Sáng tác

Con ve sầu ngân mãi - Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toàn

Phạm Quốc Toàn
Truyện
19:50 | 27/07/2024
Con đê La Giang chiều nay như cao hơn, bóng nó tít tắp uốn lượn đổ dài từ cầu chợ Thượng đến gần sát đồi thông bên sườn núi Hồng Lĩnh
aa

Con đê La Giang chiều nay như cao hơn, bóng nó tít tắp uốn lượn đổ dài từ cầu chợ Thượng đến gần sát đồi thông bên sườn núi Hồng Lĩnh, dãy núi thiêng hình bát úp 99 ngọn. Sau buổi trưa họp lớp cấp ba trường huyện, Thu Hồng phóng xe ra đây ngồi hứng gió, như níu kéo hoàng hôn đang buông dần sau dãy núi Thiên Nhẫn. Làn gió mát từ con sông quê mơn man trên làn da mịn màng, dịu ngọt sau tuổi xuân thì. Mới ngày nào mà đã bốn mươi năm có lẻ, Thu Hồng và Xuân Lĩnh ngồi nơi đây, tay vân vê mấy hạt thông rơi. Xuân Lĩnh nhè nhẹ đọc cho Thu Hồng mấy vần thơ tặng bạn tuổi học trò: Lại sắp đến mùa hè rồi Hồng nhỉ/ Hồng sẽ là hoa phượng/ Lĩnh là con ve sầu ngân mãi khúc ca thương…

Nhóm bạn đáo để của lớp 10A trêu chọc, Thu Hồng và Xuân Lĩnh là trai tài gái sắc bên dòng sông La, cây văn nghệ của trường. Bài hát Cô gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho mà Thu Hồng cất lên vang xa lảnh lót, dịu ngọt, quyến rũ. Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Chứ nước mô xanh bằng dòng nước sông La… Người con gái quê ta đôi mắt xanh tựa ngọc… Xuân Lĩnh học giỏi văn, những đoạn văn, câu thơ Hồng sẽ là hoa phượng/ Lĩnh là con ve sầu ngân mãi… của chàng chứa đựng trong đó bao ẩn ý như khơi dậy từ con tim thổn thức yêu và nhớ của nàng.

Ngày ấy chỉ xa nhau nửa buổi sao mà thương mà nhớ. Gần nhau một lúc lại bẽn lẽn muốn xa nhau. Hè về, gần trường học có một vạt sim rừng, tan lớp Thu Hồng và Xuân Lĩnh tới hái những quả sim chín, bốn mắt nhíu lại nhìn nhau không chớp, rồi Hồng bỏ chạy, vù đi như cơn gió thoảng. Mẹ của Thu Hồng là bà Thu Huệ hoa khôi lớn lên cạnh bến Tam Soa. Gái xinh, được cả duyên cả nết, bà Thu Huệ lấy chồng là cửa hàng trưởng thương nghiệp, thời xưa gọi là cửa hàng công nghệ phẩm thị trấn. Bà Thu Huệ từ lao động tạp vụ được tiếp nhận vào bán hàng, đoan trang, nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Mấy chàng trai lẳng lơ hoa lá cành mon men đến gần để tán, bà liếc xéo mắt đe nẹt, bỏ chạy hết ráo.

Mẹ loáng thoáng biết chuyện cô con gái rượu có tình ý với bạn trai học cùng lớp, bà tới trường gặp thầy cô để ngăn cản. Bà nói với thầy giáo chủ nhiệm: “Tui không cấm tình yêu bọn trẻ nhưng tuổi ấy cứ phải chăm chỉ học hành trước, yêu với đương cái nỗi gì.” Mối tình đầu của Thu Hồng và Xuân Lĩnh là vậy, tuổi mới lớn chưa một lần nắm tay, chưa một lần hôn lên mái tóc. Nàng có mái tóc dài bén lưng, cả trường trầm trồ khen. Mỗi lần chàng và nàng đi cùng nhau, trốn mẹ ra bờ sông hứng gió, họ ngồi cách nhau một khoảng xa nửa mét. Đâu dám làm những chuyện động trời như nhiều cô cậu thời nay…

