Diễn đàn lý luận

Về thế hệ nữ chủ lực nghiên cứu phê bình văn học hiện nay

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa
Lý luận phê bình
06:00 | 20/12/2024
Baovannghe.vn - Đội hình nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x “ra sân” khá ấn tượng thuyết phục. Các công trình xuất bản của họ tiếp cận và nhập cuộc khá nhanh nhạy
aa

Văn đàn Việt gần 25 năm đầu thế kỉ XXI, mà chủ yếu là ở thập niên thứ hai, có sự trình hiện của một thế hệ nhà nghiên cứu phê bình văn học là nữ (gọi tắt là nghiên cứu phê bình nữ) 7x, 8x đông đảo, bên cạnh thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 6x trở về trước đã ổn định tên tuổi (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Bình, Lê Phong Tuyết, Tôn Phương Lan, Lý Hoài Thu, Nguyễn Bích Thu, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Thị Phương Phương, Lê Thị Hường, Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Cầm Thi…), và lứa nghiên cứu phê bình nữ 9x, 20x rải rác manh nha (Hiền Trang, Đặng Thị Thái Hà, Phạm Phú Uyên Châu, Hồ Tiểu Ngọc, Vũ Thị Kiều Chinh, Hương Giang, Triều Dương, Nguyễn Mai Anh…), và đương nhiên là còn bên cạnh một lực lượng nghiên cứu phê bình nam nhiều thế hệ.

Thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x có thể kể gồm Nguyễn Thị Từ Huy, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Hoàng Tố Mai, Đinh Thanh Huyền, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Thị Tố Ninh, Lê Tú Anh, Hoàng Thụy Anh, Thái Phan Vàng Anh, Thanh Tâm Nguyễn, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Phương Thúy, Cao Kim Lan, Nguyễn Thị Tuyết, Diêu Lan Phương, Trần Thị Mai Nhân, Hoàng Cẩm Giang, Hồ Khánh Vân, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Mai Thị Hồng Tuyết, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Ánh Nguyệt, Mai Thị Liên Giang, Đỗ Thị Thu Huyền, Huỳnh Thu Hậu, Nguyễn Hoài An, Lương Kim Phương, Trần Hoàng Thiên Kim, Đào Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Hưởng, Thy Lan, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Đặng Thị Bích Hồng, Trần Thị Hồng Hoa, Vũ Thị Thu Hà, Thanh Hương Nguyễn, Nguyễn Thùy Trang, Lê Si Na, Hàn Giang, Nguyễn Thị Kim Nhạn, Võ Nguyễn Bích Duyên, Bùi Thị Thu Thuỷ, Phạm Phương Chi… Đây là lứa nghiên cứu phê bình nữ chủ lực, làm nên sắc diện của nghiên cứu phê bình nữ nói chung hiện thời. Lứa nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x này hiện chủ yếu làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tạp chí khoa học hoặc văn nghệ, đa phần có học vị tiến sĩ, nhiều người có học hàm phó giáo sư.

Về thế hệ nữ chủ lực nghiên cứu phê bình văn học hiện nay
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com

Nếu so sánh với đội ngũ nghiên cứu phê bình nam cùng thế hệ gồm những cái tên như Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Bùi Thanh Truyền, Phạm Duy Nghĩa, Hoài Nam, Cao Việt Dũng, Trần Văn Toàn, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phùng Ngọc Kiên, Trần Thiện Khanh, Đoàn Minh Tâm, Đỗ Văn Hiểu, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Hoàng Phong Tuấn, Lê Nguyên Long, Phạm Văn Hưng…, thì đội ngũ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x không hề thua kém về số lượng, nếu không nói là có phần nhỉnh hơn. Và đặc biệt, trong khi nhiều cây bút nam đồng lứa mặc dù xuất hiện đều đặn thường xuyên trên các diễn đàn nghiên cứu phê bình nhưng vẫn chưa có đầu sách xuất bản, thì đa phần cây bút nữ 7x, 8x kể trên mỗi người đã xuất bản từ 1 đến 6 đầu sách (người dẫn đầu về số lượng này là Hoàng Thuỵ Anh). Hiện tượng có vẻ như “nữ thịnh nam suy” này có thể được lí giải ở đặc thù ngành học ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào. Ngành ngữ văn ở các trường đại học chẳng hạn bao giờ cũng thu hút người nữ, số sinh viên nam theo học ngành này thường khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi người ta mặc định rằng học văn rất nhẹ nhàng, học như chơi (“dạy toán, học văn, ăn thể dục”), thì có đông người nữ chọn học văn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nghiên cứu phê bình văn học lại là chuyện khác, là lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao tâm khổ tứ, vậy mà vẫn có đông người nữ chấp nhận dấn thân, kiên gan bền chí với nó, thì những người này quả đã vượt lên… “nữ nhi thường tình”.

