nó đâu.
Rồi có dư luận Châu sẽ lên làm trưởng phòng kỹ thuật khi nào hết hạn kỷ luật, cái ghế ấy vị tân phó giám đốc vẫn kiêm. Rồi đùng một cái Châu bị đưa ra bộ tứ xét hỏi về tội “có âm mưu đẩy giám đốc đi để mình lên thay quyền và chỉ trích bộ máy lãnh đạo do Nhà nước xác lập”. Bộ tứ định xét kỷ luật một ngày, nêu đích danh cả lũ chúng tôi, tưởng sẽ phải căn vặn đối chất mới khép tội được Châu. Không ngờ anh đã nhắc lại nguyên văn những điều đã nói ở nhà tôi và nhân đó phê phán bộ máy chồng chéo cồng kềnh của cơ quan.
Sau đó, anh trở lại trại lợn, chức danh là “làm vệ sinh chuồng trại” nhưng cụ thể ngày ngày anh đi hót phân lợn, gánh nước rửa sáu chục ô chuồng cho nửa nghìn con lợn, cũng như đòn âm của án kỷ luật, anh là một phần tử nguy hiểm, ngoại lai.
Cũng số kiếp sao đây mà Châu lại học ở Học viện Nông nghiệp nhiệt đới và Đức là một nước thiết thực nên ở đó người ta dạy cho sinh viên các nước lạc hậu thành kỹ sư đa ngành, nghĩa là cả chăn nuôi, trồng trọt, thủy lợi, cơ khí và kinh tế học. Các kỹ sư này về các nước khác đều làm giám đốc hoặc đội trưởng sản xuất. Còn Châu, về cái nông trường hẻo lánh của chúng tôi, anh đi làm vệ sinh chuồng trại. Hết mỗi ngày cực nhọc, anh mang sách công cụ ra đọc. Rồi bán cái xe đạp Diamant với một ít quần áo, mua ống cao su và xích chuyền tải, lắp ráp hệ thống phun nước quay tay, hệ thống băng tải phân tựu đổ. Như vậy là phải dỡ bỏ một số chỗ của tường ngăn. Khó nhất một điều: phải tập cho lợn đi đúng nơi quy định và việc đó làm cho các cô công nhân mất khá nhiều thì giờ - lại là thì giờ trước kia họ vẫn chăm nom vườn rau của họ, nên nhiều ý kiến phản đối:
- Báo cáo đội trưởng đồng chí Châu phá chuồng lợn.
- Trước kia chị em chúng tôi phải gánh phân, gánh nước thì cũng có sao đâu? Rõ là dân trí thức khinh lao động chân tay.
- Lợn chứ có phải người đâu mà bảo được nó?
Châu bực mình bảo:
- Chỉ có người ngu thì mới không thể dạy được.
- A! Đồng chí bảo công nhân chúng tôi ngu không bằng lợn hả? Lập trường giai cấp của đồng chí để đâu mà sỉ nhục chị em phụ nữ chúng tôi?
Ở đội báo cáo lên. Người ta lại đem Châu ra hội đồng bộ tứ để xét xử.
Tôi nói với ông giám đốc tất cả sự thật. Những tưởng ông sẽ lưu ý đến sáng kiến hợp lý hóa của Châu mà cho anh chuộc tội. Nhưng tôi đã nhầm. Tôi cứ khổ sở mãi, sao người luôn tỏ ra ở mọi nơi mọi lúc rằng mình là người ngày đêm và suốt đời chỉ lo sao cho đời sống công nhân được nâng cao và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta sớm hoàn thành, như ông giám đốc của tôi lại khăng khăng vùi dập một con người cùng có tâm huyết như mình đến thế? Lũ chúng tôi chỉ có Nhuận là tỉnh táo hơn cả, nó phán:
- Làm gì có hai người cùng tâm huyết mà lại chấp nhặt nhau cái vặt vãnh ấy? Chỉ một người có tâm huyết mà thôi, hoặc ông giám đốc hoặc thằng Châu.
Nó còn bảo:
- Chừng nào ở chỗ nào còn do bần cố nông dân lãnh đạo thì ở đó trí thức hãy liệu mà cuốn xéo. Và chúng mày hãy liệu hồn mà giữ mồm giữ miệng. Đi với người què thì phải tránh nói đến thọt, ở cái nông trường này hễ dùng tiếng ngu mà chửi nhau rồi thì nhừ tử có ngày.