Thu Hồng vô tư mỗi lần nhận được trang giấy chi chít chữ - có khi là bài thơ viết vội của người yêu học sinh giỏi văn cùng lớp, nàng lại đưa cho cô bạn gái thân Ngọc Báu ngồi cạnh học giỏi môn văn dịch nghĩa. Tuổi học trò nghịch như quỷ sứ, Thu Hồng thuê Ngọc Báu - lúc thì túi sim chín, khi thì củ khoai lang nướng thay mình trả lời bức thư tình cho bạn, mà Xuân Lĩnh chẳng hay biết.

Nhận bằng tốt nghiệp cấp ba, lũ bạn ngày ấy mỗi người bươn chải mỗi phương trời. Xuân Lĩnh vào đại học. Thu Hồng vào Nam học nghề làm tóc và sau đó theo học trường du lịch, khi ra trường được tuyển dụng làm việc cho một công ty du lịch địa phương. Thu Hồng với Xuân Lĩnh ít liên lạc với nhau, cũng không có điều kiện gặp lại, chỉ giữ lại trong lòng nhau bao kỉ niệm đẹp tuổi học trò. Tình bạn trong sáng, công việc tiến tới. Gần nhau thì né, cái bắt tay dành cho nhau cũng không. Tình bạn và cả tình yêu thời tuổi trẻ mấy chục năm trước, cái thời chưa có 4.0 như bây giờ là vậy. Về sau, cũng là ông trời xe duyên Xuân Lĩnh và Ngọc Báu tình cờ gặp lại nhau sau một cơn mưa trái mùa nơi thị trấn quê nhà. Xuân Lĩnh yêu và cưới cô bạn thân Ngọc Báu cùng lớp. Một vài lần họp lớp, đêm về Thu Hồng và Xuân Lĩnh bồi hồi, nhắn tin cho nhau. Hai người ý tứ xa gần, muốn trốn lớp đi đâu đó. Nhưng cả hai đều đủ bản lĩnh và tỉnh táo hướng thiện.

Buổi chiều nay, khi hoàng hôn buông dần, mặt trời đỏ au chìm dần vào màn đêm phía chân trời nơi có ngọn núi Thiên Nhẫn, xa dần. Dòng nước ngọt nơi bến Tam Soa óng ánh tỏa lên lấp lánh như dát bạc. Hai người bạn thân ngày ấy và bây giờ cùng ngồi đây bên nhau kể cho nhau bao chuyện sướng khổ, vui buồn, những biến cố cuộc đời. Họ giữ lại và nay trao cho nhau những dòng lưu bút ngày nào, bài thơ viết vội cho nhau, những ngày cùng đi hái quả sim chín mọng, những buổi chiều muộn học đàn, tập văn nghệ, những sáng chủ nhật đi cắm trại cùng cả lớp trên đồi thông núi Hồng Lĩnh có dòng nước suối tí tách tung bọt chảy về.

Con ve sầu ngân mãi - Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toàn
Con ve sầu ngân mãi - Minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Thu Hồng theo người thân vào Nam lập thân, lập nghiệp. Khéo tay hay làm, việc đầu tiên là nàng làm thợ cắt tóc - tóc nam và tóc nữ. Khách đến với tiệm tóc Thu Hồng khá đông. Bà chủ trẻ trung, làn da cô gái sông La gợi cảm, quyến rũ, xinh đẹp, nhiều anh chàng đến làm tóc hậu hĩnh bo tiền cho chủ tiệm lấy lòng. Giám đốc doanh nghiệp Tấn Tài tuổi gần gấp đôi tuổi Thu Hồng, hào hoa phong nhã, biết hát quan họ vùng Kinh Bắc khai với bà chủ trẻ sống độc thân. Một chiều nọ, một phụ nữ lạ tự xưng là vợ của Tấn Tài điện thoại thô bạo đe nẹt cô chủ tiệm tóc, rằng “Tránh xa lão, nếu không muốn ăn đòn!” Buổi chiều hôm đó chủ doanh nghiệp Tấn Tài đến tiệm mở lời đưa cô chủ đi ăn tối. Thu Hồng nghiêm mặt hỏi chuyện gia đình của ông ta, vì sao ông nói dối. Tấn Tài quanh co, Thu Hồng nghiêm giọng: “Ông biến nhanh cho tôi nhờ!...” Cô chủ tiệm tóc Thu Hồng là vậy, sống tình cảm, minh bạch, tử tế, nghiêm cẩn, dứt khoát không dây… của nợ!