Có thể nói, thời gian qua, đội hình nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x đã “ra sân” khá ấn tượng thuyết phục. Các công trình đã xuất bản của họ tiếp cận và nhập cuộc khá nhanh nhạy với những lí thuyết mới mẻ như thi pháp học, nữ quyền, sinh thái, phân tâm học, kí hiệu học, hậu hiện đại (trò chơi, nghịch dị, trung tâm/ ngoại biên, lưu vong, cái khác…)…, và dường như “bao sân” văn học. Không chỉ “trực chiến” với văn học Việt Nam đương đại (Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hóa một cuộc chơi - Thái Phan Vàng Anh, Ý thức nữ quyền và thơ nữ Việt Nam đương đại từ 1986 đến nay - Nguyễn Thị Hưởng, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - cấu trúc và khuynh hướng - Hoàng Cẩm Giang, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương - Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại - Trần Huyền Sâm, Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại - Đỗ Hải Ninh, Thị hiếu công chúng văn học Việt Nam đương đại - Vũ Thị Thu Hà, Những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam trong 15 năm cuối thế kỉ XX - Trần Thị Mai Nhân, Tiếng vọng đa thanh, Phê bình văn học & ý thức cái Khác, Sức mạnh của vết thươngSự thật là đoá hoa lộng lẫy - Hoàng Thụy Anh, Những phức cảm phận người - Lê Hương), mà còn lần giở để đọc lại các vùng mảng văn học của dân tộc tưởng như đã “đóng khung”, “đông kết” (Folklore và văn học viết - Nguyễn Thị Kim Ngân, Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian - lí thuyết và ứng dụng - La Mai Thi Gia, Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930 - Lê Tú Anh, Di sản văn học lãng mạn - những cách đọc khác - Hoàng Tố Mai chủ biên, Thơ mới nhìn từ quan hệ văn hóa, văn học - Hoàng Thị Huế, Thơ trẻ Việt Nam 1965-1975 - khuôn mặt cái tôi trữ tình - Bùi Bích Hạnh, Phê bình sinh thái ở Việt Nam: Vạn vật, thiên tai và xã hội trong Thơ mới 1932-1945 - Bùi Thị Thu Thuỷ, Phạm Phương Chi). Từ đề tài chiến tranh (Văn học chiến tranh từ góc nhìn thể loại - Đỗ Thị Thu Huyền), đến đề tài thiếu nhi (Bí mật tuổi trăng nonDòng chảy lấp lánh - Thanh Tâm Nguyễn). Từ bộ phận văn học Phật giáo (Thơ ca Phật giáo Việt Nam - Đông Á nhìn từ mĩ học thiền - Lê Thị Thanh Tâm), đến bộ phận văn học dân tộc thiểu số (Thơ dân tộc Tày sau năm 1975 - Đỗ Thị Thu Huyền), đến bộ phận văn học miền Nam (Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết - Nguyễn Thị Phương Thúy viết chung với Võ Văn Nhơn), đến bộ phận văn học hải ngoại (Đề tài tha hương trong văn xuôi Việt đầu thế kỉ XXI - Lê Tú Anh). Từ thể loại tiểu thuyết (Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết - Cao Kim Lan), đến thể loại truyện ngắn (Truyện ngắn Việt Nam đương đại - diễn trình và động hướng - Lê Hương Thủy, Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - nhận diện và tương tác - Nguyễn Thị Năm Hoàng), đến thể loại thơ (Bày cuộc thơ - Đinh Thanh Huyền, Bản xo-nat thi caThơ Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát - Hoàng Thụy Anh, Thơ nữ Việt Nam hiện đại từ thế kỉ XX đến nay - Trần Hoàng Thiên Kim), đến thể loại trường ca (Trường ca Việt Nam hiện đại - diễn trình và thi pháp - Diêu Lan Phương). Từ các tác giả tác phẩm “trung ương” (Âm thanh của tưởng tượng Đọc một bài thơ - Lê Hồ Quang), đến các tác giả tác phẩm “địa phương” (Mạch ngầm con chữ, Những cánh đồng mang gương mặt người - Thy Lan/ Thanh Hóa, Cuộc phiêu lưu của chữ - Huỳnh Thu Hậu/ Quảng Nam, Tái sinh trong ánh sáng - Lương Kim Phương/ Hải Phòng). Từ văn học Việt Nam (như các công trình đã kể), đến văn học thế giới (Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận - Trần Huyền Sâm, Tự sự kiểu Mạc NgônDám ngoái đầu nhìn lại - Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nevermore, hồi ức đau buồn và bất tận - Hoàng Tố Mai, Nhà văn Nhật Bản thế kỉ XX - Đào Thị Thu Hằng, Người Mĩ da đen trong bản đồ văn học Mĩ - Nguyễn Thị Tuyết, Hơi thở nhẹ của ngôn từ - một cách hiểu Ivan Bunin - Đỗ Thị Hường)…