Chúng tôi vị kỷ hơn vị nhân, ít tâm huyết hơn Châu nên đã sớm chán đời. Còn anh, càng bị đời hắt hủi anh càng tìm cách sán đến hơn. Hôm chuyển sách xuống đội chăn bò hộ anh, sắp xếp chỗ ở, trong bữa rượu chia tay, anh trầm giọng:
- Mình ảnh hưởng Đức tợn quá, vận dụng vào lúc này không hợp. Cũng tại mình nóng tính, lại chỉ dành cho sự ngu dốt quá nhiều thù ghét mà thiếu một chút thương cảm. Thôi, chịu xong án kỷ luật lần này, mình sẽ còn kịp làm khối việc, mình mới hăm bảy tuổi đời.
Người bạn gái của Châu ở lại với anh thêm một ngày, hôm sau mới về nông trường, đến phòng tôi chơi. Cầm không nói gì, chỉ đôi mắt cứ thảng thốt. Mãi khi đứng dậy, cô mới bảo:
- Em chán lắm.
Rồi về, từ đó ít khi Cầm qua chơi. Và Châu thì xe đạp bán rồi, không thể đi bộ mười lăm cây số mỗi chiều thứ bảy. Vài tháng sau, một buổi tối Cầm mang đến nhà tôi cái chăn len, cái phích và một gói tướng những quần áo thư từ, nói là gửi Châu. Tôi quý cả hai, nên lựa lời khuyên Cầm hãy nghĩ kỹ đi, hãy ráng chờ Châu thêm lần thứ ba này đã, nó chẳng nói như đinh đóng cột hôm ở dưới ấy như thế là gì? Cầm vừa vuốt ve gói đồ vừa nói:
- Người ta quyết chí đẩy bật anh ấy ra khỏi nông trường này mới thôi, em nghe lỏm được, anh chớ hé răng nói với ai mà cả em cũng chết. Bố mẹ em thì già chưa tới mà sức không còn, em không thể cùng anh ấy vào Biển Hồ hay Đông Hiếu trong kia được. Em cầu mong anh ấy lấy được người hơn em, nhất là có gan chịu đựng hơn em, để đời anh ấy đỡ khổ.
Hôm sau, tôi mang những thứ ấy xuống cho Châu. Anh cười lặng lẽ:
- Mình chỉ còn ván lát với sàn hoang(1). Thôi được, ông để đấy cho tôi, tôi sẽ đem cho một nhà nghèo nào đó, để đỡ phải đốt đi. Còn ông, ông có ở lại với tôi thì uống rượu với giò nhau bò, hay ông cũng bỏ tôi đi nốt thì cứ bảo thẳng?
Tôi không tin những tiểu thuyết trong đó nhân vật chính quên tất cả chỉ để tập trung tim óc vào công việc chung. Ấy thế mà trong đời tôi lại có một người bạn đúng là như thế. Để tránh làm anh hoang mang, tôi không đem điều Cầm nghe lỏm được ra nói và cũng vì thế tôi không thể thanh minh cho cô. Hẳn trong cõi sâu tan nát của lòng Châu, cho đến tận bây giờ Cầm vẫn chỉ là cô gái đánh máy chữ tầm thường, yêu cái thân thể mình hơn là tấm thân của người yêu.
Buổi trưa ấy, tôi đã phải dùng rượu làm tê nỗi phiền muộn, nhưng Châu thì ăn rất nhiều. Vừa giục tôi ăn, anh vừa bảo:
- Phải là người khỏe mạnh thì mới biết thương kẻ yếu đuối. Trí thức Việt Nam có cái bệnh nan y là uống rượu xếch và chửi đổng, uống ba chén thì tự coi là vĩ nhân, sắp chữa khỏi cơn khủng hoảng triền miên của xã hội, uống nửa lít thì sập xuống như một tàu lá héo. Muốn biết đời sống một vùng, hãy vào chợ, muốn xem sự yếu mạnh một nước, hãy uống rượu với trí thức nước ấy.
Ở đội chăn bò, có một cô bé mười bảy đã đến với anh, cô bé vừa học xong lớp mười, con một lão công nhân, dịp này nghỉ, cô đi chăn bò thay bố. Mối tình ấy nảy mầm từ cái giá sách từng làm anh khốn khổ và tươi tốt trên thảo nguyên hoang vắng và lộng gió. Chả là cô bé suốt ngày mượn sách của anh, suốt ngày hỏi anh về ý nghĩa các tiểu thuyết dịch. Anh gọi cô bé là Ôthêa, hẳn là cô cứ luôn “ô thế á” trước những chân trời cảm nhận.