Làm thợ tóc hơn ba năm, Thu Hồng gửi hồ sơ thi tuyển vào trường cao đẳng du lịch thành phố biển. Bố mẹ đẻ làm nghề thương nghiệp ở quê, sinh hai cô con gái đầu lòng đẹp người đẹp nết, hát hay đàn giỏi, mà chúng bạn cứ trêu đùa Thúy Kiều - Thúy Vân và thêm cậu con trai út Thanh Lộc. Em gái đi lấy chồng lập nghiệp ở một đô thị lớn, thành đạt, có cuộc sống gia đình viên mãn. Em trai du học ở châu Âu rồi ở lại luôn bên đó kinh doanh mĩ phẩm, có gia đình riêng, cuộc sống ổn định. May mắn có em dâu cùng quê thông minh, xinh đẹp, nết ăn nết ở khỏi chê, cả nhà ai cũng thương mến. Bố mẹ nghỉ hưu ở quê dựng nhà trong mảnh vườn cũ phố huyện, mấy lần hai chị em gái thuyết phục đưa bố mẹ vào Nam, nhưng cuộc Nam tiến vẫn chưa ngã ngũ, bố thường nói: “Không đâu bằng quê mình, cứ để bố nghỉ ngơi tuổi già ở nơi đã một đời gắn bó.”

Thu Hồng xinh đẹp - vẻ đẹp mặn mà và quyến rũ sống theo gương mẹ, gia giáo, nết na theo truyền thống gia đình mà bố mẹ đã chỉ dạy, bắt đầu từ những câu ru - ví dặm từ khi mới lọt lòng. Không yêu nhưng Thu Hồng vẫn gật đầu với bố mẹ lấy chồng, một anh chàng đi bộ đội chuyển ngành, được nhận vào công ty vật tư nông nghiệp của tỉnh. Nàng viết nhật kí: “Cưới tròn tháng mà vẫn không cho chồng đụng vào người, vì cái lí do rất vu vơ, sợ điều không muốn mà đến. Anh chồng trẻ thấu hiểu, chiều vợ. Đêm nằm, chồng hát ru cho vợ ngủ, khoảng cách giữa hai người là cái gối ôm to dài cả mét. Đêm về dù khát khao nhưng chồng vẫn “nhịn”, ru hời cho đến khi em ngủ ngon anh mới thôi hát. Chàng tự nhủ lòng, nàng là của mình hãy kiên trì, sẽ đến một ngày…

Hơn mười năm bên vợ bên chồng, điều phải đến đã đến. Thu Hồng sinh thành cho đức ông chồng trọng nghĩa mà không có tình yêu ba cô con gái, đứa nào cũng hay ăn chóng lớn, chăm ngoan, giống mẹ như tạc - giống vẻ đẹp của người con gái sông La, tần tảo, chăm ngoan, trời phú cho giọng hát dân ca mượt mà, say đắm.

Vào một ngày đẹp trời, nắng vàng màu hoa dã quỳ trải dài bên bãi biển, đức ông chồng đưa nàng đi bơi biển, anh nhỏ nhẹ thì thầm với vợ:

- Bây giờ chúng mình đã có ba đứa con. Các con đều chăm ngoan, giỏi giang. Đã đến lúc chúng mình chia tay nhau, ta giải phóng cho nhau, mỗi người đi về một hướng. Với các con, anh sẽ tiếp tục chăm lo, để các con được ăn học chu đáo, trưởng thành.