Dễ nhận thấy, các nhà nghiên cứu phê bình nữ nói chung và thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x nói riêng đã phát huy thiên tính nữ của mình khi làm nghề. Họ soi chiếu và giải phẫu các hiện tượng văn học nhiều khi bằng “điểm nhìn bên trong”, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Họ cẩn trọng, chừng mực trong việc đưa ra nhận định, đánh giá. Văn nghiên cứu phê bình của họ tinh tế, nhẹ nhàng, mềm mại.

Có thể minh chứng sinh động cho điều này bằng trường hợp Thanh Tâm Nguyễn với Bí mật tuổi trăng nonDòng chảy lấp lánh, hay trường hợp Trần Huyền Sâm với Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại.

Làm nên cái mùi chữ, vân chữ độc sáng của Thanh Tâm Nguyễn chính là một giọng nghiên cứu phê bình rất đỗi tự-nhiên-chân-thành. Mà làm nên cái giọng nghiên cứu phê bình tự nhiên chân thành rất Thanh Tâm Nguyễn này lại chính là nhờ cái tiêu-cự-gần, cái điểm-nhìn-bên-trong của chủ thể nghiên cứu phê bình. Sáng tác về, sáng tác cho tuổi trăng non thì đã có một “dòng chảy lấp lánh” hợp lưu cùng dòng chảy lịch sử văn học dân tộc, nhưng nghiên cứu phê bình về dòng chảy lấp lánh phơi mở những “bí mật tuổi trăng non” này thì có thể nói Thanh Tâm Nguyễn là một trong những người đầu tiên. Dân nghiên cứu phê bình thường ôm đồm, tham lam, nên cái nghiên cứu phê bình của họ bị tản mạn, manh mún, còn với Thanh Tâm Nguyễn là chị chuyên tâm chuyên chú vào một địa hạt duy nhất: mảng văn học viết về và viết cho thiếu nhi. Chị đã sống cùng mảng văn học này, bao sân chiếm sóng mảng văn học này, say mê hứng khởi, tận tâm tận lực nghiên cứu phê bình về mảng văn học này. Đến lượt, văn nghiên cứu phê bình của chị cũng là một “dòng chảy lấp lánh” trong đời sống nghiên cứu phê bình văn học hôm nay.