Dịp này tôi có thể xuống với họ thường xuyên, vì nông trường mới thành lập một buổi phát thanh nội bộ, tôi được cử đi làm biên tập viên. Chả là ở chỗ tôi, đến mùa hè năm ấy dường như không còn mấy người đi học ban đêm nữa, lớp cuối cùng còn duy trì được nhờ hơn chục người đi học cùng giám đốc, cho giám đốc vui lòng mà thôi. Thi xong, nghỉ hè xong, ông giám đốc bảo tôi:
- Bây giờ chẳng còn người học nữa đâu, cậu ạ. Tớ thấy tỉnh họ có đài phát thanh rồi, mình là xí nghiệp trực thuộc Trung ương, sao lại không có nhỉ? Cậu giúp tớ việc này.
Tôi làm thử mấy bài ca ngợi nông trường ta giàu đẹp, ông giám đốc thích lắm, đi đâu cũng lôi tôi đi và tối về vừa uống chè vừa gác chân lên thành bàn nghe phát thanh viên truyền đi tin giám đốc thăm các đội. Lâu lâu rồi tôi cũng tìm được trong công việc này một chút hữu ích. Đó là mỗi khi viết bài nói cho giám đốc, tôi cố lách vào những ý tứ mà tôi cho là thiết thực. Nhuận bảo đó là trò nhồi thịt vào cà chua của tôi. Tôi đang định làm một bài về người chăn bò của mình, xem có thể đưa bạn về chỗ cũ sớm hơn được chăng. Tôi tha thẩn bên cặp tình nhân lệch nhau mười tuổi này hằng buổi. Buổi sớm, khi mặt trời mọc, thảo nguyên như rộng hơn. Còn chưa có gió nên những hạt sương vẫn như đang mê mệt ngủ cái giấc hồn nhiên thiếu nữ, ánh sáng mặt trời chiếu tới đâu thì từng mảng bạc bừng lên tới đó - cảm thấy rõ niềm xao xuyến của đồi cỏ. Đàn bò rống lên, nhảy cẩng lên ùa ra khi Châu tháo gióng và cả vùng đồi như bấy giờ mới thức giấc hẳn. Cô bé Ôthêa vụt chạy sang phải, chạy lùi sang trái, ngăn con này đuổi con kia, một việc làm có thể cần có thể không, nhưng cô không thể đứng yên, đứng yên làm sao được giữa một ban mai rạo rực nhường này? Khi đàn bò đã cắm cúi ăn thì Châu cắm cúi phát cây lấy chỗ cho cỏ mọc còn Ôthêa vẫn chưa thể đứng yên, tiếng quát tháo vừa âu yếm vừa tinh nghịch của cô náo động một triền đồi.
Tôi nhìn thấy bụi hồng bạch cạnh một cây thông đuôi ngựa. Bụi hồng mới bén rễ, đã lấm tấm mấy nụ hoa nhưng đất quanh đó chưa hàn thổ. Tôi nhìn Châu mỉm cười. Anh nói:
- Đây là chỗ mình hôn em lần đầu. Buổi sớm ấy, cũng bằng giờ sau một hồi chạy nhảy, em đến gốc thông này đứng dựa lưng. Tưởng em mệt, mình chạy lại. Không phải. Gương mặt em hồn nhiên tin cậy đến dại khờ lần đầu có một làn khói âu lo, làn khói mơ hồ như có như không kia nói rằng ở đâu đó trong vầng ngực phập phồng có ngọn lửa từ lâu rồi và hôm nay em không giữ được nữa, nó đang bùng cháy. Em bấu tay vào gốc thông, mắt nhìn mình đăm đắm, rồi từ từ nhắm lại, đôi môi thì vẫn he hé. Mình cảm thấy khi từ từ nhắm lại, đôi làn mi em vẫy... Hôm sau em lặng lẽ trồng bụi hồng.
Bỗng cô bé từ chân đồi chạy lên, hổn hển nói:
- Châu ơi, đố anh biết mùa hè này gọi là gì?
- Là mùa hè đầu tiên.
- Lười quá đấy. Bê-du-khốp ạ. Nghĩ ngợi một tẹo nữa đi.
Vừa nói cô vừa náo nức chờ. Trong đôi mắt thơ ngây kia ánh lên niềm háo hức tột đỉnh để có thể có cơ thất vọng thâm sâu, tôi cảm thấy cô có thể òa khóc nếu người ta tiếp tục giễu cô hay là không hưởng ứng trò chơi này. Để hoãn binh cho Châu, tôi hỏi cô bé:
- Sao lại gọi anh ấy thế, hở em?
- Suốt ngày bê bò này, ăn nhiều này, kính cận này. Không là Bê-du-khốp trong Chiến tranh và hòa bình thì là gì. Sao lâu thế?