Thu Hồng nắm tay chồng và khóc, cô khóc tức tưởi như chưa bao giờ được khóc. Đứng lặng hồi lâu, Thu Hồng lên tiếng:

- Muộn quá rồi anh. Các con đang đợi. Anh đưa em về còn ăn tối, hai đứa còn đi học lớp thanh nhạc ban đêm.

Cặp đôi lên xe, chậm chậm nổ máy đi vào hoàng hôn, những con phố dài đã lên đèn. Trên ngọn núi phía trước mặt, ánh sáng ngọn đèn pha hải đăng quay tròn tỏa rộng, để những con tàu biển nhận hướng ra khơi vào lộng. Cặp đôi im lặng, nàng tựa vào lưng chàng, dùi dụi những giọt lệ chảy dài…

*

Ba tháng sau, vợ chồng Thu Hồng làm bữa cơm gia đình nhân vợ chồng cậu em trai từ châu Âu về nghỉ phép, vợ chồng cô em gái ra biển nghỉ cuối tuần. Ba cô con gái đang đi dã ngoại - mùa hè tình nguyện trên cao nguyên nên chung quanh mâm bàn chỉ có người lớn, ba cặp vợ chồng - ba chị em gái trai, em rể, em dâu. Vợ chồng Thu Hồng đứng dậy khai tiệc có mấy lời về nghĩa tình phu thê. Họ nói lời chia tay, từ ngày mai sẽ không còn ở chung nhà, hai người chính thức li hôn. Tài sản hai bên tự xử, trách nhiệm đối con cái đầy đủ.

Cả nhà hoàn toàn bất ngờ trước quyết định này của cặp đôi anh chị. Một cuộc chia tay lịch lãm, ôn hòa. Nói vậy thì biết vậy, nhưng thực ra họ đã có sự chuẩn bị, các con cũng đã được thông báo trước. Ba mẹ và các em đến lúc này mới biết anh chị sống với nhau ngần ấy năm, có với nhau ba mặt con, thương nhau, không bao giờ to tiếng, không gây tổn thương cho các con. Vài năm sau, các em mới được biết, anh chị thực hiện đạo vợ chồng nhưng chị không yêu anh dù cho đến lúc này sự chung thủy của họ là trọn vẹn. Tình yêu và nghĩa vợ chồng là như vậy, không thể chỉ tên, không thể định nghĩa, cũng không thể đo đếm. Họ đến với nhau và họ chia tay nhau lịch sự, có trước có sau, nào có ai hay?

Gần 5 năm sau, Thu Hồng gặp lại chồng cũ của mình, sau một lời hẹn đi cà phê biển. Gặp chàng, nàng lên tiếng:

- Anh sống như thế nào? Ai chăm sóc cho anh mỗi ngày?

Chàng mỉm cười có phần gượng gạo:

- Anh tự lo cho mình, vẫn độc thân. Cũng may các con gái yêu quý của chúng ta đã hiểu, các con vẫn qua lại thăm bố mỗi tuần, lúc tiện thì nấu cơm cho bố ăn.

- Anh còn đi bước tiếp không?

- Anh chưa đi bước tiếp vào lúc này, mấy năm nữa, xem có ai yêu mới tính. Anh cảm thấy sợ…

Thu Hồng cởi mở:

- Hôm nay được gặp anh, em báo tin, giữa năm em sẽ lấy chồng, anh tha lỗi cho em, mong anh thông cảm.

Chàng như sững lại, tuy bất ngờ nhưng đã rất bình tĩnh:

- Đành vậy, anh chúc mừng hạnh phúc của em, nếu tiện thì anh sẽ có quà đám cưới cho em.

Thu Hồng lên tiếng:

- Thôi anh, không nên để cho khỏi vướng bận, em ghi nhận trong lòng là được rồi. Em chúc anh luôn khỏe, cần gì thì anh nói với các con, các con sẽ chăm lo cho bố.

Thu Hồng đứng dậy chia tay chồng cũ. Một cơn mưa rào ập đến, gió rít trên mái nhà. Họ không chờ mưa tạnh, cả hai nổ máy chiếc xe hai bánh phóng vào màn bụi nước, theo hai hướng khác nhau…

Giữa năm, Thu Hồng đón bố mẹ từ quê vào thành phố biển. Ông nhất quyết không ở lại, chỉ nửa tháng là ông mua vé xe lửa quay về với ngôi nhà nho nhỏ nơi thị trấn huyện. Bà Thu Huệ chấp nhận ở lại với con gái và các cháu ngoại một thời gian, với điều kiện bà chỉ ở một mình thi thoảng đón ông vào chơi. Bà nhất quyết làm vậy, coi đó là điều kiện tiên quyết của bà. Ba chị em thuê người giúp việc cũng là người họ hàng cơm nước, chăm sóc bố; lắp camera kết nối với ba chiếc điện thoại thông minh của ba đứa con đi xa, dù ở phương trời nào các con đều biết ngọn ngành, yêu bố - ngắm nhìn ông cả khi ông xem tivi, lúc ông ngủ.

Thu Hồng nhận lời làm vợ người đàn ông lớn hơn mình năm tuổi đã có gia đình và một cô con gái riêng, nhưng hạnh phúc nhà bên ấy cũng không trọn vẹn, đường ai nấy đi. Lúc đầu mới gặp nhau thì sẻ chia hoàn cảnh, dần dà họ trao gửi niềm tin và yêu nhau. Thu Hồng nói với mẹ, bà Thu Huệ:

- Lúc đi học con yêu thì mẹ cấm. Khi con không yêu thì mẹ nói cưới chồng. nay con lại yêu, để bố mẹ không còn buồn. Mọi việc cũng đã trôi qua, mẹ tha thứ cho con.

Bà Thu Huệ nhỏ nhẹ với con gái:

- Mẹ biết lỗi của mình. Cũng vì vậy mà mẹ quyết định vào đây với con, bố cũng ủng hộ quyết định này. Làm vợ, làm mẹ, làm phụ nữ có những điều thầm kín không thể nói ra, không thể hiểu nổi con ạ.

Chàng rể, chồng thứ hai của Thu Hồng yêu vợ. Họ có với nhau thêm cậu con trai tuấn tú, xinh đẹp, được tuyển thẳng lên đại học, học đúng nghề thời thượng, rất hót - trí tuệ nhân tạo. Chồng Thu Hồng là giám đốc một công ty dịch vụ đam mê công việc, yêu vợ con nhưng rất cá tính, cố chấp. Chỉ duy nhất một lần mẹ Thu Hồng góp ý với chàng rể điều gì đó thẳng băng nhưng chân thành, thế là chàng rể gàn để bụng, giận dỗi. Chàng rể không muốn mẹ vợ ở chung nhà. Bà cũng đã chủ động từ trước, nhà của con thì con ở, nhà của mình thích nằm ngang hay nằm dọc tùy thích, nên bà đã có căn nhà nho nhỏ xinh xinh. Bà ở riêng chàng rể cũng không bước chân tới nhà bà.

Thu Hồng nói với cô em gái:

- Cuộc đời là vậy. Mỗi người một số phận phải chấp nhận, miễn là mình sống sao cho đúng đạo nghĩa, tận trung, tận hiếu.

Hai chị em không nói gì thêm, dõi cặp mắt ra xa khu vườn nhà, nơi có mấy rặng hoa hồng, hoa mận, mấy bông dại dã quỳ nở muộn. Cơn gió biển ào tới, đôi chim gáy cất tiếng nhẹ nhõm mà thanh thoát, gợi cảm. Mùa hạ con ve sầu ngân mãi đã tới. Mùa thu đến và sẽ đi. Mùa đông se lạnh lại về, để rồi sau đó là mùa xuân đẹp, hoa nở, chim ca. Hai chị em vừa đàn vừa hát ca khúc Một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…

Tp Vũng Tàu, tháng 5/ 2024

Vua không ngai - Truyện ngắn dự thi của Phan Đức Nam Hoa cải bên sông - Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên Mười sáu đồng xu trắng - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Lợi Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam

Phạm Quốc Toàn | Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 29/2024
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.