“Một thái độ không biết đến nữ quyền, lịch sử và phương pháp của nó, là một thái độ quá cao ngạo” (nhà văn, dịch giả, nhà phê bình nữ quyền Lý Lan). So với thế giới, ít ra trong tương quan với Pháp, việc nghiên cứu nữ quyền luận ở Việt Nam quá hạn hẹp. Cuốn sách Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại của Trần Huyền Sâm do vậy dự phần đáng kể trong việc đưa bạn đọc Việt Nam đến gần hơn với khuynh hướng phê bình nhân văn thú vị này. Bằng một phổ quan sát và diện khảo sát rộng, một thao tác, thái độ nghiên cứu, phê bình khoa học, nghiêm cẩn, Trần Huyền Sâm đã nỗ lực truy tầm, kiến giải cơ sở văn hóa, chính trị, triết mĩ khởi sinh tinh thần nữ quyền, văn học nữ quyền và phê bình nữ quyền, từ đó đặt chủ thể bản thân vào cuộc phiêu lưu để nếm trải cái nhân-vị-đàn-bà trong thế giới văn chương, của các nhà văn nữ đã và đang lưu dấu ấn sâu đậm nhất trên văn đàn Pháp (George Sand, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras…) cũng như văn đàn Việt Nam (Đoàn Lê, Y Ban, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp…), từ đó đi đến trừu xuất những luận điểm như: việc phóng chiếu trải-nghiệm-giới-tính vào sáng tác là điều không thể phủ nhận; những trang viết của các nhà văn nữ có thể xem là những bản trần tình của nữ giới; càng phát huy đặc trội về phái tính thì các nhà văn nữ càng tạo lập phong cách sáng tạo độc đáo của riêng mình… Nhiều người viết nghiên cứu phê bình cốt tải được ý mà không chú trọng nắn nót, sáng tạo câu chữ. Nhiều người lại say sưa “làm chữ” quá mức, dẫn đến làm mệt, làm khó người đọc trong việc nắm ý. Văn nghiên cứu phê bình của Trần Huyền Sâm “tròn vành rõ chữ”, giàu sức lôi cuốn. Phải chăng, đến lượt mình, những trang sách của chị cũng được viết bằng tất cả trải-nghiệm-giới-tính, bằng ngôn-ngữ-thân-thể như văn sáng tác của các nhà văn nữ mà chị đi sâu giải phẫu một cách hứng khởi, say mê?

Cũng dễ nhận ra những hạn chế của nghiên cứu phê bình nữ. Văn nghiên cứu phê bình của họ thường khi tròn trịa, “phải đạo”, thiếu giọng, ít góc cạnh, ít cá tính. Rất nhiều người trong số tác giả nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x không phải là nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp với nghĩa là chuyên tâm chuyên chú, xuất hiện thường xuyên đều đặn trên các diễn đàn. Những đầu sách đã xuất bản của các nhà nghiên cứu phê bình “không chuyên” này đa phần được “chuyển thể” từ luận văn, luận án, đề tài khoa học của họ. Vì “tiền thân” là luận văn, luận án, đề tài, nên những cuốn sách đó không nhiều hàm lượng tư kiến, chủ kiến, “của riêng” tác giả; nặng về hàn lâm nghiên cứu, ít bay bổng thăng hoa phê bình. Trong số nhà nghiên cứu phê bình 7x, 8x có thể gọi là chuyên nghiệp thì cũng rất hiếm người đủ chuyên sâu và thành tựu để có thể gọi là chuyên gia về một lĩnh vực hẹp nào đó… Trên mặt bằng chung đó, những “đốm sáng” như Dám ngoái đầu nhìn lại của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang hay Bày cuộc thơ của Đinh Thanh Huyền thực sự không nhiều. Những “của hiếm” này cho thấy sự thông tuệ lịch duyệt, sự dấn nhập thấu triệt cũng như sự độc lập tự chủ về tư duy, tri kiến, ngôn từ… của chủ thể nghiên cứu phê bình.