Châu lúng túng như một cậu học trò phải trả lời câu hỏi mà nó chưa hiểu rõ:
- Mùa hè nồng cháy, mùa hè thiếu nữ, mùa hè...
Ôthêa phì cười:
- Em không thuộc bài mà thiếu thành khẩn. Thôi, về chỗ, cho khất lần sau.
Rồi chạy ù xuống với đàn bò.
Lần sau tôi xuống, chỉ thấy Châu chăn bò một mình, tôi hỏi, anh bảo:
- Quy rồi, quy hẳn rồi.
- Cô bé đến là hay chạy nhảy. Ngã có đau không?
- Không phải ngã. Mà nếu ngã, thì ngã vì đang chạy vấp phải dư luận. Rồi anh thờ dài. Một cái buồn cũ xưa như trái đất.
- Dư luận thế nào? Là thế nào cơ chứ?
- “Con gái hơ hớ lại với thằng có tài mà không có đức” chứ còn thế nào nữa.
Tôi nản lòng ngồi xuống. Một mũi tên nữa bắn vào vết cũ mới se non. Cái thời ấy ở nông trường tôi, muốn cắt sổ gạo ai mà chưa có cớ gì cụ thể, chỉ cần bảo người đó là hữu tài vô đức. Cái câu nguy hiểm như câu khu vực này có mả hủi. Hèn chi mà cái mặt lạc quan của Châu giờ đây sệ xuống.
- Ông hãy hình dung, em gọi là “mùa hè con gái”.
Tôi nằm xuống cái giường một, uất ức vì bất lực, im lặng. Cả hai thằng cùng im lặng mà nghe nó cứ âm âm u u thế nào. Rõ lâu sau tiếng sáo diều từ quả đồi bên kia mới lọt được vào tai tôi. Lạ thật, từ khi xa quê đến nay, mười năm bằn bặt, tôi không được nghe sáo diều. Mà lại là sáo diều nghe hơi lạ tai. Nó cứ ối a ối a dồn dập và nhỏ dần, từng nhịp sáu rồi lại lặp lại. Giữa trưa, tiếng sáo diều lạ lẫm, nghe cứ khăng khăng ai oán.
- Diều của ai vậy?
Châu không trả lời ngay, khi nói lại thủng thỉnh như người độc thoại.
- Em cứ yêu! Dây thì mảnh quá mà gió thì điên khùng.
Tôi đã hiểu. Và tôi đã nghe ra ở giữa ngang trời trưa ấy tiếng người con gái đang yêu nhiệt cuống và thách thức.
Cứ yêu, cứ yêu, cứ yêu.
Tôi bỗng thương những cặp tình cổ tích và cảm phục cái tài hoa của người hôm nay, của những người không còn tin vào kiếp luân hồi để hóa thành chim bướm.
Khoảng một tuần sau, hai người không gặp nhau. Nhưng rồi vào một nửa đêm về sáng, cô gái cắp quần áo đến phòng Châu ở đầu hồi dãy chuồng bò, tự giam mình ở đó mấy ngày. Cô rủ anh bỏ trốn lên mạn ngược làm thợ khoán mà yêu nhau. Nhưng Châu đã quá tin vào con người, anh đã đến thú tội với ông bố và xin ông rộng lượng. Ông bố không nói năng gì cả, xách con dao quắm đến lôi đứa con hư hỏng về nhà. Đó là người đàn ông chất phác và lam lũ. Chỉ phải cái ông tin tất cả mà không tin vào con gái mình - cái phần tốt đẹp nhất mà trong cả cuộc đời dài đằng đẵng ông chỉ duy nhất có nó.
Ba ngày sau, giữa đêm Châu trực, có hai thanh niên đeo mặt nạ đến trại bò. Họ đánh anh, cái kính vỡ trước nhất rồi đến người anh. Dù đêm tối, anh vẫn nhận ra họ: một tay thanh niên chuyên mổ trộm bò và cậu công nhân mà sau này sẽ làm chồng cô bé Ôthêa của anh. Châu đành nuốt hận.
Người ta làm văn bản trả anh về nông trường, có chữ ký của bộ tứ, cùng lá đơn vu khống anh tội rủ rê con gái vị thành niên bỏ trốn, lá đơn do bố cô điểm chỉ. Ở nông trường người ta đánh máy công văn trả anh về bộ, kèm những quyết định kỷ luật cũ, có đủ chữ ký và con dấu của bộ tứ.
Người đánh máy công văn ấy là Cầm.
Bây giờ chỉ còn Quyết và tôi khuân chở sách cho Châu ra bến xe phố huyện. Gia tài của anh, của một người đi học ở Đức sáu năm chỉ còn chứa không hết chỗ cái va li giấy nện mạ kền. Chỉ có sách thì chuyển tới ba ngày đằng đẵng mới xong. Lũ bạn của tôi! Lũ bạn nhiều khát vọng, thông minh nhưng cũng nhiều than thở ấy của tôi đã lần lượt ra đi. Thoa về một trại dâu tằm nào đó ở quê cô để lấy chồng. Nhuận đã quăng ba lô cóc lên cốp xe của ông anh mà về Hà Nội, ngủ vạ vật nhờ nhà anh nhà chị và bè bạn, chưa được chia nhà nên vẫn còn độc thân. Đằng thì về cái liên hiệp xí nghiệp này, nhưng ở một nông trường khác. Thiện vào Gia Lai - Kon Tum làm giàu. Châu đi rồi Quyết cũng đi. Ngôi nhà của tôi bên hồ thả cá, rộng và trống gió, chỉ còn lại ba bố con tôi cùng cái giá sách còm. Năm ấy sao mà lắm bo bo đến thế...
Tôi đã thức giấc nhưng vẫn rốn nằm để tận hưởng cái mát mẻ hiếm hoi của vùng đồi tháng Tư. Ở gian kia, vợ Châu đã ngồi, vừa búi lại tóc vừa cắt đặt công việc:
- Thằng Ngọc dậy rang cơm cho em ăn, con Hương mở chuồng gà, đổ cám cho lợn. Xong đâu đấy hai anh em ra vườn hái đỗ, biết chưa?
Một giọng ngái ngủ:
- Thế mẹ làm gì?
- Mẹ phải đi thả bò, gánh phân.
- Ứ ừ, thế bố?
- Bố mày bận khách. Ngứa lợi hay sao mà hỏi lắm thế?
Một lúc sau, chị bê một rổ sắn luộc từ dưới bếp lên. Vừa phẩy phẩy cái lá rau lợn héo treo nơi cái cạp rổ chị vừa nói:
- Bác ở chơi, em đi làm.
- Hẵng còn sớm. Mà hôm nay chủ nhật chị ạ!
- Chủ nhật cũng phải làm. Ở chỗ chúng tôi bò có được ăn thì người mới có cái mà cho vào mồm, bác ạ.
Người đàn bà cỡ hơn tuổi bốn mươi ấy cứ tự thưởng cho câu đùa hóm hỉnh của mình một nụ cười. Tôi không thể cười hùa trước những câu như thế, nên chị bị hẫng và nụ cười héo đi thành vẻ chua chát. To cao, mặc bộ bảo hộ nhàu nát trông chị càng nặng nề. Tôi tự vấn mãi không hiểu vì sao Hời ác cảm với tôi. Gia đình Châu xoàng xĩnh nhưng bên hàng xóm cũng chỉ vầy vậy, anh lẫn vào giữa họ, chị không thể vì thế mà khinh chồng lây cả bạn anh. Hay đây chính là mối ác cảm thâm căn của một người lam lũ đối với kẻ chị ta coi là đồ ăn bám? Thế nhưng, chẳng lẽ trong con người đồ sộ kia, tất cả những tình cảm khác đều đã nguội tắt? Hay là vì tôi có liên quan đến quá khứ của anh, cái quá khứ nhiều oan trái đến vô lý như một cơn bão đã tha anh đi rồi vô tình ném phịch xuống nơi heo hút này như người ta ném một mảnh chum vại? Và giờ đây chị ta phải hứng chịu sự thua thiệt là làm một người thấp hèn? Tôi chưa thể giải thích cho mình, chị đã ngoay ngoảy gánh quang sọt đi, mang nốt của chúng tôi đi cái ban mai mát mẻ. Tôi thấy Châu thở phào nhẹ nhõm, như người vừa thoát khỏi cơn bóng đè. Chúng tôi ăn sắn, uống trà và hút thuốc. Châu tếu táo đùa, định hướng cuộc trò chuyện thành tầm phào, để tránh cái cốt lõi bi đát mà cả hai biết tỏng là vô phương cứu chữa. Nhưng tôi không hưởng ứng, vì cái cuộc đùa bỡn kéo đã quá dài mà anh tham dự, cái con người thật của tôi trỗi dậy và bướng bỉnh. Tôi lựa lời:
- Lạ thật, những ngày xưa là khổ, chứ sướng quái gì với cái thứ thuốc Nhị Thanh, chè cám và hạt bo bo nấu ninh các kiểu? Tình thế cũng bi đát, rặt những án kỷ luật là kỷ luật. Vậy mà cũng thích nó. Ông bảo tại làm sao?
Châu thong thả châm một điếu thuốc:
- Tưởng người trả lời phải là ông chứ nhỉ - Lại kéo một hơi thuốc dài - Ông bảo bao Hero này người ta lấy ở cốp xe tổng giám đốc đưa cho phải ông? Thuốc thì ngon, ngon thật, nhưng chỉ ngon với cơn nghiện thôi. Và trong con người mình đâu chỉ có nó? Những thằng đểu thì không nói làm gì, cuộc đời đối với chúng là trận đấu trọi để sinh tồn. Cái con người thiên lương trong chúng ta, nó mong manh như hơi thở, như cô bé Ôthêa của mình - nó không giúp gì cho ta trong cuộc mưu sinh, thường ngày nó náu ẩn, nhưng chợt nó sừng sững trở về, chen ngang những miếng ăn ngon không tự mình có được, tỷ như những thỏi sô cô la của người di tản gửi cho thân nhân ở nhà.
Tôi gật gù khích lệ để “moi” con người thật của anh, như cái trò trẻ con mơi dế.
Anh tiếp:
- Cái thời đẹp ấy lại cũng nhờ tuổi trẻ. Tuổi trẻ cuồng nhiệt với những ao ước, tự nó đã đẹp rồi - những thứ khác chỉ là ớt của bữa tiệc đời, cái quả ớt dăm xu ấy.
Thấy anh ngừng như quên hẳn cuộc trò chuyện, tôi dè dặt đưa ra một nhận xét:
- Trong đám chúng ta, mỗi đứa đều đã yên ổn theo một kiểu nào đó.
- Ông dùng từ sai rồi, ông văn sĩ ạ. Chúng ta đã mất tích đến không còn một tí ti dấu vết, còn những phiên bản tồi ẩu của chúng thì đang loay hoay theo một kiểu nào đó, hoặc may mắn hoặc rủi ro, chứ không phải là yên ổn.
- Ông vẫn cực đoan! Dẫu có là thế đi, nhưng chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải nuôi con kia mà. Sao vậy? Ông vốn là người lạc quan, là chuyên gia tháo gỡ khó khăn kia mà?
- Ông nhầm sao ấy chứ? Tôi chỉ là người yêu cuộc đời này, yêu đơn phương những con người trong đó và muốn đem đến cho mỗi bữa ăn của họ thêm một gam thịt nạc, nhưng không làm nổi. Cái chính đã không làm nổi, thì còn gì nữa mà phải quan tâm, mà day tay mắm miệng? Vả lại, tôi yêu con người sao đã bằng Đức Chúa? Tôi thấy, giữa Lão Tử và Jesus, nếu phải chọn một, thì tôi chọn Lão. Ông ta ít vị kỷ và trung thực hơn.
- Chính ông nhầm, những cái băng chuyền tải phân tự đổ và vòi tắm quay tay, khi ông đi rồi, nó được nông trường sử dụng và người ta, những kẻ tốt ấy mà, lại đâm tiếc nhớ ông.
- Ồ! Tôi đầu tư cho nông trường thấm tháp gì so với Nhà nước bao cấp nó? Vậy mà họ còn phá trụi thùi lụi nữa là. Còn những đề án hão trong đầu tôi thì vô thiên lủng như cát trong túi áo trẻ con.
- Ví dụ?
- Bây giờ, tôi có được dăm chục ngàn đô la, tôi sẽ gọi thằng Đằng, thằng Nhuận, thằng Quyết về đây lập một xí nghiệp một trăm công nhân. Để lo cho một trăm người sống được mà không cần nhờ ăn cắp, không cần có người nhà đi Mỹ, thì có gì là khó. Trước tầm mắt chúng ta đây có thể trồng một thứ cây ăn quả mà thị trường cả nước và nước ngoài cần đến hằng ngày.
- Cây gì vậy?
- Ông hãy đưa năm chục nghìn đô la, tôi sẽ nói tên cây ấy. Còn lại là vốn đầu tư, siết chặt kỷ cương, ăn no và làm như người Đức. Nhưng ai cho anh làm? Và vốn ở đâu ra?
Bấy giờ tôi mới sấn vào:
- Hiện giờ quyền tự chủ của giám đốc và các nhà tư nghiệp mới được chót vót trên cao và tận cùng dưới thấp thừa nhận. Cái cơ chế hình chóp này chứa bên trong nó quá nhiều khớp máy đã han gỉ trong môi trường ẩm ướt của bao cấp và ấu trĩ. Cần phải có thì giờ để thay tháo bôi trơn. Theo tôi, để chờ đợi, ông đi ra nước ngoài một chuyến, khoảng bốn, năm năm, để học hỏi và bòn vốn. Khi ông về thì đã hợp thời thế mà trong tay sẵn có đồng tiền.
- Ông vẫn ngây thơ như cái thuở ông viết Từ toa tàu chật ấy, ông văn ạ. Ai cho đi mà đi?
- Thì cứ giả sử như thế đã. Hơn hai chục năm chúng mình giả định, mà có chết đứa nào đâu. Giờ giả sử thêm một lần, cũng có gì phải mất thêm đâu nào?
- Cái chết người chính là ở chỗ ấy đấy, ông ạ. Tôi sợ những vĩ nhân cứ mang hàng thế hệ người ra mà thể nghiệm. Cuộc đời tôi là một chuỗi dài những niềm tin... Ông không biết đấy chứ, về đây tôi còn bị thêm hai lần kỷ luật, lần cuối cùng là vĩnh viễn không cho sử dụng cái bằng đỏ tôi mang từ Đức về. Lý do: tôi bị điên.
Tôi gắt:
- Dẹp mọi chuyện dớ dẩn ấy lại. Ông không tin ngay cả tôi nữa à? Có tiền rồi, không muốn thử, thì vợ con ông chẳng được nhờ ư? Ông chẳng được mấy năm sống cho ra sống ư? Ông gàn quá!
- Thôi được, tôi sẽ đi làm thuê một chuyến, cái thằng kỹ sư mười bảy năm chưa hết tập sự này sẽ đi làm thuê. Cứ cho là tôi quyết ý rồi và bà vợ tôi hẳn là sẽ vì vậy mà thương yêu tôi hơn. Thế còn hộ chiếu đâu, nó ở túi sơ mi hay túi xách của ông?
- Ông nhớ là thằng Nhuận bây giờ làm chính cái việc theo dõi người đi tham quan, hợp tác lao động với nước ngoài. Nhưng cái chính là tôi sẽ đưa ông về Hà Nội gặp tổng giám đốc liên hiệp để giải oan cái đã.
Châu nhắm mắt và xua tay:
- Ôi, thôi, thôi. Tưởng ông nhổ sợi tóc, phì một cái hóa thành hộ chiếu, chứ còn... Với ngành mình tôi không còn dính dáng gì cả, đến ký bảng lương tôi cũng loằng ngoằng làm một con giun, chứ không ký tên mình, nữa là đi gặp các quan chức.
Tôi phải nói với Châu rằng, nhờ giời là từ ngày đổi mới đến giờ, các nhà báo có một chút quyền lực. Nhưng mãi đến chiều tối mới thuyết phục được anh:
- Ừ thôi thì cũng coi như một chuyến về Hà Nội ăn kem và thăm nhà ông vậy.
Tôi sững sờ: anh lại mặc cái áo sơ mi gụ và cái quần téc Đức năm xưa như cái hôm tôi đưa tiễn anh ra bến xe phố huyện. Tôi lại thấy anh hăm hở sải bước trên đường đồi. Những quả đồi thoai thoai nối thành hàng cũng hệt như khung cảnh cũ, chỉ làn sương làm xao xuyến những ban mai là không còn. Những chùm hoa sim mua tím một tầm mắt. Cuối tầm là những cây cọ vóng vót cao, những tàu lá lật lật vì gió. Gió cứ lang thang, từ ngàn xưa đến ngàn sau, rong ruổi một kiếp chơi bời. Gió là là trên sim mua, đến đó đường như cao hứng, bay tót lên ngọn cọ vẫy vẫy những gió đi sau.
Vẫn là những toa tàu cũ, thuở tôi và anh đi để xin các cấp cứu lấy nhóm kỹ sư đang hốt hoảng vón lại ở nhà tôi... Vẫn như cũ cái mùi nhà ga, mùi người bẩn bụi mồ hôi, cả cái chật chen cũng thế. Con người ta đi đâu về đâu mà lúc nào cũng hốt hoảng vội vã lo âu? Chỉ khi con tàu giật mình nhớ đến phận phải đi, nó sấn sổ đi rồi, thì mỗi người mới tạm yên theo cái chỗ mà họ thu xếp lấy. Chúng tôi ngồi vào toa cuối, đèn pha tít trên kia không thể ánh xuống dưới này, bên ngoài tối đen như mực tàu.
- Kể ra con người cũng còn đầy niềm tin - Châu nói - cứ nhoái sấn khoai sổ lên con tàu, rồi kệ nó kéo mình đi. Biết đâu phía trước chẳng có một cái hố sâu vừa sụt?
Kệ cho anh ta cảm thán. Tôi đã tóm được anh chán đời đi ẩn về với cuộc đời. Chưa hăng hái mấy, nhưng rồi anh sẽ quen dần. Tôi lắc lư theo nhịp tàu chạy, chợt thấy cái nhịp xình xịch của nó có giai điệu nhạc có tính toán, như Châu đã tính toán để sáo diều của anh kêu những điều đã định. Hay một sự chuyển động liên tục của các vật va chạm nhau này có ẩn chứa một phép màu của tạo hóa? Tôi lặng người đi giữa cái tiếng xe đi giục gọi, ý nghĩa vẩn vơ này ru dần tôi vào giấc ngủ. Đêm qua, tôi hầu như thức suốt, cả ngày hôm nay trò chuyện, lại một buổi tối chờ tàu. Tôi chỉ kịp móc túi xách đưa anh tờ báo rồi chìm vào giấc ngủ mê mệt.
Tôi thức giấc vì cảm thấy nóng nực quá thể và ai đó vừa va cái bao tải sắn lên đầu tôi. Đã là ga Việt Trì. Trên cái nền âm âm của tiếng ồn sân ga ban đêm, trong khuya khoắt tiếng rao nước chè thuốc lá cứ khan vã đến nao người. Tôi gọi hai chén nước và hai điếu thuốc thơm, tiện tay đưa luôn cho Châu một điếu qua vai.
- Cám ơn, tôi không hút thuốc lá.
Tôi giật mình: ngồi cạnh tôi là người xa lạ. Tôi ngó quanh không thấy Châu đâu. Tờ báo tôi đưa anh đang nằm im lặng trên cái bàn nhỏ. Người xa lạ nói:
- Hình như anh tìm người bạn đi cùng?
- Vâng, anh ấy đâu rồi nhỉ?
...
- Xuống? Sao lại xuống? Xuống ga nào ạ?
- Tôi cũng không nhớ nữa.
Một lát sau, người xa lạ mới nói như sực nhớ ra:
- Anh ấy có nhờ tôi nói với anh rằng: “Cho anh ấy xin lỗi, nhưng anh ấy không thể đi cùng anh được nữa”.
- Chỉ nhắn có thế thôi ạ?
- Vâng, chỉ nhắn thế. Anh ấy dành cho tôi chỗ ngồi này.
“Anh ấy dành cho tôi chỗ ngồi này”. Tôi thở dài. Sân ga vẫn âm âm, tiếng rao nước chè thuốc lá như vào rao vừa ngáp. Con tàu rúc một hồi còi buồn nản, rồi khởi động, rồi đi. Sau một giấc ngủ đã mắt, dậy thì không còn bạn nữa, chỗ của bạn đã dành cho người khác. Bây giờ thì còn biết làm gì cho hết đêm giữa những người xa lạ, ngọ ngoậy một tý đã là chen lấn, đã là bất nhã, huống hồ là kêu to lên. Bởi thế mà cô đơn cứ luẩn quẩn trong lòng. Tôi cố đoán vì sao anh bỏ cuộc nhưng không thể. Tôi ân hận nuối tiếc chuyến thăm anh. Đặt vào nó bao nhiêu mục tiêu mà chẳng mục nào trọn vẹn. Đến gói kẹo cho con anh cũng là kẹo rởm. Một chuyến đi dở dương như ngôi nhà của anh. Với anh, giữa những ngày bình lặng như mặt ao bèo, tôi đã ném xuống một hòn sỏi, dẹp dãn nó ra, để ngày mai nó mất công dồn xếp trở lại. Với tôi, anh đã từ những quả đồi lầm lũi nhưng phóng khoáng của xa xưa - của trẻ trung và khát vọng, anh đã từ đó đoảng về trong chốc lát rồi lại lặn biệt tăm trong cái biển thời gian trầm mặc. Anh vẫn là anh nhưng là một phiên bản nhầm, bởi cái lép vế an phận cứ làm tôi tức tối.
Châu ơi! Mảnh quá khứ của tôi ơi! Anh ở đâu trên vùng đồi thẫm đen lúc này? Khi bỏ anh, Cầm còn có tương lai mà cầu chúc cho anh. Tôi biết cầu mong cho anh thế nào bây giờ? Mà con tàu thì cứ khó nhọc lôi đi cái chật chội bức sốt, lôi đi cái mùi tàu hỏa thật khó chịu, nhưng xưa cũ đến quen rồi.
Tàu đã lại về đến ga Vĩnh Yên.
Kỷ Tỵ, tháng Ba ngày tám
1. Câu thơ của Lưu Quang Vũ.