Có người cho rằng, dân sáng tác nữ thì có rất nhiều tên tuổi lớn, không hề kém cạnh dân sáng tác nam; riêng về nghiên cứu phê bình, so với phái nam thì phái nữ có phần “lép vế”. Nếu quan sát kĩ bức tranh văn học dân tộc cổ kim thì thấy nhận định này có vẻ có căn cứ. Chẳng hạn như, từ văn học trung đại đến văn học trước Đổi mới, nếu dễ dàng kể tên những nhà văn/ thơ nữ nổi bật như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đạm Phương nữ sĩ, Anh Thơ, Sương Nguyệt Ánh, Vân Đài, Mộng Tuyết, Cẩm Lai, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Xuân Quý, Lê Thị Mây…, hay những nhà nghiên cứu phê bình nam tiêu biểu như Lý Tế Xuyên, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Lê Hữu Trác, Phan Huy Chú, Miên Thẩm, Thiếu Sơn, Hải Triều, Nguyễn Văn Hạnh, Hoài Thanh, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Trung, Phan Ngọc…, thì lại rất khó trong việc kể tên một số nhà nghiên cứu phê bình văn học nữ. Hay, chẳng hạn như, nếu nhìn gần vào đội hình cầm bút thế hệ 7x, 8x nói chung, sẽ thấy tên tuổi những nhà nghiên cứu phê bình nữ có phần mờ nhạt hơn so với những nhà văn/ thơ nữ như Đỗ Bích Thúy, Phan Huyền Thư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Tống Ngọc Hân, Vi Thùy Linh…, hay những nhà văn/ thơ nam như Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang…, hay thậm chí những nhà nghiên cứu phê bình nam như Trần Ngọc Hiếu, Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế, Hoài Nam, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Cao Việt Dũng…

Vượt lên những giới hạn chủ quan và khách quan, những cây bút nghiên cứu phê bình nữ nhiều thế hệ đã dấn nhập, đặc biệt là sống trải với văn chương cùng thời, can dự vào diễn trình và động hướng của văn học dân tộc, và cả văn học thế giới. Những năm gần đây, một số giải thưởng văn học nghệ thuật uy tín đã vinh danh nhà nghiên cứu phê bình nữ. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 xướng tên Lê Hồ Quang với tác phẩm Âm thanh của tưởng tượng; năm 2016: Trần Huyền Sâm với tác phẩm Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại; năm 2018: Trần Thị Phương Phương với tác phẩm Văn học Nga hiện đại - những vấn đề lí thuyết và lịch sử; năm 2019: Lý Hoài Thu với tác phẩm Những sinh thể văn chương Việt. Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 chỉ trao giải thưởng chính thức cho công trình nghiên cứu phê bình Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của Nguyễn Thị Phương Thuý (viết chung với Võ Văn Nhơn). Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng trao giải B cho tác giả Tôn Phương Lan với tác phẩm Âm vang từ chiến tranh. Giải thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 đã trao giải Xuất sắc cho tác phẩm Dòng chảy lấp lánh của Thanh Tâm Nguyễn… Đây có thể coi là một trong những chỉ dấu khẳng định sự hiện diện với ít nhiều uy tín nghề nghiệp của nghiên cứu phê bình nữ nói chung, nghiên cứu phê bình nữ thế hệ 7x, 8x nói riêng trong đời sống văn học hôm nay.

---------

Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V

Nguyễn Đình Thi - Một thế kỷ nhớ về một tài hoa

Nguyễn Đình Thi - Một thế kỷ nhớ về một tài hoa

Baovannghe.vn - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Thi, chúng ta tưởng nhớ và tri ân một cây đại thụ của văn học Việt Nam. Những đóng góp của ông không chỉ làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ tiếp bước. Ông ra đi, nhưng tên tuổi và những tác phẩm của ông mãi là niềm tự hào của dân tộc.
Thời hiệu em - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Thời hiệu em - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Baovannghe.vn- Ta mòn biển/ Ta cũ sông/ Ta nhàu nhĩ lọc/ Mơ dòng nguyên sinh.
Sự trở lại của Musique De Salon 14

Sự trở lại của Musique De Salon 14

Baovannghe.vn - Chương trình âm nhạc Musique De Salon 14 chủ đề "Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Đức Trí, được đánh giá cao ở chất lượng âm nhạc, chiều sâu nghệ thuật
Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà văn Nguyễn Đình Thi được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 20/12 tại trụ sở Hội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu- Hà Nội)
Quân đội nhân dân Việt Nam - niềm tự hào của nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam - niềm tự hào của nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Văn nghệ trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương